Câu Hỏi 23
Cứ lần nào tôi với chồng nói chuyện là y như rằng anh ấy nói đến 90%. Thậm chí trong 10% của tôi thì anh ấy cũng liên tục ngắt lời! Tôi đã bảo anh ấy nhiều lần rồi nhưng chỉ cần mở miệng là anh ấy quên luôn. Tôi có thể dùng nghiệp như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Tôi nhận được câu hỏi này từ một người phụ nữ tên là Mary ở San Diego khi tôi đang đi thăm mẹ kế của mình, nhân tiện đi học về giải phẫu để bổ trợ cho việc dạy yoga của tôi. Tất nhiên, đầu tiên, tôi bảo cô ấy rút ngắn lại điều cô ấy muốn thành một câu đơn giản.
“Mary này, về cơ bản thì chồng của bạn chỉ là quá quan tâm đến bản thân mình mà thôi, anh ấy thậm chí còn chẳng để ý đến việc mình toàn là người nói hay bạn cũng muốn nói nữa. Đó là lý do tại sao khi bạn nói thì anh ấy ngắt lời bạn. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề ngắt lời thì sẽ đảo ngược lại được quá trình và khiến anh ấy nhận ra rằng mình quá quan tâm đến bản thân.
Vậy để diễn đạt điều bạn muốn trong một câu duy nhất thì chúng ta có thể nói rằng điều bạn muốn là thay đổi thói quen ngắt lời của chồng bạn không?”
“Vâng,” cô trả lời nhẹ nhàng. “Tôi muốn ông biết rằng tôi thật sự rất yêu anh ấy và tôi cũng rất quan tâm đến những điều anh ấy nói. Chỉ là tôi muốn anh ấy nhạy cảm hơn với việc tôi cũng có những điều muốn nói mà thôi.”
“Được rồi,” tôi nói. “Chúng ta hãy bắt đầu với Bốn Loại thức ăn.”
“Thức ăn?” Cô hỏi.
“Phải! Bạn biết không? Theo những cuốn sách cổ của Tây Tạng thì có bốn loại thức ăn khác nhau - bốn loại chất bổ khác nhau mà tất cả chúng ta đều cần có để khỏe mạnh và hạnh phúc.”
“Đó là…” Cô trả lời, rõ ràng là đang băn khoăn không biết tất cả chuyện này sẽ dẫn đến đâu.
“Được rồi, loại thức ăn đầu tiên là thức ăn ‘có thể cắn được,’ tức là những thức ăn hữu hình - bất cứ thứ gì bạn có thể cắn và nhai, một miếng táo chẳng hạn. Rõ ràng là chúng ta cần thức ăn hữu hình để nuôi dưỡng cơ thể.
Loại thức ăn thứ hai là giấc ngủ: chỉ cần thiếu ngủ một, hai ngày là đầu óc sẽ bắt đầu loạn ngay. Cơ thể và tâm trí của chúng chắc chắn cần ngủ đều đặn.
Loại thức ăn thứ ba là hy vọng, và những cuốn sách cổ miêu tả nó như sau. Một con ngựa bị lạc ở giữa sa mạc Sahara. Nó lang thang suốt mấy ngày để tìm nước. Đúng lúc nó sắp chết vì khát thì nó ngửi thấy mùi nước; nó bò bằng đầu gối lên một đồi cát và khi bò xuống, nó nhìn thấy một ốc đảo với một hồ nước nhỏ, ngọt mát ở phía trước.
Điều tôi muốn nói ở đây là, dù con ngựa có kiệt sức đến đâu đi nữa thì nó vẫn sẽ bò được xuống đến chỗ hồ nước. Một khi đã nhìn thấy nước, thứ có thể cứu mạng mình, nó sẽ không chết. Cơ thể của nó có thể đã hết sức rồi nhưng chỉ cần có hy vọng là đủ để giúp nó trụ vững trong 100 mét cuối cùng. Hy vọng giúp nó tiếp tục sống, nó giúp tất cả chúng ta tiếp tục sống.”
