Franklin thân yêu,
Khi đi bộ đi làm sáng nay, em có thể thấy ngay bộ mặt sưng sỉa của những người đảng Dân chủ rằng “Florida” đã thua.
Nhưng nếu như đồng nghiệp của em ở cả hai phe đều thất vọng khi một cuộc chạy đua đầy hào hứng như vậy kết thúc, em vẫn thấy sầu não hơn, xa cách với những gì họ chia sẻ, gần gũi với những mất mát. Như được nhân lên nhiều lần, sự cô đơn này phải gần ngang bằng điều mẹ em đã trải qua khi chiến tranh kết thúc, vì em sinh vào ngày 15 tháng Tám trùng với ngày VJ, khi mà Nhật hoàng Hirohito đầu hàng. Rõ ràng là mấy cô y tá đã sững sờ đến nỗi khó mà để tâm được đến thời gian những cơn co của mẹ. Nghe tiếng nút sâm-panh bật mở ngoài hành lang, chắc cô ta phải buồn lắm khi không được tham gia. Nhiều y tá sẽ đón chồng trở về nhưng mẹ em thì không. Nếu phần còn lại của tổ quốc đã thắng trong cuộc chiến tranh thì nhà Khatchadourian ở Racine, Wisconsin đã thua cuộc.
Sau đó, bà hẳn sẽ cảm thấy kỳ cục với tình cảm trân trọng của công ty sản xuất thiệp thương mại mà bà từng làm việc (bất cứ thứ gì trừ Johnson Wax27). Thật kỳ lạ, việc gói những món quà “Chúc mừng ngày kỷ niệm” của mọi người mà không cần bỏ vào túi mình bất cứ thứ gì khi những ngày lễ đang đến gần ngay trong nhà của bà. Em không chắc lắm, không biết mình có nên vui khi công việc đó đã cho bà ý tưởng về thiệp chúc mừng làm thủ công, và là lý do bà lui về đại lộ Enderby vĩnh viễn. Nhưng em phải nói rằng tấm thiệp “Chúc mừng đứa con đầu lòng” mà bà đặc biệt làm riêng cho em rất dễ thương, giấy ăn màu xanh lam và xanh lục xếp thành nhiều lớp.
27 Một công ty tư nhân của Mỹ chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng có trụ sở chính ở Racine, Wisconsin.
Thực tế là khi em tỉnh táo ở Beth Israel, em nhớ rằng mẹ em ở đó và em cảm thấy hơi vô ơn. Bố đã không thể nắm tay mẹ như anh đã nắm tay em. Nhưng để đáp lại cái bắt tay của người chồng đang hiện hữu, em nghiền nát nó.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết phụ nữ khi lâm bồn có thể trở nên rất xấu tính, em thừa nhận mình đã có chút thái độ thù địch trong lúc mọi chuyện rối bời. Sau tất cả, em đã bối rối và nhào đến hôn anh. Đó là trước khi bác sĩ đặt đứa trẻ mới sinh vào ngực mẹ, máu me và tất cả, chúng ta đã có vài phút khi họ thắt dây rốn và lau sạch đứa bé. Em đã rất phấn khích, vuốt ve và siết chặt cánh tay anh, nép trán mình vào trong khuỷu tay anh. Em không hề ôm đứa bé.
Nhưng em không thể để bản thân thoát dễ dàng như thế.
Cho đến ngày 11 tháng Tư năm 1983, em vẫn tự cho rằng mình là một người đặc biệt. Nhưng từ khi Kevin ra đời, em hiểu rằng tất cả chúng ta đều là những con người bình thường như nhau. (Về chuyện đó, có vẻ như nghĩ một người khác là người đặc biệt thì phổ biến hơn.) Chúng ta có những kỳ vọng rõ ràng về bản thân trong những trường hợp cụ thể, nếu vượt quá những kỳ vọng thì nó trở thành đòi hỏi. Một vài trong số chúng thì nhỏ: Nếu chúng ta được tổ chức một buổi tiệc bất ngờ, chúng ta sẽ vui vẻ. Một số thì lớn hơn: Nếu bố hoặc mẹ chết, chúng ta sẽ vô cùng đau khổ. Nhưng song song với những kỳ vọng này, chúng ta có nỗi sợ sâu thẳm rằng mình sẽ không thể giữ được thoả thuận. Rằng chúng ta nhận được cuộc điện thoại thông báo mẹ mình chết và chẳng cảm thấy gì. Em tự hỏi nếu nỗi sợ hãi nhỏ bé, câm lặng không thành lời này còn khủng khiếp hơn cả nỗi sợ những tin xấu. Vì chúng ta tự nhận thấy chính mình thật quái dị. Nếu điều này không có vẻ quá sốc, thì trong suốt thời gian chung sống em đã sống với một nỗi sợ: rằng nếu có chuyện gì xảy đến với anh thì em sẽ tan vỡ. Nhưng sẽ luôn có một cái bóng kỳ lạ, một nỗi sợ sâu thẳm, nếu anh muốn nghe, thì em sẽ không như thế, em sẽ chỉ cảm thấy bình thường và sẵn lòng cho một buổi chiều chơi bóng quần.
