Nếu trên đường, gặp một đứa trẻ người bé tí teo mặc bộ đồng phục rộng thùng thình, ống tay áo với ống quần đều phải xắn lên, đeo một chiếc ba lô mới tinh xinh xắn, nắm tay bố mẹ hoặc ông bà, vừa nhảy chân sáo vừa ngẩng cao khuôn mặt đầy hào hứng, trò chuyện ríu rít như chú chim non, bạn có thể chắc chắn rằng đó là học sinh lớp một hoặc lớp hai, vừa mới bắt đầu cuộc sống học đường, vừa mới hòa mình vào một tập thể náo nhiệt, mới nhận diện sơ sơ mấy con chữ, mới biết mấy phép tính khi đi mua que kem hay cục tẩy trị giá vài xu, tinh thần hứng khởi khi mới bước vào nhân thế còn chưa lụi tàn. Vài năm sau nhìn lại, những đứa trẻ ấy đã lớn bổng, hiên ngang như những cây bạch dương nhỏ đầy kiêu hãnh, đồng phục dù đã đổi hai lượt nhưng ống tay áo và ống quần vẫn vừa ngắn vừa chật, chiếc ba lô sau lưng không còn chú trọng màu sắc với hoa văn nữa, thậm chí viền còn xù bông, có lỗ thủng nho nhỏ, nhưng nhất loạt to như nhau, nặng như nhau, đè trĩu lên hai vai, tư thế và thần sắc đều toát lên vẻ hết sức mệt mỏi nhưng cam chịu như lẽ đương nhiên; chúng vai bá vai cùng đi, đầu chụm đầu, tai ghé tai thủ thỉ những điều bí mật, ranh giới giữa nhóm bạn thân và chưa thân được phân định một cách rạch ròi, rõ ràng như trắng với đen.
Đây là sự khác biệt giữa học sinh lớp bé và lớp lớn. Sự khác biệt này chỉ xảy ra ở cấp tiểu học, với những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển rất nhanh, chứ không thấy ở học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học.
Giáo viên lớp bé hơi giống với người giúp việc, ngoài giảng dạy kiến thức còn phải quản lý đời sống. Nào là tè dầm, nào là ốm đau, nào là sát giờ phải gọt hộ bút chì, thậm chí đến cả giấy lau nước mắt cũng phải chuẩn bị thêm vài gói.
Kể từ khi đề xướng chủ trương giáo dục tố chất, giảm tải gánh nặng cho học sinh thì thời gian tan học của học sinh lớp bé sớm hơn trước rất nhiều. Tiếng chuông tan học vừa vang lên, lũ học trò bay ra khỏi phòng học như bầy chim, huỳnh huỵch tản ra khắp các phương trời, từ sân vận động đến đường lớn, từ công viên trung tâm đến khu cảnh quan đẹp mắt trước cổng công ty bề thế, đâu đâu cũng từng tốp đông đúc, khiến người lớn có chút đau đầu. Một lần nọ, có đứa trẻ đang nghịch bên đường thì bị kẹt một chân vào tấm chắn đường cống không rút ra được, bôi nước bọt, quết dầu, nước xà phòng, đủ mọi cách mà vẫn không xong. Đứa trẻ sợ hãi khóc thét, tiếng khóc thảm thiết tới nỗi khiến người ta phải xót ruột. Sau đó, người đi đường gọi 110, xe cảnh sát tuần tra đến, phối hợp với công nhân của công ty công trình đô thị, dùng mỏ cắt hơi cắt thanh sắt, cái chân xinh xinh đáng thương mới có thể rút ra nguyên vẹn. Một lần khác, một cô bé tầm bảy tuổi học theo người dơi trên ti vi, mặc một chiếc quần bó sát, buộc một tấm ga giường vào cổ, mỗi tay cầm một chiếc ô hoa, vui vẻ “bay” từ ban công tầng bốn xuống. Người lớn đứng dưới được chứng kiến một màn kịch hồn xiêu phách lạc, cổ họng rung lên bần bật nhưng lại không hét nổi thành tiếng. Cô bé sung sướng, đắc ý bay trong không trung ba giây, rơi xuống không hề hấn gì. Chỉ thương cho chú bán hoa quả dưới nhà, không chỉ riêng cái ô che nắng bị thủng một lỗ to đùng, mà những trái cây ngọt lành, quý hiếm như chôm chôm, kiwi, xoài Thái đều bị đè nát đến mức nước ép màu xanh màu đỏ chảy ra thành dòng, khắp phố đều thoang thoảng mùi hương hoa quả. Nghe được thông tin này, mẹ cô bé đã ngất lịm ngay tại văn phòng làm việc, xe cứu thương phải đưa cô đến bệnh viện cấp cứu suốt hai tiếng đồng hồ.
Mỗi khi nhắc lại chuyện này, trong lòng các thầy cô giáo trường tiểu học Trường Hồng Lộ vẫn không khỏi khiếp sợ. Trong tay họ đều là con một của các gia đình, đứa bé nào chẳng quý như vàng như ngọc, nếu chẳng may lơ là để xảy ra điều bất trắc thì thật sự lớn chuyện vô cùng!
Suy đi tính lại, các thầy cô nghĩ ra một biện pháp hay, đó là cho khối năm, khối sáu với khối một, khối hai kết thành “lớp yêu thương”, học sinh lớn sẽ cùng học, cùng chơi với học sinh bé. Một khi sợi dây trách nhiệm và tình cảm giữa chúng được hình thành, chúng sẽ dính với nhau như hồ nước và giấy, muốn tách ra cũng không tách được. Các thầy cô giáo đã nhận định như vậy. Họ cười mãn nguyện, cảm thấy ý tưởng đó đúng là độc nhất vô nhị, tuyệt vời đến nỗi không chê vào đâu được.
Học sinh lớp thầy Văn được phân đến lớp 2A3. Sĩ số học sinh của hai lớp vừa hay tương đồng, điều này có nghĩa là Thiện Minh Minh và các bạn của nó, mỗi đứa đều được nhận một em trai hoặc một em gái từ trên trời rơi xuống.
Mấy đứa háo hức nhất chính là hội Lâm Kỳ và Thái Dương. Chúng tự dưng trở thành người giám hộ của người khác, điều này khiến bản năng của người mẹ trong chúng bùng lên chỉ sau một đêm, tình yêu thương phút chốc trở nên dạt dào, chúng xúc động đến không biết phải thể hiện thế nào cho tốt. Ngày đầu tiên tới lớp 2A3 gặp mặt các bạn nhỏ, trong ba lô của đứa nào cũng nhét đầy khăn tay lụa, cặp tóc, nơ cài, thậm chí cả phấn má, son môi, như thể chúng coi học sinh lớp dưới như những con búp bê, định trang điểm kỹ lưỡng đến mức có thể đưa đi triển lãm.
