(Tác phẩm lọt top 10 vòng Chung khảo cuộc thi "Viết từ trái tim" lần 1 do ShareSach tổ chức)
Mỵ Lan
Ông trưởng bản cưỡi con ngựa mầu xám ánh bạc len lỏi vượt đèo, xuống dốc, qua bẩy con suối hết nửa ngày đường mới về đến Trường sư phạm của tỉnh để báo tin cho Y Mai:
- Thằng A Pao ốm sắp chết rồi, mày phải về ngay thôi…
Y Mai vội vàng lên gặp thầy hiệu trưởng, xin phép về nhà, không quên ghé qua bệnh viện tỉnh mời bác sỹ La cùng về thăm bệnh cho A Pao.
Sau khi khám rất kỹ cho A Pao, bác sỹ La bảo:
- Anh không có bệnh gì nguy hiểm đâu, chỉ là do tâm thần suy nhược thôi. Anh đang lo nghĩ chuyện gì vậy?
A Pao gườm gườm nhìn bác sỹ, lắc đầu.
Đêm ấy, khi bác sỹ La sang chơi nhà ông trưởng bản, chỉ còn lại hai người ngồi bên bếp lửa, im lặng nhìn nhau hồi lâu rồi Y Mai hỏi:
- A Pao à, anh đau ở đâu, nói cho em biết đi!
- Ờ, ta đau… đau lắm! nhưng mà không biết nó đau ở chỗ nào; Từ hôm ta nghe mấy người đi tỉnh về nói rằng Y Mai ra trường sẽ lấy bác sỹ La và ở lại dưới tỉnh dạy học, không về bản nữa đâu! Thế là “con ma ốm” nó làm ta không dậy được nữa, ta chết mất thôi… Y Mai à, hãy nói cho ta biết cái bụng của mày đi, chuyện đó có thật thế không?
- Lần này em về cũng định nói cho anh biết: Bác sỹ La là bạn tốt của em, đã giúp đỡ em rất nhiều trong mấy năm qua em học ở trường. Nghe em báo tin anh ốm, anh La lên thăm anh; anh ấy có lòng thương em, nhưng em chưa dám nhận lời, em còn muốn hỏi ý kiến anh… A Pao à, sao anh lại buồn khi có người muốn cưới em làm vợ?
Giàng ơi, cái bụng A Pao thương mày, thương nhiều nhiều như lá cây trên rừng ấy, có biết không?… Ta hiểu rồi, mày như con chim đã đủ lông đủ cánh, mày sẽ bay đi thôi…
Sau ngày ấy, Y Mai trở lại trường tiếp tục học và chuẩn bị thi tốt nghiệp ra trường. Bận học thì thôi, rảnh rỗi lúc nào là đầu óc Y Mai lại nghĩ về A Pao, về bản Nậm Mai với bao ân tình sâu nặng.
Y Mai suốt đời không quên được nỗi kinh hoàng của trận lũ quét vào mùa mưa năm đó: Bố mẹ, nhà cửa, lợn gà bị cuốn trôi theo dòng lũ ào ào như thác đổ. Y Mai may mắn dạt vào một bụi gai mây bên suối, bị mắc kẹt ở đó như con cá mắc vào lưới suốt hai ngày đêm, sắp chết vì đói, vì rét thì được anh A Pao đi rừng trông thấy, cõng về cái chòi canh nương. Anh đốt lửa cho sưởi, nướng sắn cho ăn…
Và từ đó Y Mai bám theo anh lên rừng đào củ, làm nương trồng đỗ trồng ngô, khi đó cô mới được tám mùa hoa đào nở, bé xíu, gầy nhom. A Pao lớn hơn cô sáu mùa đào nở, cũng mồ côi cha mẹ, sống lang thang nhờ lộc của rừng mà lơn lên như cái cây hoang dại, như con Hươu con Nai trong rừng.
Nhưng A Pao tốt bụng lắm! Có gì ngon cũng nhường cho em, đêm rét không có chăn, anh nhường cho Y Mai nằm gần bếp lửa, còn anh nằm phía ngoài chắn gió sương. A Páo thường bảo: – Em là con gái yếu hơn con trai, phải được ăn no hơn, ngủ chỗ ấm hơn mới được!
Khi ở bản có các chú bộ đội biên phòng về mở lớp xóa mù, A Pao gùi ngô xuống chợ huyện bán lấy tiền mùa sách vở, giấy bút về rồi bảo:
- Y Mai phải đi học thôi, có cái chữ sau này làm cán bộ sẽ không phải khổ nữa!
