Franklin thân yêu,
Hôm nay em chẳng hề muốn nán lại văn phòng chút nào. Các nhân viên đã chuyển từ cuộc tranh luận hòa bình sang bùng nổ chiến tranh. Ngồi trong văn phòng quan sát màn tranh đấu cuối cùng mà chẳng chọn về phe nào khiến cho cảnh tượng này có phần hài hước, tầm ảnh hưởng của chiếc tivi cũng chẳng hề giảm ngay cả khi đã tắt tiếng.
Em có chút băn khoăn không hiểu sao “Florida” lại có thể trở thành một vấn đề chủng tộc, ngoại trừ cái cách mà mọi thứ đều có thể trở thành vấn đề chủng tộc ở đất nước này, theo luật thì cũng sớm thôi. Ba người của đảng Cộng hòa ném những lời lẽ như “Jim Crow25” về phía hai người đảng Dân chủ đang bị bao vây. Hai người họ chen chúc nhau ở cuối phòng và nói chuyện nhỏ đến mức những lời giải thích cuối cùng chỉ còn là lầm bầm những âm mưu hoặc chia sẻ những tin đồn nhảm. Buồn cười thật, trước cuộc bầu cử người ta cho nó chỉ là một cuộc thi buồn tẻ chẳng đáng bận tâm đến.
25 Luật Jim Crow là luật lệ của tiểu bang và địa phương thi hành sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ. Tất cả những luật lệ này được ban hành vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang bị thống trị bởi những người da trắng theo đảng Dân chủ miền Nam sau thời kỳ Tái thiết.
Dù sao thì, hôm nay Tòa án Tối cao sẽ công bố một số quyết định, và đài thì bật suốt cả ngày. Các nhân viên cãi nhau hăng hái đến nỗi có hơn một khách hàng chỉ đi đến cửa, chẳng kịp vào quầy mà quay bước đi luôn. Sau cùng, em cũng làm như vậy. Trong khi hai người bảo thủ có xu hướng bảo vệ một cách trần trụi cho phe họ thì những người tự do luôn nhân danh sự thật, công lý hoặc nhân sinh. Mặc dù từng là một người đảng Dân chủ trung thành, em đã từ bỏ việc đấu tranh bảo vệ nhân quyền từ lâu. Em còn thấy khó khăn trong việc bảo vệ chính mình.
Trong khi em mong những lá thư này không biến thành những lời tự bào chữa điếc tai, em cũng lo rằng mình bắt đầu cho rằng Kevin là lỗi của em. Thỉnh thoảng em thích thú việc uống tội lỗi bằng một cơn khát mạnh mẽ. Đúng là em nói thích thú. Có một sự tự phóng đại khi đằm mình trong những quở trách, một sự kiêu căng. Quy trách nhiệm mang cho người ta một sức mạnh tuyệt vời. Nó làm cho mọi chuyện trở nên đơn giản không chỉ cho người nhìn vào hay nạn nhân mà phần lớn là cho thủ phạm. Quy trách nhiệm cho một người có thể mang đến một bài học khiến cho người ta thoải mái đánh giá: nếu cô ấy không làm như vậy… và ngụ ý rằng đã có thể tránh được bi kịch. Có thể có một chút bình yên mong manh trong việc gánh vác toàn bộ trách nhiệm, em thường xuyên thấy sự bình yên đó ở Kevin. Khía cạnh đó của nó khiến những người cai ngục nhầm lẫn với sự không ăn năn.
Nhưng với em thì dù có tham lam nhồi nhét tội lỗi cũng không được. Em không bao giờ có thể hiểu được toàn bộ câu chuyện. Nó lớn hơn bản thân em. Nó đã làm tổn thương quá nhiều người, những người cô, người dì, anh chị em họ và những người bạn thân mà em không bao giờ biết và sẽ không bao giờ nhận ra dù có chạm mặt. Em không phải chịu đựng cảnh biết bao nhiêu gia đình ngồi bên bàn ăn tối cùng một chiếc ghế trống. Em không giận dữ vì bức ảnh đặt trên nóc đàn piano mãi mãi bị vấy bẩn vì đó là tấm hình người ta đăng lên báo hoặc những người anh chị em trong những tấm hình bên cạnh tiếp tục đánh dấu những mốc quan trọng trong hành trình trưởng thành của họ: tốt nghiệp, làm đám cưới trong khi cuốn kỷ yếu bất động ngày càng phai màu bởi thời gian. Em không hiểu được việc phải giấu giếm cuộc hôn nhân từng tốt đẹp đang xấu đi từng tháng. Em không phải ngửi mùi rượu gin nồng nặc từ hơi thở của một người từng là nhà buôn bất động sản chăm chỉ mặc dù mới là buổi trưa. Em không cảm nhận được sức nặng của những thùng các-tông bị kéo lên một chiếc xe tải sau khu nghỉ hè bừng lên với những cây sồi, những khe suối róc rách và tiếng cười sống động của những đứa con khỏe mạnh nhà khác bỗng nhiên sau một đêm trở nên không thể chịu nổi. Dường như nếu như em có thể thấy tội lỗi một cách có ý nghĩa, em sẽ phải để tất cả những mất mát này treo lơ lửng trong tâm trí mình. Nhưng giống như trong trò chơi đua xe mà anh thường hát, tôi đang bắt đầu một chuyến đi, tôi sẽ lấy một ánh nắng, một đứa bé bập bẹ, một chú chim… em luôn quên mấy chữ gần cuối bảng chữ cái. Em bắt đầu tung hô vẻ đẹp thiếu tự nhiên của cô con gái nhà Mary, đứa trẻ cận thị đang lên như diều gặp gió nhà Fergusons, thằng nhóc tóc đỏ cao kều luôn làm quá mọi thứ nhà Corbitt, rồi em bắt chuyện với giáo viên tiếng Anh duyên dáng lạ thường, cô Dana Rocco, nhưng cô ấy chẳng buồn đáp lại.
