Thầy Văn tuyên bố trước lớp, tuần sau, thầy có một giờ giảng mẫu, đến dự giờ không chỉ bao gồm giáo viên trong thành phố của họ, mà còn từ các thành phố khác như Tô Châu, Vô Tích, Nam Thông, Liên Vân… Mọi người luân phiên dự giờ, rồi lại luân phiên thực hiện giờ giảng mẫu, lần lượt di chuyển hết thành phố này đến thành phố khác, đây thực sự là một cuộc so tài có một không hai của các giáo viên ngữ văn xuất sắc ở cấp tiểu học. “Vì thế,” thầy Văn nói một cách trịnh trọng, “giờ giảng mẫu tuần sau rất quan trọng, cực kỳ quan trọng, không chỉ liên quan đến danh dự của một mình thầy, mà còn liên quan nhiều hơn đến danh dự của nhà trường, thậm chí là của toàn thành phố chúng ta. Giờ giảng mẫu nhất định phải thực hiện tốt. Dù thế nào cũng phải tiến hành một cách hoàn hảo nhất. Không tốt cũng phải tốt.”
Thiện Minh Minh nghe mà thấy lạ: Sao lại không tốt cũng phải tốt? Chẳng phải câu nói này rất mâu thuẫn sao? Nếu nó viết câu này trong bài tập làm văn, chắc chắn thầy Văn sẽ dùng bút đỏ đánh dấu thật đậm, rồi vẽ một dấu “x” thật to, sau đó sẽ viết lời phê hai từ như rồng bay phượng múa: “Không thông!” Làm người lớn chính là ngang ngược như thế, việc không cho trẻ con làm, chính mình lại có thể mặc sức mà làm.
Sau khi thầy Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của giờ giảng mẫu, thầy hiệu trưởng lại đích thân đến động viên cả lớp. Thầy hiệu trưởng nói với vẻ tưởng như vô tư nhưng không kém phần khéo léo, đại ý nhà trường giao nhiệm vụ vinh quang mà nặng nề này cho lớp 6A3 là vì tin rằng học sinh lớp 6A3 có trình độ như thế, cũng có tố chất như thế, sẽ không làm thầy cô và nhà trường phải hổ thẹn. Đổi sang một lớp khác, thầy sẽ chẳng yên tâm như vậy. Thầy hiệu trưởng còn nói, không dễ dàng gì mới cố gắng giành được cơ hội thực hiện giờ giảng mẫu lần này, đây là giờ học mẫu của toàn tỉnh, trước đây đều do các trường nổi tiếng như trường tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm, trường tiểu học Bắc Kinh Đông Lộ gánh vác trách nhiệm, nên mọi người nhất quyết không được lơ là. Màn dặn dò của thầy hiệu trưởng khiến cả lớp vừa hào hứng vừa lo lắng, trong phút chốc, ai cũng có cảm giác bản thân chẳng khác nào một nhân vật anh hùng phải gánh vác trọng trách vá trời lấp bể.
Giờ giảng mẫu năm nào cũng có, đều đặn chẳng khác gì ngày Tết Thiếu nhi mùng 1 tháng Sáu. Từ lớp một đến lớp sáu, Ngữ văn, Toán học, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Mỹ thuật,… hết môn này đến môn khác, giáo viên và học sinh đều từng trải qua cả trăm trận chiến, ai nấy đều hình thành bản lĩnh cứng cáp ứng phó với giờ giảng mẫu. Trình tự không có gì thay đổi, luôn là: Lựa chọn một bài nổi bật nhất trong sách giáo khoa kỳ này, cả lớp chuẩn bị trước, sau đó phân công nhiệm vụ: Ai đọc bài văn, ai trả lời câu hỏi nào, ai lên bảng viết câu trả lời, ai là người tổng kết quy nạp cuối cùng. Giơ tay ai ai cũng phải giơ, nhưng yên tâm, giơ tay chỉ mang tính hình thức, bạn hiểu hay không hiểu đều chẳng sao hết, nếu không được phân công nhiệm vụ trước thì dù bạn có giơ tay cao vút trời, giáo viên cũng sẽ không gọi bạn trả lời, bạn chẳng qua cũng chỉ là một đạo cụ để khuấy động bầu không khí sôi nổi trong lớp mà thôi.
Chỉ khác là, những giờ giảng mẫu trước đây đều không lừng lẫy tiếng tăm như lần này, trước đây chỉ có các giáo viên trong quận đến dự, cùng lắm là thêm sự góp mặt của một, hai lãnh đạo phòng giáo dục, họ ngồi trên mấy chiếc ghế được kê tùy tiện nơi cuối lớp. Trong lúc thầy cô giảng bài, họ chỉ nghe, không nói một lời nào, ghi ghi chép chép vào một cuốn sổ nhỏ. Lúc học sinh làm bài tập tại lớp, họ sẽ đi dọc theo lối giữa các dãy bàn, khom người, nghiêng đầu nhìn xem học sinh đang viết gì trong vở bài tập, chữ viết ngay ngắn hay không, thái độ nghiêm túc hay không. Sức nóng từ hơi thở của họ nhẹ nhàng phả lên đầu học sinh, khiến chúng đều cảm thấy chút buồn buồn, âm ấm trên đỉnh đầu, lúc này, mỗi học sinh đều ngồi thẳng lưng, mắt nhìn chăm chú vào bài, đưa từng nét bút dứt khoát, nắn nót, mỗi con chữ viết ra đều vuông vức, ngay ngắn, lực ấn bút mạnh đến nỗi chữ hằn cả lên mặt sau trang vở. Lần giảng mẫu này không tiến hành ở phòng học thường mà đổi sang giảng đường lớn, học sinh ngồi trên những dãy bàn mà dãy sau cao hơn dãy trước, phía trước phía sau, bên trái bên phải toàn là thầy cô giáo xa lạ đến từ khắp các miền Nam Bắc, người học còn không đông bằng người đến nghe, khung cảnh này chưa ai từng trải qua. Bầu không khí của lớp 6A3 trường tiểu học Trường Hồng Lộ bắt đầu trở nên căng thẳng.
Bài học được thầy Văn lựa chọn là tác phẩm truyện ngắn Vanka của đại văn hào người Nga Anton Pavlovich Chekhov. Câu chuyện rất cảm động: Một cậu bé chín tuổi con nhà nông được gửi đến học nghề trong một cửa hàng giày ở thành phố, cậu bị đánh bị mắng, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, cô đơn và côi cút. Đêm Noel một mình trông cửa hàng, nước mắt lưng tròng, cậu viết thư cho ông nội ở quê, cầu xin ông nội đón cậu về nhà. Nhưng vì cậu còn quá nhỏ, không biết cách gửi thư, địa chỉ chưa viết rõ ràng đã gửi thư đi. Kết quả đương nhiên sẽ là ông nội không bao giờ biết được hoàn cảnh đáng thương của cậu, chẳng ai cứu cậu khỏi cảnh lầm than cực khổ.
Sau khi đọc xong bài văn, Chu Học Hảo nói với Thiện Minh Minh: “Tớ… tớ… tớ… thích câu chuyện này quá, ông nội tớ cũng… cũng… cũng… ở dưới quê, tớ… tớ… tớ… cũng nhớ ông giống như Vanka.”
