Nắng gì như nắng tháng Năm. Chói chang, bỏng rẫy. Hiếm lắm mới có một gợn mây trắng lờ lững trên nền trời rồi thoắt cái đã tan đi như bọt xà phòng. Mẹ tôi đứng trên hiên, tay chống hông, tay quạt phành phạch cái nón, kêu rầm rĩ:
- Nóng thế này có chết con nhà người ta đi không hả giời?
Rồi nghĩ ngợi gì, mẹ lại đội cái nón lên đầu, bước xuống sân.
- Cái Hồng đâu, mày ở nhà với em rồi chốc nữa ra vườn xới lại cho mẹ luống đất, mai mẹ giâm ít dây lang lấy cái nấu cám cho lợn. Mẹ đi cào lại đống rạ đã.
Mẹ đi rồi, chị Hồng bật tivi cho cái Tẹt xem hoạt hình rồi đội nón ra vườn. tôi tha thẩn ra gốc xoài bên hông nhà ngồi. Một đoàn kiến đang hành quân từ ụ đất dưới gốc xoài sang một cái lỗ nhỏ ở chân tường. Một con, hai con, ba con… tôi đếm. Nhiều quá, chúng đi thành hàng thẳng tắp, con cõng thứ gì trăng trắng như đầu hạt gạo, con lại đèo trên lưng một mẩu lá xanh xanh. Con nào con nấy cắm cúi đi, dường như không chút đoái hoài đến cặp mắt chăm chú quan sát của tôi từ nãy giờ.
Chán chê với lũ kiến, tôi lại bắt được một đốm nắng trên sân. Cái đốm sáng tròn tròn như có chân, cứ nhảy nhót trên nền gạch loang loáng. Vừa thấy nó đậu ở chỗ này, tôi chạy ra chụp lấy thì nó đã nhảy ra chỗ khác, cứ nhảy qua nhảy lại làm tôi mệt bở cả hơi tai. Chạy chán, tôi ngồi bệt xuống sân, ngửa mặt nhìn lên. Cây xoài đổ bóng xum xuê, nắng xói qua lỗ thủng trên phiến lá, chiếu xuống đất cái đốm sáng tinh nghịch kia. Trời bỗng lặng gió, đốm nắng nằm yên trên vai tôi, lấp lánh.
- Cò ơi!
Tôi ngoái đầu nhìn ra hàng dâm bụt ngoài ngõ, mấy gương mặt thân quen nhô lên. Vẫn là mấy thằng bạn đến giải cứu tôi khỏi một chiều nhàm chán. Bủm gãi gãi mái tóc vàng hoe vì cháy nắng của nó rồi bảo:
- Đi chơi đi, ở nhà chán quá!
Trong cái tiết oi bức này, còn gì thú hơn là theo chúng bạn lăn lê khắp gò cao, bãi thấp, hụp nước ven sông hay vắt vẻo trên một cành cây đầy quả ngon chín mọng của một khu vườn vắng chủ nào đó. Chẳng cần đến nửa giây suy nghĩ, tôi phóng tọt ra bờ rào.
Đi được một quãng thì gặp mẹ tôi.
- Mấy ông tướng, nắng nôi không ở nhà lại định đi phá phách ở đâu nữa? Cò không ở nhà trông em lại lẩn đi đâu?
- Dạ bọn cháu có đi phá ở đâu đâu ạ! - Thằng Còi lại bắt đầu ba hoa chích chòe – Chỉ xin đi chơi một tí thôi bác ạ!
- Có chị Hồng ở nhà với Tẹt mà mẹ! – Tôi cãi.
- Chị anh xới vườn xong rồi hử? Chơi bời gì cũng nhớ giờ cơm về mà tắm rửa, để bố anh phải đi gọi lại chết đòn!
- Bố đi đâu rồi hở mẹ?
- Bố anh sang bên bác Cả, sắp về rồi đấy! Anh liệu giờ mà về! Mẹ về đây! Chúng mày chơi bời gì cũng cấm mon men ra bờ sông, tụt xuống đấy không ai vớt được đâu!