Tất nhiên, chẳng phải vì em không thể nuốt trôi những lời đổ lỗi thì người ta sẽ ngừng ném nó vào em, và em mừng vì có thể làm một cái thùng rác nếu như điều đó làm họ cảm thấy tốt hơn. Em luôn nghĩ về Mary Woolford, người đã trải qua sự bất công để đến giờ lao vào con đường một chiều cực kỳ bất tiện. Em cho rằng mình từng gọi nói cô ta đã chiều hư con cái: cô ta đã làm ồn ào thái quá khi Laura không được tham gia đội đua, con gái cô ta cũng xinh đấy, nhưng thể chất ẻo lả và cực ít vận động thể thao. Nhưng cũng không cần thiết phải gọi đó là một khiếm khuyết trong nhân cách nếu người ta vẫn có một cuộc sống tốt đẹp với một vài ngăn trở nhỏ xíu. Hơn nữa, Mary là một phụ nữ kiên định, giống như người đồng nghiệp đảng Dân chủ của em, họ luôn giận dữ một cách tự nhiên. Trước ngày thứ Năm đó, cô ta đã quen với việc trút sự gay gắt của mình vào chiến dịch yêu cầu hội đồng nhân dân thêm vạch kẻ đường cho người đi bộ hay cấm người vô gia cư ở Gladstone. Vậy cho nên, việc từ chối tài trợ cho mấy cái vạch kẻ hoặc sự xuất hiện của mấy kẻ lang thang râu tóc xồm xoàm ở rìa thị trấn dường như đã báo trước cho cô ta một thảm kịch. Em không biết người ta giữ vững tâm lý của mình thế nào trước một bi kịch như vậy khi đã dồn hết sự hoảng hốt, kinh ngạc của bản thân vào những vấn đề giao thông.
Em có thể hiểu tại sao một người phụ nữ ngủ không yên giấc trên hạt đậu lại thấy khó khăn khi ngủ trên cái đe. Tuy nhiên, thật đáng thương khi cô ta không thể giữ sự tĩnh lặng, sự thanh thản của những thứ lờ mờ không cần giải thích. Ồ, em nhận ra anh cũng là người không thể chịu đựng sự hoang mang, anh luôn cần phải hiểu hoặc ít nhất giả vờ hiểu, anh làm điều đó khá giỏi đấy. Nhưng bản thân em lại thấy một khoảng trắng rộng lớn trong tâm trí thật bình yên. Và em sợ rằng cơn giận mới của Mary, sự sốt sắng kêu gọi để đưa những tội lỗi vào trong sách, chỉ là một nơi huyên náo gây ra ảo tưởng về một hành trình, một đích đến, chừng nào mục đích đó còn nằm ngoài tầm với. Thực lòng, em đã phải chiến đấu với sự thôi thúc ở tòa án dân sự để không gạt cô ta sang một bên mà nhẹ nói: “Cô có cảm thấy tốt hơn nếu thắng không?”. Thực ra, em bị thuyết phục rằng cô ta sẽ thấy được an ủi hơn khi chứng minh được sự thờ ơ của cha mẹ trong vụ án này, bởi vì sau đó cô ta có thể nuôi dưỡng một vũ trụ mới nơi cô ta có thể rũ bỏ thành công nỗi đau của mình, và dành nó cho người mẹ khác xứng đáng. Mary bằng cách nào đó có vẻ cũng bối rối như vấn đề này. Vấn đề không phải là trừng phạt ai vì điều gì. Vấn đề là con gái cô ta đã chết. Mặc dù em không thể đồng cảm hơn, nhưng đó là vấn đề không thể trút bỏ lên ai khác.
