D
ẫu biết rằng nói lên điều này sẽ mất lòng nhiều người lắm, đặc biệt là phụ huynh. Nhưng nếu tôi không nói ra chắc cũng khó có ai dám nói lên điều này, bởi lẽ muôn đời là vậy: sự thật thì mất lòng.
Dĩ nhiên, dù mọi người có đồng ý hay không thì đó là quan điểm của mỗi người. Và ở đây, tôi chia sẻ quan điểm của mình. Không hề chỉ trích, phán xét mà chỉ là sự chia sẻ từ trái tim.
Những ai đang làm cha mẹ, hãy thật nghiêm túc nhìn lại cuộc đời mình xem?
Có vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống chưa?
Có thành công gì chưa?
Có được nhiều thành tựu gì đáng kể trong cuộc sống mà đặc biệt hơn so với số đông chưa?
Có được đi đây, đi đó trải nghiệm vòng quanh thế giới hoặc ít nhất du lịch được 10 quốc gia chưa?
Có được những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời mà rất ít người có chưa?
Câu trả lời của các anh chị, các bạn là gì?
Có hay chưa? Tôi đã dùng những câu hỏi này để khảo sát một số phụ huynh và luôn được nghe những câu trả lời là chưa. Và vấn đề nằm ở chỗ này…
Nếu bạn chưa có điều đó, sao bạn dạy được để con của bạn có điều đó? Nhưng phần lớn bạn luôn muốn con của bạn phải đi theo hướng dẫn, định hướng của mình. Vậy bạn có nghĩ sau này các bé lớn lên sẽ là phiên bản thứ hai của bạn không?
Nếu bạn là một phiên bản tuyệt vời, con của bạn là phiên bản thứ hai thì càng tuyệt vời hơn!
Nếu bạn là một phiên bản bình thường hoặc có thể là một phiên bản lỗi thì con của bạn sau này cũng sẽ trở thành như vậy do được dạy dỗ, định hướng bởi người thầy là cha mẹ có những giới hạn trong tư duy, suy nghĩ.
Quay lại câu chuyện tôi đào tạo cho học viên của mình, thật lòng đôi khi tôi cảm thấy nản và đôi lần muốn bỏ cuộc, không muốn theo công việc “trồng người” nữa, bởi đơn giản, phụ huynh cứ muốn tạo ra giới hạn trong cách đào tạo đột phá của tôi.
Kinh nghiệm dạy cho thiếu nhi của tôi là trên 20 năm rồi. Tôi hiểu từng chân tơ, kẽ tóc việc giáo dục thế nào để một đứa trẻ trở nên vượt trội. Khi khám phá ra những điều tuyệt vời đó, tôi càng say mê. Tôi đọc sách rất nhiều. Tôi đã đến 20 quốc gia trên thế giới để nghiên cứu về giáo dục, về cách những nước phát triển giáo dục trẻ em như thế nào.
Khi đến Nhật, tôi sống trong gia đình người Nhật có con nhỏ; khi đến Úc, tôi sống trong gia đình người Úc có con nhỏ, và khi đến Mỹ, Anh, Pháp… cũng thế. Mục đích là để tìm hiểu về cách mỗi quốc gia giáo dục trẻ em. Có như thế, tôi mới được trải nghiệm những hiện thực ít ai chia sẻ.
Tôi có rất nhiều cơ hội để trải nghiệm nhiều lĩnh vực, gặp gỡ nhiều người thành công và cũng không ít người thất bại để học và rút kinh nghiệm từ họ.
Tại sao họ thành công, tại sao họ thất bại? Tất cả đều có nguyên do của nó theo một quy định của trò chơi cuộc đời. Biết cách chơi thì thắng, không biết thì thua.
Và tất cả những điều đó tôi ấp ủ để đúc kết ra những bài học thiết thực, để dạy cho các học viên của mình thông qua các kỹ năng nghệ thuật xen lẫn kỹ năng sống.
Tôi đưa Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP), Luật hấp dẫn lồng ghép một cách tinh tế vào những bài học… Đây là những bí quyết của những người thành công.