Ông nội của Chu Học Hảo, Thiện Minh Minh đã từng gặp, đúng lúc diễn ra đại hội thể dục thể thao của học sinh tiểu học toàn thành phố thì ông lên thăm con cháu, ông mặc một bộ đồ màu xám đen, đi một đôi giày vải miệng tròn, lưng còng gập xuống, đi bộ mà trông cứ như đang tìm thứ gì trên đất. Chu Học Hảo nói, trước đây, ông nội nó gánh nặng quá, áp lực lớn nên lưng mới còng như vậy. Ông nội nuôi bố nó và cô nó học đến đại học, thật chẳng dễ dàng gì. Lúc Chu Học Hảo lên năm tuổi, bởi vì quá nghịch ngợm, bố mẹ không có nhiều thời gian trông nom, nên đã gửi nó về quê sống với ông; khi nó bảy tuổi, bố mẹ mới đón về đi học. Chu Học Hảo đã sống hai năm tuổi thơ tự do tự tại ở bên cạnh ông nội dưới quê, nên có tình cảm đậm sâu với ông, đến nỗi lúc bố đón nó về, nó đạp, nó cắn, khóc lóc thảm thiết, chẳng khác gì con lợn con đáng thương sắp bị bán đi. Chu Học Hảo từng kể cho Thiện Minh Minh nghe về quãng thời gian đầy trải nghiệm này, nên Thiện Minh Minh có thể hiểu Chu Học Hảo, nó có tình cảm đặc biệt với tác phẩm Vanka cũng là điều bình thường.
Sau khi giới thiệu về tác giả và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, giải thích từ mới trong bài, chia nhỏ từng đoạn rồi khái quát đại ý và tư tưởng chính của mỗi đoạn, thầy Văn bắt đầu phân công nhiệm vụ trả lời câu hỏi cho cả lớp. Đầu tiên, thầy cần xác định ứng cử viên cho phần “đọc diễn cảm”. Bởi vì bài văn có tình tiết, nội dung phong phú, tình cảm dạt dào, người đọc bài sẽ phải đọc sao cho truyền cảm, tốt nhất còn phải mang chút màu sắc như diễn kịch nói thì mới có thể tạo ra hiệu quả. Trong giờ giảng mẫu này, học sinh đầu tiên đứng lên lộ diện rất quan trọng, như kiểu “phát súng quyết định”, phần thể hiện của học sinh đó tốt hay không sẽ quyết định toàn bộ không khí và hiệu quả của giờ học sau đó.
Sau khi quét ánh mắt qua cả lớp, không chút do dự, thầy Văn dừng lại ở chỗ Thái Dương. “Bạn Thái Dương đảm nhiệm phần đọc diễn cảm nhé. Thái Dương là diễn viên của đoàn nghệ thuật Hoa Hồng Nhỏ, có kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu, tiếng phổ thông chuẩn xác, phát âm rõ ràng, biểu cảm phong phú, bạn ấy đọc diễn cảm, chắc chắn sẽ thành công.”
Chu Học Hảo ngồi trên ghế, nhăn chán chau mày đầy đau khổ, nhấp nha nhấp nhổm, cặp mông hết di sang trái lại di sang phải cứ như thể công cuộc nhịn tè đang đến hồi gay cấn, hơn nữa, mặt nó đỏ mọng lên, đôi mắt tội nghiệp tha thiết nhìn thầy, muốn nói nhưng lại không dám mở lời.
Thầy Văn liếc qua nó với vẻ không hài lòng: “Chu Học Hảo, nếu thật sự không nhịn được nữa thì em ra ngoài đi. Nhưng thầy phải nói rõ một điều, trong giờ giảng mẫu, em không được phép chơi bài này đâu đấy, buổi sáng ngủ dậy uống ít nước thôi, trước giờ học nhất định phải đi vệ sinh một lần.” Ánh mắt thầy di chuyển từ chỗ Chu Học Hảo sang cả lớp, nét mặt uy nghiêm và trịnh trọng, “không chỉ bạn ấy, tất cả học sinh trong lớp đều phải ghi nhớ điều này, đây là nội quy kỷ luật.”
Chu Học Hảo chầm chậm đứng dậy, lắp bắp nói: “Thưa thầy, em… em… em… không phải là muốn đi tiểu tiện, em… em… em…”
Thầy Văn cau mày: “Em muốn làm gì?”
“Em… em… em…” Nó dừng lại một lúc, mím môi thật chặt như để lấy động lực, nặn ra một câu: “Em… em… muốn đọc bài.”
Tiếng nói vừa dứt, lớp học rộ lên một tràng cười lớn. Tả Phàm Binh cười đến nỗi toàn thân nghiêng ngả, bò cả ra bàn, nước miếng cũng chảy ra theo. Lã Hiểu Hiểu tranh thủ lật đổ cả chiếc ghế của mình, ngồi phịch xuống đất, rồi đứng lên xoa xoa mông đầy khoa trương, nụ cười khoe không thiếu cái răng nào. Thái Dương lại không cười, nó thầm kiêu ngạo, ngồi thẳng lưng, giữ bằng vai, lông mày nhướn cao, khóe môi bĩu xuống, cả khuôn mặt toát lên vẻ mỉa mai và xem thường.
Thiện Minh Minh không kiềm chế được, gào lên thật to hòng giải vây cho bạn của mình: “Cười cái gì mà cười? Có cái gì đáng cười hả?”
Tả Phàm Binh thở hổn hển, giọng nói run run ngắt quãng, tay chỉ về Chu Học Hảo: “Cậu… lắp bắp… như thế… còn muốn… đọc diễn cảm bài văn? Cậu kể… chuyện đùa… cấp quốc tế đấy à?”
Chu Học Hảo nhìn thầy Văn Nhất Đào như van nài: “Em… em… em… không nói đùa… đùa… đùa… đâu, em thật… thật… thật… sự muốn đọc… đọc bài văn.”
Thiện Minh Minh cúi đầu, cảm thấy buồn thay cho người bạn thân. Bởi vì căng thẳng, lúc này, Chu Học Hảo càng nói lắp nhiều hơn, rõ ràng còn chẳng nối được thành câu, Thiện Minh Minh cảm thấy mất sức thay nó. Thiện Minh Minh thầm nghĩ, lần này, nó đúng là không biết tự lượng sức mình rồi, để nó đọc bài thì đúng là cả lớp đều mất mặt.
Thầy Văn nghiêng đầu, quan sát thật kỹ vẻ mặt cũng như thần thái của Chu Học Hảo, cuối cùng quyết định không làm tổn thương lòng tự trọng của học sinh. Thầy Văn vui vẻ đưa tay ra: “Được, em có thể thi đua với Thái Dương để giành suất chính. Bây giờ, mời em thử đọc đoạn đầu, nếu đọc tốt, các bạn trong lớp đều đồng loạt thông qua, ứng viên cho nhiệm vụ đọc diễn cảm sẽ chuyển sang em. Được không?”
Chu Học Hảo thật sự quyết tâm bằng mọi giá rồi! Xem ra, đúng là nó rất thích bài văn này! Một học sinh chưa bao giờ giơ tay phát biểu trong giờ học như nó giờ đây dũng cảm đứng lên, tay run run cầm sách giáo khoa, miệng bắt đầu đọc: “Ba… ba… ba… tháng trước, cậu bé chín tuổi Van… Van… Van… Vanka… Zhukov… bị… bị… bị…. bị đưa đến…”
Tiếp theo đó, Chu Học Hảo đọc cái gì chẳng ai nghe thấy nữa, bởi vì lớp học đang rung chuyển bởi những tràng cười ngặt nghẽo, ai ai cũng nghiêng ngả trước sau, có đứa lau nước mắt, có đứa xoa bụng, có đứa đập bàn, sảng khoái hơn cả xem phim hài của Châu Tinh Trì. Không nhịn nổi, Thiện Minh Minh cũng đang cười, chỉ có điều, nó ra sức mím môi, mắt mở thật to, không để bật ra thành tiếng, sợ Chu Học Hảo nghe thấy sẽ đau lòng.