Y Mai nghe lời anh, học hành chăm chỉ. Học lên đến lớp 4 thì xã cho đi học trường nội trú ở huyện. Hết cấp 3 trường nội trú thì được cử tuyển sang học trường sư phạm để sau này làm cô giáo của bản.
Suốt những năm Y Mai đi học xa nhà, thỉnh thoảng A Pao lại xuống thăm, lần nào cũng kẽo kẹt gánh xuống tiếp tế đủ thứ: Mật ong, ngô, bí đỏ, sắn… do anh trồng và kiếm được trên rừng. Nhưng anh hẹn: Cứ đến phiên chợ cuối tháng thì Y Mai đi đón anh, chờ anh ở quán “thắng cố” cuối chợ, anh em cùng ăn một bữa no nê rồi nhận quà đem về, chứ anh nhất định khônh chịu vào tận trong trường. Anh bảo: "Để mọi người thấy mặt, anh xấu hổ lắm!"
Tội nghiệp anh A Pao! Một lần Y Mai ốm nặng, không có gì ăn, A Pao vào rừng tìm mật ong, chẳng may gặp con gấu ngựa đang say mật nằm dưới gốc cây, nó thức dậy cào xé anh tơi tả. Được dân bản cứu chữa, anh không chết nhưng suốt đời mang bộ mặt “xấu như quỷ”, anh đi tới đâu là bọn trẻ con sợ hãi, chạy như ma đuổi.
Ngoại trừ bộ mặt “xấu như quỷ”, A Pao là một chàng trai Hmông mạnh khỏe, làm nương, đi rừng đều giỏi; đặc biệt là anh thổi sáo rất hay. Tiếng sáo của anh cất lên hàng đêm đã làm vui ấm bản, say lòng bao cô gái.
Trước hôm về tỉnh học, Y Mai thấy thương anh một mình thui thủi nên bảo:
- Anh A Pao phải lấy vợ đi thôi, nhà phải có chị dâu giup anh thì Y Mai mới yên tâm mà học được…
Nhưng A Pao bảo:
- Y Mai à, ta không lấy ai đâu. Giàng đã đưa em đến cho ta thì đời này, kiếp này ta chỉ sống cùng em thôi…
Nhớ lại tất cả những chuyện đó, Y Mai chợt hiểu ra rằng A Pao đã dành cho cô một tình cảm yêu thương thật chân thành, nó khác với tình anh em mà bấy lâu nay cô vẫn cảm nhận một cách hồn nhiên vô tư.
Khóa học kết thúc, cũng là lúc Y Mai phải quyết định dứt khoát: Nhận lời lấy bác sỹ La để được ở lại tỉnh dạy học, hay là trở về làm cô giáo của bản nghèo, và làm vợ A Pao?
Mấy cô bạn ở cùng phòng cứ xuýt xoa:
- Lớp mình sướng nhất là con Y Mai đấy, học xong được ở tỉnh dạy học, tha hồ mà tiến bộ…
Thì tất nhiên rồi, vừa xinh đẹp lại vừa học giỏi, ai mà bì được với nó…
Cũng tốt thôi, tụi mình nên mừng cho nó! Ngày mai chia tay rồi, mỗi đứa về một phương, buồn, nhớ quá đi thôi…
Bỗng một cô từ ngoài chạy vào phòng, hét tướng lên:
- Này, cả phòng nghe tin mới nhất đây: Con Y Mai đúng là “Hâm” thật rồi…
- Sao hả, sao nó lại “Hâm”?
- Không, phải gọi là “điên” mới chính xác! Mọi người mong ước ở lại tỉnh dạy học còn không được, thế mà nó lại xin đổi quyết định để trở về cái bản khỉ ho cò gáy ấy…
- Thế còn bác sỹ La thì sao? Có theo nó về bản không?
- Không, nó đã nói lời từ biệt , hẹn chàng đến “kiếp sau” rồi, dũng cảm thật!
