Thấm thoát đã đến cái Tết cuối cùng của bậc tiểu học, thầy Văn nói, nhất định phải đón Tết thật vui, phải chuẩn bị một tiết mục thật hoành tráng, góp mặt vào “Lễ hội mừng năm mới” của nhà trường, hy vọng có thể để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho học sinh khóa sau.
Về việc chọn tiết mục, Thái Dương vô cùng tự tin, ca hát nhảy múa hay chơi nhạc cụ, cái gì nó cũng biết, chẳng cần chuẩn bị vẫn có thể lên sân khấu. Chu Học Hảo cũng không mấy lo lắng. Kể từ sau giờ giảng mẫu với màn đọc diễn cảm đầy bứt phá, nó bỗng trở nên am hiểu môn nghệ thuật này dù chẳng qua trường lớp. Hơn nữa, nó chẳng đọc diễn cảm cái gì khác mà chỉ chuyên tâm chinh phục các tác phẩm văn học nước ngoài, đặc biệt là thơ ca. Để động viên nó sửa tật nói lắp, thầy Văn đã tặng cho nó cuốn 300 bài thơ nổi tiếng thế giới. Mỗi lúc rảnh rỗi, Chu Học Hảo đều ngồi đọc thầm, không bao lâu sau đã học thuộc được sáu, bảy phần của cuốn sách. Thỉnh thoảng, đang đi trên đường, nó đột ngột cất giọng:
Dòng cát tựa như sắc vàng
Giữa biển khơi ánh sáng
Đong đưa đong đưa,
A, đó là ký ức quá khứ.
Gió cuốn những chuyện ngày xưa ấy
Giờ nơi đâu, nơi đâu?
Nơi từng sống trước đây,
Nơi sẽ đến mai sau…
Lúc ngâm những dòng thơ này, giọng nó vang vọng, tinh thần tập trung, thậm chí còn chau mày, mắt mở to, đúng dáng của một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nó không màng đến việc người đi đường chỉ trỏ, liếc mắt lườm nguýt, thì thầm bàn luận có phải thằng bé kia bị hâm không. Nó cảm thấy lúc đó ngôn từ của nó cực kỳ thông suốt, tình cảm dạt dào chứa chan, một khát khao cấp bách muốn được thể hiện đang dâng trào trong lồng ngực, nó phải đọc to một đoạn văn thơ gì đó thì mới dễ chịu, giống hệt cảm giác nhịn tiểu lâu rồi ắt phải vào nhà vệ sinh một chuyến, cho dù nó chẳng hề biết tác phẩm nó đọc là của tác giả nào, đến từ quốc gia nào, tên gọi là gì. Ban đầu, bố mẹ Chu Học Hảo hết sức kinh ngạc trước tài đọc diễn cảm của nó, sau đó thì vui mừng khôn xiết. Để chứng minh với mọi người rằng con trai mình không còn nói lắp nữa, bố nó còn đưa nó đi đăng ký tham gia chương trình Già trẻ một nhà cùng vui do đài truyền hình tổ chức. Phần trình diễn tài năng của Chu Học Hảo chính là ngâm thơ nước ngoài. Trước khi ra sân khấu, người dẫn chương trình từng hỏi Chu Học Hảo mấy lần rằng rốt ruộc nó định ngâm đoạn thơ nổi tiếng nào? Nhưng Chu Học Hảo cắn chặt răng, nhất quyết không nói. Đến lúc ghi hình tại trường quay, nó khiến tất cả mọi người sốc ngất với một đoạn trong tác phẩm được mệnh danh là “khúc hát tình yêu tuyệt đỉnh”, đó chính là bài thơ Từ biệt nổi tiếng của nhà thơ vĩ đại người Hungary Sandor Petofi.
Vừa mới bình minh, đã lại đến hoàng hôn,
Ta vừa đến, đã lại phải ra đi,
Chúng ta gặp gỡ chẳng bao lâu,
Đã lại đến lúc phải từ biệt, lại đến lúc phải chia ly,
Tạm biệt nhé, người yêu xinh đẹp, trẻ trung của ta,
Trái tim của ta, tình yêu của ta, tâm hồn của ta, mạng sống của ta!
