Người trì hoãn có tổ chức được một lợi ích, tuy chỉ là ngoài lề nhưng rất hay, đó là thi thoảng nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tự dưng biến mất. Cách đây không lâu, vào một buổi sáng nọ, tôi phải viết một bức thư giới thiệu cho một cựu học viên. Anh ta nhận bằng tiến sĩ khoảng chừng chục năm trước đó và bây giờ đang là giảng viên cơ hữu của một đại học ở một thành phố nhỏ nhưng khá dễ thở - một nơi lý tưởng để nuôi dạy con cái như cách chúng ta vẫn thường nói. Giờ đây con cái đã trưởng thành nên anh ta muốn tìm việc ở một nơi ít lý tưởng cho việc nuôi con. Vậy nên tôi đồng ý viết thư giới thiệu anh ta. Việc này tuy không khó khăn lắm nhưng cũng khá mất công.
Nhưng sáng hôm đó anh ta gửi cho tôi một tin vui. Tất cả các vị trí công việc mà anh đang ứng tuyển, sau khi lọc bớt ứng viên thì đều yêu cầu thư giới thiệu từ những đồng nghiệp hiện tại. Vậy là tôi không cần phải viết thư giới thiệu nữa. Phần đã viết rồi tôi có thể giữ đó và dùng khi có người khác nhờ. Tiết kiệm được cả tháng trời đấy chứ. Tự dưng lại để dành ra được kha khá thời gian! Nói thế chứ không hẳn là vậy, không có việc này thì cũng có việc khác thôi. Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng không phải dành cả ngày để lẩn trốn những thứ mà lẽ ra tôi phải viết. Vì vậy, tôi cảm thấy mình thoát được mặc cảm tội lỗi trong một thời gian ngắn.
Trong Chương 1, chúng ta đã thấy rằng kỹ năng tự lừa dối có lợi thế nào cho những người trì hoãn có tổ chức, động viên họ làm những việc có ích như một cách để không phải làm những công việc tưởng như quan trọng mà hóa ra không quan trọng lắm. Nhưng thi thoảng, như sáng hôm cựu học viên thông báo tin vui cho tôi biết, kỹ năng tự lừa dối trở nên không cần thiết. Cuộc sống đôi khi thưởng cho bạn một chút ít vì đã trì hoãn. Tôi đã có thể viết lá thư đó ngay khi mới được yêu cầu, từ vài tuần trước đó. Nhưng thay vì thế, tôi để dành tới tận hôm ấy, vì nghĩ rằng khi tới gần ngày hẹn, thể nào tôi cũng được người ta nhắc (có thể là hai, ba lần). Nếu mà tôi viết bức thư đó từ đầu thì chẳng phải là phí phạm toàn bộ thời gian để viết hay sao. Chí ít thì cũng phí một phần thời gian, vì cựu học viên của tôi có thể đã kịp công bố một nghiên cứu mới hay giành được một giải thưởng nào đó trong thời gian tôi hoàn thành lá thư, lúc đó thì tôi sẽ phải viết lại. Chưa kể còn có nguy cơ là tôi làm mất bức thư, viết sai hay lỡ tay xóa mất hay bị mất dữ liệu khi có lỗi sao lưu ổ cứng. Hoặc là nhỡ đâu thế giới, hay ngành khoa học này, trở nên tàn lụi trước cả khi bức thư này được người ta nhớ đến.
Trong bộ phim Melancholia chiếu năm 2011, một hành tinh cùng tên lao vào và phá hủy hoàn toàn Trái Đất. Thảm họa đó đã được nhìn thấy trước khi nó xảy ra. Kirsten Dunst vào vai một cô gái mắc chứng trầm cảm sống cùng với vợ chồng người chị gái khôn ngoan, tháo vát và đứa cháu trai nhỏ. Chúng ta có thể thấy nhân vật mắc chứng trầm cảm của Kirsten Dunst đối mặt với ngày tàn đang tới gần của thế giới theo một cách thanh thản hơn hẳn những người thân tháo vát của cô; nỗi u sầu đã giúp cô chế ngự được nỗi sợ hãi của đứa cháu trai. Theo cách giải thích của tôi thì là do bệnh trầm cảm đi kèm với tính trì hoãn ở một mức vừa đủ và sự điềm tĩnh và thanh thản đến từ việc cô đang mải suy nghĩ về những việc ngớ ngẩn mà cô không muốn động tay vào làm. Tôi không muốn nói quá nhiều đến sự hủy diệt của thế giới, nhưng sự điềm tĩnh và thanh thản trong trường hợp này chính là một lợi ích ngoài lề của tính trì hoãn.
