Vài ngày sau, cô Willibey đã gọi cho bác Bertha để phàn nàn về thái độ học tập tồi tệ của tôi.
Sáng hôm đó, cô Willibey đã hỏi tôi: nếu em có hai phần chiếc bánh nướng, và em chia một nửa phần bánh đó cho chị gái, thì em còn lại bao nhiêu phần của cái bánh? Tôi đã đáp: “Em chẳng bao giờ chia bánh cho chị gái mình cả.” Thế là cả lớp đều cười lăn cười bò, ngoại trừ cô Willibey. Cô giận đỏ mặt tía tai, mím môi lại, và ném cho tôi ánh mắt hình viên đạn.
Chiều hôm đó, khi cô Willibey gọi điện cho bác Bertha, thì tôi đang nằm dài xem tivi trên chiếc ghế tràng kỷ của bác Gus. Con mèo béo lông cam tên Flora đang cuộn tròn người trên đùi tôi.
Tôi nghe bác Bertha nói vào ống nghe: “Con bé nói vậy ư?”, và “Ôi, trời.” Sau đó bác ấy hạ giọng thì thầm nên tôi chỉ nghe được loáng thoáng vài chữ qua cánh cửa bếp.
“… một giai đoạn khó khăn…” “… con bé nhớ gia đình...”
“… mọi chuyện rất khó khăn…”
Sau đó bác Bertha gác máy, còn tôi tiếp tục dán mắt lên màn hình tivi khi bác ấy bước vào phòng khách và ngồi xuống tràng kỷ.
“Cô Willibey vừa gọi, cháu ạ,” bác Bertha nói. Trên tivi, một chú dẫn chương trình nói siêu nhanh đang đổ si rô sô cô la lên sàn nhà, rồi lau đống đó bằng chiếc Chổi lau Thần kì.
“Cô ấy nói là hôm nay cháu đã hơi khiếm nhã trong lớp,” bác Bertha tiếp tục.
Lúc này thì chú trên tivi bắt đầu giới thiệu về bộ dao được tặng kèm khi mua Chổi lau Thần kì.
Bác Bertha bắt đầu giảng giải, rằng bác ấy biết tôi buồn bã đến mức nào khi gia đình tan vỡ. Ừm, chính xác thì bác ấy không dùng từ tan vỡ, nhưng tôi chắc chắn bác ấy muốn nói vậy. Bác ấy bảo chắc tôi thấy sợ lắm khi thấy mẹ trở nên như vậy. Bác ấy đoán chắc tôi đang lo lắng về bố mình đến phát ốm lên được. Và chắc tôi nhớ Jackie nhiều lắm.
Mắt tôi tập trung nhìn vào chú đang quảng cáo chổi lau nhà trên tivi, còn trong đầu thì thầm nhủ, Dứa. Dứa. Dứa. Nhưng câu thần chú ngu ngốc của Howard chẳng có tác dụng gì cả, vì ngay sau đó tôi bắt đầu la lớn trước mặt bác Bertha. Tôi đã dùng những từ ngữ tồi tệ nhất để nói rằng bác ấy không cần quan tâm đến chuyện của tôi, và ai thèm quan tâm đến gia đình tan vỡ, thảm hại của tôi cơ chứ. Chắc chắn người đó không phải tôi rồi. Tôi càng nói càng to tiếng, và phun ra những từ ngữ tồi tệ đó với tốc độ nhanh hơn trước. Tôi nói mình ghét Colby và bọn trẻ nhà quê và cái nhà cũ xấu xí cheo leo bên vách núi này. Tôi ghét cả những chiếc hũ trong phòng mình, và nhất là mấy chiếc vỏ gối hình Lọ Lem nữa.
Rồi tôi bỏ ra ngoài, để lại chiếc cửa kính đập “sầm” sau lưng. Tôi cố gắng không nghĩ tới bác Bertha ngồi lại trên tràng kỷ với vẻ mặt như vừa bị người khác đâm một nhát xuyên tim.
