Sau khi Jackie trở về Raleigh, tôi bắt đầu đi học trường Đạo mùa hè ở nhà thờ Rocky Creek.
Tôi đã nói với bác Bertha rằng mình không muốn đi, nhưng bác ấy cứ thuyết phục rằng tôi sẽ thích nơi đó. “Hồi còn nhỏ, hè năm nào bác cũng đi trường Đạo mùa hè,” bác ấy nói. “Bác thích mọi thứ ở đó.
Những trò chơi, đồ thủ công, và cả những bài hát nữa.” Bác ấy tiếp tục thao thao bất tuyệt về chuyện bác ấy được học làm máng ăn cho chim bằng cách quét bơ lạc lên một quả thông rồi lăn nó vào đống hạt cám chim. “Còn dây đeo á? Chắc bác đã làm gần trăm cái đấy.” Bác ấy phá lên cười và lắc đầu. “Còn cả móc chìa khóa macrame26 nữa chứ. Bác yêu tất cả những thứ đó.
26 Những sợi dây thừng đan nối tiếp vào tạo nên những dải màu tuyệt đẹp
Với cả,” bác ấy nói, “Howard và những bạn khác ở trường Chúa nhật cũng sẽ tới đó.
Cuối cùng tôi cũng đành đồng ý, và trước hôm tôi đi học, bác Bertha mang về cho tôi một hộp đồ ăn trưa có một đống hình ngựa con và cầu vồng.
“Bác không thể để cháu đựng đồ ăn trong một chiếc túi giấy nâu xấu xí được.”
“Nhưng cháu không thể mang chiếc hộp đó đến trường được!” tôi nói.
Nụ cười trên mặt bác Bertha tắt ngúm. “Ồ,” bác ấy chưng hửng. “Được rồi.”
Tôi biết mình vừa làm bác ấy tổn thương, nhưng tôi không thể đem cái hộp đó đến trường được.
Bác Bertha nhét chiếc hộp màu hồng lên tít ngăn trên cùng của chạn bát. “Bác chẳng hiểu mình đã nghĩ gì nữa,” bác ấy nói. “Cái hộp hồng đó đúng là ngớ ngẩn thật.”
Hôm sau bác ấy đã bỏ đồ ăn trưa của tôi vào trong túi giấy nâu, và đưa tôi đến trường đạo.
Chúng tôi ngồi thành vòng tròn trong bóng râm và nghe cô Rhonda nói rằng cả lớp sẽ được học nhiều trò vui ở trường. Và mặc dù chúng tôi đều biết nhau ở trường Chúa nhật cả rồi, nhưng cô Rhonda vẫn yêu cầu, “Đầu tiên, cô muốn các em tự giới thiệu tên mình, và sau đó hãy nêu ba điều thú vị về bản thân nhé.”
Não tôi ngay lập tức nghĩ ngay đến ngày đầu tiên đi học ở Colby và cái tờ “Phiếu làm quen” trên mặt bàn. Nhưng lần này, khi đến lượt giới thiệu của mình, thay vì nói thích bóng đá, múa ba lê và đánh nhau, tôi đã nói, “Tớ có một chú chó tên là Xương Chạc. Chị gái tớ làm việc ở Tiệm bánh Waffle. Và bác Bertha của tớ nuôi những bảy chú mèo.”
Cả sáng hôm đó chúng tôi làm bát giấy bồi và ngồi hát về Moses giữa đám cỏ hương bồ. Đến giờ ăn trưa, tôi đem túi đồ ăn tới ngồi cạnh Audrey Mitchell. Tôi đã quyết định từ giờ sẽ học theo cách Jackie cư xử với người khác. Tự tin, điềm tĩnh, và kết bạn với tất cả mọi người.
Nhưng trước khi tôi kịp nghĩ ra chuyện để nói với Audrey, Howard đã ngồi xuống bên tôi.
“Burl viết thư cho chị Jackie đấy,” nó nói.
