(Tác phẩm lọt top 10 vòng Chung khảo cuộc thi "Viết từ trái tim" lần 1 do ShareSach tổ chức)
Hương Quỳnh
-Mẹ ơi! Trăng… khuyết. - Thằng Giống – con trai tôi chỉ tay lên trời bập bẹ nói. Tôi dõi mắt nhìn theo hướng tay con. Giữa nền trời vừa mới ngả màu xám, một vầng trăng khuyết mờ nhạt nhẹ nhàng tỏa ánh sáng bàng bạc.
- Con nói đi “Trăng khuyết rất đẹp”.
Tôi nhấn từng tiếng để dạy con nhưng thằng Giống đã chạy vụt đi, cười khúc khích. Giống chơi với cái bóng. Giống dơ chân lên và cái bóng lùn tịt dưới sân cũng dơ chân. Thằng Giống nhảy và cái bóng cũng nhảy múa theo nó. Sự hồn nhiên của con nhẹ nhàng gợi lên trong tôi cả một khu vườn tuổi thơ với những câu chuyện cổ tích của bà, những trò chơi hồn nhiên của trẻ nhỏ. Và cũng tại khu vườn tuổi thơ ấy, mối tình đầu của tôi chớm nở như chồi non căng tràn nhựa sống cứ mạnh mẽ vươn lên, vượt qua bóng tối, chông gai… Là con gái, có lẽ nhiều người mong muốn được nghe những lời tỏ tình đầy yêu thương. Còn tôi, tôi rất sợ. Tôi sợ sẽ làm người đã lỡ thương mình bị tổn thương. Vì vậy, tôi luôn tìm cách né tránh. Tôi từ chối những cuộc hẹn hò chỉ có hai người. Song điều gì phải đến cũng đã đến.
Một buổi chiều mùa hè vàng nắng, tại nhà tôi, Hải – cậu bạn học cùng lớp đã bày tỏ tình cảm với tôi. Ngồi đối diện bên chiếc bàn nhỏ kê giữa nhà, Hải dồn tình cảm trong từng lời nói đầy yêu thương:
- Quỳnh có thể cho phép tình cảm của chúng mình… vượt quá tình bạn được không?
Tôi dõi đôi mắt long lanh nhìn Hải. Rồi vẫn vẻ dịu dàng, ánh mắt tôi lắng lại bởi nỗi lòng tôi không thể sẻ chia và bởi động lực tôi muốn dành cho Hải:
- Quỳnh rất quý Hải. Tương lai của chúng mình còn đang rộng mở. Quỳnh hẹn khi nào đến tuổi trưởng thành, chúng mình sẽ nói tiếp chuyện này nhé.
Hải bất ngờ trước câu trả lời của tôi. Tôi không nhận lời cũng chẳng từ chối Hải. Thật lòng, tôi rất quý Hải. Song tôi và Hải đều mười sáu tuổi – cái tuổi không còn nhỏ nhưng cũng chưa đủ lớn để quyết định chuyện cả đời. Hải nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, thân thương. Ánh mắt ấy ẩn chứa một niềm vui khôn tả. Rồi cũng vì tôi, Hải đã quyết định vào Biên Hòa học. Kẻ Bắc, người Nam, tôi sao có thể giữ nổi Hải cho riêng mình?
- Ba chào hai mẹ con. Ba mua hoa tặng hai mẹ con đây.
Giọng nói của chồng vô tình cắt ngang dòng hồi tưởng của tôi. Tôi giật mình rồi nụ cười chợt nở khi thấy bó hoa hồng anh cầm trên tay rất đẹp.
- A! Hoa… đỏ. – Thằng Giống bi bô.
- Em cảm ơn anh. – Tôi đón lấy bó hoa. – Anh là người hiểu em nhất mà.
Chồng tôi cười hạnh phúc.
Dưới ánh trăng, gia đình tôi quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Hôm nay, tôi kho cá cùi vôi và nấu canh hà lá hẹ cho hai ba con Giống. Chồng tôi vừa ăn, vừa tấm tắc khen ngon. Còn Giống cứ luôn miệng đòi “Vẽ cùi… vôi”. Thấy cả nhà vui vẻ bên mâm cơm, tôi mỉm cười. Với tôi, hạnh phúc ẩn chứa trong những điều thật bình dị: là một bữa cơm đạm bạc cả nhà quây quần bên nhau, một ánh nhìn đầy yêu thương hay thậm chí là những giọt nước mắt khi biết cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của những người kém may mắn.
