(Tác phẩm lọt top 10 vòng Chung khảo cuộc thi "Viết từ trái tim" lần 1 do ShareSach tổ chức)
Đan Dương
Mây kéo hừng hưc nước. Ông trời quái đản còn nhẩn nha chờ gió đổ bụi ngầu vào mắt Kim, mới chịu gột sạch đường. Kim định nán thêm một chút. Chờ mưa, người ta đỗ xe bên đường, sẽ có thêm cơ hội bán được nhiều vé số. Một vài người chỉ đưa mắt nhìn Kim rồi hối hả choàng vội tấm áo mưa. Tiếng Kim lẫn vào tiếng gió. Người ta xem Kim như không tồn tại. Một vài gã đàn ông cục tính xa xả ngay “Con nhãi ranh, mày mù à, không thấy tao đang mặc áo mưa?”. Kim rơm rớm nhìn gã. Kim hóa thành hạt bụi.
Trời đổ mưa lớn, nhanh như thoắt, Kim luồn tay vào áo, nhét xấp vé số trong bụng. Chạy qua quán nước bên đường, cô xin một nước lọc. Ông Dự sờ vào ấm tích, thấy lạnh teo, nước chè xanh đã lên màu đỏ ối. Kim gắt với bà Hùng:
- Nước gì mà thiu hết thế này, bà định hại người ta đau bụng à?
Bà Hùng đanh chua:
- Thế mới là nước miễn phí. Uống hay không thì tùy.
Ông Dự đằng hắng, nhấp một ngụm:
- Ờ, thế mà cũng bùi bùi con ạ.
Thấy bố có chút gường gượng, Kim im bặt. Sợ nói thêm câu nào ông tủi thân.
Nhờ mưa mà cái quán Đèn Lồng café ôm bên đường đông như cái tổ kiến. Ngày xưa Kim thường dụ chúng bằng miếng bánh quy Hải Châu, chấm ít nước bọt cho dậy mùi. Ngày nào Kim cũng đảo mắt qua đó đôi ba lần. Chỉ nhập nhoạng tối thì họ mới giở chiêu bài câu khách. Mấy gã thòm thèm, tưởng như có thể úp mặt vào bầu ngực căng tròn của nữ nhân viên mà cứ thế sống hết phần đời còn lại. Gã bệu và cục mịch vừa xuống xe đã vuốt ve bờ eo cong, mắt đảo ngang đảo dọc. Gã cà vạt, áo vest sang trọng tỏ bộ lịch thiệp, thanh liêm, vào thêm mươi mét cũng thành một ruộc. Kim nhìn xuống ngực mình. Lép kẹp.
Kí ức chiều mưa trên sông gọi Kim về. Ngày ấy gia đình Kim còn ở Cò Mương. Cái xóm nghèo chỉ sống bám vào nghề trồng cây thuốc lào. Nói là gia đình, vì có Kim có cả bố Dự, mẹ Liên. Mẹ Liên đẹp, trắng ngần, mái tóc nhẹ như mây, và đôi mắt thăm thẳm như mang mang một khối sầu. Mùi hương của mẹ, gần bốn mươi vẫn ngòn ngọt mùi con gái. Giá mà lúc mỏi mệt, được úp mặt vào mái tóc mềm thơm như cỏ của mẹ, ngủ hết một buổi chiều. Tờ mờ tiếng gà gáy, mẹ đã tỉnh giấc, kịp hôn lên trán Kim một cái rồi rẽ màn sương băng qua con đê, chạy dọc ra đến ga tàu thì trời vừa kịp sáng. Lại nói về chiều mưa. Kim ướt như chuột lột trên sông làng mùa lũ. Núm vú như chũm cau nhấp nhô qua lớp áo mỏng sũng mưa. Du vân vê một hồi, bĩu môi:
- Của mẹ Du béo hơn.
- Sao Du biết ?
- Ngày nào mẹ cũng nhờ Du kì lưng mà. Du nhìn lén. – Du gãi đầu, cười khì khì.
Kim dỗi, chạy một mạch về nhà. Du không biết Kim dỗi vì điều gì. Tối này Du cũng giả tiếng thạch sùng ngoài ngõ gọi Kim đi. Có trái bưởi, trái ổi nào Du cũng đùm kín vào túi áo, mang qua cho Kim. Đến bây giờ, Kim vẫn tủm tỉm cười về chuyện ngô nghê ngày ấy.
