Khi lễ bốc thăm vòng bán kết Champions League diễn ra, ta có linh cảm rằng định mệnh sẽ đưa Mo Salah trở lại thành Rome. Nếu được chọn giữa Bayern Munich, Real Madrid và Roma, dĩ nhiên Liverpool sẽ chọn đội bóng đến từ Italy. Trên lý thuyết, họ là đội bóng yếu nhất. Bayern là một ông kẹ châu Âu luôn rất nguy hiểm ở giai đoạn cuối cùng của giải đấu và cũng sở hữu những ngôi sao đẳng cấp thế giới như Franck Ribéry, Arjen Robben và Thomas Müller. Cũng giống Real Madrid, họ có kinh nghiệm biết phải làm gì ở những vòng đấu cuối. Còn Real Madrid… họ đã vô địch Champions League hai năm liền trước đó và lần này vẫn sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất. Với Cristiano Ronaldo, Gareth Bale và Toni Kroos, họ có đủ nhân tố tài năng để xé toang bất kì đối thủ nào. Nhưng ở chiều ngược lại thì cả hai đội bóng trên đều đang già đi. Bayern cũng đã gặp phải nhiều vấn đề chấn thương nghiêm trọng. Dù vậy đi nữa, Liverpool vẫn sẽ chọn Roma thay vì hai gã khổng lồ này vì đó sẽ là một cặp đấu giữa hai đội bóng có năng lực và hi vọng khá ngang tầm nhau, ít nhất là trên giấy tờ.
Đối với Salah, cặp đấu này cho anh cơ hội vừa được gặp lại những người bạn cũ, vừa được tiến vào trận chung kết. Không phải là quá tự tin, nhưng Mo biết đội bóng mới của mình có đủ hỏa lực và sự bền bỉ để vượt qua đội bóng cũ. Anh đang rất nóng lòng hướng tới hai trận đấu cũng như được gặp lại những người hâm mộ từng cổ vũ anh khi còn thi đấu tại Serie A.
Không bất ngờ gì khi Liverpool không quá lo lắng khi phải đối đầu với Roma. Đội bóng Italy có tốc độ và sức mạnh trong đội hình, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thi đấu ở những vòng trong của Champions League, điều vô cùng quan trọng. Liverpool đã từng năm lần vô địch cúp châu Âu, vậy nên câu lạc bộ này đủ hiểu những điểm mạnh và kinh nghiệm cần thiết để đi tới vạch đích.
Nếu so sánh, Roma chỉ là những kẻ nghiệp dư tại đấu trường châu lục. Đúng, có thể là họ đã có vài khoảnh khắc lóe sáng tại châu Âu, nhưng họ chưa bao giờ vô địch Champions League, thậm chí là chưa bao giờ vượt quá vòng tứ kết tính tới trước mùa giải này. Tuy nhiên, họ cũng đã từng chơi một trận chung kết Cúp châu Âu (tiền thân của Champions League) trước… chính Liverpool vào năm 1984. Và thua. Trang chủ của đội bóng đã nói về nỗi thất vọng vào ngày đó, đặc biệt khi Roma đã nghĩ mình sẽ thắng vì trận đấu diễn ra trên chính sân vận động của họ: “Với lợi thế sân nhà Olimpico, chiến thắng được dự đoán sẽ dành cho AS Roma. Đội bóng được dẫn dắt bởi Liedholm có vẻ như không thể bị ngăn chặn khi họ đã đánh bại Goteborg, CSKA Sofia, Dynamo Berline và Dundee United trên đường đến trận chung kết.”
