Chọc ngón trỏ vào mép vành nón, tôi hẩy tay, hất nhẹ lên một cái. Từ lúc bước chân ra khỏi cổng, cái nón quá khổ mà bà ngoại chụp cho tôi cứ sụp vành, che mắt không biết bao nhiêu lần mà kể. Xế trưa, nắng oi nồng, ngột ngạt, một tay lúc lỉu cái cặp lồng nhựa, một tay lủng lẳng chai nước, tôi tung tăng mang cơm cho mẹ và chị Hồng, đang dở tay buổi cấy sáng ngoài kia.
Cánh đồng và làng ngăn cách bởi con sông dài uốn lượn, nối nhau bằng một chiếc cầu bê tông hẹp vừa đủ một đàn ba trâu cùng lúc đi qua. Đang mùa nước nổi, sông cuồn cuộn, đùng đục suốt ngày đêm. Đến đầu cầu, dừng dưới bóng gốc đa cổ thụ, tôi kiễng chân, phóng tầm mắt đến cây hoa gạo đứng sừng sững giữa cánh đồng. Cây gạo có từ bao giờ, tay ai trồng, chẳng ai biết. Mẹ bảo từ khi còn nhỏ đã thấy cây gạo ở đó rồi. Bao tháng năm đi qua, bao nắng mưa đổ xuống, bao đạn bom thời chiến dập dồi, cây vẫn hiên ngang giữa đất trời, một mình vươn bóng, phủ rợp một khoảng đồng mênh mông, che mát những bữa cơm mùa gặt, những giấc trưa mùa cấy cho người làng. Với những đứa trẻ như tôi, cây gạo già lại mang một ý nghĩa khác. Từ xa xa, khi tầm mắt còn rợp giữa màu xanh mườn mượt của thảm mạ, của lúa đương thì hay sắc vàng óng của những bông lúa trĩu hạt trải là là mặt đất, thì chỉ cần thấp thoáng bóng cây gạo vươn cao, vụt lên giữa không gian, những ánh mắt thơ ngây đã sáng bừng, vui tươi như thể gặp lại người bạn thân bao năm vẫn cần mẫn làm ngọn đồng đăng soi đường, dẫn lối. Hất nhẹ vành nón lần nữa, tôi ríu rít bước chân qua cầu.
Chân bước líu ríu một hồi, tôi đã chạm gốc gạo. Với những đứa trẻ còn mơ hồ tìm tọa độ ruộng nhà trong tấm bản đồ đồng lúa mênh mông này, cây gạo còn như một cột mốc cực kì quan trọng để định hướng đi. Như tôi, nếu đứng tại nơi này, đánh mắt sang phải sẽ thấy ruộng nhà mình, mà lúc này, dưới ruộng, mẹ và chị Hồng, khuôn mặt khuất hẳn sau vành nón, đang lom khom cấy những hàng mạ thẳng đều tăm tắp.
- Mẹ ơi, chị ơi! – tôi bắc loa miệng gọi thật to.
Giữa thửa ruộng mênh mông nước, mẹ tôi với chị Hồng, tay nắm bó mạ, tay thoăn thoắt cấy, nước ngập quá nửa bắp chân. Nắng ban trưa đặc quánh, nồng oi, đổ từng đợt bỏng rẫy lên manh áo sậm đẫm mồ hôi đang dính chặt lên tấm lưng khom khom của hai người. Nghe tiếng tôi gọi, mẹ ngẩng đầu lên trước, chị Hồng theo sau, giơ tay vẫy vẫy rồi bì bõm đạp bùn rẽ nước, hai người lội lên bờ.
- Hai anh em ở nhà đã ăn cơm chưa? – Mẹ hỏi, rồi đón lấy chai nước, mẹ ngửa cổ tu một hơi thật dài.
- Rồi mẹ, bà cho ăn trước. Tẹt ăn xong ngủ rồi ạ! – tôi vừa nói vừa trao cái cặp lồng cơm cho chị Hồng.
Giở nắp cặp lồng, chị Hồng cẩn thận so đũa mời mẹ trước. Cơm trắng, cá bống kho tương với hơn chục quả cà muối, điểm thêm vài cọng rau dền luộc đỏ tía; bữa cơm bà ngoại nấu đang tỏa hơi thơm lừng. Gắp một con cá bống nâu óng ánh tương đặt ngang nắp cặp lồng mà chị Hồng dùng ăn thay bát, mẹ bảo:
- Ăn đi con, nhanh nghỉ tí rồi về, chiều còn đi học.