…
Chu Học Hảo dáng vẻ cực kỳ nghiêm túc, dốc sức đến toát mồ hôi, ngân nga những vần thơ chứa chan cảm xúc. Khách mời và khán giả phía dưới (bao gồm cả người dẫn chương trình) đều không nhịn nổi mà bật cười ầm ĩ, ai ai cũng cười nghiêng ngả. Đến lúc đánh giá tại hiện trường, mọi người đều nhất trí tặng Chu Học Hảo danh hiệu “người chơi hay nhất”. Cho đến nay, cuốn Đại từ điển Anh - Trung dày cộp là quà tặng của chương trình vẫn được Chu Học Hảo để trong ba lô rồi ngày ngày cõng sau lưng không biết mệt mỏi.
Khi tổng kết về vấn đề năng lực ngôn ngữ bỗng được đánh thức của Chu Học Hảo, thầy Văn Nhất Đào đưa ra một nhận định rằng: Trong mỗi người đều tồn tại một tiềm năng mà người khác không biết, quan trọng là có gặp cơ hội tốt để được khai quật giống như khai quật kim tự tháp Ai Cập hay không.
Đáng tiếc là bình thường Chu Học Hảo vẫn nói lắp. Xem ra, cả đời này nó sẽ chẳng sửa được thói quen mang tính khiếm khuyết này. Chu Học Hảo lắp bắp khoe khoang với Thiện Minh Minh: “Biểu… biểu… biểu… diễn tiết mục tớ không sợ, tớ… tớ… tớ… còn từng lên cả ti vi rồi cơ mà.”
Thiện Minh Minh trả lời nó không mấy dễ chịu: “Cậu không sợ, nhưng tớ thì làm thế nào? Cậu có thể biểu diễn thay tớ được không?”
Chu Học Hảo lập tức im miệng, không dám nói tiếp.
Còn một người khác cũng lo sợ không yên là Nguyệt Lượng. Vừa nghĩ đến những việc như biểu diễn trên sân khấu, trong đầu nó lập tức hiện lên hình ảnh đáng sợ về cuộc thi trí tuệ giữa các cặp song sinh lần trước, lập tức cảm thấy vừa mất mặt vừa muốn tè ra quần. Nó nhăn nhó than vãn với Thiện Minh Minh: “Tại sao thầy Văn lại bắt tất cả học sinh trong lớp đều phải lên trình diễn tiết mục chứ? Những người như Thái Dương không thể gánh vác thêm vài phần sao? Chị ấy cũng sẵn lòng cơ mà!”
Thiện Minh Minh cảm thấy không nên đổ thêm dầu vào lửa, bèn giả vờ như không có chuyện gì: “Sợ cái gì chứ? Cùng lắm tớ học tiếng chó sủa, cậu học tiếng mèo kêu. Thế là dù gì bọn mình cũng lên sân khấu rồi.”
Nguyệt Lượng suy nghĩ một cách nghiêm túc thì thấy đó cũng là một cách hay: Bước lên sân khấu, bịt mũi kêu hai tiếng “meo meo” rồi đi xuống, đó chẳng phải vấn đề gì to tát lắm, chí ít trong thời gian ngắn như vậy, nó vẫn có thể nhịn tiểu. Thế là chỉ sau một thoáng buồn phiền, nó liền vui vẻ trở lại, trở nên hài lòng và yên tâm.
Tuy nhiên, thầy Văn cũng rất giỏi thay đổi ý tưởng. Một hôm, thầy cầm mấy tờ giấy đã in chữ đến, bước vào lớp với vẻ mặt rạng rỡ, tuyên bố rằng đã thức trắng cả đêm qua, viết nên một kịch bản cực kỳ hay để cả lớp cùng tham gia biểu diễn. Thì ra, chiều hôm qua, trong lúc đọc báo, thầy Văn đã để ý đến một mẩu tin ngắn, nội dung kể về bác trưởng ga tốt bụng của một nhà ga xe lửa nhỏ vùng nông thôn phía Bắc. Bác không sợ phiền phức cũng không quản nguy hiểm, cho một người phụ nữ mang bầu sắp đến ngày sinh tá túc, rồi đích thân đứng giữa đường ray chặn đoàn tàu ngang qua, nhờ y bác sĩ là hành khách đi tàu đỡ đẻ cho sản phụ ở nhà ga xập xệ đó. Sau khi đọc bản tin này, thầy Văn vô cùng xúc động, cảm hứng dâng trào, liền dựa vào đó biên soạn một vở kịch mang tên Sự ra đời của một đứa trẻ.Thầy Văn dốc sức thuyết phục cả lớp: “Kịch bản rất đơn giản, rất dễ diễn, mỗi em đều có một vai trong vở kịch, ai cũng có việc để làm. Như thế, từng học sinh trong lớp chúng ta không phải nghĩ tiết mục riêng nữa, vừa bớt việc lại náo nhiệt biết mấy.”