Mary nghĩ một lát rồi gật đầu. “Có lẽ chúng ta chưa bao giờ nghĩ theo cách đó nhưng quả thật hy vọng là một loại thức ăn,” cô lẩm bẩm.
“Giờ đến loại thức ăn thứ tư,” tôi nói. “Nó đơn giản chỉ là những khoảnh khắc tập trung không bị gián đoạn. Chúng ta thăng hoa trong những khoảnh khắc này, những khoảnh khắc mà chúng ta chìm đắm vào một thứ gì đó, những khoảnh khắc mà chúng ta đạt đến sự an bình và tĩnh tại sâu sắc. Đó có thể là khi chúng ta đang lắng nghe chăm chú một bài hát hay đọc một quyển sách mà mình thực sự yêu thích, hoặc cũng có thể là ngồi trong vòng tay của người yêu.
Bất cứ khi nào chúng ta bị tách khỏi những khoảnh khắc này, bất cứ khi nào chiếc ống truyền loại thức ăn là sự tập trung sâu sắc này bị phá vỡ, có thể là do ông sếp xuất hiện để giao thêm việc cho chúng ta, hoặc có thể là do con của chúng ta khóc, thì chúng ta đều bị tổn thương rất nhiều, cả trong cơ thể lẫn trong tâm trí. Một người liên tục bị làm gián đoạn sự tập trung sẽ trở nên khó tính không khác gì người đã mất ngủ trong vài ngày.
Điều tôi muốn nói ở đây là,” tôi kết luận, “bạn thực sự cần phải nói cho hết những gì mình đang nói, trước khi chồng bạn ngắt lời bạn - nó không chỉ là phép lịch sự đâu mà thực ra nó còn rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn đấy.”
Mary lại gật đầu; nghe cũng đúng, và cô ngước lên nhìn tôi một lần nữa, với một câu hỏi hiện lên trong mắt.
“Tất cả chúng ta đều vậy,” tôi tiếp tục. “Tất cả chúng ta đều từng mắc lỗi làm gián đoạn sự tập trung của người khác - đó có thể là việc nói chuyện với ai đó ở chỗ làm, hoặc đơn giản chỉ là quay nhắn tin khi đang ăn tối với mọi người, hay ngay từ đầu đã viết rất nhiều tin nhắn và thư điện tử. Thậm chí tiếng giày khi chúng ta bước đi trên sàn, tiếng đóng cửa, hay giọng nói mà chúng ta phát ra dù chỉ nói đúng một câu cũng có thể làm gián đoạn sự tập trung của người khác.
“Vậy thì từ giờ tôi sẽ phải hết sức cẩn thận không làm gián đoạn sự tập trung của người khác,” Mary nói, “bởi vì nếu không thì nó sẽ quay trở lại tôi thông qua chồng tôi.” Tôi gật đầu.
“Tôi phải cẩn thận từ những việc rất nhỏ,” cô nói tiếp, “vì những sự gián đoạn lớn mà tôi gặp phải đều đến từ những sự gián đoạn rất nhỏ mà tôi gây ra cho người khác… các hạt giống ngày càng lớn lên mà!”
“Đúng, đúng,” tôi đồng ý. “Và còn một điều nữa.” “Gì vậy?”
“Bạn nên nhìn cả từ mặt tích cực nữa. Ngừng việc gieo những hạt giống xấu bằng cách không làm gián đoạn sự tập trung của người khác là một chuyện, còn tạo ra những khoảnh khắc an bình và tĩnh tại sâu sắc để người khác có thể ngừng lại và tận hưởng lại là chuyện khác.