Bên cạnh đó, em có lẽ nên có thiện ý hơn với khái niệm hiếm có khó tìm này. Khi nào có điều xấu xảy ra, ai đó phải có trách nhiệm giải thích nếu như vòng hào quang nhỏ bé vô tội dường như không tỏa sáng với những người tự nhận mình bị bao vây bởi những tác nhân xấu. Vậy đấy, đó dường như cũng chính là những người sẵn sàng kiện chủ thầu xây dựng vì đã không bảo vệ họ một cách hoàn hảo khỏi sự phá hủy của động đất, những người đầu tiên tự cho rằng con trai họ trượt bài kiểm tra toán vì nó bị rối loạn mất tập trung chứ không phải vì nó dành cả tối hôm trước để chơi trò chơi điện tử thay vì nghiên cứu phân số kép. Nếu đặt mối quan hệ ồn ào này dưới thảm họa, dấu ấn của tầng lớp trung lưu Mỹ, thì có một niềm tin mạnh mẽ rằng những điều tồi tệ chỉ đơn giản là không nên xảy ra, chấm hết. Nhưng niềm tin cốt lõi của mấy sự giận dữ kiểu này dường như cho rằng những việc xấu không nên xảy ra với họ. Cuối cùng, mặc dù anh biết em không phải người đặc biệt tin vào thần thánh sau khi Chính thống giáo đưa ra những lời buộc tội vô nghĩa từ khi em còn là một đứa trẻ (may là khi em lên mười một, mẹ em không còn đủ can đảm để đến nhà thờ cách bốn dãy nhà và chỉ tổ chức các “buổi lễ” nửa vời ở nhà) em vẫn tự hỏi tại sao ở một chủng tộc tôn thờ con người như vậy mà những sự kiện từ núi lửa đến biến đổi khí hậu lại trở thành vấn đề mà mỗi người đều cần có trách nhiệm. Bản thân các loài chỉ là một tạo tác của Chúa, em chẳng biết diễn đạt cách nào khác. Em sẽ phản bác rằng việc một đứa trẻ nguy hiểm ra đời cũng là do Chúa, nhưng phiên tòa của chúng ta không như thế.
Harvey ngay từ đầu nghĩ rằng em nên thỏa thuận. Anh nhớ Harvey Landsdown chứ? Anh ta luôn tự cho mình là người quan trọng. Anh ta cũng có quan trọng, nhưng anh ta luôn kể những câu chuyện phi lý. Giờ thì anh ta đến những bữa tiệc của người khác và kể những câu chuyện về em.
Harvey làm em hơi bối rối, vì anh ta là kiểu người luôn đi thẳng vào trọng tâm. Trong văn phòng anh ta, em đã vấp váp và lạc đề, anh ta sắp xếp giấy tờ, ám chỉ rằng em đang làm mất thời gian của anh ta, hoặc là tiền của em, cũng như nhau cả. Bọn em bất đồng về những gì cấu thành sự thật. Anh ta cần một mấu chốt quyết định. Em ư? Em nghĩ để có được một mấu chốt quyết định ta phải tập hợp tất cả những chuyện nhỏ chưa thông suốt được và chúng dường như không liên quan cho đến khi ta gom chúng tại. Em nghĩ đó là những gì em đang cố gắng làm ở đây, Franklin, vì dù em đã cố trả lời thẳng thắn những câu hỏi của anh ta, mỗi khi em đưa ra một câu bào chữa đơn giản kiểu như “Dĩ nhiên rồi, tôi yêu con trai mình,” em thấy mình đang nói dối mà bất cứ thẩm phán hay bồi thẩm đoàn nào cũng có thể nhận ra.
Harvey không quan tâm. Anh là một trong số những luật sư coi luật pháp là một trò chơi, không phải là một vở kịch đạo đức. Harvey thích tuyên bố rằng lẽ phải chẳng thắng được vụ nào cả, anh ta mặc kệ em với cảm giác lờ mờ rằng có công lý ở phe mình thậm chí là hơi bất lợi.
Dĩ nhiên là em không chắc công lý có thật đứng về phía mình không, và Harvey thì thấy cách tay em vặn vẹo thật tẻ nhạt. Anh ta bảo em ngừng run rẩy vì những gì người ta nghĩ về mình, chấp nhận tai tiếng mình là một bà mẹ tồi, anh ta hoàn toàn không quan tâm em thực sự thế nào. (Franklin à, em là bà mẹ tồi, em thực sự tồi tệ. Em không biết anh có bao giờ tha thứ cho em không.) Lý luận của anh ta là đánh thẳng vào kinh tế, em hiểu là nhiều vụ kiện đã kết thúc theo cách này. Anh ta khuyên chúng ta nên trả hết cho những bố mẹ rời khỏi tòa một khoản tiền lớn, ít hơn thứ mà một bồi thẩm đoàn đa cảm có thể trao cho họ. Không có gì đảm bảo ta sẽ được bồi thường những tổn thất ngay cả khi chúng ta thắng. Vậy có nghĩa là, em từ từ sắp xếp, ở đất nước mà “bạn trong sạch cho đến khi được chứng minh là có tội”, ai đó có thể buộc tội em vì bất kỳ điều gì anh ta nói và em có thể thoát cả trăm lần nếu em chứng minh lời buộc tội là vô căn cứ? “Chào mừng đến với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,” anh ta vui vẻ nói. Em nhớ lúc có anh để dựa vào. Harvey không quan tâm đến sự khó chịu của em. Anh ta thấy sự mỉa mai của pháp luật này rất thú vị, bởi vì không phải công ty anh ta bắt đầu từ một tấm phiếu giảm giá vé máy bay đang trên đường đến.
