Tôi cứ chắc mẩm rằng cuối tuần được nghỉ học sẽ sung sướng lắm, nhưng bác Bertha lại thông báo là chúng tôi sẽ đến nhà thờ vào Chủ nhật.
Từ nhỏ tôi đã chẳng đến nhà thờ rồi. Ông bố Thích Gây Gổ của tôi chẳng bao giờ muốn dây dưa đến nhà thờ. Bố tôi gọi những người đi nhà thờ là những kẻ “tay làm việc thiện, miệng tụng Kinh thánh.” Nhưng mẹ từng dẫn tôi và Jackie đến nhà thờ vài lần. Tôi không nhớ được nhiều về chuyện đó, chỉ nhớ Jackie từng rên rỉ và than vãn suốt quãng đường từ nhà tới nhà thờ, đến nỗi mẹ tôi phải phát vào chân bả để bắt bả im lặng. Nhưng sau này, chứng lo âu của mẹ tôi ngày càng trầm trọng, khiến mẹ không thể lái xe hay cởi áo choàng tắm. Ngay cả việc chải tóc mẹ cũng chẳng làm nổi, nên từ đó chúng tôi không đến nhà thờ nữa.
Sáng Chủ nhật, khi tôi vừa bước chân vào bếp, bác Bertha đã nhìn tôi một lượt từ đầu xuống chân rồi thốt lên, "Ôi, trời." Sau đó, bác ấy lau tay vào tạp dề. "Cháu có cái váy nào không?".
Tôi liếc xuống nhìn chiếc quần bò ngắn cũn và áo phông cũ của Jackie rồi lắc đầu.
Bác Bertha phẩy tay. “Ừm, thôi không sao đâu. Tuần tới bác cháu mình đi mua sắm cũng được.”
Sau đó bác Gus bước vào bếp, và tôi suýt chút nữa không nhận ra bác ấy. Hôm nay bác Gus đóng bộ đầy đủ cả áo vest và cà vạt! Thay vì đôi ủng dính đầy bùn đất thường ngày, hôm nay bác ấy đi đôi giày da đen bóng buộc dây. Bác trông cũng ra dáng một ông chủ ngân hàng giàu có ở Raleigh phết, nếu như không có bộ móng tay dính đất và mái tóc cố tình vuốt thẳng dưới chiếc mũ bóng chày kia.
Bác Gus ngồi vào bàn bếp, và bác Bertha đã hôn lên má bác ấy. “Chà, nhìn anh kìa,” câu đó đã khiến bác Gus ngượng chín mặt. Bác ấy gạt bàn tay bác Bertha trên vai mình xuống, sau đó liên tục kéo cổ áo cho thẳng thớm và lau bớt mồ hôi sau gáy.
Sau bữa sáng, bác Gus lái xe đưa chúng tôi tới Nhà thờ Thung lũng Rocky. Khi bước vào nhà thờ, tôi liền hiểu ra lí do bác Bertha thốt lên “Ôi, trời” khi nhìn thấy bộ dạng của tôi sáng nay. Tất cả những đứa con gái khác trong nhà thờ đều mặc váy. Tôi chẳng dám nhìn thẳng vào mắt ai, vì tôi biết mình đang ngượng chín mặt, còn chiếc quần bò trên người tôi thì quả đúng là sai lầm.
Tôi ngồi giữa bác Gus và bác Bertha trên băng ghế gỗ. Khi chú nhạc công chơi các bản nhạc nhà thờ, mọi người dần dần kéo đến nhà thờ đông hơn, đâu đâu cũng có người cười và gật đầu chào nhau. Một lúc sau, bác Bertha huých nhẹ tay tôi và thầm thì, “Nhà Odom kìa cháu.”
Tôi ngước lên thì thấy Howard và cả gia đình nó đang cầm quyển Kinh thánh tiến về một băng ghế cạnh lối đi. Năm đứa con trai với mái tóc chải mượt xô đẩy nhau và bước đi sầm sập trong đôi giày đẹp nhất của chúng. Mẹ Howard hoàn toàn phớt lờ bọn trẻ, bác ấy quay sang trò chuyện với những người quen và hỏi thăm người bà đang bệnh của họ, trong khi ông bố tóc đỏ của Howard thì lấy khăn tay lau mặt.