- Lạ nhỉ…
Cả trường xôn xao bàn tán, ai cũng tiếc cho Y Mai. Chỉ riêng có thầy hiệu trưởng, sau khi nghe tâm sự của Y Mai, thầy bảo:
- Em quyết định trở về bản Nậm mai là rất đúng; ở đó dân bản đang mong chờ em. Con chim khôn không quên đường về tổ, thầy hy vọng là mảnh đất lành đã nuôi em khôn lớn sẽ che trở cho em, sẽ cho em cuộc sống hạnh phúc bình yên. Hãy tự tin em ạ…
Được tin Y Mai nhắn xuống trường đón cô về, bụng A Pao vui như có cánh bay lên! Việc đầu tiên A Pao nghĩ đến là buộc ngay con dê to nhất đàn vào gốc cây cạnh nhà rồi đi mượn nhà Giàng Phu chiếc can nhựa 20 lít. Sau đó cầm đèn pin lội qua suối sang nhà ông trưởng bản hỏi mượn con ngựa và “báo cáo kế hoach” ngày mai.
Nghe cái giọng láu táu của A Pao, ông trưởng bản cười khà khà:
- Được rồi, ta hiểu mà… Ngày mai, khi mày đi lên tỉnh đón con Y Mai, ở nhà ta và lũ trai bản giúp làm thịt con dê, nấu cơm đợi mày đem rượu về mời dân bản uống mừng “cô giáo” về bản, có phải vậy không?
Đúng rồi, trưởng bản nói trúng ý ta rồi, cứ làm như thế nhé…
Lần đầu tiên trong đời, A Pao diện bộ cánh bảnh nhất, ngang lưng dắt cây sáo trúc, ung dung trên lưng ngựa xuống núi từ lúc sương đêm chưa tan, mặt trời chưa thức dậy.
Cũng là lần đầu tiên A Pao dám mạnh dạn tiến thẳng vảo tận sân trường để đón Y Mai mà không sợ xấu hổ! Còn Y Mai vừa nhìn thấy A Pao dắt con ngựa tới, hai má cô đỏ hồng lên như có lửa và cảm thấy lúng túng, e thẹn quá, chỉ muốn chui xuống đất thôi! Chưa bao giờ cô thấy tim mình đập rộn ràng đến thế, sao vậy nhỉ?
…Con ngựa đủng đỉnh đi trước, một bên thồ can rượu 20 lít, A Pao vừa mua ở chợ huyện. Một bên thồ cái hòm quần áo, sách vở và một ít đồ dùng dạy học mà thầy hiệu trưởng ưu ái tặng riêng cho cô giáo mới với lời chúc chân thành: Bản Nậm Mai sẽ là một “điểm sáng” của giáo dục vùng sâu vùng xa biên giới.
Đường về bản Nậm Mai như sợi chỉ mong manh vắt bên sườn núi, ẩn hiện trong sương như dài vô tận, hun hút lên cổng trời. Vể gần tới bản, người và ngựa đều đã thấm mệt. họ dừng lại nghỉ chân dười bóng cây Pơ mu cổ thụ bên đường.
Ngựa nhẩn nha gặm cỏ, thỉnh thoảng hứng chí lại hí lên một hồi; tiếng hí của nó nghe da diết như gọi bạn tình. A Pao và Y Mai ăn chung nhau một ống cơm lam, uống chung nhau một bầu nước mát đựng trong quả bầu khô.
Bốn mắt nhìn nhau, hai cái miệng nhoẻn cười. Bỗng Y Mai reo lên:
- Ôi kìa… mắt A Pao có em trong đó!
-Thật không? Để ta xem nào…Ơ, trong mắt Y Mai cũng có ta trong đó mà…
Cả hai cùng cười nghiêng ngả đất trời!
Bỗng A Pao rụt rè cầm lấy tay Y Mai, ấp úng nói :
- Ta có câu này muốn nói cho Y Mai nghe…
- Câu gì vậy, anh nói đi!
Nhưng A Pao không nói gì, chỉ lặng lẽ lấy cây sáo, tấu lên một giai điệu du dương tuyệt vời:
“Ơi núi ơi núi,
Ơi rừng ơi rừng
Núi cao vời vợi
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời, che khuất người tôi yêu!
Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi!
Trời chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau…"
Nghe và hiểu tiếng sáo nói gì, hai má Y Mai lại hồng lên như hai trái đào chín. Dù không nói lên lời nào, nhưng họ hiểu rõ lòng nhau.
- Y Mai à, mặt trời sắp đi ngủ rồi, ta về thôi, dân bản nó đang chờ để uống rượu mừng đó…
Con ngựa lắc lư cọc thồ trên lưng, đi lên phía trước. Y Mai túm đuôi ngựa lặng lẽ bước theo. Tiếng sáo của A Pao vẫn thiết tha bay bổng như nâng bước chân họ trờ về bản.
“… Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi
Trời chỉ có sao sớm sao chiều,
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau…”