Vài con mèo lao ra khỏi lối đi khi thấy tôi đùng đùng giận dữ bước thật nhanh ra phía đường cái. Tôi hậm hực đá chân vào đống đất, bứt lá cây, và cố ném thật mạnh những hòn sỏi vào rừng. Khi đến nơi, thậm chí tôi còn chẳng để ý mặt đường nhựa nóng rãy dù đang đi chân đất. Cơn tức giận cứ quay cuồng trong ruột gan tôi, khiến tai tôi ong ong và dạ dày thì sôi sục. Nhưng sau đó, tôi lại ngồi thụp xuống vệ đường và khóc nức nở một lúc lâu, đến mức gần như không thở được.
Tôi bị sao thế nhỉ? Sao tôi lại nói những lời tồi tệ đó với bác Bertha? Sao tôi lại có thái độ hằn học như thế ở trường? Và trong khi vẫn đang khóc lóc vì tội lỗi, thì tôi nghe ai đó cất tiếng hỏi, “Cậu làm sao vậy, Charlie?”
Tôi ngẩng đầu lên thì thấy Howard cùng chiếc xe đạp của nó đứng ngay trước mặt.
Tôi gục mặt tiếp xuống đầu gối và lầm bầm, “Không có gì đâu.”
“Chắc chắn là phải có chuyện gì chứ,” nó nói.
“Cậu đi đi.”
“Không.” Nó đặt chiếc xe đạp giữa đám cỏ bên vệ đường rồi ngồi xuống bên tôi. “Cậu phải kể cho tớ nghe vấn đề của cậu đã.”
Thằng nhóc này kì ghê. Đối với một thằng nhóc tóc đỏ cà nhắc, thì Howard đúng là đứa vô cùng lì lợm.
“Tớ không có nghĩa vụ phải kể cho cậu gì hết,” tôi đáp.
“Thế thì cậu vẫn phải kể cho một ai đó.” Nó lấy tay đẩy gọng kính.
“Sao lại thế?”
“Mẹ tớ bảo phiền muộn là thứ không nên giữ cho riêng mình. Mẹ nói nếu ta dốc bầu tâm sự với người khác, thì phiền muộn ắt sẽ vơi đi.”
“Cậu đi đi,” tôi nói.
“Cậu lại đá vào chân ai ư?" Tôi lắc đầu.
"Thế cậu dùng bút chì chọc người đó à?" "Không!" tôi hét lớn.
"Hồi trước mẹ tớ từng thêu bức tranh có câu thành ngữ, ‘Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh’ đấy."
Tôi ngước đầu nhìn nó. "Câu đấy có nghĩa gì?" tôi thắc mắc.
"Nghĩa là ai cũng có những phiền muộn của riêng họ, và có khi vấn đề của họ còn tệ hơn mình ấy." Nó tiện tay bứt một ngọn cỏ rồi ném ra ngoài đường. "Đại loại thế," nó nói thêm. Chà! Cái này hay đấy. Tôi chẳng nghĩ ra trên đời này liệu có người nào khổ hơn mình hay không. Sau đó tôi nhìn sang Howard đang nhíu đôi lông mày tỏ vẻ lo lắng thực sự, và trước khi kịp định thần, thì tôi đã dốc hết bầu tâm sự với nó rồi. Tôi bảo nó rằng tôi ước bố tôi không vào tù. Rằng hồi trước bố và tôi từng cùng nhau chơi bài xì, xem chương trình Vòng quay May mắn, và ăn món macaroni phô mai8 cho bữa sáng. Tôi kể cho nó rằng tôi đã vô cùng sợ hãi khi thấy mẹ úp mặt vào gối khóc trong căn phòng ngủ tối om, và mẹ thậm chí còn chẳng hề quan tâm liệu tôi có quần áo sạch để mặc, hay có đến trường không. Tôi kể chuyện bố mẹ thường cãi cọ và la lối nhau cả ngày. Mỗi lần như thế tôi và Jackie thường ngồi trên giường của bả và bật đài to hết cỡ để không phải nghe tiếng bố mẹ cãi nhau. Tôi kể về tất cả những lần bố phóng xe đi, và tôi thường lén nhìn theo xe bố từ cửa sổ phòng ngủ khi nghe tiếng bánh xe của bố rít lên trên mặt đường, còn mẹ tôi thì đứng trên hiên nhà hét lớn "Biến đi, đồ rác rưởi! Đúng là thoát nợ!" Tôi kể với nó rằng tôi rất nhớ Jackie, bả thuộc lòng gần hết các bài hát trên đài và thường tết tóc đẹp cho tôi. Jackie còn cho tôi dùng chung sơn móng tay nữa. Và cuối cùng tôi kể với nó về những lời lẽ tồi tệ tôi đã nói với bác Bertha.