Ngay tức thì, Thầy Văn cất tiếng đọc thật sinh động kịch bản cho lớp nghe một lần, bổ sung vài lời giải thích, sau đó bắt đầu phân vai. Có thể thấy rất rõ, trong lúc viết kịch bản, thầy đã thầm phân vai cho cả lớp dựa theo dáng vẻ và đặc điểm của mỗi người. Thầy mời Tả Phàm Binh đảm nhận vai diễn nặng ký nhất là bác trưởng ga, bởi vì suy cho cùng, Tả Phàm Binh là đứa nhanh nhẹn, giỏi giang, nó có thể nhớ hết lời thoại. Thầy lại mời Lâm Kỳ đóng vai hành khách bác sĩ nhiệt tình, vẻ ngoài của Lâm Kỳ rất phù hợp để hóa thân thành một thiên thần áo trắng. Thiện Minh Minh và Thái Dương đóng vai một đôi vợ chồng nông dân trẻ lên thành phố làm thêm, lý do đơn giản chỉ vì hai đứa cao nhất lớp, đóng cặp với nhau rất xứng đôi. Thiện Minh Minh tương đối ngượng ngùng với vai diễn “người chồng” của mình, cộng thêm Chu Học Hảo cứ đứng bên cạnh cười thầm trên nỗi đau khổ của người khác, khiến nó càng cảm thấy không ổn, ấp úng mãi hồi lâu, định tìm lý do để từ chối. Nhưng đâu đợi nó kịp mở miệng, thầy Văn đã sớm bịt chặt con đường rút lui của nó: “Thầy hy vọng tất cả các em đều không từ chối, thầy mời các em diễn là vì thầy tin tưởng các em, mọi người đều phải đặt danh dự tập thể lên hàng đầu.” Thiện Minh Minh đành xị cái mặt đỏ ửng, nhấp nhổm trên ghế như kiến trên nồi nóng. Ngược lại với nó, Thái Dương rất đắc ý, nó cho rằng “người phụ nữ mang bầu” là vai diễn khó nhất trong tất cả các vai, vì thế cũng là vai diễn nhiều thử thách nhất, một diễn viên giỏi thật sự phải biết đóng những vai khác biệt hoàn toàn với bản thân, thế nên nó nóng lòng muốn thử sức, liền thảo luận ngay tại chỗ với thầy Văn về việc dùng gối bông hay là dùng bọt xốp nhét vào trong áo? Nó nên mặc một chiếc áo bông có hàng khuy ở giữa giống như các phụ nữ nông thôn Trung Quốc hay mặc bộ áo liền quần bằng vải nhân tạo tổng hợp mà các nữ công nhân hay dùng?
Ai nấy đều có vai trò riêng của mình, ví dụ như Chu Học Hảo sẽ hóa thân thành ông chủ của một nhà nghỉ nhỏ, lời thoại không nhiều, chẳng may nói lắp cũng không sao, có thể coi đó như là một phần của vai diễn. Lã Hiểu Hiểu vào vai nhân viên thông báo, tức là người đứng bên đường, giơ cao ngọn đèn lúc tàu chạy qua để chỉ dẫn cho tàu qua ga một cách an toàn. Còn có nhân viên vệ sinh của nhà ga, hành khách đợi tàu, người buôn bán nhỏ, trưởng tàu, nhân viên tàu, bà bác nông dân nhiệt tình… Vài học sinh khác nối đuôi nhau đứng thành hàng như chiếc tàu hỏa, miệng kêu “tu tu xình xịch”, giậm đều chân đi vòng quanh sân khấu. Những học sinh còn lại thì đứng sau cánh gà, hướng miệng vào chiếc micro để tạo ra đủ loại âm thanh: Tiếng gió tuyết rít gào, tiếng bánh tàu hỏa lăn, tiếng còi tàu hú, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, cuối cùng là tiếng khóc của trẻ sơ sinh vừa chào đời. Tóm lại, đúng như thầy Văn nói, vở kịch vui vẻ náo nhiệt, tràn đầy hứng khởi, ai ai cũng có việc để làm, khí thế của cả lớp lên cao hừng hực.