“Để làm gì?”
Nó nhún vai. “Lenny đột nhiên giật phắt lá thư trong tay ổng, nên hai người đó đã đánh nhau một trận tơi bời. Burl vừa chửi vừa đuổi theo Lenny quanh nhà, lại còn làm vỡ cả đèn nữa.” Nó nhấc lát bánh mì để xem nhân xúc xích thịt và mù tạt ở giữa.
“Thế Burl có lấy lại được bức thư không?” tôi tò mò.
Howard lấy hai tay ép chặt chiếc bánh kẹp. “Có chứ,” nó nói, “nhưng đến lúc Burl lấy được thì lá thư cũng rách tơi tả rồi. Giờ cả hai người đó đều bị cấm túc vì tội chửi thề và làm vỡ đèn.” Nó đưa tay vuốt mái tóc dày đỏ rực. Hai cánh tay nó bị cháy nắng đỏ ửng và lấm tấm tàn nhang. Sau đó nó kể sang chuyện Dwight bị gãy ngón tay út khi đi trại hè bóng chày.
Trong lúc Howard thao thao bất tuyệt, tôi liếc mắt quan sát Audrey. Nó ngồi khoanh chân và phủ lên đùi một tấm khăn giấy. Trên đầu nó là chiếc kẹp tóc hình bướm, và đôi giày dưới chân nó không hề dính chút bụi đất nào. Nó đem theo một hộp đồ ăn trưa hết sức giản đơn. Trên đó không có ngựa, cũng chẳng có cầu vồng. Nó mở nắp hộp và nhòm vào trong. Sau đó nó lôi ra một chiếc túi nilon đầy nho, một món gì đó được bọc giấy thiếc, và một tờ giấy gấp tư.
Tôi ghé sát Audrey hơn chút nữa và giả vờ chăm chú lắng nghe Howard khi nó mở tờ giấy. Đó là một mẩu thư nhỏ, với những dòng chữ to viết vội. Khi Audrey đặt mảnh giấy cạnh túi nho trên đám cỏ, tôi nheo mắt cố đọc dòng chữ trên đó.
“Và trên người Cotton có hai con ve,” Howard nói. “Nên mẹ tớ đã bắt nó lột hết quần áo trần truồng ngay giữa sân.”
Vài đứa trẻ bật cười khúc khích, nên tôi đã lườm Howard một cái. Chẳng ai muốn nghe từ trần truồng khi đang ăn trưa cả. Nhưng Howard tiếp tục nói, dường như nó chẳng hề bận tâm đến những đứa trẻ khác.
Và sau đó một đứa con gái tôi không quen đã gọi Audrey, “Audrey ơi, ngồi đây này,” và vỗ lên chỗ ngồi cạnh nó. Audrey liền thu dọn đống nho và thức ăn để đến chỗ con bé đó. Nó bỏ lại tờ giấy ban nãy trong đám cỏ. Tôi liền giậm chân lên tờ giấy đó.
Trong khi Audrey và con bé vừa nãy tám chuyện về lớp học bơi và trại hè bóng đá, tôi đã tóm lấy tờ giấy và nhét nó vào túi áo.
“Cái gì đấy?” Howard tọc mạch.
“Cái gì là cái gì?”
"Cái tờ giấy ấy."
"Cái tờ giấy nào?"
"Tờ giấy trong túi áo cậu ấy." “Không có gì đâu.”
Howard lau giọt mù tạt rớt trên quần đùi. “Được rồi,” nó nói.
Cả chiều hôm đó, chúng tôi phải đọc to những câu chuyện Kinh thánh và ngồi xem anh con trai đang học trung học của cô Rhonda biểu diễn trò ảo thuật. Nhưng trong đầu tôi luôn nghĩ về mảnh giấy trong túi áo. Thi thoảng tôi lại thò tay vào túi và khẽ chạm mảnh giấy đó.