Thật ra nỗi sợ sâu thẳm này hiếm khi trở thành lợi ích tự phụ từ lòng tin đơn thuần. Anh phải luôn tin rằng khi những điều không thể tưởng tượng được xảy ra, sự tuyệt vọng sẽ sụp đổ đúng như ý nó. Ví dụ như sự đau buồn, đó không phải là một thứ cảm xúc anh có thể lôi ra lúc cần hay một kỹ năng anh có thể luyện tập, niềm vui cũng vậy.
Dẫu vậy, ngay cả bi kịch cũng mang theo chút giải thoát. Khám phá ra sự đau lòng thực chất lại làm nguôi cảm giác đau lòng trong chính phần con người của chúng ta (mặc dù nhìn vào những gì mọi người đang làm, đó là một từ kỳ quặc để có thể đánh đồng với lòng trắc ẩn, hoặc thậm chí là một thứ năng lực cảm xúc). Lấy một ví dụ sẵn có, ngay hôm qua, Franklin. Em đang lái xe đi làm trên tuyến đường 9W thì một chiếc Fiesta rẽ phải, tạt đầu một chiếc xe đạp. Cửa sau xe xoắn vào bánh trước của chiếc xe đạp, hất văng người đạp xe lên nóc. Anh ta ngã xuống đất trong một tư thế không tốt chút nào, giống như bản phác họa của một sinh viên hội họa không có tương lai. Em đã lái xe qua, nhưng khi nhìn vào gương chiếu hậu, ba chiếc xe khác sau xe em đã tấp vào giúp đỡ.
Có vẻ khá là ngược đời khi cảm thấy được an ủi trong trường hợp bất hạnh như vậy. Nhưng em khá chắc là chẳng ai trong số những tài xế đã xuống xe vì tình huống khẩn cấp đó biết tí gì về nhân cách của anh chàng đi xe đạp hoặc có bất kỳ sự đảm bảo nào về số phận của anh ta. Dẫu vậy, họ vẫn đủ quan tâm để tình nguyện đưa mình vào tình huống bất tiện khi trở thành người làm chứng trước tòa. Về phần mình, vụ việc khiến em có chút bị tác động, tay em run rẩy trên tay cầm vô-lăng, miệng hơi mở ra và môi khô khốc. Nhưng em đã tự lấy lại bình tĩnh. Em bị vẫn tái mặt trước sự giận dữ của những người lạ.
Vâng em hiểu sẽ thế nào khi đi chệch kịch bản. Bữa tiệc bất ngờ ư? Thật buồn cười khi em lại lôi chuyện này ra làm ví dụ. Một tuần trước sinh nhật mười tuổi, em cảm thấy có chuyện gì đó. Có những lời thì thầm, một chiếc tủ quần áo mà em không được lại gần. Nếu nháy-mắt-và-gật-đầu là chưa đủ thì Giles thậm chí còn lầm rầm “Em sẽ bị bất ngờ đấy”. Tuần thứ hai của tháng Tám, em biết những tín hiệu ngày đó đang đến gần, và khi nó đến, em đã bùng nổ.
Đầu giờ chiều ngày sinh nhật, em bị bắt ra sân sau.
“Bất ngờ chưa.” Khi được gọi quay trở lại vào nhà, em thấy năm đứa bạn mình đang lẻn vào nhà khi em cố nhìn lén qua tấm rèm cửa sổ bếp. Trong căn phòng khách chật chội, họ đứng xung quanh một chiếc bàn hình chữ nhật được trải khăn ren và bày đầy những chiếc đĩa giấy màu sắc, cạnh chúng là những mẩu giấy tên chỗ ngồi mà mẹ em đã viết bằng mực thư pháp bà thường dùng trong công việc của mình. Và dĩ nhiên cũng có cả những món đồ tiệc tùng: ô giấy thu nhỏ, còi thổi và kèn bóp toe toe. Chiếc bánh cũng được mua ngoài tiệm và bà đã nhuộm hồng nước chanh để thêm không khí tiệc tùng.