Người ta thường nói “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Điều này khá là vô lý. Giả sử như mỗi ngày kết thúc vào lúc nửa đêm. Như vậy theo câu tục ngữ này, miễn là chưa tới nửa đêm thì bạn vẫn nên làm một việc gì đó cho dù công việc đó có thể làm vào ngày mai. Điều đó cũng có nghĩa là, bạn không thể ngồi xem “Chương trình hằng ngày” của Jon Stewart hay “Chương trình đêm muộn” của David Letterman17 - trừ khi bạn coi đó là một nhiệm vụ. Vậy là bạn sẽ hoàn toàn không biết gì về những sự kiện và xu hướng văn hóa mới. Và cũng có nghĩa là, bạn sẽ không thể nào đi ngủ trước nửa đêm, trừ khi ngày hôm nay bạn hoàn toàn không có gì để làm. Đây hẳn là một lời khuyên ngớ ngẩn.
17 Hai chương trình nổi tiếng chiếu vào khung giờ khuya.
Vì vậy, lời khuyên mà chúng ta cần đưa ra phải là “hôm nay đừng làm những việc có thể biến mất vào ngày mai”. Nếu bạn là người trì hoãn có tổ chức, chắc không cần phải khuyên thì bạn cũng đã tự động nắm rõ điều này. Đó lại là một lợi ích ngoài lề khác.
Làm thế nào để một việc có thể biến mất vào ngày mai. Có một cách là bạn làm nó vào hôm nay. Nhưng vẫn có những cách khác để làm cho công việc biến mất. Như là để ai đó làm thay bạn chẳng hạn. Nếu bạn chỉ ngồi đó và đợi một ai mất kiên nhẫn tới làm thay bạn thì bạn sẽ trở thành một kẻ ỷ lại đáng ghét. Nhưng nếu như bạn cứ đủng đỉnh một chút, rất có thể sẽ có ai đó làm thay bạn. Chẳng hạn như có lần trưởng khoa yêu cầu tôi đề cử diễn giả cho bài giảng về Triết học Kant năm tới - một chương trình thỉnh giảng uy tín do khoa tôi tài trợ. Bà muốn nhận được một danh sách chi tiết, bao gồm nhiều thông tin cụ thể về mỗi ứng viên để đem ra thảo luận với khoa. Tôi rất ghét làm những nhiệm vụ kiểu này. Tôi sẽ phải cân nhắc từng người để chọn ra một ứng viên, và bảo vệ quyết định của mình trong buổi họp khoa.
Nhưng lại có những người thích làm việc này. Vì vậy tôi chỉ cần đủng đỉnh vài ngày, là việc này sẽ tự động được giải quyết hoặc ít ra cũng trở nên đơn giản hơn nhiều. Y như rằng, những giảng viên khác trong khoa bắt đầu gửi cho tôi một vài gợi ý bao gồm đầy đủ lý do được viết dài như sớ. Họ đã suy nghĩ và cân nhắc giúp tôi rồi. Tôi chỉ việc chép lại những gì đồng nghiệp gửi và chỉnh sửa lại một chút, đồng thời thể hiện cho họ thấy tôi đánh giá cao ý kiến đóng góp của họ, thế là mọi việc coi như xong. Tôi cũng chẳng phải mất công bảo vệ ý kiến của mình trước buổi họp, bởi vì đồng nghiệp của tôi sẽ tự động bảo vệ sự lựa chọn của họ. Có thể là tôi cũng sẽ tự đề cử một hai người ít tiếng tăm để cho người ta thấy tôi cũng có ý kiến đóng góp. Tôi sẽ chọn những người mà tôi chỉ cần thông báo đơn giản như “Tôi sẽ đề cử cậu giảng về Triết học Kant”. Họ chưa đủ tầm để được đưa vào trọng tâm thảo luận nên tôi không phải bảo vệ ý kiến của mình.
Một vài nhiệm vụ biến mất vì chúng không còn cần thiết nữa sau khi có một vài thay đổi. Sau khi đội bóng chày San Francisco Giants vô địch quốc gia18 năm 2010, tôi đã thề là tôi sẽ mua vé xem vòng loại trực tiếp năm 2011. Tất nhiên, tôi còn chưa kịp mua vé thì họ đã bị loại khỏi vòng loại khu vực và còn chẳng tranh được vé vớt. Thật là may mắn, tôi đã không phí tiền mua vé.
18 Nguyên văn là “World Series” nhưng thực chất chỉ là giải vô địch bóng chày của Mỹ.
Đôi khi, nếu bạn chần chừ đôi chút trước khi xắn tay vào làm một việc gì đó, bạn sẽ tìm ra cách làm tốt nhất. Tôi cần mua một cái máy in mới để kết nối với máy tính. Như vậy có nghĩa là tôi sẽ phải đi tới Fry’s19 hay chỗ nào đó tương tự, nơi tôi sẽ bị choáng ngợp trước đủ loại máy in. Máy in laze hay máy in kim? Máy in trắng đen hay máy in màu? Chọn hình thức mua trả trước 0 đồng cho máy in rồi chịu tiền mực đắt hơn hay cứ trả trước một khoản kha khá để chi phí trả cho tiền mực sau này thấp hơn? Liệu tôi có cần loại in được cả phong bì hay in được ảnh 4x6 không? Và tôi có nên mua loại máy tích hợp cả chức năng gửi nhận fax và scan không? Lần cuối tôi gửi đi một bản fax là khi nào nhỉ? Scan tài liệu cũng thế, bao lâu rồi tôi chưa làm nhỉ? Không biết cái máy in mới có tương thích với hệ điều hành Mac hay không? Có lẽ tôi nên tìm đọc về máy in trên internet hay trên Consumer Reports20. Tôi thà nuốt một vốc đinh còn hơn là phải đi tìm thông tin về máy in trên Consumer Reports.
