Bố tôi mở nắp cái hộp sắt tây, lấy ra một dúm thuốc con con rồi nhồi vào nõ điếu, châm vào một đốm lửa xanh xanh hồng hồng bập bùng trên đầu diêm, rít một hơi thật dài rồi nhả vào không khí cái làn khói trắng mỏng tang và dường như nhẹ bẫng. Tôi huơ huơ mấy ngón tay vừa tròn vừa ngắn vào giữa màn khói ấy, tựa hồ như muốn níu lấy một sợi khói mỏng mảnh cho vào túi áo trước khi cái màn ảo hồ ấy biến tan vào không khí. Chợt như nhớ ra, tôi ngẩng đầu lên hỏi bố:
- Mẹ đi đâu rồi hở bố?
Đặt cái điếu cày sang bên cạnh, bố tôi bụm miệng ho khan mấy tiếng rồi chậm rãi đáp:
- Mẹ mày sang bà từ lúc trưa. – Rồi bố nhìn ra cổng – Quái,, đưa có chục cân gạo mà lề mề mãi chưa thấy về?
Bố vừa dứt lời, từ đầu ngõ đã vang lên tiếng lạch xạch quen thuộc từ cái hộp xích xộc xệch, hoen rỉ trên chiếc xe đạp cà tàng của mẹ. Cái nón trắng loang loáng từ từ tiến vào đến giữa sân thì dừng lại sau một tiếng phanh kít. Mắt tôi sáng bừng, chẳng phải vì mừng nỗi mẹ về mà chính bởi cái túi táo xanh mọng lủng lẳng trên ghi đông của tôi. Táo nhà bà ngoại tôi thì ngon không sao tả nổi!
- Mẹ mày đi đâu mà lâu thế?– Bố hỏi.
- Ôi dào, mà lại có phải mỗi chuyện đưa gạo. Lúc về đạp xe qua nhà cô Lý thì nghe tiếng mấy đứa trẻ con la ầm lên. Cô ấy trở dạ mà chú Nam thì đi đâu có thấy ở nhà, tôi với mấy người phải đưa cô ấy vào trạm xá đấy chứ! Mà đúng cái giống tốt đẻ, vào già nửa tiếng đã mẹ tròn con vuông!
- Trai hay gái? – Bố hỏi dồn.
- Lại gái, - Mẹ chép miệng – thế là nhà năm cái thị mẹt. Khổ, cái nhà chú Nam thật sống không có tình, đến đầu trạm xá, nghe người ta bảo vợ đẻ con gái là hầm hầm bỏ biệt đi ngay. Lại phải gọi nhà ngoại cô Lý sang thủ tục rồi đem về đấy!
- Lấy phải con vợ không biết đẻ là khốn thế đấy. Cứ phải có cái thằng cu như thế này thì ra đường mới ngẩng được mặt, lên đình mới được ngồi mâm trên. – Bố cười khà khà rồi xoa đầu tôi. Tôi không buồn để ý vì đang bận rộn đếm mớ táo để chốc nữa chia cho chị Hồng với cái Tẹt cho đều. Mẹ tôi nghe bố nói vậy, thở dài một tiếng não nề rồi đi thẳng vào nhà.
Chiều xuống. Nắng tắt dần. Gió lao xao thổi qua những rặng cây. Tôi lững thững men theo những lối nhỏ quanh co của xóm. Tôi đang đi sang nhà Tí vì được bố sai cầm một tờ giấy đưa cho bác Phương, tức là bố Tí. Bác Phương cùng làm trên ủy ban xã với bố tôi. Tôi chả biết bác làm gì ở đó, ngay chính bố tôi làm gì, tôi cũng chịu. Chỉ biết thỉnh thoảng theo mẹ lên ủy ban, tôi lại thấy hai ông bố đang ngồi kề cà chè nước với nhau, nói những chuyện lạ lùng gì mà tôi chẳng hiểu nổi.
Đến đầu ngõ nhà Tí, tôi nghe thấy tiếng chổi tre lạo xạo. Là thằng Tí đang quét lá rụng đầy sân. Tí ngẩng đầu lên, thấy tôi, nó cười, cái điệu cười hiền khô quen thuộc rồi hỏi:
- Rủ tao đi chơi à? Sao có mình mày, bọn thằng Đẹt, Bủm với Còi đâu?
- Không, - tôi giơ tờ giấy lên vẫy vẫy – bố tao bảo sang đưa cho bố mày cái giấy này. Bố mày đâu rồi?
- Thế thì không được, - Tí chống tay lên đầu cán chổi – bố tao đi đám cưới chưa về.
- Thế thì làm sao được?