Chu Học Hảo đáng thương ngẩng đầu lên, mặt trắng nhợt, lấm lét nhìn thầy giáo như thể vừa làm sai chuyện gì, đang đợi bị xử phạt. Bây giờ, nó cũng biết bản thân mình không phải ứng viên phù hợp.
Nhưng thầy Văn lại không hề trách nó. Một người như thầy Văn, trước nay luôn giữ thái độ tương đối khoan dung với học trò, thầy cho phép lũ trẻ thỉnh thoảng mắc chút lỗi nhỏ. Thầy tươi cười nói: “Chu Học Hảo, em ngồi xuống đi. Em muốn đọc bài một lần để chứng minh năng lực của bản thân, đúng không? Được thôi, thầy nhớ rồi, lần sau, khi chúng ta học bài tiếp theo mang tên Thiên đường của các loài chim, thầy sẽ mời riêng em đọc diễn cảm.”
Thầy Văn không nói Chu Học Hảo có thể đọc bài Vanka, nhưng cũng không nói nó không thể. Thầy không kết luận đúng sai, chỉ đưa ra lời hứa “lần sau”. Đây là chiến lược nói chuyện của người lớn để Chu Học Hảo không bị mất mặt trước các bạn khác.
Chu Học Hảo sững người một lát, sau đó, giống như trái bóng bay xì hơi, toàn thân nó nhũn ra, đổ xuống ghế ngồi, đầu vùi vào trong khuỷu tay, không hề nhúc nhích.
Cho đến tận khi chuông báo hết giờ reo lên, Chu Học Hảo vẫn không nhúc nhích, dường như nó chẳng hề thay đổi tư thế chút nào. Ngồi một mình mãi cũng chán, Thiện Minh Minh liền ra sức huých khuỷu tay Chu Học Hảo, rồi áp sát vào tai nó và gọi: “Chu Học Hảo! Chu Học Hảo!”
Chu Học Hảo rướn cổ vào sâu hơn, quyết không ngẩng lên, mặc kệ bạn.
Thiện Minh Minh không biết phải khuyên người bạn thân của mình ra sao, hậm hực nói: “Cậu tức cái gì chứ? Có gì ghê gớm đâu? Không cho cậu đọc thì không đọc nữa! Nếu là tớ, mời tớ đọc tớ còn chẳng thèm đọc này.”
Vừa nghe những lời này, Chu Học Hảo liền ngẩng đầu, nổi khùng lên, hét vào mặt Thiện Minh Minh đầy hung dữ: “Cậu hiểu cái gì chứ? Cậu chả hiểu cái gì hết! Tớ muốn đọc Vanka! Muốn đọc! Muốn đọc!”
Thiện Minh Minh chớp mắt, há hốc miệng, chết lặng vì ngạc nhiên. Trong ấn tượng của nó, Chu Học Hảo trước nay luôn là đứa nhu nhược, sợ việc, lúc nào cũng bám sau nó nửa bước không rời, tình huống phản kháng hay cãi tay đôi như thế này chưa bao giờ xảy ra. Thiện Minh Minh còn thấy giọng điệu của Chu Học Hảo có phần xa lạ, kỳ cục, như thể nó đã biến thành một người hoàn toàn khác chỉ trong nháy mắt. Nhưng nó lại không nghĩ ra rốt cuộc kỳ quái ở điểm nào.
Đỗ Tiểu Á ở bên tai lên tiếng gợi ý cho nó: “Thiện Minh Minh, cậu không nghe ra à? Vừa rồi, Chu Học Hảo nói không hề lắp bắp chút nào.”
Thiện Minh Minh chợt bừng tỉnh, như được luồng ánh sáng trí tuệ chiếu rọi, nó nhảy bật lên, đấm nhẹ vào người Chu Học Hảo: “Chu Học Hảo, cậu không nói lắp nữa rồi!”
Chu Học Hảo trợn tròn mắt: “Hả?”
Thiện Minh Minh vui vẻ nhắc lại câu nói ban nãy: “Cậu không nói lắp nữa rồi! Cậu không hề lắp bắp chút nào nữa rồi!”
Chu Học Hảo không dám tin: “Thật… thật… thật… á? Tớ… tớ… tớ… thật sự không nói lắp nữa sao?”
Thiện Minh Minh ủ rũ ngồi xuống, giọng oán hờn: “Chả vừa nói lắp đấy còn gì, sao cậu lại nói lắp được nhỉ?”
Chu Học Hảo xị mặt, mếu máo: “Tớ… tớ… tớ… là như vậy, tớ… tớ… tớ… không thể không nói lắp, không bao giờ không… không… không… thể. Tớ… tớ… là đồ bỏ đi.”
Thiện Minh Minh cảm thông, an ủi bạn: “Thôi, kệ đi, nói lắp thì có gì khủng khiếp đâu, nói ít đi là được mà. Ít nhất cậu vẫn sướng hơn người câm điếc đúng không? Chẳng phải người câm điếc họ vẫn sống bình thường đó sao?”
Chu Học Hảo không nói gì, di mạnh móng tay xuống sách giáo khoa, khiến chỗ trống còn lại của bài Vanka chằng chịt vô số đường ngang dọc.
Hôm đó, tan học về nhà, Chu Học Hảo không chịu ăn cơm, ngồi một mình trong góc phòng gặm nhấm nỗi ấm ức. Mẹ nó đang nấu món cá hoa vàng xốt giấm, mùi giấm nồng đượm xen lẫn mùi cá thơm phức thật khiến người khác ngất ngây. Mẹ nó vừa thả nhúm rau mùi vào chảo vừa gọi: “Con trai, mau lại đây nếm thử, xem tay nghề của mẹ thế nào?”
Chu Học Hảo trơ ra đó, cố gắng cưỡng lại sự mê hoặc của món cá hoa vàng, không thèm lên tiếng.
Mẹ Chu Học Hảo hoảng hốt, vội vàng tắt bếp, lao đến sờ trán nó: “Con trai, con sao thế? Có phải bị sốt, bị ốm rồi không? Con không muốn ăn à?”
Chu Học Hảo gạt phắt tay mẹ ra: “Mẹ… mẹ… mẹ… nói xem, tại… tại… sao lại sinh con ra là đứa nói lắp?”
Mẹ ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì: “Con là con trai mẹ, mẹ sao có thể cố ý sinh ra con để con thành đứa trẻ nói lắp chứ?”
Chu Học Hảo nước mắt đầm đìa, nói: “Con… con… con… nói lắp, các bạn đều coi… coi… coi… thường con, thầy… thầy… thầy… giáo cũng không để con đọc bài văn.”
Mẹ nó thần người trong thoáng chốc, cuối cùng đã hiểu ra nguyên nhân tại sao cậu con trai đau lòng như thế. Thế nên, người làm mẹ cũng xót xa theo. Cô quay người, lao về phía bố Chu Học Hảo đang đọc báo, hét lên: “Đều tại anh đòi đưa con trai về quê! Anh đã để cho người bố nói lắp của anh làm hỏng con em rồi! Tất cả là tại miền quê làm hại người khác của anh!”
Bố Chu Học Hảo rời mắt khỏi tờ báo: “Sao có thể trách anh chứ? Lúc đó, tại em một lòng một dạ muốn phấn đấu lên trưởng phòng, chê con trai làm vướng chân em, anh không đưa con về quê thì còn có thể đưa đi đâu? Cho nó đi làm con nuôi à?”
Mẹ Chu Học Hảo lườm một cái sắc như dao: “Ai biết bệnh nói lắp cũng lây? Đúng là ông già hại người!”
Chu Học Hảo nhảy dựng lên: “Mẹ không… không… không… được mắng ông nội!”
