Hôm thứ Bảy, Howard hứa sẽ đến giúp tôi tìm Xương Chạc, nhưng tôi phải đi mua sắm cùng bác Bertha trước đã.
"Lâu lắm rồi bác không đến Asheville đấy," bác ấy nói khi ngồi vào sau vô lăng chiếc xe hơi cà tàng của bác Gus. Đầu tiên, động cơ xe kêu rầm rầm, sau đó chiếc ống pô phụt ra vài luồng khói đen xì lan ra khắp sân.
Bác Bertha nói liến thoắng suốt đoạn đường từ khi xuống núi đến khi ra xa lộ. Bác ấy kể về lần hai bác đi cắm trại và bị một chú gấu con ăn trộm xúc xích trong thùng ướp lạnh.
"Cháu có tin được không?" bác Bertha nói. "Con gấu đó ăn xúc xích cơ đấy!"
Bác ấy nói mình ghét rắn đến mức có lần một con rắn sọc màu nâu nhỏ xíu đã lẻn vào nhà, thế là bác ấy phải đến ở nhà cô bạn Jonelle hẳn một tuần, cho đến khi bác Gus phải thề trước Kinh thánh là con rắn đó đã bò ra khỏi nhà.
Và bác ấy cứ vừa kể chuyện vừa cười suốt quãng đường như thế. Câu chuyện tiếp theo về một ông tên là Arthur Kruger trong lần đi dã ngoại ở nhà thờ đã say xỉn đến mức làm rơi luôn bộ răng giả.
"Bác chẳng muốn nghĩ về bộ răng giả đó đâu," bác Bertha quệt nước mắt. "Nhưng kể từ lần đó bác chẳng bao giờ ăn được món salad khoai tây nữa."
Cuối cùng, tôi quyết định ngắt lời bác ấy.
"Thế còn bác và mẹ cháu thì sao ạ?" tôi thắc mắc. "Cháu hỏi thế là sao?"
"Bác kể cho cháu chuyện gì về hai người đi." "À, chà… Ừm, để bác nghĩ xem…"
Tôi chờ đợi và quan sát khuôn mặt bác Bertha. Bác ấy đang cố tìm một câu chuyện phù hợp để kể cho tôi.
"Khi bác lên mười," bác ấy nói, "tức là, để xem nào, lúc đó chắc Carla lên bảy. Cả mùa hè năm đó, bác và mẹ cháu đã tết vòng tay đem bán để dành tiền mua cá thả vào chiếc bể được ông chú của tụi bác tặng."
Tết vòng tay á?
Tôi tự hỏi sao trước đây mẹ chưa bao giờ dạy tôi tết vòng tay nhỉ.
"Sau đó," bác Bertha tiếp tục, "thằng nhóc xấu tính nhà đối diện đã ném tất cả số vòng mà bác và mẹ cháu hì hụi tết cả mùa hè lên cây hồ đào trồng trước sân nhà bác. Nó ném mấy chiếc vòng lên tít tận cành cao để tụi bác không lấy xuống được." Bác ấy lắc đầu. "Thằng nhóc đó xấu tính nhỉ?".
“Thế bác và mẹ cháu đã làm gì ạ?”.
"À, mục đích bác kể câu chuyện này là để cháu biết Carla hồi nhỏ ra sao mà," bác Bertha đáp. "Mẹ cháu đã hậm hực tiến đến chỗ thằng nhóc xấu tính và cắn một phát vào bàn tay nó, đau đến nỗi thằng bé la lên như thể vừa bị chặt tay ấy. Rồi thằng nhóc đó vừa khóc vừa bỏ chạy về nhà, còn Carla thì tiếp tục đứng đó chửi rủa thằng bé."
Bác Bertha khúc khích cười. "Mẹ cháu cũng nóng tính ra phết đấy," bác ấy nói.
Nóng tính ư?
Vậy có khi tính khí nóng nảy của tôi không phải do gen của bố cũng nên. Có thể tôi được mẹ di truyền cho cái tính khí đó.
Hơi do dự một chút, nhưng sau đó tôi quyết định hỏi: "Sao hai người không gặp nhau nữa ạ?". Tôi hỏi bác ấy, với hy vọng nhận được câu trả lời hợp lý hơn lần trước.
Bác Bertha nhìn thẳng phía trước. “Ừm, cháu biết đấy, khi bắt đầu trưởng thành, mọi người thường hay bận bịu chuyện này chuyện kia. Mẹ cháu tự dưng bỏ học cấp ba, và bác chưa kịp định thần thì mẹ cháu đã bỏ nhà đi Raleigh rồi.”
"Nhưng tại sao sau đó hai người không bao giờ gặp nhau nữa ạ?".
Bác Bertha mím môi nhìn tôi. "Chuyện phức tạp lắm, Charlie à," bác ấy đáp.
Lại thế rồi. Lại câu trả lời tôi không hề muốn nghe. Sau đó, chúng tôi im lặng suốt quãng đường còn lại đến Asheville. Tại khu mua sắm, tôi cứ nhớ đến Jackie suốt. Tôi và bả từng lượn lờ trong trung tâm mua sắm cả ngày, đi hết từ cửa tiệm này sang cửa tiệm khác, cùng thử những chiếc áo lửng và váy ngắn mà bố mẹ không bao giờ cho phép tụi tôi mua. Hay chọn những đôi bông tai để đeo nếu tụi tôi được bấm lỗ tai. Tụi tôi còn xịt lên người nhau những mùi nước hoa xa xỉ đặt trên kệ hàng mẫu của cửa hàng đồ mỹ phẩm nữa.