So với đó, các bạn nam lại tỏ ra cực kỳ vụng về, chẳng khác gì ông bố trẻ nhìn thấy đứa con sơ sinh bé tí teo, xúc động ngập tràn nhưng không biết phải bế lên như thế nào cho hợp lý. Chúng đùn đẩy nhau bước vào lớp, đứng thành hàng men theo bức tường, tay chân ngượng ngùng vặn đi bẻ lại vì không biết cất vào đâu, đỏ rần rần từ mặt xuống tận cổ. Mắt cũng không dám nhìn thẳng, hoặc cúi nhìn xuống đất hoặc quay ra ngó cây cối bên ngoài cửa sổ, chẳng may chạm phải ánh mắt của em bé nào đó lớp dưới thì lập tức thu ngay về, vội vàng như gặp hỏa hoạn; mặt càng đỏ khủng khiếp, chóp mũi còn lấm tấm mồ hôi.
Lũ trẻ lớp dưới lại chẳng gặp nhiều trở ngại tâm lý như vậy. Dưới sự sắp xếp của thầy cô giáo, chúng hô to như đọc bài: “Chúng em chào các anh các chị!” Sau đó, “ào” một tiếng, chúng tranh nhau lao ra, túm được ai thì túm, mỗi đứa kéo tay một anh chị lớp sáu, tha thiết lôi về chỗ của mình, bản thân chỉ ghé tí mông vào mép ghế, nhường lại cả khoảng trống rộng rãi cho thần tượng mới. Cánh tay nhỏ xinh đưa ra, quàng lấy cánh tay của học sinh lớp trên như người thân quen đã lâu, gương mặt nhỏ ngẩng cao, đỏ ửng như trái táo chín mọng, cơ thể còn tỏa ra mùi hương hoa quả ngọt ngào, cái miệng chúm chím bắt đầu không ngừng nói từ họ tên của mình cho đến chuyện nhà mình có mấy người, từ cuốn truyện tranh yêu thích nhất cho đến kết quả bài thi tuần trước.
Lần gặp đầu tiên, cơ bản toàn là các em nhỏ kể chuyện, học sinh lớp lớn chỉ lắng nghe. Các em nhỏ rất hào hứng, các anh chị rất dè dặt, tạo nên một bức tranh tương phản vô cùng thú vị.
Lần gặp thứ hai, tập thể lớp 2A3 đến thăm lại các anh chị lớp sáu.
Vừa bước chân vào phòng học của lớp sáu, chúng nhìn thấy ngay một hàng chữ nghệ thuật trên bảng, chữ nào chữ nấy to như quả bóng rổ: Chào mừng các em học sinh lớp 2A3!
Dòng chữ này là do Tả Phàm Binh viết, tổng cộng có tám chữ, dùng tám màu khác nhau, trong đó có hai chữ còn dùng màu trộn. Mỗi chữ đều được đánh bóng rất dày, nổi lên trên nền bảng đen như tác phẩm điêu khắc gỗ, gần giống với chữ nổi của người khiếm thị. Khi Tả Phàm Binh viết trên bảng, Đỗ Tiểu Á từng rụt rè đưa ra ý kiến rằng màu sắc quá phức tạp, trông thiếu phóng khoáng, đề xuất Tả Phàm Binh chỉ dùng hai loại màu, một loại để vẽ viền bên ngoài con chữ, một loại để tô bên trong. Lúc đó, Tả Phàm Binh hếch cái mũi lên tỏ vẻ coi thường, thốt ra một câu: “Cậu thì biết cái gì?” Thế là màu sắc vẫn giữ như cũ. Sau đó, khi đã viết xong, lùi về cuối lớp nhìn lên, nó mới phát hiện quả thật có hơi sặc sỡ, hơi thô. Chỉ có điều Tả Phàm Binh sống chết không chịu thừa nhận gu thẩm mỹ của mình có vấn đề, nhất quyết khẳng định chữ nghệ thuật của nó đẹp nhất lớp.
Góc trái bảng là đoạn văn hết sức mùi mẫn do lớp trưởng Lâm Kỳ đích thân sáng tác, và cũng do nó tự mình chép lên từng chữ sao cho ngay hàng thẳng lối. Nội dung như sau:
Các em trai, em gái thân mến,
Chào mừng các em gia nhập đại gia đình ấm áp của chúng ta. Từ nay về sau, chúng ta sẽ là những người bạn tốt nhất, cũng là những người anh chị em thân thiết nhất, chúng ta sẽ cùng trưởng thành dưới một cái ánh mặt trời. Các anh các chị sẽ đem đến cho các em tình yêu lớn nhất, nhiều sự giúp đỡ nhất. Chúng ta sẽ cùng nắm tay tiến bước, giành lấy thành tích tốt nhất trong học tập.
Nó dùng liền một lúc năm chữ “nhất”. Đây cũng là từ Lâm Kỳ dùng nhiều nhất mỗi lúc viết tập làm văn. Nó là người luôn thích bày tỏ quyết tâm bằng những lời cực kỳ khoa trương.
Đỗ Tiểu Á nhìn kỹ đoạn văn chào mừng, cho rằng có một câu còn lỗi ngữ pháp, đó chính là “cùng trưởng thành dưới một cái ánh mặt trời”. Đỗ Tiểu Á ngạc nhiên nghĩ: Ánh nắng sao có thể dùng từ “cái” làm từ chỉ số lượng cơ chứ? Mặt trời mới đếm được, còn ánh nắng mặt trời thì phải dùng từ khác mới đúng. Thực ra, hoàn toàn có thể sửa thành “cùng nhau trưởng thành dưới ánh nắng mặt trời”.
Rút kinh nghiệm lần góp ý vừa rồi với Tả Phàm Binh, Đỗ Tiểu Á chỉ chia sẻ nhận xét của mình với mỗi Thiện Minh Minh chứ không công khai với mọi người. Nó là đứa trẻ nhát gan ngại va chạm, không muốn chỉ vì ý kiến nho nhỏ của mình lại khiến người khác không vui.
May thay, học sinh lớp hai chưa có đủ trình độ kén chọn màu sắc và phát hiện lỗi sai ngữ pháp, một buổi đón tiếp long trọng như thế đã đủ khiến chúng phấn khởi đến quên đi tất cả. Chúng còn không dám tin người được đón tiếp là bản thân mình, đứa nào đứa nấy mặt đỏ ửng, mím chặt đôi môi xinh xinh trông rất khôi hài, rồi lại cố gắng không để bản thân cười tươi quá. Sau đó, chúng nín thở tản về các góc phòng, nhìn ngắm những bài tập mỹ thuật dán trên bốn mặt tường, những tác phẩm thư pháp có đường nét thuần thục, những bức tranh cắt giấy được ghép tinh xảo, ngắm nhìn những bài văn hay được viết ngay ngắn chỉnh tề với số chữ nhiều đến mức khiến chúng ngỡ ngàng, cùng những bài tập trang trí hoa văn đẹp mắt nổi bật trên tờ báo tường phía sau lớp. Chúng bị những thứ không ngờ trước mắt làm cho mơ mơ màng màng, như say như mê. Ngắm xong, chúng không hẹn mà cùng thở dài, cứ như thể đã lặn lội rất lâu trên con đường nhỏ giữa núi để tận hưởng từng cảnh sắc qua mỗi bước chân, giờ đã mệt nhoài cả rồi.