Liverpool quyết tâm sẽ là kẻ phá hoại cuộc vui. Sau khi Pruzzo san bằng bàn mở tỉ số gây tranh cãi của Phil Neal - các cầu thủ Roma phàn nàn rằng thủ môn đã bị phạm lỗi trong tình huống đó - trận đấu đã bước vào loạt sút luân lưu. Với những ngón đòn lạ hoắc của người gác đền Bruce Grobbelaar trên vạch vôi, Liverpool đã giành chiến thắng. Đó là một nỗi thất vọng lớn với Roma và các cổ động viên của họ, những người đã coi trận đấu đó là cơ hội lớn nhất của mình để được vinh danh là đội bóng số một châu Âu.
Chiến thắng này đã thể hiện sức mạnh của đội hình Liverpool thời đó, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Sự kiên cường của họ là yếu tố quan trọng, bên cạnh những bước nhảy của Grobbelaar trước khung thành khiến các chân sút penalty của Roma cảm thấy xao nhãng.
Mo Salah và các đồng đội sẽ cần phải có sự vững vàng về mặt tâm lí tương tự nếu họ muốn đi tiếp sau trận lượt về ở Rome. Roma thời hiện đại có thể không kinh nghiệm được như Real Madrid hay Bayern Munich, nhưng họ là một đối thủ nguy hiểm hơn vì những ngôi sao của họ có tốc độ hơn và khát khao hơn. Liverpool đã có được lá thăm tưởng chừng là dễ nhất, nhưng đội bóng thủ đô Italy mang lại một mối đe dọa kiểu khác: họ có một đội hình trẻ, nổi tiếng với lối chơi pressing, năng động, có thể nói như một phiên bản Italy của Liverpool vậy.
Liverpool phiên bản 1984 mà Liverpool phiên bản 2018 muốn noi gương từng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chiến thắng những trận cầu lớn và giành các danh hiệu. Họ là đội vô địch 3/7 mùa cúp châu Âu gần nhất, kèm theo rất nhiều danh hiệu quốc nội khác nữa, dưới sự dẫn dắt của thiên tài Bob Paisley. Chức vô địch quốc gia tưởng như đã là thứ đồ chơi của riêng họ, và cúp bạc mùa đó cũng đã được mang về Anfield trước trận chung kết gặp Roma. Mark Lawrenson là một cầu thủ chủ chốt trong đêm Rome 84 huyền ảo đó và ông cho biết sự tự tin là rất quan trọng. Cả đội đã tin họ sẽ vô địch và rằng chiếc cúp phải là của họ. Trong tâm trí, các cầu thủ đã tin mình là nhà vua của nước Anh và châu Âu, vậy nên dĩ nhiên họ phải thắng, kể cả đối thủ có là Roma trên sân nhà, trước lượng khán giả khổng lồ. Lawrenson nói: “Chúng tôi rất ít khi lo về đối thủ, mà đơn giản chỉ ra sân và chơi bóng. Nếu chúng tôi chơi bóng, cả đội tin rằng chẳng ai có thể ngăn chặn được.”
“Chúng tôi biết mình đang đi vào hang cọp”, cựu cầu thủ Liverpool chia sẻ với Goal.com. “Khi chúng tôi đi một vòng quanh sân khoảng một giờ trước trận đấu, các cổ động viên Roma đã có sẵn trên các khán đài. Họ thật điên rồ!” Lawrenson kể lại câu chuyện đã được nhắc nhiều lần, về việc các cầu thủ Liverpool đã xóa tan sự căng thẳng bằng cách cùng nhau hát trong thời gian chờ được ra sân. Nó cho đối thủ của họ thấy rằng họ không hề quá choáng ngợp bởi sự quan trọng của trận đấu hay việc phải bước vào hang cọp đối đầu với đội chủ nhà. Ông nói tiếp: “Tôi không nhớ ai đã bắt đầu hát đầu tiên. Nhưng nó là bài “I don’t know what it is but I love it” của Chris Rea. Thực sự là rất ngẫu nhiên. Các cầu thủ Roma hẳn đã nghĩ chúng tôi bị điên!”
