Câu Hỏi 26
Tôi luôn gặp phải cùng một tình trạng này với gần như tất cả những ai mà tôi từng có quan hệ - một dạng kiểu như sự thối rữa tự nhiên, hay sự lão hóa của mối quan hệ. Ban đầu cả hai chúng tôi đều cảm thấy rất phấn khích, như thể cuối cùng chúng tôi cũng đã gặp được một nửa của mình. Nhưng sau đó, dần dần, chúng tôi bắt đầu nhìn ra một vài vấn đề ở người kia, và càng ngày chúng càng trở nên nghiêm trọng. Sau một thời gian, chúng tôi bắt đầu cãi nhau và cuối cùng, chúng tôi trở nên cực kỳ ghét nhau. Liệu trong nghiệp có cách nào để chấm dứt cái vòng thoái trào luẩn quẩn này không?
Lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi này không phải là từ người khác, mà đây là câu hỏi tôi tự hỏi chính bản thân mình, hết lần này đến lần khác, khi tôi chứng kiến cuộc hôn nhân của cha mẹ mình đổ vỡ, khi tôi thực hiện những nỗ lực đầu tiên trong một mối quan hệ, thời trung học và đại học. Dường như luôn tồn tại một sự lão hóa tự nhiên và không thể tránh khỏi trong các mối quan hệ, theo cùng một cách mà mọi thứ khác xung quanh chúng ta vẫn lão hóa: một cái cây, một chiếc xe mới, hay cơ thể con người.
Chẳng qua với các mối quan hệ thì có vẻ như quá trình này gây đau khổ hơn nhiều. Không chỉ là mối quan hệ trở nên già cỗi - không chỉ là mọi thứ trở nên nhạt nhòa, hay chúng ta không còn hứng thú với nhau nữa, mà cả bạn và tôi đều biết rằng, thông thường, chúng ta sẽ kết thúc trong sự thù ghét người mà chúng ta từng yêu thương, thù ghét hơn bất cứ thứ gì khác.
Cái vòng thoái trào luẩn quẩn này lúc nào cũng khiến tôi khó chịu tự sâu trong thâm tâm. Thực ra, nó chính là một trong những lý do mà tôi quyết định thề lời thề của một nhà sư: tôi đã trở thành một trong những người thành tâm tin rằng số phận của tất cả các mối quan hệ là trở nên xấu đi, rằng một mối quan hệ mà lúc nào cũng ngọt ngào thì chỉ có ở trong phim. Và một phần trong tôi nghĩ rằng - tôi nghĩ là một phần trong bạn cũng sẽ cảm thấy tương tự - mình có một vấn đề nào đó, tận sâu bên trong có thể do mình không có khả năng giữ gìn một mối quan hệ.
Nhưng một khi bạn thực sự hiểu được các Nguyên tắc Năng đoạn Kim cương thì bạn có thể gạt bỏ toàn bộ những suy nghĩ rác rưởi, vớ vẩn đó đi. Việc các mối quan hệ trở nên xấu đi không phải là không thể tránh khỏi và bạn không phải là người xấu. Bạn không phải là người khiến mối quan hệ trở nên xấu đi, mà đó chính là các hạt giống. Khi bị bỏ quên, không chăm bón thì hạt giống của bất kỳ mối quan hệ nào cũng sẽ trở nên già cỗi và khi đó bản thân mối quan hệ sẽ trở nên già cỗi, theo cùng một cách giống như cây cối hay con người.
Một thứ chết đi là vì nó được sinh ra
Những quyển sách cổ Tây Tạng diễn giải điều này theo một cách rất chắc nịch: Một thứ chết đi là vì nó được sinh ra. Bạn có thể lấy một đứa bé sơ sinh ra khỏi tử cung, để nó vào trong một chiếc két sắt ngân hàng khổng lồ nằm dưới lòng đất, khóa lại, rồi suốt cả cuộc đời đứa bé, bạn cho nó ăn toàn rau hữu cơ và vi-ta- min, nhưng đứa bé sẽ vẫn già đi, sẽ vẫn lão hóa, từ ngày này qua ngày khác; và đứa bé sẽ vẫn chết đi. Đứa bé chết đi đơn giản là vì nó được sinh ra.
Nhưng có một cách để thoát ra khỏi tất cả những điều này. Cách đó có tên là tái đầu tư hạt giống. Sau đây là một ví dụ ngoài đời thực.
Đến lúc này thì chúng ta đã biết một phương pháp rất thành công để gieo hạt giống cho một mối quan hệ. Bởi điều chúng ta muốn là sự bầu bạn - không còn cô đơn nữa - nên chúng ta cần phải trao cho người khác sự bầu bạn trước. Chúng ta đã thấy hiệu quả của phương pháp này ở câu hỏi 2: Ann đã đến thăm một cụ già để gieo các hạt giống cho một mối quan hệ mới, và đã tạo ra được người chồng tương lai của mình. Chúng ta chia tay cô ở Manhattan, tại đám cưới của cô ấy.
