CÓ TƯ DUY VỀ TÀI CHÍNH
Lập nghiệp khi có tiền và không có tiền là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Tôi là người vô cùng thực tế, tôi hi vọng các bạn ngay từ đầu đã có tư duy về tài chính, ít nhất trên đường lập nghiệp. Đừng để tiền trở thành trở ngại (ở đây chúng ta nói đến tiền dùng để chi trả cho cuộc sống và tiền để phát triển kinh doanh).
Cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về tài chính ngay từ khi bạn bắt đầu đặt chân lên con đường lập nghiệp. Có như vậy bạn mới có thể thuận lợi thực hiện được kế hoạch trở thành sếp tổng của mình.
Những người đã từng là tổng giám đốc đều biết rằng, khi tự mình lập nghiệp, công ty có rất nhiều khoản phải chi. Thậm chí bên cạnh tôi có rất nhiều ông sếp phải làm công việc khác sau giờ làm để nuôi công ty mà mình lập ra.
Cho nên, trước khi sáng nghiệp, bạn cần nắm rõ những điểm dưới đây.
Hiểu rõ các khoản phải chi của bạn
Nghĩa là bạn cần biết được mình phải chi tiền cho những khoản nào. Bao gồm những khoản chi cố định và những khoản chi chí biến đổi. Tiền thuê nhà, bảo dưỡng xe, sinh hoạt phí là những khoản chi cố định. Chi phí tiếp khách xã giao, tiền mua quần áo, mỹ phẩm, giày dép… là những khoản chi phí biến đổi.
Bạn cần phải ghi chép lại các khoản chi trong tháng, tính toán xem nên đầu tư vào khoản nào và tiết kiệm ở khoản nào. Nếu bạn bỏ qua bước này, tin tôi đi, cho dù sau khi bạn sáng nghiệp có kiếm được rất nhiều tiền, bạn cũng sẽ dại dột tiêu mất số tiền đó. Thậm chí cuối cùng còn không biết rốt cuộc tại sao lại không có tiền.
Hiểu rõ nguồn tài chính của bạn
Hãy liệt kê xem tài sản của bạn đến từ những nguồn nào. Nguồn tài chính gồm nguồn chủ yếu và nguồn thứ yếu, còn có nguồn ngắn hạn và nguồn dài hạn. Nguồn tài chính khác nhau mang đến cho bạn mức thu nhập khác nhau, chu kỳ cũng khác nhau.
Sau khi đã liệt kê rõ ràng những nguồn này, cần xác định xem công ty của bạn cần tập trung thu được lợi nhuận từ nguồn nào trong từng thời kỳ phát triển. Sau đó lên kế hoạch, bố trí những công việc tiếp theo một cách hợp lý để gia tăng được thu nhập đến từ những nguồn ấy.
Phải tăng thu, giảm chi
Sau khi sáng nghiệp, khó khăn lắm một tháng mới kiếm được 50 nghìn NDT, nhưng rồi bạn lại bỏ ra 30 nghìn NDT để chạy ra cửa hàng mua về một chiếc túi xách hàng hiệu. Như vậy thì liệu tài sản của bạn có thể tăng lên được không? Đội ngũ của bạn trông thấy vậy sẽ cảm thấy thế nào? Tôi đề nghị bạn nên có trải nghiệm đối với những vật ngoài thân này càng sớm càng tốt. Đến khi bạn lên làm sếp, bạn sẽ không đánh mất đi nhiều cơ hội để trưởng thành, thậm chí là lớn mạnh chỉ vì những thứ ham muốn nhỏ nhặt này.
Tôi có một cô bạn, sau khi sáng nghiệp, công ty của cô ấy tương đối phát triển, thu nhập của cô ấy cũng khá. Nhưng người bạn này có một tật xấu là cứ trông thấy bất kỳ chiếc túi xách nào đẹp là sẽ phải mua về cho cho bằng được. Kết quả là, hai năm sau, trong nhà cô ấy túi xách chất đống như núi, tiền trong tài khoản thì lại chẳng còn được là bao.
Tôi không nói bạn không nên thích những thứ như vậy, mà hi vọng bạn phải có chừng mực. Sau khi sáng nghiệp, có rất nhiều việc cần phải cân nhắc. Thứ bạn cần phải để ý đến không còn là túi xách, giày dép hay quần áo nữa, mà phải là việc làm thế nào để dẫn dắt đội ngũ, để tìm về dự án cho công ty, để mở rộng kinh doanh.
Nếu khi sáng nghiệp, thứ bạn bận tâm chủ yếu vẫn là những ham muốn vặt vãnh của bản thân, không lo cho đội ngũ của mình, không lo cho giá trị xã hội vậy thì tôi khẳng định rằng bạn sẽ không thể làm nên chuyện lớn.
Xây dựng nhiều nguồn thu nhập
Lợi ích của việc xây dựng nhiều nguồn thu nhập chính là “bên này tắt nắng thì bên kia sáng trời”. Bạn sẽ có nhiều tiền để gửi vào tài khoản. Cho dù một, hai nguồn không kiếm được là bao, nhưng có nhiều nguồn thì tổng doanh thu cũng không nhỏ.
Xây dựng nhiều nguồn thu nhập còn có một lợi ích khác, đó chính là bạn sẽ không phải đâm đầu vào chỗ bế tắc của một nguồn nào đó.
Để có được một vài nguồn thu nhập, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư tài chính, bạn cần phải có tầm nhìn xa trông rộng.
Phải nắm rõ các nguyên tắc quan trọng về chi tiêu tài chính rồi mới bước lên con đường trở thành sếp, có như vậy tình trạng tài chính của bạn mới ngày càng tươi sáng hơn, bạn mới có thể làm ít hưởng nhiều.
Học cách quản lý tài sản
Làm sếp, ngoài việc phải dồn tinh lực và thời gian vào việc quản lý các sự vụ, bạn còn cần phải học cách để tiền của mình đẻ ra tiền, cũng có nghĩa là phải quản lý tốt tiền của bạn.
Bên cạnh tôi có rất nhiều bạn bè giỏi giang, vợ chồng họ phân chia công việc, chồng lo việc kiếm tiền, vợ lo việc làm sao để tiền đẻ ra tiền. Sự phân công như vậy giúp họ cho dù ở vào tình cảnh nào vẫn có thể đảm bảo được sự vận hành của công ty cũng như chi trả các chi phí của cuộc sống gia đình.
Còn đối với tôi, thông thường tôi sẽ phân chia tiền thành những khoản dưới đây, hi vọng có thể mang đến cho bạn một vài gợi ý.
5% tài sản dùng vào bảo hiểm
Khoản này rất quan trọng. Khi ốm đau, gặp chuyện ngoài ý muốn, chúng ta đều cần tiền bảo hiểm để chi trả, san sẻ một phần áp lực kinh tế.
15% tài sản dùng để mua nhà, mua xe
Tôi có một vài người bạn, sau khi quyết định mua nhà trả góp, thì hoàn toàn trở thành “nô lệ của căn nhà”.
60% thu nhập hàng tháng của họ dùng để chi trả tiền nhà, tiếp đến lại phải trả tiền xe, còn lại chẳng đáng là bao.
Nếu bạn đang ở trong trường hợp này, cuộc đời hoàn toàn chẳng còn chút thơ mộng nào nữa. Bạn suốt ngày chỉ chăm chăm lo tiền nhà, tiền xe. Đây là một tình huống vô cùng nhiều rủi ro, mạo hiểm.
Khi tôi sắp tốt nghiệp đại học, lúc buôn chuyện với các bạn ở cùng phòng ký túc xá, mọi người bàn về việc sau khi tốt nghiệp nên mua nhà trước hay mua xe trước. Những người khác đều cho rằng nên mua nhà trước, vì mua nhà mới có lãi. Khi đến lượt tôi phát biểu ý kiến, tôi nói: “Tớ sẽ mua xe trước.” Bọn họ đều cười tôi là thành phần hưởng thụ.
Về sau, tôi làm đúng như những gì đã nói. Trong thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp, tôi đã tự mình mua xe, hơn nữa còn là xe BMW. Tôi lái xe BMW đi bàn chuyện làm ăn, nâng khoản tiền giao dịch trung bình của khách hàng từ 800 NDT lên 8 nghìn NDT, rồi lên đến 80 nghìn NDT. Càng về sau, mỗi thỏa thuận của tôi có thể đem về 800 nghìn CNY. Tôi đã mua được nhà chỉ trong thời gian ngắn.
Nếu lúc mới tốt nghiệp tôi bớt ăn bớt tiêu, tích cóp đủ tiền để mua nhà trả góp, sau đó cực nhọc cày cuốc nuôi căn nhà này. Cuối cùng, tôi sẽ chẳng còn chút tinh lực nào để cống hiến cho công việc, không thể có một cuộc sống hạnh phúc, dư dả. Tôi cảm thấy như vậy sẽ làm đảo lộn ý nghĩa của cuộc sống. Cho nên, đối với tài sản, bạn cần phải có cách xử lý của riêng mình, không cần phải là bản sao của ai.
Một số người dự định mua nhà trước, có lẽ là để nâng cao tín nhiệm của bản thân với ngân hàng. Như vậy sẽ có thể vay thêm được một khoản nữa. Bạn vay thêm được tiền để làm gì? Bạn nợ ngân hàng càng nhiều tiền, áp lực cuộc sống càng lớn. Rõ ràng, tiền vay ngân hàng bạn nhất định phải trả. Một khi bạn quen vung tay quá trán, thì khó mà lấp đầy được chỗ thâm hụt. Rất nhiều người giàu có xung quanh tôi đều mua nhà theo hình thức trả toàn bộ, không vay tiền ngân hàng để trả góp. Một là vì họ không cần vay tiền, hai là vì bản thân họ vốn không muốn vay tiền.
Tỷ phú người Hồng Kông, Lý Gia Thành cũng từng nói đại để như sau: Công ty không thể tiêu quá nhiều tiền của ngân hàng. Nếu công ty của bạn cần dựa vào tiền của ngân hàng để chi dùng, thì sẽ chẳng mấy mà lụi tàn.
