T
hưa các anh chị phụ huynh, trong tất cả chúng ta, có ai sống và làm việc một mình không?
Chắc chắn là không rồi! Dù có muốn hay không thì sau này lớn lên, ai cũng phải làm việc chung với một cộng đồng hay một tập thể. Vậy tại sao từ nhỏ, chúng ta không dạy cho đứa trẻ biết điều này? Một kỹ năng mà chắc chắn có thể ứng dụng trong đời sống thực tế của mỗi người, sao chúng ta lại không trang bị sớm cho trẻ?
Đừng quên rằng những nhà lãnh đạo cấp cao, những người làm chủ đều phải học và quan tâm đến kỹ năng làm việc nhóm.
Ngộ lắm, tôi thấy cái gì cần thì ít ai chịu học, đa số hùa theo sự lựa chọn của số đông.
Và câu chuyện tôi sắp kể đây cũng về nghịch lý ấy.
Qua những chương trình học viện Ngôi Nhà Tuổi Thơ tổ chức cho các bé, tôi mới phát hiện rằng quá nhiều cha mẹ chưa biết cách làm việc nhóm, chưa có kỹ năng làm việc tập thể nên chưa hiểu hết câu chuyện làm việc tập thể là như thế nào.
Trước tiên, tôi sẽ đưa ra những lợi ích mà bạn nhận được khi biết cách làm việc tập thể.
Nếu bạn có kỹ năng làm việc tập thể:
Thứ nhất: ai cũng yêu mến bạn, tổ chức nào cũng thích bạn có mặt. Vậy hãy nhìn lại và thành thật với chính mình xem là mình đã được như vậy chưa?
Thứ hai: Những điều kiện tốt luôn sẵn sàng chờ bạn. Tôi tiếc vì thấy có nhiều bé khả năng rất vượt trội, bé có thể thành công hoặc đạt được một cái gì đó nhờ khả năng của mình, nhưng chỉ vì mẹ không biết cách làm việc tập thể nên bé mất cơ hội đó. Vì bé còn quá nhỏ, mọi sinh hoạt xung quanh đều phải theo mẹ. Thiết nghĩ, nếu mẹ biết cách ứng xử, có kiến thức làm việc trong tập thể thì bé đã khác nhiều rồi.
Thứ ba: Bạn luôn là sự lựa chọn đầu tiên khi người ta cần một người có khả năng như bạn, mà có tinh thần tập thể nữa thì bạn chính là sự lựa chọn hoàn hảo.
Chỉ bấy nhiêu đó thôi chắc các anh chị phụ huynh đã thấy được những lợi thế khi chúng ta được trang bị kiến thức và biết ứng xử trong một đám đông.
Các anh chị cũng phải cân nhắc điều này và hành xử cho chuẩn mực để con cái noi theo, bởi trẻ con thường bắt chước hành vi của người lớn, nhất là bố mẹ và lâu dần trở thành thói quen có lợi hoặc có hại cho đứa trẻ sau này.
Vậy chúng ta cần làm gì để dạy con trẻ kỹ năng làm việc nhóm?
Thứ nhất: tham gia vào nhóm.
Thứ hai: biết vì cái chung, vì những giá trị chung của một tập thể, vì công sức của một ê kíp thực hiện.
Thứ ba: Tham gia vào những vị trí leader để phụng sự. Qua đó, bạn sẽ hiểu nhiều hơn vai trò của người lãnh đạo, cũng như vai trò, trách nhiệm của từng người trong một tập thể như thế nào.
Khi đã thấu hiểu và đồng cảm với các thành viên trong tập thể, sau này bạn ít trách ai lắm. Vì bạn đã từng ở vị trí của họ, nên bạn hiểu được những khó khăn của họ. Mọi người trong tập thể đối với bạn cũng vậy. Cuộc sống và công việc vì thế suôn sẻ và nhẹ nhàng hơn cho tất cả.
Trong bài này, tôi muốn nhấn mạnh về tinh thần tập thể khi bạn tham gia vào bất cứ cộng đồng nào. Nếu bạn không giúp được gì tốt hơn thì hạn chế làm ảnh hưởng đến tập thể.
Bạn phải tôn trọng người dẫn đầu, nếu có điều gì không hiểu rõ hoặc thắc mắc, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi để tìm tiếng nói chung. Nhưng đã là tập thể thì tất cả phải vì lợi ích chung. Đừng vì lợi ích cá nhân của mình mà ảnh hưởng không tốt đến cả hệ thống.
Bạn phải hiểu rằng, các chương trình của tập thể đều có quy trình rõ ràng, mối này liên kết với mối kia, từng khâu được phân bổ để cùng hoạt động. Vì vậy, nếu bạn không hiểu điều này và tự động đi chệch khỏi quy trình theo ý mình thì bạn sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả của cả tập thể.
Là phụ huynh của các bé, khi bạn đồng hành cùng con thì hãy đồng hành với những quy trình theo tổ chức của con. Tuy nhiên, thực tế, không ít phụ huynh chưa quen với cách làm việc tập thể nên đã gây ảnh hưởng ít nhiều trong hoạt động của tổ chức. Đôi khi, vì lịch sự người ta cũng chỉ im lặng để sự việc trôi qua. Vì dù phụ huynh có sai thì với một tổ chức giáo dục, họ cũng không thể phơi bày cái sai đó được. Họ thường không muốn làm tổn thương phụ huynh để giành phần đúng về mình nên sẽ im lặng chấp nhận. Tuy nhiên, con của các anh chị sẽ mất đi rất nhiều cơ hội nếu họ biết đó chính là đứa bé con của phụ huynh đó. Chắc chắn không ai muốn con cái của anh chị tham gia vào nhiều hoạt động chung thông thường hay có bố mẹ đồng hành, vì họ sợ sự tự ý và tính cá nhân của các anh chị sẽ ảnh hưởng xấu đến tập thể. Thế là vì ba mẹ, vô tình đứa con phải chịu thiệt thòi!
Vì vậy, các anh chị phụ huynh hãy cân nhắc khi tham gia bất cứ tổ chức nào cũng như cùng con tham gia các hoạt động tập thể. Nếu không mang được giá trị cho người khác thì hãy tuân thủ theo cái chung. Tránh vì sự tự do cá nhân hay một suy nghĩ thiển cận mà làm ảnh hưởng đến tập thể.
Hãy dạy con cách chơi trong một tập thể, vì lớn lên, con phải có đồng đội để sinh tồn, phát triển. Con không thể thành công và hạnh phúc khi chỉ có một mình. Điều này rất quan trọng với con. Hãy là một nhân vật mà tập thể mong con đến vì con mang giá trị đến. Đừng trở thành một người mà khi nhắc tên, tập thể cảm thấy ngại ngần không muốn đón nhận. Lý do thì các chị đã biết rồi nhé! Bố mẹ hãy là người tiên phong để làm gương cho con.
Hãy học cách làm việc tập thể một cách tinh tế và hiệu quả!