8 Nui sốt phô mai.
Khi tôi dứt lời thì giữa chúng tôi chỉ còn lại bầu không khí im lặng và tĩnh mịch. Mặt trời dần hạ xuống đỉnh dãy núi đằng xa, và trời bắt đầu trở lạnh.
Trong một thoáng chốc, tôi đã nghĩ Howard thấy ngại sau khi nghe tất cả những điều tôi nói, nên nó không biết phải phản ứng thế nào. Tôi đã thầm ước mình chưa từng tâm sự với nó bất cứ chuyện gì. Nhưng đột nhiên nó quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi, "Cậu muốn nghe lời khuyên của tớ không?"
"Ừm, có, tớ nghĩ vậy," tôi đáp.
"Giờ thì cậu chẳng thay đổi được chuyện của bố mẹ cậu và Jackie ở Raleigh nữa rồi," nó nói. "Thứ duy nhất cậu sửa chữa được là điều cậu vừa nói với bác Bertha."
Tôi nghĩ nó có lí. Tôi không thể hàn gắn những tổn thương của gia đình mình, nhưng tôi có thể xin lỗi bác Bertha mà. Tôi liền đứng dậy và phủi đất sau mông quần đùi. Và sau đó... tôi thật không tin nổi vào mắt mình! Chú chó tai dài có bộ lông đen đốm nâu đột nhiên xuất hiện ở ven bìa rừng, ngay trước mắt tôi!
Tôi đặt một ngón tay lên môi và khẽ "Suỵttttt" một tiếng.
Chú chó đó nghếch đầu quan sát mọi cử chỉ của tôi. "Đừng di chuyển nhé," tôi thì thầm với Howard. Tôi nhón chân tiến một bước về phía chú chó đó, và… bạn biết sao không?
Nó vẫy đuôi! Hai cái vẫy đuôi rất khẽ. Nó thích tôi đấy.
"Này, anh bạn," tôi nói, sau đó tiến thêm một bước nữa.
Nhưng đúng lúc đó, một chiếc xe hơi trời ơi đất hỡi bất thình lình xuất hiện, gầm rú trên đường và lao vút ngay giữa chúng tôi, thế là chú chó đó lại chạy vụt vào rừng biến mất dạng.
Tôi giậm chân. "Chết tiệt!"
Suýt chút nữa tôi quên béng mất Howard cũng đang ở đó, thì nó lên tiếng, “Hồi trước tớ từng gặp chú chó đó rồi.”
“Chó của tớ đấy,” tôi nói.
“Thật á?”
“Ừm, thực ra nó sắp thuộc về tớ rồi.”
“Tớ cá là người nó đầy rận,” nó nói. “Có thể nó còn bị ghẻ nữa. Bọn chó hoang thường hay bị ghẻ lắm.”
“Thì sao?” tôi hỏi vặn lại. “Tên nó là Xương Chạc9.” Lúc tôi thốt ra từ đó, tôi biết đó là lựa chọn đúng đắn. Xương Chạc. Đúng là cái tên hoàn hảo dành cho chú chó của tôi.
9 Chạc xương đòn của loài gia cầm, người Anh thường bẻ gãy để lấy may.
“Tớ sẽ bắt nó,” tôi quả quyết. “Sau đó tớ sẽ tắm cho nó, bắt rận, dạy nó thật nhiều trò hay ho, và cho nó ngủ cùng tớ trên giường.”
“Tớ sẽ giúp cậu bắt nó,” Howard nói và nhấc chiếc xe đạp đang nằm giữa đám cỏ của nó lên.
“Cậu sẽ giúp tớ á?” “Chắc chắn rồi.”
Bỗng nhiên tôi không nghĩ Howard là thằng nhóc chân cà nhắc tọc mạch và hay rầy rà tôi về chuyện Bạn Kèm Cặp nữa. Giờ nó là người đã đối tốt với tôi.
Là người tôi đã dốc bầu tâm sự.
Tôi nhìn nó trèo lên xe và đạp một mạch về nhà. Rồi tôi hướng về khu rừng và hét lớn "Tạm biệt nhé, Xương Chạc," trước khi trở về nhà để xin lỗi bác Bertha.