Chẳng hạn, bạn hãy nghĩ ra một việc mà bạn có thể làm hàng ngày để tạo tình huống giúp con bạn có cơ hội tận hưởng một thứ gì đó thật sâu sắc, trong yên lặng. Bạn có thể tạo thói quen cùng nhau đi ra ngoài, đến một nơi nào đó có nhiều cỏ cây, sông hồ, có trời, có gió - hãy xem liệu bạn có thể dần dần giúp những đứa con của mình biết trân trọng những khoảnh khắc nghỉ ngơi tĩnh lặng ngắn ngủi, tránh xa máy tính và điện thoại, chỉ để tận hưởng một vài phút không bị ai làm phiền hay không. Việc này thực sự rất giống thiền đấy.”
“Để làm được như thế,” cô buồn bã nói, “thì bản thân tôi phải học cách thỉnh thoảng tận hưởng khoảng thời gian tĩnh lặng trước đã.”
“Chính là như thế đấy,” tôi đồng ý.
Câu Hỏi 24
Vì một lý do nào đó, thỉnh thoảng chồng tôi lại rơi vào trạng thái “tảng lờ,” không chịu trả lời bất cứ điều gì tôi nói. Tôi phải gieo hạt giống gì để tạo được dòng giao tiếp trôi chảy giữa hai chúng tôi?
Gần như tất cả những ai từng có một mối quan hệ sâu sắc đều đã có lúc rơi vào tình cảnh này. Có thể là do đêm qua một trong hai người ngủ không ngon lắm nên sáng hôm sau, ngay từ lúc ăn sáng, bạn đã cảm thấy một chút gì đó xa cách - không có nhiều những câu nói vui vẻ qua lại giữa hai người.
Đến trưa thì bắt đầu xuất hiện một vài lời khó nghe và đến chiều thì nó đã biến thành những cuộc cãi vã dài hơn, căng thẳng hơn. Một trong hai người trở nên giận dữ và khó chịu đến mức quyết định sẽ không nói gì nữa. “Anh không muốn nói nữa vì càng nói chỉ càng khiến em tổn thương,” trong khi thực ra chúng ta biết rằng không nói cũng vẫn gây tổn thương, chỉ là theo một cách khác mà thôi.
Chúng ta có thể xóa bỏ những rào cản giao tiếp giữa chúng ta và người bạn đời nếu chúng ta thực sự hiểu được nguyên nhân và kết quả ở đây là gì. Nhìn bề ngoài thì nguyên nhân khiến hai người đầu tiên cảm thấy xa cách với nhau vào buổi sáng, rồi sau đó leo thang thành cãi vã vào buổi chiều và im lặng vào buổi tối, là do thiếu ngủ.
Vậy thì để chấm dứt tình trạng này, chúng ta chỉ cần ngủ thêm thôi. Phải vậy không?
Không hẳn đâu.
Hãy cùng xem nguyên nhân và kết quả diễn ra như thế nào trên một cái cây. Để mọc lên từ mặt đất thì một cái cây phải trải qua các giai đoạn sau: đầu tiên hạt giống sẽ vỡ ra ở trong đất; sau đó chồi sẽ đâm ra ngoài; tiếp đến nó lớn lên thành một thân cây nhỏ và những cành cây thấp đầu tiên. Rồi đến những cành cây cao hơn, cuối cùng là lá và quả.
Hãy nghĩ về mối liên hệ giữa những cành cây thấp và những cành cây cao. Đúng là những cành cây cao xuất hiện sau những cành cây thấp và chúng được kết nối với nhau bằng cùng một thân cây - tương tự như vậy, cuộc cãi vã vào buổi chiều diễn ra trước sự im lặng khó chịu vào buổi tối trong cùng ngày đó.
Nhưng chúng ta không thể nói rằng những cành cây thấp đã tạo ra những cành cây cao được vì những cành cây cao không phải là do những cành cây thấp lớn lên mà thành. Có một chuỗi các sự kiện, sự kiện này tiếp nối sự kiện kia, nhưng cành cây thấp đi đường của nó còn cành cây cao đi đường khác. Chúng được kết nối với nhau nhưng đó là thông qua thân cây và thân cây thì mọc lên từ hạt giống ban đầu.