Siêu sao của Liverpool thời đó sau này đã thừa nhận việc cùng nhau hát đã giúp ích rất nhiều. Kenny Dalglish chia sẻ: “Cả đội đã gân cổ lên hát như khùng. Họ [Roma] hẳn đã nghĩ chúng tôi là lũ khùng.” Nhưng nếu Mark Lawrenson không hề cảm thấy áp lực từ các khán đài thì đối tác của ông ở hàng thủ là Alan Hansen thì có. “Đó là khung cảnh đáng sợ nhất tôi từng thấy trong đời”, ông kể lại. “Tôi thấy sợ khi nhận ra các cổ động viên ấy đã muốn Roma thắng đến nhường nào.”
Tuy vậy, Michael Robinson, một cầu thủ dự bị trong trận đấu đó, đã cảm nhận rằng Liverpool có thể chiến thắng khi anh chứng kiến Graeme Souness chiến đấu với những cầu thủ đối phương. Robinson kể: “Đã có nhiều biểu ngữ ngoài sân để chào đón những kẻ thù người Anh, nhưng trong tâm trí tôi chưa bao giờ nghĩ đội sẽ thua. Cả đội đã bị tẩy não để nghĩ rằng mình sẽ luôn thắng. Graeme đêm đó như một chiến binh thành Troy vậy. Tất cả mọi cầu thủ trên sân đều phải trầm trồ. Anh ấy đã chơi xuất sắc và táo bạo, dẫn đầu cả đội như một chiến binh. Roma có Falcao và Cezero - hai cầu thủ cũng rất giỏi người Brazil chơi ở tuyến giữa. Nhưng tôi còn không để ý có họ ở trên sân, tất cả vì màn trình diễn của Graeme.”
Phần lịch sử đáng tự hào nhất của Roma ngoài việc lọt vào trận chung kết cúp châu Âu năm 1984 đối đầu với Liverpool là khi họ vô địch Inter-Cities Fairs Cup mùa 1960-1961 - tới thời điểm này đó vẫn là thành tích lớn nhất tại châu lục của họ. Ít nhất, họ có thể nói chiến thắng đó là một điềm lành trước khi họ đối đầu với Liverpool một lần nữa, vì đối thủ trong trận chung kết năm ấy cũng là một đội bóng Anh. Roma đã đụng độ Birmingham City qua hai lượt trận. Trận lượt đi diễn ra trên sân St Andrews ở vùng Midlands, còn trận lượt về trên sân Olimpico ở Rome. Trận lượt đi kết thúc với tỉ số 2-2 nhưng trong trận lượt về, Roma đã giành chiến thắng 2-0 để đem về danh hiệu châu lục duy nhất của đội cho tới thời điểm này. Mức độ danh giá của giải đấu này trong con mắt của người Anh có thể được thấy rõ khi chỉ có 21.000 khán giả tới xem trận đấu trên sân St Andrews. Roma đã vươn lên dẫn trước 2-0 nhưng Birmingham đã gỡ lại hai bàn để cứu một kết quả hòa.
Số khán giả 60.000 ở trận lượt về cho thấy trận đấu có lẽ đã được coi trọng hơn ở Italy so với ở Anh, và Roma đã có thắng lợi cách biệt hai bàn để giành cúp vô địch với tổng tỉ số 4-2. Chiếp cúp đã được trao cho Losi, đội trưởng của Roma, bởi Ngài Stanley Rous, tân chủ tịch người Anh mới của FIFA. Tờ Stampa Sera của Italy cho rằng Roma xứng đáng với chiến thắng khi đã thể hiện mình là đội bóng có kĩ thuật tốt hơn và kiểm soát bóng nhiều hơn. Kết quả đó cũng không phải quá bất ngờ. Roma khi đó chơi khá ổn ở giải vô địch quốc gia, còn Birmingham thì đã xếp bét bảng Division One, giải vô địch quốc gia cũ của Anh. Tờ báo nói trên đã không thể hiện tinh thần thể thao cho lắm khi gạt bỏ mọi nỗ lực của Birmingham và cho rằng họ là một đội bóng kém chất lượng, sở hữu chỉ hai cầu thủ tốt duy nhất là Trevor Smith và cầu thủ tuổi teen Mike Hellawell.