Chị Hồng không nói gì, lẳng lặng, chị cúi mặt, lùa một miếng cơm vào miệng, nhai trều trệu. Đoạn ngẩng đầu lên, chị bảo:
- Để chiều con cấy tiếp với, chứ mình mẹ làm được bao nhiêu. Chiều giờ Toán cô Hằng, cô dễ lắm, nghỉ cũng không làm sao đâu – Rồi cúi mặt, chị lí nhí trong miệng – Với cả bố mà biết lại phiền ra.
Mẹ không nói gì, chỉ thở dài. Bữa cơm hai người cứ lầm lụi trôi qua như thế. Trong khi đó, phía bên kia gốc gạo, mặt ngửa lên trời, chân đảo qua đảo lại, tôi đang hướng mắt lên những cành gạo cao tít trên kia. Giờ đã sang tháng Bảy, lá xanh tíu tít phủ rợp những cành cây mới độ xuân qua còn khẳng khiu một màu nâu mốc. Giữa những vòm xanh mát rượi ấy, tôi dáo dác tìm, mong mỏi thiết tha lắm một ánh lửa đỏ hồng bùng lên trong đôi mắt. Ấy là cái sắc rực rỡ của bông hoa gạo, cái sắc gợi nhắc những chiều tan học, dăm ba đứa trẻ la cà quên đường về, rẽ đồng đứng dưới gốc gạo, ngửa mặt lên, chờ những đốm lửa tít cành cao rụng xuống rồi chụp lấy. Bông gạo to hơn bàn tay trẻ con, đài hoa xanh, khum khum đỡ lấy cánh hoa mọng mềm; nhiều thì mỗi đứa một bông, ít thì một cánh, chia nhau, nhấm nháp ngon lành cái vị ngòn ngọt tan chầm chậm nơi đầu lưỡi trong nỗi sướng vui ngây ngô của tuổi nhỏ. Nhưng cả vòm cây lúc này chỉ lấm tấm vài búp lá xanh điểm vàng còn cuộn mình chưa bung, tôi tiu nghỉu, vòng ra chỗ mẹ với chị đang ăn cơm, phụng phịu:
- Cây gạo sao chả có hoa hả mẹ?
- Đến mùa mới ra được chứ con, tháng Ba rồi mấy thằng chúng mày chả ăn trụi cả cây còn gì – mẹ vừa nhai vừa nói, đoạn giục – Thôi về nhà ngủ trưa ngay, bát đũa với cặp lồng, đợi lát chị mày về rồi cầm về luôn.
- Mẹ! – chị Hồng kêu lên – Sao được ạ, để chiều con cấy với!
- Mày cứ về đi học, bố mày nói thì để tao nghe – mẹ xua tay.
Ở lại mà không có hoa để ăn thì buồn chán lắm, tôi đội cái nón lên đầu, chào mẹ, chào chị rồi lại men theo lối cũ đi về. Đến khúc rẽ, tiếng mẹ còn gọi với:
- Về nhà luôn, không la cà đâu đâu nhé Cò!
Đường về, bước chân tôi thong dong lắm. Chả là tôi rất ghét ngủ trưa. Đi càng chậm càng lâu về, quá giờ ngủ thì bà ở nhà cũng ngủ mất rồi, chả còn ai mà bắt tôi ngủ nữa. Nghĩ thế, nên tôi không vội làm gì, vừa đi vừa nhìn trời nhìn đất. Hai bên lối đi, những thửa ruộng ngập nước dở dang những lối mạ chưa cấy hết hàng vắng teo người. Giờ này, người ta đã nghỉ tay ăn cơm, người thì về ăn với gia đình, người thì trú dưới một bóng râm của lũy tre phía xa hay gốc gạo mà mẹ và chị Hồng đang ngồi với bữa ăn được người nhà mang ra. Mải ngắm nghía xung quanh, tôi chẳng buồn nhìn đường mà đi nữa. Bỗng… Bốp!
- Ái ui!
Hai tiếng kêu cùng lúc vang lên. Một của tôi. Còn một của bức tường sừng sững bỗng đâu xuất hiện chắn trước mặt, khiến tôi ngã lăn ra, xây xẩm mặt mày. Hấp háy đôi mắt hãy còn mờ mờ vì choáng, trước mặt tôi, một thằng nhóc đang từ từ ngẩng đầu lên:
- Ối Cò!
- Ối Đẹt!
Ra là thằng Đẹt, cũng lơ đãng nhìn mây ngắm trời như tôi nên mới va sầm vào nhau như thế. Xoa xoa cái trán còn ê ê đau vì cú va lúc nãy, Đẹt lầu bầu:
- Mày không nhìn đường hả? U trán tao rồi này!
- Thế mày thì nhìn chắc, trán tao cũng sưng tướng rồi này! – tôi vạch đám tóc mai loe hoe, chỉ vào vết đỏ mờ mờ trên trán.