Nhưng vẫn còn nữa.
Tôi đi về phía Ann lúc đó đang đứng ở quầy lễ tân; chúng tôi đang ở trong phòng khách của bố mẹ cô và mọi người đang ăn điểm tâm sau khi vừa tham dự buổi lễ.
“Này Ann,” tôi vừa nói vừa nhìn vào ly cốc-tai pha với nước hoa quả và rau của mình, “Việc thăm cụ già, bà Taylor ấy, nó thật sự có tác dụng phải không?”
“Ồ, tác dụng tốt lắm, Geshe La,” cô thốt lên. “Tôi biết ơn ông lắm.”
“À,” tôi trả lời theo đúng chuẩn mực, “chúng ta hãy cùng cám ơn những vị thầy trong tông phái vì đã lưu truyền trí tuệ này từ đời này qua đời khác trong suốt mấy ngàn năm qua.”
Ann gật đầu mãn nguyện rồi nhìn về phía những vị khách. Đây chính là lúc để tôi có thể, ngay từ đầu, bảo đảm rằng, một hai năm sau, cuộc hôn nhân này sẽ không bắt đầu phai nhạt.
“Vậy,” tôi nói bâng quơ, “bà Taylor dạo này thế nào?”
Ann im lặng trong một thoáng, trông có vẻ hơi có lỗi. “À, Geshe La, ông biết đấy - do phải tổ chức đám cưới cùng nhiều việc khác nữa - nên đã lâu rồi tôi không có cơ hội đến thăm bà ấy. Hơn nữa…”
“Hơn nữa sao?” Tôi hỏi.
“À,” cô rụt rè, “ông biết đấy… ý tôi là, cuối cùng thì nó đã có tác dụng rồi; và giờ tôi có John rồi.”
Tôi nghe những lời cô ấy đang nói và tôi biết sắp tới sẽ là gì. Giờ tôi có John rồi; tôi có người để chia sẻ rồi, có người để bầu bạn rồi. Vì vậy tôi không có thời gian, và không có nhu cầu phải thăm cụ già nhiều như trước nữa.
“Sai lầm,” tôi nói gọn lỏn. “Việc bạn dành thời gian bầu bạn với bà Taylor là đã gieo các hạt giống để tạo ra John, đúng. Nhưng cứ mỗi giờ bạn ở bên John là bạn đang sử dụng mất một vài hạt giống đó. Thời gian bạn ở với bà Taylor là thứ nạp đầy tấm thẻ ghi nợ để bạn tiêu dùng cho mối quan hệ của mình. Giờ bạn đang sử dụng tấm thẻ đó, các hạt giống đã chín và chúng giúp bạn nhìn thấy John đứng bên cạnh mình.
Nếu bạn cứ để mặc mọi thứ diễn ra như vậy thì những hạt giống đó sẽ phai tàn dần, từng hạt một. Rồi ngày đó sẽ đến, ngày mà John quên hôn chào buổi sáng, ngày mà anh ấy không thể về nhà kịp giờ ăn tối - ngày mà hai bạn cãi vã lần đầu tiên, và ngày mà hai bạn cãi vã lần cuối cùng. Chúng ta không muốn điều đó xảy ra đâu Ann.”
Lúc này thì tôi đã có được sự chú ý của cô ấy. Cô nhìn tôi, mặt lộ rõ vẻ lo lắng thực sự. “Ông đang nói là nó sẽ phai tàn dần sao? Nó phải phai tàn dần sao?”
“Phai tàn dần, đúng,” tôi trả lời. “Nhưng không nhất định sẽ đến, chuyện đó sẽ không xảy ra, nếu bạn tái đầu tư hạt giống.”
“Tái đầu tư?” Ann hỏi.
“Phải,” tôi trả lời, và tôi bắt đầu nói nhanh hơn một chút, phấn khích hơn một chút. Vì bạn biết đấy, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian mới nghĩ ra được cách giải quyết vấn đề này, mà nó thì lại quá quan trọng đối với tất cả chúng ta. “Chúng ta hãy lấy một ví dụ khác. Bạn đang tìm kiếm sự bảo đảm về tài chính trong cuộc đời, thế nên bạn phải gieo các hạt giống. Bạn đầu tư thời gian để giúp người khác có được sự bảo đảm của họ. Và rồi sự thịnh vượng đến với bạn; bạn không thể ngăn cản nó dù bạn có muốn làm thế đi nữa.