Nhìn thấy bộ dạng hưng phấn xen lẫn kinh ngạc của các em nhỏ, học sinh lớp sáu không khỏi cảm thấy đắc ý trong lòng. Cuối cùng, chúng đã có người hâm mộ, đã bước sang thời kỳ huy hoàng sớm hơn dự kiến. Lần này, chúng thoải mái hơn nhiều, ai cũng rất ra dáng chủ nhà, biết mời các em nhỏ về chỗ ngồi, thậm chí có bạn còn dang rộng tay ôm lấy em nhỏ, quả thật đâu đó đã thấp thoáng điệu bộ của một phụ huynh học sinh. Song song đó, cách nói chuyện của chúng với các em lớp dưới cũng sắc sảo lên nhiều, những gì nên nói, những gì không nên nói, chúng phân biệt hết sức rõ ràng. Phần lớn chúng đều không đề cập đến thi cử với kết quả, cũng không nói về gia đình và bố mẹ mình, chỉ giới thiệu sơ qua về các minh tinh điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng, nhân vật hoạt hình, đĩa trò chơi, các trận cầu NBA của Mỹ, hay vấn đề David Beckham và Michael Owen ai có tiền đồ hơn, khiến lũ trẻ nghe đến ngây người.
Nhưng sau vài lần qua lại, khi hai bên đều đã quen với phòng học của nhau, những chủ đề cần nói đều đã nói hết, hứng thú rõ ràng nhạt đi rất nhiều, chẳng khác gì núi lửa chuyển sang giai đoạn im ắng, ỉu xìu, vươn cái bụng lười ra thi đua cùng trời xanh mây trắng, mắt to nhìn mắt nhỏ.
Thầy Văn Nhất Đào tổ chức cho cả lớp thảo luận gấp, xem ai có thể nghĩ ra cách nào hay để tình hữu nghị giữa hai lớp thêm lâu bền một chút. Cả lớp mồm năm miệng mười đưa ra không ít ý kiến, nhưng chẳng có ý tưởng nào mới mẻ, vẫn chỉ loanh quanh nào là học tập, nào là gia sư, nào là làm vệ sinh… Thầy Văn Nhất Đào nghĩ thầm trong bụng, trẻ con bây giờ quả thật thụt lùi về nhiều mặt, sao kể cả chơi cũng không biết chơi vậy nhỉ? Không biết chơi như thế nào nên chẳng tạo ra được trò chơi thú vị. Thầy Văn Nhất Đào bèn lấy luôn câu hỏi đó làm bài tập về nhà, để cả lớp bình chọn “phương án hoạt động yêu thương hay nhất” vào thứ Hai tới.
Thứ Bảy, Thiện Minh Minh nhốt mình trong nhà cả nửa ngày, hết khẳng định lại phủ định, hết phủ định lại khẳng định, vô số những ý tưởng đánh nhau trong đầu, nhưng kết quả cuối cùng là bất phân thất bại. Nó bực mình, dùng bút chì cào mạnh xuống bàn.
Hôm đó, bố Thiện Lập Quốc thắng được một khoản tiền mạt chược, tâm trạng rất tốt, vỗ vào gáy Thiện Minh Minh và nói: “Xem ra con không phải dân học hành, đừng ngồi tốn công mất sức nữa, nhà họ Thiện chúng ta cũng không hy vọng có Trạng nguyên. Đi thôi, bố con vừa thắng được tiền, bố đưa con đi ăn McDonald’s.”
Thiện Minh Minh ngoái lại phía bố, hỏi: “Bố thắng được bao nhiêu tiền?”
Bố Thiện Lập Quốc hớn hở: “Không ít, bốn tệ tám.”
Thiện Minh Minh đảo mắt lườm bố: “Còn chẳng đủ mua một gói khoai tây chiên.”
Bố Thiện Lập Quốc nói: “Thế bố đi mua trứng gà, làm bánh trứng nhé.”
Thiện Minh Minh giễu bố: “Bánh trứng bố làm còn chẳng ngon bằng bánh bán ngoài chợ.”
Bố Thiện Lập Quốc ấp úng không thành lời, cứ đi đi lại lại trong nhà, chẳng biết phải làm thế nào mới có thể khiến con trai vui vẻ.
Thiện Minh Minh vốn định nhân dịp này nhắc bố chuyện cái xe trượt, nhưng nghĩ đi nghĩ lại chẳng thấy thú vị nữa, sinh nhật cũng đã qua rồi, cứ cho là miễn cưỡng đòi được thì liệu có vui không? Sẽ không đâu. Thế nên nó chẳng buồn mở miệng.
Chiều muộn, bác Tiểu Quế Hoa đến mượn chày cán bột, nhân tiện không quên kêu ca một hồi về Phát Tài, nói nó cướp mất cái đùi gà mà cháu nội bác mới cắn được một miếng.
“Cháu xem nó hư không? Trẻ con ăn, nó nấp sau cửa, thấy người lớn vừa rời đi là nó chồm lên ngay, ngoạm lấy đồ rồi chạy mất, nó chạy còn nhanh hơn cả thỏ.”
Thiện Minh Minh hếch mũi, hừ một tiếng: “Chó vốn chạy nhanh hơn thỏ, chó săn còn chuyên đi bắt thỏ mà.”
Bác Tiểu Quế Hoa kinh ngạc, rướn đôi lông mày như muốn nói: Sao bác lại không biết việc này nhỉ? Sau đó, bác tiếp tục bày tỏ nỗi bực dọc chưa tiêu tan hết: “Cái thứ quỷ tha ma bắt đó mưu mô lắm, nó theo dõi cháu nội bác mấy ngày nay rồi.”
Thiện Minh Minh lại bắt lỗi của bác: “Mấy ngày trước, Phát Tài đã biết cháu nội bác sẽ ăn đùi gà sao?”
Bác Tiểu Quế Hoa nghẹn cứng họng đến mức mặt trắng bệch ra, nhìn chằm chằm Thiện Minh Minh một hồi lâu, bỗng nhiên như sực nhớ điều gì, liền hỏi: “Người bắn đạn giấy vào nồi sữa đậu nành của bác sáng hôm đó là cháu đúng không? Nồi sữa đậu nành ngon lành của bác bị cháu phá hỏng cả rồi!” Bác ta tức tối quay sang Thiện Lập Quốc: “Chú Thiện, tôi phải nhắc nhở chú này, trẻ con mà không dạy dỗ cẩn thận, lớn lên sẽ phạm lỗi lớn đấy.”
Thiện Lập Quốc trả lời một cách đối phó: “Đúng thế, đúng thế.”