Tôi rất đồng tình với quan điểm này.
Còn một điểm nữa rất quan trọng, đó chính là nhà và xe chẳng qua chỉ là phương tiện của cuộc sống. Chúng ta không cần phải quá coi trọng nó. Rất nhiều người vừa có chút tiền đã mua cho mình xe xịn, nhà sang, đến khi tình hình kinh tế tuột dốc, đều phải sống rất chật vật.
Cho nên, hãy tiết kiệm ở khoản này, đầu tư tiền vào những việc quan trọng hơn.
30% tài sản dùng vào việc tiết kiệm
Mỗi tháng, bạn cần phải có một khoản tiền để dành. Tôi thích để số tiền này trong tài khoản tiết kiệm của ngân hàng, tuy lãi không cao, nhưng lâu dần, cũng có thể tích thành một khoản kha khá.
Hãy ghi nhớ công thức sau: Chi = Thu nhập – Tiết kiệm
Tiết kiệm là việc cần làm. Đã từ lâu, chồng tôi rất thích thói quen này của tôi. Anh chưa bao giờ thấy tôi không có tiền. Tôi luôn có khoản để dành kha khá. Hơn nữa tôi không hề có hứng thú với những khoản chi tiêu không cần thiết. Một người đẹp biết kiếm tiền lại không tiêu hoang, thử hỏi, người đàn ông nào lại không thích?
20% tài sản dùng cho đầu tư thông thường
Khoản tiền này được dùng để đầu tư liên tục vào những lĩnh vực mới khác nhau, giúp cho sự nghiệp của bạn không ngừng mở rộng.
10% tài sản dùng cho đầu tư rủi ro cao
Tôi thực hiện khoản đầu tư này là vì nó mang lại lợi nhuận cao. Chỉ có tập luyện, mới có thể thuần thục. Tôi không ngừng thử đầu tư, để mình trở thành chuyên gia ở mảng này.
20% tài sản còn lại
20% tài sản còn lại, tôi phân chia 10% dùng cho chi tiêu trong cuộc sống thường ngày, 5% dùng để đầu tư cho bản thân, 5% dùng để phụng dưỡng bố mẹ.
Mức chi tiêu trong cuộc sống thường ngày của tôi không cao. Tôi hoàn toàn không chạy theo những túi xách, quần áo, giày dép hàng hiệu. Chỉ cần chất lượng tốt và thiết kế phù hợp là tôi đã cảm thấy hài lòng. Tôi không có nhu cầu dùng đồ xa xỉ, cao cấp để đánh bóng bản thân. Chồng tôi lại càng ít khi mua sắm. Đối với giày dép và túi, anh thích dùng những loại có thiết kế cổ điển, không chạy theo trào lưu. Quần áo của anh toàn là hàng đặt may, kiểu dáng đơn giản và chất liệu bền đẹp.
Tôi không bao giờ tiết kiệm khoản chi phí đầu tư cho bản thân. Trước đây, chi phí cho phương diện này của tôi còn vượt xa tỷ lệ 5%. Khi thu nhập một năm của tôi chưa đến 2 triệu NDT, tôi thậm chí còn bỏ ra hơn 800 nghìn NDT để bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, rải đường cho tương lai. Hôm nay nghĩ lại, đây là một khoản chi xứng đáng. Nó không chỉ giúp tôi ít phải đi đường vòng, mà còn giúp tôi có được khoản tiền vốn lớn khi còn trẻ.
Hiếu thuận với cha mẹ là việc cần phải làm ngay. Tôi luôn ghi nhớ trong lòng điều này, và luôn thực hiện nó. Tôi rất thích được trông thấy bố mẹ sống thoải mái, an nhàn. Tôi đã không bỏ lỡ niềm hạnh phúc để bố mẹ được sống một cuộc sống tốt.
Cho dù bạn lập nghiệp trong lĩnh vực nào, bạn hãy dốc hết khả năng, thường xuyên tìm hiểu mọi khía cạnh của nghề nghiệp. Tìm hiểu càng nhiều càng tốt.
Đối với tôi, muốn hoạt động trong ngành tài chính, tôi cần phải nắm vững thị trường cổ phiếu, thị trường ngoại hối, thị trường tương lai, thị trường quyền cổ đông. Sau khi tiến hành đầu tư vốn cổ phần, tôi còn phải hiểu về đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, tăng vốn phát triển cổ phần…
Bạn có thể đoán được tôi đã phải bỏ ra bao nhiêu tâm huyết và chi phí để bồi dưỡng bản thân không? Nhờ khoản đầu tư này mà ngày hôm nay, ngoài công việc chính mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, tôi còn ít nhất bốn nguồn thu nhập khác. Hơn nữa tôi còn là cổ đông sáng lập của nhiều công ty. Tuy trong rất nhiều phi vụ đầu tư thực nghiệp (công, nông, thương nghiệp), tôi chỉ là một cô gái tuổi đời còn khá trẻ, nhưng tôi vẫn có nhiều kinh nghiệm.
Không trải nghiệm, mãi mãi chúng ta không thể trở thành nhân vật dày dặn kinh nghiệm. Chúng ta phải nắm rõ về ngành nghề đang làm, thì mới có thể ung dung, thong thả kiếm tiền.
Ngành tài chính phù hợp với tôi nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn. Bạn nên bỏ chút thời gian để xác định ưu thế của mình. Nếu bạn sáng nghiệp trong ngành thực nghiệp, dưới đây là bốn điểm vô cùng quan trọng cần phải lưu ý:
1. Bạn có thể thu tiền trước rồi mới phục vụ không? Không phải không? Vậy thì hãy nghĩ cách đi!
2. Không mạo hiểm đặt rủi ro lên một mình bạn. Cao thủ hoặc là giảm thiểu rủi ro, hoặc là chuyển dịch rủi ro. Bạn đặt rủi ro lên người mình, một là có thể bạn không chống đỡ được, hai là chưa chắc nhà đầu tư đã tin tưởng bạn.
3. Bạn có thể cùng lúc phục vụ cho nhiều khách hàng không? Nếu không thể, bạn cần phải cân nhắc, suy xét lại về mô hình kinh doanh cá nhân của mình.
4. Ngành nghề mà bạn thích có khả năng tăng trưởng không? Bạn sẽ cơ hội nâng cao năng lực, trình độ của bản thân chứ? Nếu bạn nhìn thấy viễn cảnh tương lai với công việc kinh doanh thoi thóp, còn bạn cũng chỉ có thể duy trì trạng thái đủ sống, tôi khuyên bạn không nên sáng nghiệp trong lĩnh vực này.
Một công ty không có tốc độ tăng trưởng, sẽ không được xem trọng. Một người không vươn lên, sẽ bị xã hội đào thải.
Bạn có biết tại sao tôi có thể tiến bộ nhanh như vậy không? Tôi xin được chia sẻ với bạn như sau:
1. Tôi có tài ăn nói, cho nên tôi rất giỏi chia sẻ và tiếp thị theo kiểu 1- n (n là số nhiều).
2. Tôi nhiệt tình học hỏi không ngừng để tiến bộ.
3. Cộng sự của tôi tài giỏi.
Lòng nhiệt tình đối với công việc và cuộc sống là thứ mà bạn nhất định phải có. Nếu bạn giống như tôi, chịu đầu tư cho bản thân, không ngừng rèn luyện khả năng giao tiếp, nâng cao kỹ năng chuyên môn, biết chia sẻ với người khác chiếc bánh ngọt của mình, thì ngày tháng tuyệt vời của bạn sẽ không còn xa xôi nữa.
Có một số thứ sẽ là của riêng mình, người khác không thể bắt chước được. Chỉ cần bạn tìm đúng con đường dành cho mình, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Tôi không có ý muốn dọa bạn sợ khi nói về việc sáng nghiệp và thị trường tài chính một cách lạnh lùng như vậy. Tôi muốn nói với bạn rằng, đồng tiền luôn đẻ ra tiền theo cách như vậy. Nếu không tin, bạn hãy xem thị trường chứng khoán, có loại cổ phiếu nào tăng hay giảm giá dựa trên mong muốn của bạn?
Chúng ta sáng nghiệp, làm sếp tổng, mục đích là để kinh doanh lớn, để mang lại cho xã hội nhiều giá trị. Trong quá trình thực hiện mong muốn đó, tiền luôn là một nhân tố rất quan trọng. Vì vậy, hãy quản lý thật tốt tài sản của bạn. Chỉ có quản lý được nó, thì bạn mới có đủ sức mạnh, mới có thể đi được xa.
ĐỪNG NGÂY THƠ, “MẠNG LƯỚI” CỦA SẾP KHÔNG DỄ DÙNG ĐÂU
Vì tính chất công việc, tôi có cơ hội tiếp xúc khá nhiều với sếp Dư. Khi đó rất nhiều hội nghị kêu gọi đầu tư của công ty anh đều do tôi phụ trách. Sau một thời gian thường xuyên qua lại, tôi khá thân quen với một vài nhân viên trong công ty anh, trong đó có Tiểu Lý là trợ lý của anh.
Một ngày đầu năm năm nay, đột nhiên Tiểu Lý gửi tin nhắn Wechat5 cho tôi, muốn gặp tôi nói chuyện. Chúng tôi hẹn nhau cùng ngồi uống trà ở phòng làm việc. Tiểu Lý nói bây giờ anh ấy đang nắm trong tay một dự án tốt, muốn hợp tác với tôi.
5 Một ứng dụng do tập đoàn Tencent của Trung Quốc phát triển, cho phép người dùng gửi tin nhắn bằng văn bản, voicechat hoặc gửi video.
Thành thật mà nói, vì nể mặt sếp Dư nên tôi mới tôn trọng Tiểu Lý. Còn Tiểu Lý, một là tôi không thật sự thân quen, hai là tôi không hề thích một vài hành vi thích thể hiện, thích ra vẻ của anh ta.
