Khi tôi về đến nhà thì trời đã nhá nhem tối.
Bác Gus đã đi làm về và đỗ chiếc xe hơi cà tàng của bác ấy trên lối vào nhà. Tôi còn ngửi thấy mùi nước xốt spaghetti quen thuộc len lỏi qua cánh cửa ra vào nữa.
Tôi cảm giác càng tiến lại gần ngôi nhà, hai bàn chân tôi càng nặng như chì. Tôi chỉ muốn về phòng, vờ như mọi chuyện hôm nay chưa từng xảy ra.
Nhưng tôi không làm vậy.
Tôi nặng nhọc lê từng bước chân chì ra ngoài hiên sau nhà, nơi bác Gus và bác Bertha đang lặng lẽ ngắm nhìn quang cảnh dãy núi.
"Cháu chào hai bác…" tôi lên tiếng. Giọng tôi giống hệt một đứa bé đang khóc sụt sùi. Tôi nhìn chằm chằm vào tấm ván phủ đầy lá cây gần đó.
"Chào cháu," bác Gus đáp.
Tôi không thể nhìn thẳng bác Bertha, nhưng tôi thấy sợ hãi khi bác im lặng. Tôi ngồi xuống, nhìn những hình vẽ trái tim và ngôi sao đã mờ trên cánh tay mình. Đâu đó dưới khu rừng vọng lại tiếng ếch ương ộp oạp, văng vẳng trong làn gió mát buổi tối.
Tôi đếm đến ba trong đầu trước khi nói. "Cháu xin lỗi, bác Bertha."
Tôi tự dặn lòng không được yếu đuối, nhưng tôi không kiềm chế nổi mình.
Tôi đã bật khóc.
Và, dù rất muốn, nhưng tôi chẳng thể ngăn nước mắt rơi lã chã.
Điều tệ nhất là tôi không thể tự nói với bác Bertha những lời tôi đã diễn tập trong đầu. Ví dụ như tôi không cố ý la lối bác ấy. Hay tôi không hề ghét ngôi nhà cheo leo bên vách núi của bác ấy và bức tượng Pegasus sáng loáng trên mái hiên kia. Và tôi cũng chẳng hề bận tâm đến mấy cái hũ thủy tinh trong phòng. Và điều cuối cùng là tôi rất thích cô bé Lọ Lem, vì trên đời này làm gì có ai ghét nhân vật đó chứ?
Nhưng tôi chỉ khóc thôi. Và sau đó bác Bertha đã quỳ gối xuống ngang tầm mắt tôi, và đặt bàn tay ấm áp của bác ấy lên cánh tay đầy hình xăm mực của tôi.
“Cháu chính là phước lành trong ngôi nhà này, Charlie ạ,” bác ấy nói.
Phước lành á?
Đáng lẽ bác ấy phải mắng tôi là đồ xấu tính, đáng ghét, ngu ngốc và thảm hại, nhưng thay vào đó bác ấy lại nói tôi là phước lành.
Sau đó bác Gus đã đứng dậy và nói câu kinh điển của bác ấy.
"Chúng ta đi ăn chút bánh việt quất trước khi ăn tối nào."
Vậy nên chúng tôi đã đi ăn bánh.
Ba người chúng tôi ngồi ngoài hiên ngắm những vì sao lấp lánh trên bầu trời Carolina, và ăn món bánh việt quất trước bữa cơm tối. Và trong khi bác Bertha kể cho chúng tôi chuyện cô Racine bạn bác ấy đã lùi xe đâm vào cột cờ ở bưu điện chiều hôm đó, rồi thản nhiên lái xe đi như chưa hề có chuyện gì xảy ra, thì một quả sồi từ cành cây phía trên mái hiên đáp ngay xuống cạnh chân tôi.
Tôi suýt hất đổ đĩa bánh khi nhảy dựng lên để chộp lấy quả sồi. Suýt chút nữa tôi quên béng mất nhiệm vụ nguyện ước hằng ngày của mình. Quả sồi này xuất hiện thật đúng lúc, như thể Chúa đã ban nó cho tôi vậy. Tôi hơi do dự, nhưng sau đó tôi tiếp tục thực hiện điều mình cần làm. Tôi nắm chặt quả sồi đó rồi xoay người ba vòng trước khi thầm ước điều mình mong muốn.
Sau đó, tôi trở lại phòng và đặt quả sồi lên bậu cửa sổ. Tôi sẽ để nó lại đó thêm ba ngày nữa để củng cố sức mạnh cho điều ước của mình. Chị đội trưởng Hướng đạo của tôi ở Raleigh đã dạy tôi cách ước nguyện với quả sồi, và chắc chắn cách đó phải hiệu nghiệm, vì những đội trưởng Hướng đạo không bao giờ nói dối.
Sau bữa tối, chúng tôi ăn thêm chút bánh việt quất. Khi bác Gus ra vườn kiểm tra và khóa lại vòi tưới nước, thì bác Bertha nói, "Cháu ngồi đấy nhé, Charlie. Bác có thứ này muốn cho cháu xem."
Bác ấy về phòng rồi mang ra một hộp giày đã tơi tả. Bác ấy nhấc nắp hộp lên và nói, "Cháu nhìn này."
Tôi nhòm vào trong hộp. Trong đó có rất nhiều ảnh.
Bác Bertha lục lọi đống ảnh rồi lôi ra một tấm. Khi nhìn tấm ảnh đó, bác ấy mỉm cười, rồi đưa nó cho tôi.
“Mẹ cháu và bác đấy,” bác ấy chỉ vào dòng chữ sau tấm ảnh. Bertha và Carla, bằng chữ in cỡ đại.
