Ngày thứ hai ở trường Đạo, chúng tôi đã học làm những chiếc nam châm bằng nắp chai và chép Mười Điều Răn lên đó. Sau đó chúng tôi đã quấn giấy kếp đủ màu lên người như tấm áo choàng sặc sỡ của Joseph, và chạy đua vượt chướng ngại vật trong sân. Tôi đoán khi cô Rhonda nghĩ ra trò này, cô ấy chẳng hề nhớ là trong lớp có Howard chân-cà- nhắc. Nó là người cuối cùng về đích và xé tấm "áo choàng," nhưng có vẻ điều đó chẳng làm nó bận tâm.
Sau đó chúng tôi lại ngồi ăn trưa dưới bóng râm. Howard bận giúp cô Rhonda dọn dẹp các mảnh giấy màu, nên tôi đã ra ngồi cạnh Audrey.
"Chào," tôi nói.
"Chào," nó đáp, và sau đó nó nhích mông đến ngồi gần con bé Lainie chân đầy vảy. Tôi thật không thể tin là Audrey thà ngồi gần một con bé chân vảy hơn là phải ngồi cạnh tôi, nhưng nó đã làm thế thật. Hôm trước tôi đã xin lỗi nó về chuyện tôi đá chân và xô đẩy nó rồi mà nhỉ? Tôi chẳng biết mình phải làm gì để có thể kết bạn với nó nữa.
Tôi mở hộp đựng thức ăn mới và lấy ra những món bác Bertha đã chuẩn bị. Một chiếc bánh vòng phết bơ lạc. Mấy quả dâu tây đựng trong một hộp bơ cũ. Mấy chiếc bánh nướng xốp có phần đáy hơi cháy xém vì bác ấy tự làm. Sau đó tôi lấy ra lá thư mình vừa viết đêm trước. Lá thư có dòng chữ "Mẹ yêu con nhiều lắm. Mẹ của con." ấy.
Tôi mở lá thư và giơ nó trước mặt. Sau đó tôi hắng giọng để Audrey quay sang nhìn mình và lá thư đó, nhưng nó còn đang mải khuấy hộp sữa chua. Nên tôi đã cố tình ném lá thư lên đám cỏ ngay sát chân nó.
"Cậu nhặt rác đi kìa," nó nói. "Cái gì cơ?"
"Rác của cậu kìa." Nó chỉ vào lá thư của tôi.
"Ý cậu là lá thư đó á?"
Nó nhún vai. "Sao cũng được."
"Mẹ tớ viết đấy," tôi đảo mắt. "Mẹ tớ làm vậy suốt mà." Tôi cố tình đẩy tờ giấy ra gần chỗ nó.
"Tớ tưởng cậu sống ở nhà bác cơ mà," nó nói. "Ờm, không phải lúc nào cũng vậy mà. Ý tớ là, tớ chủ yếu sống cùng hai bác. Nhưng mẹ tớ cũng hay đến đây thăm tớ lắm. Và lần nào đến đây, mẹ cũng viết cho tớ mấy lá thư như thế." Tôi biết mặt mình đang đỏ lựng như gấc chín, nên tôi cúi gằm mặt xuống.
Audrey bĩu mặt. "Cậu không được nói dối ở trường Đạo." Nó nói từ Đạo rất to, và còn có chút cay nghiệt nữa.
Trước khi tôi kịp nhận ra, thì tôi đã thấy mình đứng dậy giơ nắm đấm với Audrey, và tim tôi đập thình thịch vì giận dữ. Cơn tức giận bao trùm khắp người tôi như một chiếc chăn bông nặng trịch. Tôi muốn giẫm lên đôi giày sạch sẽ hoàn hảo của nó. Tôi muốn giật tung mấy cái cặp tóc bướm trên tóc nó. Nhưng Howard đã chạy đến đứng sau lưng tôi và nói, "Dứa! Dứa! Dứa!"
Audrey túm lấy hộp sữa chua và hộp đựng thức ăn rồi đứng bật dậy. "Mấy người điên rồi," nó nói, và đi phăm phăm về phía nhà thờ.