Điều tôi đang muốn nói ở đây là chúng ta phải nhìn xa hơn những gì mà chúng ta nghĩ là đang xảy ra khi người bạn đời không chịu nói chuyện với chúng ta vào buổi tối. Có thể nó không xuất phát từ cuộc cãi vã vào buổi chiều, sự xa cách vào buổi sáng, hay thậm chí là việc khó ngủ vào đêm qua đâu.
Có thể tất cả mọi chuyện đều xuất phát từ một hạt giống nằm sâu hơn bên trong
Có thể tất cả những sự kiện này - có thể tất cả những cành cây này - thực ra đều xuất phát từ một hạt giống lớn, một hạt giống chính, nằm bên dưới tất cả. Có thể những gì xảy ra vào buổi sáng không phải là nguyên nhân của những gì xảy ra vào buổi tối. Có thể cả hai đều xuất phát từ một thứ duy nhất, đã tồn tại từ trước.
Và đây chính là điểm mấu chốt của phương pháp Nghiệp tình yêu. Có những hạt giống lớn hơn, tồn tại từ trước, và chúng chính là nguyên nhân của tất cả mọi chuyện đang xảy ra với chúng ta trong suốt cả ngày. Đừng đổ lỗi cho chồng bạn và đừng đổ lỗi cho cái đệm của bạn. Cả hai đều xuất phát từ một thứ nằm sâu hơn ở bên dưới, một thứ mà chính bạn trước đây đã gieo.
Giờ bạn có thể xử lý các hạt giống gây ra việc thiếu ngủ hoặc các hạt giống gây ra việc có người không chịu nói chuyện với bạn. Hãy học cách phân chia tất cả những hạt giống có tham gia vào tình huống và xử lý từng hạt giống một. Đừng cố xử lý tất cả cùng một lúc; có quá nhiều hạt giống đang hoạt động nên không thể làm thế được đâu. Hãy tạo thói quen chọn từng hạt giống một và xử lý dứt điểm rồi mới chuyển sang hạt giống khác.
Điều cuối cùng, trở lại việc ban đầu chúng ta không hiểu tất cả những sự kiện này xuất phát từ đâu. Tất cả những hạt giống này đều có liên kết với nhau, như vậy có nghĩa là chỉ cần xử lý dứt điểm một hạt giống gây ra vấn đề là sẽ khiến tất cả những hạt giống còn lại suy yếu.
Đến lúc này thì bạn đã biết cách thực hiện rồi. Chúng ta hãy giải quyết vấn đề im lặng vì theo một cách nào đó, nó là vấn đề lớn hơn vấn đề thiếu ngủ. (Và giờ chúng ta biết rằng vấn đề này không nhất thiết là nguyên nhân của vấn đề kia; chẳng lẽ bạn chưa bao giờ thức đêm cùng đám bạn chí cốt của mình và sáng hôm sau vẫn ngồi uống cà phê, ăn bánh ngọt, nói chuyện rôm rả?)
Những quyển sách cổ của Tây Tạng rất coi trọng việc trả lời mọi người một cách nhanh chóng và chu đáo, dù cho đó là câu hỏi tối nay ăn gì hay vũ trị đến từ đâu.
Vậy thì trong một vài tuần tới, hãy chú ý lắng nghe cẩn thận bất cứ khi nào có người hỏi bạn về thứ gì đó và bảo đảm rằng bạn đưa ra một câu trả lời thấu đáo. Có một số câu hỏi (ở đây chúng tôi bao gồm cả thư điện tử và tin nhắn) chúng ta lảng tránh vì khó trả lời; những câu hỏi khác chúng ta lảng tránh vì chúng ta thấy chúng ngu ngốc hoặc vô vị. Mặc dù vậy, tôi bảo đảm với bạn rằng - đối với người hỏi - chúng là những câu hỏi quan trọng và xứng đáng được nhận một câu trả lời tốt.