Sau khi phân vai xong, bỗng nhiên Nguyệt Lượng rụt rè đứng lên, hỏi thầy Văn bằng giọng vừa hoang mang vừa bất an: “Thưa thầy, còn em thì sao ạ?”
Thầy Văn gãi gãi đầu: Thầy nhớ ra rồi, Nguyệt Lượng nhút nhát, hay xấu hổ vẫn chưa có vai diễn phù hợp. Thầy biết Nguyệt Lượng sợ phải biểu diễn trước đám đông, vốn định để nó làm một “toa tàu” trong “đoàn tàu”, gộp cùng các học sinh khác cho đủ số lượng là được, khổ nỗi Nguyệt Lượng lại có dáng người quá cao, “đoàn tàu” tự dưng nhô lên một toa tàu ngất ngưởng, trông chẳng đồng đều và đẹp mắt chút nào. Để nó đứng sau cánh gà tạo hiệu ứng âm thanh, nó lại chẳng thể phát ra những âm thanh kỳ quái kia. Thầy Văn đành tạm thời gác chuyện của nó sang một bên, nào ngờ đến cuối cùng lại quên mất.
Thầy Văn vô cùng áy náy, liên tục nói lời xin lỗi, sau đó chau mày, mặt ngước lên trời, nghĩ một hồi lâu rồi nói với Nguyệt Lượng: “Em vào vai nhân viên phục vụ nhà nghỉ nhé, em chỉ cần nói một câu thoại: “Nhà nghỉ chúng tôi không còn một phòng nào nữa! Có được không?”
Nguyệt Lượng biết nó chẳng còn lựa chọn nào khác, cắn chặt môi, trả lời với giọng rủ rỉ như tiếng muỗi vo ve: “Dạ được ạ.”
Thế là, quá trình luyện tập của lớp 6A3 bắt đầu khởi động với khí thế hừng hực. Bởi đây là một hình thức biểu diễn tập thể mới lạ và hấp dẫn, sự nhiệt tình của tất cả tăng lên gấp bội, mỗi chiều hằng ngày, khi vừa tan học, chẳng cần thầy Văn và Lâm Kỳ hô hào, học sinh ở những dãy đầu đã chủ động đẩy bàn ghế lui về phía sau, tạo ra khoảng sân khấu đủ rộng để luyện tập. Ai diễn vai nào đều chuẩn bị sẵn sàng, đọc lời thoại với nhau, đắn đo tìm tòi động tác biểu diễn cũng như vị trí đứng trên sân khấu, luyện tập thử hết lần này đến lần khác. Thầy Văn còn mời hẳn cô giáo âm nhạc nhiều tài lẻ đến đảm nhiệm vai trò chỉ huy sân khấu, giúp chúng chỉnh sửa ngữ điệu, thiết kế động tác hình thể, khiến vở kịch trông cũng hoành tráng lắm. Với mong muốn tạo nên một bất ngờ lớn cho toàn trường vào ngày hội sắp tới, mỗi lần luyện tập, chúng đều đóng chặt cửa, những ô cửa kính bị dán báo kín mít, tuyệt đối cấm mọi hành vi tham quan thăm dò. Trang phục biểu diễn của ai người đó tự thiết kế rồi bắt tay vào làm. Các bạn học sinh dành không ít công sức cho việc này. Lâm Kỳ mượn dì út một chiếc áo blouse trắng của bác sĩ, cải tạo chiếc hộp trang điểm của bác gái thành chiếc hộp cấp cứu có dán hình chữ thập đỏ; Thái Dương đã suy nghĩ rất lâu về vai diễn của mình, cuối cùng quyết định mặc một chiếc áo bông hoa hai tà trước sau giống như nhân vật Thu Cúc trong bộ phim Thu Cúc đi kiện, bởi vì trong phim, Thu Cúc chính là người phụ nữ nông thôn đang mang thai; Thiện Minh Minh thì khoác lên người chiếc áo da chất lượng kém của bố Thiện Lập Quốc, trông rộng thùng thình, lại còn xộc xà xộc xệch, nó giải thích rằng rất nhiều người làm thuê trong thành phố đều mặc như thế; Tả Phàm Binh là đứa lì lợm nhất, nó cứ bám riết lấy mẹ, đòi được đặt một bộ vest cổ đứng màu ghi kiểu Tôn Trung Sơn ở cửa hàng may đo, trên cổ áo còn ghim huy hiệu của ngành đường sắt được làm từ bìa cứng có dán giấy vàng lấp lánh, chẳng hiểu nó nghe từ đâu mà khăng khăng rằng trưởng ga nhất định phải mặc trang phục như thế.