Tiểu Quế Hoa vừa đi khỏi, Thiện Lập Quốc liền nhổ bãi nước bọt: “Lại còn chê con nhà người khác không có giáo dục? Thằng con út nhà bà chẳng phải là đang hút thuốc phiện, sắp thành con nghiện rồi đó sao! Cứ tưởng tôi không biết chắc? Nó từng ngồi xe tôi đi mua thuốc đó.” Rồi quay sang bảo Thiện Minh Minh: “Minh Minh, con đừng để ý đến bà ta, với loại người như bà ta, không cần phải so đo.”
Thiện Minh Minh được an ủi nhưng trong lòng lại có chút không vui, lờ mờ cảm thấy cuộc sống của mình quá u ám, chủ đề nói chuyện với những người xung quanh ngoài ăn ra thì chỉ có nhà này hay nhà kia dở, tất cả đều không thể làm con người ta phấn chấn lên được.
Ngày Chủ nhật, Thiện Minh Minh đến nhà Đỗ Tiểu Á từ sáng sớm. Đỗ Tiểu Á đang cho chim bồ câu ăn. Nó dùng dây thép buộc chặt hai chiếc chén uống rượu bằng thủy tinh vào thành lồng, một chén đựng nước, một chén đựng ít hạt ngô. Mỗi lần mổ hạt ngô, con chim bồ câu lại ngẩng đầu lên, vươn cổ ra, lớp lông trên cổ theo đó cũng phập phồng chuyển động như làn sóng, tạo nên thứ ánh sáng màu xám xanh rất đẹp.
Thiện Minh Minh ngó đầu nhìn chỗ ngô trong chén, chỉ thưa thớt khoảng chục hạt. Nó hỏi Đỗ Tiểu Á: “Chút này có đủ không? Con gà trong sân nhà tớ mỗi lần đều ăn tới nửa bát cơm.”
Đỗ Tiểu Á nói: “Không hiệu quả đâu, nó ăn nhiều không tiêu hóa được, sẽ trướng bụng mà chết.”
Thiện Minh Minh cảm thấy cảnh ngộ của chim bồ câu thật đáng thương. Nhưng cũng đâu còn cách nào khác, ai bảo nó không phải là một chú bồ câu đưa thư có thể thuộc đường? Lúc này, Thiện Minh Minh đột nhiên nảy ra một ý tưởng: “Đỗ Tiểu Á, chúng mình mua một con chim bồ câu tặng lớp 2A3 đi!”
Đỗ Tiểu Á ngẩng đầu nhìn nó: “Cậu thật sự nghĩ thế sao? Cũng để các em ấy nuôi chim trong lồng à?”
Thiện Minh Minh đáp: “Mua một cái lồng to, kiểu như lồng nuôi vẹt.”
Đỗ Tiểu Á lắc đầu: “Không được. Tớ nuôi chú chim bồ câu này là vì mẹ tớ đã mua về rồi, tớ không thể thả cho nó bay đi, chắc chắn nó sẽ chết. Nhưng tớ thật sự không muốn có chú chim bồ câu thứ hai bị nhốt trong lồng nữa.”
Thiện Minh Minh nín lặng, vẻ mặt tiu nghỉu.
Rất nhanh, Đỗ Tiểu Á đã có ý tưởng mới: “Hay là đổi sang mua một chú thỏ? Thỏ rất dễ nuôi, hơn nữa rất đáng yêu.”
Thiện Minh Minh cười toe toét: “Thế thì tốt quá, chúng mình mua thỏ đi.”
Thiện Minh Minh chạy về nhà lấy tiền. Trong nhà không có ai, bố Thiện Lập Quốc đã lái xe đi làm, may sao có cái ống tiết kiệm đựng tiền xu bà nội để dành khi còn sống, Thiện Minh Minh đổ ào ra, tổng cộng đếm được ba đồng tiền xu mệnh giá một tệ. Nhân tiện, nó còn vơ một nắm xu một hào rồi nhét hết vào túi áo. Đỗ Tiểu Á thì xin tiền mẹ, là một tờ tiền mệnh giá năm tệ. Hai đứa hào hứng lao ra cửa, đi về phía chợ bán hoa và chim chóc.
Thiện Minh Minh đã từng đến khu chợ này một lần cùng với mẹ hồi còn rất nhỏ, và mua về hai chú vẹt yến phụng non. Nuôi được có mấy hôm thì con vẹt màu vàng chẳng biết lôi đâu ra một thứ sức mạnh thần kỳ, dùng cái mỏ nhọn mổ liên tục, làm gãy được một thanh nan của chiếc lồng, nó dùng đầu đẩy cái nan, rồi chui qua lỗ hổng mà ra ngoài, giành lấy tự do. Con vẹt xanh còn lại một mình buồn bã muốn chết, cứ nhảy lên nhảy xuống, vồ tới vồ lui trong lồng, chỉ còn thiếu nước tuyệt thực tự sát. Một đêm sau đó, không biết nó đã dùng cách nào mà cũng trốn thoát được. Bố Thiện Lập Quốc kiểm tra thì thấy cửa lồng với các thanh nan đều còn nguyên, con vẹt xanh cứ như được phù phép, hoặc nó tu luyện được khả năng thu nhỏ nên đã thoát ra ngoài mà không để lại vết tích nào. Thiện Minh Minh ôm cái lồng trống rỗng, khóc lóc đến nỗi mặt mũi đầm đìa nước mắt. Bà nội khuyên nó: “Đừng khóc nữa, chúng là vợ chồng con cái một nhà, con coi như tích đức đi, để cho hai con vẹt đáng thương được bay về nhà đoàn tụ với nhau.”
Mãi sau này, Thiện Minh Minh mới hay những con chim trốn ra khỏi lồng thường chẳng thể sống được lâu, bởi chúng không có khả năng bay lượn và kiếm mồi, nhanh thì đôi ngày, lâu nhất cũng chỉ ba đến năm hôm, nếu không bị bắt nhốt vào một cái lồng mới thì cũng trở thành bữa ăn trong bụng của những con mèo già trên nóc nhà. Tự do đối với một số sinh mạng là chuyện tốt, còn đối với một số sinh mạng khác lại là cạm bẫy.
Khu chợ nằm ở phía Nam thành phố, diện tích rất lớn, hơn nữa còn có vẻ ngày càng mở rộng hơn. Lượng người thành phố thích nuôi mèo nuôi chó nuôi chim càng lúc càng tăng lên, báo chí đã nói rằng quan hệ giữa người với người ngày càng xa cách đã khiến cho con người lựa chọn gần gũi với thú cưng để vơi bớt cô đơn. Thiện Minh Minh không hiểu lắm ý nghĩa của phát ngôn này, nó thà tin rằng là vì thú cưng quá đỗi đáng yêu nên con người thích chúng.