Mẹ nó hất mặt hậm hực: “Không mắng ông ấy? Mẹ còn hận ông ấy chết đi được! Con ở với ông ấy hai năm, bị nhiễm cái thói dở hơi này, cả đời rồi sẽ bị người khác bắt nạt! Mẹ nói cho con biết, mẹ hận ông già đó!”
Bất thình lình, Chu Học Hảo túm chặt hai cánh tay mẹ, thúc đầu vào ngực mẹ, chẳng khác nào con bò tót mắt đỏ ngầu tức giận, đẩy mẹ vào tưởng, ghì chặt không cho mẹ cử động, nghiến răng kèn kẹt và nói: “Mẹ… mẹ… mẹ… còn mắng ông nội nữa, con… con… con… sẽ không nhận mẹ nữa, con sẽ đoạn… đoạn… đoạn… tuyệt quan hệ với mẹ!”
Mẹ Chu Học Hảo sững người, há hốc miệng nhìn con trai, không nói nên lời.
Trong giờ Ngữ văn ngày hôm sau, thầy Văn yêu cầu những học sinh sẽ phát biểu trong giờ giảng mẫu diễn tập thử một lần. Đầu tiên, thầy gọi tên Thái Dương để nó thử đọc diễn cảm bài văn. Khẽ nhếch môi cười, Thái Dương đứng lên một cách tự tin, giống hệt như lúc lên sân khấu biểu diễn, ánh mắt đảo một lượt khắp bốn phía trước sau, trái phải, sau đó, nó cầm sách lên, lật đến trang có bài Vanka, tạo dáng đứng đẹp mắt, đầu hơi nghiêng nghiêng, cất giọng đọc thật sống động:
Ba tháng trước, cậu bé Vanka Zhoukov chín tuổi được gửi đến chỗ ông thợ giày Aliakhin để học việc. Đêm Giáng sinh, cậu không ngủ trên giường. Đợi đến khi ông chủ, bà chủ cùng mấy người thợ đã đi lễ nhà thờ buổi sớm, cậu lấy ra một lọ mực nhỏ và một cái bút máy đã gỉ ngòi từ trong chiếc tủ đứng của ông chủ, sau đó trải phẳng một tờ giấy trắng nhàu nhĩ trước mặt mình, bắt đầu viết…”
Nghe đến đây, Chu Học Hảo mặt đỏ ửng, nó bất chấp tất cả, giơ tay thật cao, cặp mông nhấc khỏi ghế, nửa thân trên nghiêng nghiêng như lơ lửng trong không trung, miệng còn phát ra những tiếng ậm ừ đầy sốt ruột.
Thầy Văn vẫy tay về phía Thái Dương, ra hiệu cho nó tạm dừng lại, hất hàm về phía Chu Học Hảo: “Em muốn nói gì?”
Chu Học Hảo đứng dậy, mặt đỏ tía tai: “Bạn… bạn… bạn… ấy đọc không đúng!”
Thái Dương lập tức quay đầu, nhìn Chu Học Hảo đầy tức giận, miệng liến thoắng phản bác: “Tớ không đúng chỗ nào? Sai ở đâu nào? Tớ nói cho cậu biết, mỗi từ mới tớ đều tra từ điển rồi, cậu không thể tìm ra lỗi sai đâu!”
Chu Học Hảo nói: “Cậu… cậu… cậu…” Nó càng căng thẳng, tật nói lắp càng nghiêm trọng, cặp môi mấp máy như con sò, nhưng lại chẳng thể nặn ra tiếng sau đó.
Thái Dương được thể lấn tới: “Không chỉ ra được đúng không? Là do cậu ghen tị! Thầy Văn không để cậu đọc bài nên cậu không vui!” Nó nói rồi đánh mắt sang nhìn thầy Văn, hy vọng nhận được sự ủng hộ của thầy.
Thầy Văn dịu dàng nhìn Chu Học Hảo, nhẹ nhàng nói: “Chu Học Hảo, em đừng vội, cứ từ từ nói, Thái Dương đã đọc sai chỗ nào?”
Chu Học Hảo mồ hôi đầm đìa, nặn ra được một câu: “Cậu… cậu… cậu… ấy không giống Vanka!”
Đôi mắt thầy Văn chợt sáng rực lên, thầy đập nhẹ tay xuống bàn giáo viên: “Đúng rồi! Các em bao nhiêu người như thế mà không cảm nhận được, vậy mà Chu Học Hảo lại nhận ra, điều này cho thấy bạn ấy là người rất chú ý, bạn ấy đã thật sự đọc hiểu Vanka. Các em nghĩ xem, Vanka là cậu bé nông thôn côi cút, cô đơn, học việc nơi thành phố, chịu đủ mọi ức hiếp, thật sự không thể chịu đựng được nữa mới viết thư cầu cứu ông nội, hy vọng ông nội có thể cứu mình ra khỏi bể khổ. Lá thư của cậu không phải để làm nũng ông nội, mà để tố cáo, cầu cứu, từ nào cũng thấm đẫm nước mắt, câu nào cũng nhuộm đỏ màu máu! Các em thử nghĩ mà xem, đứng từ góc độ của Vanka, đặt mình vào vị trí của Vanka, bài văn này sẽ phải đọc bằng ngữ điệu và cảm xúc như thế nào? Nên đọc với giọng xót thương đau buồn hay là ngọt ngào nũng nịu như của Thái Dương lúc nãy?”
Không khí trong lớp học bỗng trầm hẳn, chẳng ai nói gì, chỉ âm thầm trăn trở đi tìm giọng điệu của Vanka.
Thầy Văn nhìn Thái Dương đang hậm hực không phục: “Em hãy thử lại một lần nữa xem sao.”
Lần này, Thái Dương đã nghiêm túc bồi đắp cảm xúc rồi đọc lại đoạn:
“Ông nội Konxtanchin Makarut thân mến!” Cậu viết, “cháu đang viết thư cho ông đây. Chúc ông đón một Giáng sinh an lành, mong Thượng đế bảo vệ để ông có được mọi điều như ý. Cháu không còn bố, chẳng còn mẹ, chỉ còn lại một mình ông là người thân mà thôi.” Vanka nhìn ra khung cửa sổ tối om, ô kính cửa sổ phản chiếu bóng cây nến của cậu. Cậu xúc động hồi tưởng lại bóng hình của ông nội Konxtanchin Makarut, người đang làm gác cổng đêm cho nhà Juvarep.
...
Thầy Văn thở dài, đưa tay lên, rồi ra sức vẫy xuống. “Thôi, không cần đọc nữa, cảm giác em mang đến cho mọi người vẫn không phải là của Vanka, mà là của một cô bé có cuộc sống đầy đủ và thích làm nũng. Thầy không muốn em làm mất thêm thời gian của cả lớp nữa, về nhà hãy suy nghĩ thêm nhé.”
Tiếp đó, thầy gọi Lâm Kỳ, bảo nó trả lời câu hỏi liên quan đến cách chia đoạn.
Nhìn Thái Dương ỉu xìu ngồi xuống, khuôn mặt lúc đỏ ửng lúc trắng bệch, không hiểu tại sao trong lòng Thiện Minh Minh lại cảm thấy rất thoải mái.
Hết giờ, Thái Dương bổ nhào đến chỗ ngồi của Chu Học Hảo, gào lên đầy tức giận: “Chưa từng gặp ai đáng ghét như cậu! Bản thân mình nói lắp, không đọc nổi bài, lại còn ghen tị với người khác, soi mói người khác!”
Chu Học Hảo giải thích: “Tớ… tớ… tớ… không soi mói, tớ thật… thật… thật… sự cảm thấy…”
Thiện Minh Minh cắt ngang lời nó: “Chu Học Hảo, cậu sợ gì cậu ta? Soi mói thì sao nào? Cậu ta là hoàng hậu hay công chúa? Lẽ nào không thể nói hay không thể sờ?”
