Có lẽ cách tốt nhất để chiến thắng tính trì hoãn là làm việc chung với những người không có tính trì hoãn. Nhưng những người không có tính trì hoãn không phải là kẻ thù. Ngược lại mới đúng. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta lại khiến cho họ cảm thấy căng thẳng. Và cách làm việc của họ dường như là một thứ gì đấy kỳ lạ và đáng sợ đối với chúng ta. Nhưng khi có việc gì đó cần hoàn thành, những người đó có thể có ích hơn cả đồng hồ báo thức, cho dù, tất nhiên là họ không có nút im lặng rồi. Tôi đã làm việc viết lách chung với rất nhiều người không trì hoãn và mọi chuyện diễn ra rất thuận lợi. Vào những năm 1980, tôi viết chung một cuốn sách với người bạn quá cố của tôi, nhà logic học lỗi lạc Jon Barwise. Cách viết của Barwise là xác định những nội dung muốn viết, lên dàn ý và bắt đầu viết cho tới khi hoàn thành. Tôi không biết làm thế nào ông ấy lại nghĩ ra được phương pháp kỳ lạ đến thế. Ông ấy mong đợi rằng tôi sẽ hoàn thành phần của mình cùng thời điểm ông ấy hoàn thành phần của ông ấy. Cách đó gây sứt mẻ tình bạn đôi chút nhưng lại giúp chúng tôi có thể hoàn thành cuốn sách. Phương pháp của Barwise đã khai sáng cho tôi và tôi quyết tâm trở thành người giống như ông - nhưng rốt cục tôi không thành công.
Nhiều năm sau, tôi có ý tưởng thực hiện một chương trình giao lưu về triết học trên đài phát thanh, mà tôi đặt tên là Giao lưu về Triết học. Tôi thấy rất hài lòng với ý tưởng đó, nhưng tất nhiên chẳng buồn làm gì để hiện thực hóa nó. Rồi tôi kể chuyện này cho bạn tôi là Ken Taylor. Ken cũng là giảng viên Khoa Triết học tại Đại học Standford như tôi. Và cũng giống tôi, khuôn mặt ông chỉ hợp xuất hiện trên đài phát thanh. Chúng tôi đều yêu thích Triết học Ngôn ngữ. Nhưng ông không giống tôi và những triết gia khác trên nhiều phương diện quan trọng. Ông là người “mẫu A”14 điển hình, luôn làm việc rốt ráo mà không hề trì hoãn. Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra thì ông đã yêu cầu Đại học Stanford cấp kinh phí cho chương trình thử nghiệm và tham dự các hội nghị phát thanh đại chúng.
14 Nguyên văn: type-A, một thuật ngữ tâm lý học để chỉ mẫu người có tính cách ưa hành động, ưa cạnh tranh để giành được thành quả
Chúng tôi có được nguồn tài trợ, làm chương trình thử nghiệm và tham dự một hội nghị mà ở đó chúng tôi thu hút được một số giám đốc chương trình để trình bày ý tưởng. Họ nhìn chúng tôi như những người trên trời rơi xuống và giải thích rằng, thính giả chẳng hề muốn dành cả tiếng đồng hồ chỉ để nghe mấy ông triết gia nói về ý chí tự do, hay sự tồn tại của Chúa, hay chủ nghĩa hư vô, hay liệu những con số có là thật hay không. Tôi đã nản lòng và chuẩn bị bỏ cuộc. Nhưng Ken thì vẫn tiếp tục cố gắng cho tới khi chúng tôi gặp được Ben Manilla, nhà sản xuất chương trình phát thanh năng động, bặt thiệp và, giống Ken, không có tính trì hoãn.
Vậy là, giờ đây chúng tôi đã làm được chương trình Giao lưu về Triết học, được phát trên nhiều đài và được đón nhận bởi đông đảo thính giả. (Nếu bạn thấy chương trình này thú vị và không giống như số đông những nhà sản xuất chương trình, hãy truy cập trang web philosophytalk.org.) Chúng tôi họp trực tuyến hằng tuần để lên kế hoạch cho những chương trình sắp tới. Ken thường mời một số sinh viên cung cấp cho chúng tôi ý tưởng về chủ đề, khách mời tiềm năng và thông tin liên quan đến nội dung. Mỗi sáng Chủ nhật, chúng tôi sẽ lái xe đến San Francisco để phát sóng chương trình lúc 10 giờ sáng ở một phòng thu dễ thương của KALW. Sự đã rồi nên tôi cũng chẳng thể trì hoãn thêm được nữa.
Cũng giống như đặt đồng hồ báo thức, làm việc chung với những cộng sự không có tính trì hoãn là cách để không thể không hoàn thành công việc. Tất nhiên, nhược điểm là chúng ta bị đưa vào tình thế không làm không được.