- Sáng mai, anh đưa em đến Phòng phục hồi chức năng khiếm thị ở 38A Trần Nhân Tông nhé.
- Ừ. Mấy giờ có mặt ở đó em?
- Tám giờ ạ! Vì tám rưỡi bên từ thiện sẽ trao quà cho em Huy ạ!
- A! Cậu bé ấy được tài trợ mổ mắt rồi à?
- Vâng ạ!
Thấy chồng vui, tôi cũng an tâm. Bởi những việc tôi làm không những không mang lại kinh tế cho gia đình mà còn làm mất thời gian của anh. Tôi là tình nguyện viên đang làm từ thiện giúp trẻ em khiếm thị.
- Em thấy hoa hồng anh mua thế nào?
- Đẹp ạ! Nhưng ước gì hoa hồng không có gai. Những chiếc gai nhọn ấy thường làm em chảy máu.
Không khí gia đình tôi bỗng lắng xuống. Rồi chồng tôi ôn tồn nói:
- Em có nghĩ chính những chiếc gai sẽ làm bông hồng đẹp hơn không?
Tôi im lặng. Dường như hài lòng với câu nói của mình, chồng tôi nhìn tôi mỉm cười. Rồi anh đọc tin tức trên mạng. Tôi ngả người trên chiếc ghế xoay và cũng nhoẻn miệng cười. Hình ảnh ngày xưa của tôi lại hiện lên với đêm mưa phùn giăng kín lối. Tôi nghe trái tim mình thổn thức bởi những cánh hoa hồng đang run rẩy trong đêm.
Sáng mồng tám tháng ba, tôi nhận được rất nhiều hoa. Nhưng không vì thế mà tôi quên nhiệm vụ của mình. Tôi đi vòng quanh lớp và ngẫu nhiên chọn một vài bạn để xem vở bài tập. Tôi cũng sẽ chọn vài bạn để hỏi về những kiến thức cô giáo sẽ gọi lên bảng kiểm tra. Là lớp phó học tập, tôi thường đến lớp sớm để giúp các bạn. Bạn nào có bài không hiểu thì đến hỏi tôi. Có hôm, ba bốn bạn hỏi cùng một bài hình học, tôi bèn vẽ hình lên bảng và chúng tôi học với nhau rất say xưa. Tôi dịu dàng nhưng cũng rất nghiêm khắc. Với những bạn dấu dốt bị tôi “sờ” tới vài lần thì chắc chắn sẽ bị ghi vào “sổ đen” và cuối tuần nghe phê bình trước lớp. Thực ra, tôi làm thế cũng vì muốn tốt cho các bạn tôi thôi. Quê nghèo buộc chúng tôi phải học để mong một ngày thoát khỏi cảnh làm nông nhọc nhằn. Lớp học không điện, không nước uống. Nhiều lần ngòi bút của tôi run rẩy vì không chép được bài. Khát nước, chúng tôi rủ nhau vào nhà bà Trấn uống nước giếng Unicef. Từng ngụm nước mát rượi chảy qua cổ họng làm dịu những cơn khát đến cháy lòng. Để rồi cái vị tanh tanh của sắt đã quện vào hơi thở của chúng tôi và những bộ răng đã được mạ một màu vàng óng.
Tháng ba, cái rét vẫn ngọt. Ngoài trời, mưa phùn mỗi lúc một dày hơn. Ngắm lọ hoa hồng các bạn tặng, lòng tôi thấy xốn xang. Các bạn đã dành cho tôi thứ tình cảm rất đặc biệt. Đó là sự sẻ chia, lòng mến mộ, là tình bạn, là tình yêu hay là lời cảm ơn vì tôi đã làm thay đổi suy nghĩ của ai đó?
