Tập trung được định nghĩa là "thói quen gieo trong tư tưởng một mục tiêu, hay mục đích xác định và không ngừng hình dung nó cho đến khi tạo ra cách thức hoặc phương tiện để thực hiện nó". Tập trung là dồn tất cả sự chú ý, quan tâm và khao khát vào việc đạt được một kết thúc rõ ràng. Những yếu tố đó cho thấy tập trung là điều không thể thiếu trong việc vận dụng nguyên tắc Liên minh trí tuệ, và hai nguyên tắc này không thể tách rời nhau khi muốn đạt đến những kết quả thực tiễn với sự tham gia từ hai người trở lên.
Tự kỷ ám thị là nguyên tắc có thể ảnh hưởng đến tiềm thức còn Tập trung là nguyên tắc đòi hỏi phải vận dụng Tự kỷ ám thị.
Cùng với Liên minh trí tuệ, hai nguyên tắc này tạo thành bộ 3 nguyên tắc chính yếu của nghệ thuật bán hàng chuyên nghiệp.
Nguyên tắc Tập trung trong nghệ thuật bán hàng là đặt trong ý thức một mục tiêu chính, ý tưởng, kế hoạch hay mục đích xác định và không ngừng tập trung vào đó bằng ý thức.
Nguyên tắc Tập trung là phương tiện để bạn vượt qua sự chần chừ, lưỡng lự. Đây cũng là nguyên tắc nền tảng để đánh giá mức độ tự tin và tự chủ.
Mục đích của việc tập trung vào một mục tiêu xác định là nhằm để rèn luyện cho tâm trí hình thành thói quen tập trung vào mục tiêu đó. Nhờ tập trung và chú ý vào một mục tiêu rõ rệt, thói quen này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu và chuyển nó thành bản sao thực thể thông qua những phương tiện trực tiếp và thực tế nhất có được. Thật lòng mà nói, mọi mục tiêu mà tôi từng vẽ ra trong tâm trí của mình đều đã thành hiện thực.
Có một điều mà bạn cần nhớ khi thực hiện triết lý này là: tư tưởng của bạn thì ở tương lai, trong khi cơ thể của bạn chờ đuổi theo. Một lần tôi nói chuyện về chiếc xe Rolls Royce của tôi, một số bạn bè của tôi không hiểu là tôi đã mua một chiếc Rolls Royce trong tư tưởng của mình nhưng mãi vài tháng sau tôi mới thật sự mua nó.
Tất cả chúng ta ai cũng tận dụng lợi ích của nguyên tắc Tập trung trong cuộc sống, cho dù chúng ta có nhận ra điều đó hay không. Một người lúc nào trong ý thức cũng nuôi những suy nghĩ tiêu cực như sợ hãi, nghèo đói, bệnh tật và khó chịu thì khi áp dụng nguyên tắc Tập trung, chẳng sớm thì muộn tiềm thức của anh ta sẽ đón nhận những lời đề nghị này và tác động lên chúng rồi chuyển hóa chúng thành những bản sao trong thực tế.
Hướng dẫn áp dụng nguyên tắc Tập trung
1. Nắm vững và áp dụng các nguyên tắc được mô tả trong phần Tự kỷ ám thị bằng cách tuân thủ những thói quen ra lệnh cho tiềm thức của bạn, kết hợp chúng với một hoặc nhiều cảm xúc tích cực và không ngừng lặp lại các mệnh lệnh đó. Giữ nguyên quy trình đó cho đến khi đạt được những kết quả như ý và nhớ rằng bạn phải luôn cảnh giác nếu muốn đạt được điều đó.
2. Rũ bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực trong ý thức của bạn. Sau khi thực hành ít lâu, bạn sẽ có thể tập trung toàn bộ tâm trí của mình vào mục tiêu mong muốn. Hướng mọi suy nghĩ vào một chủ đề và giữ cho tư tưởng của mình luôn nghĩ đến chủ đề đó chính là sự tập trung.
3. Tập trung mọi suy nghĩ của bạn vào mục tiêu với một khát khao cháy bỏng để đạt được nó. Khi tập trung vào Mục tiêu Chính yếu Xác định của mình, hãy tin tưởng tuyệt đối là bạn sẽ biến chúng thành hiện thực.