Có thể nói, so với tất cả, Nguyệt Lượng là đứa nghiêm túc nhất, siêng năng nhất, cho dù nó chỉ có mỗi một câu thoại ngắn cũn. Người xưa từng nói: “Biết thân biết phận, chim ngốc thì phải bay trước.” Nguyệt Lượng biết bản thân mình vụng về nên đã luyện đi luyện lại lời thoại của mình không biết bao nhiêu lượt, lúc đứng trên sân khấu đã luyện, lúc xuống dưới ngồi làm khán giả, miệng nó cũng lẩm bẩm, luyện cho đến khi thuộc làu làu, có thể bật ra bất cứ lúc nào, chẳng khác nào một thứ đã ngấm sâu vào máu.
Xem buổi tổng duyệt cuối cùng của cả lớp, thầy Văn mặt mày rạng rỡ, tuyên bố đầy tự tin: “Lần này, lớp 6A3 chúng ta nhất định sẽ khiến cả trường ngỡ ngàng!” Cô giáo âm nhạc cũng rất hài lòng, cô cho rằng cả lớp hoàn toàn có hy vọng đoạt giải “tiết mục biểu diễn xuất sắc nhất”, chưa biết chừng nhà trường còn cử chúng đi tham gia chương trình có quy mô lớn hơn như “Hội diễn văn nghệ của học sinh tiểu học” cấp quận, thậm chí cấp thành phố. Đến lúc đó, lớp 6A3 đúng là nổi bần bật rồi.
Ngày đầu năm mới, thời tiết buổi sáng vẫn còn rất đẹp, gió lặng, mặt trời chiếu ánh sáng dìu dịu, vậy mà đến chiều, trời đột ngột âm u hẳn, gió Đông Bắc rít lên từng hồi, thổi tung cả cát vàng trên sân vận động, kéo đến khí lạnh run người. Tấm biển “Chúc mừng năm mới”, mấy lá cờ đủ màu sắc cắm trên sân khấu, mấy chiếc micro đứng, bao gồm cả chiếc mà hiệu trưởng sẽ dùng để phát biểu, đều bị gió thổi đến nỗi kêu “ù ù” mãi không thôi. Những lớp biểu diễn tiết mục nhảy, học sinh đều phải mặc trang phục mỏng manh, ai ai cũng lạnh cóng đến nỗi mặt mày tím ngắt. Thầy Văn đi ra phía sau cánh gà động viên học sinh trong lớp: “Đổi trời cũng có cái tốt, kiểu thời tiết gió to tuyết lớn này càng phù hợp với không gian vở kịch, các em đích thân trải nghiệm khung cảnh ấy sẽ càng diễn xuất thần hơn. Chúng ta cũng chẳng cần phải bắt chước tiếng gió nữa!”
Thế là cả lớp hồ hởi xắn tay áo chuẩn bị, sự tự tin tăng thêm gấp bội.
Vở kịch bắt đầu, Nguyệt Lượng trong vai nhân viên nhà nghỉ đang bận rộn ở phần sau sân khấu, nó quét nhà, lau bàn, xách ấm lên rồi rót nước nóng vào từng phích, bận đến nỗi mồ hôi nhễ nhại. Ông chủ nhà nghỉ thỉnh thoảng lại tiến đến phân công việc này, giao phó việc kia. Khách của nhà nghỉ ra ra vào vào thành dòng không ngớt.