Nghĩ lại, Harvey đã hoàn toàn đúng về sức mạnh của đồng tiền. Và em suy ngẫm về điều khiến Mary mang vụ kiện của cô ta ra chống lại em bất chấp hội đồng pháp lý. Đáng nhẽ em phải rất tức giận. Nếu em có làm gì sai thì em cũng đã bị trừng phạt rồi. Không tòa án nào có thể kết em vào một cái án tồi tệ hơn cuộc sống chán ngán trong căn hộ bé tí, cùng ức gà và bắp cải, bóng đèn halogen chập chờn, chuyến đi thăm như robot mỗi hai tuần đến Chatham. Hoặc thậm chí là tệ hơn khi sống gần mười sáu năm với một thằng con trai đã xác nhận rằng nó không muốn em làm mẹ nó và mỗi ngày đều cho em lý do để hối hận về việc sinh ra nó. Cũng giống nhau cả thôi, em cần phải tự mình hiểu ra rằng phán quyết nghiêm khắc của bồi thẩm đoàn không bao giờ có thể làm dịu nỗi đau của Mary, một bản án nhẹ nhàng hơn cũng chẳng thể làm em bớt cảm giác đồng lõa.
Than ôi, đó lại chẳng phải sự tha thứ mà em thực sự cần, có thể vì vậy nên em ngồi đây đêm này qua đêm khác, cố gắng ghi lại mọi chi tiết liên quan. Hãy nhìn vào sinh vật đáng thương này: Một phụ nữ trưởng thành, có cuộc hôn nhân hạnh phúc đang ở vào tuổi gần ba mươi bảy, cô được thông báo về việc mang thai đứa con đầu lòng và đã suýt ngất vì kinh hoàng, cô ngụy trang cảm xúc của mình với người chồng vui vẻ bằng một chiếc váy kẻ xinh xắn. Hạnh phúc với phép màu của cuộc sống mới, cô chọn kiêng rượu. Cô nhảy múa trong phòng khách theo giai điệu mấy bài nhạc thị trường lố bịch mà chẳng hề nghĩ đến đứa con trong bụng. Vào thời điểm mà cô nên cố gắng hết sức để học ý nghĩa thực sự của chúng ta, cô lại băn khoăn đứa trẻ sắp ra đời liệu có phải của cô. Thậm chí tại thời điểm cô phải thấu suốt vấn đề, cô vẫn chỉ chú ý vào mấy bộ phim mà việc sinh đẻ của con người lẫn lộn với việc trục xuất một con giòi quá khổ. Và cô là một kẻ đạo đức giả không bao giờ có thể hài lòng. Sau khi thừa nhận những chuyến đi khắp thế giới không phải những cuộc phiêu lưu bí ẩn kỳ diệu như cô từng giả vờ, những cuộc ngao du hời hợt thực tế đã trở nên ép buộc và tẻ ngắt, khoảnh khắc những chuyến ngao du bị đe dọa bởi nhu cầu của người khác, cô bắt đầu ngây ngất trong cuộc sống yên bình mình từng có khi đi ghi chép xem những nhà trọ cho ở Yorkshire liệu có cung cấp thiết bị nhà bếp hay không. Tệ hơn cả, trước khi đứa con bất hạnh của cô phải xoay sở để sống sót trong tình trạng khắc nghiệt của cái tử cung thắt chặt, gượng ép, cô đã thú nhận điều mà với anh, Franklin, là không được phép nói ra. Cô đã bất ngờ thay đổi suy nghĩ, như thể trẻ con là những bộ quần áo ta có thể mặc thử ở nhà, sau khi tự soi mình trước gương rồi kết luận, không, xin lỗi, rất tiếc nhưng bộ này không hợp, rồi mang nó trả lại cửa hàng.