- Rơi cả cặp lồng của tao nữa này! – Đẹt ngồi thụp xuống, nhặt cái cặp lồng đang chỏng chơ bên vệ cỏ.
- Ơ, mày cũng mang cơm cho mẹ à? Tao cũng mang cơm cho mẹ với chị Hồng này!
- Thế cặp lồng của mày đâu? – Đẹt phủi phủi cái cặp lồng rồi xỏ hai ngón tay qua cái quai cầm.
- Tao không phải mang về, chị Hồng về rồi mang về luôn.
- Tao thì vẫn phải mang về đây, vì tao không có chị Hồng giống mày. Mà tao chả muốn về - Đẹt chem chép cái miệng – Về anh tao lại bắt ngủ trưa.
- Tao cũng thế - tôi rầu rĩ – Tao thì bị bà bắt.
- Hay đi chơi đi! – Đẹt bỗng ý kiến. – Nãy tao thấy một cái ruộng chưa có cây mạ nào hết, nhiều nước lắm. Đi bắt cá đi!
Lũ trẻ chúng tôi thường được bố mẹ dặn rằng không tùy tiện lội ruộng nhà người ta, chết mạ, gẫy bông thì phải vạ bắt đền. Nên dù có ra ruộng chơi, đám trẻ chúng tôi cũng chỉ dám mon men ven bờ, bắt mấy con côm cốm hay bẻ trộm vài đọt đòng đòng non ngọt. Bởi vậy mà trong cái tiết nhà nhà, người người đã đổ xô cấy má thế này, một thửa ruộng trống ăm ắp nước là cái sân chơi thiên nhiên mà bất cứ thằng bé trai nào cỡ tuổi này cũng thích thú được bì bõm.
- Đồng ý liền! – tôi hí hửng.
Thửa ruộng mà Đẹt bảo nằm cách cầu không xa. Đó là một thửa ruộng bé, chỉ tầm hơn hai mươi thước. Trong khi những ruộng xung quanh đã xanh màu mạ, thửa ruộng này vẫn trơ trọi một màu bùn nâu nhạt lẫn với nước. Úp nón lên cái cặp lồng Đẹt vừa hạ xuống vệ cỏ ven đường, tôi hồ hởi theo Đẹt lội xuống. Bùn càng lúc càng lún, nước đã ngập ngang gối hai đứa tôi. Vừa rẽ nước, tôi vừa ngong ngóng nhìn xuống:
- Có cá lia thia đấy! – Đẹt bảo – Lúc nãy tao vừa thấy xong.
- Thế thì phải bắt về chơi ngay – tôi vẫn lần mò trong làn nước, bỗng tôi khựng lại – Cơ mà làm gì có chai mà đựng?
- Ờ nhỉ - Đẹt gãi gãi đầu, bỗng nó kêu lên khe khẽ, tay chỉ lên bờ - A, cho vào cặp lồng!
- Eo – tôi kêu – Để đựng cơm chứ, mày không sợ bị mắng à?
- Sợ gì – Đẹt hí hửng – Mang về tao đổ vào lọ luôn, cặp lồng thì đem rửa, làm gì có ai biết được.
- Có lý – tôi gật gù – Nhưng trước tiên phải bắt được cá đã.
Thế rồi bọn tôi lại tiếp tục rẽ nước tìm cá. Thửa ruộng ban đầu, nước trong nhìn thấy đáy mà giờ đây đục ngầu như màu nước sông ngoài kia dưới từng bước chân bì bõm của chúng tôi.
- Bắt được một con – tôi reo lên. Kẹp giữa những ngón tay chụm chụm lại của tôi là một chú cá lia thia nhỏ, lấp lánh dưới nắng những dải màu sặc sỡ chạy dọc thân, đang búng đuôi tanh tách đòi thoát mà không được.
- Tuyệt! – Đẹt cũng reo lên – Cho vào cặp lồng ngay không nó nhảy mất.
Bỏ lại Đẹt vầy bùn, khoắng nước tìm cá ở phía sau, tôi lội ngược trở lại bờ để cất con cá quý báu. Vừa đi, tôi vừa ngắm nghía con cá xinh xẻo đang nhảy nhót dưới những ngón tay.
- Con cái nhà ai?
Tiếng kêu the thé làm tôi giật mình ngẩng đầu lên. Trên bờ, ngay cạnh chỗ cái nón úp của tôi, một người phụ nữ đang dạng chân, chống nạnh. Cái nón sùm sụp cộng với hướng đứng ngược nắng làm khuôn mặt bà ta khó có thể nhìn rõ, nhưng nộ khí từ khuôn mặt đó thì đang phừng phừng bốc ra rõ như ban ngày.