4. Khi ý nghĩ của bạn bắt đầu đi lang thang, hãy lôi nó trở lại vấn đề cần tập trung và không ngừng lặp lại điều đó cho đến khi bạn có khả năng tự chủ hoàn toàn đến mức có thể loại bỏ mọi suy nghĩ khác. Hãy kết hợp cảm xúc hoặc "cảm nhận" với các suy nghĩ khi bạn tập trung, nếu không tiềm thức sẽ không nhận ra chúng.
5. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc Tập trung trong một môi trường yên tĩnh không bị chi phối bởi tiếng ồn hay sự lôi cuốn nào khác. Thời điểm tốt nhất để bạn tập trung là vào lúc ban đêm, khi bạn nghỉ ngơi sau một ngày dài bởi đây là lúc bạn ít bị chi phối nhất.
6. Bạn có thể đánh thức và tác động đến tiềm thức tốt nhất vào lúc bạn tập trung vào một ý tưởng, kế hoạch hay mục đích nào đó trong ý thức với tinh thần nhiệt huyết cao độ, bởi sự nhiệt huyết sẽ khơi dậy trí tưởng tượng và khiến bạn bắt tay vào hành động.
Bất kỳ ý tưởng, kế hoạch hay mục tiêu cụ thể nào mà bạn kiên trì gửi đến tiềm thức thông qua việc tập trung như đã mô tả ở trên đều sẽ mang đến cho bạn một sự trợ giúp từ nguồn trí tuệ vô biên, cho đến khi các kế hoạch thực hiện cụ thể lóe lên trong tâm trí bạn suốt thời gian tập trung.
Khi lần đầu tiên bắt đầu thực hành tập trung, có thể bạn không trải nghiệm được cảm giác mình đang kết nối với một nguồn trí tuệ siêu đẳng, nhưng một khi đã tạo được thói quen tập trung đều đặn, bạn sẽ cảm nhận rõ có một nguồn trí tuệ siêu đẳng đang ảnh hưởng đến bạn.
Có một thực tế mà ai cũng biết là "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" và những người có nhiều tài vặt hiếm khi có được thành công lớn. Cuộc sống rất phức tạp và có rất nhiều thứ làm tiêu tán năng lượng của chúng ta một cách vô ích, do vậy những người thành đạt phải tạo thói quen nỗ lực tập trung và tuân thủ nguyên tắc đó.
Sức mạnh được xác định dựa trên năng lượng có tổ chức. Và bạn chỉ có thể tổ chức sắp xếp năng lượng thông qua nguyên tắc Tập trung. Có những điều quan trọng mà bạn cần chú ý đến, đó là tất cả những người thành đạt trong mọi lĩnh vực đều là những người tập trung phần lớn suy nghĩ và nỗ lực bản thân vào một mục đích hay mục tiêu chính rõ ràng nào đó.
Phân tích nguyên tắc Liên minh trí tuệ sẽ giúp bạn thấy rằng khi hai hoặc nhiều hơn hai người kết hợp hài hòa hướng tới việc đạt được một mục tiêu rõ rệt nào đó tức là họ đã nỗ lực một cách tập trung khi vận hành mọi việc.
Theo nghiên cứu ở hơn 75.000 nam giới lẫn phụ nữ được cho là thất bại trong cuộc sống, tôi quan sát thấy không có ai trong số này có thói quen tập trung vào mục tiêu chính của mình thông qua nguyên tắc Tập trung.
Tại thời điểm này hay thời điểm khác, gần như tất cả chúng ta đều có một mục tiêu chính cụ thể nào đó. Tuy vậy, 95% trong chúng ta lại không nỗ lực để biến chúng thành hiện thực bởi chúng ta chưa được học nghệ thuật tập trung vào mục tiêu trong một thời gian đủ dài để cố định mục tiêu đó trong tiềm thức. Phần lớn mọi người nghĩ đến mục tiêu đó như là một ước ao hơn là một ý định rõ ràng, xác định cụ thể và đầy quyết tâm thực hiện.
Nếu bạn chỉ đơn thuần nghĩ đến mục tiêu thôi thì cũng không được lợi gì. Để làm cho mục tiêu đó có giá trị lâu dài, bạn phải cố định nó trong tâm trí thông qua nguyên tắc Tập trung.
