Tôi đặt tay lên chỏm đầu tròn của con Bim, xoa nhè nhẹ. Lớp lông mọi ngày vàng óng, mượt như nhung giờ rối nùi, dính bết dưới lòng bàn tay tôi. Bim gục đầu xuống, đôi mắt nhắm nghiền, hai lỗ mũi đen bóng ươn ướt phì phò thở, dường như nó đã mệt lắm rồi.
- Uống một tí ti đi Bim, mày cứ không ăn như thế là chết đói đấy!
Giọng nghẹn như muốn khóc, tôi đẩy nhẹ bát sữa nóng ra trước mũi Bim.
Bim hé mắt, đầu hơi ngóc lên rồi lại thả phịch xuống. Nó rúc mặt vào cẳng chân trước đang khoanh tròn co ro, toàn thân lẩy bẩy run, cái đuôi bông xù duỗi sõng soài trên nền nhà.
Đã là ngày thứ năm từ lúc Bim bắt đầu ốm. Một chiều đi chơi về. tôi không thấy Bim chạy ra ngõ, ngoáy tít cái đuôi đón tôi như mọi hôm. Bim ốm rồi, nó nằm ủ rũ trong góc nhà. Bữa cơm hôm đó, tôi lén tuồn cái đùi gà rang óng mỡ được bố gắp cho xuống dưới chiếu, để phần con Bim. Nhưng cơm canh nguội ngắt mà cái đùi vẫn còn nguyên đó. Miếng thịt gà thơm nức cũng không đủ sức nâng cái đầu tròn có xoáy lông đẹp như bông hoa của Bim lên khỏi những cơn đau âm ỉ và nỗi mệt mỏi cùng kiệt. Từ hôm đó đến giờ, tôi chẳng buồn đi chơi, cả ngày chỉ quanh quẩn bên cái ổ rơm Bim nằm dưới góc bếp. Tôi yêu Bim lắm. Từ cái hôm bố bế Bim về từ bầy chó con mới đẻ ở nhà bà nội, tôi đã thích mê cái con cún bé tí có bộ lông vàng óng ả, nằm gọn trong tay bố, ngoan ngoãn như củ khoai. Bát cơm của Bim lúc nào cũng được thêm miếng thịt luộc, khúc cá kho hay vài con tôm sông bé bằng ngón tay út mà tôi bớt ra từ phần ăn của mình. Tôi đi đâu, Bim chạy theo đó. Bãi đá, bờ sông, cánh đồng, triền cỏ, đâu đâu cũng thấy bóng hai đứa tôi. Ngày qua tháng lại, con cún con ngày nào lon ton sau chân tôi giờ đã thành chú chó cao ngổng, nhanh nhẹn và tinh khôn. Thế mà giờ đây, anh chàng nghịch ngợm, hoạt bát ấy lại đang yếu ớt nằm rũ trên sàn nhà.
Tôi mím môi, một dòng nước nóng lăn trên má. Nâng cặp chân trước của Bim lên, tôi ôm nó vào lòng, sụt sùi khóc:
- Mày phải ăn mới khỏi ốm được. Mày phải khỏi ốm để đi chơi với tao nữa chứ! Mày mà không khỏi ốm, mẹ sẽ mang mà sang nhà bà Tám “đen”!
Tám “đen” là tên bà chủ quán thịt chó đầu làng. Đó là một người phụ nữ thấp đậm, nước da đen sạm, khuôn mặt dài ngoằng với đôi gò má cao, bóng loáng. Ngày thứ hai con Bim bỏ ăn, tôi thấy mẹ đứng nói chuyện với bà Tám bên gốc xoan đào cạnh quán. Bà Tám gật gật đầu. Lúc ấy, tôi sợ lắm, tôi chắc mẩm mẹ định bán Bim cho bà Tám xẻ thịt nên lao tới, giằng lấy tay mẹ mà khóc rầm rĩ: “Mẹ không được bán Bim cho bà Tám! Không được! Bim sắp khỏi rồi, mẹ mang nó đi khám bác sĩ thú y là nó khỏi! Mang cho bác sĩ thú y, không được mang cho bà Tám!”. Mẹ dỗ dành tôi, mẹ bảo không bán cho bà Tám đâu, mẹ bảo mẹ đang hỏi bà Tám có biết bác sĩ thú y ở đâu không để mang Bim đi chữa bệệnh. Tôi nghe vậy mới chịu nín, nhưng vẫn còn sợ lắm. Mấy đêm nay, đang ngủ, tôi cứ hay bị giật mình. Tôi sợ nửa đêm, bà Tám đến bắt Bim đi mất!
Nghĩ đến khuôn mặt doài ngoằng có đôi gò má cao trông ác ác của bà Tám đang cười ha hả bên những con chó thui vàng ruộm, treo lủng lẳng, tôi rùng mình, thấy ơn ớn ở sống lưng. Tựa người vào tường, tôi siết tay ôm chặt lấy Bim. Tiếng rên ư ử mệt mỏi xen lẫn tiếng khóc rưng rức. Cứ như thế, tôi thiếp đi trong nước mắt và nỗi sợ hãi mơ hồ.
