C
huyện nảy sinh từ việc trợ lý của tôi nhắn trong Group phụ huynh là tuần này, các bé sẽ được học kỹ thuật biểu diễn.
Mỗi lớp MC nhí của chúng tôi đều tạo một group phụ huynh để tiện thông báo tình hình của mỗi tuần học.
Và có một phụ huynh trong group gửi lại tin nhắn như vầy, tôi xin được đưa nguyên văn.
“Tôi cho con tôi học lớp MC chứ tôi đâu có cho nó học làm diễn viên mà cô dạy nó kỹ thuật biểu diễn để làm gì? Mấy bé nào muốn đi đóng phim thì học giờ khác. Giờ này là giờ học MC mà cô cứ dạy kỹ thuật biểu diễn. Tôi không cần cho con tôi học môn đó. Cô dẹp môn đó đi! ”
Đơn giản vì chị ấy cho rằng học MC chỉ là học nói, sao phải học kỹ thuật biểu diễn để làm chi.
Và chị ấy kêu tôi dẹp môn ấy đi!
Tự nhiên lúc đó tôi thầm nghĩ, lỡ sau này bé con của chị ấy học tại trường Sân khấu Điện ảnh khoa diễn viên, chuyên về diễn xuất, chắc chị ấy yêu cầu nhà trường dẹp hết mấy môn học hát, học múa, hình thể, tiếng nói luôn quá! Vì theo đúng lối suy nghĩ của chị ấy vào lúc này thì học diễn viên là chỉ học diễn xuất gương mặt thôi. Tên gọi môn học thế nào thì chỉ học đúng thế!
Các bạn cũng biết đó, học chuyên nghành nào mà chúng ta chẳng phải học nhiều môn, thi nhiều môn cộng lại mới đủ chỉ tiêu tốt nghiệp chuyên nghành đó. Có thể chị ấy nghĩ đơn giản, học chuyên nghành nào là học đúng một môn đó thôi, nên có cách hành xử như vậy.
Chị ấy không biết rằng học để làm diễn viên không chỉ học chuyên về diễn xuất mà phải học rất nhiều môn hội tụ. Học MC cũng vậy, không chỉ là học nói mà còn học về biểu cảm, hình thể, thích ứng hoàn cảnh..., nói chung là phải học rất nhiều kỹ năng. Tôi đã quen làm các chương trình chuyên nghiệp nên khi dạy, tôi muốn dạy sao để lúc ra thực tế, các học trò của tôi có thể ứng dụng được luôn, chứ không phải học cho đủ giờ, đủ điểm, làm hài lòng cha mẹ thầy cô qua các kỳ kiểm tra rồi sau đó ra ngoài không biết làm gì cả.
Xã hội ngoài kia đã quá nhiều trường hợp như vậy rồi, các anh chị phụ huynh không thấy sao, mà lại không dám thay đổi sang tư duy, góc nhìn khác hơn.
Nhiều phụ huynh có góc nhìn hạn chế, nhưng thích can thiệp quá sâu vào chuyên môn. Họ muốn tôi dạy theo những gì họ nghĩ, với góc nhìn như thế họ cho điều đó là đúng.
Nếu bạn không dạy theo những gì họ muốn thì trong mắt họ, bạn là người không biết dạy.
Còn nếu bạn dạy theo những gì họ yêu cầu thì chắc chắn sẽ không có hiệu quả rồi. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về kết quả của các bé đây?
Chắc chắn phụ huynh sẽ dồn hết cho bạn!
Bên cạnh những phụ huynh hết sức hiểu biết thì tôi không nói, ai vào ngành giáo dục sẽ thấy được việc giáo dục một đứa trẻ không mệt bằng bạn phải làm việc với những phụ huynh nhận thức còn hạn chế.
Đó là điều làm tôi trăn trở bao nhiêu năm nay. Thương cho đứa trẻ chưa thể tự quyết định vì còn quá nhỏ, phải phụ thuộc vào cha mẹ. Nếu ba mẹ lựa chọn hoặc quyết định sai thì chính đứa trẻ lại phải nhận hậu quả chứ không phải là cha mẹ.