Mẹ đạp xe đi rồi. Bọn tôi lại lục tục kéo nhau đi tiếp. Chả mấy đã ra đến đường làng. Lúa tuốt xong, rơm rạ phơi tràn mặt đường. Nắng hè hun cái màu xanh mươn mướt của thân lúa sang cái màu ong óng vàng của thân rơm. Đợi đến lúc đó, người làng mới đánh xe ra thồ về rồi chất thành một cây rơm vàng khươm trước ngõ, đến bữa, rút một ôm cũng nấu chín được nồi cơm. Tro rơm nóng hổi, rực hồng. Lùi một củ khoai, miếng sắn hay quả trứng gà vào, đến lúc cời ra, khói tỏa hương thơm ấm thơm nồng. Nghĩ đến mấy cái món ấy, tự dưng tôi thấy buồn buồn trong miệng.
- A, Bông ơi! – Tí bỗng réo rắt.
- Con bé con này ở bên cạnh nhà thằng Tí. - Bủm ghé tai tôi thì thầm.
Thật ra gọi Bông là con bé con cũng không phải đúng cho lắm. Chỉ kém bọn tôi một tuổi, hết hè này, Bông cũng lên lớp Hai. Nhưng trong suy nghĩ của những đứa “gần lớp Ba”, “mấp mé người lớn” như Bủm thì mấy đứa chíp hôi lớp Hai hãy còn là trẻ con lắm. Con bé con ấy đang chổng mông đẩy xe rơm cùng một chị lớn lớn. Nghe tiếng gọi, Bông dừng tay, ngẩng mặt lên, nhận ra Tí, nó vẫy tay chào:
- Anh Tí, anh đi chơi với các bạn ạ?
- Ừ, đi chơi với bọn anh không?
- Cái thằng điên – Đẹt lầm bầm trong miệng – chơi với bọn con gái có mà chết phiền!
Không thèm để ý đến lời thằng Đẹt, Tí nhìn chị lớn lớn cạnh Bông, rồi cất tiếng chào:
- Em chào chị Hoa. Hôm nay bác Lý không đi kéo rơm mà để em Bông đi ạ?
Chị Hoa đẩy nhẹ vành nón, để lộ khuôn mặt đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi:
- Ô cậu này hay chửa? Bác Lý bụng to sắp đẻ rồi làm sao đi kéo rơm được. Mấy nữa bác đẻ, mấy đứa sang chơi với em bé nhé!
Trong khi Tí hớn hở vì sắp được chơi với em thì cái mặt thằng Đẹt, khi nghe đến mấy từ “đẻ”, “em bé”, lại thường có kiểu biểu cảm rất ngộ. Trông như chán ngán, lo lo mà hơi bực bội. Nếu Tí có rủ cả đám sang chơi với em bé, chắc Đẹt là đứa ở nhà đầu tiên. Nỗi sợ hãi có một đứa em bỗng đâu từ trên trời rơi xuống, huơ chân, quơ tay ôm trọn mớ đồ ăn ngồn ngộn khiến Đẹt luôn thấy bồn chồn mỗi khi dỏng tai nghe được mấy câu chuyện về những đứa trẻ sắp chào đời.
Chị Hoa chỉnh lại cái nón, nâng càng xe kéo lên rồi quay sang bảo Bông:
- Nhanh đi Bông về còn chẻ củi nấu cơm nữa. Chị về đây, mấy đứa đi chơi đi nhé!
- Em chào các anh! – Bông vẫy vẫy tay, rồi lóc cóc, nó chạy theo sau, phụ một tay đẩy cái xe rơm đầy ắp với chị. Bóng nó khuất dần, khuất dần sau những ụ rơm ngất ngưởng nối nhau san sát bên lề đường.
- Bụng to đẻ ra em bé, tức là trong bụng có em bé đang nằm ấy hả? – Tôi hỏi. Mẹ sinh cái Tẹt lúc tôi mới bốn tuổi, nên đến giờ tôi hãy còn tin cái sự tích “con cò bay lả mang em Tẹt đến” của mẹ với chị Hồng.
- Ừ, mẹ tao bảo ngày xưa tao cũng ở trong đó, mãi mới ra đấy! – Bủm gật gù, có vẻ bố mẹ nó đã lí giải sự chào đời của nó theo một cách thực tế hơn.