Tôi lên giường nhưng không sao ngủ được. Ngoài trời mưa vẫn rì rầm kể câu chuyện về mùa xuân. Rồi tôi nghe tiếng chó sủa dồn, tiếng xe đạp dừng lại trước sân. Tôi bật dậy và mở cửa. Hải? Tôi sững người. Một cơn gió phả nhanh vào mặt tôi. Lạnh tê tái. Hải đứng giữa trời. Mưa xuân nghiêng nghiêng thêu chiếc áo khoác Hải đang mặc. Những đường kim hình giọt nước ngày một dày thêm và bông hồng Hải cầm trên tay đang run rẩy vì lạnh cóng.
- Ướt hết rồi. Hải vào nhà đi. – Tôi nhỏ nhẹ.
- Thôi. Muộn rồi. Mình xin lỗi…
Tôi đưa mắt nhìn Hải. Cậu ngại ngùng:
- Mình tặng Quỳnh nhân ngày mồng tám tháng ba. Mình cảm ơn Quỳnh rất nhiều.
- Ôi! Hoa đẹp quá! Quỳnh cảm ơn Hải nhiều nhé!
Tôi đón lấy bông hồng từ tay Hải. Bông hoa rất đẹp. Cành hoa to với những chiếc chồi non vừa nhú lên từ kẽ lá. Đài hoa dày đỡ lấy những cánh hoa màu đỏ thẫm dường như đã muốn nở bung nhưng gặp trời mưa lạnh giá, những cánh hoa ấy se lại, cuộn chặt vào nhau giữ lấy một khuôn hình hé mở. Tôi mỉm cười. Nụ cười rạng rỡ trong đêm có lẽ đã xua đi cái lạnh của mưa xuân đang ngấm dần vào cơ thể Hải.
- Quỳnh vào nhà đi. Mình về đây. – Hải tặng tôi một ánh nhìn trìu mến.
- Hải đi cẩn thận nhé!
Mưa phùn bay như nhảy múa trong đêm xuân. Tôi nhìn theo dáng Hải khuất dần trong màn mưa huyền ảo. Trái tim tôi thổn thức rồi bồn chồn. Tôi lo con đường đi về của Hải. Con đường ấy tuy không xa nhưng dọc hai bên đường lại là nơi yên nghỉ của những người chết đói năm 1945 và linh hồn của họ còn vảng vất đâu đây.
- Thật kinh khủng. Em xem này. Chiếc máy bay MH17 rơi làm gần 300 người chết.
Chồng tôi đặt chiếc điện thoại thông minh trước mặt tôi. Tôi mở cỡ chữ to. “ 298 người thiệt mạng… Hơn 140 người Hà Lan… Đoàn chuyên gia đang trên đường đến hội nghị quốc tế AIDS… Cả gia đình 6 người đều thiệt mạng…”. “Thật là khủng khiếp”. Tôi bàng hoàng và lặng đi trên chiếc ghế. Tôi trầm tư suy nghĩ: đúng là cuộc sống luôn có những sự thay đổi. Điều quan trọng là chúng ta sẽ đón nhận sự thay đổi đó với thái độ như thế nào? Một khi nỗi đau đã lùi vào quá khứ, ai vẫn chìm trong tột cùng của sự đớn đau, ai đã dũng cảm bật dậy, biến nỗi đau thành sức mạnh để rồi sống với niềm tin và khát khao chiến thắng?… Tôi biết không ít người đã vượt qua những nỗi đau về mặt thể xác và tâm hồn trong đó có Hải. Và kí ức lại dội về trong tôi.
***
Mùa đông lạnh đến se lòng. Ngoài trời, gió thốc từng cơn làm đám lá khô bay lạo xạo. Tôi ngồi buồn nhìn qua khung cửa sổ. Một vầng trăng khuyết mờ nhạt chơi vơi giữa bầu trời xám xịt. Vầng trăng ấy gợi lên trong tôi những liên tưởng về mình. Mở trang nhật kí, tôi trải lòng mình trên trang giấy trắng tinh khôi thật đều tay như trải mạ non trên cánh đồng quê nghèo lam lũ. Trang nhật kí ngày một dày thêm bởi tiếng lòng của tôi dành cho Hải: sự yêu thương và cả giận hờn. Hơn một tháng nay, Hải không viết thư cũng chẳng gọi điện cho tôi. Tôi đã ra bưu điện gửi thêm một lá thư nữa nhưng chờ mãi vẫn không thấy Hải hồi âm. Tôi buồn lắm. Nỗi buồn ấy cứ lớn dần lên gặm nhấm tâm hồn tôi rồi thôi thúc tôi xin phép thầy ra bưu điện điện vào Biên Hoà. Sau vài lời thăm hỏi, tôi được cậu của Hải chuyển máy:
- Alo. Quỳnh à!