Vì vậy, tôi hay nhắc câu này mặc dù biết rằng sẽ đụng chạm đến tự ái của rất nhiều phụ huynh, nhưng thật sự: “Để dạy được con, cha mẹ cần học trước” để thay đổi tư duy và góc nhìn.
Trong số những vị phụ huynh phật ý, nhiều người đã cười tôi. Họ xì xầm sau lưng tôi rằng, tôi cái gì cũng biết mà có nổi tiếng được đâu…
Họ đàm tiếu về tôi: “Giỏi cho cố rồi cũng có ai biết đến đâu; bày đặt cầm kỳ thi họa, cái gì cũng biết mà chẳng ai biết đến mình…”
Tôi lặng người trước những suy nghĩ đó của họ. Không nổi tiếng giống như một tội đồ hay sao?
Chắc ít người biết, tôi đã tham gia nghệ thuật từ thời điện thoại di động còn chưa phổ biến ở Việt Nam. Người ta liên lạc với nhau chủ yếu bằng điện thoại bàn. Thời mà các chương trình chưa có màn hình Led, thời chưa có facebook, zalo thì tôi đã xuất hiện trong nhiều chương trình lớn trên truyền hình. Tôi được trải nghiệm biểu diễn ở tất cả các sân khấu lớn tại Sài Gòn và lưu diễn xuyên Việt cùng rất nhiều các ca sĩ, nghệ sĩ. Tôi nhận được nhiều thư viết tay của khán giả hâm mộ gửi tới mỗi ngày. Thời đó email còn xa lạ lắm.
Tôi quen biết và gặp gỡ, làm việc chung với rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời đó. Cũng hơn hai thập niên rồi chứ đâu ít gì, vì tôi bén duyên với nghệ thuật từ rất sớm.
Cái cảm giác đi đâu cũng được người hâm mộ chào đón, xin chữ ký, làm quen, tôi đều được trải nghiệm qua hết.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp các trường, tôi lại được trúng tuyển vào vị trí biên tập viên - MC của Đài truyền hình Việt Nam. Tôi lựa chọn lui vào hậu trường, phụ trách việc sản xuất các chương trình nhiều hơn là những công việc cần xuất hiện trước khán giả. Từ đó, tôi cũng chỉ chủ yếu làm MC dẫn những chương trình do tôi biên tập.
Khi bạn may mắn có được nhiều trải nghiệm thì bạn sẽ nhận ra rằng cái gì cũng có sự trả giá cả. Nổi tiếng cũng vậy!
Bạn phải chấp nhận mất đi sự tự do, an nhiên tự tại, vì lúc đó bạn đã là người của công chúng chứ không còn là của riêng bạn nữa.
Còn tính tôi lại hướng nội, tôi thích sự bình yên mặc dù nghệ thuật là niềm đam mê của tôi. Tôi tự đàn ca hát múa, viết sách, vẽ tranh để thỏa niềm vui của mình chứ tôi không đi vào showbiz để tìm sự nổi tiếng. Hơn nữa, cái cảm giác nào gần như tôi cũng đã có hết rồi, trải nghiệm hết rồi nên đối với tôi như thế là quá đủ!
Tôi hài lòng với những gì mình đang có để quay vào trong, tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng, an yên. Muốn đàn ca hát múa gì thì tự tận hưởng một mình chứ không cần phải phục vụ khán giả như người của công chúng. Đó là lý do lúc nào mọi người cũng thấy tôi bình an, vui vẻ và hạnh phúc.
Nhưng có lẽ ông trời muốn tôi quay lại công việc của showbiz để tôi không phải chạnh lòng về những lời nói của những phụ huynh mà tôi đã dành cả tâm huyết để giáo dục, huấn luyện con của họ. Phải mất cả 20 năm học hỏi, nghiên cứu và trải nghiệm thực chiến, tôi mới nắm được các bí quyết để đào tạo những đứa trẻ sao cho khi chúng lớn lên sẽ thành công và hạnh phúc.