- Tao hỏi hai đứa chúng mày con nhà ai? – Bà ta lại quát lên một tiếng nữa.
- Dạ… dạ cháu con mẹ Vinh – tôi bắt đầu hoảng, con cá trên tay tuột xuống, vừa chạm nước là lẩn ngay vào bùn mất dạng.
Tiếng quát chói tai của bà ta làm Đẹt quay lại. Chủ ruộng đến rồi. Hoảng quá, Đẹt không dám vào bờ, cứ đứng chôn chân giữa làn nước đục ngầu giữa ruộng.
- Tiên sư chúng mày! – Bà ta trật cái nón ra, để lộ khuôn mặt đen đúa, gân guốc, quát tướng lên bằng cái giọng the thé như bị ai bóp cổ - Ruộng bà vừa cào bùn xong hôm qua để mai cấy, chúng mày xuống phá, lõm đầy dấu chân thì còn cấy má cái tiên sư chúng mày nữa hả? Trưa trật hết việc thì mày về mà phá nhà mày, chứ mày phá gì ruộng nhà tao!
Tôi cúi mặt, run lập cập. Khuôn mặt xấu xí của người phụ nữ kia làm tôi liên tưởng đến những mụ phù thủy già ác độc trong truyện cổ tích. Vặn vẹo cái tay, tôi toan mở miệng lí nhí một câu xin tha thì bỗng một giọng nói quen thuộc vang lên:
- Chết, đi từ bao giờ sao còn ở đây hở em?
Tôi ngẩng mặt lên. Là chị Hồng, tay xách cặp lồng, đang đứng ngay trước mặt như một cô tiên. Tôi những muốn òa lên khóc ngay lập tức.
- Lại nghịch ruộng nhà bác à? – Rồi chị nhìn người phụ nữ kia, kêu lên – Ôi, bác Minh, thôi chết, thằng cu nhà cháu nó nghịch ruộng nhà bác rồi!
- Con mẹ Vinh à? A ra thằng cu này là em mày hả! Lôi cổ nó về rồi gọi bố mẹ mày ra đây! Tao một thân một mình cào ruộng cả sáng qua, em mày phá có một tí mà thành thế này, tao còn cấy má cái gì nữa! Gọi bố mẹ mày ra đây, nhanh!
- Ấy xin bác, - chị Hồng khúm núm chắp tay – em cháu nhỏ dại, thôi để cháu về lấy cào, cào lại cho bác. Bác tha cho, kẻo bố mẹ cháu biết, em cháu lại phải đòn!
- Nhớ lấy – người phụ nữ ghê gớm nạt nộ - Tao về, chiều tao ra mà ruộng còn lườm khươm, lướp tướp thế này, tao đến tận nhà thì chị em chúng mày liệu – Rồi đội lại nón, bà ta quay lưng đi, miệng vẫn lầm bầm những tiếng chửi đổng chua chát.
Người phụ nữ đó tên Minh, một người đàn bà xấu xí và muộn chồng, sống trong căn lều nhỏ khuất trong những tàu lá chuối lòa xòa ở ven sông. Không hiểu vì muộn chồng đâm ra bẳn tính hay nết trời sinh đã vậy mà bà ấy lúc nào cũng mang bản mặt cau có, lầm lì, miệng mở ra toàn những lời chua ngoa, cay độc. Bởi ngại phiền hà nên người làng hầu như ít qua lại, chuyện trò. Chị Hồng thở dài, không nói không rằng, quay lưng đi, lát sau trở lại với một cái bồ cào vác trên vai. Thằng Đẹt đã xách cặp lồng chạy biến về nhà. Chỉ còn tôi đứng trơ trọi trên bờ. Dúi cặp lồng vào tay tôi, chị giục:
- Em về đi kẻo nắng, bà ở nhà lại trông!
Rồi lê cái bồ cào, chị xắn quần bước xuống ruộng. Xế trưa, sang chiều, nắng lả người, chị bì bõm đẩy từng đường cào, san lại lớp bùn vừa bị dấu chân của tôi và Đẹt làm trồi sụt, lõm lồi. Được một chốc, mặt chị đã đỏ gay, mồ hôi lấm tấm trên cổ, trên mũi, trên trán, ướt đẫm cả mấy lọn tóc mai lòa xòa. Tôi tần ngần đứng nhìn một lát rồi xách cặp lồng, quay lưng đi thẳng ra cầu. Sau lưng tôi, một hạt nước mặn nồng vừa rớt xuống, từ khóe đôi mắt đang dán chặt xuống mặt nước đục ngầu, tanh mùi bùn non!