Em nhận thấy bức chân dung mà em vừa vẽ ra có vẻ không hấp dẫn lắm, nhắc đến chuyện đó, em không thể nhớ nổi lần cuối mình cảm thấy hấp dẫn là khi nào, dù là với bản thân hay ai đó khác. Thực ra, vài năm trước khi mang thai em có gặp một phụ nữ ở White Horse, người đã học cùng cao đẳng với em ở Green Bay. Mặc dù bọn em không nói chuyện từ hồi đó, cô ấy mới sinh con đầu lòng, và em chỉ cần chào một câu đơn giản cũng khiến cô ấy thổ lộ hết nỗi tuyệt vọng của mình. Nhỏ nhắn, với đôi vai rộng bất thường và mái tóc đen xoăn tít, Rita là một phụ nữ hấp dẫn về mặt thể chất. Chẳng cần em yêu cầu, cô ấy tâng bốc thân hình không khuyết điểm của mình trước khi thụ thai. Rõ ràng cô ấy từng sử dụng Nautilus26 hàng ngày, dáng người cô ấy chưa từng sắc nét đến vậy, tỷ lệ mỡ-cơ của cô ấy không thể tin nổi, điểm aerobic của cô ấy đứng đầu bảng xếp hạng. Và rồi mang thai, nó thật kinh khủng! Cô ấy không còn đủ sức cho mấy cái máy Nautilus nữa và phải dừng lại. Giờ cô ấy là một mớ hỗn độn, đứng lên ngồi xuống cũng khó khăn, không thể tập nhiều hơn ba hiệp gập bụng, cô ấy phải bắt đầu từ đầu, có khi còn tệ hơn. Người phụ nữ này đang phát điên, Franklin, cô ấy rõ ràng đã lẩm bẩm về cơ bụng của mình khi đi xuống đường. Cô ấy còn chưa có ý định nhắc đến tên đứa con của mình, giới tính của nó, tuổi của nó hay thậm chí bố của nó. Em nhớ mình đã bước chậm lại, xin lỗi cô ấy để vào quán bar, rồi chuồn đi mà còn chưa kịp nói tạm biệt. Điều khiến em đau lòng nhất, khiến em phải bỏ chạy, là cô ấy nghe không chỉ vô cảm và yêu bản thân quá mức mà còn giống hệt em.
26 Một công ty sản xuất máy tập.
Em không chắc có phải mình đã hối hận về đứa con đầu lòng ngay cả khi nó chưa được sinh ra hay không. Rất khó để em hồi tưởng lại khoảng thời gian trước đó mà không làm vấy bẩn những kỷ niệm bởi sự hối hận trong những năm về sau. Sự hối hận đã phá vỡ những giới hạn của thời gian và tràn cả vào quãng thời gian khi Kevin còn chưa ở đó để mà mong nó biến mất. Nhưng điều em không bao giờ muốn là xóa vị trí của mình trong câu chuyện tồi tệ này. Ngay cả như vậy, em đã quyết tâm chấp nhận tất cả trách nhiệm cho mọi suy nghĩ bướng bỉnh, tính giận dỗi, mỗi lần ích kỷ, không phải để đổ hết tội lỗi cho chính mình mà để thừa nhận đây là lỗi của em, kia là lỗi của em nhưng ở đó, ở đó, đặc biệt là ở đó, nơi em vẽ ra giới hạn và mặt khác chỗ kia, chỗ kia, Franklin, chỗ kia thì không phải do em.
Song để vạch ra giới hạn đó, em sợ rằng mình cần phải tự đẩy đẩy bản thân đến giới hạn cao nhất.
Đến tháng cuối, thai kỳ thực ra cũng khá vui. Em đã thật vụng về với cơ thể mới mẻ ngốc nghếch đó, với một người phụ nữ luôn phải cẩn thận chải chuốt như em, em thấy khá nhẹ nhõm khi mình biến thành một con bò. Làm thế nào mà một nửa số người kia sống được, có thể là hơn một nửa vì đến năm 1998, dân số Mỹ chính thức công nhận số người béo đã áp đảo.
Kevin ra đời chậm hai tuần. Nghĩ lại, có khi nó đang lê bước ngay từ trong tử cung chỉ để chạy trốn. Có lẽ em không phải người duy nhất chuẩn bị trước cho những chuyện này.
Sao anh không bao giờ bị dằn vặt với những điềm báo? Em phải ngăn anh mua hàng đống thỏ bông, xe đồ chơi và những cái chăn nhỏ trước khi sinh. Điều gì sẽ xảy ra nếu như chuyện trở nên xấu đi? Anh có chuẩn bị tinh thần cho một sự đổ vỡ? Anh đã bực bội vì việc chuẩn bị cho một thảm họa cũng chính là chấp nhận nó. (Vì vậy, khi anh đang trông đợi một cậu em sinh đôi, một cậu bé vui vẻ, em đưa một người thay thế anh đến với thế giới.) Em là một bà mẹ trên ba lăm tuổi muốn làm xét nghiệm hội chứng Down cho thai nhi, anh đã kịch liệt phản đối. Anh nói rằng tất cả những gì họ có thể đưa ra chỉ là phần trăm khả năng. “Em định bảo với anh rằng nếu đó là 1/500 thì em sẽ tiếp tục, nếu là 1/50 thì em cứ thế xé nháp làm lại?” “Dĩ nhiên là không.” Em nói.
“1/10 rồi 1/3. Thì sao chứ? Sao em phải ép mình đưa ra những lựa chọn?”
