T
ôi chứng kiến rất nhiều phụ huynh đã đầu tư cho con mình học rất nhiều lĩnh vực cùng một lúc. Dẫu biết rằng cha mẹ nào cũng muốn đầu tư cho con để sau này tương lai của con được thành công và có cuộc sống tốt đẹp, nhưng cách của cha mẹ làm thì còn nhiều điều để bàn cãi lắm.
Tôi chia sẻ những câu chuyện sau đây để những ai làm cha mẹ có dịp nhìn lại, xem cái sự yêu thương của mình đã đúng chưa.
Tôi thấy bé nào học càng nhiều mà không biết cách sắp xếp thì bé đó vẫn rỗng kiến thức.
Mọi người nên nhớ rằng, học phải được đi đôi với hành, học hành - trải nghiệm và thẩm thấu thì mới giỏi được, chứ không phải “lướt qua” là mặc định đã được học rồi.
Tôi thấy nhiều phụ huynh có quan điểm đó, cứ nghĩ có mặt trong buổi học có nghĩa là học. Còn tôi thì lại nghĩ khác, góp nhặt được gì trong buổi đó mới gọi là học.
Nên khi dạy cho các học trò của mình, tôi kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ để làm tiền đề cho các bé sau này, khi lớn lên nó sẽ là một nền tảng vững chắc.
Tuy thế, có nhiều bé đến học rồi về, rồi đến học, rồi về… mà bố mẹ không tạo điều kiện cho con rèn luyện những gì được học. Bố mẹ không hiểu rằng nếu có thời gian thẩm thấu, con sẽ nhận được rất nhiều thay vì học kiểu chạy show, hay học như cưỡi ngựa xem hoa, vài bữa là quên sạch kiến thức và tất nhiên, không ứng dụng được gì từ bài học. Những cách học như vậy tôi thấy làm uổng phí công sức của cả thầy cô lẫn cha mẹ và các bé.
Phụ huynh phải nhận định rõ điều này: học để biết và học để làm được hoàn toàn khác nhau. Phần lớn phụ huynh cho con học để biết chứ không đủ kiên nhẫn cho con học để làm được.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phụ huynh chưa đủ kiến thức để thấy được điều đó!
Giáo dục của chúng ta phần lớn học chỉ để biết thôi, còn làm được hay không thì để mai tính.
Vì vậy, biết thì nhiều mà làm được chẳng bao nhiêu.
Không phải ngẫu nhiên mà bằng cấp của chúng ta không được quốc tế công nhận (trừ một số trường liên kết với quốc tế). Vì chúng ta đã quen cách giáo dục cũ kỹ, học sinh học thuộc lòng kiến thức như một con vẹt rồi chứ ít ứng dụng được trong thực tế công việc.
Nếu phụ huynh thấy rõ câu chuyện này thì hãy thay đổi về tư duy trong cách giáo dục con mình. Đừng chạy theo số đông nữa, số đông thường không phải là số có chỉ số IQ cao, số đông không phải lúc nào cũng đúng.
Phụ huynh phải thật bình tĩnh để hướng dẫn cho bé học như thế nào để: phát huy được sở trường, trang bị được kỹ năng đặc biệt, học cái gì phải thẩm thấu trải nghiệm và đi sâu vào cái đó, học cái gì phải biết cái đó. Và nhất là, học cái gì thật sự cần thiết và phù hợp cho bé trước. Tôi đã chứng kiến quá nhiều phụ huynh sai lầm trong cách hướng dẫn con mình mà thấy tội nghiệp cho những đứa trẻ đó. Liệu tương lai của những bé ấy sẽ như thế nào? Đáng nói là cho đến bây giờ, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa nhận ra sai lầm của mình đâu. Rơi vào trường hợp này, những đứa con tâm lý cũng chẳng đủ lớn để dám phản kháng nên hầu hết chọn cách im lặng.
Đọc xong câu chuyện này, tôi nghĩ mọi người sẽ có cái nhìn khác đi: Sẽ không còn bức xúc khi chứng kiến một người nào đó được học rất nhiều nhưng không biết gì cả, “lơ ngơ” trong thực tế; đặc biệt, khi đánh giá khả năng của một người sẽ không còn quan tâm đến bằng cấp mà chú ý đến kết quả đạt được trong thực tế công việc, qua những gì người đó làm được thôi.
Khi có cách nhìn nhận đúng đắn, anh chị sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Tôi cũng hy vọng tới đây, bố mẹ đã biết cách hướng dẫn con đi đúng đường, không phải mất thời gian, uổng phí tiền bạc, công sức, học chỉ để biết thôi chứ chưa làm được. Và điều cuối cùng, bố mẹ à, muốn có được cái gì, muốn thành công trong việc gì thì chúng ta đều phải trả giá đủ cho việc rèn luyện, chứ không có cái gì là có sẵn trên đời! Bây giờ là thời của công nghệ 4.0 rồi, bạn giỏi hay dở người ta biết hết chứ không có “múa rìu” được với ai. Nên cha mẹ hãy cho bé rèn giũa, mài rìu như trong câu chuyện Anh tiều phu đốn củi vậy đó. Chặt phát nào là cây ngã phát đó vì ảnh đã mất thời gian bỏ công sức mài rìu cho thật sắc rồi. Vậy thì hãy thúc đẩy các bé rèn luyện cho thật giỏi về lĩnh vực đã chọn để nhắc đến mình, người ta có sự tôn trọng nhất định nhe các anh chị phụ huynh!
Hãy học thật sự, đừng cưỡi ngựa xem hoa quá nhiều, đến khi cần, sẽ thấy được giá trị của sự khác biệt.
Tôi chia sẻ câu chuyện này vì thấy có một thực tế: bé nào thường được cha mẹ cho học nhiều thì học cái gì cũng tà tà và không đi được đến đâu cả. Có khi những bé như vậy thua xa những bé mới vào, bởi mặc dù học lâu nhưng cái gì cũng lơ mơ, lý do là bữa học bữa nghỉ. Cùng một giờ học, có khi bé phải chạy show tận hai trung tâm đào tạo khác nhau, nên mỗi nơi chỉ học được một lúc. Thử hỏi sao bé giỏi được? Và kết quả là mặc dù học lâu nhưng bé không thể làm được gì cả. Khổ nỗi, mẹ bé lại cứ nghĩ rằng học càng nhiều thì càng tốt mà quên mất cần phải biết quản lý, sắp xếp thời gian cho hợp lý. Học buổi nào là phải trọn vẹn buổi đấy thì học nhiều mới có kết quả. Chứ không phải cứ học dồn nhiều môn vào cùng một thời điểm là có kết quả tốt đâu.
Thế nên, môn học “Cách quản lý thời gian hiệu quả” mới ra đời là vậy!