Thái Dương có phần kiêng dè Thiện Minh Minh, không dám nói tiếp, bèn hếch mũi vênh mặt đi ra khỏi lớp.
Thiện Minh Minh quay đầu, trách Chu Học Hảo: “Cậu nghiêm túc như thế làm gì chứ? Cậu ta đọc ỏn ẻn thì kệ cho cậu ta đọc, liên quan gì đến cậu chứ? Cậu có làm giáo viên, cậu có giảng mẫu đâu hả?”
Chu Học Hảo trả lời với vẻ mặt cố chấp: “Các cậu… cậu… cậu… đều không nghe ra cậu ấy đọc không đúng, nhưng tớ… tớ… tớ… nghe ra được. Ông nội của Van… Van… Vanka mới giống ông nội tớ… tớ… biết bao! Ông nội của Vanka có hai… hai… hai… con chó, ông nội tớ có một con. Mùa đông, ông nội của Van… Van… Vanka đưa Vanka đi chặt cây thông Noel, mùa hè, ông nội tớ đưa tớ đi câu cá. Ông nội tớ… tớ… tớ… cũng thích hút thuốc, cũng ho, dạy… dạy… dạy… tớ học đếm. Tớ… tớ… nhớ ông nội tớ quá, nhớ quê quá…” Chu Học Hảo nói, mắt bắt đầu đỏ dần lên.
Không thể chịu nổi cảnh người khác rơi nước mắt, Thiện Minh Minh vừa nhìn thấy mắt Chu Học Hảo đỏ hoe, liền cảm thấy bứt rứt trong người, nên nó vội vàng viện cớ, chuồn ra khỏi lớp học.
Ngoài hành lang đông đúc những tốp học sinh của mấy lớp khác nhau, có tốp đá cầu, có tốp co một chân nhảy đi nhảy lại chơi trò “đá gà”, có tốp hùng hồn tranh luận về chương trình ti vi tối qua, có tốp bò ra lan can ngắm cảnh, một khung cảnh thật náo nhiệt. Lã Hiểu Hiểu cầm xấp tranh “thánh đấu sĩ” đi tìm người trao đổi, nhìn thấy Thiện Minh Minh, vội bám theo. Thiện Minh Minh nói: “Biến!” Lã Hiểu Hiểu hét lên: “Cậu làm cái gì, làm cái gì đấy? Lúc cậu ốm ở nhà, tớ còn đi thăm cậu, còn mang tặng cậu hai quả táo đó.” Thiện Minh Minh đáp lời nó: “Lần sau cậu ốm, tớ cũng đi thăm cậu một lần, mang theo ba quả táo.” Lã Hiểu Hiểu chẳng còn gì để nói, lùi người về phía lan can, trông rất ấm ức.
Thiện Minh Minh đi thẳng đến chỗ không có người nào ở đầu kia hành lang, quay mặt hỏi Đỗ Tiểu Á trên vai: “Cậu nói xem phải làm sao bây giờ? Chu Học Hảo cứ buồn bã trong lòng, tớ không muốn cậu ấy như thế, tớ muốn cậu giúp cậu ấy.”
Đỗ Tiểu Á vui vẻ trả lời: “Vậy chúng mình giúp cậu ấy thôi.”
“Nhưng giúp thế nào chứ?” Thiện Minh Minh hỏi mơ hồ: “Là Chu Học Hảo muốn đọc bài Vanka chứ có phải tớ đâu. Không thể nào là tớ đọc thay cậu ấy chứ? Hơn nữa, tớ cũng có đọc tốt đâu, tớ còn chưa bao giờ đọc bài trong giờ giảng mẫu nữa.”
Đỗ Tiểu Á nghĩ một lúc: “Không sao, cậu cứ làm thế nào để cậu ấy mạnh dạn giơ tay trong giờ giảng mẫu là được, tớ sẽ có cách.”
Thiện Minh Minh nửa tin nửa ngờ, nó cảm thấy việc này không đơn giản như việc biến cua sống thành cua chết, dù gì cũng liên quan đến những ba con người là Chu Học Hảo, thầy Văn và Thái Dương. Thêm vào đó, nhỡ chẳng may Chu Học Hảo nói lắp trong lúc đọc bài, khiến cả lớp cười ồ lên, thì giờ giảng mẫu của thầy Văn coi như kết thúc. Giờ giảng mẫu thất bại, không chỉ thầy Văn mất mặt, mà cả lớp, cả trường cùng mất mặt theo. Trời ơi, là người có tinh thần vì danh dự tập thể, đương nhiên Thiện Minh Minh không muốn nhìn thấy cảnh tượng tồi tệ như thế.
Đến lúc quay về chỗ ngồi, Thiện Minh Minh đã nói với Chu Học Hảo một câu lập lờ nước đôi: “Cậu thích Vanka thì đọc thầm trong lòng được rồi, cứ đọc thầm thoải mái, đọc đến thuộc làu luôn.” Nhưng nó không nhắc gì đến chuyện Chu Học Hảo cứ mạnh dạn giơ tay trong giờ giảng mẫu, không phải không muốn nói mà là không dám nói.
Chu Học Hảo không tránh khỏi có chút thất vọng, dáng vẻ rất không cam tâm: “Đọc thầm… thầm… thầm… sao? Đọc cho bản thân mình nghe sao?”
Thiện Minh Minh khơi gợi và hướng dẫn nó: “Đọc thầm không tốt sao? Chính cậu thích Vanka chứ không phải ai khác, thích thì phải khiến bản thân mình vui, tự mình đọc cho mình nghe mới thoải mái làm sao!”
Chu Học Hảo xoay xoay cổ.
Được đà tiến lên, Thiện Minh Minh lại làm phép so sánh: “Ví dụ thế này nhé, một ngày giữa hè, cậu đang khát đến cháy cổ họng, trong tay bỗng xuất hiện một cốc Coca mát lạnh, cậu muốn chia cho toàn thế giới để mỗi người được uống một giọt, hay là một mình tu ừng ực?”
“Dĩ… dĩ… dĩ… nhiên là uống hết một mình chứ! Mỗi… mỗi… mỗi… người một giọt thì có tác dụng gì? Đã khát lại càng… càng… càng… thêm khát thôi.”
Thiện Minh Minh vỗ mạnh vào vai Chu Học Hảo: “Thế chẳng phải là đúng rồi sao! Một mình cậu uống Coca của cậu đi!”
Tiếp đó, Chu Học Hảo lại có một câu hỏi: “Nếu… nếu… nếu… có người còn khát hơn tớ thì sao?”
Thiện Minh Minh nói: “Vấn đề là không ai muốn uống Coca của cậu, họ chê không đủ ngọt.”
Lần này, Chu Học Hảo chẳng còn gì để nói. Nó chấp nhận số phận, đồng thời tiếp thu đề nghị của Thiện Minh Minh: Thích thì đọc cho chính mình nghe.