"Cậu làm cái quái gì thế, Charlie?" Howard nói. "Cậu định đánh người ở nhà thờ à?"
Tôi ngồi xuống thảm cỏ và bắt đầu dọn dẹp bánh trái vào hộp đựng thức ăn.
Howard ngồi xuống bên tôi. “Sao cậu lại nổi nóng thế?”
“Nó bảo tớ nói dối.”
“Thế cậu có nói dối không?”
“Không.” Tôi lượm lá thư ngu ngốc đó lên rồi quẳng vào hộp đồ ăn.
Nó lườm tôi qua cặp kính như một ông già. “Thế thì cậu việc gì phải nổi nóng chứ.” Nó nhòm vào hộp đồ ăn của tôi. “Cậu có định ăn cái bánh vòng kia không?”
Phải mất một lúc lâu tôi mới hạ hỏa được, và cuối cùng tôi cũng xuôi xuôi. Nhưng tôi chẳng còn tâm trạng nào để học thuộc mấy câu trong Kinh thánh. Lúc chuẩn bị tan học, cô Rhonda bảo chúng tôi vào trong nhà thờ giúp cô xếp ghế cho lớp học ngày Chúa Nhật.
Khi Howard bắt đầu bước về phía nhà thờ, thằng T.J. Rainey đã bám sát theo và bắt chước tướng đi cà nhắc của nó. Nó nhăn nhở cười cợt và liếc qua liếc lại để chắc chắn tất cả mọi người xung quanh đều chứng kiến trò đùa của nó. Chắc nó nghĩ mình là người hài hước nhất trong vũ trụ này vậy.
Howard đột ngột quay ngoắt lại, nhưng T.J. vẫn không chịu dừng bước. Nó tiếp tục bước đến chỗ Howard.
Cà.
Nhắc.
Cà.
Nhắc.
Và tôi thật không thể tin nổi chuyện sau đó. Howard chỉ quay người bước tiếp về phía nhà thờ, như thể chẳng có chuyện gì xảy ra vậy.
Chắc chắn là chẳng trái dứa nào đủ sức ngăn tôi chạy ngay đến chỗ thằng T.J. đó. Tôi giữ chắc hai cánh tay phía trước, và rầm! Tôi huých nó mạnh đến mức đầu nó đã ngửa ra phía sau trước khi nó ngã oạch xuống hôn đất.
Thú thực là tôi đã hơi bất ngờ khi thằng kia đứng ngay dậy sau cú ngã và phản pháo, và cú huých của nó đã khiến tôi ngã nhào xuống đất. Tôi đứng bật dậy trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị thụi nó thêm phát nữa. Nhưng khi đó cô Rhonda đã kịp chen vào can ngăn cuộc chiến giữa tôi và nó. Trông cô ấy vô cùng hoảng loạn.
“Dừng lại ngay!” cô Rhonda la lên. "Đó không phải cách chúng ta cư xử ở trường Đạo."
Và sau đó tôi và T.J. Rainey đã phải ngồi trong nhà thờ để nghe cô Rhonda giảng đạo về tha thứ, tử tế, lòng tốt và lịch sự, hay đại loại thế. Tôi nghĩ đáng lẽ Audrey Mitchell cũng phải ngồi đây cùng đôi giầy hoàn hảo của nó để nghe mấy câu cô Rhonda trích dẫn trong Kinh thánh về cách con người ta đối nhân xử thế. Thi thoảng, thằng T.J. lại quay sang lườm tôi, và tôi cũng lập tức trừng mắt lườm lại nó luôn.
Khi bác Bertha đến đón tôi, cô Rhonda đã ra mách bác ấy chuyện tôi đánh nhau với thằng T.J. Bác Bertha liên tục gật đầu và nói, "Ôi, trời," và "Vâng, thưa cô," và "Tôi sẽ bảo ban cháu," rồi sau đó chúng tôi im lặng lái xe về nhà. Nếu là mẹ, thì tôi đã phải nghe một tràng quát mắng khắp cả đoạn đường về. Mẹ sẽ hỏi tôi có vấn đề quái quỷ gì vậy, và liệu tôi có thể ngừng gây chuyện chỉ một ngày được không.