Năm 2012, tờ Birmingham Mail đã có một bài viết về những cuộc phiêu lưu tại châu Âu của Birmingham City, tập trung vào trận chung kết với Roma. Ngay cả những lời phân tích của họ cũng nghe không được lọt tai cho lắm với những người bản xứ - dù rằng kết quả ở vòng bán kết đã có mang lại chút niềm vui: “Trận lượt đi, diễn ra vào tháng 9 năm 1961, đã diễn ra chỉ 48 giờ sau trận thua tủi hổ tại League Cup trước đội bóng hạng ba Swindon Town. Fabio Cudicini - bố của cầu thủ đương thời Carlo Cudicini - đã có một màn trình diễn xuất sắc trong khung thành cho Roma. Nếu không có chuỗi những pha cứu thua phi thường của ông, The Blues đã có được lợi thế trước trận lượt về tại thủ đô Italy. Vòng bán kết trước đối thủ Internazionale cũng đã tạo được nhiều sự chú ý. Trên sân San Siro, The Blues và đặc biệt là Jimmy Bloomfield đã chơi xuất thần. Ông đã kiến tạo cho Jimmy Harris ghi bàn đầu tiên và rồi một pha phản lưới nhà của đội bạn đã đem về chiến thắng 2-1. Không đội bóng Anh nào có thể giành thắng lợi tại sân vận động này trong vòng 42 năm sau đó, cho tới khi Arsenal tới thăm vào năm 2003 và chiến thắng 5-1.”
Trang chủ của Roma, asroma.com, mô tả chiến thắng ấy trước Birmingham đã có ý nghĩa như thế nào với câu lạc bộ và cổ động viên của họ, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai đã tàn phá đội và để lại một mớ hỗn độn:
Roma đã phải gánh chịu hậu quả của thế chiến nhiều hơn bất kì đội bóng nào khi không còn một xu dính túi cũng như không còn một cầu thủ nào để ra sân. Sau một vài mùa giải thi đấu tệ hại, đội bóng đã phải xuống hạng sau mùa 1950-1951 - lần duy nhất trong lịch sử đội. Giallorossi sau đó đã lập tức trở lại Serie A dưới sự dẫn dắt của Gipo Viani, nhưng trong mười năm liền, thành công duy nhất của họ chỉ là lần về nhì trong mùa giải 1954-1955.
Vào đầu năm 1960, người hâm mộ Roma đã lấy lại được niềm vui qua các giải đấu châu lục. Mùa 1960-1961, Roma đã được hưởng thành công trên đấu trường quốc tế lần đầu tiên khi đội lọt vào trận chung kết Fairs Cup, đánh bại Union St. Gilloise (0-0, 4-1), Colon (2-0, 0-2, 4-1) và rồi Hibernian (2-2, 3-3, 6-0) trên hành trình. Trận chung kết là cuộc đụng độ giữa Roma, được dẫn dắt bởi Luis Carniglia, và một đội bóng Anh - Birmingham City. Trong trận lượt đi tại Anh, Roma đã vươn lên dẫn trước 2-0 nhờ công của Pedro Manfredini, nhưng rồi Birmingham đã gỡ hòa. Trận lượt về trên sân Olimpico đã diễn ra suôn sẻ hơn khi Roma giành thắng lợi 2-0 nhờ một bàn phản lưới nhà của đối thủ và một bàn thắng của Paolo Pestrin. Ngôi sao của giải đấu không ai khác ngoài tiền đạo Manfredini, người đã ghi 12 bàn thắng.