Cũng vì thế, tôi tự tin có thể trả lời ngay tức khắc bất kỳ câu hỏi nào của phụ huynh liên quan đến việc dạy trẻ, làm sao để chúng hoàn thiện và tốt hơn. Bất kỳ câu hỏi nào nhé!
Chỉ cần liếc qua một đứa trẻ, tôi có thể biết và hiểu bé thế nào, cần gì, khả năng ra sao.
Với tôi, mỗi đứa trẻ đều là một tài năng! Nên quá trình đào tạo có khó khăn bao nhiêu, tôi cũng không thấy khó.
Nhưng có lẽ giọt nước làm tràn ly, tôi đã quyết định không đi theo con đường giáo dục trẻ em nữa, bởi có quá nhiều vị phụ huynh như thế đã làm tôi quyết định buông bỏ. Tôi chọn những lĩnh vực khác, mang lại nhiều giá trị hơn và đang thỏa sức bay bổng với những đam mê đầy thú vị, với cuộc sống tràn ngập năng lượng, với nhiều công việc mình yêu thích mỗi ngày.
Dạy một đứa trẻ thành nhân, thành công, quả thực không hề dễ dàng. Chẳng qua vì yêu thương trẻ em, không muốn để trẻ em Việt Nam bị thiệt thòi so với trẻ em ở những nước phát triển khác, tôi không ngại khó, vượt qua mọi vấn đề một cách nhẹ nhàng, tất cả vì tình yêu thương quá lớn.
Bên cạnh đó, tôi nắm được rất nhiều công thức để dạy trẻ từ Zero thành Hero.
Nhưng tôi cần sự hợp tác từ phía cha mẹ nữa. Tiếc là đa số lại không muốn hợp tác mà chỉ muốn áp đặt suy nghĩ, tư duy của mình lên con cái, lên cả thầy cô giáo, mà tư duy ấy thì lại hạn chế. Rồi cũng đến lúc tôi không thể đơn độc cố gắng được nữa. Giống như cái kiềng cần có đủ ba chân thì mới tạo nên thế “kiềng ba chân” vững vàng; mất một chân, nó lập tức sụp đổ. Giáo dục cũng vậy thôi, một mình thầy cô giáo không bao giờ có thể làm nên chuyện, nhất là trong hoàn cảnh họ phải nhận về không ít “lời ong tiếng ve” và cả sự chống đối của chính các vị phụ huynh.
Quay trở lại chuyện các vị phụ huynh xì xầm về tôi – Tôi có nổi tiếng hay không? Bạn không bao giờ có giải thưởng nếu bạn không tham gia cuộc thi, cho dù bạn có giỏi đến thế nào đi chăng nữa.
Trong nghệ thuật cũng vậy. Mặc dù tôi được đánh giá là cái gì cũng giỏi, nhưng tôi không tham gia thường xuyên vào showbiz thì sao mà nổi tiếng được! Ở đầu cuốn sách tôi đã từng nói, để đánh giá một con người có tài năng hay không, chỉ nhìn vào danh hiệu, bằng cấp chưa chắc đã chính xác, mà phải nhìn vào kết quả công việc họ đạt được. Cái vỏ bóng bẩy bên ngoài chưa chắc đã phản ảnh đúng thực lực bên trong. Thế nên đừng vội vàng xét đoán bất cứ điều gì bằng con mắt chủ quan, phiến diện.
Các vị phụ huynh đã không hiểu điều đó.
Tất nhiên, các vị phụ huynh cũng không biết được là, không ít lần vì quá vất vả, tôi cũng muốn bỏ cuộc chứ, để tập trung cho công việc khác có nhiều tiền hơn. Bởi bạn làm giáo dục đúng nghĩa thì không có tiền đâu mọi người ạ. Chỉ có kinh doanh giáo dục mới mang lại lợi nhuận. Mà tôi thì không thể kinh doanh giáo dục.
Tôi cũng không còn mơ mộng để mong muốn một mình thay đổi nền giáo dục nữa. Từ các vị phụ huynh, tôi đã hiểu ra, để thay đổi được nền giáo dục, trước tiên cần thay đổi tư duy của những người trong cuộc trước đã. Mà tư duy của người lớn, để thay đổi được khó lắm thay!