Em không nghi ngờ việc mẹ phát hiện ra gương mặt ỉu xìu của mình. Trẻ con thì ầm ĩ và chạy khắp nơi. Suốt bữa tiệc, em đã hoang mang, kiệm lời. Em liên tục đóng rồi mở cái ô trang trí trong tay và nhanh chóng chán việc đó. Thật kỳ lạ, em từng rất ghen tị với những cô bé tham gia những bữa tiệc mà em không được mời rồi đến trường cùng chính những chiếc ô xanh đỏ này. Nhưng khi nhận thấy chúng được đóng gói trong những chiếc bao ni-lông và những người như gia đình em cũng có thể mua được, chúng mất giá trị hơn cả mức em có thể tưởng tượng. Hai trong số khách mời em còn chẳng thích chút nào. Bố mẹ luôn nhìn sai bạn bè của con cái. Chiếc bánh được phủ kín bằng kẹo đường mềm như một cục nhựa, và chẳng có vị gì khác ngoài vị ngọt, bánh mẹ em làm còn ngon hơn. Có nhiều quà hơn bình thường, nhưng tất cả những gì em nhớ được là chúng đều gây thất vọng. Và em đã được trải nghiệm trước một chút cảm giác làm người lớn, một tình huống “không lối thoát” hiếm khi gây phiền phức với trẻ con: tất cả mọi người ngồi trong phòng mà chẳng có gì để nói hay làm. Ngay giây phút bữa tiệc kết thúc, sàn nhà vương vãi đầy vụn bánh và giấy gói quà, em đã bật khóc.
Nghe có vẻ như em là một đứa trẻ hư, nhưng không phải thế. Nhìn lại, em cũng cảm thấy mình thật đáng ghét. Mẹ em đã trải qua quá nhiều chuyện khó khăn. Công việc kinh doanh của bà không kiếm được nhiều tiền, bà làm một cái thiệp mất hơn một giờ đồng hồ và nó chỉ bán được với giá 25 xu, mức giá mà khách hàng của bà vẫn kêu ca. Trong khi số tiền kiếm được thì ít ỏi, số tiền phải chi tiêu thì lại đáng lo ngại. Bà hẳn đã rất hoang mang, nếu như những người khác, có lẽ sau đó em đã bị đánh đít vì thái độ vô ơn. Em đã nghĩ gì khi biến một bữa tiệc bất ngờ trở nên đáng thất vọng như vậy?
Không gì cả. Hoặc là không có gì đặc biệt, cụ thể trong đầu em. Đó chính là vấn đề. Em đã trông đợi vào thứ gì đó to lớn và vô định hình, một thứ gì đó lớn đến mức kỳ diệu mà em thậm chí không tưởng tượng được. Bữa tiệc mà mẹ tổ chức thì lại quá dễ đoán. Kể cả bà có thuê thêm một ban nhạc hay một ảo thuật gia thì em cũng vẫn thấy hụt hẫng. Sẽ không có sự hoang phí nào không gây thất vọng, bởi nó đều có giới hạn và có thể đoán trước. Vẫn sẽ chỉ là những thứ như vậy.
Em không biết mình đã dự đoán gì khi lần đầu Kevin được đặt lên ngực mình. Em đã không lường trước điều gì cả. Em muốn điều gì đó mà em không tưởng tượng được. Em muốn sự thay đổi, em muốn đi đây đi đó. Em muốn một cánh cửa luôn mở và một viễn cảnh hoàn toàn mới trải ra trước mắt mà em không hề biết có gì ngoài đó. Em không muốn biết gì về ngày khải huyền, và bản chất của khải huyền cũng chính là không thể lường trước được. Nhưng nếu để rút ra một bài học từ lần sinh nhật mười tuổi đó thì những mong đợi rất nguy hiểm nhất là khi chúng vừa bay cao vừa vô định.