Tại Champions League, mỗi lần Roma được tham dự, họ vẫn thường xuyên chỉ dừng bước ở vòng đấu bảng hoặc vòng 16 đội. Đã hai lần họ lọt vào vòng tứ kết, trong hai mùa giải liên tiếp 2006-2007 và 2007-2008. Và đây lại là một điềm lành nữa với Liverpool - vì cả hai lần đó Roma đều để thua trước một đội bóng Anh. Xuất hiện trong vòng tám đội mạnh nhất đã là một thành tích đối với Roma, nhưng một trong những trận đấu đó đã là kết quả tệ nhất từng có trong lịch sử câu lạc bộ. Kẻ thù lâu năm của Liverpool là Manchester United chính là những người đã hạ nhục đội bóng thủ đô Italy. Trận thua đậm ấy chính là trận lượt về tại Old Trafford vào tháng 4 năm 2007. Điều đáng buồn hơn nữa là Roma đã có chiến thắng 2-1 ở trận lượt đi. Tôi đã tới xem trận lượt về và còn nhớ rõ các cổ động viên United ban đầu còn có phần lo lắng về việc đội bóng có thể bị loại khỏi giải đấu. Họ giải thích rằng khả năng phòng ngự chất lượng thường thấy ở một đội bóng Italy có thể khiến trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 0-0. Vậy nên hãy thử tưởng tượng mọi người đã sốc như thế nào khi United hủy diệt Roma 7-1 để lọt vào vòng bán kết với tổng tỉ số 8-3. Một lần nữa, các cổ động viên Roma và đội bóng của họ đã phải nếm trái đắng; một lần nữa một kẻ địch tới từ Anh đã đập tan giấc mơ của họ.
Truyền thông Italy đã chê trách sự thiếu tinh thần chiến đấu của đội hình Roma. “Đêm qua là một màn hạ nhục mà bóng đá Italy chưa từng chứng kiến trước tay người Anh”, nhà báo Candido Cannavò viết. “Giờ tôi cần phải tìm tới cha xứ Dante để biết Roma yêu quý của tôi đã rơi xuống tầng địa ngục nào rồi: có lẽ là tầng dành cho những kẻ ngạo mạn và kiêu căng. Để thủng lưới ba bàn trong tám phút chỉ có thể xảy ra với những đội bóng tin rằng mình là thánh thần.”
Viết trên tờ Corriere Della Sera, Mario Sconcerti đã phàn nàn về màn “hủy diệt” và không ngần ngại chỉ trích đội bóng một cách nặng nề: “Chẳng có lời giải thích kĩ thuật nào là hợp lí hết. Roma đơn giản đã để thua mọi pha tranh chấp tay đôi và chịu thua trước mọi đường lên bóng của đối thủ. Những cầu thủ kinh nghiệm, thuộc đẳng cấp quốc tế như Chivu, Mexès, Panucci hay De Rossi, giờ bỗng dưng trông mỏng manh như mới biết chơi bóng. Họ không hiểu được lối chơi của Manchester; không tìm được bóng ở đâu hết. Chúng ta thuộc tầng lớp có trình độ, chúng ta là một trong những đội bóng mạnh nhất thế giới. Đây là thời đại bóng đá có thể nói là cân bằng. Một màn hủy diệt về mặt kĩ thuật như thế này thực sự cảm thấy khó hiểu.”
Câu nói “Chúng ta thuộc tầng lớp có trình độ” đã cho thấy người hâm mộ Roma nghĩ gì về đội bóng của họ. Họ nghĩ rằng mình là một trong những câu lạc bộ hàng đầu thế giới, vậy nên đã trông chờ mình sẽ chiến thắng khi một lần nữa đụng độ với một đội bóng Anh 11 năm sau. Tất cả sự giận dữ, tất cả nỗi thất vọng tại châu Âu đều đã tới dưới tay hai câu lạc bộ Anh trong hơn 30 năm qua - và giờ Liverpool là những người sẽ phải trả giá. Chẳng quan trọng gì rằng Mohamed Salah, thần tượng cũ của họ, giờ đang khoác áo The Reds. Anh cũng sẽ trở thành kẻ thù không đội trời chung: Salah sẽ không nhận được sự chào đón như một người hùng khi trở lại sân Olimpico cho trận lượt về. Không, thậm chí đôi lúc anh còn bị la ó. Nỗi đau trong quá khứ của Roma dưới tay người Anh đồng nghĩa giờ Mo cũng sẽ phải chịu phạt.