Sau khi hết tiết, Chu Học Hảo thường xuyên không rời khỏi chỗ mình, nó ngồi đó lặng thinh, trước mặt là bài đọc Vanka, mắt nhìn chăm chú không thôi, khóe môi khẽ rung lên nhè nhẹ. Sau mỗi lần đọc, nó càng cảm thông hơn với số phận của nhân vật Vanka, càng yêu mến và say đắm với vùng nông thôn nước Nga. Ví dụ như đoạn này, tác giả viết mới thú vị làm sao:
Ông cho cả chó ngửi bột thuốc lá dùng để hít nữa. Con Kantanka hắt hơi, chun chun mũi, tủi thân bỏ đi. Để thể hiện vẻ lịch thiệp, con Viun không hắt hơi, chỉ quẫy quẫy cái đuôi. Thời tiết thật đẹp. Không một ngọn gió, không khí trong lành, quang đãng. Màn đêm đen thẫm, nhưng vẫn nhìn thấy rõ cả thôn làng với những mái nhà màu trắng, từng làn khói bay lên từ ống khói, những cái cây khắp mình phủ đầy tuyết nặng trĩu cùng những đống tuyết to. Khắp bầu trời chi chít những vì sao tươi vui cứ nhấp nháy mãi không thôi. Dải thiên hà hiện ra rõ mồn một, nhìn lên, cứ như thể ai đó đã dùng tuyết rửa sạch nó, lau sạch nó để đón Tết…
Chu Học Hảo còn rất thích đoạn văn miêu tả cảnh đốn thông:
Cậu nhớ lại, ông nội thường vào rừng chặt thông cho nhà chủ, lần nào ông cũng đưa cháu nội đi cùng. Những lúc như thế mới vui sướng làm sao! Ông nội phát ra những tiếng ho lụ khụ, những tảng băng cũng phát ra tiếng nứt toác lách tách, Vanka nhìn thấy thế cũng ho lên sặc sụa. Trước khi chặt cây thông, ông nội luôn hút hết một bọc thuốc, rồi lại hít một hồi lâu bột thuốc lá và trêu đùa Vanka đang rét cóng… Cây thông nhỏ khoác trên mình chiếc áo sương nặng trĩu, đứng đó không nhúc nhích, chờ xem cây nào trong số chúng bị đốn đi. Bất thình lình, không biết từ đâu chạy ra một con thỏ rừng, chạy vụt qua đống tuyết như một mũi tên… Ông nội hào hứng reo lên:
“Bắt lấy nó, bắt lấy nó… Bắt lấy nó! Ồ, đồ quỷ cộc đuôi!”
Càng đọc, Chu Học Hảo càng không kiềm chế nổi mà bám lấy Thiện Minh Minh, lắp bắp kể cho nó nghe một số chuyện hồi nhỏ sống ở quê. Ông nội dưới quê không dùng tẩu thuốc, cũng không hút thuốc lá điếu, mà hút thuốc lào bằng điếu bát. Thân điếu bát được đúc từ đồng trắng, sáng bóng đến nỗi có thể soi gương. Ông vừa bê điếu bát ra, liền cất cao giọng gọi đứa cháu nội: “Lửa!” Chu Học Hảo nhanh nhẹn trèo lên ghế, lấy ra một mẩu giấy mồi trong cái ống sứ xanh nhạt, đem vào bếp châm lửa, vẩy bỏ ngọn lửa rồi cẩn thận đưa đến tay ông nội. Ông nội dùng tay vê, vê cho đến khi mẩu giấy mồi bện lại thật chặt, sau đó để ra trước miệng, thổi “phù” một hơi, ngọn lửa lại bùng lên. Ông nội vừa đốt sợi thuốc lào vàng khè, vừa ngậm chặt đầu hút nho nhỏ, ông hít liền mấy hơi “lục tục lục tục”, miệng ngậm chặt, mãi hồi lâu mới khẽ hé mở, thở ra luồng khói dài, đặc quánh, nếp nhăn trên mặt cũng được giãn ra theo, ấn đường bừng sáng, hai mắt sáng lên, cứ như thể cuộc sống của ông còn đẹp hơn cả trên thiên đường.
Thiện Minh Minh chăm chú hỏi nó: “Ngày tuyết rơi cũng đi bắt thỏ à?”
Chu Học Hảo trả lời rằng chưa từng đi bắt thỏ, bởi quê nó rất ít khi có tuyết rơi, nhưng mùa hè, nó từng xuống sông bắt cá. Bắt cá mới thú vị biết bao, lũ cá nhỏ tưởng ngón chân nó là mồi, há mồm ra đớp, khiến nó buồn đến nỗi muốn nhảy lên. Lũ tôm mắt rất to nhưng tầm nhìn lại không tốt, cứ nhảy vào ống chân người, vừa buồn vừa đau, còn làm cho người ta giật mình từng hồi. Nếu muốn mò trai ở sông, bắt buộc phải dùng chân giẫm, giẫm được rồi thì dùng ngón chân kẹp lên. Mò ốc ư, thỉnh thoảng cũng mò được những món đồ hay ho chìm dưới đáy sông: Nào là mảnh sành vỡ tuyệt đẹp, nào là viên thủy tinh, nào là chiếc muôi nhỏ bằng đồng, thậm chí còn có cả chiếc bút mực không biết rơi xuống tự khi nào… Chu Học Hảo thở dài: “Dưới quê… quê… quê… mới vui làm sao! Lúc nào đó tớ… tớ… tớ… sẽ đưa cậu về quê tớ, thăm ông nội tớ.”
Thiện Minh Minh nói: “Chúng mình ngoắc tay, cậu không đưa tớ đi, cậu là con chó.”
Chúng đầu chạm đầu, mắt nhìn mắt rồi ngoắc tay một cách trịnh trọng.
Rất nhanh, ngày diễn ra giờ giảng mẫu đã đến. Vừa sáng sớm tinh mơ, thầy hiệu trưởng đã đích thân chỉ đạo hai nhân viên nhà trường quét dọn lại một lần nữa tất cả các ngóc ngách trong trường, căng lên mấy tấm biểu ngữ kiểu như “Hoan nghênh các nhà giáo xuất sắc đến dự và chỉ đạo”. Khi thầy Văn đạp xe đến trường, tất cả giáo viên được một phen ngỡ ngàng: Thầy khoác lên mình bộ quần áo dạ màu đen, phối với một chiếc khăn màu đỏ đun trên cổ, mái tóc được xịt keo, hất ra phía sau thật gọn gàng, râu trên cằm và má được cạo sạch đến nỗi thoáng thấy cả màu xanh dưới da, cả người thầy toát lên một vẻ sạch sẽ và trang nhã. Cô Lý Tiểu Lệ trêu thầy: “Thầy Văn cứ như lại làm chú rể lần nữa ấy nhỉ!” Thầy Văn mỉm cười trả lời: “Đều là ý tưởng của vợ tôi, cô ấy nói tôi là hình ảnh đại diện cho cả trường, cả thành phố.” Thầy hiệu trưởng đứng bên cạnh gật đầu lia lịa, miệng không ngừng nói: “Tốt, tốt.”
Chuông vừa điểm tám giờ, một chiếc xe khách cỡ lớn đưa các thầy cô giáo đến dự giờ tiến vào cổng trường, tổng cộng cũng phải sáu, bảy chục người! Giảng đường lớn kiểu bậc thang rộng rãi nhanh chóng kín chỗ, đông đến nỗi tưởng như nước còn chẳng chảy qua, hơi nóng từ cơ thể mọi người tỏa ra khiến bốn bề đều ấm rực. Những giáo viên vào sau không còn chỗ ngồi, bèn xách ghế xếp thành hàng dọc chỗ lối đi, thế là bên cạnh mỗi bàn học sinh có thêm một ghế ngồi, như thể lớp 6A3 tự dưng mọc thêm mấy dãy học sinh lớn tuổi từ trên trời rơi xuống. Ngồi bên cạnh Thiện Minh Minh là một cô giáo mập mạp với khuôn mặt hiền lành, mái tóc vuông ngang tai, cô mặc chiếc áo khoác kẻ ca rô, trên ngực áo có một chiếc ghim cài hình gấu trúc sáng long lanh. Lúc đầu, Thiện Minh Minh rất căng thẳng, toàn thân bứt rứt, mắt cũng không dám liếc sang bên cạnh. Sau đó, cô giáo chủ động bắt chuyện với nó, hỏi nó nào là họ tên, tuổi tác, sở thích, còn khen hình máy bay nó vẽ trên ba lô có tỷ lệ rất hợp lý, có chút tài năng. Thế là tâm trạng Thiện Minh Minh mới dần nhẹ nhõm.