- Điêu! – tôi nhăn mặt – Mày to đùng thế này làm sao ngồi vừa trong bụng mẹ mày được!
- Tất nhiên khi đó tao bé tí thì sẽ ngồi vừa thằng ngu ạ!
- Sao lại đứng ở đây thế này? Có tránh ra cho người lớn làm việc không mấy cái thằng này!
Bọn tôi giật mình quay lại. Một bác gái khăn nón kín bưng, đang đứng dạng chân, một tay chống hông, một tay tì lên cán cái cào rơm, kêu lên the thé:
- A, cu con bố Bình, mẹ Vinh. Nắng nôi không ở nhà cho mát lại la cà gì ngoài này? Có dẹp đường cho bác làm việc không thì bảo?
Rồi không để cho mấy đứa tôi kịp cãi lại câu nào, bác vác cào lên vai đi mất, vừa đi vừa lầm rầm gì đấy trong miệng. Tôi ngẩn người, bố tôi thì rõ tên là Bình, mẹ tôi thì hẳn tên là Vinh rồi. Nhưng bác này là ai nhỉ? Khi tôi đang cố mường tượng ra khuôn mặt sau vành nón và cái khẩu trang kín bưng kia thì có tiếng thằng Bủm cất lên:
- Bọn mày, tao có trò này hay lắm, chơi đi!
- Trò gì? – Đẹt hỏi.
- Chơi trò “Bồng lai tiên cảnh” nhé!
- Gì mà như trò con gái vậy? – Còi nhăn mặt.
- Gái cái mốc xì mày! Thế này nhé, bọn mày có thấy trong phim Tôn Ngộ Không có cảnh trên thiên đình mà khói xì ra khắp nơi, rồi có cả ông Ngọc Hoàng, Thái bạch tinh tinh (cái này là thằng Bủm đọc sai), Thiên bồng nguyên soái cứ bay ra bay vào cái đống khói ấy không? Bây giờ bọn mình sẽ đóng vai các tiên ở thiên đình. Bay vèo vèo trong cái đống khói ấy, đảm bảo cực oách.
- Oách thật! – Đẹt kêu lên – Tao mới tưởng tượng đã thấy oách kinh lên rồi! – Rồi nó vặn vẹo – Nhưng bọn mình có biết bay đâu?
- Thì giả vờ chứ lị - Rồi Bủm chạy mấy vòng quanh bọn tôi, tay đập đập liên hồi. Nó đang giả bay.
- Thế khói thì làm sao có được? – tôi băn khoăn.
- Tao biết, - Còi vỗ tay đánh đét một cái – đốt rơm là khói mù mịt luôn!
- Nhưng có lửa không? – Tí hỏi – Không về nhà xin lửa được đâu, bây giờ về là tao phải ở nhà luôn đấy!
- Khỏi lo, tao có cái này rồi – Bủm nói rồi rút từ túi quần ra một hộp diêm. Kéo nắp hộp lên, bên trong còn bốn que.
- Tuyệt vời! – Cả lũ kêu lên.
- Để tao nhóm cho, để tao! – Còi lăng xăng giật hộp diêm trên tay Bủm. Nó ngồi xuống cạnh một đụn rơm nhỏ và bắt đầu quẹt. Que thứ nhất, không cháy. Còi quẹt tiếp que thứ hai. Cũng không cháy nốt. Bủm kêu lên:
- Sao thế nhỉ, sáng nay tao vẫn thấy bố quẹt để châm thuốc lào mà!
Còn haihai que nữa, Còi chầm chậm rút ra một que, quẹt thật mạnh. Que diêm gãy đôi, nhưng lửa vẫn không sáng. Bủm giậm chân thình thịch:
- Trời ơi, mày có biết quẹt không, hết diêm rồi kia kìa!
- Từ từ, đã hết đâu. – Tí ôn tồn – Còn một que nữa, mày quẹt sang bên kia đi, mẹ tao quẹt diêm không lên lửa, tao hay thấy mẹ tao đổi bên.