Lời anh nói rất thuyết phục, mặc dù em tự hỏi liệu đằng sau đó có đang che giấu thứ tình cảm chưa thấu đáo dành cho đứa con tật nguyền hay không. Một trong số những sứ giả vụng về nhưng ngọt ngào được Chúa phái đến và dạy cho cha mẹ nó rằng có nhiều điều trong cuộc sống hơn là thông minh, một linh hồn vô cảm bên dưới mái tóc xoăn. Thèm khát nốc cạn bất cứ ly cocktail di truyền nào mà ADN mang lại, anh hẳn đã bị mê hoặc bởi viễn cảnh của sự hy sinh cao cả: anh mất đến sáu tháng kiên nhẫn mỗi ngày dành cho đứa con bé bỏng đần độn, dạy nó buộc dây giày để minh chứng cho sức mạnh của con người là siêu phàm. Bảo bọc quyết liệt và thiếu suy nghĩ, anh phát hiện trong mình có một sự rộng lượng vô tận mà cô vợ chuẩn-bị-đi-Guyana-ngày-mai không bao giờ có được. Cuối cùng anh bỏ việc và tốt hơn hết là dành toàn bộ thời gian cho thứ gì đó ba tuổi của chúng ta. Hàng xóm đều ca ngợi sự cam chịu để dành-cho-con-những-điều-tốt-nhất của anh với những gì mà cuộc sống đã trao vào tay ta, sự trưởng thành thích-nghi-với-khó-khăn mà anh đối mặt thì những người khác cùng thời lại xem như là đòn chí mạng. Anh đã tuyệt vọng quăng mình vào công việc nuôi dạy con cái phải không? Như nhảy xuống một vách đá hay lao vào giàn thiêu. Có phải cuộc sống chỉ chúng ta với nhau là quá sức chịu đựng của anh, quá tuyệt vọng?
Em chưa từng kể với anh, nhưng em đã giấu anh đi làm xét nghiệm. Sự lạc quan của kết quả (khoảng 1/100) cho phép em một lần nữa lờ đi sự khác biệt to lớn giữa hai ta. Em từng rất kén chọn. Em đã trông đợi việc làm cha mẹ của mình có những điều kiện rất khắt khe. Em không muốn làm mẹ một đứa trẻ đần độn hay bị liệt. Mỗi khi em trông thấy một người mẹ mệt mỏi đẩy xe cho đứa con khuyết tật chân hoặc tay bằng những cơ bắp đau nhức đến buổi trị liệu dưới nước ở bệnh viện Nyack, trái tim em không tan chảy, nó chùng xuống. Nếu phải thật lòng nêu ra một danh sách tất cả những gì em không muốn chăm sóc, từ các thể loại thiểu năng đến những kiểu thừa cân kỳ cục, danh sách chắc phải dài đến hai trang. Nghĩ lại, lỗi của em không phải là đã bí mật đi làm xét nghiệm mà là đã quá lạc quan vào kết quả. Bác sĩ Rhinestein không làm xét nghiệm để tìm thấy những ác tâm, sự thờ ơ khó chịu hay những tật xấu bẩm sinh. Nếu họ có thể làm xét nghiệm cho những thứ đó, em không biết bao nhiêu con cá sẽ bị gửi trả lại cửa hàng thú cưng.
Về việc sinh con, em đã luôn thể hiện thái độ trượng phu với những đau đớn thể xác mặc dù em chưa từng trải qua lần bệnh nặng nào, chưa từng gãy một chiếc xương nào cũng như chưa từng bị ô tô tông phải. Thật ra em không hiểu sao lại tự cho rằng mình rất cứng rắn. Em chính là Mary Woolford về thể chất. Khái niệm đau đối với em chỉ bao gồm bị va ngón chân, tróc khuỷu tay hay chuột rút trong kỳ kinh nguyệt. Em biết cảm giác nhức mỏi sau ngày đầu tiên tập bóng quần, nhưng em không biết sẽ thế nào khi người ta mất một cánh tay bởi những máy móc công nghiệp hay mất một chân vì bị tàu cao tốc đại lộ số Bảy chẹt qua. Tuy nhiên, dù ta có háo hức tin vào những câu chuyện của người khác như thế nào, những vấn đề đó cũng thật xa vời. Anh đã chấp nhận phản ứng nhàm chán của em khi cắt phải ngón tay trong bếp như bằng chứng đầy đủ rằng em sẽ ép một thứ có kích cỡ một tảng thăn sườn qua một cái lỗ mà trước đây chỉ chứa được không nhiều hơn một cái xúc xích với cùng một khả năng chấp nhận đau đớn. Nó chỉ đơn giản diễn ra dù không nói thành lời rằng em sẽ không cần gây tê.