Cuối cùng tôi cũng tìm được cơ hội để đọc lá thư. Howard bận giúp cô Rhonda bê đống truyện Kinh thánh vào trong nhà thờ, còn Audrey thì bận làm thân với tất cả mọi người, trừ tôi. Và tôi đã tranh thủ lấy tờ giấy ra đọc.
Đi học vui con nhé. Mẹ sẽ nhớ con lắm đấy. Mẹ yêu con rất nhiều.
Mẹ của con.
Tôi nhanh tay gập bức thư lại rồi cất vào túi. Tôi nhìn về phía Audrey; nó đang ngoắc tay và thầm thì với một con bé khác. Tôi nhắm mắt lại và tưởng tượng mình là Audrey. Một đứa con gái có đôi giày sạch như lau như li và có những cô bạn gái để thì thầm to nhỏ. Một đứa con gái được mẹ viết "Mẹ yêu con rất nhiều" trong thư. Nhưng khi mở mắt, tôi lại thấy mình là Charlie.
Tối đó bác Bertha đã làm món ngô tươi nướng bơ. Tôi đếm số hàng trên bắp ngô của mình, và thật không thể tin được: Nó có đúng mười bốn hàng. Đó cũng là một cách để ước nguyện. Tôi đếm thêm một lần nữa cho chắc, sau đó nhắm mắt lại và thầm ước.
"Ôi, suýt thì quên mất!" Bác Bertha chợt đứng phắt dậy. Bác ấy lấy cho tôi một thứ từ trên chạn bát.
Đó là một hộp đựng thức ăn.
Một chiếc hộp đựng thức ăn đơn giản, không có ngựa, cũng chẳng có cầu vồng.
Bác ấy nhướn mày hỏi tôi "Cháu nghĩ sao? Cháu thích chiếc hộp này không?"
Tôi vừa ngạc nhiên, lại vừa thấy tội lỗi. Tôi thấy mình thật tệ khi bác Bertha phải chi tiền mua một hộp đựng đồ ăn khác cho tôi. Đáng lẽ tôi nên nhận chiếc hộp có cầu vồng và ngựa con, và tôi phải biết ơn vì chiếc hộp đó mới phải. Tôi cá là Jackie sẽ làm vậy.
Nhưng tôi thì không, vậy mà bác Bertha vẫn đối với tôi thật tốt.
"Có ạ, thưa bác," tôi đáp. "Cháu cảm ơn bác ạ." Sau đó chúng tôi ra ngoài hiên và ném bóng cho Xương Chạc bắt, đến khi nó mệt lử và gối đầu lên bàn chân tôi ngủ thiếp đi. Trong lúc mặt trời từ từ lặn xuống núi, tôi lại khẽ chạm tờ giấy trong túi áo. Tôi tưởng tượng mẹ Audrey bỏ nho vào túi và viết cho nó lá thư đó. Tôi thắc mắc không biết gia đình Audrey thế nào nhỉ. Vì nó đã viết “gia đình tôi” lên đóa hoa trong Khu vườn Phước lành, nên tôi chắc chắn bố nó không cần phải vào trại cải tạo như bố tôi. Và tôi đoán nó có một người chị hoặc em gái để cùng chơi bài trong những ngày mưa, và cùng nhau trùm chăn thì thầm to nhỏ mỗi tối. Và tôi chắc chắn là mẹ nó không bất ổn như mẹ tôi.
Khi trời tối hẳn và lũ muỗi bắt đầu lộng hành, tôi và Xương Chạc quay về phòng. Tôi lục tung ba lô để tìm một mảnh giấy và một chiếc bút mực. Rồi tôi ngồi trên sàn nhà, xé mảnh giấy làm đôi, và viết lên đó:
Mẹ yêu con rất nhiều. Mẹ của con.
Sau đó tôi gập mảnh giấy lại và nhét dưới gối trước khi tắt đèn. Tôi nhẹ nhàng hôn lên đầu Xương Chạc trước khi chìm vào giấc ngủ.