K
hi một đứa trẻ thiếu kỹ năng, gặp khó khăn trong mọi việc hay làm sai một điều gì đó thì chúng ta hay đỗ lỗi là tại đứa trẻ, nhưng trong nhiều trường hợp, thực ra lại là tại ba mẹ hoặc tại ông bà mới đúng.
Dĩ nhiên đứa trẻ thì được quyền sai phạm, nhưng nếu sai phạm đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại do trách nhiệm của người lớn.
Khổ nỗi, thường trong gia đình có nhiều thế hệ cùng sống chung hay xảy ra xung đột về quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề, dẫn đến việc dạy con cháu cũng gây nhiều tranh cãi.
Tôi nghĩ chắc có nhiều cha mẹ đang đau đầu về vấn đề này, vậy mình cùng phân tích để tìm hướng giải quyết nhé!
Tôi cũng là người được sống trong gia đình có ba thế hệ nên tôi cũng có nhiều trăn trở, và không ít lần bức xúc với cách giáo dục của ông bà - những thế hệ đi trước. Do đó, tôi hiểu và đồng cảm với những cha mẹ đang trong tình cảnh này.
Trong nhà tôi có một đứa cháu, tôi giáo dục theo kiểu khác, còn bà ngoại giáo dục theo kiểu khác.
Bà ngoại thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ cháu theo cách của bà, nên cháu hay nạt nộ, sai khiến bà phải làm đủ mọi việc. Vì bà chiều hết mà, nên tội gì không bắt bà làm cho cái này, cái kia.
Còn đối với tôi, cháu rất đàng hoàng, không dám lớn tiếng và chịu nghe theo những gì tôi nói.
Mỗi lần bà ngoại đi chơi với cháu bà đều than thở vì bị cháu hành đủ điều.
Còn mỗi lần cháu đi chơi với tôi, tôi rất khỏe, vì tôi để cháu tự lập và tự lo mọi việc trong khả năng của cháu. Tôi không can thiệp. Chỉ hướng dẫn để tự làm. Đôi khi để cháu trải nghiệm những điều mới mẻ trong tầm kiểm soát.
Tôi nói với bà ngoại, cũng chính vì cách dạy không đúng phương pháp nên cháu mới hành động với bà như vậy. Dĩ nhiên, bà không bao giờ thừa nhận mình đã giáo dục cháu sai cách và luôn viện lý do là: “tại tính nó vậy rồi”.
Tôi nói không, đi với tôi, cháu không như vậy, vì bà chiều một cách vô tội vạ thì dĩ nhiên nó trở nên như vậy cũng phải thôi.
Đây chỉ là một chuyện nhỏ trong ngàn câu chuyện về cách giáo dục của bà.
Nên mỗi lần tôi thấy cháu có hành động, lời nói không đúng với bà, tôi không thấy tội bà mà tôi tội nghiệp cháu, vì rõ ràng người khiến cháu trở nên như vậy chính là bà. Tôi không cổ xúy và đổ lỗi cho ai cả nhưng câu nói ngày xưa của ông bà để lại quả không sai: “cháu hư tại bà”.
Ở đây tôi không quơ đũa cả nắm, vì tôi vẫn thấy có những người bà cập nhật tri thức và rất hiện đại trong cách suy nghĩ, tư duy cũng như cách dạy cháu rất tuyệt vời. Tuy nhiên, cũng không có nhiều những người bà như vậy phải không các anh chị?
Vì vậy, một khi ba mẹ đã biết được trong tương lai, con mình sẽ chịu ảnh hưởng xấu như thế nào từ cách giáo dục không đúng đắn thì ngay từ đầu, hãy mạnh dạn phân chia trách nhiệm dạy con rõ ràng với bà, đừng để người lớn can thiệp quá sâu. Bởi nếu can thiệp với một sự hiểu biết giới hạn thì sau này, giá trị con bạn tạo nên hay nhận được cũng chỉ giới hạn mà thôi.
Tôi sắp chia sẻ điều này, tôi thừa biết sẽ có nhiều phụ huynh không đồng tình với tôi. Nhưng đó là quan điểm cá nhân của tôi, cũng mong được anh chị tôn trọng sự khác biệt. Dường như tôi ít dặn dò học sinh câu này, câu mà có lẽ thầy cô nào cũng dạy cho học trò của mình, đó là: “Các con hãy nghe lời ba mẹ!”
