Nhiều năm trước, Chương 1 đã được đăng trên trang web của tôi. Một phụ nữ đọc được bài viết và gửi đường dẫn cho chồng mình (tôi tạm gọi anh ta là Neil) và khi đọc xong thì anh ta gửi cho tôi một email như sau:
Vợ tôi, một người trì hoãn, đã gửi tôi đường dẫn bài viết của ông về tính trì hoãn có tổ chức. Cô ấy rất phấn khởi sau khi đọc, còn tôi thì thấy rất khó chịu. Có thể bài viết đã chỉ ra một phương pháp hiệu quả để đối phó với tính trì hoãn. Nhưng nó không tìm ra được bản chất hay suy đoán được nguyên nhân tại sao tính cách này lại phổ biến trong giới học thuật hơn bất cứ lĩnh vực nào khác. Bản thân là một giảng viên cao đẳng, tôi nhận thấy rằng rất nhiều đồng nghiệp ngâm mấy bài luận cả tuần, làm xáo trộn quy trình vì nộp điểm trễ hạn và làm cho thủ thư lao đao, khốn đốn vì trễ hạn hàng tuần hay thậm chí hàng tháng. Tại sao? Tôi phỏng đoán một phần nguyên nhân nằm ở tính ngoan cố mà Dostoyevsky đã miêu tả trong cuốn “Hồi ký viết dưới hầm” - một sự thôi thúc thực hiện hành vi tự làm hại bản thân chỉ để chứng minh con người không phải là một cỗ máy. Nhưng tôi nghĩ rằng nguyên nhân chủ yếu là bởi vì giới học giả quá ngạo mạn, họ tin rằng những quy tắc thông thường không áp dụng cho những khối óc vĩ đại, ngay cả khi làm trái quy tắc có thể gây tổn hại cho người khác. Vì vậy tôi nghĩ bài viết của ông không khôi hài mà cũng chẳng có ích lợi gì; nó chỉ là triệu chứng của một căn bệnh trầm kha lây lan trong giới trí thức.
Neil đã nhắc nhở tôi về một điểm quan trọng, và chúng ta cần nhắc đến, rằng những người trì hoãn chúng ta gây ra nhiều phiền toái cho người khác - đặc biệt là vợ, chồng và đồng nghiệp của chúng ta. Nghe qua thì có vẻ Neil không phải là người trì hoãn. Nhưng kinh nghiệm cho thấy những người trì hoãn cũng có thể khiến người trì hoãn khác cảm thấy khó chịu, đặc biệt là với những người bạn đời của họ khi mà người này mắc bệnh trì hoãn nặng hơn người kia. Thậm chí điều kiện đó cũng chưa chắc là cần thiết.
Với dẫn chứng từ cuốn hồi ký của Dostoyevsky, Neil đã đi đến nhận định rằng một nguyên nhân làm cho những người trì hoãn chúng ta đắm chìm trong những hành động tự gây hại chỉ để khẳng định rằng chúng ta không phải là những cỗ máy. Đó là một ý kiến rất thú vị, nhưng tôi không thấy thuyết phục. Ít nhất, tôi không cho rằng đó là cách giải thích phù hợp cho những trường hợp phiền toái nhất do tính trì hoãn gây ra. Tôi có thể tự thuyết phục bản thân rằng tôi không phải một cái máy bằng cách làm những thứ khiến tôi thay vì người khác cảm thấy khó chịu. Tôi có thể lên lớp trễ tới mức phải chạy thục mạng từ văn phòng đến giảng đường. Tôi sẽ thở hổn hển khi tới nơi và tự biết được rằng tôi không phải là một cỗ máy. Tuy nhiên, đó không phải là kiểu trì hoãn khiến cho vợ tôi hay các đồng nghiệp khác phải bực mình.
Theo tôi, kiểu trì hoãn khiến người khác phát điên là cái cách cố thể hiện ra rằng không ai được quyền kiểm soát bạn. Tôi đang ngồi làm nghiên cứu. Vợ tôi bất chợt bước vào và nhắc tôi kiểm tra đống hóa đơn Visa mà cô ấy đã cẩn thận đánh dấu theo thứ tự những tờ còn nghi vấn. Cô ấy rõ ràng là muốn tôi ngưng những gì tôi đang làm, bỏ máy tính sang một bên, nhận lấy tập hóa đơn (mà cô ấy đang lịch sự dí vào mặt tôi) và làm những gì được yêu cầu ngay tức khắc - mặc dù kiểm tra hóa đơn thì làm hôm nay hay ngày mai cũng chẳng khác gì nhau.
Cũng có khả năng là lúc đó tôi chẳng làm gì quan trọng cả. Có thể tôi chỉ đang đọc email gửi từ Harbor Supply, trong đó bao gồm một mớ phiếu giảm giá mua máy tời, máy phát điện năng lượng mặt trời, cờ lê và mấy thứ tương tự. Tôi chả dùng những thứ đó bao giờ, nhưng tôi lại muốn trở thành những người cần sử dụng chúng. Vợ tôi vẫn không thể nhận ra tôi đang phí thời gian (cho dù có thể cô ấy có chút ít nghi ngờ). Tất cả những gì cô ấy biết là tôi đang viết dở một đoạn văn nào đấy, mà nếu không bị cô ấy xen ngang, sẽ có thể thay đổi hoàn toàn lịch sử triết học. Vì lẽ đó mà tôi cảm thấy rất bực mình.