Sau sự sỉ nhục bởi United, Roma đã có cơ hội để chuộc lỗi ngay lập tức vào mùa giải sau đó - cũng trước đối thủ ấy, ở giải đấu ấy và vẫn cùng vòng đấu ấy. Nhưng một lần nữa, người Anh lại phá hỏng bữa tiệc khi United giành chiến thắng chung cuộc 3-0 để lọt vào vòng bán kết Champions League.
Liverpool bắt đầu mối tương thù mới với Roma vào đầu những năm 2000 tại đấu trường Champions League và UEFA Cup. Một lần nữa, họ là những người chiến thắng. Đội bóng vùng Merseyside đã lấy 4 điểm khỏi tay Roma ở vòng bảng Champions League 2001-2002, rồi sau đó đã loại họ khỏi UEFA Cup mùa giải sau đó. Những chiến thắng liên tiếp - và đặc biệt là trận thắng quan trọng tại Rome năm 1984 - giải thích vì sao thủ đô Italy đã rất xôn xao khi lá thăm đưa Roma tới gặp Salah và các đồng đội mới tại vòng bán kết Champions League năm 2018. Các cầu thủ lẫn cổ động viên đều đã nghĩ tới sự phục thù; họ muốn giảm đi nỗi đau của năm 84 bằng việc đánh bại Liverpool đương thời để tiến vào trận chung kết. Điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn với họ và cảm xúc dâng trào ấy là lí do vì sao Klopp, trên cương vị huấn luyện viên trưởng Liverpool, phải hết sức nghiêm túc với hai lượt trận bán kết.
Roma như một con thú bị thương: dính đón từ thế hệ trước, nhưng quyết tâm phục hận ở thế hệ này. Sẽ cần tới rất nhiều sự dũng cảm, kỉ luật và cả tài năng nếu Liverpool muốn đi tiếp. Sẽ không thể có những tình huống nổi nóng hay tranh cãi với trọng tài; điều cuối cùng Klopp muốn là phải đương đầu với đối thủ khi chỉ còn 10 học trò trên sân. Ông đã nói với Salah và các đồng đội rằng họ cần giữ cái đầu lạnh, vì các cổ động viên Roma cùng với báo giới tại Italy khi được truyền lửa từ trận thua năm 84 ấy sẽ trở nên rất quyết tâm. Liverpool cần phải điềm tĩnh và đáp trả sự hung hãn ấy với lối chơi kỉ luật, Klopp chia sẻ với cả đội hình.
Nhưng chiến lược gia người Đức không có chút lo lắng gì về cách Salah sẽ đương đầu với thử thách này. Đây là một cầu thủ biết kiểm soát cảm xúc và anh không phải loại người sẽ sụp đổ dưới áp lực. Mo luôn biết giữ sự bình tĩnh, kể cả khi các hậu vệ đối phương cố chơi rắn để loại anh khỏi trận đấu. Anh sẽ chỉ nhảy qua những pha vào bóng của họ và cười. Hơn nữa, phong thái vui tươi và nhẹ nhàng của anh cũng không phải là trò diễn: những gì bạn thấy đều là tính cách thực. Kể cả khi trở lại chảo lửa Olimpico, anh vẫn từ chối rơi vào bẫy của các fan Roma khi họ la ó. Mo đơn giản tiếp tục công việc hủy diệt đội bóng của họ và đưa Liverpool tiến vào trận chung kết.