Đỗ Tiểu Á hễ đến nơi ầm ĩ náo nhiệt như thế này liền cảm thấy căng thẳng không thở nổi, trán đầy mồ hôi. Nó đi sát Thiện Minh Minh, một tay nắm chặt khuỷu tay bạn mình, chẳng khác gì người mù qua đường, không dám chậm một bước nào. Hai đứa trẻ “bơi” trong chợ như hai chú cá.
Chúng đi xem chim trước. Chủng loại và số lượng chim khá nhiều. Nào là chim sáo với bộ lông đen tuyền, nào là vẹt châu Mỹ sặc sỡ sắc màu, nào là họa mi với tiếng hót thánh thót, đúng là cần loài nào có loài đó, tiếng chim hót ríu rít hòa thành một bè, cứ như đã đem cả một khoảng rừng về thành phố. Có một con cú mèo, chân buộc một sợi dây xích, ngủ gà ngủ gật trên dây, ai đi ngang qua cũng dùng ngón tay thử chọc nó, nhưng nó chẳng để tâm, rõ là khí phách của bậc đại sư không chút dao động trước dòng đời biến hóa. Đỗ Tiểu Á ngạc nhiên thốt lên: “Chẳng phải chim cú là loài động vật được Nhà nước bảo vệ sao?” Người bán chim lập tức quắc mắt chẳng khác gì ánh mắt chim đại bàng, khiến Đỗ Tiểu Á sợ đến nỗi ngậm ngay miệng lại. Vui nhất là một con chim sáo, ban đầu rất nhiều người trêu nó, người này bảo nó nói: “Bạn khỏe không?” Người kia lại bảo nó nói: “Anh yêu em!” Thái độ lạnh nhạt, nó ngậm chặt miệng, khinh khỉnh liếc đoàn người đông đúc, ra dáng không thèm đếm xỉa. Sau đó, một anh chàng tức giận mắng nó: “Đồ ngốc!” Con sáo lập tức trở nên hưng phấn, rũ rũ bộ lông, ngẩng đầu, trịnh trọng đáp lại một câu rõ to: “Mày mới là đồ ngốc!” Mọi người đứng xem xung quanh cười ồ lên. Chàng thanh niên nổi cáu cũng dở, không nổi cáu cũng không đành, sắc mặt lúc đỏ ửng lúc trắng bệch, thiếu nước tìm cái lỗ nẻ nào mà chui xuống. Chim sáo đắc ý, giơ chân như vận động viên cử tạ, liên tục nói: “Đến đây, đến đây, đến đây.” Thiện Minh Minh cười rũ rượi, suýt chút nữa nuốt trôi cả viên kẹo cao su đang ngậm trong mồm.
Dãy bán mèo chỉ có hai cửa hàng, trong đó, một cửa hàng chuyên bán mèo con, những chú mèo có lẽ chỉ mới ra đời được mấy ngày, nhỏ như con chuột, mắt vẫn nhắm nghiền, lông còn chưa mọc, chân run rẩy, loạng choạng bò loanh quanh trong hộp giấy, khiến bất cứ ai nhìn thấy đều không khỏi thương cảm. Người bán mèo ra sức mời gọi: “Mèo con dễ nuôi, mèo lớn mua về không chịu nhận nhà mới, dễ bỏ trốn.” Chú ta vừa nói vừa nhìn sang hàng bán mèo lớn bên cạnh, tức tối, ghen tị vì nhà bên làm ăn tốt hơn mình. Sau đó, chú ta lấy bình sữa, cho mèo con bú. Thiện Minh Minh nhìn kỹ, hóa ra bình sữa là lọ thuốc nhỏ mắt bằng nhựa, trên lọ vẫn còn dòng chữ quảng cáo công dụng sáng mắt. Thiện Minh Minh lại một lần nữa thấy buồn cười, ở chợ hoa và chim chóc này quả nhiên không thiếu chuyện lạ đời.
Sau đó, hai đứa đi tìm cửa hàng bán thỏ. Đỗ Tiểu Á tinh mắt, từ xa đã nhìn thấy bóng váy xanh giữa dòng người chen chúc, liền hét to: “Đó chẳng phải Nguyệt Lượng sao?”
Thiện Minh Minh cũng nhận ra Nguyệt Lượng. Hai đứa cùng gọi to tên cô bé. Nguyệt Lượng quay người nhìn thấy bạn, vui sướng đến đỏ cả mặt, vội vàng chen lại và nói: “Các bạn cũng ở đây à?”
Đôi bên hỏi đi hỏi lại mới hay cả ba đều đến đây để mua thỏ cho các em lớp hai. Thì ra không hẹn mà cùng ý tưởng. Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á có phần tiếc nuối, bởi vì ý tưởng hay trong nháy mắt đã phải san sẻ một nửa cùng Nguyệt Lượng, điều này cho thấy người thông minh trên thế giới này không chỉ có hai đứa bọn nó.
Nguyệt Lượng quả thật là một cô bé tốt bụng, nó hoàn toàn không buồn vì hội Thiện Minh Minh cũng đến mua thỏ, ngược lại còn hí hửng đề nghị: “Chúng mình lập hội đi, như thế có thể mua được hai con, một con đực một con cái, để chúng lớn lên làm thỏ bố thỏ mẹ rồi đẻ một đàn thỏ con.”
Đỗ Tiểu Á thấy ý kiến này rất hay, liền hỏi: “Cậu mang bao nhiêu tiền?”
Nguyệt Lượng xòe bàn tay đang nắm chặt, trong lòng bàn tay là một tờ năm tệ cũ được cuộn tròn, còn có thêm một xu một tệ. Bởi vì nắm chặt quá lâu, tiền đã thấm mồ hôi ướt nhẹp.
Đỗ Tiểu Á gộp tiền của mình với Thiện Minh Minh, đếm rồi nói: “Tổng cộng chúng mình có mười lăm tệ sáu hào.”
Chúng đều cho rằng đây là một số tiền không nhỏ, trong lòng chắc mẩm sẽ thành công.
Người bán thỏ là một phụ nữ trung niên trông rất thật thà, khuôn mặt to ngang, đội cái mũ cói đã rách vành, mặc chiếc áo khoác bông in hoa, ngón tay đeo nhẫn vàng to bự. Hành động bắt thỏ của cô ấy rất dứt khoát, đưa tay một cái là tóm ngay được hai cái tai dài rồi nhấc lên đánh soạt. Chú thỏ đáng thương vùng vẫy trong tay cô, bốn chân ra sức giẫy đạp, đôi tai bị kéo căng tưởng chừng sắp đứt, đôi mắt đỏ chớp liên hồi, cứ như thể nước mắt sắp trào ra.
Nguyệt Lượng không chịu nổi mà thốt lên: “Nó bị đau quá rồi!”
Người phụ nữ trung niên cười hể hả: “Để các cháu nhìn cho rõ, thỏ của cô con nào cũng nhanh nhẹn hoạt bát, uống nước cũng lớn.”