Bên cạnh đó, tôi dạy tư duy của một người biết cách sống hạnh phúc, luôn gặp may mắn.
Ngoài ra, tôi thích đào tạo để các bé trở thành những người dẫn đầu. Bởi có một điều mà không nhiều phụ huynh biết được. Mỗi đứa trẻ đều có những khả năng đặc biệt riêng, mỗi đứa trẻ đều là một nhân tài, nếu biết cách kích hoạt đúng khả năng của chúng thì chúng sẽ xuất sắc, dẫn đầu trong thế mạnh của mình.
Chúng ta không thể bắt con cá học leo cây, chúng ta không thể bắt đứa trẻ học theo điểm mạnh của cha mẹ. Hãy để chúng khám phá và phát triển điểm mạnh của chúng chứ.
Nhưng phần lớn cha mẹ cứ bắt con phải học theo sở thích của mình, quan điểm của mình, trong khi nhìn lại cuộc đời mình liệu có thành tựu gì đáng kể chưa mà muốn con phải theo ý mình như vậy hỡi các anh chị phụ huynh?
Tôi nói lên những điều này không nhằm mục đích khoe khoang, thể hiện. Điều đó thật lòng tôi không có nhu cầu nữa. Nhu cầu của tôi là được vui thú với nhiên nhiên, cây cỏ, ruộng vườn, thưởng thức tiếng chim hót và những điều bình dị. Tôi nói rất nghiêm túc. Vì cái gì muốn có thì tôi cũng đã có hết rồi nên tôi chỉ thích những điều mộc mạc, giản đơn nhất trong cuộc sống này thôi.
Nhưng tôi phải chia sẻ với các bạn rằng để tìm ra được chân lý đó tôi đã trải qua những gì.
Để thành chuyên gia phải được rèn luyện trên 4000 giờ. Thời gian rèn luyện của tôi trong lĩnh vực giáo dục chắc là hơn thế.
Điều duy nhất, tôi chỉ muốn làm sao để mỗi đứa trẻ đều cảm thấy hạnh phúc khi tiếp nhận sự giáo dục của gia đình. Vì tôi hiểu những điều tụi nhỏ không bao giờ dám nói lên với ba mẹ.
Và đây cũng chính là điều làm tôi bao lần thấy nản, vì tôi không dạy theo ý muốn của phụ huynh mà tôi dạy theo những kiến thức thực tế đã 20 năm góp nhặt, nghiên cứu, trải nghiệm, đúc kết.
Nếu có cơ hội được hỏi mà không sợ mất lòng tôi sẽ hỏi: Anh chị hiểu như thế nào về mục tiêu của giáo dục mà lại muốn tôi dạy bé theo mong muốn của anh chị?
Liệu mong muốn đó có thật sự tốt nhất cho đứa trẻ? Hay chỉ là quan điểm cá nhân mà anh chị phụ huynh muốn áp đặt vào con mình?
Chính hiểu biết hạn chế của phụ huynh đã ngăn cản sự phát triển đột phá của một đứa trẻ. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy, cảm thấy tiếc nuối và bất lực.
Đôi khi, cũng vài lần lướt qua suy nghĩ, nếu em bé đó là con tôi thì tương lai của nó sẽ rất khác.
Và điều cuối cùng, cái gì vượt quá giới hạn hiểu biết của nhiều bố mẹ thì bố mẹ khó mà chấp nhận. Cái gì khác với số đông họ cũng khó mà chấp nhận. Nhưng họ lại không thấy một điều rằng, số người giàu và số người nghèo thì người nghèo luôn đông hơn vì thường người nghèo nghĩ và làm giống nhau nhiều hơn.
Vì vậy, thật sự số đông thường là không đúng nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng tùy vào mỗi trường hợp, nhưng phần lớn là như thế.
Nói đến đây chắc làm phật ý nhiều người. Nhưng mình tôn trọng quan điểm riêng của mỗi người vậy nhé!
Và mong các anh chị bỏ qua nếu những điều này làm anh chị phiền lòng.