Nhưng bác Bertha không mắng nhiếc tôi. Bác ấy chỉ quay sang vỗ nhẹ đầu gối tôi và nói, "Cháu đúng là người bạn tốt của Howard, Charlie ạ."
Khi chúng tôi về nhà, tôi cùng Xương Chạc ra ngoài sân ngồi hóng mát dưới bóng cây sơn thù du. Không khí ngoài này tĩnh lặng và nóng nực, với khoảng sân khô đầy bụi đất đỏ. Mấy cành sen cạn trước cửa ngoẹo qua thành chậu, và rũ hẳn xuống đất. Trong vườn cây, chiếc vòi phun nước khắp vườn. Nước đọng trên những chiếc lá mướp tây bắt đầu nhỏ giọt xuống thành từng vũng nước đọng nho nhỏ trong những đóa hoa dưa chuột màu vàng.
Khi tôi mới đến Colby, trong khu vườn đó hầu như chỉ toàn những mầm cây nhỏ tí xíu mới nhô lên khỏi mặt đất và được trồng theo hàng lối thẳng tắp. Nhưng giờ đây, những mầm cây đó đã trưởng thành và đơm hoa kết trái: những trái cà chua đỏ lớn nhanh như thổi từng ngày, những trái bí ngồi màu xanh bắt đầu nhú ra từ bên trong đóa hoa vàng, và những chùm đậu que trĩu nặng treo lủng lẳng trên những đoạn dây leo bò khắp hàng rào.
Một chú chim giẻ cùi vừa hạ cánh xuống gần chỗ tôi và Xương Chạc đang ngồi. Nó liền dỏng tai nghe ngóng, sau đó nghiêng đầu quan sát chú giẻ cùi nhảy qua nhảy lại giữa những bụi hoa cúc vạn thọ dọc hàng rào. Tôi choàng tay ôm Xương Chạc và khẽ lùa những ngón tay vuốt ve đôi tai dài và mềm mượt như nhung của nó. Nó rướn lên liếm mặt tôi, và chiếc đuôi rối rít ve vẩy trên nền đất bụi bặm.
"Bác tin là chú chó đó yêu cháu nhiều lắm đấy," bác Bertha thường nói với tôi.
Và tôi cũng tin lời bác ấy. Bây giờ Xương Chạc lúc nào cũng bám lấy tôi: nó theo chân tôi đi từ phòng này sang phòng khác, nằm cạnh chỗ tôi ngồi trong bếp, và gối đầu lên chân tôi ngủ ngon lành ngoài hiên. Giờ tôi cũng chẳng cần phải dùng dây xích dắt nó ra ngoài sân nữa, vì nó luôn đi theo tôi như hình với bóng. Thi thoảng nó cũng chạy đi đánh hơi một bụi cây, hay đi vờn chú ong mật bay là là phía trên đám cỏ ba lá ngoài hiên. Nhưng nó luôn ngoái lại nhìn để chắc chắn tôi vẫn ngồi nguyên vị trí cũ. Và mỗi lần Xương Chạc ngoái lại nhìn tôi như thế, tình yêu của tôi dành cho nó lại đầy thêm chút nữa.
Một lúc sau, bác Bertha đem bánh quy mặn và bơ lạc ra sân cho tôi và Xương Chạc. Bác ấy cho phép Xương Chạc đớp bánh ngay trên tay mình, và bác ấy chẳng hề bận tâm khi nó rỏ nước dãi lên người. Và đột nhiên bác Bertha nói, "Charlie này, bác thực sự rất ngưỡng mộ cháu vì hôm nay cháu đã đứng lên bảo vệ Howard."
Ngưỡng mộ tôi á?
Chà, lần đầu tiên tôi nghe thấy có người nói vậy đó. Tôi chắc chắn là trước đây chưa ai từng ngưỡng mộ tôi cả.