Bây giờ đột nhiên Tiểu Lý nói có dự án muốn hợp tác với tôi, tôi thật sự không muốn đồng ý. Nhưng vì tôn trọng Tiểu Lý, tôi vẫn lắng nghe hết lời giới thiệu, sau đó nói với anh ta: “Anh gửi cho tôi một ít tư liệu, để tôi xem thật kỹ, chúng ta nói chuyện sau nhé.”
Tiễn Tiểu Lý ra về, tôi gọi điện cho sếp Dư. Nhờ đó mới biết Tiểu Lý đã từ chức, bây giờ đã chuyển sang công ty khác làm việc. Tôi hỏi lý do thôi việc của anh ta, sếp Dư cười cười, nói: “Chẳng phải là chút chuyện kia ư.”
Tôi kể chuyện này với cộng sự L của tôi. Tôi cảm thấy Tiểu Lý còn quá trẻ, ngựa non háu đá nên chỉ thấy cái lợi trước mắt.
Câu trả lời của L lại khiến tôi hơi ngạc nhiên. Anh ấy nói: “Thực ra không ít nhân viên muốn lên làm sếp lớn, chỉ cần có cơ hội, bọn họ sẽ hành động như vậy. Mấy năm nay, nhiều người sau khi rời khỏi công ty, đều muốn liên hệ với mấy anh em bên cạnh anh. Mục đích để hợp tác với họ, nhưng cuối cùng đều chẳng đâu vào đâu. Tại sao lại vậy? Vì mấy người anh em này của anh chỉ quen biết anh, đối với những nhân viên muốn móc nối đó, họ vốn không biết rõ mục đích của họ, cho dù đồng ý gặp gỡ, cũng chỉ xuất phát từ xã giao lịch sự mà thôi. Cho nên, nếu nhân viên có ý đồ khai thác, lôi kéo người của sếp, muốn sử dụng mạng lưới quan hệ của sếp, không dễ dàng vậy đâu.”
Tôi nhớ lúc mới bắt đầu sáng nghiệp, tôi đã làm công việc tiếp thị. Về sau được giao nhiệm vụ tìm kiếm đối tác cho công ty, cộng sự Lị Lị đề nghị: “Hãy liên hệ với sếp Lý, sếp Trương xem, dù sao họ cũng là đối tác của công ty mà cậu từng làm trước đây, thực lực cậu cũng khá, chắc họ sẽ nể mặt.”
Hoàn cảnh của tôi khi đó chẳng khác gì Tiểu Lý bây giờ. Sếp Lý và sếp Trương cũng lịch sự tiếp đón, cùng ngồi uống trà và trò chuyện với chúng tôi, bảo chúng tôi nói qua về dự án. Sau khi đôi bên trao đổi xong cũng bảo chúng tôi để lại ít tư liệu, rồi chúng tôi ra về.
Về sau, phía họ bặt vô âm tín, không thấy đả động gì đến việc chúng tôi đã đề cập.
Hợp tác ư? Làm gì có chuyện đó!
Nói thật, cảm giác bị từ chối rất khó chịu.
Bạn sẽ có cảm nhận rằng, trông có vẻ anh ta tỏ ra lịch sự với bạn, kỳ thực trong suốt quá trình nói chuyện, anh ta không hề tin tưởng bạn. Nghĩa là, trong lòng anh ta, bạn mãi mãi chỉ là một trợ lý. Dù hiện tại bạn giỏi giang như thế nào, định kiến trong lòng anh ta không dễ gì thay đổi được. Huống chi, bạn mới chỉ vừa chân ướt chân ráo bước đi trên con đường lập nghiệp.
Tôi quay về tự phân tích nguyên nhân. Tôi nhận thấy người mà người ta công nhận, xem trọng là sếp của bạn chứ không phải bạn. Nói cách khác, thời gian tôi làm trợ lý, trong mắt người khác, chẳng qua tôi chỉ là một kẻ làm thuê, làm sao có thể lợi dụng được mạng lưới quan hệ của sếp kia chứ.
Về sau, tôi và Lị Lị cũng thử dùng cách mời khách ăn cơm để hợp tác với những sếp cũ. Nhưng trước tờ hoá đơn với con số đắt đỏ, sau một lần làm thử, chúng tôi phải chùn bước. Một bữa cơm, gọi lên mười một món, uống ba chai Mao Đài, đã ngốn của chúng tôi gần 5 nghìn NDT. Tim tôi đau nhói như bị kim châm vậy. Công ty vừa mới thành lập, lấy đâu ra lắm kinh phí để phung phí cho việc mời mọc xã giao!
Sau lần đó, tôi đã hiểu rõ là chúng tôi không đủ khả năng sử dụng mạng lưới quan hệ của sếp mình. Chúng tôi tưởng rằng làm trợ lý cho sếp, một khi đủ lông đủ cánh bay đi thì có thể tận dụng mối quan hệ của sếp để xây dựng kênh hợp tác của mình. Chúng tôi đã quá ngây thơ!
Nhớ lại cảnh Tiểu Lý tới gặp mình, tôi còn có cảm giác thương xót, vì chính tôi cũng đã từng ở trong hoàn cảnh như vậy. Thế nên tôi nghiêm túc xem xét dự án của anh ta, tuy nhiên nó thực sự không có tiềm năng, cũng không có tính thuyết phục. Còn nữa, Tiểu Lý vừa mới bước chân vào lĩnh vực tài chính, dường như anh ta không hiểu biết lắm về một số tình hình trong lĩnh vực này.
Sau khi xác định chắc chắn tôi không thể tham gia dự án của Tiểu Lý, tôi không từ chối đề nghị của anh ta ngay, mà nói với anh ta rằng dự án này chúng tôi vẫn còn chút băn khoăn. Tuy không thể cùng hợp tác, nhưng sau này nếu có cơ hội, hãy chia sẻ với chúng tôi. Tiểu Lý vui vẻ bằng lòng.
Tháng trước tôi lại đọc được tin tức do Tiểu Lý gửi tới, cậu ta đã thực hiện một dự án khác rồi. Thấy mạng lưới bạn bè của cậu ta như cái nồi lẩu, lại còn công bố dự án rộng rãi trên Wechat, tôi cảm thấy hơi thất vọng.
Người trẻ, mới chập chững lập nghiệp, điều quan trọng nhất là phải giữ được cái tâm tĩnh. Nếu nói như rồng leo làm như mèo mửa, không chịu học tập và làm việc đến nơi đến chốn, chỉ lăm le đi đường tắt cho nhanh, thì không thể thu được kết quả tốt.
Cách làm của tôi về sau khác hẳn với Tiểu Lý. Tôi không chạy khắp nơi tìm đối tác của sếp cũ mời hợp tác nữa. Tôi bồi dưỡng kiến thức về sản phẩm, trau dồi nhận thức về đặc điểm, tình hình của lĩnh vực của mình, sau đó tiếp thị không ngừng nghỉ. Tôi không bám lấy những khách hàng cũ, mà chuyển sang khai thác những khách hàng mới.
Một chị bạn khác cùng hợp tác với tôi đã nói rất đúng: “Trung Quốc cái gì cũng thiếu, chỉ không thiếu người. Chỉ cần bạn chịu bỏ công bỏ sức, chắc chắn bạn có thể tìm được người bạn cần tìm.”
Tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Vậy nên, sau này cho dù mời gọi đầu tư dự án nào, chúng tôi luôn xây dựng được đội ngũ hàng nghìn người chỉ trong thời gian ngắn nhất.
Tôi và chị bạn cùng hợp tác này đều có tính cách hướng ngoại điển hình, thích mở rộng vòng tròn quan hệ. Khoảnh khắc phấn khởi nhất đối với chúng tôi là khi một khách hàng lạ đã chịu móc hầu bao thanh toán. Sau đó dần dần trở thành đối tác lâu dài của chúng tôi. Cảm giác giá trị mà quá trình này mang lại, không gì có thể bì được.
Chúng tôi cùng hợp tác như vậy, chưa đầy hai năm, hiệu suất kinh doanh đã tăng vượt bậc.
Gặp lại đối tác của sếp cũ, thường là trong những cuộc họp đầu ngành, khi đó hoặc chúng tôi là chủ, hoặc chúng tôi là khách. Họ chủ động chào hỏi chúng tôi. Khi biết thực lực của chúng tôi, họ chủ động đề xuất hợp tác với chúng tôi trong tương lai.
Mạng lưới quan hệ do bản thân mình tự phát triển mới thật sự là mạng lưới “của mình”. Nếu đặt trọng tâm vào đối tác của sếp cũ, khó đảm bảo sẽ không có xung đột, xích mích với nhau. Nghĩ vậy, trong lòng tôi cảng cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Thế nên khi sếp Lý đề nghị, muốn “hốt” cả đội ngũ của chúng tôi đến công ty ông ấy phụ trách mảng tiếp thị thị trường, chúng tôi đều cười vang.
Hiện tại, cũng thường xuyên có một số đối tác nói với chúng tôi rằng trợ lý cũ nào đó của chúng tôi liên hệ với họ. Người đó nói muốn hợp tác với họ, và muốn hỏi quan điểm của tôi. Tôi luôn có thể thản nhiên mà nói rằng: “Tôi cảm thấy dự án rất có triển vọng, hãy cùng hợp tác với họ.”
Tôi không để tâm đến những chuyện này, vì tôi biết, chỉ cần tôi vẫn còn làm trong ngành này, người ta khó mà lấy mất mạng lưới quan hệ mà tôi tự khai thác, phát triển.
Cho nên, khi trợ lý nghỉ việc và bắt đầu sáng nghiệp, cần đặt trọng tâm vào việc khai thác và duy trì mạng lưới kết nối của mình. Vì mạng lưới của sếp, cho dù bạn có bỏ nhiều tâm tư đi nữa, cuối cùng bạn cũng sẽ nhận ra rằng, nó không “dễ ăn” đâu!
Bàn về chuyện kết hô
Chris là cậu bạn thân người Rumani của tôi, cậu ấy làm trong ngành ngoại thương ở Trung Quốc.
Khi mới đến Trung Quốc, cậu ấy kinh doanh rượu vang. Tôi đã giúp cậu ấy tạo dựng một vài mối quan hệ không tồi. Chúng tôi thường hay tụ tập với nhau, nói về chuyện làm ăn, thỉnh thoảng cũng nói về bạn bè.