Tiếng chuông vào lớp reo lên, thầy Văn xách chiếc bảng đen nhỏ xinh chi chít chữ bước vào lớp. Thầy Văn vừa bước vào, tiếng nói chuyện ồn ào trong lớp lập tức ngưng bặt, cứ như thể có người tàng hình đứng lên bục giảng ra hiệu chỉ huy. Trong không gian rộng lớn ấy, ngoài vài tiếng ho lác đác, bầu không khí gần như yên tĩnh đến nỗi có thể nghe được cả tiếng kim rơi.
Có lẽ chính sự yên lặng cực độ này đã khiến thầy Văn có chút áp lực, thầy đứng trên bục giảng, trong chốc lát không biết tay chân phải cử động ra sao, không biết nên treo luôn tấm bảng đen nhỏ xinh trong tay lên bảng to hay tạm thời để dưới đất thì hợp lý hơn. Sau đó, thầy quyết định tạm để dưới đất, úp mặt chi chít chữ vào trong, dựng thẳng sát tường. Trải qua phút bối rối ban đầu này, thầy nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, cất tiếng “Xin chào các em học sinh.” Tiếp đó, thầy tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta sẽ học bài đọc là truyện ngắn Vanka nổi tiếng của nhà văn lỗi lạc người Nga Anton Pavlovich Chekhov. Mời các em mở sách ra.”
Tay thầy cầm sách, nhưng mắt thầy không hề nhìn vào đó, thầy đi đi lại lại một cách từ tốn trên bục giảng. Đầu tiên, thầy giảng về cuộc đời của nhà văn Anton Pavlovich Chekhov, thời đại mà ông sống, những tác phẩm tiêu biểu cùng thành tựu nổi bật cũng như vị thế của ông trên văn đàn nước Nga nói riêng và trên thế giới nói chung. Sau đó, thầy giảng về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Vanka, về chế độ xã hội, mối quan hệ giữa địa chủ và nông dân, mối quan hệ giữa người chủ cửa hàng và thợ học việc đương thời cũng như một số phong tục của các nước phương Tây trong dịp Giáng sinh. Cuối cùng, thầy nói: “Bây giờ, chúng ta mời một bạn đọc diễn cảm bài văn này một lần.” Thầy ngẩng đầu, ánh mắt tìm kiếm lướt đi khắp lớp, mỉm cười rồi cất giọng động viên: “Bạn nào muốn làm nghệ sĩ đọc diễn cảm đầy may mắn nào?”
Theo sự phân công từ trước, lúc này, phần đông học sinh trong lớp đều nên sôi nổi giơ tay, sau đó, thầy Văn không khỏi trầm ngâm một lúc như đang trải qua quá trình cân nhắc, rồi mới gọi tên Thái Dương. Mọi việc đều có thể cứ thế tiến hành một cách trôi chảy và hết sức tự nhiên.
Nhưng việc ngoài ý muốn luôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào! Một giờ giảng mẫu có tiếng vang lớn như vậy, bốn phía trái phải, trước sau đều chật kín những gương mặt giáo viên xa lạ, bầu không khí căng thẳng và nghiêm túc vô cùng, ngay cả thầy Văn đã từng chinh chiến qua bao trận mạc cũng còn cảm thấy bất an và trở nên dè dặt hơn, huống hồ là những đứa trẻ mới hơn mười tuổi đầu? Câu mời gọi của thầy Văn được thốt ra một lúc lâu mà cả lớp vẫn chẳng có động tĩnh gì. Thời khắc này, những học sinh đáng lẽ phải giơ tay lại cúi gằm như thể bị đấng thần linh điểm huyệt bất động, không ai dám nhìn thẳng vào mắt thầy, cánh tay trái cứng đờ trên mặt bàn, nặng tựa nghìn tấn, mãi chẳng giơ lên nổi. Có đứa còn len lén quay đầu nhìn Thái Dương, hy vọng nó giơ tay trước tiên. Cánh tay của Thái Dương giơ lên rồi, những học sinh khác cũng sẽ giơ theo. Nếu chẳng may Thái Dương sợ hãi rút lui, những người khác giơ tay trước nó đều có thể bị gọi tên, như thế mới đáng sợ làm sao!
Khổ nỗi, đúng lúc này, Thái Dương lại sợ hãi thật. Một ngôi sao như Thái Dương, từ nhỏ đã tham gia đoàn văn nghệ Hoa Hồng Nhỏ, chưa từng run sợ trên biết bao sân khấu lớn nhỏ, vậy mà lần này, chẳng hiểu tại sao lại trở nên nhút nhát lạ thường. Khuôn mặt thanh tú của nó đỏ ửng như quả cà chua chín, ánh mắt dán xuống bàn, môi bị cắn chặt đến hằn cả vệt trắng, chóp mũi dày đặc những giọt mồ hôi li ti, cơ thể không hề động đậy.
Thầy Văn cực kỳ ngại ngùng. Câu hỏi đầu tiên đặt ra đã bị đối xử lạnh nhạt như vậy, đây là tình huống thầy chưa từng nghĩ đến. Lúc đầu, thầy chọn Thái Dương đọc diễn cảm bài văn, không phải vì nó đọc hay, mà vì nó là người giàu kinh nghiệm biểu diễn nhất, nó có thể nhẹ nhàng mở đầu để làm gương cho các học sinh khác. Nhưng hôm nay nó sao vậy? Ốm rồi chăng? Tự dưng mất giọng rồi chăng? Tâm lý không ổn định chăng? Hay nó cố tình khiến thầy giáo phải lúng túng?
Thầy Văn lập tức phủ định tất cả những suy nghĩ kia. Thầy nghĩ, không thể nào, tất cả đều không thể.
Thầy Văn nhìn gương mặt đang cúi gằm của Thái Dương với tràn trề hy vọng, giọng thầy dịu dàng như nhắc nhở: “Có bạn nào dám xung phong mở đầu không? Đọc không hay cũng không sao, chúng ta đang học mà, học tập vốn là quá trình đi từ khó đến dễ, từ sai đến đúng. Có ai muốn thử sức không? Mạnh dạn lên nào, không có gì phải sợ hết!”
Thái Dương càng cúi đầu xuống thấp hơn, nó gần như sắp khóc, nước mắt chỉ chực rơi xuống mặt bàn bất cứ lúc nào.
Cục diện trước mắt thật khó cứu vãn. Mặt thầy Văn cũng chuyển dần sang sắc trắng. Cố gắng cầm cự thêm mấy giây, thầy đã sẵn sàng biện pháp được ăn cả ngã về không: Chỉ định. Người bị chỉ định, dù đọc tốt hay không đều không thể từ chối ngay trước mặt thầy. Nhưng nếu chưa đến mức vạn bất đắc dĩ…
Bỗng nhiên, thầy Văn ngạc nhiên mở to mắt: Giữa một rừng đông nghịt những cái đầu đang cúi gằm, một cánh tay giơ lên thật cao. Giữa không gian tĩnh mịch bao la ấy, cánh tay đó giơ lên mới hào hùng làm sao, cực kỳ tha thiết, cũng cực kỳ thành khẩn và tự tin, giống như một cái cây nhỏ mọc lên giữa những đồi trọc mênh mông, lập tức thu hút mọi ánh nhìn trong phòng.
Thầy Văn sững sờ trong thoáng chốc, không thể không gọi tên Chu Học Hảo. Thực sự thầy không muốn gọi tên học sinh này, nhưng lại không thể không gọi trước ánh mắt dõi theo của bao người, điều này khiến cho lòng thầy bất giác trào dâng cảm giác tuyệt vọng như thể vừa bị súng bắn. Thầy nghĩ, giờ giảng mẫu này của mình coi như đi tong rồi.