Thế là tôi mặc kệ mớ hóa đơn Visa đó lâu hơn thường lệ. Mục đích không phải là để tự gây hại cho bản thân hay để chứng minh tôi không phải là cái máy. Trong chừng mực nào đó, tôi làm thế là để cho vợ tôi thấy rằng việc phá ngang những lúc chồng mình (có thể) đang trong luồng tư duy sáng tạo thì chẳng có ích gì.
Những gì tôi làm rất trẻ con và không thể được biện minh như là một ví dụ cho hiệu quả của tính trì hoãn có tổ chức. Tôi không trốn tránh việc kiểm tra hóa đơn Visa như là một cách để làm những việc khác. Thực ra, vợ tôi đã cho tôi thêm một lý do quý giá. Giống như việc ngồi xem phiếu giảm giá của Harbour Supply để tôi không phải làm một việc quan trọng khác; như quyết định chọn giáo trình cho học kỳ sắp tới.
Thật là vô lý khi nghĩ rằng, nếu không kiểm tra hóa đơn Visa ngay lập tức thì tôi có thể khiến cho vợ tôi không bao giờ phá ngang công việc của mình nữa. Việc này đã tiếp diễn gần năm mươi năm nay rồi.
Tôi muốn khuyên bạn rằng: đừng nhầm lẫn giữa trì hoãn có tổ chức và việc cố chứng tỏ với bạn đời của mình rằng anh ấy hay cô ấy không thể ra lệnh được cho bạn. Nhất quyết không chịu làm chỉ là cách cho người bạn đời của bạn thấy được rằng họ đang đưa ra một yêu cầu vô lý. Mà vợ tôi, nói một cách chính xác, không vô lý bao giờ.
Neil đặc biệt khó chịu với những học giả đồng nghiệp thường xuyên trì hoãn công việc. Anh ta nghĩ rằng nguyên nhân của những trường hợp này đến từ tính ngạo mạn của những người thuộc giới học giả, “niềm tin cho rằng những quy tắc thông thường không áp dụng đối với những khối óc vĩ đại, ngay cả khi làm trái quy tắc có thể gây tổn hại cho người khác”. Tôi chắc rằng một số đồng nghiệp của anh ta có tính cách ngạo mạn như thế. Tuy nhiên, tôi cũng khá chắc rằng nhận định này không đúng với người trì hoãn có tổ chức điển hình. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy tội lỗi mỗi khi trễ hạn. Thông thường, chắc chắn chúng ta sẽ hành động khi thấy sự trì hoãn của mình gây tổn hại cho người khác. Những học giả ngạo mạn thực sự sẽ không nhìn nhận sự trì hoãn của họ như là một sự trì hoãn. Thay vào đó, họ cho rằng thứ tự ưu tiên công việc của họ mới là đúng và những người khác thì đơn giản là không biết tôn trọng điều đó: “Việc gì tôi phải chấm bài sáng nay, trong khi tôi còn phải đọc lại cuốn Cơ sở Triết học Kant để viết thêm được mười trang nữa trong cuốn sách gần mười ngàn trang mà tôi đang chuẩn bị xuất bản?”
Người trì hoãn có tổ chức thường là người khiêm tốn, họ cảm thấy xấu hổ khi làm phiền người khác. Ví dụ, tôi thường xác định chính xác thời gian tôi có thể nộp điểm trễ để không ảnh hưởng tới sinh viên. Việc này cho tôi thêm nửa ngày nữa. Tôi coi đó là hạn chót, không thể trễ hơn được nữa và kết quả là chẳng mấy khi tôi nộp trễ. Tôi nghĩ rằng người trì hoãn ngạo mạn và người trì hoãn có tổ chức là hai loại người trì hoãn khác nhau.
Và chẳng hiểu sao Neil lại quan ngại cho các thủ thư đến vậy? Nếu có đồng nghiệp nào quan ngại vì tôi đặt sách trễ, thì tôi sẽ có cảm giác như là họ đang tọc mạch vào việc của mình và phản ứng trì hoãn để chống lại việc bị kiểm soát của tôi sẽ được kích hoạt, giống hệt câu chuyện về phản ứng với vợ như tôi mới kể ở trên. Mặc dù, những phản ứng kiểu trẻ con như thế thật không đáng.
Cách tốt hơn là chúng ta có thể thẳng thắn đối mặt với những hành động (có thể là) tọc mạch như thế dựa trên một số lời khuyên minh triết. Sau khi tôi đăng email của Neil lên trang web, một độc giả khác đã trả lời như sau:
Tại sao đôi khi người ta vượt đèn đỏ?21. Và tại sao thời gian bắt đầu vào buổi tiệc là vào lúc 7 giờ mà 8 giờ vẫn chưa có ai tới? Và tại sao đa số tài xế đều vượt quá tốc độ cho phép? Tại sao con gái nói là thích những chàng trai tốt, nhưng không bao giờ hẹn hò với họ? Tại sao người ta thường nói một đằng làm một nẻo? Tại sao tất cả mọi người không thể tuân theo những quy định thông thường?
Mặc kệ đi. Mọi thứ rồi cũng sớm kết thúc thôi. Mặt trời rồi sẽ nổ tung.
Jim Stone
21 Nguyên văn có thể được dịch là “Tại sao người đi bộ đôi khi không qua đường trên đúng vạch qua đường dành cho người đi bộ”. Chúng tôi thay đổi nội dung đôi chút cho phù hợp với cảm nhận của độc giả Việt Nam.