Chris rất biết cách làm cho các cô gái vui. Cậu ấy có rất nhiều bạn gái ở Thâm Quyến, có cô nói tiếng Anh rất tốt, có cô bình thường hoặc khá tệ. Cậu ấy nói, đều này không ảnh hưởng gì khi họ ở bên nhau.
Qua lại với nhiều cô gái khác nhau khiến cho ngày cuối tuần của Chris trở nên khá thú vị.
Tôi hỏi cậu ấy: “Bí quyết để kết bạn với nhiều cô gái Trung Quốc khác nhau của cậu là gì vậy?” Cậu ấy nở nụ cười làm lố, nói: “Đẹp trai.”
Tôi nói: “Thôi đi, người đẹp trai hơn cậu còn đầy ra đấy. Tôi cảm thấy đó chỉ là một điểm cộng thôi, không chắc đã là yếu tố chính.”
Chris nghiêm túc nói: “Đối với tôi, những điều này đều không thành vấn đề. Con gái thích tôi, tôi đẹp trai, cũng biết lấy lòng họ. Chúng tôi cứ thế đến với nhau thôi. Nhưng bạn tôi có một thứ gọi là nhân tố quyết định.”
Tôi hỏi đó là thứ gì.
Cậu ấy nói: “Bạn tôi là doanh nhân người Rumani. Nói chuyện không hài hước như tôi, nhưng lần đầu tiên hẹn hò với bất kỳ cô gái Trung Quốc nào, cậu ấy đều sẽ nói: ‘Tôi làm ăn ở Trung Quốc, tôi cảm thấy người nước em quá giỏi. Tôi định tìm và lấy một cô vợ Trung Quốc, ổn định cuộc sống ở đây.’”
Chris nói người bạn này của cậu ấy sau khi giới thiệu như vậy, gần như tất cả các cô gái mà anh chàng muốn hẹn hò đều sẽ ngả vào lòng cậu ta.
Anh chàng ấy đã dùng mồi nhử kết hôn, khiến khá nhiều cô gái thi nhau lao về phía mình.
Tôi hỏi cậu ấy: “Cậu thấy chiêu này có tác dụng không?”
Chris nói: “Kỳ thực đó toàn là thủ đoạn để tán gái. Con gái thích cái gì, chúng tôi sẽ dùng cái đó thôi. Chứ không phải chúng tôi sẽ thật sự kết hôn với cô gái đó. Kết hôn là việc cần hết sức thận trọng.”
Vậy nên tôi đã nghĩ, chiêu trò kết hôn có tác dụng thật hay không?
Xung quanh tôi có rất nhiều cô bạn, họ cũng từng nói với tôi về vấn đề này.
Khi họ yêu si mê sẽ rất dễ bị tổn thương. Sau khi trái tim bị dày vò, họ sẽ quay sang tập trung cống hiến cho sự nghiệp. Khi đó, những người con trai từng khiến họ tổn thương sẽ quay lại tìm họ, nói: “Em là cô gái tốt. Trước đây anh dốc sức vì sự nghiệp, không thể hứa hẹn gì với em. cho nên đành phải rời xa em. Bây giờ anh muốn bù đắp cho em, anh muốn lấy em làm vợ, em hãy cho anh một cơ hội được không?”
Những người bạn gái này của tôi chia sẻ rằng: “Khi ấy, chúng tớ chỉ biết phá lên cười. Lúc đầu khi mình một lòng một dạ theo đuổi tình yêu, bọn họ chạy mất dép. Giờ mình chăm lo cho sự nghiệp, hơn nữa đang có chút thành tích, bọn họ lại nói muốn cưới mình. Đúng là nực cười! Sao bọn đàn ông đều thực dụng đến thế!”
Trong mắt những cô gái có nhan sắc, có sự nghiệp, mồi nhử kết hôn đã không còn khiến họ xiêu lòng nữa. Họ đã quen mắt với đủ kiểu gian xảo trên thương trường, có lẽ bây giờ thứ họ cần là một tấm chân tình.
Khi mới sáng nghiệp, cũng có một vài chị em may mắn hơn chúng tôi. Họ nhanh chóng tìm được một nửa như ý và bước vào cung điện hôn nhân.
Khi tôi mệt mỏi, bận tối tăm mặt mũi, ngay cả ăn cơm cũng không thể ăn đúng bữa. Nhìn họ hưởng thụ cuộc sống quý bà, được cơm bưng nước rót, thật sự ghen tị vô cùng. Thậm chí trong một phút yếu lòng, tôi còn từng nghĩ: Tại sao mình không thể gặp được một người thích hợp để kết hôn, sống cuộc sống ổn định?
Vài năm qua đi, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tụ tập với những người chị em này, nhưng số lần đã ít hẳn đi. Chúng tôi không còn có chung chủ đề nói chuyện, không còn có chung vấn đề bận tâm. Chúng tôi quan tâm đến chỉ số chứng khoán, họ quan tâm đến chồng con. Chúng tôi quan tâm đến xu thế kinh tế, họ quan tâm đến quan hệ mẹ chồng, nàng dâu.
Đến nay những cô gái đã có thành tựu trong sự nghiệp hầu như đã có một nửa của mình. Họ vừa làm việc vừa sống cuộc sống của quý bà. Nhưng mấy người chị em kết hôn sớm kia lại không có được sự nghiệp vẻ vang của riêng mình. Họ hoặc là phụ trách mảng hậu cần và tài chính trong công ty của chồng, hoặc là làm một công việc bình thường ở công ty khác.
Định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người mỗi khác, chỉ có điều nguồn tài sản của họ ít hơn chúng tôi nhiều.
Các cô gái khi còn trẻ, còn non nớt đều thích cảm giác an toàn, luôn mong muốn được yêu thương, chở che. Thế nên, gặp được một người có điều kiện khá giả, nhiều người liền kết hôn ngay.
Sau khi kết hôn liệu họ có còn cảm giác an toàn?
Không đâu. Trong lòng họ vẫn luôn có ham muốn mãnh liệt là được ra ngoài xông pha. Nhưng vì đã kết hôn, họ đành chấp nhận sống tiếp cuộc sống yên ổn theo quỹ đạo đã định sẵn.
Dường như, những người phụ nữ sau khi đã lăn lộn trên thương trường sẽ càng có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về chuyện hôn nhân. Khi họ đã có sự nghiệp khá thành công, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng trở nên hài hòa hơn. Vợ chồng cùng trưởng thành bên nhau, cùng đồng cam cộng khổ nên việc ngoại tình cũng khó có khả năng xảy ra. Vì vậy, mức độ hạnh phúc của họ có khi còn cao hơn những người kết hôn sớm.
Vậy thì mong muốn có được cảm giác an toàn đến sớm hay đến muộn mới tốt? Tôi thấy rằng, cảm giác an toàn do chính mình tạo ra mới là tốt nhất. Hôn nhân chưa bao giờ là nguồn gốc của cảm giác an toàn. Thay vì gửi gắm hi vọng vào hôn nhân, chẳng bằng cố gắng phấn đấu cho ước mơ của mình trước. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, sau khi bạn phấn đấu và có được thành công của mình, bạn sẽ càng trở lên rực rỡ. Bầu trời mà bạn tung cánh càng trong veo, xanh thẳm.
MỘT SỐ LỜI KHUYÊN DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI ĐANG LÀM TRỢ LÝ
Tôi đã đọc và xem rất nhiều bài báo và bộ phim về huyền thoại thời trang Chanel. Tôi thích người phụ nữ này, vì bà độc lập, thời thượng, sáng tạo.
Chanel có xuất thân vô cùng bình thường. Cha bà là một tiểu thương, mẹ bà là nông dân. Vào thời đại đó, khi kết hôn, cha mẹ bà còn không tổ chức hôn lễ chính thức.
Sau khi sinh ra bốn người con, mẹ bà qua đời. Cha bà đem cho người ta hai cậu con trai và hai cô con gái, còn ông thì bỏ sang tận nước Mỹ xa xôi, không quay trở về nữa.
Chanel khi còn là thiếu nữ đã sống trong tu viện. Đến năm 18 tuổi, bà rời khỏi tu viện. Ban ngày bà may quần áo trong một cửa hàng may mặc, buổi tối đi hát thuê tại phòng trà, quán bar. Bà hiểu rất rõ một điều, bản thân muốn có được thành công, thì cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc trong xã hội. Khi bà 26 tuổi, tại một quán bar, bà đã gặp sĩ quan Balsan – người mà bà đã mong chờ từ lâu. Bà biết rằng cơ hội của mình đã đến. Bà bất chấp tất cả đi theo Balsan đến căn biệt thự của ông ta ở dưới quê, sống nhiều năm ở đó. Bà nghĩ rằng người đàn ông này sẽ cho bà một tương lai. Nhưng bà dần nhận ra rằng, Balsan là một gã Don Juan quen thói trăng hoa, cuộc hôn nhân của bà đã gặp phải không ít khó khăn vì điều này. Lúc rảnh rỗi, bà chú tâm vào công việc may vá để quên đi nỗi cô đơn.
Mới đầu bà may mũ. Bà gặp được Capel, người sau này bà nói rằng đó là người đàn ông mà bà yêu nhất trong cuộc đời. Capel đã cho bà một khoản tiền, giúp bà mở ra cửa hàng mũ đầu tiên ở Pháp. Đồng thời cung cấp cho bà mạng lưới quan hệ của xã hội thượng lưu, giúp bà bắt đầu sự nghiệp của mình.
Nhưng dù Capel rất yêu bà, ông buộc phải làm theo yêu cầu của gia tộc. Vì “môn đăng hộ đối” nên ông phải cưới một phụ nữ thuộc giới thượng lưu. Chanel hoàn toàn tuyệt vọng, bà đã mất niềm tin vào chuyện hôn nhân.
Câu chuyện về sau chắc hẳn các bạn đều biết rất rõ. Vào đêm tân hôn, Capel đã qua đời vì tai nạn xe hơi trong lúc đến tìm Chanel.