Bạn có thể băn khoăn rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người trì hoãn cộng tác với nhau? Hai người trì hoãn có tổ chức có thể phối hợp rất tốt miễn là họ đều coi công việc chung là cách để trì hoãn những việc riêng của họ. Hiện tại tôi đang cộng tác với Kepa Korta, một triết gia xứ Basque. Ông chắc chắn là một người có tính trì hoãn, dù không nghiêm trọng như tôi. Vậy mà chúng tôi cũng cùng nhau viết xong được một cuốn sách, Critical Pragmatics15, chỉ trong vòng một năm sau khi chúng tôi lên kế hoạch. Tôi còn chẳng biết chúng tôi đã làm thế nào, nhưng chúng tôi đã làm được.
15 Tạm dịch: Ngữ dụng học căn bản.
Một người cộng sự khác của tôi, David Israel, không phải là một người trì hoãn. Có thể ông đã từng. Nếu thật như thế, thì ông đã vượt qua thói quen đó từ lâu. Ông là một nhà khoa học trong lĩnh vực máy tính và vẫn đang hoạt động trong ngành. Tuy nhiên, ông lại có một tật khác mà chắc tôi là người đầu tiên bắt bệnh được. Ông có một vấn đề mà tôi tạm gọi là chứng rối loạn thiếu-dấu-đóng- ngoặc-đơn. Đầu óc David lúc nào cũng tràn ngập ý tưởng - và đặc biệt, luôn phản bác lại những gì tôi nói với ông - đến mức ông không thể kết thúc ý này trước khi bắt đầu ý khác. Ông thường trả lời tôi theo kiểu như thế này:
Tôi đồng ý với ông về nhu cầu khác biệt (mặc dù, nhân tiện, ông không nói rõ được vì sao chúng ta lại cần sự khác biệt (điều này thật ra không hẳn là sự khác biệt (tất nhiên vấn đề lớn được đặt ra ở đây là cái gì mới thực sự là khác biệt...
Có quá nhiều dấu mở ngoặc, nhưng David không bao giờ có thể tự mình tìm ra được chỗ cần đóng ngoặc để kết thúc chuỗi suy nghĩ liên hồi của ông16. (Cho dù như vậy chúng tôi vẫn làm việc với nhau rất hợp, bởi vì tôi bị lơ mơ ngay sau một vài ý lạc đề đầu tiên và sau đó tôi chỉ tập trung vào ý chính mà ông ấy muốn nói và bỏ qua tất cả những phần khác. Chúng tôi vẫn cứ trao đổi với nhau theo cách như vậy và cuối cùng thì chúng tôi cũng làm được vài việc và đạt được một số thành tựu. Với tôi, làm việc với David rất thú vị, thậm chí còn khiến tôi quên cả căng thẳng, bất chấp ông không thể nào hoàn thành được một câu và nhất quyết phải hoàn thành mọi việc cho bằng được.
16 Dấu đóng mở ngoặc đơn được dùng để đưa thêm ý kiến bổ sung. Ở đây tác giả muốn nói David chưa kết thúc ý bổ sung này đã mở ra một ý khác, vì vậy, đoạn nói của David chỉ có dấu mở ngoặc mà thiếu dấu đóng ngoặc.
Những cộng sự mà tôi có may mắn được cộng tác cùng hầu hết đều là những người làm việc rất hăng hái. Khi có một nhiệm vụ là họ bắt tay vào làm ngay. Tôi có một tôn chỉ là không bao giờ làm lại những công việc mà một người có năng lực đã và đang làm. Dù tôi có cố hết sức để vượt qua tính trì hoãn thì cũng khó có khả năng tôi sẽ bắt đầu làm ngay một nhiệm vụ mới nảy sinh trong một dự án chung. Thông thường, tôi chưa kịp làm thì cộng sự của tôi đã làm luôn rồi. Tôi cũng không dám phàn nàn gì hết.
Như vậy, nếu như bạn biết cách chọn người để cộng tác thì cộng sự của bạn - không còn cách nào khác - sẽ bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ trước khi bạn định làm. Nói như thế không có nghĩa là bạn đóng góp ít hơn. Vẫn còn một việc bạn có thể làm đó là khen ngợi cộng sự một khi họ hoàn thành tốt một nhiệm vụ nào đó. Phải cho họ thấy được rằng bạn đánh giá cao những việc họ đã làm trong lúc bạn trì hoãn. Hãy sử dụng những kỹ năng của một người trì hoãn có tổ chức để làm tất cả những việc lặt vặt khác trong khi những người không trì hoãn tập trung vào công việc. Mua đồ ăn trưa. Bật nhạc. Làm cho họ thấy vui vẻ.