Em nghĩ mình có thể gây hiểu lầm ở đây. Dĩ nhiên em cũng có những hồ nghi. Nhưng tiêu chuẩn làm mẹ của em đã rất cao, hoặc em sẽ không đồng ý chịu đựng việc đó. Em đã chăm chú nghe những trải nghiệm của bạn bè: “Bạn sẽ không biết được cho đến khi tự mình trải nghiệm”. Mỗi khi em thừa nhận mình không thực sự say mê trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mọi người đều bảo: “Tôi cũng đã từng cảm thấy vậy! Không thể chịu đựng được lũ trẻ con! Nhưng khi đó là con mình thì khác, hoàn toàn khác!”. Em yêu điều đó, viễn cảnh về một đất nước khác, một vùng đất mới nơi mà những kẻ vô thần, vô lễ bị biến đổi một cách thần kỳ, như anh thường nói với chính mình, đó chính là câu trả lời cho “Câu hỏi lớn”. Thực ra em có thể nói sai một chút về cảm nhận của mình về những quốc gia khác. Vâng, đúng là em phải chịu đựng sự mệt mỏi của việc di chuyển, và đúng, em phải chiến đấu với nỗi sợ hãi di truyền mỗi khi đặt chân lên máy bay.
Nhưng khi em đến Namibia, Hồng Kông hay thậm chí Luxemburg lần đầu tiên, em như đang ở trên chín tầng mây.
“Tôi chưa từng nhận ra…” Brian giãi bày, “chúng ta yêu những đứa con của mình như thế nào. Không chỉ là yêu, chúng ta say mê chúng. Lần đầu tiên ta nhìn thấy chúng… thật không lời nào có thể diễn tả được”. Dù sao thì em cũng thực sự mong anh ta miêu tả nó, hoặc ít nhất là cố thử xem sao.
Bác sĩ Rhinestein đưa đứa trẻ lên ngực em và đặt sinh vật bé nhỏ đó xuống bằng cử chỉ nhẹ nhàng cần mẫn. Kevin ướt nhẹp, máu vẫn dính ở cổ, khoeo chân và khoeo tay. Em rụt rè vòng tay ôm nó. Biểu cảm trên khuôn mặt nhăn nheo của nó có vẻ không bằng lòng. Cơ thể nó bất động, em chỉ có thể hiểu sự uể oải của nó như là sự thiếu nhiệt tình. Mút là một trong số những bản năng bẩm sinh của chúng ta, nhưng khi em đặt miệng nó ngay núm vú sậm màu của mình, nó chỉ chán ghét quay đi.
Em tiếp tục cố, nó tiếp tục từ chối, thử núm vú khác cũng vậy. Và em cứ cố mãi. Hơi thở em khô khốc, em vẫn chờ đợi và chờ đợi… “Nhưng mọi người vẫn thường nói…” Em nghĩ. Và rồi bản năng mách bảo: Cẩn thận với những điều mọi người vẫn thường nói.
Franklin, em như người mất hồn. Em loay hoay với chính mình vì cảm xúc mới không thể diễn tả này, như lục tung cả đám đồ kim loại trong ngăn kéo để tìm cái bào khoai tây, nhưng dù em có lục lọi thế nào, có dốc hết các thứ khác ra cũng không thể tìm thấy. Cái bào khoai luôn ở trong ngăn kéo. Nó nằm dưới cái phới dẹt, nó bị rơi vào nắp máy nghiền thức ăn, chắc chắn vậy.
“Nó đẹp tuyệt!” Em thì thầm. Em đã thoại thành công một câu trên tivi.
“Anh bế được không?” Anh rụt rè hỏi.
Em đưa đứa bé cho anh. Trong khi Kevin bé nhỏ khổ sở vặn vẹo trên ngực em thì nó lại có thể thoải mái đặt một tay lên cổ anh, như thể nó đã tìm được người bảo vệ đích thực. Khi em nhìn vào gương mặt anh, mắt nhắm nghiền, má áp vào đứa con trai bé nhỏ, em nhận ra, có lẽ cũng không quá nghiêm trọng: cái bào khoai vẫn ở đó. Thật không công bằng. Anh rõ ràng đã bị nghẹn, đầy tận sau họng với niềm hạnh phúc diệu kỳ. Cảm giác như em đang nhìn anh liếm kem mà chẳng chịu chia sẻ với em.
Em ngồi thẳng dậy, anh miễn cưỡng đưa trả đứa bé, và Kevin lại bắt đầu vặn vẹo. Bế đứa bé trên tay, nó vẫn từ chối bú, em được tái trải nghiệm cảm giác bữa tiệc sinh nhật mười tuổi: Chúng ta ở đây, trong căn phòng, không biết phải nói gì hay làm gì. Cứ vài phút Kevin sẽ lại khóc, rồi thiếp đi và giật mình khó chịu. Em cảm thấy những rung động đầu tiên của thứ mà em không thể gọi là gì khác ngoài sự chán chường.