Du có đuôi mắt dài khi cười và chiếc răng khểnh duyên lắm. Điểm kết nối Kim và Du thêm gần gũi, là tuổi ấu thơ của hai người. Mười bốn tuổi, mẹ Du mất, Du sống cùng với cha và bà nội. Du lên mười lăm, bố Du theo một người đàn bà xa lắc xa lơ dựng tổ ấm. Cả Kim và anh, đều khuyết đi vòng tay và hơi ấm của mẹ, nên mảnh trăng ấu thơ cũng có phần kém sáng.
Kim theo bố ra thành phố, cuộc đời chạy theo những tấm vé số mỏng tang, Du vẫn ở trong kí ức của Kim, sâu lắm. Đôi lúc, Kim chỉ muốn vùi vào tấm lưng chua lét của Du để ngủ. Du vẫn chập chờn đâu đó trong giấc mơ Kim. Bất chợt, chỉ là một cơn mưa rào ập đến như gã trai cộc tính cũng khiến Kim nhớ Du da diết lắm. Tình đầu mà, dẫu có muốn quên đâu thật dễ.
Đèn Lồng hôm nay treo tấm biển tuyển nhân viên, cả ngày Kim cứ dán mắt vào mấy chữ ấy. Ông Dự cũng đôi ba lần đảo qua. Kim rời mắt khỏi tấm biển, uống ực cốc nước, rồi thì thào : « Hay là con… ». Cổ họng Kim bỗng nhiên nghẹn lại chỗ đó. Chắc bố hiểu. Hơn một lần Kim đã chậc lưỡi tính vậy, nhưng không thành.
"Thôi con". Giọng ông chùng xuống, không quyết liệt như mọi lần, tưởng như chỉ đợi Kim chèo kéo thêm câu nữa, chắc ông cũng đành lòng. Kim đã chạy khắp thành phố, nhà hàng bảo Kim gầy tom tem, shop quần áo chê Kim lạc hậu quá. Chỗ này chỗ kia biêt Kim là gái Cò Mương, cũng khoát tay như phủi bụi. Người ta đồn gái Cò Mương hễ lên thành phố là rúc vào hang gái điếm, sống không thấy mặt trời tỏa nắng. Kim cúi mặt xuống, sầm sập như lúc trời sắp đổ mưa.
Ông Dự ở đầu bên kia, tay nặng nề cầm tấm vé số huơ huơ theo gió. « Ai vé số đây, ai vé số nào ». Ông đổ bệnh, ho sụ sụ vì hít nhiều bụi đường khói nắng. Hơi thuốc lào ngày xưa vẫn tụ lại trong ống phổi. Cái tấm biển tuyển nhân viên vẫn chình ình trước cổng… Vài ba tấm vé số không cứu nổi một đời người. Bóng Kim đổ dài chông chênh bên cột đèn xanh đỏ.
Hôm nay Kim về sớm hơn mọi khi. Kim gom hết số tiền kiếm được mấy bữa nay, mua con gà nấu cháo cho bố chóng lại sức. Kim dừng ở con dốc, cột đèn đường có từ bốn năm nay, bỗng nhiên tắt ngúm. Kim với tay gõ nhẹ, nó sáng, ánh sáng nhờ nhờ hơn trước. Cái cột đèn này rẽ lối Kim về, tới cửa nhà vừa đủ một trăm hai mươi bước. Cái việc ý nghĩa nhất của một ngày dài có lẽ lúc Kim chậm rãi để đếm từng bước chân. Những bước đầu Kim nghĩ về Du, người đàn ông đã hứa chờ Kim về với Cò Mương trước khi Kim hai lăm tuổi. Cái móc ngoéo như đóng đinh đời này Kim sẽ thuộc về Du, Kim nhớ rõ lắm. Bước sau Kim thương số phận những tấm vé số chòng chành trên tay mình. Những bước giữa Kim lo cho bố Dự quằn quại trong những cơn ho. Những bước cuối lần nào Kim cũng nghĩ về mẹ Liên. Có khi nào chuyến tàu đưa mẹ Liên trở về với Cò Mương, mẹ nhìn vào cánh cổng nhà hoang tàn màu rêu xám, lại quay ra bắt chuyến tàu không bao giờ trở lại..
Ông Dự ho ra máu, Kim sợ, khóc riết. Ông Dự gạt nước mắt cho con :
- Con kiếm nghề gì mà làm, đừng đi bán vé số nữa, cực lắm con.
