Hôm sau, sau khi tan học trường Đạo, Xương Chạc và tôi ra sân ngồi hóng mát, còn bác Gus thì bận rộn chăm sóc cây trong vườn. Những chú chim sẻ và chim hồng tước nhảy nhót trong sân, và bay lên ăn cám chim trong chiếc đĩa đựng thức ăn trên cọc rào. Một lát sau, bác Bertha cũng ra ngoài, và phía sau bác ấy là mấy chú mèo nối đuôi bám theo chân chủ. Người bác ấy phảng phất mùi oải hương, và tôi thấy bác ấy có nhiều điểm thật giống mẹ. Bác ấy cũng có mái tóc ôm khuôn mặt và những nếp nhăn ở đuôi mắt.
Tôi tưởng bác ấy định kể chuyện về một thành viên trong câu lạc bộ đan len của bác ấy hay đại loại thế, nhưng bác ấy lại nói. "Bác đã thấy lá thư đó."
Trong thoáng chốc, dạ dày tôi quặn thắt lại vì sợ hãi. "Dạ…"
"Lá thư trong hộp đựng thức ăn trưa của cháu ấy?" bác ấy nói.
Chà, tôi nên nói gì đây? Tôi thấy mình đúng là đứa đại ngốc vì đã viết lá thư đó. Tôi không muốn bác Bertha tiếp tục ngồi đây và nói về lá thư đó.
Nhưng bác Bertha vẫn nán lại. Bác ấy ngồi xuống bên tôi, vuốt ve con mèo nhỏ đang rên gừ gừ trong lòng, và ngắm bác Gus nhổ cỏ trong vườn. Sau đó bác ấy nói, "Cháu biết đấy, Charlie, bác và bác Gus luôn mong có con cái." Bác Bertha dùng bàn chân trần xoa bụng Xương Chạc. "Đúng là tụi bác đã được nhận nhiều phước lành trong đời, nhưng lại chẳng có phúc phận về đường con cái. Nên là, ừm…"
Tôi quan sát bác Bertha xoa bụng Xương Chạc và chờ đợi bác ấy nói nốt câu.
"Chà," bác ấy nói. "Bác nghĩ là mình chưa biết cách làm một người mẹ cho lắm."
Tim tôi trùng xuống, và tôi cố gắng nghĩ ra cách đáp lại bác ấy, nhưng đầu tôi trống rỗng.
"Khi bác đọc lá thư đó, bác chỉ muốn tự đánh mình một phát," bác ấy tiếp tục. "Sao bác lại không nghĩ đến việc một cô bé như cháu sẽ muốn được đọc một bức thư như thế trong hộp đựng thức ăn nhỉ? Bác đã luôn ước ao có ngày được làm điều đó, nhưng bác lại bỏ lỡ cơ hội mất rồi. Cũng giống như việc bác không hề nhận ra chiếc hộp cầu vồng đó trông ngốc nghếch đến nhường nào ấy."
Sau đó bác Bertha đặt bàn tay lên đầu gối tôi. Bàn tay bác ấy ngăm ngăm rám nắng do thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng. Móng tay của bác ấy khá cứng và dính đất vì thường xuyên nhổ cỏ trong vườn.
"Bác sẽ cố gắng học cách làm mẹ. Bác hy vọng cháu sẽ kiên nhẫn trong lúc đó nhé," bác Bertha nói.
Tôi cúi gằm mặt và khẽ gật đầu. Đáng ra tôi nên nói điều gì đó để khích lệ bác ấy. Đáng ra tôi nên nói, "Ôi, bác đừng bận tâm chuyện đó ạ. Cái hộp cầu vồng đó có vấn đề gì đâu bác." Đáng ra tôi nên nói, "Cháu không quan tâm đến lá thư ngu ngốc đó đâu ạ."