Tôi chỉ có thể nhớ được hai trường hợp khi Mo hành xử không đúng với bản chất. Vào tháng 4 năm 2018, anh có vẻ đã khá khó chịu với cách kèm người của hậu vệ Stoke City Bruno Martins Indi trong trận hòa 0-0 tại Anfield. Tay của Mo có vẻ đã chạm vào mặt đối thủ khi cả hai cạnh tranh cho một pha bóng bổng. Trọng tài Andre Marriner đã bỏ qua tình huống trong trận đấu nhưng FA hoàn toàn đã có thể phạt lỗi đánh nguội với Salah sau khi nghiên cứu lại tình huống. Suy luận của tôi về tình huống này là Mo đã muốn giành được bóng và tay anh chỉ vô tình chạm trúng mặt Bruno. Ủy ban gồm ba cựu trọng tài của FA cũng đã đồng tình sau khi xem lại video quay chậm. Họ quyết định đó không phải một tình huống thẻ đỏ và Mo được quyền tiếp tục thi đấu, tránh khả năng phải nhận án phạt cấm ba trận.
Trường hợp thứ hai cũng đã xảy ra vào tháng 4 năm 2018 khi Mo đã không hài lòng rằng một tấm hình khổng lồ của anh đã được dán trên thân máy bay chuyên dụng để chở đội tuyển Ai Cập đi dự World Cup. Mo cảm thấy “bị xúc phạm” khi không một ai từ Liên đoàn Bóng đá Ai Cập hỏi anh về việc liệu tấm hình đó có ảnh hưởng gì tới những hợp đồng quảng cáo cá nhân của anh không. Chiếc máy bay được chi trả bởi nhà tài trợ chính thức của đội tuyển Ai Cập - công ty viễn thông WE - nhưng Salah thì lại có hợp đồng tài trợ riêng với Vodafone. Cầu thủ của Liverpool đã lên Twitter để bày tỏ sự bức xúc: “Thật tiếc khi cách hành xử này khiến tôi thấy bị xúc phạm… Tôi đã mong cách làm việc sẽ chuyên nghiệp hơn như vậy.” Đặt hình ảnh Salah bên cạnh logo của WE có thể khiến chàng cầu thủ phải bồi thường hàng triệu đô vì đó là vi phạm thỏa thuận của anh với Vodafone.
Sự việc đã được giải quyết sau khi chính phủ Ai Cập ra lệnh cho Liên đoàn Bóng đá phải thực hiện theo yêu cầu của Mo. Bộ trưởng Thể thao và Tuổi trẻ Khaled Abdel-Aziz đã triệu tập ban lãnh đạo liên đoàn lên cho một cuộc họp khẩn cấp. Sau đó ông đã nói: “Liệu mà đảm bảo tất cả những yêu cầu của họ [Salah và người đại diện] được thực hiện đầy đủ.”
Sau khi vụ việc đó được giải quyết, Mo cảm thấy mình đã có thể tập trung hoàn toàn vào Champions League. Những trận đấu với đội bóng cũ Roma sẽ là rất hấp dẫn và đầy cảm xúc, đặc biệt là khi, như đã nói, ta biết được người Rome coi trọng cuộc đụng độ với Liverpool như thế nào.
Đối với Mo, điều đó không quan trọng. Điều duy nhất có giá trị với anh là việc đảm bảo đội bóng mới Liverpool sẽ vượt qua đội bóng cũ để lọt vào trận chung kết. Sự tập trung và tài năng xuất sắc sẽ giúp anh đạt được mục tiêu đó, và như ta sẽ thấy, còn mang lại cho anh một biệt danh mới khiến anh hài lòng, nhưng vẫn phải lắc đầu như thể muốn nói: “Không, tôi chưa đạt tới đẳng cấp đó. Ít nhất thì chưa phải lúc này.”
Xin hân hạnh giới thiệu: Messi áo Đỏ.