Đ
ó là lời phàn nàn của một phụ huynh khi tôi dạy xong một khóa mà bé vẫn nhút nhát, ngại giao tiếp, nói chuyện với mọi người.
Trong quá trình giảng dạy, tôi gặp không ít những lời phàn nàn của phụ huynh.
Tôi không biết phải chia sẻ như thế nào vì góc nhìn của phụ huynh đã là như vậy. Tôi tôn trọng góc nhìn của mỗi người. Đứng ở vị trí, trải nghiệm, điều kiện, môi trường sống, tư duy khác nhau chắc chắn góc nhìn sẽ khác nhau.
Tôi xin được phép kể từ đầu câu chuyện để các bạn hiểu rõ hơn, có một cái nhìn khách quan hơn.
Khi chị phụ huynh ấy đưa con của mình đến lớp tôi, chị chia sẻ bé rất nhút nhát, chị muốn bé phải tự tin nói chuyện và hoạt động nhiều hơn. Gọi “bé” vậy chứ cũng đã 10 tuổi rồi nhưng thật sự bé rất rụt rè và thiếu tự tin.
Sau khi trao đổi cũng như kiểm tra mọi khả năng của bé, tôi tư vấn cho chị là hãy cho bé học lớp MC nhí. Đây là lớp mà các bé sẽ học cách giao tiếp, cách nói chuyện trước mọi người, sẽ giúp bé cải thiện rất nhiều khả năng nói và hoạt ngôn hơn.
Nhưng chị bảo do bận việc hay bé phải học gì đó vào đúng giờ học lớp MC nên chị chỉ có thể cho bé học lớp thời trang.
Sau khi kết thúc khóa, chị đến nói với tôi sao bé vẫn nhút nhát và không hoạt ngôn!
Chẳng lẽ bây giờ tôi lại hỏi ngược lại chị, nếu chị học kinh tế, khi ra trường chị có khám bệnh như bác sĩ được không?
Ngay từ đầu, tôi đã thuyết phục chị nếu muốn cải thiện kỹ năng nói thì phải tập trung học nói.
Còn chị quyết định cho bé học thời trang thì bé biết diễn thời trang, biết cách tạo dáng, biết cách đi đứng và một chút tự tin hơn trong giao tiếp thôi chứ làm sao bé có thể nói năng tự tin như chị mong muốn được.
Nhưng có lẽ chị ấy không hài lòng trước kết quả khác với mong muốn của chị, dù chính chị góp phần tạo nên kết quả đó. Chị muốn con chị, cho dù không được học chuyên về MC, vẫn phải dạn dĩ, hoạt ngôn kìa. Và đối với chị, tôi dạy không hiệu quả!
Riêng tôi, đi dạy bao nhiêu năm mà vẫn còn phải thắc mắc: Sao vẫn còn nhiều phụ huynh có cách nghĩ bất hợp lý như vậy?
Chuyện một số phụ huynh phàn nàn về cách dạy thì tôi cũng gặp nhiều rồi. Trường hợp nào cũng gặp hết, nhiều lúc muốn trả học viên về, cho gia đình dạy theo cách mà gia đình muốn. Khi bạn làm giáo viên bạn sẽ thấy được nhiều vấn đề từ vô số đòi hỏi bất hợp lý của những vị phụ huynh.
Chúng ta hay đổ lỗi cho nhà trường trong giáo dục, nhưng hình như chưa ai dám đổ lỗi cho phụ huynh.
Tiếc thay, một sự thật phũ phàng là 80% cha mẹ không biết cách để giáo dục con một cách đúng đắn.
Giáo viên phải học về cách giáo dục để dạy học sinh, vậy được bao nhiêu cha mẹ đi học về cách để giáo dục con mình?
Nếu không nói ra thì chắc không ai biết, có rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự đau khổ bởi cha mẹ của mình gây nên. Việc bố mẹ thiếu hiểu biết trong cách giáo dục đã làm tổn thương rất nhiều những đứa trẻ mà khi đã trưởng thành rồi, vẫn còn nặng nỗi đau.
Cũng vì gặp không ít phụ huynh như vậy mà tôi không thiết tha lắm về giáo dục nữa. Bởi dạy một đứa trẻ thành nhân, thành những gì mình muốn đã vất vả lắm rồi, làm sao còn thời gian để chia sẻ thêm với từng phụ huynh để họ thay đổi cách nhìn nhận vấn đề theo hướng mở lòng và thấu cảm hơn.
Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu được vị phụ huynh ở trên suy nghĩ sao mà quyết định cho con học thời trang nhưng lại muốn con hoạt ngôn như một MC chuyên nghiệp? Có phải là như thế sẽ gây áp lực cho những đứa trẻ không?
Người lớn mình còn có thể chịu được và cho qua sự phi lý đó. Nhưng trẻ em thì không đủ lớn khôn để vượt qua.
Chắc phụ huynh nghĩ cứ bỏ tiền ra, đẩy con tới trường nọ, trung tâm kia thì con nhất định phải giỏi. Nếu không giỏi là do cách giáo dục thôi chứ phụ huynh đâu có nhiệm vụ giáo dục. Giáo dục là nghĩa vụ của nhà trường.
Thật tội nghiệp cho đứa trẻ nào có cha mẹ vẫn còn tư duy, suy nghĩ như vậy!