Sau khi mất đi người thương, Chanel đã quyết định “cưới” sự nghiệp. Sự sáng tạo táo bạo và sự chuyên tâm của bà đã giúp cho thương hiệu Chanel chỉ trong thời gian hai năm ngắn ngủi trở nên thịnh hành ở nước Pháp. Cho đến nay, nước hoa, túi xách, quần áo của Chanel vẫn khiến người ta vô cùng ưa thích.
Là một nhà sáng nghiệp thành công, những trải nghiệm của Chanel đã mang đến cho chúng ta những gợi ý tuyệt vời để bắt đầu lập nghiệp.
Phải có sự kiên trì
Chỉ có kiên trì, mới có thể không ngừng tạo ra thành quả. Nhờ có kiên trì, cho dù ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế nào, vẫn có thể chớp lấy thời cơ, tạo ra đột phá.
Năm đầu tiên khi Chanel một mình đến Paris, bà phải sống cảnh giật gấu vá vai nhờ vào việc làm mũ và bán mũ. Nhưng trong suốt thời gian này, bà luôn kiên trì, bền bỉ làm công việc của mình. Sau một năm, gặp được Capel, bà mới có cửa hàng đầu tiên.
Hãy thử nghĩ xem, nếu Chanel không có lòng kiên trì, thì chắc hẳn bà sẽ không trụ lại được ở Paris. Bà sẽ chấp nhận sống với Balsan ở dưới quê, trở thành kẻ lệ thuộc vào đàn ông. Sự kiên trì của bà, đã giúp bà có được người thương, lại có được cả sự nghiệp.
Phải có thực lực
Nếu như ở bước khởi đầu Chanel chọn cách dựa vào đàn ông, thì thành công về sau của bà lại hoàn toàn nhờ vào thực lực của chính bản thân bà.
Để có được thành công cần ít nhiều may mắn.Chanel quả thật đã gặp may vì bà đã được Capel giúp đỡ ngay khi bắt đầu con đường sáng nghiệp. Sau khi sự nghiệp bắt đầu phát triển, bà cũng vô cùng may mắn. Những sản phẩm mà bà làm ra luôn đi đầu trào lưu, phong cách thời trang luôn được số đông chạy theo.
Kỳ thực những thành tựu của Chanel đều do bà nỗ lực mà có được. May mắn là nhất thời, chỉ có nỗ lực mới có thể đảm bảo thành công suốt đời.
Hãy trải nghiệm và mở mang kiến thức
Có cơ hội được trải nghiệm thì bạn hãy tận dụng nó. Nhờ được trải nghiệm, bạn sẽ mở mang kiến thức.
Rất nhiều sáng tạo của Chanel đều bắt nguồn từ những chuyến du lịch. Khi lần đầu tiên được Capel dẫn đi biển, bà đã có ý tưởng ban đầu về chiếc áo phông hải quân. Bà nhận ra rằng khi đi đây đó, sẽ trông thấy bao điều mới mẻ ở thế giới bên ngoài. Vậy nên sau khi sáng nghiêp, bà đã mở những cửa hàng mang phong cách khác nhau tại các thành phố khác nhau.
Mở mang kiến thức là điều vô cùng quan trọng. Nhờ tiếp xúc với rất nhiều người ở nhiều quốc gia, Chanel đã khai thác, sáng tạo ra những phong cách riêng trong các tác phẩm của mình. Mở mang kiến thức giúp bà có được nguồn cảm hứng bất tận.
Nỗ lực khi còn trẻ giúp bà trưởng thành về sau. Sự tự lập, cá tính và tinh thần không chịu thua cuộc của bà, đã giúp bà tiến lên trên con đường của mình.
Đặt nền móng cơ bản cho kiến thức, trải nghiệm và phong cách càng sớm càng tốt. Như vậy trên con đường sáng nghiệp, bạn sẽ gặp rất nhiều thuận lợi.
XÂY DỰNG SỨC HÚT CÁ NHÂN
Trong bộ phim Nửa đời trước của tôi, rất nhiều người khen ngợi trang phục của nhân vật Đường Tinh. Theo tôi thấy, đó chẳng qua chỉ là phong cách ăn mặc thường thấy của dân công sở. Trang phục chỉ có các màu đen, trắng, xám, không lỗi mốt cũng không màu mè. Trang phục của La Tử Quân hoặc có màu sắc sặc sỡ hoặc bồng bềnh như lá sen. Đó là cách ăn mặc của “lính mới nơi công sở”. Nếu nói cách ăn mặc chuẩn của một nữ tổng giám đốc, phải kể đến trang phục của Andy trong bộ phim Hoan lạc tụng. Vừa mang phong thái của người làm kinh doanh, lại vừa đầy vẻ nữ tính. Vừa khiến người ta cảm thấy đẹp mắt, lại vẫn ngời ngời quyền uy.
Khi nói đến trang phục nơi công sở thì không thể không kể đến cách ăn mặc của nhân vật Miranda trong bộ phim The Devil Wears Prada (Tạm dịch: Yêu nữ thích hàng hiệu). Vừa thời trang vừa đầy quyền lực nhờ sự kết hợp của mỗi bộ trang phục. Từ áo khoác, túi xách, giày dép, đến những phụ kiện nhỏ xinh như nhẫn, hoa cài ngực của bà ta đều vô cùng hài hòa, phối hợp xuất sắc.
Cách ăn mặc của một nữ tổng giám đốc vừa cần thể hiện quyền uy, vừa mang vẻ nữ tính. Lại vừa cần toát lên hơi hướng kinh doanh. Trong những trường hợp như cùng khách uống trà, có thể chọn cho mình phong cách truyền thống, như xường xám.
Nếu thực sự không thể chọn được cách phối hợp thích hợp, bạn hãy ra cửa hàng mua lấy bộ quần áo đã được phối hợp sẵn. Từ trang sức đến giày dép đều có.
Tôi có một anh bạn, mới đầu không hiểu gì về cách phối hợp trang phục, anh liền đến cửa hàng mua cả bộ đồ. Từ áo sơ mi, quần âu, thắt lưng, giày da, thậm chí cả tất đều mua theo sự tư vấn của nhân viên bán hàng. Anh cũng nói với người nhân viên này về phong cách ăn mặc của mình. Sau một năm, anh đã là một ông chủ có gu thời trang tuyệt vời, đi đến đâu cũng thu hút được những ánh nhìn ngưỡng mộ.
Chiêu này có ích cho tất cả mọi người. Mới đầu hãy mặc những bộ đồ đã được phối sẵn, dần dần tìm được phong cách phù hợp với mình. Vị sếp đầu tiên của tôi khi đi làm là chị A. Vị trí trên thương trường, thành tựu trong công việc và khí chất mà chị ấy có được, tất cả đều có liên quan mật thiết với phong cách ăn mặc của chị ấy. Trên bàn làm việc của chị xếp đầy các cuốn tạp chí thời trang nổi tiếng. Hầu như ngày nào chị cũng dành mười mấy phút để đọc về trào lưu thời trang mới nhất, tìm kiếm món đồ phù hợp với mình.
Bản thân tôi có được sự nhạy bén về thời trang và bản lĩnh phối đồ không tệ nhờ ngày nào tôi cũng bỏ thời gian nghiên cứu, tìm tòi cách phối đồ. Ngay từ khi còn học cấp Ba, tôi đã bắt đầu có thói quen này. Tôi còn nhớ rất rõ khi đó tiền tiêu vặt của tôi rất ít, nhưng vẫn “bóp bụng” bỏ ra 20 tệ để mua cuốn tạp chí thời trang Vogue đầu tiên, có thời gian là ôm khư khư để đọc.
Dựa vào kinh nghiệm của bản thân, tôi xin mách cho mọi người làm thế nào để tạo được sức hút cá nhân.
Nâng cao hình tượng cá nhân ở nơi làm việc
Sở dĩ bộ phim Nửa đời trước của tôi làm mưa làm gió là nhờ có nhân vật Hạ Hàm ưu tú nơi công sở. Dưới sự chỉ dẫn của anh, đã có một Đường Tinh gần như hoàn hảo ở nơi làm việc. Cũng nhờ sự giúp đỡ của anh, bà nội trợ La Tử Quân đã li hôn mới có được cơ hội chuyển mình.
Hạ Hàm đã chia sẻ những điều anh tâm đắc ở nơi làm việc đó chính là nuôi dưỡng khả năng cạnh tranh, biến bạn thành người không thể thay thế được.
Trong bộ phim Yêu nữ thích hàng hiệu, nhân vật “yêu nữ” nói với Andy khi cô này mới chân ướt chân ráo bước chân vào mảng thời trang: “Cô muốn nói cho cả thế giới biết rằng cuộc sống của cô bận rộn đến nỗi cô không có thời gian kiếm lấy mảnh vải thích hợp che mông của mình phải không?”
Câu nói này thật khó nghe. Nhưng rất nhiều cô bạn giỏi giang, tháo vát của tôi cũng đều nghĩ như vậy. Bây giờ là thời đại “đồ ăn nhanh”, không ai có thời gian tìm hiểu tâm hồn lương thiện ở bên trong nếu bắt gặp bề ngoài lôi thôi, nhếch nhác của bạn.
Hãy thử nghĩ xem, khi một nhóm các chàng trai trông thấy từ xa có mấy cô gái đi tới, liệu có ai đó sẽ nói: “Nhìn kìa, tâm hồn của cô gái kia thật là đẹp!” không? Không đâu!
Hình tượng vô cùng quan trọng. Ấn tượng bạn để lại trong mắt người khác sẽ quyết định con đường tiếp theo của bạn. Ai cũng yêu thích cái đẹp. Đàn ông yêu phụ nữ đẹp, phụ nữ cũng thích phụ nữ đẹp. Hãy thử nghĩ xem, nếu là bạn, bạn có từ chối yêu cầu của một người đẹp không? Một người phụ nữ đẹp, đứng trước một vấn đề nào đó, cũng ít bị thương tích hơn người khác.