Sau màn cầu nguyện và hát thánh ca, tụi trẻ con chúng tôi phải đi học trường Chúa Nhật6. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi đến lớp và thấy con nhỏ Audrey Mitchell ngồi đó. Con bé đó cũng trố mắt nhìn tôi, cứ như thể tôi là người sao Hỏa vừa bị rơi từ tàu vũ trụ xuống đây ấy. Tôi cố gắng ngồi cách xa con bé đó hết mức có thể. Sau đó thằng nhóc Howard cà nhắc bước vào lớp, rồi đến ngồi cạnh tôi.
6 Lớp dạy về Thiên chúa giáo cho trẻ em Cơ đốc vào ngày Chủ nhật
Giáo viên trường Chúa Nhật của chúng tôi là cô Mackey, một người phụ nữ đứng tuổi có mái tóc muối tiêu. Ngay đầu giờ học, cô giới thiệu với mọi người tên tôi là Charlie Reese, và yêu cầu mọi người chào đón tôi đến với cộng đồng nhà thờ. Sau đó cô dạy chúng tôi bài hát “Noah Tốt bụng.” Howard hát to hơn tất cả mọi người trong lớp, và tôi thấy khá xấu hổ vì nó, nhưng hình như chẳng ai thèm bận tâm đến Howard, trừ tôi.
Sau đó, cô Mackey nói rằng chúng tôi sẽ chơi trò Thám tử Kinh thánh. Cô ấy sẽ đọc to các câu hỏi trong bộ thẻ bài Thám tử Kinh thánh, và mỗi khi ai đó trả lời đúng một câu hỏi, người đó sẽ được nhận một đồng xu Thám tử. Khi thu thập được đủ số lượng đồng xu Thám tử, bạn có thể đổi chúng lấy giải thưởng. Khi cô Mackey đọc câu hỏi, bọn con trai liên tục nhúc nhích cựa quậy, tụi con gái mặc váy đẹp thầm thì và cười khúc khích với nhau, còn tôi ngồi im lặng cùng chiếc quần bò xấu xí của mình.
Samson có bao nhiêu bím tóc?
Ai đã chui xuống hố trong kì sa tuyết để giết một con sư tử?
Câu chuyện về một hoa hậu trở thành hoàng hậu được viết trong cuốn sách, chương và câu nào?
Lần nào Howard cũng giơ tay, và tôi biết chắc chắn mình sẽ không bao giờ giành được bất cứ đồng xu Thám tử nào hết.
Sau giờ học trường Chúa Nhật, tất cả người lớn và trẻ nhỏ đều tập trung lại trong phòng giao lưu. Bác Bertha diễu tôi quanh phòng cứ như thể tôi là hoa hậu; bác ấy giới thiệu tôi với mọi người mà chẳng thèm để ý tôi đang nghĩ gì. Bác Bertha nói rằng bác ấy và bác Gus thực sự rất may mắn khi tôi đến sống cùng họ. Mọi người đều gật đầu tán thành và nói, “Điều đó thật tốt, nhỉ?” và mấy câu đại loại như thế. Nhưng tôi dám chắc là trong đầu họ đang thầm thắc mắc, tại sao bố mẹ ruột của con bé này lại không thể chăm lo cho nó, và chẳng lẽ nó không biết là không được mặc quần bò đến nhà thờ à?
Khi bác Bertha giới thiệu tôi với mẹ Howard, bác ấy đã ôm tôi và nói rằng Howard đã kể cho bác về tôi. Sau đó bác ấy rướn cổ nhìn quanh phòng. “Chắc bác Odom đang đứng ngoài kia. Mà có lẽ bác không thể bắt lũ trẻ hoang dã nhà bác chịu đứng yên để giới thiệu cháu được rồi.”
Mấy đứa con trai nhà Odom đang đuổi bắt nhau quanh phòng, cà vạt nới lỏng, còn vạt áo sơ mi thì bay phấp phới. Trong khi Howard đi khoe với mọi người đống “chiến tích” của nó trong trò Thám tử Kinh thánh, thì mấy đứa còn lại đi nhón những miếng bánh sô cô la hạnh nhân trong đĩa giấy.
"Cháu có thể ghé chơi nhà bác lúc nào cũng được, nhé?” Mẹ Howard nói.
Bác Bertha cười toét miệng với tôi. "Thế thì tốt quá Charlie nhỉ?"