"Chúng ta đến cửa hàng Sears mua cho cháu vài chiếc váy để mặc đi học trường Chúa Nhật nhé,” bác Bertha nói.
Hai bác cháu tôi đã dạo quanh khu mua sắm cả sáng hôm đó, và cuối cùng chúng tôi mua được hai chiếc váy và một chiếc áo khoác len màu tím oải hương. Bác Bertha nghĩ một trong hai chiếc váy có vẻ hơi ngắn để mặc đi nhà thờ, nhưng cuối cùng bác ấy vẫn quyết định mua chiếc đó.
Khi chúng tôi về đến nhà, Howard đang ngồi trên chiếc ghế gấp đặt cạnh khu vườn và quan sát bác Gus sửa hàng rào.
"Chào cháu!" bác Bertha nói vọng về phía nó. Howard đi cà nhắc về phía chiếc xe, khi tôi quay vào xe để lấy mấy túi đồ.
"Cháu chào bác ạ," nó nói với bác Bertha, sau đó quay sang phía tôi, "Tớ đã vẽ một tấm bản đồ đấy."
"Để làm gì?"
"Để giúp tụi mình tìm Xương Chạc chứ sao." Nó lôi từ trong túi áo ra một tờ giấy vở gập tư và chìa ra trước mặt tôi. "Tớ nghĩ tụi mình có thể đánh dấu những chỗ đã tìm để tiện theo dõi tiến độ."
Tôi nhún vai. "Được thôi."
Bác Bertha rướn người sang phía tôi và cầm mấy túi đồ. "Để bác mang vào trong cho," bác ấy nói.
Sau đó tôi và Howard cùng đi ra đường cái. Chúng tôi nhòm vào những bụi cây rậm rạp và nheo mắt nhìn vào khu rừng tối dọc con đường. Howard nghĩ chúng tôi nên kiểm tra lại cả con đường chúng tôi gặp Xương Chạc hôm qua nữa.
“Tớ cá là nó thường lang thang ở đấy,” nó quả quyết. “Có thể.” Tôi gạt những cây cỏ cao sang hai bên rồi nhảy phóc qua cái rãnh nông bên vệ đường.
“Nhưng bác Gus bảo tớ là nó có thể lang thang khắp nơi,” tôi nói.
Chúng tôi cứ mải miết tìm kiếm, leo trèo lên những thân cây đổ và phải luôn tay gạt những dây leo đầy gai nhọn trên đường. Nhưng sau một hồi kiếm tìm, cả hai đứa đều thấy nóng và mệt lử mà vẫn chẳng thấy tăm hơi Xương Chạc đâu. Thế nên Howard rút tấm bản đồ và chiếc bút chì ngắn tũn của nó ra để đánh dấu tất cả những nơi chúng tôi đã tìm kiếm, rồi chúng tôi quyết định về nhà nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, tôi mặc chiếc váy mới đến trường Chúa Nhật và ngồi xuống cạnh con bé Audrey. Tôi chủ động nói, “Chào cậu,” nhưng con bé đó vờ như tôi vô hình. Tôi nghĩ nó đã quên tôi cũng là một phần trong cộng đồng nhà thờ của nó.
Đầu giờ học, chúng tôi lại chơi trò Thám tử Kinh thánh, và Howard lại thắng đậm. Tôi thì chẳng tài nào nhét nổi đống kiến thức về Kinh thánh vào đầu như nó.
Anh trai của thánh Moses tên là gì? Lũ quạ mang thức ăn đến cho Elijah mấy lần trong ngày? Audrey cũng giơ tay nhiều gần bằng Howard, mấy chiếc vòng tay của nó leng keng khi nó reo lên đầy phấn khích, "Em biết! Em biết!" Sau đó, cô Mackey nói rằng chúng tôi có nhiệm vụ trang trí bảng tin trong phòng giao lưu, và thành quả của chúng tôi sẽ được gọi là Khu vườn Phước lành.
"Chúng ta sẽ làm một vườn hoa phước lành," cô Mackey nói. Cô ấy giải thích rằng chúng tôi sẽ làm hoa bằng giấy thủ công và viết một phước lành bất kì lên mỗi đóa hoa giấy đó.
Thú thực là tôi chưa hiểu rõ yêu cầu của cô ấy cho lắm, nhưng tôi cứ theo chân mọi người và được nhận một tập giấy thủ công nhiều màu cùng hồ và kéo. Tôi cố tình làm thật chậm để xem mọi người làm thế nào. Một lát sau, con bé Audrey đã gấp xong đóa hoa đầu tiên. Đó là một đóa hoa cúc vàng bự chảng. Sau đó nó lấy bút sáp xanh dương viết dòng chữ "Gia đình của tôi" lên một cánh hoa.
Dạ dày tôi thắt lại, và mặt thì nóng bừng. Tôi đặt hai bàn tay lên đùi để không ai thấy chúng đang run rẩy.
Đóa cúc vàng của Audrey nhắc tôi nhớ rằng mình không thuộc về nơi đây. Nhờ có nó, tôi nhận ra rằng dù tôi có đến nhà thờ trong bộ cánh mới thì tôi cũng chẳng có phước lành nào cả.
"Em xin phép ạ," tôi nói với cô Mackey. Nhưng tôi thậm chí còn chẳng đợi cô trả lời. Tôi vội lao ra khỏi căn phòng đó và chạy ra ngoài bãi đỗ xe.
Nhưng phước lành đã đến trước khi tôi kịp bắt đầu thấy tủi thân. Tôi chợt nhìn thấy một chú chim hồng tước lông đỏ thẫm đậu vắt vẻo trên dây điện ngang đường. Tôi nhắm mắt, khạc ba lần, rồi thầm ước.