- Mày cứ đưa cho tao. Tao cất vào tủ, lúc nào bố tao về tao đưa là xong.
- Thế có được không? Bố tao dặn phải đưa tận tay bố mày.
Bỗng, hai đứa im bặt, dỏng tai lên nghe ngóng. Một âm thanh tỉ tê như tiếng ai đang khóc vọng lại từ phía bên kia hàng rào. Đặt cái chổi tựa vào tường, Tí ngoắc tay, ra hiệu cho tôi rồi hai đứa rón rén đi về phía âm thanh phát ra, kiễng chân nhìn qua. Ở mảnh vườn phía bên kia hàng rào, dưới gốc hồng xiêm, một con bé đang ngồi co ro, mặt úp xuống đầu gối. Mái tóc qua vai, đen nhánh, xõa xuống, che kín không thấy được khuôn mặt, chỉ nghe được tiếng khóc rấm rứt, sụt sùi, xen kẽ những cái nấc nghèn nghẹn.
- Bông? – Tí kêu khe khẽ.
Nghe tiếng gọi, con bé chầm chậm ngẩng mặt lên. Đúng là Bông, nhưng không phải là khuôn mặt nhỏ nhắn, tươi cười sau vành nón như hôm đi kéo rơm mà tôi gặp nữa. Lúc này, trước mặt tôi là một khuôn mặt ướt nhoẹt, đôi mắt Bông sưng mọng và cái mũi thì ửng đỏ. Có vẻ con bé đã khóc nhiều lắm!
- Ai đánh em à? – Giọng Tí lo lắng – Sao lại khóc?
Bông đưa tay quẹt ngang mặt rồi chống gối đứng dậy, đi về phía Tí và tôi. Cái quần hoa xanh của con bé thẫm màu lại ở hai đầu gối vì nước mắt.
- Anh Tí, - con bé nức nở - em sợ quá!
- Sao thế, bố em đánh à? Hay chị Hạnh mắng em, hay em bị ngã? – Tí hỏi dồn.
- Không, không phải. – Bông lắc đầu, vẫn khóc nỉ non.
- Hay là có đứa bắt nạt em. Là đứa nào, nói cho anh, anh đánh nó một trận cho chừa nhé!
Tôi nãy giờ đứng im như phỗng, nghe được câu nói của Tí thì thấy buồn cười quá. Cái thằng Tí, bảo đập con sâu nó còn không dám. Thế mà giờ đòi đi đánh người ta. Suýt bật cười thành tiếng, nhưng rồi tôi im bặt, con bé Bông đang rấm rứt khóc bỗng òa lên nức nở.
- Em sợ lắm anh Tí! Bố em bảo sẽ lùa hết ra đồng, bố bảo toàn vịt giờii, bố không nuôi, cả em bé nữa. Huhu!
- Em nói gì cơ? Bố em bảo sao cơ? – Tí kiễng chân vươn tay qua hàng rào, vỗ nhẹ vào đầu Bông như muốn an ủi. Bông cúi thấp đầu, mắt như dán xuống đất, tay vân vê tà áo:
- Bố bảo mẹ lại đẻ ra vịt giời, bố không nuôi vịt giời, bố sẽ lùa tất mấy chị em ra đồng, cả mẹ, cả em bé nữa!
- À, - Tí tỏ vẻ hiểu chuyện – đấy là bố em nói đùa thôi. Em đừng sợ nhé!
- Không phải nói đùa đâu. Bố em nói thật đấy. Bố cầm chai rượu vừa uống vừa xuống bếp lấy cái roi lùa vịt ra nữa. Chị Hoa bảo ngoài đồng có con ma, ban ngày ngủ trong bụi tre, đêm thì dậy đi bắt trẻ con. Em sợ lắm!
Tí vẫn cố gắng dỗ dành con bé. Nó vén những lọn tóc mai lòa xòa đang vương trên đôi má đỏ bừng của con bé lên, nói những câu an ủi vụng về. Nhưng chẳng có tác dụng gì. Nỗi sợ hãi bị người cha hắt hủi khiến đôi vai bé nhỏ của Bông không ngừng rung lên bần bật. Tôi đứng bên, im lặng trong sự ái ngại. Tôi im lặng. Vì thật ra cũng chẳng biết nói gì. Ái ngại là vì trong khi Tí đang ra sức dỗ dành con bé thì tôi chỉ biết chôn chân, không nói không rằng như một thằng ngố. Chiều dần buông. Dăm ba sợi nắng tàn nhàn nhạt như tơ vương trên những ngọn cây lao xao gió luồn qua lá. Khói bếp tỏa ra từ những mái tranh, lẫn vào không khí, gửi gió đưa đi khắp nơi cái vị dịu thơm của nồi cơm gạo mới, hương giềng nồng của miếng cá kho hay cái chất chua thanh của bát canh dầm sấu. Trong cái khung cảnh man mác mà sum vầy ấy của buổi chiều hôm, ba đứa trẻ đứng bên nhau, một cô bé nức nở trong tiếng khóc nghẹn ngào, một cậu bé nhẹ nhàng an ủi và một cậu bé khác, đứng cạnh bên, lặng im với những nghĩ suy thơ dại.
