Từ những nhánh rễ đâm vào sâu lòng đất, cây nhãn vươn mình, trải bóng lá rợp cả một khoảng sân đình. Lá nhãn xanh thẫm, trơn bóng, thuôn thuôn như đôi mắt liếc, san sát với nhau thành chùm, từng chùm kết lại thành tán, nhiều tán đan thành vòm lá xum xuê, xanh rười rượi; ấp bên trong mấy chú chim đang ríu rít chuyền cành.
Dưới bóng cây, bên gốc nhãn xù xì màu nâu mốc, tôi ngửa mặt lên, ngắm một chùm nhãn non lấp ló qua kẽ lá. Hoa nhãn vừa tàn, quả non đã nhú. Những quả con bé như hạt lạc, đậu sát nhau thành chùm, lúc lỉu, đu đưa trong gió. Quả non còn khô mưa, nhạt nắng mà trong tâm trí, tôi đã mường tượng ra cái vị ngọt đậm đà của lớp cùi quả trắng đục, giòn thơm đang lan thấm nơi đầu lưỡi.
- Cắt tiếp đi, mày hếch cái mặt lên nhìn gì đấy hử?
Tiếng Bủm chợt vang lên. Cái mộng ngọt như đường của tôi vỡ tan như bong bóng dưới nắng. Tôi giật mình quơ cái kéo dưới chân, tiếp tục cắt những đường cắt còn dang dở. Xung quanh, mấy thằng bạn cũng đang miệt mài với phần việc của mình. Đẹt ngồi khoanh chân, gò lưng tỉ mẩn gọt những thanh nan tre. Tí và Còi bò lom khom ra đất, đo đo cắt cắt mấy tờ giấy rồi ghép với nhau. Ở góc kia, Bủm đang cặm cụi cuộn từng vòng dây quanh một lon thiếc rỗng. Đứa nào cũng tất bật, chiều nay, chúng tôi làm diều.
- Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ? – Tí ngẩng lên.
- Tao không biết, tao không có đồng hồ! – Đẹt đáp.
- Phải nhanh dán diều đi, còn phải chờ hồ khô mới thả được. Sắp đến lúc có gió to rồi đấy! – Tí hướng mắt về phía cánh đồng.
Bọn tôi dừng tay, nhìn về phía xa xăm trước mắt. Lũy tre xanh đang nổi gió rì rào, từng đàn cò xao xác tung cánh xếp thành hàng, bay mãi về phía chân trời cho đến khi chỉ còn một vệt trắng nhỏ trên nền trời thăm thẳm.
- Gió càng to thì diều bay càng cao! – Đẹt cười tít mắt, nó rướn cổ bắt nhịp, chúng tôi hòa giọng theo:
- Diều ơi bay vút lên cao
Trông mây đón gió mà lao lên trời
Trên cao nắng gió gọi mời
Đừng sà mặt đất, diều cười bên mây!
Đấy là khúc đồng dao quen thuộc của lũ trẻ quê tôi. Vừa nghêu ngao hát, chúng tôi vừa cười vang, tiếng cười trong giòn như tiếng mảnh nắng khô đang vỡ vụn bên thềm!
- Với cả, diều phải làm chắc và đúng cách nữa, - Tí bảo, - anh Hào bảo tao phải có tay làm diều mới bay cao được.
- Chính xác! – Đẹt tuyên bố, nó giơ cái nan tre đang vót dở lên – Bộ phận quan trọng nhất của cái diều chính là cái này đây. Và nếu không được vót cẩn thận thì còn lâu diều mới bay được. Và tao – Đẹt ưỡn ngực – sẽ là người chế tạo ra bộ nan tre thần thánh!
- Xin mày, - Còi xì một tiếng rõ dài – Nếu không có cái thân diều mà tao và thằng Tí đang cắt đây, thì cái diều của mày định bay lên bằng khung tre chắc!
- Bay cao thôi thì chả có gì để nói. Phải vừa cao vùa đẹp mới là nhất, nhìn mấy cái dải rua diều tuyệt đẹp của tao đây! – tôi giơ dải giấy được cắt cầu kì theo đường zíc zắc lên.