Và hãy nhớ thực hiện Thiền Cà phê về những hạt giống mới này khi bạn về nhà vào buổi tối.
Nếu bạn dành thời gian lắng nghe, bạn sẽ tìm thấy một hạt trí tuệ nằm đằng sau gần như tất cả các câu hỏi mà người ta hỏi bạn. Hãy trả lời một cách chu đáo và chồng bạn sẽ dừng cái việc im lặng khi tức giận lại - mà bạn không hề phải bảo hay gây căng thẳng với anh ấy.
CÂU HỎI 25
Bạn gái tôi lờ đi tất cả những gợi ý mà tôi đưa ra, kể cả những gợi ý rất hay lẫn những gợi ý nhỏ. Tôi cần gieo hạt giống gì để bạn gái tôi cân nhắc đến các ý kiến của tôi?
Dù cho bạn không biết bạn của tôi, Tony, thì bạn cũng sẽ biết một ai đó giống cậu ấy. Bạn không cần phải là một thiên tài mới nhận ra được nguồn gốc của các hạt giống - bạn có thể nói cả ngày nhưng có vẻ như cậu ấy vẫn không lắng nghe. Và tất nhiên, điều đó có nghĩa là tôi cũng đang không lắng nghe.
“Ồ, có vẻ như bạn cũng đang không lắng nghe tốt lắm những gợi ý của người khác thì phải,” tôi mở đầu.
“Ví dụ?” Cậu ấy buột miệng.
Tôi thở dài. Được rồi, chúng ta hãy thử xem nào. Hôm nay, tôi đã tự nghĩ trong đầu rằng phải cởi mở hơn với những gợi ý; hy vọng là nó sẽ đủ để tạo thành một hạt giống giúp cậu ấy cởi mở hơn một chút.
“Nghe này, Tony - bạn đã biết tất cả về hạt giống rồi đúng không?” Tôi biết là cậu ấy biết; cậu ấy đã đến nghe các buổi nói chuyện của tôi suốt hơn một thập kỷ qua.
“Vâng…” Cậu ấy thừa nhận.
“Thế bạn phải gieo loại hạt giống gì để một người bắt đầu lắng nghe các gợi ý của bạn?”
“Tôi đoán là bản thân mình phải dừng việc lờ đi các gợi ý của người khác,” cậu ấy trả lời.
Đến lúc này, tôi đã biết đủ để hiểu được rằng không thể chỉ dừng lại ở đó được. Phải có một kế hoạch, một cái gì đó cụ thể và chi tiết. Hơn nữa, sẽ vui hơn nhiều nếu bắt đầu bằng việc làm một một cái gì đó, thay vì không làm một cái gì đó.
“Ở công ty thì bạn là người giám sát phòng ban của mình phải không?” Tôi bắt đầu.
“Vâng,” cậu ấy nói.
“Được rồi, thế chúng ta sẽ đi qua ba bước,” tôi nói. “Hiện tại bạn có đang thực hiện dự án lớn nào không?”
“Có,” cậu ấy trả lời. “Chúng tôi đang làm các đoạn phim quảng cáo và đang có một cuộc tranh luận gay gắt về việc nên dùng phần mềm nào để biên tập các đoạn phim đó.”
“Được rồi, thế thì bước một như sau. Tôi không muốn bạn chỉ đơn giản là dừng việc lờ đi các gợi ý của người khác. Tôi muốn bạn khảo sát nhóm của mình, từng người một, hỏi họ xem liệu họ có ý kiến gì về phần mềm mà họ nghĩ là có ích hay không?”
“Được, không vấn đề gì,” Tony nói; nhưng cậu ấy trả lời quá nhanh. Nghe như kiểu người giám sát cậu ấy ở công ty đã bảo cậu ấy thu thập ý kiến từ nhóm của cậu ấy hàng trăm lần rồi, và tôi có thể đoán được là những ý kiến đó cuối cùng đã bị ném vào đâu.