- Ừ. Hải có khỏe không?
- Mình khỏe. – Giọng Hải buồn.
- Công việc của Hải có bận lắm không?
- Công việc… vẫn bình thường. – Hải ngập ngừng.
- Hải buồn à?
- Mình không sao.
- Hải đang có chuyện gì dấu Quỳnh. Có phải thế không?
- Mình đã bảo là không sao rồi mà. – Hải gắt lên.
Tôi im lặng… Và Hải cũng im lặng. Vậy là Hải không muốn gặp tôi. Tôi nghẹn ngào:
- Hải khỏe là Quỳnh yên tâm rồi. Giờ Quỳnh bận nên hẹn gặp sau nhé!
Tôi liệng cái ống nghe xuống và lặng đi. Tôi có khờ dại không khi đã tin Hải, tin những lời Hải nói trong thư – những lời mà rất nhiều người cho là thiếu thực tế. Hải vào Biên Hòa học đã được sáu năm. Sáu năm ấy, chúng tôi chỉ gặp nhau có vài lần dịp Hải về thăm quê. Giờ Hải đã ra trường và là kĩ thuật viên bảo trì máy móc trong một công ty sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản. Hải phụ trách máy của bốn mươi nữ công nhân trẻ đẹp. Bạn của Hải là Hoàng cũng đã bén duyên với Sinh – một nữ công nhân trẻ. Hải đã tâm sự với tôi. Còn Hải…?
Tôi trả tiền điện thoại rồi trở về trường. Gió mùa đông rít từng cơn rồi phũ phàng cuốn tung những chiếc lá khô làm chúng rối rít tìm nhau trong cơn lốc tố. Mùa đông lạnh nhưng không lạnh bằng trái tim tôi:
- Chị Quỳnh ơi! Có ai gọi cho chị này? – Con bé cùng phòng huơ huơ cái điện thoại phía đầu giường.
- A lô. Quỳnh xin nghe.
- Quỳnh cho mình xin lỗi. – Giọng Hải run run.
- Có chuyện gì vậy Hải?
- Mình không xứng đáng với tình cảm mà Quỳnh dành cho mình.- Hải nặng nề buông từng tiếng.
- Quỳnh không hiểu?
- Mình đã nhận được thư của Quỳnh nhưng mình không muốn trả lời…
- Hải không muốn liên lạc với Quỳnh thì thôi vậy… – Giọng tôi buồn.
- Tết này, mình cũng không về quê như lời đã hứa với Quỳnh…
- Ừ. Biên Hòa là thành phố công nghiệp mới. Chắc ở đó có nhiều điều mới mẻ để níu chân người ta… – Giọng tôi nghẹn lại.
- Quỳnh nghĩ về mình thế nào cũng được. – Hải ôn tồn nói. – Thời gian vừa qua mình đã nhận ra một điều: ngay cả khi hơi thở của mình sắp tắt thì hình ảnh của Quỳnh vẫn sống trong trái tim mình.
- Hải nói gì Quỳnh không hiểu?
- Mình xin lỗi vì đã dấu Quỳnh – Hải ngập ngừng – Cách đây hơn một tháng mình bị tai nạn giao thông. Một xe tải mười hai tấn đã cán qua người mình… Mình đã hôn mê bất tỉnh nhiều ngày. Mọi người không hy vọng mình sống…
Tôi choáng váng. Tôi tựa vai vào chiếc cột và tụt dần xuống đất. Trái tim tôi nhói đau. Trời ơi! Ranh giới giữa sự sống và cái chết sao mỏng manh đến vậy. Chỉ một chút nữa là tôi đã mất Hải – một nửa trái tim tôi. Nước mắt tôi chảy giàn dụạ.