Trên nhà vọng xuống tiếng nói cười rôm rả. Tôi giật mình mở mắt. Trên tay tôi, Bim đã lả đi vì mệt. Vừa vuốt ve lưng Bim, tôi vừa vểnh tai lắng nghe. Là giọng mẹ tôi, đang trò chuyện với một người đàn ông nào đấy. Tiếng trò chuyện cứ nhỏ dầntôi thoáng nghe câu được câu chăng, rồi bỗng tê cứng người khi ba từ “con chó ốm” vừa phát ra từ miệng mẹ.
Tôi khóc ré lên, một ý nghĩ kinh hoàng vừa lóe lên trong tâm trí non nớt, ngây ngô của đứa bé lên tám. Đang mải tiếp khách, mẹ tôi giật mình bởi tiếng khóc vọng từ dưới bếp lên, bà vội chạy xuống bếp. Bên ổ rơm, tôi ngồi khoanh chân, cạnh đó là con Bim, mắt lim dim trong những tiếng rên không ngớt, đang gối đầu lên chân tôitôi. Đúng lúc ấy, một người đàn ông xuất hiện bên cạnh mẹ, là vị khách mà mẹ đang tiếp chuyện ban nãy.
- Mẹ sắp bán con Bim đúng không? Mẹ đừng! – tôi nấc lên – Nó sắp hết ốm rồi, đây này, con cho nó uống sữa Ông Thọ là nó hết ốm ngay. Mẹ đừng bán!
Mẹ ngồi xuống cạnh con Bim, dỗ dành:
- Không, mẹ có bán đâu. Đây là mẹ gọi bác sĩ thú y đến chữa cho nó chứ! Đây, - mẹ chỉ tay về người đàn ông – mẹ mời chú về đưa Bim đi bệnh viện. Mấy nữa nó về là nó khỏi ốm ngay!
Tôi ngước lên. Qua làn nước mắt nhòe nhoẹt, tôi thấy một người thanh niên nhỏ thó, da đen nhám, anh ta mặc một cái áo phông ngà màu cháo lòng, rách lốm đốm, khắp người phảng phất một mùi hoi nồng, tanh tưởi. Anh ta đứng đó, nụ cười nửa miệng thấp thoáng trên môi một cách khó hiểu.
- Chú ấy chả giống bác sĩ thú y, - tôi thầm thì với mẹ.
- Ai bảo thế, - mẹ kêu lên – bác sĩ thú y thật đấy!
- Chú là bác sĩ thú y đây, - người thanh niên bỗng bật cười thành tiếng, rồi cho tay vào lục lọi cái túi đeo bên hông, lấy ra một lọ thuốc không nhãn và một ống kim tiêm – đây là thuốc và kim tiêm để chữa bệnh cho con chó của cháu, con gì nhỉ?
- Con Bim! – Tôi kêu lên, cảm thấy vững tâm hơn khi tận mắt thấy được đống “đồ nghề” của bác sĩ.
- Ờ, ờ, con Bim! Chú sẽ mang nó về bệnh viện của chú để chữa bệnh cho nó. Mấy ngày là khỏi. Đồng ý chưa?
Tôi nhìn mẹ, nhìn người thanh niên rồi lại cúi xuống nhìn con Bim. Tấm lưng xơ xác của nó đang nâng lên hạ xuống theo từng nhịp thở khó nhọc. Chùm đuôi bông xù duỗi ra trên nền đất âm ẩm. Chốc chốc, nó hé đôi mắt nâu ướt nhìn tôi rồi thè lưỡi, liếm tay tôi một cách khó nhọc rồi lại gục xuống. Bim ốm nặng quá. Dù tôi đã nhường cho nó bao nhiêu thịt cá, nhường cả cốc sữa Ông Thọ nóng hổi, ngọt lịm mà mẹ pha cho mỗi sáng thì Bim vẫn chẳng hề khỏe lại. Không thể để nó thế này được, phải mang đi bác sĩ thôi. Tôi quả quyết trong dạ, rồi ngước lên nhìn chú “bác sĩ”:
- Cháu đưa Bim cho chú, chú chữa cho nó khỏi nhanh để nó về đi chơi với cháu nhé!
- Ừ, chữa nhanh thôi! – Chú “bác sĩ” trả lời cụt ngủn, nụ cười nửa miệng lấp ló trên môi.
***
Đặt con Bim nằm yên vị trong chiếc cũi sau xe và chằng buộc cẩn thận, người thanh niên mới ngồi lên xe, đạp cho máy nổ phành phạch. Tôi hớt hải cầm cái ổ rơm chạy theo:
- Chú ơi chú quên cái ổ. Không có cái ổ rơm này con Bim nó không chịu ngủ đâu!
- Thôi thôi, - chú ta xua tay – nhà chú nhiều ổ rơm lắm, không cần đâu!
- Nhưng mà không phải ổ của nó, - tôi hét lên – không phải thì nó không ngủ đâu!