- Bông nín đi, anh có cách giúp Bông rồi! Bố Bông không lùa Bông ra đồng nữa đâu. – Giọng tôi cất lên lanh giữa cái bầu không vốn chỉ nỉ non tiếng khóc của con bé.
Bông sụt sùi ngẩng mặt lên:
- Anh Cò biết cách gì ạ?
- Ừ, anh có cách, chắc chắn bố Bông không đưa Bông đi nữa!
- Mày có cách thật á? – Tí hỏi dồn, đôi mắt lấp lánh những hi vọng.
- Chắc cú luôn! – Rồi tôi ra hiệu Tí và Bông chụm đầu lại với mình – Thế này nhé, có phải bố Bông bảo Bông là vịt giời nên mới lùa Bông ra đồng đúng không? Anh thấy vịt giời hay bơi ở mấy cái ao to. Thế thì vịt giời phải biết bơi đúng không? Bây giờ em nói với bố là em không biết bơi. Thế thì rõ là em không phải vịt giời còn gì. Mà nếu không phải vịt giời thì bố em chả lùa ra đồng nữa!
- Nhưng mà bố em chả tin đâu. – Bông lại khóc.
- Thế thì phải chứng minh cho bố em tin chứ!
- Chứng minh thế nào được? – Tí hỏi.
Phíaphía bên kia, đối diện ngõ nhà Tí có một cái ao không rào ven bờ. Tôi chợt nảy ra một ý, bèn chạy ra ngõ, rồi ngoắc tay ra hiệu Bông và Tí đi theo. Luồn qua một kẽ hở dưới chân hàng rào, Bông chui sang, cùng Tí lạch bạch chạy theo tôi.
Ra đến ao, tôi mon men lại sát bờ, ngó nghiêng một hồi. Nước có vẻ không sâu lắm, đứng trên bờ, có thể thấy rõ những con ốc đang bám ở thành ao. Ao không thả bèo, nước xanh như màu ngọc bích. Trên bờ, một cây sung ngả thân nghiêng cành ra ao, từng đợt lộp độp rụng xuống những trái sung chín mềm. Bỗng mặt ao như rung chuyển, dưới làn nước xanh, mấy con cá chuối đầu tròn, mình thon lao vun vút như tên đến những trái vừa rụng xuống. Mải ngắm đàn cá, tôi bỗng giật mình nhớ ra việc mình phải làm, tôi quay lại, nhìn thẳng vào mắt Bông:
- Bây giờ, anh Tí sẽ đi tìm bố Bông. Còn Bông thì sẽ đi xuống ao, đừng sợ, không đi xa đâu. Em đứng ở gần bờ thôi nhé! Lúc nào bố em đến, em sẽ giả vờ vùng vẫy như thế này – Tôi khua chân múa tay loạn xạ - rồi kêu lên “Cứu, ai cứu với, tôi không biết bơi”. Rồi bố em sẽ xuống mang em lên bờ. Như thế, bố sẽ biết em không biết bơi. Thế thì em rõ là không phải vịt giời còn gì?
- Thế có sao không, lỡ Bông bị thụt xuống sâu thì sao? – Tí lo lắng.
- Chắc chắn là không sao, - tôi phẩy tay – Bông sẽ chỉ đứng ở gần bờ thôi. Và tao sẽ đứng đây cùng với Bông. Mày đi gọi bố Bông đi. Nhanh lên nhé, tao còn phải về!
- Bố em đang ở trong nhà ấy! – Bông bảo.
Trong khi Tí chạy đi gọi bố Bông ra, thì tôi ở lại với con bé. Bông trông vẫn còn buồn lắm, nó không khóc nữa nhưng cứ nín thinh không nói câu nào, tay vân vê tà áo rồi lại bứt cái lá sung xé vụn đi. Tôi muốn nói câu gì đó với con bé. Một lời an ủi, hay một câu đùa vui cũng được. Nhưng tôi lại ngại, ngại không biết phải bắt đầu thế nào, cũng chẳng biết phải nói cái gì. Thế là thành ra hai đứa cứ đứng im bặt như thế, im ắng hơn cả màn ráng chiều đang chầm chậm tràn khắp ngả.