Ôi, làm ơn đừng. Em biết anh định nói gì. Em đã kiệt sức. Em đã vật lộn suốt ba mươi bảy giờ đồng hồ và sẽ thật buồn cười khi cho rằng em có thể cảm thấy gì khác ngoài mệt mỏi. Và thật phí lý khi tưởng tượng ra cảnh pháo hoa, một đứa trẻ chỉ là một đứa trẻ. Anh khiến em nhớ lại câu chuyện điên rồ em đã kể với anh về năm đầu tiên em ra nước ngoài để du học ở Green Bay, em bước xuống đường băng ở Madrid và bị chán nản vì Tây Ban Nha cũng có cây. “Dĩ nhiên là Tây Ban Nha có cây!” Anh cười nhạo em. Em đã xấu hổ, đương nhiên em biết là ở đó có cây, nhưng với bầu trời, mặt đất và những con người xung quanh… cũng chẳng có gì khác biệt. Sau đó anh đã liên hệ giai thoại để minh họa cho việc những kỳ vọng của em luôn đi quá giới hạn một cách lố bịch, sự thèm khát những điều mới lạ sẽ khiến em tự hủy hoại mình, bởi vì ngay khi em có thể nắm bắt được thế giới mới ngoài kia, nó sẽ trở thành thế giới bình thường và chẳng có gì để mong đợi.
Rồi anh lại vỗ về, làm cha mẹ không phải thứ có thể xảy ra ngay lập tức. Sự thật về một đứa trẻ mà ngay trước đấy thôi em còn chưa biết gì, thật quá khó tin đến nỗi em chưa kịp định thần. Em đã choáng váng. Đúng vậy, em đã choáng váng. Em đã vô cảm. Hơn nữa, đôi khi nếu anh tự soi mình quá kỹ, xem xét quá cẩn thận những cảm xúc của mình, chúng biến mất, chúng chạy trốn khỏi anh. Em đã tự ý thức và em đã cố gắng quá mức. Em đã suy nghĩ quá nhiều đến mức tê liệt cảm xúc. Chẳng phải em cũng thấy rằng những cảm xúc mạnh mẽ tự phát chỉ là vấn đề về niềm tin thôi sao? Vậy thì niềm tin của em đã lung lay, em đã cho phép những nỗi sợ thầm kín chiếm lấy tâm trí mình, em chỉ cần thư giãn và để tự nhiên làm việc của nó. Và vì Chúa, để bản thân được nghỉ ngơi một chút. Em biết anh sẽ nói những điều này, vì em cũng tự nói với mình như vậy. Điều đó chẳng giúp em thấy khá hơn. Trong suy nghĩ của em, mọi chuyện đã sai ngay từ đầu, em đã không làm theo kế hoạch, em đã thất bại thê thảm cả trong mối quan hệ của chúng ta lẫn đứa con đầu lòng. Em thực sự là một con quái vật.
Trong khi họ khâu vết rách, anh muốn bế Kevin, và em biết mình nên từ chối. Nhưng em đã không làm vậy. Được giải phóng khỏi thằng bé, sự vui mừng của em thật nhàm chán. Nếu anh muốn biết sự thật, em tức giận, em sợ hãi, em xấu hổ về bản thân, nhưng em cũng cảm thấy bị phản bội. Em muốn bữa tiệc bất ngờ của mình. Em đã nghĩ, nếu một phụ nữ không thể tự mình vươn lên trong những hoàn cảnh như thế này, cô ta sẽ không thể trông cậy vào bất cứ thứ gì; từ thời điểm này trở đi, thế giới phải tự lo cho mình. Nằm bất động với hai chân dạng ra, em thề rằng em có thể học cách phơi bày các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể mình cho cả thế giới nhìn thấy, em sẽ không bao giờ tiết lộ cho bất cứ ai trên trái đất rằng việc sinh con đã khiến em bất động. Anh có điều cấm nói ra của anh “Đừng bao giờ nói với anh rằng em hối hận vì có con”, giờ em cũng có điều cấm nói ra của em. Sau này nhìn lại giây phút ấy, em tìm đến từ đó, không thể diễn tả. Brian là một người cha tuyệt vời. Em sẽ mượn sự dịu dàng của anh ấy cho ngày hôm đó.