Giọng Kim mếu máo, nhừa nhựa :
- Hay là mình về Cò Mương, bố ?
Có mấy đám đất trồng thuốc lào, trước khi bỏ Cò Mương mà đi, ông Dự đã bán sạch. Về Cò Mương thì ông Dự lại bén hơi thuốc lào, đời này biết khi nào mới dứt cơn ho.
- Hay là con vào đó xin làm, chắc con gầy và đen, họ không bắt tiếp khách.
Ông Dự thở dài, đôi mắt như ngậm sương đêm.
Kim tần ngần bên hè đường với xấp vé số còn nguyên. Chiều đã bắt đầu rỉ những hạt mưa nhẹ làm nhoẹt bụi loang lổ cả con đường.
- Này cho hai vé số đi.
Mắt Kim vẫn dán chặt vào tấm biển.
- Ơ, con ranh kia, đứng đực ra đó, mày có bán không ?
Kim giật mình. Kim phủi những hạt mưa trên những tấm vé số. Kim chắc nịch :
- Không, hôm nay tôi không bán.
Gã rồ ga, lẩm bẩm vài câu chửi thề. Kim cất hết vé số vào trong túi, bước vào Đèn Lồng. Những ánh đèn lồng đỏ rạng hắt vào đôi mắt bụi. Bà chủ soi Kim từ đỉnh đầu xuống gót chân :
- Ở đâu ?
- Dạ, gái Cò Mương.
Chỉ có những chỗ như Đèn Lồng mới chuộng gái Cò Mương. Họ bảo gái Cò Mương khéo chiều khách lắm. Bà chủ quán gật gù vẻ bằng lòng vừa ý.
Người đàn bà béo mầm, cục mịch, mặt chát phấn dày, trắng sú. Đèn lồng soi vào không đỏ má. Mụ dẫn Kim vào trong một căn phòng ánh sáng nhạt và mỏng nhưng đủ thấy mặt người. Bà giới thiệu với một người đàn ông Kim là gái Cò Mương. Gã vuốt mái tóc Kim, dừng tay chỗ gáy. Kim né được, mà vẫn thấy lạnh sống lưng. Gã dờ dẫm bờ vai Kim, trượt nhẹ tay xuống ngực Kim. Kim nhắm nghiền mắt, Du váng vất trong tâm trí. «Kim nhớ giữ cho Du đấy nhé» Kim đã định lao ra, tiếng đẩy cửa giữ chân Kim lại. Chén rượu tràn ly. Kim nhủ thầm, vài phút nữa thôi, Kim sẽ vượt thoát chốn ngột ngạt này.
- Kim, phải Kim không?
Kim ngước mặt lên nhìn người đàn ông vừa gọi tên mình. Cô gái hở hang đang ưỡn ẹo đường cong của mình bên cạnh anh. Mặt Kim nóng bừng, mắt bụi ran như hong nắng ở ngã tư đường. Du, thật là Du rồi. Đời sao khéo đùa. Kim cười khậc, nụ cười xiêu vẹo trước mắt Du như một trò giễu cợt. Kim bất giác lao qua Du, chạy đi trong vô định.
- Kim… Kim… nghe Du nói, được không? Du đã không tìm được Kim. Du biết có ngày Kim cũng tới đây. Gái Cò Mương nào rồi cũng tới mảnh đất này. Du… Du đã đi tìm Kim nên mới tới đây.
Kim ngoảnh lại nhìn Du – một ánh nhìn để trả nghĩa tình quá khứ. Có thể Du đủ lý do để kéo Kim trở về với ngọt lành ngày xưa. Nhưng Kim thấy mặt mình như rơi rụng ở ngõ hút nào rồi và Du cũng đâu còn là Du ngày xưa nữa.
Lần này vẫn là Du kéo Kim lại với ngã tư đường, nơi tiếng rao của Kim nhoài trong lớp bụi. Những bước chân đầu tiên từ cột đèn đêm nay Kim gõ mãi không sáng, sẽ không còn thuộc về Du nữa. Kim tần ngần bước chân không dám rẽ. Hình như là sợ lạc. Hình như là dùng dằng níu Du thêm chút nữa. Kim khóc, nước mắt gột sạch bụi hoen mờ. Kim tự nhủ mình sẽ chỉ khóc hết một trăm hai mươi bước nữa, vì Du. Vì một mối tình đầu đã vụn. Nhưng Kim đã không biết rằng, Kim bước hụt ở khúc nào, mà lên tới một trăm hai mươi ba bước…