- Bố em kìa! – Bông bỗng kêu lên khe khẽ.
Tôi nhìn về hướng nhà Bông. Trong ánh sáng nhập nhoạng, một bóng người cao lớn đang lao từ trên hiên nhà xuống sân, theo sau là một cái bóng nhỏ loắt choắt. Vội vàng, tôi đẩy lưng Bông về phía trước.
- Nhanh, em bước xuống đi, nhanh!
Lập cập ngồi xuống mép ao, Bông trượt người xuống. Nước không sâu lắm, mới chỉ lưng lửng bắp đùi con bé. Tôi quay lại, bố Bông đã chạy gần đến đầu ngõ. Chợt một tiếng “Tùm!”, Bông thét thất thanh:
- Cứu với, bố ơi bố cứu con với!
Tôi quay lại. Giữa làn nước, Bông đang vẫy vùng loạn xạ, tay chân đập liên hồi, nước văng tung tóe, bắn cả lên bờ. “Con bé cũng biết giả vờ đấy chứ”, tôi nghĩ thầm, rồi cũng bắc loa tay mà gào:
- Cứu với, ai cứu chúng cháu với, em cháu bị ngã xuống ao rồi!
Rồi tôi nhìn xuống, định bụng thè lưỡi cười với Bông một cái. Nhưng nụ cười chưa kịp nở đã tắt ngấm khi tôi nhận ra rằng: từ lúc nào, Bông càng lúc càng trôi ra xa bờ. con bé đang thực sự vùng vẫy cầu cứu. Tôi rụng rời chân tay, trong đầu lóe lên ý nghĩ đầu rằng con bé có thể sẽ chết. Tôi òa khóc, miệng gào thảm thiết:
- Ai cứu em chúng cháu với, em cháu ngã xuống ao thật rồi này! Không phải giả vờ đâu!
Tiếng “Con ơi!” chợt thét lên xé rạch không gian. Một bóng đen nhảy tùm xuống nước, lao đến chỗ Bông đang chới với. Tôi đứng trên bờ, tự dưng nước mắt tuôn lã chã. Tí cũng vừa lao đến! Từ các con ngõ nhỏ, người người túa ra, bước chân rầm rập rung chuyển cả đường làng. Một bác trai từ đâu chạy đến cũng lao tùm luôn xuống nước. Mấy cô, mấy bác đứng trên bờ nhớn nhác:
- Chết, con nhà ai đấy, khổ quá!
- Hình như con Bông nhà cô Lý thì phải.
- Khổ thân, mẹ vừa đẻ, chắc không ai trông, mon men ra ao chơi rồi lăn tõm xuống đây mà!
Bì bõm dưới nước một lúc, bố Bông với bác trai kia mới đưa được con bé lên bờ. Mấy bác trên bờ xúm lại, đỡ lấy con bé, đặt nó nằm xuống vệ cỏ. Bố Bông mặt méo xệch, hết vuốt tóc, sờ má lại nắm tay, xoa chân con bé, cuống quýt như đứa con nít.
- Con ơi! Con ơi!
Bông từ từ mở mắt. Bố nó mừng húm. Người xung quanh ồ lên nhẹ nhõm. Vén mấy lọn tóc ướt nhẹp đang dính trên má con bé, bố Bông nắm tay con lắc lắc:
- Bố đây con, có sao không con? Trời ơi khi không ra ao làm gì cho lộn cổ xuống thế này?
Con bé mím môi, rồi nó bắt đầu khóc. Ban đầu chỉ là những tiếng ư ử trong miệng, rồi dần dần bật thành tiếng, nó nức nở:
- Bố ơi, con không biết bơi, con không phải vịt giời, bố đừng lùa con ra đồng bố nhé! Cả chị Hạnh, chị Hoa, em Mến, cả mẹ, cả em bé nữa, bố đừng bố nhé!
Bố Bông sững người. Rồi ông cúi xuống, ôm thốc con bé vào lòng, nghèn nghẹn cả giọng:
- Ừ, bố nói đùa đấy, bố không lùa đứa nào đi cả. Con bố, bố để bố nuôi!
Chung quanh, ai nấy im phăng phắc. Một bác gái đứng cạnh tôi len lén chùi nước mắt. Có rất nhiều nước mắt đang rơi. Có giọt nước mắt sợ hãi của đứa bé gái, có giọt nước mắt ân hận của người cha, có giọt nước mắt xót thương của một người phụ nữ. Và còn có cả một giọt nước mắt trong veo vừa rớt xuống từ đôi mắt ngây thơ, non dại rồi đậu lại trên mu bàn tay Tí, nóng hổi!