Là một trợ lý, hàng ngày phải tháp tùng sếp đi khắp nơi để xử lý các công việc. Hình tượng của bạn chính là một cánh cửa sổ để người ngoài có thể nhìn vào và hiểu được sếp cũng như công ty của bạn. Cánh cửa sổ này được chăm chút cẩn thận, giá trị của bạn ở công ty sẽ được nâng cao.
Khi tôi đảm nhận vai trò trợ lý kinh doanh toàn cầu ở công ty Hồng Kông, lý do mà sếp của tôi đi đến đâu cũng thích dẫn tôi theo là vì anh ấy nhận thấy rằng tôi có khả năng khiến khách hàng cảm thấy vui vẻ. Có lần, tôi cùng đồng nghiệp đi dạo dưới sảnh của công ty, thì anh ấy gọi lại. Thì ra là lãnh đạo của tổng công ty đến. Hôm đó tôi mặc chiếc váy dài bohemian xinh xắn, vô cùng thu hút mọi người. Anh ấy chào tôi từ xa, sau đó dẫn tôi giới thiệu với sếp tổng, ánh mắt đầy vẻ tự hào.
Một trợ lý có thể làm tăng thêm thể diện cho sếp, cho công ty, chẳng phải càng được xem trọng hơn sao?
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sức mạnh của hình tượng là nhờ sếp A – chị sếp đầu tiên của tôi khi mới bước chân vào chốn công sở.
Lần đó tôi theo chị đi công tác ở Hàng Châu. Ngoài chúng tôi ra còn có cả những người mẫu đến từ Puerto Rico, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore. Buổi tối trước ngày diễn ra cuộc họp tôi nghỉ hơi muộn, nên sáng hôm sau khi ngủ dậy tôi cảm thấy hơi mệt mỏi, hoàn toàn chẳng có sức để trang điểm, chải chuốt cho mình. Trước đó chị A có nói, hôm nay chúng tôi chỉ đi hát hò với khách hàng, không cần quá chỉn chu như khi bàn chuyện làm ăn.
Thế là tôi thong thả gội đầu, sấy khô tóc, mặc chiếc áo phông và chiếc quần ống rộng rồi ra ngoài. Tôi chọn chiếc áo phông này là vì tôi thực sự thích màu sắc của nó. Còn chiếc quần ống rộng là kiểu quần tôi luôn muốn mặc thử nhưng chưa có dịp, vì hầu như tôi luôn mặc những chiếc váy trang nhã ở nơi làm việc.
Trước khi ra khỏi cửa, tôi soi gương, thấy trang phục của mình không tệ chút nào. Thậm chí còn nghĩ rằng lần này tôi có thể khiến sếp có ấn tượng khác về hình tượng của mình.
Nhưng, vừa đến chỗ hẹn được vài phút, tôi phát hiện ra tôi đã tự làm xấu mặt mình với bộ trang phục. Sau khi chị A trông thấy tôi, chị đã nói với tôi ngay trước mặt tất cả các vị khách: “Rose, cái áo phông của em trông có coi được ở nơi này không?”
Khi đó, tôi có cảm giác quần áo trên người mình như bị lột sạch. Tôi chỉ muốn tìm một cái hố mà chui xuống. Tôi xấu hổ chạy đi đổi bộ váy khác trước con mắt ngạc nhiên của mọi người.
Từ đó về sau, tôi không còn để xảy ra bất cứ tình huống gì không hay liên quan đến trang phục. Trước mỗi cuộc họp lớn hoặc trước khi gặp gỡ khách hàng, tôi đều tự hỏi mình: Trang phục tôi đã chọn chắc chắn phù hợp với hoàn cảnh chứ?
Bạn có thể có được một công việc nhờ vào nền tảng gia đình, vào mối quan hệ, vào tiền bạc. Nhưng thứ giúp bạn có thể bước đi vững vàng trên con đường sự nghiệp vẫn là thực lực cá nhân. Mà hình tượng đẹp, là phương tiện đầu tiên thể hiện sự chỉn chu của bạn. Ở nơi làm việc, bản thân hình tượng đẹp chính là một lợi thế cạnh tranh.
Để nâng cao hình tượng cá nhân, bạn cần chú ý những điều sau:
Học cách phối hợp trang phục
Khi rảnh rỗi, hãy thường xuyên đi tới các cửa hàng thời trang. Ngắm nhìn những bộ đồ đã được phối cho ma nơ canh được treo ở nơi bắt mắt nhất, sau đó bắt chước cách phối đồ ấy. Cho dù là về màu sắc hay kiểu dáng, cách kết hợp trang phục của các thương hiệu đều rất có giá trị tham khảo. Internet cũng là một nguồn tham khảo đa dạng và phong phú. Bạn có thể lên Weibo để đọc những bài viết về cách phối hợp trang phục theo mùa, theo sự kiện hoặc theo dáng người.
Bạn có thể tham gia một số khoá học về xây dựng hình ảnh cá nhân. Những khoá học này đều sẽ dạy bạn cách lựa chọn, kết hợp trang phục. Tôi đã tham gia vài khóa học, cộng thêm việc chú ý quan sát cách ăn mặc của những người xung quanh, tôi tự thấy bản thân đã rất thành thạo kỹ năng này.
Phối đồ là một kỹ năng. Nếu bạn không luyện tập, thì làm sao có thể thành thục? Không biết cách phối hợp trang phục, bạn sẽ không thể xây dựng hình tượng đẹp cho bản thân. Khi đó bạn khó có thể thăng tiến, thành công trong sự nghiệp.
Học cách trang điểm nhẹ nhàng
Trên mạng có rất nhiều kênh và bài viết dạy cách trang điểm nhẹ nhàng cho chị em phụ nữ đi làm công sở, rất tiện lợi để các bạn tham khảo và học theo.
Khi đi làm, nếu bạn là phụ nữ và bạn không trang điểm, người ta sẽ có ấn tượng rằng bạn trông thật phờ phạc, thiếu sức sống. Ảnh hưởng đến công việc của bạn. Người phụ nữ không chú trọng đến việc làm đẹp cho bản thân, thì khó mà lên làm đến tổng giám đốc từ vị trí trợ lý.
Chú ý đến kiểu tóc và màu tóc
Nơi làm việc cần phải có bộ dạng của nơi làm việc. Một mái tóc sạch sẽ, gọn gàng là điều cần thiết. Tuỳ yêu cầu của trang phục, thỉnh thoảng có thể buộc tóc hoặc xõa tóc. Nếu xõa tóc, không nên để tóc quá ngắn. Tóc ngắn có thể rất cá tính, nhưng khó phù hợp với những trang phục khác nhau.
Ngoài ra, không nên nhuộm màu tóc quá sặc sỡ, nơi làm việc không phải là nơi để bạn tự do thể hiện cá tính một cách thái quá.
Chú ý đến móng tay và bàn tay
Hãy hình thành thói quen cắt tỉa móng tay định kỳ. Không được để móng tay dài, bẩn, trông rất mất vệ sinh.
Ngoài ra, tôi cũng không khuyến khích bạn sơn móng tay quá loè loẹt khi làm trợ lý. Điều đó không phù hợp với môi trường công sở. Sơn móng tay với các gam màu nhạt như màu da, màu hồng phớt, sẽ thích hợp với công việc trợ lý của bạn.
Sau khi bạn đã trở thành tổng giám đốc, bất kể là màu móng gì, chỉ cần bạn biết cách phối hợp với trang phục thì đều có thể dùng được.
Hãy nuôi dưỡng thói quen rửa tay sạch sẽ, mùa đông phải dùng kem dưỡng da tay. Tay là gương mặt thứ hai của người phụ nữ, không chăm sóc tốt sẽ khiến người khác cảm thấy bạn không chuyên nghiệp, từ đó bạn rất khó thăng tiến.
Lựa chọn giày dép phù hợp
Có người nói, để biết một người phụ nữ yêu thương bản thân mình như thế nào, thì hãy hỏi xem cô ta có bao nhiêu đôi giày. Tôi không định nói rằng việc bạn mua rất nhiều giày là thể hiện bạn rất yêu bản thân. Ý tôi là đôi giày bạn chọn phải có chất lượng tốt và thiết kế đẹp để phối hợp với trang phục hàng ngày.
Ở nơi làm việc, giày cao gót màu đen hoặc màu da là phù hợp nhất. Không nên đi những đôi giày có màu sắc sặc sỡ. Ngoài công ty thời trang ra, tôi hiếm thấy có ai đi đôi giày xanh xanh đỏ đỏ mà thể hiện được đẳng cấp cao. Điều đó chỉ khiến mọi người trong công ty cảm thấy bạn lạc loài, không chuyên nghiệp.
Hành xử đúng mực
Là một trợ lý, cách hành xử của bạn cần phải đạt chuẩn và đúng mực.
Tôi đã gặp rất nhiều trợ lý có cách nói chuyện không thể thể hiện được chức vị của mình. Dường như họ nghĩ rằng, bản thân mình chỉ là một trợ lý, mọi việc cứ để sếp quyết là được. Cho nên cho dù bạn hỏi gì, họ đều hờ hững trả lời: Tôi không biết.
Nếu gặp phải tình huống này, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng nếu bạn là sếp của người trợ lý này, bạn sẽ lập tức sa thải anh ta.
Sau vài năm tự sáng nghiệp, bên cạnh tôi có không ít trợ lý, tôi rất vui vì đã bồi dưỡng họ không tồi.
Theo tôi, để học được cách nói năng đúng mực, bạn nên nuôi dưỡng ba thói quen dưới đây:
Nói ít một chút
Một trợ lý lắm lời sẽ khiến người ta có ấn tượng là một người thiếu chuyên nghiệp. Trợ lý kiểu này cũng khó được lòng sếp và nhân viên xung quanh, dễ mang lại rắc rối cho chính bản thân mình, gây phiền phức cho sếp và cho công ty.
Cười nhiều hơn
Người trợ lý thường xuyên nở nụ cười sẽ tạo dựng được hình ảnh thân thiện, sẽ được sếp và đồng nghiệp quý mến, khách hàng tin tưởng.