- Nếu không có dây thì diều của bọn mày bay cao lắm, cao lên thiên đình rồi hết đường về luôn hả? – Bủm trợn mắt.
- Thôi – Tí gắt khe khẽ - cái nào chả quan trọng. Bọn mày cứ cãi nhau đi, hết gió rồi về nhà bật quạt mà thả diều nhé!
Bọn tôi thôi không cãi nhau nữa, tiếp tục cắm cúi cắt tỉa. Tôi ngắm dải dây vừa mới cắt xong, khuôn mặt xem chừng mãn nguyện lắm. Chợt thấy cái màu trắng trơn của dải giấy sao mà đơn điệu, nhạt nhẽo, ttôi vớ cái bút chì, định bụng sẽ điểm lá tô hoa vài đường cho thêm phần bắt mắt. Nhưng vẽ gì được nhỉ? Tôi không biết, mà cũng chẳng biết vẽ. Bài Mĩ thuật nào trên lớp của tôi cũng bị thầy chê và những giờ tập tô với tôi luôn là nỗi ám ảnh. Tôi quyết định không vẽ nữa. Thay vào đó, tôi sẽ viết tên những ai mà tôi thích, để họ cùng diều sẽ bay bổng với mây trên trời. Nhưng tôi yêu ai nhất? Mẹ chăng? Không đâu, đến tận chiều hôm qua, tôi vẫn tin chắc rằng mẹ là người mà tôi yêu nhất trên đời. Nhưng rồi sau bữa cơm tối, khi tôi đang xem dở tập Tom và Jerry, thì mẹ bỗng tắt phụt tivi, lôi tôi vào nhà tắm và mắng um lên vì cái tội ở bẩn. Thế là mất toi một tập phim hay, và tôi thì quyết định sẽ không yêu mẹ nhất nữa. Thế rồi, tôi lại phân vân giữa bà ngoại với em Tẹt. Em gái tôi xinh xắn, hai má hồng tròn tròn như má búp bê, nhưng phải cái hay khóc nhè và không bao giờ cho tôi tiền mua kẹo như bà ngoại. Nghĩ đến đấy, tôi đặt bút viết hai chữ “bà ngoại” to tướng lên dải dây diều.
- Xong nan! – Đẹt hét lên.
- Xong bụng diều! – Tí và Còi cùng la lớn.
- Gần xong dây! – Bủm hấp tấp chen vào.
Cầm theo thành quả công việc mà mình được phân, mấy đứa tôi tụ lại, quây quần quanh Tí, chăm chú nhìn từng cái hất tay rất khẽ của nó. Những chiều hè đầy gió, nếu phóng tầm mắt về phía xa xăm, giữa bao nhiêu chiếc diều lơ lửng lưng trời, bỗng có một chiếc vút cao hơn cả những đám mây. Lũ trẻ chúng tôi thường kháo nhau: “Diều anh Hào”. Con diều thanh thoát tạo ra từ bàn tay tài hoa, khéo léo của anh Hào luôn là niềm thích thú vô bờ đối với những đứa trẻ con nơi đây. Kém anh 6 tuổi, dáng vẻ tuy có nhiều khác biệt, nhưng sự tài hoa của anh Hào vẫn hiện hữu trên đôi bàn tay bé nhỏ của Tí, và đôi bàn tay ấy lúc này đang thoăn thoắt trước những cặp mắt ngưỡng mộ, trầm trồ của lũ chúng tôi.
Uốn cong thanh cật tre một cách cẩn thận, Tí kéo dây, một đầu Còi giữ, một đầu Tí buộc. Buộc xong bên này, Tí căng dây, buộc nốt đầu kia. Thanh tre lượn một hình cánh cung mềm mại, được định hình chắc chắn bằng dây sợi. Đặt cung tre lên bụng diều, Tí phết hồ lên những mảnh giấy to độ ngón tay út rồi dán đè lên.
- Dán ở mép thì cung tre sẽ chắc hơn! – Tí giải thích.