Sự tập trung giúp phát huy sức mạnh của sự kiên định và cho phép một người có thể vượt qua mọi hình thức thất bại tạm thời. Phần đông chúng ta không phân biệt được thất bại tạm thời và vĩnh viễn vì thiếu sự kiên định cần thiết để trở lại cuộc chơi sau khi trải qua thất bại tạm thời. Sự kiên định thật ra chính là nỗ lực có tập trung đi kèm với quyết tâm và niềm tin.
Chúng ta có những thói quen về tinh thần và thể chất, cả hai đều tuân theo sự điều khiển và phương tiện để điều khiển chính là sự tập trung. Tinh thần cũng như thể chất đều chịu ảnh hưởng của thói quen. Nhờ tập trung mà chúng ta có thể buộc tâm trí nghĩ đến chủ đề mình mong muốn cho đến khi tâm trí có thói quen nghiền ngẫm về vấn đề đó và trở thành một thói quen.
Hãy tập trung tư tưởng của bạn vào một mục tiêu cụ thể, áp dụng nguyên tắc Tập trung, chẳng mấy chốc tiềm thức của bạn sẽ nhận ra một bức tranh rõ nét về mục tiêu đó và giúp bạn biến nó thành hiện thực.
Không lâu trước khi qua đời, Napoleon Hill có đến thăm F. W. Woolworth. Ông Woolworth đã nói như sau khi mô tả lại phương pháp mà ông đã áp dụng để xây tòa nhà cao nhất thế giới thời bấy giờ:
"Tôi nhờ một kiến trúc sư vẽ các bản thiết kế. Hàng ngày trong vòng sáu tháng tôi đều vào văn phòng riêng của mình, đóng cửa lại và ngắm nghía các bản vẽ đó trong vòng nửa giờ. Mỗi lần ngắm chúng, tôi cảm thấy dường như tòa nhà thực tế càng gần trở thành hiện thực hơn. Cuối cùng đến một ngày nọ, phương thức tài chính để xây dựng tòa nhà Woolworth bỗng lóe lên trong trí tôi và tôi biết ngay công trình này sẽ trở thành hiện thực. Kể từ giây phút đó tôi không còn gặp bất cứ khó khăn nào nữa."
Tòa nhà Woolworth đã trở thành hiện thực vì F. W. Woolworth đã tập trung vào nó cho đến khi những suy nghĩ tập trung ấy biến nó thành hiện thực.
Trong tác phẩm The Christian Science Monitor, ông Willis J. Abbott nói rằng:
"Cách đây không lâu tôi đang đứng ở phòng thí nghiệm Menlo Park nguyên thủy của Edison vốn đã được xây dựng lại trong bảo tàng Henry Ford ở Dearborn, Michigan với lòng tôn kính thiêng liêng đối với nhà phát minh vĩ đại này. Mọi công cụ mà Edison từng sử dụng đều có mặt ở đây - bóng đèn điện đầu tiên (sáng được 8 tiếng đồng hồ), máy hát đĩa đầu tiên có cây kim chạy trên lá thiếc dùng để thu và phát ra bản sao the thé của tiếng người. Hàng ngàn lọ hóa chất xếp hàng trên tường. 'Ông Edison cứ phải có tất cả hóa chất quen thuộc trong tầm tay của mình', người trông nom bảo tàng đã từng làm việc với ông ấy nửa thế kỷ trước bảo như thế.
Nhưng điều thú vị với tôi không phải là những vật dụng còn lại đó mà là một bức hình mà người trông nom đưa cho tôi xem mà không biết rằng nó ấn tượng đến thế nào: 'Thường khi ông Henry Ford tới đây đều kéo cái ghế kia ra và ngồi suy nghĩ. Có khi ông ấy ngồi yên lặng đến cả tiếng đồng hồ rồi ra đi mà không nói với ai một lời nào'.
'Thế con người vĩ đại của tổ chức công nghiệp ấy nghĩ gì khi ngồi đây giữa những di vật tượng trưng cho thành tựu của một tài năng phi thường như Edison?' 'Suy nghĩ,' người trông nom bảo tàng trả lời, 'là công việc khó nhất mà một người có thể làm được. Có lẽ vì thế mà ông ấy cảm thấy dễ suy nghĩ đến các vấn đề của bản thân hơn ở một nơi đã từng chứng kiến giải pháp của bao người khác'. Dù vậy, cảnh tượng Henry Ford chìm đắm trong thiền định giữa bằng chứng của thành công lẫn khó khăn của Edison vẫn là một điều thách thức suy nghĩ của chúng ta."