Tôi gật đầu và đáp, "Dạ, thưa bác," vì tôi biết mình cần phải trả lời như thế.
Trên đường bác Gus lái xe đưa chúng tôi về nhà, tôi đã cố gắng quan sát khu rừng và những khoảng sân nhà với hy vọng được nhìn thấy chú chó hoang đó lần nữa. Nhưng tôi chẳng thấy bóng dáng nó đâu cả. Tuy nhiên tôi lại thấy một chiếc xe tải chất đầy cỏ khô. Chị Casey, bạn của Jackie nói với tôi rằng, nếu tôi đếm đến mười ba khi nhìn thấy một chiếc xe tải chở đầy cỏ khô thì tôi có thể ước một điều. Nên tất nhiên tôi đã làm điều đó.
Chuyện học hành ở trường có vẻ ngày càng tệ hại. Mấy tờ bài tập về nhà của tôi đều bị cô Willibey dùng bút chì đỏ đánh dấu chi chít, kèm theo những lời nhắn như “Gặp cô nhé” và “Cố gắng lần sau nhé.”
Đôi khi, tôi còn chẳng thèm làm bài tập về nhà. Chuyện này chỉ lãng phí thời gian thôi, vì tôi cũng đâu có ở lại đây lâu. Thi thoảng bác Bertha lại hỏi tôi có bài tập về nhà không, nhưng tôi thì đã quá thành thạo việc nhún vai và chuyển chủ đề rồi.
Vả lại, tôi cũng đã quá quen với những tờ bài tập bị gạch chi chít như thế, bởi trước đây, khi còn ở Raleigh, tôi cũng chẳng phải dạng “con ngoan trò giỏi” gì cho cam. Cả nhà chỉ có mỗi Jackie cằn nhằn chuyện tôi không đi học hay không làm bài tập thôi. Nhưng tôi thường cự cãi rằng bả không phải là mẹ nên không có quyền can dự vào chuyện của tôi. Khi giáo viên gọi về nhà để mách mẹ chuyện tôi bị điểm kém môn toán, hay tra hỏi lí do tôi không nộp bài tập, thì mẹ sẽ chỉ quát mắng tôi khoảng năm phút thôi, sau đó mẹ sẽ giơ hay cánh tay gầy gò lên, thở hắt ra một hơi dài thượt và nói, “Làm thế thì có ích gì cơ chứ?”. Rồi mẹ sẽ lê đôi dép ngủ khỏi phòng, miệng lẩm bẩm rằng tức giận như thế thật chẳng đáng.
Ít ra thì khi ở Raleigh, tôi còn có bạn ở trường, nhưng ở đây, mỗi lần tôi ngồi vào bàn ăn trong căng tin trường, tụi con gái lại nhăn mặt như thể chúng nó vừa ngửi thấy mùi gì kinh khủng lắm ấy, rồi sau đó tất cả tụi nó đồng loạt bê khay đồ ăn sang bàn khác. Hầu như ngày nào, tôi cũng giả vờ đau bụng để vào phòng y tế vẽ thêm những ngôi sao và trái tim bằng bút dạ lên cánh tay mình.
Đến giờ ra chơi, Howard bám đuôi tôi đi khắp nơi để nhắc nhở rằng nó là Bạn Kèm Cặp của tôi, và liến thoắng hỏi luôn miệng.
“Cậu đã bao giờ vào tù thăm bố chưa?”
“Sao chị cậu không đến đây cùng cậu?”
“Cậu muốn lấy vài đồng xu Thám tử của tớ không?”
Thi thoảng tôi trả lời nó, và thi thoảng tôi cố tình lờ nó đi.
Howard là đứa vô tư lự nên nó thường nghĩ gì nói nấy. Nó chẳng thấy phiền lòng vì bất cứ chuyện gì cả. Rõ ràng ở trường không ai muốn dây dưa đến nó, nhưng nó cũng chẳng hề bận tâm. Đứa em trai tên Dwight của nó lúc nào cũng cãi lộn, đánh đấm, đá bóng, hay cụng tay với những đứa con trai khác, nhưng Howard chẳng bao giờ tham gia hội đó. Mấy lần vào thị trấn cùng bác Gus và bác Bertha, tôi thường thấy Burl và Lenny, hai anh trai của Howard, đang đá bóng hay chơi bóng rổ với bạn bè, nhưng Howard luôn ngồi trên bậc thềm hí hoáy viết vào một cuốn sổ, hoặc lóng ngóng tự tập đạp xe trước cửa gara.