- A lô. Quỳnh… Quỳnh ơi! – Hải hốt hoảng.
- Quỳnh không sao đâu. – Giọng tôi yếu và lạc đi. – Sức khỏe của Hải giờ thế nào rồi?
- Yên tâm đi. Mình sắp khỏi rồi. – Hải trấn an tôi. – Bác sĩ bảo chỉ mấy ngày nữa là mình đi làm trở lại được.
- Hải không muốn Quỳnh quan tâm thì thôi vậy. Một xe tải mười hai tấn…- Giọng tôi nghẹn lại.
- Mình xin lỗi. Giờ mình vẫn chưa đi được. – Hải nói vội. – Xe tải đã cán qua khung chậu phải làm gẫy xương, trầy đuôi gan và… Nhưng không sao. Mình sẽ cố gắng tập đi. -Dường như Hải sợ những tiếng “tút… tút” của chiếc điện thoại sẽ lập lại lần nữa.
- Hải cố gắng lên nhé. Quỳnh sẽ luôn ở bên Hải.
- Ừ. Mình sẽ cố gắng.
Tôi cúp máy. Những giọt nước mắt cứ thánh thót rơi mặc cho chiều tà dần buông xuống. Trái tim lạnh giá của tôi đã tìm được hơi ấm nhưng đang âm ỉ đau. Sợ rằng Hải chìm trong nỗi buồn và mặc cảm, tôi lấy giấy viết thư cho Hải. “Hà Nội ngày 16 tháng 12 năm 2006. Hải xa nhớ…” Những dòng thư như con thuyền chở đi dòng tình cảm ngọt ngào. Con thuyền trôi trên sông. Dòng sông nào cũng có thượng nguồn và hạ lưu. Dòng tình cảm của tôi dành cho Hải cũng như một dòng sông vậy. Nó bắt nguồn từ tình bạn trong sáng chảy qua tuổi thơ, song hành cùng tuổi trẻ; vượt qua thời gian, không gian và hy vọng dòng chảy ấy sẽ hòa vào dòng chung chở những hạt phù sa đến tưới mát cho những mần non đang héo mòn đợi chờ nước.
Thời gian dần trôi. Những lá thư vẫn bay ngang bầu trời đến sưởi ấm tâm hồn tôi và Hải. Chúng tôi đã có một tình yêu qua thư rất đẹp. Tình yêu ấy chưa có một cái cầm tay, chưa có những buổi hẹn hò song nó có thể tiếp thêm sức mạnh giúp Hải vượt qua những cơn đau, tạo động lực để Hải tập đi và sức khỏe của Hải đã cải thiện nhanh chóng.
***
Đêm đã khuya. Ánh trăng mờ nhạt lùa qua cửa sổ in một quầng sáng trên bàn làm việc. Tôi rón rén như kẻ trộm mon men ra khỏi giường. Với chiếc chìa khóa két sắt, tôi khẽ quay mã số và mở, lại mở và mở. Ngăn bí mật của tôi đây rồi. Ngăn này chồng tôi ít để ý tới. Tôi ôm chiếc hộp vuông để lên bàn và vội vã tìm. Xen giữa chồng thư là những tấm bưu thiếp tôi và Hải đã gửi cho nhau. Tôi đang tìm một lá thư chỉ vài trang giấy trắng nhưng sức nặng của nó là cả một tâm trạng dồn nén suốt bao năm, là nỗi đau, sự giằng xé nội tâm chỉ vì tôi đã dành cho Hải quá nhiều tình cảm… “Mình sẽ không lấy chồng. Mình không muốn người mình thương phải khổ”.Tôi luôn tự nhủ với lòng mình. Song Hải đã gõ cửa trái tim tôi và sáu năm Hải đủ đánh thức trong tôi niềm khát khao về một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. “Anh yêu em rất nhiều”. Hải nén tình yêu thương trong từng câu chữ. Tôi biết chúng tôi đã trưởng thành và đã đến lúc phải đối diện với sự thật. Tôi là một người khiếm thị. Đi học, tôi không nhìn thấy trên bảng nên phải nhờ bạn bè đọc bài và chép bài giúp. Hải cũng biết điều đó. Song trong tương lai, căn bệnh teo dây thần kinh thị giác sẽ lấy đi phần ánh sáng cuối cùng của tôi. Tôi sẽ trở thành một người mù chìm trong chuỗi ngày tháng tối tăm; bị hàng xóm xì xào, bàn tán, bị mọi người trong xã hội nhìn với ánh mắt thương hại hay kì thị, xa lánh… Tôi không muốn Hải gắn bó với cuộc đời tôi để rồi phải chịu bao vất vả, phiền muộn. Lần đầu tiên trong đời tôi nói “Quỳnh yêu Hải rất nhiều” và cũng tại giây phút đó tôi quyết định dành cho Hải một lối đi mới – con đường không có tôi. Trái tim tôi bị giằng xé bởi thật lòng tôi không muốn rời xa Hải song tôi hy vọng quyết định của tôi sẽ mang đến cho Hải một cuộc sống hạnh phúc hơn. Tôi dùng chiếc kính lúp 28D để đọc lại bức thư. “…Tình yêu biết chốn vào đâu. Đành đem ra ngả thương đau mà chờ”…
- Á à! Bắt được quả tang.