Nghe lời Tí, Còi nín thở quẹt nốt que còn lại dưới những mắt căng thẳng của mấy đứa chúng tôi. Một đốm lửa hồng bùng lên ở đầu que diêm, mấy đứa chúng tôi hú hét ầm ĩ. Còi chầm chậm luồn mồi lửa bé nhỏ ấy vào dưới mấy cọng rơm. Rơm được nắng, khô cong nên bắt lửa rất nhanh. Ngọn lửa chẳng mấy chốc đã liếm non nửa ụ rơm. Khói túa ra ào ạt. Bọn tôi nhảy nhót tưng bừng vì vui sướng.
- Thôi nào, - Bủm đằng hắng cắt ngang, bây giờ sẽ chia vai. Tao sẽ là Ngọc Hoàng, thằng Cò cho làm Thái bạch tinh tinh, Đẹt làm Thiên bồng nguyên soái, hai đứa mày – nó chỉ vào Còi và Tí – làm lính thiên đình.
- Cái con khỉ mốc ấy! Sao tao lại phải làm lính hầu? – Còi hét ầm lên, nó túm áo thằng Tí, giật giật – Mày nghe chưa, nó bắt tao với mày làm lính hầu quạt mát cho nó đấy!
- Tao là gì cũng được. – Tí cười.
- Mà sao mày lại được làm Ngọc Hoàng chứ không phải là tao? – Tôi vặn vẹo.
- Đúng đấy, - Đẹt và Còi nhao nhao lên – thế là không công bằng tí nào!
- Thế bọn mày nghĩ ai là người nghĩ ra trò này hả? Phải, chính là tao, và nếu không phải tao bày ra trò này thì chả có Ngọc Hoàng hay lính hầu gì hết, hiểu chưa?
- Thôi được, cứ làm Ngọc Hoàng nếu mày muốn. Dù gì thì trong phim, Ngọc Hoàng là một ông chán bỏ xừ, cả ngày chỉ ngồi im một chỗ vuốt râu. Nhưng phải đổi cho tao vai khác, tao không làm lính hầu!
- Thế cho mày làm Hằng Nga nhé! – Đẹt nhăn nhở - rồi mày sẽ như thế này, thế này! – Đẹt dang rộng hai cánh tay múp míp, làm bộ uốn éo, lắc lư như người đang múa.
- Mày nói cái gì hả, mày bảo ai múa ẻo ẻo thế kia? Mày thử nói lần nữa xem tao có đấm phọt mỡ mày ra không! – Còi gào lên, rồi sấn sổ, nó nhảy tới định bóp cổ Đẹt. Nhưng nó không thể, vì đầu thằng Đẹt như dính vào ngực bằng cái cằm nính mỡ, tuyệt nhiên không thấy cái cổ đâu cả.
- Tao nói mày ấy, tao nói thế đấy, thì mày định làm gì tao hả? Tao ẩy một cái là mày bẹp dí nhé thằng còi xương, suy dinh dưỡng kia!
- Thế mày nghĩ Thiên bồng nguyên soái oai lắm chắc. Sau bị Ngọc Hoàng đá đít xuống trần gian rồi hóa thành Trư Bát Giới mặt lợn. Đồ mặt lợn!
Đẹt hùng hổ lao tới. Hai thằng nó quắp lấy nhau, đúng ra là Đẹt đã quắp trọn Còi vào lòng. Tại Còi nó còi quá mà!
Gió bỗng nổi lên, thổi bùng những mồi lửa đang tí tách trong ụ rơm, khói tỏa mù mịt, nương theo cánh gió, tràn ra lòng đường rồi cuộn tung tứ phía. Hít phải hơi khói đặc quánh, bọn tôi ho sù sụ. Tí bịt miệng, nói nhỏ:
- Thôi mày làm Thái ất chân nhân cũng được Còi ạ, ông này cũng hay lắm. Thế nhé, chơi nhanh đi!
- Tạm chấp nhận vậy! – Còi xì một tiếng rồi buông cổ áo Đẹt ra. Hai thằng quắp nhau nãy giờ chưa đủ, buông ra rồi mà vẫn còn gầm ghè.
“Rầm!”, “Uỳnh!”, hai âm thanh chát chúa vang lênhai tiếng động chát chúa liên tiếp vang lên, rồi . Một tiếng la thất thanh đến chói tai.
- Ối giời đất ơi là giời đất ơi!