Đặt thanh tre còn lại vào chính giữa bụng diều, đè lên và vuông góc với cánh cung tre, Tí tiếp tục phết hồ và dán. Cố định xong bộ nan và thân diều, Tí luồn dây qua hai lỗ nhỏ được khoét sẵn hai bên thanh tre thẳng và hai lỗ ở đoạn giao nhau giữa cung diều với thanh tre, nối chúng lại với nhau rồi nối với đầu dây kéo bên ngoài. Ngồi cạnh tiếp dây, mắt Bủm chăm chăm theo từng cử chỉ thoăn thoắt của Tí.
Hình như ngồi mãi không có việc gì làm khiến Còi thấy buồn chân buồn tay ghê lắm. Nó vớ lấy túm rua diều, rồi bảo:
- Để tao dán nốt cái đuôi nhé!
- Gượm đã, - Đẹt nhìn túm rua diều – đứa nào viết cái gì lên đây này!
- Tao đấy – tôi tít mắt lại – bà thương tao nhất, nên tao viết tên bà lên!
- Thế tao cũng viết, tao sẽ viết cái ô tô điều khiển từ xa trên tivi lên. – Còi chộp lấy cái bút.
- Tao, tao nữa! – Bủm cũng xông vào.
Đẹt đã chậm một bước, Còi và Bủm đã chiếm hết hai cái tua diều còn lại. Cầm mẩu chì gãy còn lại đang lăn lóc trên đất, Đẹt hậm hực:
- Tao thèm vào, viết vào đây mới oách! – Rồi nó với lấy cái bụng diều vừa ráo hồ.
Nhưng hỡi ôi, thay vì úp mặt giấy trơn xuống rồi ngửa mặt dán khung tre lên mà viết, Đẹt lại làm ngược lại. “Roạt”, dưới sức mạnh của năm ngón tay múp míp, cái đầu nhọn của ẩm ẩu chì đã đâm toạc mặt giấy!
- Ối trời ơi, - Tí kêu lên – Hỏng hết cả rồi!
- Thằng đần! – Bủm tru tréo – Giờ lấy gì mà chơi đây!
Đẹt đần cả mặt ra. Thân diều toạc một mảng rộng bằng hai ngón tay chập lại. Mặt Đẹt bắt đầu nhăn nhó. Giấy thì đã hết sạch và tình hình xem ra khó có thể cứu vãn được.
- Cầu trời cho có ai đá thủng đít mày đi! – Còi gào lên, dậm chân bành bạch, ra chiều muốn sút thẳng vài cú vào cái mông ú na ú nần của Đẹt mà không dám, hẳn vì sợ rằng Đẹt sẽ chẳng may mảy xây xớt mà chính Còi sẽ văng ra tận ngoài đồng.
Bỗng Tí chỉ tay về phía cây cầu trước đình:
- Ô, bố mày phải không Đẹt?
Đẹt giương mắt lên nhìn, một người đàn ông đội mũ cối đang rảo bước trên cầu. Đúng là bố Đẹt thật. Nhưng ông có việc gì mà đi qua đây? Gọi Đẹt về ăn cơm chăng? Không, giờ hãy còn sớm lắm!
- Thằng Đẹt đâu? – Vừa vào đến sân, bố Đẹt đã gọi ầm lên – mày lấy hai tờ giấy bố để trên bàn đúng không?
- Không, con lấy hai tờ ở dưới chân ghế! – Đẹt lắc đầu.
- Cái gì, đâu? – Mắt bố Đẹt trợn tròn, rồi nhìn vào con diều tả tơi trên tay Đẹt, ông giật phắt lấy, dí mắt vào soi những dòng chữ in tí hin trên đó, hét lên – Ranh con mất nết, giấy tờ của bố, mày đem ra cắt diều thế này à? – rồi ông túm lấy áo Đẹt, co chân tung một phát nảy lửa vào cặp mông ninh nính của nó – Về ngay!
Đẹt đã bị bố lôi về nhà trong tiếng kêu khóc ầm ĩ. Còn lại bốn thằng chúng tôi đứng chỏng chơ ở sân đình. Còi buồn ra mặt. Tuy rằng lời cầu mong ban nãy của nó đã thành hiện thực. Nhưng ôi chao, đấy là nó đùa thôi chứ ai muốn thế!