Bên ngoài, gió rít chói tai, tuyết rơi không ngừng, xa xa văng vẳng tiếng hú của mấy con thú hoang như sói và chó rừng, Thiện Minh Minh và Thái Dương, cặp vợ chồng đến từ nông thôn bước ra sân khấu giữa màn mưa tuyết. Thiện Minh Minh mặc chiếc áo khoác da lem luốc, vai vác túi hành lý, tay này xách chiếc túi du lịch căng phồng, tay kia xách chiếc túi lưới đựng đầy những nồi niêu, bát đũa, trông chẳng khác gì một con ngựa thồ. Thái Dương mặc chiếc áo bông hai tà dài đến mông, bên trong áo được độn chặt một chiếc gối bằng bọt biển, bước đi trong tư thế ưỡn lưng để nhô ra cái bụng bầu lùm lùm, trông rất sinh động. Nó di chuyển lắc la lắc lư, nặng nề và khó nhọc chẳng khác gì một chú chim cánh cụt, chẳng hiểu nó đã nghiền ngẫm từ đâu để có những động tác hình thể giống hệt phụ nữ mang thai thế này, chỉ biết rằng nó vừa xuất hiện đã được giáo viên và học sinh toàn trường vỗ tay tán thưởng rầm rộ. Thái Dương càng hào hứng, nó thở hổn hển, khuôn mặt mệt mỏi vô cùng, một tay chống lưng, một tay bám chặt cánh tay Thiện Minh Minh, cứ như thể sắp kiệt sức, không thể đi nổi dù chỉ thêm một bước.
Thiện Minh Minh quay đầu nhìn nó, bàn bạc: “Hay là chúng ta tìm một nhà nghỉ, dừng chân một đêm rồi đi tiếp?”
Thái Dương tỏ vẻ xót tiền: “Thế thì phải tốn biết bao nhiêu tiền nhà nghỉ?”
Thiện Minh Minh nói: “Tiền có quan trọng cỡ nào đi nữa cũng không thể quan trọng hơn con của chúng ta.”
Nó đặt túi hành lý xuống, giơ tay gõ cửa nhà nghỉ. Nguyệt Lượng tay cầm giẻ lau đi tới mở cửa. Thiện Minh Minh vừa bước vào liền hỏi: “Chị à, cho chúng tôi thuê một phòng rẻ tiền được không? Chúng tôi là những người đi làm thuê xa xứ, vợ tôi đang phải về quê sinh con.”
Theo kịch bản, lúc này, Nguyệt Lượng cần từ chối một cách khéo léo: “Ai dà, thật không may, nhà nghỉ không còn một phòng trống nào cả.” Sau đó, Thiện Minh Minh và Thái Dương đi ra với vẻ thất vọng, đi được vài bước thì gặp bác trưởng ga, thế là bác trưởng ga Tả Phàm Binh xuất hiện trên sân khấu, dẫn đến hàng loạt những chi tiết tiếp theo của câu chuyện ấm áp, cảm động lòng người.
Lần này, Nguyệt Lượng đã thể hiện cực tốt, không vấp váp chút nào, nó đứng ở cửa nhà nghỉ, nói trôi chảy một lèo câu thoại của mình: “Nhà nghỉ không còn một phòng trống nào nữa.”
Nhưng Nguyệt Lượng đã sai ở chỗ nó không lập tức quay người bước đi, mà lại chăm chú quan sát hành động tiếp theo của Thiện Minh Minh và Thái Dương với vẻ quan tâm chân thành. Có lẽ vì Thiện Minh Minh và Thái Dương hóa trang quá giống, có lẽ vì hai đứa nó đã diễn quá đạt, hoặc có lẽ là vì bản thân Nguyệt Lượng quá đỗi đơn thuần, lương thiện, đồng thời quá nhập tâm vào vai diễn, tóm lại, Nguyệt Lượng đã bắt gặp khoảnh khắc đau khổ và thất vọng trên khuôn mặt người phụ nữ mang thai mệt mỏi, đã nhìn thấy sự đau lòng và bất lực của người chồng, và cũng đã nhìn thấy con đường núi tít tắp cùng bầu trời tuyết rơi mù mịt bên ngoài nhà nghỉ… Giây phút ấy, trái tim Nguyệt Lượng như bị thứ gì đó đâm trúng, cơ thể khẽ run lên, nó ngẩng đầu, một câu thoại ngoài kịch bản được thốt ra: “Nhưng anh chị có thể ở phòng tôi, không phải mất tiền đâu.”
Lời nói vừa dứt, toàn bộ diễn viên trong và ngoài sân khấu đều không khỏi giật mình vì ngỡ ngàng. Ngay cả Nguyệt Lượng cũng tái xanh cả mặt, đứng sững trên sân khấu không biết phải làm gì. Trời đất ơi, trời đất ơi, thế này là thế nào? Thiện Minh Minh và Thái Dương bị nhà nghỉ từ chối mới phải tìm tới nhà ga nhỏ kia, tình tiết phía sau mới được đẩy lên cao trào, bây giờ Nguyệt Lượng lại đột ngột đưa ra câu thoại đó, tự ý mời cặp vợ chồng người làm thuê ở lại thì các diễn viên tiếp theo phải diễn ra sao đây? Phải nói gì đây, phải làm gì đây? Lung tung hết cả rồi, loạn hết cả rồi, tất cả đều rối tung lên rồi, chẳng thể thu dọn nổi nữa!