Điềm tĩnh
Có những người trợ lý, gặp chuyện gì cũng tỏ ra kinh ngạc. Điều này khiến người ta có cảm giác tâm của những người đó không vững vàng, không có thực lực đối phó với những tình huống bất ngờ. Gặp chuyện vẫn giữ được bình tĩnh là tiêu chuẩn đánh giá một trợ lý đẳng cấp, chuyên nghiệp.
Một trợ lý ưu tú là người có những phẩm chất ưu tú. Họ có trách nhiệm, có chủ kiến, có năng lực hành động.
Một người trợ lý biết cách hành xử đúng mực, luôn có thể giảm thiểu không ít phiền toái không cần thiết cho sếp của mình.
Ngược lại, dưới đây là ba điều mà không ít trợ lý xem nhẹ:
Giữ mồm miệng
Với những việc được sếp giao phó, chỉ có sếp và mình biết. Những người khác bất kể là ai hỏi đến, cũng không được tiết lộ. Nhất định phải giữ bí mật về hoạt động của sếp. Có những khi sếp đi đâu, ở đâu nhưng không tiện tiết lộ, càng phải biết cách xử lý linh hoạt. Xử lý tốt, trợ lý sẽ có cơ hội được thăng cấp và hưởng nhiều đãi ngộ hơn. Ngược lại, sẽ có khả năng bị đào thải.
Trong thời gian tôi làm trợ lý, H đã làm trợ lý cho sếp của tôi khi đó được tám năm. Mới đầu, tôi nhận thấy mình rất khó được tiếp xúc với những công việc quan trọng của sếp. Về sau, khi đã được tin tưởng giao cho những việc hệ trọng, tôi phát hiện thấy H có rất nhiều phẩm chất vô cùng xuất sắc, khiến tôi hết sức kính nể anh.
Hầu như anh ấy hỗ trợ sếp trong mọi công việc. Chịu trách nhiệm lái xe và xử lý việc riêng của sếp. Trong thời gian này, bất cứ ai hỏi về chuyện liên quan đến sếp, H đều có thể ứng phó khôn ngoan. Vừa không khiến người ta phải nghi ngờ, vừa không để lộ việc riêng của sếp.
Không tham lợi nhỏ
Vì tính chất công việc, trợ lý có rất nhiều khoản chi. Lúc này, rất nhiều người sẽ bộc lộ tật xấu tham lợi nhỏ.
Thông thường, trợ lý sẽ được tạm ứng tiền và có thể tự mình ghi nợ. Vậy ghi bao nhiêu, mục đích chi tiền là gì, hoàn toàn là do bản thân người trợ lý quyết định.
Tuy các sếp có vẻ như không quan tâm lắm đến việc này, nhưng họ đều biết tỏng việc bạn làm. Nếu bạn muốn là người chiến thắng cuối cùng, tốt nhất đừng tham những thứ nhỏ nhặt ấy.
Về điểm này, H làm rất tốt. Anh chịu trách nhiệm mua trái cây và đồ dùng thường ngày của công ty. Sếp thích ăn gì, công ty cần thứ gì, anh đều nắm rõ. Nhưng mọi khoản chi, anh đều ghi lại rõ ràng, chưa bao giờ tham lam chút tiền lẻ.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà anh rất được sếp tín nhiệm. Không chỉ được tăng lương rất cao, mà ngay cả việc lớn như kết hôn, mua nhà, sếp cũng sẵn sàng dốc hầu bao hỗ trợ anh.
Rất nhiều bạn cùng trang lứa đều phải ghen tị với anh. Dù còn rất trẻ anh đã có nhà, có xe ở thành phố đắt đỏ như Thâm Quyến. Họ không biết rằng tất cả đều là do anh đã dốc tâm sức, tận tuỵ làm việc mới có được.
Duy trì mối quan hệ với những người ở bên cạnh khách hàng quan trọng
Những người ở bên cạnh khách hàng có thể là bà xã, bạn gái của khách hàng, cũng có thể là trợ lý của họ.
Khi đã làm sếp tổng, tôi phải kết nối với khách hàng, tôi muốn trợ lý của mình tạo mối quan hệ tốt đẹp với trợ lý của khách hàng trước, trao đổi Wechat, làm quen với nhau.
Điều này mang đến nhiều lợi ích cho công việc của tôi sau này. Việc hợp tác giữa tôi và khách hàng, tôi đều có thể nắm bắt được tình hình tiến triển từ chỗ trợ lý của đối phương ngay từ đầu. Từ đó chuẩn bị sẵn phương án ứng phó.
Cho dù lần này việc hợp tác không thuận lợi, nhờ việc trợ lý của tôi duy trì mối quan hệ với trợ lý của đối phương sẽ mang lại hiệu quả cho lần hợp tác về sau.
Cách làm này tôi đã học được khi còn làm trợ lý.
Khi đó, mỗi lần tôi cùng sếp đi bàn công chuyện, những người đi cùng đối tác cho dù là bà xã hay trợ lý, tôi đều có thể tìm được chủ đề chung để nói chuyện với họ. Đó có thể là về thời trang, về cách trang điểm… Sau buổi gặp mặt, tôi vẫn giữ mối liên hệ với đối phương, kết quả là việc hợp tác giữa hai bên ngày càng thuận lợi.
Việc giữ quan hệ tốt với những người bên cạnh đối tác hay khách hàng là điều rất hiển nhiên trong kinh doanh. Vì đây là những đối tượng có thể có ảnh hưởng lớn đến công việc hợp tác của bạn. Có một số trợ lý có năng lực làm việc rất tốt, thường khi sếp đưa ra quyết định, đều hỏi xem ý kiến của họ như thế nào. Còn bà xã và bạn gái của sếp, thì càng không cần phải nói, có lúc ý kiến của họ còn có sức nặng hơn ý kiến của sếp.
Nâng cao chỉ số EQ6
Chỉ số EQ đang là một trong những tiêu chí được đánh giá cao ở người trợ lý. Khái niệm khá trừu tượng, rất khó để miêu tả rốt cuộc nó là gì. Một người bạn làm trong ngành ô tô năng lượng mới7 ở Thâm Quyến đã từng nói với tôi về chỉ số EQ như sau: “Tài hoa (tài năng thể hiện ở bên ngoài) không cho thấy một người có tài. Người có tài thì rất nhiều, nhưng để thành công không thể chỉ dựa vào tài hoa, thậm chí đôi khi tài hoa chỉ đứng ở vị trí sau.”
6 Chỉ số cảm xúc, dùng để đo lường trí tưởng tượng, tính sáng tạo của một người.
7 Các loại xe động cơ đốt trong, chủ yếu chạy bằng điện, thân thiện với môi trường.
Anh nói tiếp: “Rose, em nhìn anh này. Anh sinh năm 1988, anh có thể có được địa vị xã hội và tài sản cá nhân như hiện nay ở tuổi này, không phải là nhờ vào sự giỏi giang của anh. Khi còn nhỏ ngay cả cơm còn không được ăn no, anh không có thời gian để học tập và rèn luyện. Khi sáng nghiệp, chúng ta phải quan hệ với mọi kiểu người để hợp tác với họ, quá trình này không thể chỉ khoe khoang là có thể có được thứ em muốn. Quan trọng hơn cả là em cần phải có chỉ số cảm xúc rất cao. Em phải tìm hiểu khách hàng của em cần gì, sở thích cá nhân là gì, sau đó “tuỳ bệnh mà kê đơn”8, mới có thể từng bước đi đến thành công.”
Sau một hồi nghe anh nói, tôi nhớ đến một câu nói của nhân vật Hạ Hàm trong bộ phim Nửa đời trước của tôi. Không thể sống một cuộc sống tạm bợ qua ngày, phải sống như chơi cờ trước khi đi một nước cờ, bạn phải biết ba nước sau đi như thế nào. Như vậy bạn mới có thể củng cố từng bước, tiến bước nào rào bước ấy thật vững chãi trong những ngày tháng về sau được.
8 Tùy tình huống mà có cách giải quyết phù hợp.
Bởi vậy, người có thể có được thành công trên thương trường, chắc chắn là người có chỉ số EQ rất cao.
Vậy, làm thế nào để bồi dưỡng chỉ số EQ? Nghiên cứu khoa học cho thấy, EQ không phải bẩm sinh mà có, nó là thứ có thể bồi dưỡng, rèn luyện. Trong phần này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn sáu cách để nâng cao chỉ số EQ. Đương nhiên, sáu cách này không phải là lời nói suông, mà có căn cứ khoa học, hơn nữa đã được thử nghiệm nhiều lần trong thực tế.
Hiểu rõ bản thân
Nhìn rõ ưu, khuyết điểm của mình, biết rõ thói quen của mình, là tiền đề để nâng cao chỉ số EQ. Thật khó mà tưởng tượng, một người không định vị được vai trò và năng lực của bản thân, thì làm sao có thể trở thành một người có chỉ số EQ cao? Hãy soi chiếu bản thân, thấu hiểu chính con người mình. Từ đó mới có thể cải thiện khuyết điểm, phát huy ưu điểm, dần dần bồi dưỡng chỉ số EQ cao.
Quan tâm đến người khác
Biểu hiện của người có chỉ số EQ thấp chính là quá chú trọng đến bản thân mình mà không để ý đến người khác. Để ý đến người khác nghĩa là tán thưởng, quan tâm đến những thứ người khác quan tâm. Chỉ có để tâm đến những người xung quanh, mới có thể hiểu được họ, kết bạn, giao thiệp và hợp tác làm ăn với họ.
Trở thành đối tác có giá trị
Một con người có giá trị “hữu xạ tự nhiên hương”. Vì có giá trị, nên rất nhiều đặc điểm trông có vẻ không phù hợp của anh ta đều được mọi người bao dung. Kiên trì nâng cao giá trị của bản thân, giúp bản thân trở thành một đối tác có giá trị, thì mạng lưới quan hệ của bạn sẽ được mở rộng, cơ hội sẽ đến với bạn.