Nhưng khi đó tôi chỉ có thể ngồi yên và cảm nhận hơi ấm từ bàn tay bác Bertha, và ngửi mùi oải hương tỏa ra từ người bác ấy.
"Bác cháu mình cùng ra đó giúp bác Gus nhé," bác Bertha nói.
Và sau đó cả ba chúng tôi đã cùng nhau nhổ cỏ, hái đậu và tỉa bỏ những đóa cúc vạn thọ đã úa tàn. Xương Chạc phải ngồi ngoài cổng vườn chờ đợi. Nó đã rên rỉ đòi vào, nhưng tất nhiên chúng tôi không cho phép vì lần trước nó từng đào bới trong vườn rồi.
Khi chúng tôi xong việc, bác Gus đã lái xe đưa cả nhà đến đón Howard, sau đó chúng tôi cùng xuống núi mua kem. Xương Chạc thò đầu qua cửa sổ xe hơi và đôi tai dài của nó vẫy phần phật trong gió; còn tôi và Howard cùng hát những bài được học ở trường Đạo.
Thi thoảng, xe chúng tôi lại băng qua một khoảng rừng thưa, và chúng tôi lại được dịp ngắm những dãy núi trải dài ngút ngàn trong tầm mắt và làn khói xanh thoát ra từ những ngọn cây. Khung cảnh đó gợi tôi nhớ lại ngày đầu đến Colby. Hôm đó bác Gus đã giải thích cho tôi lí do dãy núi này được gọi là Dãy Blue Ridge. Thi thoảng tôi cảm thấy tất cả mọi chuyện như chỉ vừa mới xảy ra hôm qua thôi: chuyện tôi ngồi trên xe buýt đến trường cùng một lũ nhóc lạ hoắc, ngắm nhìn thị trấn này qua cửa sổ xe buýt và nghĩ mọi thứ ở đây thật thảm hại, từ tiệm giặt là tới bãi xe lưu động và cả những căn nhà nhỏ tồi tàn dọc đường. Vậy mà giờ tôi có thể ngồi trong xe hát các bài Thánh ca với cậu bạn Howard của tôi, và choàng tay ôm chú chó của riêng mình. Lần này, khi ngắm nhìn cảnh vật đã trở nên thân quen ở Colby, tôi nhận ra mọi thứ không hề thê thảm như tôi từng nghĩ.
Trên ghế trước, bác Bertha ngồi nói liến thoắng cả quãng đường từ nhà Howard đến thị trấn, còn bác Gus chỉ im lặng gật đầu. Chúng tôi mua kem ở hàng Sản phẩm Sữa Đông Lạnh, cùng ngồi xuống một chiếc bàn ăn ngoài trời và cố gắng xử lý chiếc kem thật nhanh trước khi ánh nắng mùa hè nóng nực làm nó chảy hết xuống đùi. Bác Bertha xúc một chút kem vào cốc giấy cho Xương Chạc, và Howard nhường nó miếng ốc quế cuối cùng.
Trên đường về, tôi và Howard đã dạy bác Gus và bác Bertha vài bài thánh ca, và sau đó tôi đã thấy một phước lành. Đó là một toa xe lửa màu vàng. Nhờ ông già hàng xóm điên khùng Fulton Banner của gia đình tôi ở Raleigh, tôi đã sưu tầm thêm được cách ước nguyện này.
"Mấy toa xe lửa màu vàng hiếm lắm đấy," ông ấy nói. "Nên nếu cháu nhìn thấy một toa xe lửa vàng thì hãy ước một điều nhé."
Trong giây lát, tôi đã nghĩ có khi mình chẳng nên ước nữa. Có khi tôi đang lãng phí thời gian vô ích. Nhưng có gì đó trong lòng đã động viên tôi đừng từ bỏ và phải tiếp tục cố gắng. Biết đâu bất ngờ mà, phải không?
Nên tôi đã ngoái lại nhìn toa xe lửa vàng đó và thầm ước.