Thầy Văn đứng sau cánh gà, mặt xám ngoét, một tay ra sức đấm vào lòng bàn tay kia, trong đầu không ngừng vang lên duy nhất một câu: “Hỏng rồi, hỏng rồi, cả vở kịch đều tan tành dưới tay Nguyệt Lượng rồi.” Tất cả diễn viên trên sân khấu hôm nay đều vẫn còn là những đứa trẻ, chúng đâu thể cái khó ló cái khôn mà lập tức bịa ra lời thoại cũng như tình tiết để diễn tiếp câu chuyện, chúng không có kinh nghiệm và cũng chẳng có năng lực này.
Đến cả hiệu trưởng và các giáo viên ngồi dưới cũng đã phát hiện ra điều bất thường. Nhưng họ lại chẳng biết rốt cuộc là vấn đề nằm ở chỗ nào. Họ chỉ có thể đánh mắt sang nhìn thầy Văn với vẻ sốt ruột như muốn hỏi, hy vọng thầy có thể ra mặt gỡ rối để màn biểu diễn được tiếp tục.
Nhưng thầy Văn đâu phải thần tiên, trong lòng thầy lúc này cũng là một mớ hỗn độn rối bời, sao thầy có thầy nghĩ ra cách giải quyết ngay trong phút chốc?
Từng giây từng giây nối tiếp nhau trôi đi, Thiện Minh Minh trên sân khấu đã căng thẳng đến mức mồ hôi túa ra khắp người, nó nhắm mắt lại, thầm van nài một cách tuyệt vọng: “Đỗ Tiểu Á, Đỗ Tiểu Á, chỉ cậu mới có thể cứu chúng tớ! Cậu thông minh, cậu sẽ nghĩ ra cách hay, xin cậu đấy, mau cứu bọn tớ, cậu nhất định phải cứu mọi người!”
Sau đó, thật diệu kỳ, Thiện Minh Minh nghe thấy một tiếng “ting” giòn tan trong lòng, giống như âm thanh tuyệt vời của cây đàn hạc. Chỉ trong thoáng chốc, tay chân nó đã hoạt bát trở lại, tâm trí cũng trở nên sáng suốt. Nó ngước mắt nhìn Thái Dương và Nguyệt Lượng, Thái Dương và Nguyệt Lượng cũng lập tức vứt ngay nét mặt khổ đau, thay vào đó là nụ cười tươi, là dáng vẻ tự nhiên thoải mái.
Thái Dương giữ cái bụng lùm lùm, cất giọng hồ hởi bày tỏ lòng biết ơn: “Ôi, thế thì tốt quá, vậy làm phiền chị phải vất vả rồi.”
Thiện Minh Minh bất giác tiếp lời luôn: “Lòng tốt của chị chúng tôi cả đời không quên.”
Lúc này, Nguyệt Lượng diễn không một chút gượng gạo, nó trả lời hết sức thành thật: “Là điều nên làm mà. Ra ngoài ai chẳng có lúc gặp khó khăn chứ.”
Thầy Văn khựng người sau cánh gà, không ngờ học sinh của mình trong chốc lát lại có thể nhanh trí người tung kẻ hứng ăn ý đến thế!