Bọn tôi giật mình, giương mắt thật to để xem chuyện gì đang xảy ra. Nhưng chả đứa nào nhìn thấy gì vì khói mù mịt giăng khắp nơi. Dỏng tai lên, bọn tôi nghe thấy tiếng một người đàn ông đang cuống quýt trong màn khói mịt mờ.
- Chết, bác có làm sao không ạ! Khổ, khói quá tôi không nhìn thấy đường.
- Ối giời ơi, cái chân tôi, cái lưng tôi! – Tiếng một người phụ nữ rên rỉ.
- Ô kìa bác Xoan, thôi chết, để em đỡ bác dậy.
- Ô chú Bình đấy à, giời ơi, thôi tôi không sao. Ái!
- Chết thật, chân cẳng bác có làm sao không? Thôi bác lên xe em đèo về. Lại mấy thằng choai choai nghịch dại, đốt rơm um làng um xóm lên thế này!
- Nãy tôi thấy thằng Cò nhà chú đứng với mấy thằng cu trong xóm. Khéo lại mấy thằng giặc con ấy bày trò đấy chú ạ!
- Thật thế hở bác? Chết thật, để em về hỏi cháu nó xem sao.
Bỗng một luồng gió tạt ngang, thổi màn khói đang quấn quanh mấy đứa tôi dạt tan tác, để lộ hiện trường vụ tai nạn bất ngờ kia. Từ trong màn khói, hiện ra một người đàn ông, tuổi trạc tứ tuần, đầu đội mũ cối xanh, chiếc sơ mi ngả vàng sơ vin gọn ghẽ trong cái quần âu màu ghi lấm chấm bùn dưới gấu, cái cặp da quai sờn vắt chéo ngang người. Ông đang gò lưng nhấn pedan trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, xích kêu lạch cạch. Sau lưng, một người phụ nữa ngồi khuất không rõ mặt, chỉ thấy một bàn tay đang ôm lấy đầu gối với tiếng xuýt xoa không ngừng.
Tôi thấy hai chân mình mềm nhũn. Từ lúc người đàn ông cất tiếng, tôi đã ngờ ngợ cái giọng quen quen này, để rồi khi hai từ “chú Bình”, “thằng Cò” lần lượt cất lên, cổ tôi bỗng nghẹn ứ. Bố đứng trước mặt, trợn mắt nhìn tôi, quát:
- Ra là mấy đứa chúng mày bày trò phá làng phá xóm – bố quắc mắt nhìn tôi, rồi chợt khựng lại – cái gì trên tay mày thế kia hở Cò, khốn khổ khốn nạn, con cái nhà có mất nết không?
Tôi giật mình nhìn xuống tay. Ôi chao, lúc nãy, sau khi quẹt diêm được lửa, Còi vứt bẹt vỏ xuống đất, tôi tiện tay nhặt lên mân mê rồi nãy giờ vẫn cầm chặt trong tay. Miệng mếu xệch, tôi trâng trối đưa mắt nhìn bố.
- Thằng Cò về nhà ngay, lên giường nằm sấp xuống, để sẵn cái roi trên đít. Giờ tao đèo bác Xoan lại nhà rồi tao về tao xử. Còn mấy thằng này, giải tán ngay, giải tán!
Rồi bố đạp xe đi. Ngồi sau xe, bác Xoan ngả nón, ngoảnh đầu nói với lại:
- Chết, nghịch dại lắm con ơi!
Tôi không nói thêm câu gì nữa. Bao nhiêu lời xin tha muốn nói với bố cứ tắc ứ trong cổ như bị khói rơm quấn chặt lấy. Chóp mũi tôi hơi ửng đỏ, nước mắt nong nóng chực trào ra má đến nơi. Tí vỗ vỗ vai tôi, ra chiều an ủi. Bủm, Đẹt với Còi đứng nhìn, ái ngại ghê lắm. Đoạn đường về hôm nay không còn những tiếng la hét, cười đùa như mọi hôm. Chúng tôi lẳng lặng đi bên nhau, không nói không rằng. Bước chân tôi nặng trịch như đá, tôi chỉ ước đoạn đường về hôm nay cứ dài mãi, dài mãi không hết bao giờ!