“Tuần sau,” tôi nói tiếp, “chúng ta sẽ gặp nhau ở Starbucks và bạn sẽ nói cho tôi biết về ba gợi ý mà bạn nghĩ là khá tốt. Đó là bước hai.”
“Vâng,” cậu ấy nói. Trán cậu ấy hơi nhăn lại một chút - tôi có thể nhận ra rằng cậu ấy chưa quen với việc thực sự cân nhắc những gợi ý mà cậu ấy hỏi xin các nhân viên của mình.
“Giờ đến bước ba,” tôi nói tiếp. “Một tuần sau đó, bạn sẽ bắt đầu thực hiện một trong những lời gợi ý đó.”
Tôi có thể thấy rằng mình đã đi quá xa. Đến lúc để kiểm tra tình hình thực tế rồi.
“Ý tôi là, bạn thực sự muốn bạn gái bắt đầu lắng nghe những gợi ý của bạn, đúng không?”
Câu này có vẻ có hiệu quả. “Được, được,” cậu ấy nói, nhún vai, thể hiện sự quyết tâm. Cậu ấy nghĩ chúng tôi đã xong nhưng chưa.
“Còn phần ghi nhận công lao nữa,” tôi tiếp tục. “Công lao gì?”
“Ý tôi là, nếu bạn muốn gieo một hạt giống thật mạnh ở đây - nếu bạn thực sự muốn bạn gái lắng nghe mình một cách nghiêm túc - thì còn một việc cuối cùng mà bạn phải làm. Đừng chỉ hỏi xin những lời gợi ý từ người khác; đừng chỉ cân nhắc chúng một cách cẩn thận; và đừng chỉ thực hiện những gợi ý tốt nhất mà bạn có.
Nếu bạn thực sự thử làm theo lời gợi ý của một ai đó và nó có tác dụng thì tôi muốn bạn bảo đảm rằng họ được ghi nhận công lao đối với lời gợi ý của họ - toàn bộ công lao.”
Vì bạn thấy đấy, tất cả chúng ta đều có một sự chống cự tự nhiên đối với toàn bộ quá trình này. Thứ nhất, mỗi người chúng ta có lý lẽ riêng của mình về việc chúng ta đang cư xử như thế nào trong cuộc đời - về những thứ chúng ta quyết định làm và những thứ chúng ta quyết định không làm. Nhiều khả năng là, chúng ta vốn đã cân nhắc rất nhiều lời gợi ý mà có thể những người khác cũng nghĩ sẽ nói cho chúng ta rồi, và chúng ta vốn đã quyết định rằng chúng sẽ không có tác dụng, vì lý do này hay lý do khác rồi.
Nhưng có nhiều ý kiến mà chúng ta lảng tránh chỉ vì chúng ta cảm thấy không muốn đưa nó vào trong công việc có liên quan, hoặc không muốn mất công nghĩ về chúng. Nếu chúng ta thực sự muốn mọi người cởi mở hơn với các ý tưởng của mình thì chúng ta phải thừa nhận với chính bản thân rằng một số lời gợi ý mà chúng ta nhận được từ người khác trong quá khứ đã có tác dụng khá tốt khi chúng ta thực sự làm theo chúng.
Cuối cùng, chúng ta hoàn toàn có thể xuất phát từ lòng tốt của mình mà thử thực hiện bước đầu tiên trong lời gợi ý của một người nào đó, hoặc nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể tích hợp nó vào một kế hoạch mà chúng ta đã có từ trước. Hãy bắt đầu tìm kiếm những cách để hợp tác với người khác, đặc biệt là những người làm việc cho bạn - những người mà bạn có nghĩa vụ phải quản lý theo một cách nào đó.
Và đừng ngại trao cho họ toàn bộ công lao đối với những ý tưởng đem lại hiệu quả. Đây là một hạt giống tuyệt vời giúp bạn có thể được sếp của mình - trong đó có cả bạn gái bạn - ghi nhận công lao đấy.