Chỉ số EQ cao được thể hiện trong quá trình giao tiếp với người khác. Nếu không có ai qua lại với bạn, thì chỉ số EQ của bạn cũng không được dùng đến và cũng sẽ không được nâng cao lên.
Kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân
Một người tâm trạng không ổn định, gặp chuyện thì tâm tình lên xuống thất thường, thường bị đánh giá là người không chín chắn. Mà một người không chín chắn, sẽ không phải là người có chỉ số EQ cao.
Luôn khiêm tốn
Khiêm tốn là đức tính tốt đẹp. Luôn biết khiêm tốn, sẽ giúp bạn trở thành một người ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến, có thể tiến xa trong công việc.
Nếu bạn không thể giữ được sự khiêm tốn, mà ba hoa khoác lác hoặc xem thường người khác, bạn sẽ đánh mất đi thiện cảm của người khác dành cho mình. Con đường đi của bạn sẽ ngày càng hẹp lại.
Hiểu rõ về sếp
Là một trợ lý, chỉ số cảm xúc của bạn thể hiện ở tầm hiểu biết về sếp. Ví dụ, bạn có nắm được sở thích cá nhân của anh ấy không? Bạn có biết rõ những công việc mà anh ấy đang để tâm đến? Bạn có biết khách hàng mà anh ấy xem trọng nhất không? Bạn có biết về sở thích của bà xã hoặc bạn gái của anh ấy không? Nắm rõ và xử lý tốt những việc này chính là tố chất cần có của một trợ lý xuất sắc có EQ cao.
Có thói quen tốt
Thói quen tốt, ngoài việc có thể thúc đẩy quá trình trưởng thành của chúng ta, còn giúp chúng ta nhanh chóng quen thuộc và trở nên chuyên nghiệp với công việc trợ lý.
Thói quen cơ bản của một trợ lý gồm ba điểm vô cùng quan trọng sau đây:
Có ý thức về thời gian
Một trợ lý không có khái niệm về thời gian, giống như một người lên kế hoạch tài chính mà không có khái niệm về toán học. Việc hẹn gặp khách hàng, lên lịch trình cho sếp, sắp xếp cuộc họp, tất cả những điều này đều cần phải bố trí thời gian cho hợp lý. Thậm chí nếu thời gian nói chuyện của sếp và khách hàng quá dài, ảnh hưởng đến thời gian hẹn của khách hàng tiếp theo, trợ lý cần phải làm tốt việc nhắc nhở sếp. Nuôi dưỡng tốt ý niệm về thời gian, người trợ lý càng có thể ứng phó tốt hơn với công việc này.
Không ngừng tự học hỏi
Lần đầu tiên làm công việc trợ lý, ngay cả PowerPoint và Excel cũng đều xa lạ, vì thế tôi đã mắc nhiều lỗi.
Đương nhiên sẽ bị sếp phê bình, nhưng sau khi bị phê bình, tự mình phải khắc phục hạn chế của bản thân, không ngừng tìm tòi và học hỏi. Ngoài việc học những kỹ năng cơ bản mà công việc yêu cầu, còn phải học cả những kiến thức khác để chuẩn bị cho tương lai sau này.
Tôi có một người chị em ở Thâm Quyến, sau khi tốt nghiệp đại học đã đi làm trợ lý trong ba năm. Trong thời gian đó chị kiên trì học tiếng Anh. Chị đều đặn tham gia câu lạc bộ đọc sách tiếng Anh, mỗi tuần một buổi. Sau ba năm, chị từ chức, ra nước ngoài dạy tiếng Anh, đồng thời làm công việc tuyên truyền văn hoá.
Về phần mình, môn học mà tôi kiên trì học tập chính là đầu tư tài chính. Tôi thực sự không muốn chỉ nhận được số tiền lương ít ỏi khi đó, trong khi phải phụ trách quá nhiều công việc. Vậy nên, sau khi làm trợ lý hai năm, tôi từ chức, bắt đầu sự nghiệp của riêng mình. Đến hôm nay tôi vẫn không ngừng học tập những kiến thức mới về tài chính.
Cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc
Năng lực làm việc của một người có mạnh đến đâu đi nữa, nếu không nghỉ ngơi hợp lý, cũng không thể phát huy tối đa. Chủ động nghỉ ngơi là năng lực cần có của một trợ lý giỏi.
Một trợ lý, ngoài việc bản thân phải biết cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, còn phải nhắc nhở sếp có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Khi cần làm việc thì phải dốc sức để đạt hiệu quả cao, khi cần nghỉ ngơi thì cũng phải thư giãn thật thoải mái.
Tăng ca không phải là việc đáng để khoe khoang hay được khen ngợi. Hoàn thành công việc đã định đúng thời hạn, đây chính là biểu hiện của một trợ lý có năng lực.
Ba điểm đã nêu ở trên là những thói quen cơ bản nhất mà một trợ lý cần phải có, còn dưới đây là ba thói quen then chốt mà một trợ lý cần nuôi dưỡng:
Hướng tới năng lực “quản lý” sếp
Một trợ lý, nếu chỉ làm theo yêu cầu, mệnh lệnh của sếp, mà không có bất cứ sự trao đổi, tương tác nào với sếp, thì đó là “lính mới”, chưa chuyên nghiệp.
Một trợ lý thực sự đắc lực là người có thể “quản lý” sếp. Đó là người hỗ trợ sếp ở tất cả các phương diện mà mình có thể tham gia, giảm thiểu áp lực cho sếp.
Khi sếp tức giận vì cấp dưới, hãy rót cho sếp một cốc nước ấm, mở nhạc giúp sếp thư thái đầu óc. Khi sếp muốn nổi điên lên vì một khách hàng nào đó, hãy mỉm cười trình bày với sếp về cái lợi và cái hại của việc làm phật ý vị khách này. Khi sếp bận rộn không thể chăm sóc cho bà xã, hãy nhắc anh ấy nhớ ngày kỷ niệm. Mua quà tặng phù hợp giúp anh ấy, đợi đến ngày đó, nhắc sếp mang tặng vợ. Khi sếp đến họp muộn hay nghỉ trưa quá giờ, chủ động gọi điện thoại nhắc nhở khéo léo hoặc góp ý trực tiếp với sếp, giúp sếp hình thành thói quen làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Đây đều là những điều nhỏ bé giúp một trợ lý xây dựng được mối quan hệ tốt với sếp.
Nhưng, có một điều tôi cần phải nhắc nhở các bạn. Phải tìm hiểu về thói quen của sếp rồi mới đưa ra quyết định, vì không phải sếp nào cũng thích trợ lý “hiến kế”.
Tôi đã từng gặp nhiều ông chủ là người rất có chủ kiến, hơn nữa còn rất độc đoán. Nếu sếp của bạn cũng là người như vậy, hãy quan sát nhiều hơn, ít nói đi. Tạo được sự tín nhiệm trước mới là quyết sách hay nhất. Đợi thời cơ chín muồi, hoặc khi sếp đã đủ tín nhiệm bạn, hãy nêu ý kiến của mình, có như vậy mới thu được kết quả tốt.
Bồi dưỡng khả năng tư duy độc lập
Trợ lý tổng giám đốc của một công ty tài chính gửi tin nhắn Wechat hỏi tôi: “Sàn giao dịch chứng khoán là gì? Diễn thuyết lưu động mời gọi đầu tư là gì?” Điều này khiến tôi thật sự không còn gì để nói. Về cơ bản hầu như mọi vấn đề đều có thể tìm được câu trả lời ở trên mạng. Khả năng tư duy độc lập, là năng lực mà một trợ lý cần phải bồi dưỡng.
Phải viết biên bản sau khi họp xong nhưng không hề hiểu rõ cuộc họp nói về vấn đề gì. Phải lên kế hoạch năm, kế hoạch quý cho công ty nhưng không biết gì về tiến trình nghiệp vụ, không biết mục tiêu, hướng đi sắp tới của công ty. Điều này là không thể chấp nhận được đối với một trợ lý.
Nuôi dưỡng năng lực tư duy độc lập. Nắm rõ mục tiêu phát triển trong tương lai và môi trường kinh doanh của công ty, nỗ lực trở thành một phần của công ty, thì bản thân mới có thể thực sự đột phá, tiến bộ vượt bậc ở vị trí công việc này.
Học hỏi từ người khác
Cho dù là ở một vị sếp xuất sắc, hay là vị khách hàng mà ta cực kỳ quý mến, chúng ta đều có thể học hỏi được cách đàm phán kinh doanh và cách cư xử với mọi người từ họ. Thông thường, đây đều là những người có tuổi đời và tuổi nghề lớn hơn hẳn chúng ta, nên họ có nhiều kiến thức, nhiều trải nghiệm hơn chúng ta. Họ đã quen với nghề và quen với môi trường kinh doanh.
Hình thành khả năng học hỏi từ người khác, chúng ta có thể nhanh chóng trưởng thành hơn trên cương vị là một trợ lý. Học hỏi ở đây hoàn toàn không có nghĩa là bắt chước mọi hành vi tốt, xấu của người khác. Mà cần biết nhận định những điều bản thân cần tiếp thu, đề ra mục tiêu rõ ràng, từ đó bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu sót, củng cố, nâng cao năng lực đã có.
Khả năng ứng phó và tinh thần mạnh mẽ
Không một ai sinh ra đã hoàn hảo, một vị sếp ưu tú là người luôn không ngừng nỗ lực suốt cả cuộc đời. Trách nhiệm trên cương vị của một trợ lý yêu cầu bạn phải có khả năng ứng phó và hiểu biết sâu sắc. Ví dụ, ngày hôm sau công ty phải tổ chức một cuộc họp quy mô lớn. Buổi tối hôm nay sếp gửi cho bạn một tập tài liệu, nói cuộc họp này sẽ do bạn sắp xếp. Nếu bạn không có khả năng ứng phó nhanh nhẹn, bạn sẽ xoay sở ra sao với tình thế đột xuất này?
Công việc của trợ lý thường vất vả. Bạn cần chuyên tâm, có tư duy logic, cần nhẫn nại. Nếu không có sự kiên định, mạnh mẽ, bạn sẽ không thể hoàn thành được trọng trách này.