- Thôi đưa đây, - chú ta giật lấy cái ổ rơm từ tay tôi, nhét vào khoảng trống giữa lưng chú ta với cái cũi, vẻ mặt bực bội khó coi.
Luồn tay qua khe hẹp giữa hai thanh sắt hoen rỉ của cái cũi, tôi nhẹ nhàng vuốt ve đầu Bim. Bim nằm trong đó, đôi mắt cố mở to, ánh nhìn có gì đó thật thảng thốt. Lẫn trong tiếng rên ư ử là tiếng “gâu” thật khẽ như một lời cầu cứu vì bệnh tật và đau đớn níu chân nên không thể thoát khỏi cổ họng. Tôi ngân ngấn nước mắt:
- Nó thích ăn sườn lắm, chú trộn cơm cho nó nhớ bỏ cả sườn vào chú nhé! Cá rán nó cũng thích ăn nữa ạ!
- Chia tay chia chân xong chưa? – Chú ta quát, có vẻ sốt ruột lắm rồi.
Nhìn bản mặt cau có của chú “bác sĩ”, tôi sợ hãi, rút vội tay ra. Chiếc xe nổ máy phành phạch rồi phóng vụt đi. Qua làn khói mịt mù phun ra từ ống pô, tôi thấy cái đầu con Bim, hình như vừa ngóc lên rồi lại đổ ập xuống. Chiếc xe dần mất hút sau khúc quanh của con đường làng. Tôi đứng tần ngần, đôi mắt ngơ ngẩn nhìn theo đám bụi đường cuồn cuộn mà chiếc xe để lại.
Đêm xuống, mưa rả rích. Một đêm chập chờn với giấc ngủ đứt quãng trong tiếng nấc thổn thức và những giấc mộng đáng sợ theo mưa kéo đến, che kín cả trời sao.
Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm. Cơn mưa đêm qua tan đi từ mờ sáng, để lại trên nềền trời xám xịt rặt những mây. Khi múc nước từ bể lên, tôi thấy khuôn mặt mình in trên đó, mắt sưng húp còn tóc tai thì bù rối như tổ quạ. Vã nước lên mặt rửa qua loa, tôi thơ thẩn đi ra ngõ. Đang bứt mấy dây tơ hồng quàng trên bờ rào, tôi thấy Đẹt lừng lững lại gần.
- Mày dậy sớm ghê! – Đẹt cất tiếng trước – Tao đi đưa tiền cho bà Tám “đen”! Bố tao nợ tiền thịt chó của bà ấy!
Nghe đến hai từ “thịt chó”, tôi bỗng rùng mình nghĩ tới con Bim. Vò nát nắm tơ hồng trong tay, tôi bảo Đẹt:
- Thế tao đi với, ở nhà chán quá! Xong bọn mình đi bắn bi.
- Xong ngay, gọi cả bọn thằng Tí nữa nhé! Mấy hôm nay không thấy mày đi chơi với bọn tao rồi!
Men theo con đường đất còn lầy lội sau cơn mưa đêm qua, hai đứa tôi thẳng hướng đến quán bà Tám. Đến nơi, để tôi đứng ngoài, Đẹt chạy tọt vào trong quán tìm bà Tám. Còn lại một mình, tôi sợ hãi nhìn con chó thui vàng ruộm treo lủng lẳng ở đầu quán. Bỗng tôi thấy nhớ con Bim vô hạn.
- Bà chủ ơi, trông nồi xáo trên bếp!
Một giọng nói the thé cất lên làm tôi phải chú ý bởi nghe quen lắm. Trong quán, một người đàn ông đội mũ phớt đen không thấy mặt đang hì hục lau bàn, dáng người thấp nhỏ, đen đúa trong cái áo phông màu ngà lốm đốm rách. Ở một góc quán, một cái ổ rơm vàng nằm chỏng chơ.
Mặt tôi bỗng nóng ran và lưỡi thì như tê cứng lại. Có cái gì đó nghèn nghẹn ở cổ họng như sắp vỡ tung ra nhưng bị ghì chặt lại bởi nỗi sợ hãi tột độ. Môi giật giật, hai đầu gối tôi như nhũn ra. Từ trong quán, Đẹt bước ra, khuôn mặt hớn hở bỗng tắt lịm nụ cười khi thấy thằng bạn đang run rẩy đến tội nghiệp:
- Mày sao thế? Ốm hả? – Đẹt ngạc nhiên.
Những lời hỏi han của Đẹt chẳng khác gì mồi lửa châm ngòi cho quả pháo. Tôi vỡ òa trong nước mắt, nức nở trong cơn đau giữa lồng ngực. Mấy ông khách mới sáng sớm đã lê la thịt chó trong quán ngơ ngác buông đũa xuống, nhìn tôi và Đẹt chằm chằm.
Đẹt ú ớ, nó chẳng thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra:
- Ớ mày sao thế? Khóc như con gái thế à? Xấu hổ lắm, thôi đi! Bà Tám vừa cho tao mấy miếng dồi chó nướng này – Đẹt giơ cái túi bóng con con thơm ngào ngạt lên – Tao cho mày một miếng, nín đi!