Đỗ Tiểu Á đính chính: “Sách bảo rằng thỏ uống nước sẽ bị đau bụng đi ngoài mà chết đó.”
Người phụ nữ trung niên lại bật cười: “Cô chỉ nói quá một chút thôi mà. Các cháu có mua không? Cả con phố này, thỏ nhà cô là rẻ nhất.”
Thiện Minh Minh hỏi: “Bao nhiêu tiền một con ạ?”
Người phụ nữ trung niên giơ hai ngón tay ra.
“Hai tệ?” Thiện Minh Minh sung sướng như mở cờ trong bụng, vội đánh mắt sang nhìn Đỗ Tiểu Á và Nguyệt Lượng.
Người phụ nữ trung niên “xì” một tiếng: “Hai tệ chỉ mua được cái tai thỏ thôi. Là hai mươi tệ đó!”
Ba đứa trẻ lập tức ngẩn người, đưa mắt nhìn nhau, ngượng ngập đứng dậy, lùi sang bên cạnh bàn bạc. Hai mươi tệ, quả thật quá đắt, tiền của cả ba gộp lại còn không đủ mua một con.
Người phụ nữ thấy chúng do dự, lập tức đổi giọng: “Vậy thì bán rẻ chút nhé, mười lăm tệ. Đó là do cô thấy các cháu thích quá nên mới bớt cho đấy.”
Đỗ Tiểu Á thông minh nhất, người bán thỏ vừa hạ giá, nó lập tức ý thức được rằng việc này có lẽ vẫn còn khả năng du di nhiều hơn, chi bằng mạnh dạn đưa ra một con số: “Mười tệ.”
Người phụ nữ lập tức giữ chặt cái lồng tre, cứ như thể lo sợ ba đứa trẻ cướp mất thỏ của mình. “Mười tệ mà đòi mua thỏ ư? Cháu mua con chuột bạch còn hết năm tệ kìa.”
Nguyệt Lượng thì thầm: “Vậy thì mua một con đi. Nuôi một con thôi cũng được mà.”
Đỗ Tiểu Á lưỡng lự: “Sang hàng khác hỏi xem thế nào đã nhé? Có thể người ta bán rẻ hơn thì sao?”
Thiện Minh Minh đồng ý đi xem tiếp, lúc còn sống, bà nội thường hay nói: “Mua đồ đi hỏi vài nhà không thiệt.” Nó một lòng hy vọng mười lăm tệ sáu hào có thể mua được hai chú thỏ con.
Nào ngờ, cả bọn vừa định quay gót thì người phụ nữ bán thỏ liền sốt sắng gọi giật lại bằng giọng nịnh nọt: “Đừng đi, đừng đi mà, mười tệ thì mười tệ. Mua mấy con nào?”
Ba đứa dừng lại, nhìn nhau, không hẹn mà đồng thanh đáp: “Chúng cháu xem thêm đã.”
Bây giờ, chúng đã quyết tâm dùng số tiền trong tay mua bằng được hai con thỏ. Xem ra đây hoàn toàn là việc có thể làm được.
Ở phía trước, cách đó không xa là một cửa hàng bán chó. Có một chú chó đốm, các đốm đen trắng trên người đều và đẹp giống hệt chú chó đốm trong phim của Disney. Thiện Minh Minh cúi xuống nhìn, không kìm lòng được, bèn đưa tay vuốt lưng con chó. Chẳng hiểu có phải do tay nó có mồ hôi hay không mà sau khi vuốt lại thấy lông chó có phần thô ráp, còn lâu mới được trơn mượt như lông con Phát Tài. Lúc thu tay về, nó đưa mắt nhìn theo phản xạ, rồi giật mình hoảng hốt: “Sao lòng bàn tay lại đen sì thế này?”
Cùng lúc, người thanh niên bán chó cũng nhìn thấy điều bất thường trong lòng bàn tay Thiện Minh Minh. Không để nó kịp phản ứng, anh ta vội giơ tay túm lấy vai nó, kéo cả người nó vào sâu trong cửa hàng.
“Không được nói ra ngoài, nghe rõ chưa?” Người thanh niên dồn Thiện Minh Minh vào góc tường, mặt gí sát mặt nó: “Nếu mày hé răng một từ, tao lập tức đánh gãy chân mày.”
Thiện Minh Minh tim đập thình thịch, không hiểu người thanh niên nói câu đó nghĩa là gì? Không cho nó nói cái gì cơ chứ? Vừa rồi nó đã phát hiện được điều gì sao?
Người thanh niên lục túi quần, móc ra một tờ năm tệ, nhét vào tay Thiện Minh Minh. “Cái này cho chú em mua kem ăn. Đi đi.” Thuận tay, anh ta còn vỗ vào đầu Thiện Minh Minh một phát, đẩy nó lảo đảo đi ra khỏi cửa hàng.
Đỗ Tiểu Á mau chóng tiến đến đón bạn: “Cậu không sao chứ? Làm tớ sợ chết mất thôi, tớ cứ nghĩ anh ta sẽ bắt cóc cậu.”
Thiện Minh Minh cười hì hì, chìa tờ năm tệ cho các bạn xem: “Tài sản bất ngờ! Lần này đủ mua hai con thỏ rồi.” Nó lại tiếp tục: “Trên đời sao lại có người ngốc thế chứ? Tự dưng đùng đùng cho tớ tiền!”
Nguyệt Lượng cho rằng không thể nào có chuyện như thế, anh bán chó nhất định có việc muốn nhờ nó. Ba đứa lại nghiền ngẫm một hồi, cuối cùng đã nghĩ ra, chú chó đốm đó chắc chắn là một chú chó trắng tinh, những đốm trên người nó đều được chấm bằng mực.
“Thảo nào sờ tay vào cứ thấy ram ráp.” Thiện Minh Minh xòe bàn tay ra, ngỡ ngàng thốt lên. Nhưng nó quyết định không trả lại năm tệ, bởi người bán chó phát tài nhờ những đồng tiền bất nghĩa, tiền này không cầm thì cũng phí.
Chúng quay lại, bỏ ra hai mươi tệ mua hai con thỏ, một đực một cái. Sáu hào còn dư đem mua sáu viên kẹo cao su, mỗi đứa hai viên, thi nhau thổi bong bóng đến nỗi mép đều dính nhằng nhằng.
Thứ Hai, hai chú thỏ trở thành những ngôi sao của lớp, chúng ngồi trong hộp giấy mới thân thiết làm sao, hai tai vểnh lên, đôi mắt đỏ đảo qua đảo lại nhìn mọi người, chẳng lạ lẫm chút nào. Bất kỳ ai vừa bước vào lớp đều “ồ” lên một tiếng đầy kinh ngạc, sau đó đưa tay vào hộp giấy vuốt ve. Lúc đó, Nguyệt Lượng lại nhẹ nhàng nhắc nhở: “Đừng làm chúng đau nhé!”