Tôi thì nghĩ khác. Tại sao phải nghe lời ba mẹ? Vì có chắc ba mẹ làm đúng không? Có chắc ba mẹ suy nghĩ và hành động đúng chưa mà lúc nào mình cũng dạy con nít là phải nghe lời ba mẹ?
Thay vào đó, tôi dạy cho học trò của mình nhận thức vấn đề đúng sai, để có chính kiến riêng của mình.
Học cách nhìn nhận sự vật, sự việc, tư duy tích cực trong mọi vấn đề để lựa chọn hướng đi tốt nhất.
Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến khích các bé hãy trao đổi, chia sẻ với cha mẹ, sau đó đưa ra nhận định của mình. Thắc mắc thì hỏi để tìm lời giải đáp. Và tất nhiên bé sẽ nghe theo cha mẹ nếu cảm thấy đủ thuyết phục. Hãy để đứa trẻ đồng ý làm vì tự nó thấy đúng và hợp lý chứ không phải vì bị ép buộc.
Mà cũng xin được nói thêm, tôi không dạy câu nói đó chứ tôi không khuyến khích học viên chuyện gì cũng cãi lời ba mẹ. Cái tôi mong đợi là trong tình huống xung đột quan điểm, suy nghĩ, sở thích, ba mẹ và con cái hãy cùng nhau trao đổi tới khi thống nhất được với nhau.
Tôi không dạy vì tôi thấy câu đó không phải lúc nào cũng đúng mà chỉ đúng tùy vào từng trường hợp thôi. Thế nên, tôi chỉ dặn dò học trò của mình “nghe lời ba mẹ” trong hoàn cảnh thích hợp.
Tôi muốn ba mẹ hãy học cách tôn trọng con, hãy học cách thuyết phục con bằng lý lẽ hợp lý chứ không phải dùng quyền làm cha mẹ để bắt con phải nghe theo sở thích của mình. Sự cưỡng ép ấy hết sức vô lý và phản giáo dục.
Tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế như vậy nên chia sẻ để phụ huynh đừng mắc phải những sai lầm tương tự. Quá nhiều ba mẹ đã từng sai lầm mà cho đến giờ này vẫn không nhận ra. Khổ nỗi, người đang phải trả giá cho những sai lầm đó chính là con của họ.
Và cuối cùng, cha mẹ phải không ngừng trau dồi kiến thức. Học về cách dạy con để con của mình lớn lên trong tình yêu thương, trong tâm lý thoải mái và được sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa.
Đừng bắt con mình phải sống vì cuộc đời của mình, như vậy thì bất công và tội nghiệp cho cuộc đời của chúng lắm!
Và đó là lý do tôi không dạy “các con phải luôn nghe lời ba mẹ” như nhiều người khác vẫn dạy!
Quay lại chủ đề “cháu hư tại bà”, tôi muốn các phụ huynh hãy thừa nhận rằng con cái như thế nào phần lớn là do cha mẹ.
Như trường hợp ở nhà tôi đây, bà ngoại cứ nói “tại ông trời sinh ra tính nó vậy chứ ai dạy cho nó vậy đâu”, cứ luôn đổ lỗi do ông trời sinh tính.
Vậy tại sao ông trời chỉ “sinh tính” khi cháu ở bên ngoại thôi? Sao với người khác, không thấy cháu cư xử kiểu đó?
Rõ ràng, chính cái cách dạy dỗ của ngoại như vậy nên cháu mới hành động với ngoại như vậy.
Ngoại nói “Bộ tao dạy dỗ nó như vậy à?’’
Ngoại không dạy dỗ như vậy, nhưng cách ngoại làm đã dẫn dắt cháu đến hành động đó.
Đây, chính là điều này đây. Điều mà ít ai nhận ra đây… Hành động thế nào sẽ dẫn dắt đến kết quả thế đó, chứ ít có cái gì tự nhiên đến!
Một đứa trẻ không được ai dạy dỗ thì lớn lên, nó thành kẻ xấu cũng là lẽ đương nhiên thôi. Chẳng có gì lạ cả.
Một người lười biếng thì không thể thành công, trở nên giàu có. Có gì đâu mà bất ngờ đúng không? Nè, đừng nói với tôi những trường hợp đặc biệt như có người cho tiền sẵn rồi giàu nhe. Tôi không nói những chuyện hi hữu như vậy.
Tôi chỉ nói những điều hiển nhiên trong cuộc sống này thôi.
Cái gì cũng có nguyên do của nó! Và là sự lựa chọn của mỗi người.