"Thật ạ?" tôi nói.
Bác ấy gật đầu. "Thật đấy."
Thế là chúng tôi cùng ngồi tâm sự dưới bóng cây sơn thù du trong khoảng sân đất và ánh mặt trời mùa hè như đổ lửa. Bác Bertha kể cho tôi chuyện mùa hè hồi bác và mẹ còn nhỏ, hai người đã cùng đến một cái hồ.
"Lúc ấy Carla chưa từng đi bơi ở chỗ nào sâu hơn cái bồn tắm trong nhà bác," bác Bertha nói. "Nên khi mẹ cháu ngã khỏi tàu xuống lòng hồ tối om đó, mọi người đều phát hoảng. Có thể bác nói cháu không tin, nhưng mẹ cháu đã ngay lập tức nổi lên như một cái nút bấc mà chẳng cần ai giúp đỡ. Sau đó mẹ cháu cứ tiếp tục bơi ngửa và thong dong ngắm mây trời, trong khi mọi người trên boong tàu la hét và chạy toán loạn vì mất bình tĩnh. Ông chú Jarod của tụi bác đã nhảy xuống nước cứu mẹ cháu, và ổng đã hy sinh luôn cái đồng hồ đeo tay mới tậu." Bác Bertha khúc khích cười, và tiện tay đập mấy con muỗi đang lượn lờ phía trên Xương Chạc đang say ngủ. "Đôi khi bác thấy mẹ cháu đúng là kì quan sống đấy," bác ấy nói.
Tất nhiên, tôi đã vô cùng thắc mắc, không hiểu nổi tại sao một người phụ nữ không thể tự đứng dậy và bình tĩnh lại có thể là kì quan sống được. Nhưng lúc đó tôi vẫn đang mải đắm chìm trong cảm giác tự hào khi có người ngưỡng mộ. Nên tôi đã quyết định im lặng lắng nghe bác ấy để không phá hỏng bầu không khí vui vẻ.
"Và có lần," bác Bertha tiếp tục, "mẹ cháu đã cắt hết cúc áo trên cái áo khoác của bác." Bác Bertha giơ ngón tay giả làm kéo. "Xoẹt, xoẹt, xoẹt. Thế là đống cúc áo rơi hết xuống đất."
"Sao mẹ cháu lại làm thế ạ?"
"Làm sao bác biết được," bác ấy đáp. "Mẹ cháu luôn làm những trò điên rồ nhất trên đời." Bác ấy bất ngờ rướn người về phía tôi và nắm lấy đầu gối tôi. "Không phải điên kiểu điên loạn đâu, chỉ là, cháu biết đấy, điên kiểu… kì quặc ấy."
Bác ấy buông tay khỏi đầu gối tôi rồi tiếp tục xua bọn muỗi đang bay lượn phía trên Xương Chạc. "Và bác chỉ nhớ là mẹ bác đã nói, ‘Carla, dừng lại ngay.’" Tôi gật đầu. Trong tâm trí, tôi đã tưởng tượng ra ngay hình ảnh cô bé Carla cầm kéo cắt cúc áo. Xoẹt. Xoẹt. Xoẹt.
Một lát sau, chúng tôi nghe thấy tiếng chiếc xe của bác Gus cọt kẹt, ồn ào trên con đường vào gara.
"Chào cháu, Butterbean," bác ấy ngồi trong xe nói vọng ra.
Sau đó bác ấy xuống xe, thơm má bác Bertha, vỗ đầu Xương Chạc, và nói rằng tôi đúng là tia nắng ấm sau cả ngày dài mệt mỏi của bác ấy.
Đêm đó, tôi nằm trên tấm nệm làm mát, bên cạnh là Xương Chạc ấm áp và mềm mại. Tôi nghĩ về cái gia đình tan vỡ của mình ở Raleigh, và tự hỏi liệu họ có đang nghĩ đến tôi như tia nắng ấm sau cả ngày dài mệt mỏi như bác Gus không.