19 Một chuỗi cửa hàng điện tử điện máy lớn ở Mỹ, nhưng đã ngừng hoạt động sau đại dịch COVID-19.
20 Tạm dịch: Ấn bản dành cho người tiêu dùng; một ấn bản cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, được xuất bản bởi một tổ chức phi lợi nhuận tên là Hiệp hội Người tiêu dùng.
May thay, trên thế giới này còn có nhiều người hiểu biết về mấy thứ máy móc này hơn tôi, hay ít nhất là họ cũng có thể quyết định được nên chọn loại nào. Tôi đã hẹn ăn trưa với một đồng nghiệp, người mà tôi biết chắc sẽ cho tôi rất nhiều lời khuyên về máy in. Những lời khuyên đó có thể là vô giá trị, nhưng nếu tôi cứ làm theo thì ít nhất về sau tôi cũng không phải tự trách mình nếu có trục trặc gì xảy ra. Tôi cũng có thể hỏi ông hàng xóm, một độc giả trung thành của Consumer Reports. Ông ấy còn là kỹ sư, vì thế trong suy nghĩ của tôi, ông ấy có đủ thẩm quyền để quyết định tất cả những thứ liên quan đến công nghệ. Chắc chắn là tôi sẽ nói chuyện với ông ấy sớm thôi. Vậy là hôm nay khỏi phải đến Fry’s, khỏi phải tìm thông tin về máy in nữa. Thậm chí khỏi phải nghĩ đến mấy cái máy in đó nữa. Cứ để mọi việc tự tiến triển thôi. Những sáng kiến kiểu này thường đến với người trì hoãn có tổ chức một cách tự nhiên.
Tới đây tôi cần làm rõ một chút. Tôi đang cố gắng làm cho những người trì hoãn bớt cảm thấy tội lỗi về cách làm việc lề mề của họ, bởi vì bản thân họ là những người rất được việc. Trong chương này tôi đã chỉ ra những lợi ích thực tế của người trì hoãn. Nhưng tôi không muốn mọi thứ đi quá xa.
Khi tôi mới bước chân vào ngành triết học, tôi đã hỏi một bậc tiền bối, Pat Suppes (từ hồi đó tới tận bây giờ vẫn là một triết gia nổi tiếng trong lĩnh vực Triết học Khoa học và trường phái nghiên cứu bản chất con người), về bí mật của hạnh phúc. Thay vì đưa cho tôi lời khuyên trực tiếp, ông đã viện dẫn cho tôi một cách nhìn nhận hóm hỉnh về những việc hay làm của những người luôn tự hài lòng với bản thân, bao gồm:
1. Kiểm điểm kỹ lưỡng những khuyết điểm và sai sót của mình.
2. Áp dụng một chuẩn mực giá trị nào đấy như một đức tính của mình.
3. Tự ngưỡng mộ bản thân vì đã sống đúng theo chuẩn mực đó.
Những người thô bạo tự ngưỡng mộ bản thân vì sự mạnh mẽ của mình, những người đòi hỏi sự cầu kỳ tự ngưỡng mộ khả năng tập trung vào chi tiết của mình, những kẻ có bản chất ích kỷ và hẹp hòi tự ngưỡng mộ vì cho rằng mình đang đóng góp hết sức mình để giúp thị trường tưởng thưởng cho tài năng và trừng phạt sự kém cỏi,… Tôi không muốn những người cùng có tính trì hoãn như tôi rơi vào cái bẫy này. Trì hoãn là một thói xấu chứ không phải là một thứ đức hạnh ẩn sâu. Mục tiêu ở đây không phải đi tìm một triết lý sống để biến người trì hoãn thành anh tài (mặc dù nếu tìm ra được thì cũng rất thú vị). Đơn giản tôi chỉ muốn lưu ý rằng tính cách này không phải là thói xấu tồi tệ nhất thế gian; người trì hoãn vẫn có thể làm được rất nhiều việc. Thêm nữa, với kỹ năng tự lừa dối thuần thục và một chút ý chí để tự điều khiển bản thân, người ta có thể trở nên bớt trì hoãn hơn. Và cuối cùng - cũng là trọng tâm của chương này - đôi khi khiếm khuyết lại cũng có lợi ích của nó.