Một người khác cũng cảm thấy sững sờ chính là Thiện Minh Minh. Có chết nó cũng không dám tin một Chu Học Hảo tự ti quen thói lại có thể bạo dạn như thế, lại dám giơ tay một lần nữa khi chưa được sự đồng ý của thầy Văn. Chu Học Hảo điên rồi, nó thích câu chuyện này đến nỗi phát điên rồi! Thiện Minh Minh thở ra một hơi lạnh ngắt giống như lúc đau răng, nó quả thật không đủ dũng khí để nhìn vẻ mặt của Chu Học Hảo lúc được thầy gọi tên.
Nhưng kỳ lạ thay, Chu Học Hảo đã đọc xong đoạn đầu tiên với dáng vẻ không chút hoang mang, hấp tấp, nó còn không nói lắp lần nào! Nó đọc một cách thong thả, tràn đầy tự tin, giọng đọc dày dặn, trầm trầm, xen lẫn chút khàn khàn, chứa chan tình cảm, mọi sắc thái nặng nhẹ, nhanh chậm đều được đọc rất chuẩn xác.
“Ông nội Konxtanchin Makarut thân mến!” Cậu viết, “cháu đang viết thư cho ông đây. Chúc ông đón một Giáng sinh an lành, mong Thượng đế bảo vệ để ông có được mọi điều như ý. Cháu không còn bố, chẳng còn mẹ, chỉ còn lại một mình ông là người thân mà thôi.”
…
Cả căn phòng kiểu bậc thang rộng thênh thang, ấm nóng im phăng phắc, chỉ có tiếng khàn khàn, run run của Chu Học Hảo vang vang giống như chiếc lá bay đến lại bay đi, đập vào màng nhĩ người nghe, thậm chí còn rung lên những tiếng thổn thức, những nhịp đập xao xuyến từ con tim. Phần mở đầu rất tốt, Chu Học Hảo càng đọc càng hay, đến cuối cùng đã hoàn toàn hòa mình vào tác phẩm, dường như nó chính là Vanka, nhân vật ông nội trong bài văn chính là ông nội nó.
“Ông thân yêu, ông đến đây đi.” Vanka viết tiếp: “Cháu xin ông hãy nể mặt Chúa cứu thế mà đưa cháu rời khỏi đây. Cháu xin ông hãy thương lấy đứa trẻ mồ côi bất hạnh này! Bởi vì ở đây, ai ai cũng đánh cháu, cháu đói muốn chết đi được, cháu còn buồn đến nỗi không thể nói ra, chỉ toàn khóc. Mấy hôm trước, ông chủ cầm cái khuôn khâu giày đập vào đầu cháu, đến nỗi cháu ngất đi, khó khăn lắm mới tỉnh lại được. Cuộc sống của cháu quá khổ ông ơi, có lẽ còn chẳng bằng con chó… Cho cháu gửi lời hỏi thăm Elena, hỏi thăm bác Iegor chột mắt, hỏi thăm bác đánh xe ngựa. Ông đừng cho ai chiếc đàn Accordion của cháu nhé.”
Vanka gấp lá thư dày những con chữ làm tư, cho vào chiếc phong bì vừa mua bằng mấy đồng kopek ngày hôm qua. Nghĩ ngợi một lúc, cậu lại cầm bút lên chấm mực rồi viết địa chỉ:
Gửi ông nội ở dưới quê
Sau đó, cậu vò đầu, nghĩ một lúc rồi thêm vào mấy chữ:
Ông Konxtanchin Makarut
…
Một tiếng sau, nhờ những hy vọng tốt đẹp mà cậu bình tĩnh lại, cậu đã ngủ say… Trong giấc mơ, cậu nhìn thấy một cái bếp lò. Ông nội ngồi trên bệ bếp, buông thõng đôi chân trần, đọc thư cho mấy bà nấu bếp cùng nghe… Con Viun đi quanh bếp lò, ve vẩy cái đuôi…
Đoạn cuối cùng được Chu Học Hảo đọc bằng giọng thầm thì, giống hệt như giọng nói trong mơ. Đọc xong, nó đưa cánh tay lên, gạt nước mắt trước đông đảo mọi người mà không chút ngại ngùng rồi từ từ ngồi xuống. Mắt nó mơ mơ màng màng nhìn về phía xa xăm nơi cuối phòng, hình như nó vẫn đắm chìm trong thế giới của Vanka, chưa thể quay ngay về với thực tại.
Cả lớp học im lặng hồi lâu, cô giáo mập mạp bên cạnh Thiện Minh Minh bỗng đưa hai tay lên, nhẹ nhàng vỗ vào nhau. Lập tức, tất cả mọi người như được đánh thức, ai ai cũng hào hứng vỗ tay, và nhìn Chu Học Hảo bằng ánh mắt ngợi khen. Tâm trạng của tất cả mọi người trong phòng bỗng được đẩy lên cao vút. Thiện Minh Minh còn xúc động thay cho người bạn thân, nó xúc động đến nỗi mặt đỏ cả lên.
Chính nhờ màn mở đầu xúc động lòng người này, phần sau của giờ học thuận lợi không để đâu cho hết, tình cảm của cả học sinh và giáo viên được đẩy lên cao trào không chỉ một lần, bộ não tư duy của con người cũng được huy động một cách triệt để, những học sinh đã được phân công nhiệm vụ và không được phân công nhiệm vụ đều thi nhau giơ tay phát biểu, thậm chí còn mong cho người khác biến thành kẻ câm để một mình mình có thể nói cho thỏa thích.
Sau khi hết giờ, thầy Văn cố ý len qua những hàng ghế chật ních, đi đến bên cạnh Chu Học Hảo, xoa đầu nó, mỉm cười như để bày tỏ sự xúc động cũng như lòng biết ơn.
Thiện Minh Minh chặn không cho Chu Học Hảo ra khỏi chỗ ngồi, dồn dập hỏi: “Thế là thế nào? Cậu có biết là cậu không nói lắp một lần nào không?”
Dường như Chu Học Hảo cũng cảm thấy kinh ngạc trước điều này: “Thật… thật… thật… á? Tớ… tớ… tớ… không nói lắp á?”
Thiện Minh Minh khẳng định chắc nịch: “Cậu không nói lắp. Tớ thật sự không hiểu tại sao lúc đó cậu lại dám giơ tay, cậu đúng là to gan thật đấy!”
Chu Học Hảo mơ hồ nhớ lại khoảnh khắc ấy. “Hình… hình… hình… như có một giọng nói đang thúc giục tớ: Giơ tay! Giơ tay! Thế là tớ… tớ… tớ liền giơ tay thôi. Tớ thật đúng là…”
Thiện Minh Minh chợt hiểu ra: Chính là Đỗ Tiểu Á đã giúp nó! Thiện Minh Minh bật dậy, co cẳng chạy ra ngoài lớp học, chạy đến chỗ yên lặng, dốc sức hét thật lớn như muốn nổ cả vòm họng: “Đỗ Tiểu Á! Tớ phải thay mặt Chu Học Hảo cảm ơn cậu!”
Đỗ Tiểu Á cất tiếng cười ở trên vai Thiện Minh Minh, tiếng cười nho nhỏ nhưng giòn tan, khiến đôi tai Thiện Minh Minh nhột nhột. Thế là Thiện Minh Minh cũng bật cười ha ha cùng bạn, một mình nó nghiêng trước ngả sau, đổ trái đổ phải ở mép sân vận động, trông chẳng khác nào thằng ngốc say rượu.