Tôi giật mình bởi bàn tay chắc nịch của chồng nắm chặt tay tôi. Tôi hơi bối rối:
- Dạ… Cũng lâu rồi. Em muốn xem lại.
Chồng tôi lật từng lá thư. Anh soi ngày tháng in trên dấu bưu điện như vị luật sư đang tìm chứng cứ để quy án.
- Đây rồi.
Anh vội vã mở phong thư và đưa mắt lướt nhanh trên trang giấy.
- Để anh đọc cho em nghe nhé!
Anh mỉm cười rồi cất giọng trầm ấm: “Khi nào em không còn nhìn thấy, anh vẫn ở bên em. Đôi mắt anh sẽ là ánh sáng dẫn đường em đi. Anh và con sẽ tả cho em nghe khung cảnh những nơi chúng mình đến. Và chúng mình mãi ở bên nhau.” Chồng tôi ôm tôi vào lòng. Tôi lặng nghe trái tim anh thổn thức, nghe anh sống lại một thời: anh là Hải – bạn của tôi.
Rồi tôi cất giọng nhẹ nhàng:
- Anh à! Sao ngày ấy anh không đi tìm một người con gái khác?
- Em ngốc lắm! – Chồng tôi vỗ về tôi.
- Mọi ngày anh khen em thông minh. Vậy mà… – Tôi nũng nịu.
Chồng tôi đẩy tôi ra. Đôi vai tôi nằm trọn trong hai bàn tay chắc nịch của anh:
- Em cứ tưởng tượng tình yêu của chúng mình dành cho nhau như một ngọn nến đang cháy. Ngày mai phải xa nhau, em đưa ngọn nến ấy ra trước gió…
- Thế thì ngọn nến sẽ tắt. Và anh sẽ tìm được một ngọn nến khác đẹp hơn. – Tôi lém lỉnh đáp.
- Với người khác, anh không dám nói. Còn với anh, khi gió thổi tắt ngọn nến cũng là lúc gió thổi bùng lên trong anh một ngọn lửa.
Tôi nhìn sâu vào trong đôi mắt anh. Một ánh mắt hiền từ, rộng lượng và chứa chan niềm tin. Ngày ấy, anh phải bỏ công việc trong Nam để về với tôi. Anh phải vượt qua sự dèm pha của bà con hàng xóm, sự ngăn cản của gia đình để đến bên tôi. Từ lâu, anh đã là ánh sáng, là hơi thở của cuộc đời tôi. Giữa dòng đời hối hả, tình yêu của chúng tôi đã chấp cánh đưa tôi đến những bến đìu hiu nơi những đứa trẻ khiếm thị nghèo còn phải chịu bao thiệt thòi và buồn tủi.
Bất chợt, chồng tôi tặng tôi một nụ hôn ngọt ngào. Nụ hôn ấy làm lay động cả ánh trăng khuya. Anh và tôi như hai mảnh trăng khuyết đã hòa làm một. Giữa bầu trời, một vầng trăng khuyết đang âm thầm đem nguồn ánh sáng yếu ớt trải ra mênh mông tạo nên một màn đêm huyền ảo.