Em không thể hiểu nổi những gì chúng ta đang cố chứng minh. Về phần anh, em có thể là nữ anh hùng hơn-cả-cuộc-sống mà anh muốn cưới. Về phần em, có lẽ em bị cuống vào sự cạnh tranh của phụ nữ trong việc sinh nở. Ngay cả cô vợ từ tốn của Brian, Louise kể rằng cô ấy đã xoay sở hai-mươi-sáu-tiếng chuyển dạ sinh Kiley chỉ với “trà lá mâm xôi” để xoa dịu cơn đau, một bí kíp của gia đình được truyền qua ba đời. Chính sự đa dạng này đã nâng tầm mấy khóa học sinh sản em tham gia ở New School, mặc dù em cá là nhiều học sinh sẽ đầu hàng trò chơi “Tôi muốn biết cảm giác đó như thế nào” và cầu xin gây tê màng cứng ngay cơn co đầu tiên.
Không phải em. Em không dũng cảm nhưng em bướng bỉnh và kiêu hãnh. Sự cứng đầu còn vững chắc hơn cả lòng can đảm, mặc dù nó cũng chẳng đẹp đẽ gì lắm.
Vậy nên lúc đầu khi bên trong em bắt đầu xoắn lại, mắt em hơi trố ra, mí mắt mở to vì bất ngờ, môi mắm lại. Anh đã ấn tượng vì sự bình tĩnh của em. Em đã cố làm vậy. Chúng ta đang ăn ở Beach House, và em quyết định không ăn nốt món hầm cay. Cố gắng để giữ bình tĩnh, anh ăn nốt miếng bánh ngô rồi chạy vào phòng vệ sinh để lấy cả một cuộn giấy mới vừa được treo lên. Em đã vỡ ối, hàng lít, hoặc trông có vẻ thế, em đã làm ướt sũng băng ghế. Anh thanh toán hóa đơn và thậm chí vẫn nhớ để lại tiền boa trước khi đưa em trở lại căn gác xép, kiểm tra đồng hồ. Chúng ta sẽ không tự làm mình xấu hổ khi xuất hiện ở viện Beth Israel hàng giờ trước khi cổ tử cung của em bắt đầu mở ra.
Cuối buổi chiều hôm đó, anh chở em qua phố Canal bằng chiếc xe bán tải xanh da trời, anh lầm bầm rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi mặc dù anh chẳng thể nào biết trước được. Lúc nhập viện, đập vào mắt em là thứ minh chứng em đúng là một bệnh nhân thường gặp: y tá ngáp dài. Em sẽ làm bác sĩ Rhinestein kinh ngạc bởi sự cộc cằn của mình. Em hiểu đây là một quá trình tự nhiên nên em sẽ không làm lớn chuyện. Vậy nên khi một cơn co tăng gấp đôi như thể em bất ngờ bị tóm bởi một cái móc, em chỉ thở ra một hơi phù.
Đó là một hành động hoàn toàn nực cười và vô nghĩa. Chả có lý do gì em phải gây ấn tượng với bác sĩ Rhinestein, em thậm chí còn chẳng thích cô ấy. Nếu em muốn làm anh tự hào, anh sắp sửa có một đứa con trai, vậy thì cũng xứng đáng để em cho phép mình la hét và thô lỗ một chút. Thậm chí điều đó có thể tốt hơn khi nó sẽ giúp anh nhận ra vợ mình chỉ là một phàm nhân thích thoải mái và ghét chịu đựng và sẽ hoàn toàn hợp lý khi yêu cầu gây tê. Thay vào đó em nói những câu đùa yếu ớt khi đang nằm trên cáng chạy dọc hành lang, và nắm tay anh. Ngay sau đó anh nói với em rằng em gần như đã bẻ gãy tay anh.
Ôi, Franklin, giả vờ lúc này có tác dụng gì chứ. Nó thật khủng khiếp. Em có khả năng dẻo dai chịu đựng một số loại đau đớn nhất định, nhưng nếu có vậy thì sức chịu đựng cũng chỉ nằm trong cẳng tay hoặc bắp chân chứ không phải giữa hai chân em. Đây không phải phần cơ thể mà em từng luyện tập để chịu đựng, dù với tất cả những bài thể dục kia. Và khi hàng giờ liền trôi qua, em bắt đầu nghi ngờ liệu có phải do mình quá già cho việc này, có phải em đã quá bảo thủ khi gần bốn mươi tuổi mà vẫn muốn kéo dài cuộc sống mới này. Bác sĩ Rhinestein nói rằng em quá nhỏ, như để chỉ ra sự bất bình thường. Và sau khoảng mười lăm giờ đồng hồ, cô ấy phải nói: “Eva! Cô cần phải thực sự cố gắng”. Quá đủ cho việc gây ấn tượng rồi.
Sau khoảng hai mươi tư giờ, có những lúc nước mắt em chảy xuống hai thái dương, và em vội lau chúng đi vì không muốn anh nhìn thấy. Em đã được đề nghị tiêm ngoài màng cứng vài lần, và quyết tâm từ bỏ sự giải phóng từ việc đó của em đã đạt đến một mức đáng sợ. Em đã nắm vững việc từ chối này, như thể qua được bài kiểm tra này mới là chính chứ không phải sinh đứa trẻ này. Miễn là em từ chối mũi tiêm, em sẽ là người chiến thắng.