Màn biểu diễn tiếp theo càng thần kỳ hơn: Nguyệt Lượng nhiệt tình dẫn Thiện Minh Minh và Thái Dương vào phòng mình, nó vừa định đi đun nước, nấu mì cho hai người thì Thái Dương đột ngột hét lên đầy đau đớn, nó đau từng cơn vật vã, em bé sắp chào đời rồi! Thiện Minh Minh vừa căng thẳng vừa xúc động, không ngừng đi đi lại lại. Ông chủ nhà nghỉ biết tin chạy tới, mắng xa xả Nguyệt Lượng vì tội tự ý cho bà bầu sắp đẻ vào ở nhờ. Chỉ riêng Nguyệt Lượng không hề hoảng hốt, cử chỉ vẫn rất mực điềm tĩnh. Trước tiên, nó gọi điện đến bệnh viện thị trấn để cầu cứu, nhưng bệnh viện lại trả lời rằng bác sĩ đều đã ra ngoài khám bệnh, không thể trở về ngay. Tiếp đến, nó gọi điện cho bác trưởng ga của ga tàu gần đó. Thế là các tình tiết tiếp theo của câu chuyện được nối liền: Bác trưởng ga Tả Phàm Binh không nói nhiều, vội dẫn người đến nhà nghỉ giúp sức. Địa điểm làm bối cảnh xảy ra câu chuyện cũng nghiễm nhiên chuyển từ nhà ga tàu hỏa thành nhà nghỉ. Bác trưởng ga không thể giúp nổi vì người phụ nữ sinh khó, cả mẹ và con đều gặp nguy hiểm đến tính mạng. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, một chuyến tàu từ thành phố đi ngang qua nhà ga, bác trưởng ga quyết định một cách dứt khoát là chặn tàu để cầu cứu toàn bộ hành khách trên tàu. Kết quả là đoàn tàu đã dừng lại giữa khung cảnh tuyết rơi trắng xóa đầy trời, Lâm Kỳ trong trang phục bác sĩ từ trên tàu bước xuống. Lâm Kỳ cải tạo nhà nghỉ thành một phòng sinh, hai học sinh lên sân khấu kéo rèm trắng, cho biết phía sau bức rèm ấy là phòng phẫu thuật. Nguyệt Lượng cùng Tả Phàm Binh và mấy người khác ở phía trước sân khấu, người thì đun nước, người thì nấu cơm, người thì bê chăn, ai ai cũng hồ hởi với sự bận rộn của mình. Thiện Minh Minh giống như một người chồng thực thụ, đứng bên ngoài phòng phẫu thuật lo lắng không yên. Thái Dương thì gào thét thất thanh sau tấm rèm trắng kia. Lâm Kỳ liên tục động viên nó: “Đừng căng thẳng, đừng căng thẳng…”
Cuối cùng, tiếng khóc lanh lảnh của trẻ sơ sinh vang lên, khung cảnh bừng sáng: Em bé đã ra đời rồi! Niềm phấn chấn cùng những tiếng hò reo của diễn viên trên sân khấu khiến khán giả phía dưới cũng rưng rưng nước mắt, không ít học sinh khóa dưới còn vỗ tay theo.
Buổi biểu diễn suôn sẻ chưa từng thấy. Thầy Văn và tất cả học sinh trong lớp ôm chầm lấy nhau dù chưa kịp tẩy trang, mọi người cười nói, hò hét, khua chân múa tay, thật không biết phải làm sao mới bày tỏ hết niềm hạnh phúc ngập tràn trong tim. Bỗng chốc, Nguyệt Lượng trở thành nhân vật trung tâm nhất, nó trở thành anh hùng của cả lớp, hết người này ôm đến người kia kéo khiến nó nghiêng Đông ngả Tây, đứng cũng không vững. Ngay cả Thái Dương cũng chen đến, trước là than trách Nguyệt Lượng phá vỡ kịch bản, nhưng sau lại khen cô em gái của mình thông minh, nhanh nhẹn, trí não linh hoạt nên chẳng để lại chút sơ suất nào. Nguyệt Lượng vui mừng đến mức nước mắt trào dâng, trong ký ức của nó, chưa bao giờ Thái Dương chịu khen ngợi người khác thật lòng như vậy.
Sau khi bình tĩnh lại, thầy Văn cất tiếng hỏi với vẻ khó hiểu: “Các em, trước đây các em chưa từng tập luyện những tình tiết đó, sao có thể diễn lại câu chuyện bị xới tung lên một cách trôi chảy không chút gợn như vậy? Ai trên sân khấu đã chỉ đạo cho các em?”
Cả lớp bất ngờ khựng lại, hồi tưởng thật kỹ những gì đã diễn ra một lúc lâu, rồi đồng loạt nói: “Không ạ, không ai chỉ đạo cả, chỉ là lúc đó chúng em đã nghĩ như vậy thôi.”
Thầy Văn lẩm bẩm kiểu tự hỏi tự trả lời: “Lẽ nào học sinh của tôi ai ai cũng là thiên tài kịch nói?”
Chỉ duy nhất Thiện Minh Minh hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra, nó mỉm cười sung sướng nhưng không để lộ chút xíu bí mật nào. Nó thầm nói với Đỗ Tiểu Á một hơi mười câu liền giống hệt nhau: “Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu, cảm ơn cậu nhé…”