Thiện Minh Minh, Đỗ Tiểu Á và Nguyệt Lượng cùng giành được giải thưởng cho “phương án hoạt động yêu thương hay nhất” của thầy Văn Nhất Đào. Phần thưởng cho mỗi đứa là một cục tẩy thơm hình quả dâu tây.
Thái Dương không phục, nó mặc chiếc váy công chúa tay phồng đi đi lại lại trong lớp, dừng lại trước mỗi bàn và nói: “Ý tưởng nuôi thỏ là do tớ nghĩ ra, Nguyệt Lượng đâu thông minh thế.” Nhưng chẳng ai cảm thấy bất bình thay nó. Bởi dù sao đi nữa, ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng, còn cách hành động thực tế một đoạn đường dài. Ý tưởng hay thì ai cũng có thể nghĩ ra, nhưng dám làm hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.
Các em học sinh lớp hai ra sức động não lập kế hoạch cho hai chú thỏ. Chúng quyết định sẽ xây một ngôi nhà thật đẹp cho thỏ, nên đã phát huy cả lớp mang gỗ ở nhà đến góp, mỗi người một thanh, rồi nài nỉ bác thợ mộc già của trường đóng đinh giúp, tạo thành cái nhà nho nhỏ có cửa ra vào, thậm chí còn có cả cửa sổ xinh xinh bằng kính, để tất cả có thể nhìn rõ cuộc sống của lũ thỏ phía sau cửa sổ đó. Có bạn còn mang đến cả một thùng sơn Nippon nhỏ màu xanh lá cây, sau khi sơn xong, đôi thỏ còn tưởng nhầm là nhà chúng mọc đầy cỏ, cái miệng màu hồng chúm chím cứ muốn lao đến liếm, ngốc không để đâu cho hết.
Nhưng cũng xảy ra một chuyện bi hài, đó là một bạn trong lớp không tìm được thanh gỗ phù hợp, bèn lấy trộm chiếc gậy chống của ông nội. Nửa đêm, ông nội đi vệ sinh, mò mãi không thấy chiếc gậy ở đầu giường, vội không chịu nổi nên đã trượt chân ngã, bị thương phần xương cụt. Cậu bé bị bố đánh một trận nên thân. Nhưng nó rất kiên cường, cắn chặt răng, nước mắt lã chã, nhất quyết không nói lấy trộm gậy để làm gì.
Thức ăn của lũ thỏ thịnh soạn đến mức khiến những đứa trẻ háu ăn phải đỏ mắt. Thử nhìn xem bên ngoài căn nhà của lũ thỏ đã chất đống những gì: sô cô la Hershey, bánh gạo Khang Sư phụ, bánh quy Prince Danone, cam Florida, kiwi New Zealand, thậm chí còn có hai hộp sữa chua nhỏ hiệu Quang Minh. Lũ trẻ đem cống hiến hết những thứ được coi là ngon nhất rồi tranh nhau cho đôi thỏ ăn đồ của mình trước. Chỉ tiếc là đôi thỏ quá kén ăn: sô cô la không thèm động; cam mới ngửi qua đã hắt hơi, quay người bỏ chạy; bánh gạo còn gặm đôi nhát, nhưng lại chê khô, nghẹn đến nỗi ho sặc sụa; kiwi có lẽ là thứ chúng muốn ăn, nhưng quả kiwi quá to, mồm chúng thì quá nhỏ, chúng càng cố cắn thì quả kiwi càng lăn lông lốc, chúng vồ tới tấp đến mức thở phì phà phì phò mà vẫn không ăn được miếng kiwi nào. Sau đó, chúng đành thu mình vào một góc, phản kháng bằng cách tuyệt thực, để rồi đói đến nỗi hai bên bụng hóp sâu. Nếu không phải Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á kịp đến thăm, tuyên bố từ nay về sau chỉ được phép mang rau, không được mang thứ khác thì không biết đôi thỏ còn phải chịu giày vò cỡ nào.
Tháng Mười đến với một đợt không khí lạnh sớm, già trẻ lớn bé toàn thành phố đều độn thêm áo ấm. Một cô bé bỗng nhiên nghĩ tới chuyện hai chú thỏ quý báu của lớp cũng sẽ bị lạnh, nên đã nài nỉ mẹ mình dùng len cũ đan thành hai chiếc áo gi lê xinh xinh ngay trong đêm, để sáng sớm ngày hôm sau kịp mang đến trường cho thỏ mặc. Vậy mà đôi thỏ thà chịu rét chứ nhất định không chịu để cơ thể mình tự dưng có thêm một cái áo. Chúng ra sức dùng chân để gãi, cúi đầu dùng miệng để cắn, lại còn dốc sức vẫy tai, như thể chiếc áo gi lê có thể bay qua tai ra ngoài vậy. Các bạn nữ đứng xem bảo là không nên bắt ép đôi thỏ đón nhận những thứ chúng không thích, định đưa tay ra giúp thỏ cởi áo. Nhưng cô bé kia sao chịu cơ chứ? Nó ôm chặt lấy đôi thỏ không cho ai chạm vào, hùng hồn nói: “Việc tốt với nó thì nên bắt nó làm. Chủ nhật, chúng ta đều không muốn đi học lớp năng khiếu, nhưng chẳng phải mẹ vẫn bắt chúng ta đi đó sao?” Các bạn nữ khác suy nghĩ, cảm thấy cũng đúng, cũng rất có lý. Nhưng nhìn thấy đôi thỏ khó chịu đến muốn khóc thì lại không nhẫn tâm, bèn tới phòng học lớp sáu, tìm chị Nguyệt Lượng để hỏi xem nên làm thế nào. Vừa nghe tin, Nguyệt Lượng đã chạy như bay đến ngay, nói một câu khiến đôi bên cùng đồng tình. Nguyệt Lượng bảo: “Bộ lông dài trên người thỏ chính là chiếc áo bông của nó, nó không cần mặc thêm thứ gì nữa, mặc nữa sẽ thành quá nóng, sẽ đổ mồ hôi.”
Nguyệt Lượng cầm tay cô bé kia, đưa xuống phía dưới mũi thỏ, để cô bé sờ những giọt mồ hôi trên chóp mũi chúng. Quả nhiên, cô bé đã sờ thấy một thứ cực kỳ ẩm ướt. Thế là cô bé tâm phục khẩu phục rồi vui vẻ cởi áo gi lê len cho thỏ. Nguyệt Lượng còn đề nghị dùng hai cái áo gi lê len đó làm tấm đệm cho thỏ luôn.
Suốt thời gian đó, các bác nông dân bán rau ở chợ rau gần trường được yêu mến nhất, bởi cứ sau giờ tan học, từng tốp từng tốp học sinh tiểu học lại xúm xít quanh đôi quang gánh xanh mướt rau của họ. Lũ trẻ nhìn chằm chằm vào những mớ rau trong sọt, cúi đầu nhặt mấy cọng rau rơi bên chân người lớn, đôi khi còn thẹn thùng thò tay rút trộm một cọng. Đứa trẻ nhặt được rau sung sướng chạy vút đi, được nửa đường mới ngồi xổm xuống, rút chiếc khăn tay trắng đã chuẩn bị sẵn trong ba lô ra, mau mau chóng chóng lau sạch những bùn những nước trên lá rau. Sau đó, chúng cẩn thận mang mấy cọng rau về trường, mở cửa sổ chuồng thỏ, cho chúng ăn từng cọng một.