Một hôm, khi xe chúng tôi lướt qua nhà Howard, bác Bertha đã bình luận: “Cậu bé tội nghiệp đó thật cô đơn quá.”
“Như thế có sao đâu,” bác Gus nói.
Bác Bertha lắc đầu. “Với một đứa trẻ thì có đấy. Tụi nhỏ cần có bạn bè chứ.” Bác ấy thở dài. “Em thật không hiểu nổi. Cậu bé đó tốt bụng và ngọt ngào đến thế cơ mà.”
“Cháu cá là do tướng đi cà nhắc của nó,” tôi chêm vào.
“Chà, nói thế không hay đâu,” bác Bertha quay sang nhìn tôi. “Cháu sẽ có nhiều bạn mới ở Colby, Charlie ạ. Bác tin là vậy.”
Tôi nhìn ra ngoài cửa kính và giả vờ không nghe bác ấy nói về những điều tôi có thể làm ở đây. Ví dụ như tham gia hội Nữ Hướng đạo sinh hay tổ chức 4H7. Bác Bertha kể về cô Jonelle, bạn bác ấy, hiện đang sống ở Fairview. Cô ấy có một đứa con gái bằng tuổi tôi. Chúng tôi có thể đến chơi nhà họ vào một ngày thứ Bảy bất kì, nếu tôi muốn; hoặc chúng tôi có thể đến trung tâm thương mại ở Asheville. Bác Bertha nói như thể đời tôi sẽ một phát lên tiên sau khi chuyển đến Colby vậy.
7 Tổ chức 4-H (Head - Heart - Hand - Health) dành cho thanh thiếu niên Mỹ thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế và các lớp kỹ năng sống, nhằm đào tạo các công dân tích cực và các nhà lãnh đạo tương lai.
“Em nói nhiều thế thì cô bé nổ đầu mất, Bertie à,” bác Gus nói.
Bác Bertha cười lớn và phát yêu vào cánh tay bác Gus.
“Bác nghĩ giờ chú chó đó đang ở đâu ạ?” tôi hỏi bác Gus.
“Bác cũng không biết nữa,” bác ấy đáp. “Con chó lai đó rong ruổi khắp nơi mà.”
Tôi đã tìm kiếm nó khắp nơi. Tôi đã gặp lại nó hai lần kể từ lần đầu thấy nó ở nhà bác Gus và bác Bertha, nhưng cả hai lần đó nó đều chạy biến vào rừng sau khi nhìn thấy bóng tôi.
“Nó thích món thịt băm của bác lắm đấy,” bác Bertha nói. “Nó liếm cái chảo đựng thịt sạch bong rồi cong đuôi chạy biến, nhanh đến mức bác còn chẳng kịp nhìn thấy nó.”
Tôi tựa người vào lưng ghế rồi thở dài. Chắc tôi chẳng bao giờ bắt được chú chó đó đâu. Mà ngộ nhỡ tôi bắt được nó thì sao? Tôi có được nuôi nó thật không? Chắc chắn mẹ tôi sẽ nổi cơn tam bành khi nhìn thấy nó. Nhưng tôi cá là bố sẽ gọi cho mẹ từ trong tù để bảo mẹ ngưng rền rĩ và cho phép tôi nuôi chó nếu tôi muốn thế.
Sau đó, khi bác Gus quẹo xe vào con đường lớn dẫn tới thị trấn, tôi đã nhìn thấy một chú ngựa ô ngoài đồng đang ăn cỏ và ve vẩy chiếc đuôi xua đuổi lũ ruồi nhặng. Tôi lắc nắm đấm về phía nó ba lần rồi thầm ước. Đó là quy tắc ước nguyện khi nhìn thấy ngựa ô. Nếu thấy ngựa bạch thì bạn có thể nhắm mắt ước luôn, nhưng nếu gặp ngựa ô thì bạn phải lắc nắm đấm về phía nó ba lần. Tôi học điều đó từ bố Thích Gây Gổ nên cũng có chút nghi ngờ, nhưng cuối cùng tôi vẫn làm theo lời bố.
Tôi đã lắc nắm đấm và thầm ước.