Cuối cùng có một lời đe dọa rằng em phải sinh mổ. Bác sĩ Rhinestein không giấu giếm sự thật là cô ấy đang có bệnh nhân khác chờ trong phòng và cô ấy đã quá chán màn trình diễn thiếu nỗ lực của em. Em có một nỗi kinh hoàng khi nghĩ đến việc mổ xẻ. Em không muốn có sẹo. Giống như Rita, em cảm thấy xấu hổ khi nói ra, nhưng em lo sợ cho những cơ bắp ở bụng mình, và quá trình phẫu thuật thì quá gợi nhớ đến những bộ phim kinh dị.
Vậy nên em đã thực sự cố gắng, khi đó em nhận ra mình đang tự chống lại việc sinh nở. Mỗi khi bào thai tràn xuống con kênh bé tí, em lại kéo nó lại. Bởi vì nó đau. Đau kinh khủng khiếp. Trong mấy khóa học ở New School, họ luôn nhắc đi nhắc lại rằng cơn đau là tốt, ta nên xuôi theo cơn đau, đẩy theo cơn đau, và chỉ khi thấy nỗi đau ngay trên lưng mình em mới muộn màng thấm thía lời khuyên đó. Thực ra… em chưa từng nói với anh điều này, nhưng những cảm xúc em siết lại để đẩy qua ngưỡng cửa nguy kịch chỉ là ghê tởm. Em ghê sợ cảm giác bị phơi ra như một cuộc triển lãm nông trại với những người lạ mặt soi mói giữa hai đầu gối đang xòe ra của em. Em ghét bộ mặt nhọn hoắt như chuột và tác phong nhanh nhẹn, nghiêm túc của bác sĩ Rhinestein. Em ghét chính mình vì đã đồng ý với màn kịch nhục nhã này, em đã có thể tốt hơn và đang ngao du ở Pháp. Em từ chối tất cả những người bạn gái của mình, những người thường chia sẻ về việc chuẩn bị cho sự tăng trưởng kinh tế hoặc ít nhất hỏi han nửa vời về chuyến đi nước ngoài cuối cùng của em, nhưng suốt mấy tháng em chỉ bàn tán về mấy vết rạn da, thuốc trị táo bón hoặc huyên thuyên về chứng tiền sản giật và những đứa trẻ tự kỷ chẳng biết làm gì khác ngoài đá qua đá lại cả ngày và cắn tay người khác. Cái cách anh thể hiện sự khích lệ, niềm hy vọng vĩnh cửu khiến em phát ốm. Mọi thứ đều dễ dàng với anh để trở thành Cha, chỉ cần mua đống thỏ nhồi bông rẻ tiền đó, trong khi em mới là người bị nhồi như con heo nái, em mới là người bị biến thành bà già-không-cồn chỉ uống vitamin, và em mới là người hàng ngày nhìn ngực mình phồng lên, căng tức và đau nhức, chúng từng nhỏ nhắn và gọn gàng, và em mới là người bị xé toạc ra để đẩy một quả dưa hấu qua một con đường có kích cỡ của một cái vòi nước trong vườn. Em đã ghét anh và những lời thì thầm, lẩm bẩm, em đã mong anh ngừng chấm mồ hôi ở trán em với cái khăn như thể nó tạo ra điều gì đó khác biệt, và em nghĩ mình đã làm đau tay anh. Và đúng vậy, em ghét đứa bé, thứ mà không lâu sau chẳng những không thể mang lại cho em hy vọng vào tương lai, những câu chuyện, sự hài lòng hay sự “sang một trang mới” mà còn là sự bất trị, nỗi xấu hổ, một cơn chấn động ngầm dưới đáy đại dương của người mà em nghĩ chính là mình trước đây.
Nhưng khi đẩy qua ngưỡng cửa đó, một cơn đau như lưỡi dao đỏ rực khiến em không còn sức cho sự ghê tởm nữa. Em hét lên, và em chẳng quan tâm nữa. Em đã làm bất cứ điều gì ngay lúc đó để khiến nó dừng lại, dù là nhượng chồng mình hay bán con mình làm nô lệ, hoặc gửi linh hồn mình xuống địa ngục. “Làm ơn…” Em hổn hển, “cho tôi dùng gây tê đi.”
Bác sĩ Rhinestein đã nói: “Quá muộn để gây tê rồi Eva, nếu cô không chịu được cô phải nói sớm hơn. Em bé đang ra rồi. Vì đứa bé, làm ơn đừng ngưng lại lúc này”.
Và rồi đột nhiên nó kết thúc. Sau đó chúng ta đùa về việc em đã cố gắng lâu thế nào và rồi ngay khi em cầu xin được giải thoát thì nó lại kết thúc, nhưng lúc đó thì chẳng buồn cười chút nào. Ngay khi được sinh ra, em đã cảm thấy Kevin khiến mình bộc lộ những hạn chế của bản thân, không chỉ là sức chịu đựng mà còn là sự đầu hàng.