Từng có bạn nhỏ nảy ra ý tưởng kỳ quái, đó là xào một đĩa rau xanh nêm nếm đầy đủ cả dầu lẫn muối, rồi mang đến cho thỏ ăn. Đôi thỏ ăn hết hơn một nửa, thái độ ngạc nhiên không kém gì chúng ta khi lần đầu nếm món bọ cạp chiên trên bàn ăn. Nhưng ngày hôm sau, đôi thỏ đã bị đi ngoài, đi nhiều đến nỗi tai dựng ngược lên, đôi mắt đỏ bị gỉ mắt che phủ đến mờ cả đi, chẳng còn sức mà cử động. Đỗ Tiểu Á nhanh trí xin được hai viên thuốc cầm tiêu chảy ở bệnh xá trường, bóp mồm thỏ rồi nhét cho mỗi con một viên. Tạ ơn trời đất, nhờ thế mà đôi thỏ cũng giữ lại được mạng sống của mình.
Cứ như thế trăm quý nghìn yêu, để rồi cuối cùng, đôi thỏ đáng thương chẳng thể sống được đầy tháng. Một buổi sáng, mưa lâm thâm, lũ trẻ vào trường, mở cửa sổ nhà thỏ, không thấy bốn cái tai hồng hào dựng lên, vội cúi mặt xuống nhìn, đôi thỏ đã chết, bụng căng phình như cái trống, tám cái chân ngắn tí ti quặp vào với nhau, trông như hai đứa trẻ con đang ôm nhau ngủ.
Lũ trẻ lập tức bật khóc thật to, chúng vừa khóc vừa chạy ra cổng trường, đứng sát vào một góc, hễ thấy bạn cùng lớp liền thút thít thông báo chuyện buồn, một tràng tiếng khóc mới lại vang lên. Mười phút sau, toàn thể học sinh trong lớp đã vây quanh ngôi nhà màu xanh của thỏ, nước mắt tuôn rơi hòa cùng nước mưa, từng đó gương mặt nhỏ đầy buồn thương khiến thầy cô nhìn mà đau lòng.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 tìm đến thầy Văn Nhất Đào và nói: “Lũ trẻ quá đau lòng, chẳng thể tiếp tục giờ học. Người có thể cởi được nút thắt chính là người đã thắt nút, nên nhờ thầy hãy bảo học sinh lớp thầy tìm cách an ủi, động viên lũ trẻ giúp tôi.”
Đỗ Tiểu Á mạnh dạn đứng lên: “Thầy Văn, em sẽ thay mặt toàn thể học sinh lớp 2A3 viết một lá thư cho thỏ mẹ.”
Lá thư của Đỗ Tiểu Á được viết như sau:
Gửi thỏ mẹ muôn vàn yêu quý,
Chúng tôi xin được báo với bà bằng tất cả lòng tiếc thương vô hạn, hai người con đáng yêu của bà đã chẳng may qua đời vào sáng sớm hôm nay. Người đau lòng không chỉ có chúng tôi, mà còn có ông trời, và còn cả cây hương xuân lẫn cỏ dại bên cạnh sân vân động. Bà có nhìn thấy nước mắt của chúng không? Bởi vì con của bà là những chú thỏ con đáng yêu nhất trên thế giới này, chúng tôi đều rất yêu mến chúng.
Thỏ mẹ à, xin bà, xin bà đừng khóc, được không? Khi còn sống, hai con của bà đã đem đến cho chúng tôi rất nhiều niềm vui, chúng tôi sẽ mãi nhớ về chúng. Cũng xin bà đừng trách chúng tôi vô tâm, chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi, nếu có chỗ nào chưa chăm sóc tốt được cho chúng, đó là do chúng tôi còn quá nhỏ, đợi chúng tôi lớn lên rồi, chúng tôi sẽ biết phải làm thế nào cho tốt hơn.
Một lần nữa thành thật xin lỗi bà! Xin hãy tha lỗi cho chúng tôi!
Xin được chúc phúc cho những đứa con của bà.
Toàn thể học sinh lớp 2A3 trường tiểu học Trường Hồng Lộ.
Toàn thể học sinh lớp sáu đều đồng loạt tiến cử Nguyệt Lượng đọc bức thư lấy đi nước mắt này trước lớp 2A3. Thư vừa đọc xong, lũ trẻ lại bật khóc một lần nữa. Sau đó, chúng hỏi các anh chị học sinh lớp sáu rất nhiều vấn đề, ví dụ như thỏ mẹ liệu có nhận được thư không? Nó có tức giận không? Có khi nào sau này, nó không bao giờ sinh con nữa hay không? Thi thể của thỏ con sẽ biến thành phân bón sao? Hai cây hương xuân, nơi chôn cất hai chú thỏ con, sẽ mọc cao hơn phải không? Thỏ con có biết mọi người đều rất nhớ chúng không?
Sau khi mỗi câu hỏi đều nhận được câu trả lời thỏa đáng, các em học sinh lớp hai đã thôi khóc và mỉm cười trở lại, chúng quyết định sẽ không đau lòng thêm nữa, để tránh làm thỏ mẹ đau lòng theo. Chúng bắt đầu viết bài tập làm văn theo yêu cầu của giáo viên, đề bài là kể một câu chuyện về tình bạn giữa chúng và thỏ. Sau này, một bài văn của học sinh trong lớp còn được đăng lên Vườn văn học sinh tiểu học và nhận được năm tệ nhuận bút. Cậu bé đã dùng năm tệ đó mua một con thỏ nhựa, treo ở trong lớp. Suốt cả kỳ học, các học sinh trong lớp hễ ngẩng đầu lên đều nhìn thấy nó.
Một hôm, khi Thiện Minh Minh và Đỗ Tiểu Á đi ngang qua chỗ hai cây hương xuân, Thiện Minh Minh bỗng đứng khựng lại, ngắm nhìn thật kỹ những cành non đang mọc ra tua tủa trên cây rồi quay sang nói với Đỗ Tiểu Á: “Cậu biết không? Việc viết một lá thư cho thỏ mẹ chỉ có cậu mới nghĩ ra mà thôi.”
Đỗ Tiểu Á mím môi một lúc, lẩm nhẩm: “Tâm hồn người đã chết và tâm hồn người đang sống có thể kết nối với nhau, cậu nghĩ sao?”
Thiện Minh Minh không trả lời được câu hỏi này, ngây người nhìn Đỗ Tiểu Á, trong lòng thấp thoáng những hoang mang.