Tôi đón lấy tấm ảnh đã bạc màu từ tay bác. Trong đó có hai cô gái nhỏ khoác vai nhau trên mui xe hơi.
“Mẹ cháu đâu ạ?” tôi hỏi bác ấy.
Bác Bertha chỉ vào cô bé nhỏ hơn. Tôi nheo mắt nhìn mẹ. Lúc đó mẹ tôi vừa bị nhổ mất hai chiếc răng cửa, trên khuỷu tay còn dán một miếng băng cứu thương.
Tôi cứ nhìn cô bé đó mãi. Tôi tưởng tượng cô bé ấy trèo từ mui xe xuống đường và liên tục nhảy chân sáo thành vòng tròn. Tôi tưởng tượng cô bé ngồi hát cùng người chị gái Bertha ở băng ghế sau xe ông ngoại. Tôi tưởng tượng cô bé ấy nói mấy câu đố chữ hài hước, trượt pa tanh và ăn kem trên hiên nhà mỗi tối.
Cô bé sún răng trong ảnh biến thành người phụ nữ suốt ngày buồn bã và nhốt mình trong căn phòng tối ở Raleigh từ khi nào thế nhỉ?
“Bác và mẹ cháu có yêu thương nhau không ạ?” tôi hỏi bác Bertha.
“Có chứ.” Sau đó bác cho tôi xem vài tấm ảnh khác. Mẹ tôi mở một hộp quà cạnh cây thông Giáng sinh. Mẹ và bác Bertha chơi đùa cùng một chú chó trong tuyết. Bác Bertha kéo chiếc xe đẩy chở mẹ trên một con đường đất.
“Sao bác và mẹ cháu không gặp nhau nữa ạ?” Bác Bertha thở dài thườn thượt, rồi lắc đầu. “Bác và mẹ cháu đều trở thành người lớn,” bác ấy nói. “Khi chúng ta lớn lên, cuộc đời đôi khi phức tạp lắm cháu ạ.” Đó không phải câu trả lời tôi muốn nghe, nhưng tôi biết đó là điều duy nhất bác ấy có thể nói, nên tôi chỉ đáp, “Ồ.”
Khi bác Gus xong việc, chúng tôi lại ra hiên ngồi. Hai bác ấy nắm tay nhau trong khi bác Bertha kể chuyện ông già bán dâu thối sau thùng xe tải trên Quốc lộ 14. Sau đó bác ấy bảo, “Ngày mai cháu có thể gọi điện cho Jackie nếu cháu muốn, Charlie ạ.”
“Không cần đâu ạ, cháu cảm ơn bác,” tôi đáp. Bầu không khí tĩnh lặng đến mức tôi có thể nghe rõ cả tiếng thở của bác Bertha. Tôi biết bác ấy đang nhìn mình, nhưng tôi chỉ nhìn chằm chằm những ngọn cây.
“Charlie à,” bác ấy nói. "Đừng giận Jackie nhé." "Cháu không giận Jackie," tôi đáp, nhưng lời nói dối đó giống như đám mây đen bao phủ trên đầu chúng tôi vậy.
Tôi có giận Jackie. Bả hành xử cứ như thể bả chẳng hề có chút phiền muộn nào cả. Và bả còn chẳng thèm quan tâm đến tôi nữa chứ.
Sau đó chúng tôi lại im lặng ngồi hít thở không khí mát mẻ buổi tối, và nghe tiếng dế rúc rích dưới hiên nhà.
Đêm đó, tôi nằm trong căn phòng tối và mường tượng một đoạn dây phơi treo đầy phiền muộn của mọi người. Tôi thà lấy đi phiền muộn của người khác còn hơn. Tôi cố tưởng tượng xem mọi người thường rầu rĩ chuyện gì. Có lẽ là đau răng, hay điểm kém bài kiểm tra môn toán. Lũ mèo của họ đi lạc, hoặc mái tóc xấu xí. Những ông bạn trai ngoại tình, hay chiếc xe hơi lăn đùng ra hỏng. Nhưng chẳng cái nào sánh được với nỗi muộn phiền của tôi, nó nặng trĩu cả dây phơi như một chiếc túi đựng đầy gạch vậy.
Tôi khẽ nhón chân ra cửa sổ và ngắm nhìn bầu trời đêm, hy vọng sẽ bắt gặp một ngôi sao băng để ước nguyện. Vầng trăng ngự trị phía trên đỉnh núi đang tỏa ánh sáng lấp lánh xuống sân, tạo những chiếc bóng đổ ngoằn ngoèo quanh thân cây thù du, và những chiếc bóng len lỏi dưới chân hàng rào quanh khu vườn.
Tôi biết Xương Chạc đang ở ngoài đó một mình.
Tôi thắc mắc, không biết lúc này nó đang làm gì nhỉ? Nó đang ăn những mẩu bánh mì thừa trong thùng rác nhà người ta ư? Hay đang đi dạo dưới ánh trăng dọc theo xa lộ? Hay nó đang say ngủ dưới hiên nhà người ta?
Tôi hy vọng bác Gus đã lầm về chuyện Xương Chạc muốn làm chó hoang. Sau đó tôi chợt nhớ hôm nay nó vừa vẫy đuôi với mình. Chứng tỏ nó thích tôi rồi. Tôi chắc chắn đấy. Nếu nó sống cùng tôi, và không phải sống lang thang phiêu bạt nữa, thì tôi cá là nó sẽ yêu tôi luôn ấy chứ.
Tôi đan hai bàn tay vào nhau như khi cầu nguyện, và khẽ thầm thì với màn đêm, “Làm ơn hãy quay lại nhé, Xương Chạc.”