Nhưng bạn phải hiểu rằng, các hạt giống ấy, chúng sẽ phai tàn; và sớm hay muộn thì mọi công việc, mọi công ty mới thành lập, mọi sự nghiệp đang thăng hoa đều sẽ trở về với đất. Trừ phi…”
“… trừ phi bạn tái đầu tư hạt giống.” Ann nói, và từ khuôn mặt của cô, tôi có thể nói rằng cô đã hiểu. “Hãy dành ra một phần trong số tiền mà quay trở lại với mình, để nó sang một bên, sử dụng nó để giúp những người mới đạt được sự bảo đảm của họ. Hãy tạo ra một vòng đi lên - những hạt giống mới thay thế những hạt giống cũ khi những hạt giống cũ phai tàn.”
“Chính xác,” tôi nói. “Và đó là cách chúng ta sẽ dùng để giữ mối quan hệ của bạn và John không bị già cỗi, không bị phai nhạt. Bạn cần sử dụng các hạt giống của bạn để tạo ra các hạt giống mới…” Tôi ngừng lại để cô có thể nắm được ý tôi muốn nói.
Ann suy nghĩ một lúc. “Được rồi,” cô nói. “Tôi hiểu rồi. Bằng việc bầu bạn với bà Taylor, tôi đã tạo ra những hạt giống cho John. Giờ tôi và John cần làm việc - lần này là làm cùng nhau - để giúp những hạt giống đó tiếp tục tồn tại. Chúng tôi cần gieo một vài hạt giống mới, và chúng tôi phải liên tục gieo nếu chúng tôi không muốn nhìn thấy tình yêu này bị phai nhạt.”
Tôi đợi cho đến khi cô nghĩ thông. Và tôi không cần đợi lâu. “Tôi phải tiếp tục đến thăm bà Taylor… trong suốt phần đời còn lại,” cô thì thầm. Tôi gật đầu. “Và John phải đi với tôi.” Cô nói đúng.
Hãy tái đầu tư các hạt giống
Câu Hỏi 27
Tình huống như sau: Khi chúng tôi đang đứng xếp hàng tại cửa hàng thực phẩm, vợ tôi đã nói một câu bất lịch sự về người phụ nữ ở quầy thanh toán. Người phụ nữ này liền nhìn chằm chằm vào cả hai chúng tôi. Tôi không thể xin lỗi vì nếu tôi làm thế, vợ tôi sẽ nổi giận với tôi. Nhưng nếu tôi không nói gì thì tôi sẽ bị xếp chung thành người xấu cùng với vợ mình, điều mà tôi không hề muốn chút nào. Chuyện này xảy ra hết lần này đến lần khác, từ ngày này qua ngày khác, và càng ngày tôi càng cảm thấy như mình đang ở trong một nhà tù nhỏ vậy - kiểu như tôi không còn có bất kỳ tiếng nói nào trong cuộc đời mình nữa. Làm thế nào tôi có thể gieo các hạt giống để cảm thấy như mình lại được là chính mình?
Tôi nhìn người bạn đang ngồi đối diện mình trong một quán cà phê, Anthony. Tôi cảm thấy đồng cảm với ông; tôi đã từng trải qua rồi. Thực ra, tôi nghĩ mình đã từng trải qua gần như mọi tình huống rồi và đó là lý do tại sao tôi viết nên cuốn sách này.
“Anthony này,” tôi mở đầu, “hãy nói cho tôi biết ý nghĩa của từ phản trực giác.”
“À,” ông nói, “có một vấn đề nào đó, một người gợi ý cho ông cách giải quyết vấn đề và nó trái ngược hoàn toàn với điều ông nghĩ.”
“Chính xác,” tôi nói. “Về cơ bản, bạn đang cảm giác rằng - tôi biết cảm giác đó là như thế nào - vợ bạn đã lấy đi tất cả sự độc lập của bạn, tất cả sự tồn tại của bạn với tư cách là một con người riêng biệt. Dù bạn đi đâu, bạn cũng bị xếp chung vào với cô ấy, với những gì cô ấy đang làm, cả tốt lẫn xấu. Bạn có cảm giác gần như bạn không còn là chính mình nữa.”
“Chính xác,” ông nói nhỏ nhẹ, nhìn tôi đầy cảm kích, cái nhìn của một người cuối cùng đã gặp được người hiểu vấn đề của mình.
“Và bạn cũng không cần phải là người chỉ huy,” tôi nói tiếp. “Bạn hài lòng với việc là một phần trong một cặp đôi, bạn hài lòng với việc làm việc cùng nhau. Nhưng bạn muốn làm việc cùng nhau theo một cách mà bạn cũng được thừa nhận như một cá nhân, được thừa nhận là chính mình, một người cũng có hy vọng và nhu cầu riêng.”
“Ông hiểu vấn đề rồi đấy,” ông nói một cách đầy biết ơn. Ông ngả người về phía tôi để xem chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào.
“Được rồi,” tôi thở ra. “Đến phần phản trực giác rồi. Để trở lại là chính mình, để được trao thêm quyền, bạn sẽ phải từ bỏ một phần quyền mà bạn đang có. Tôi nghĩ rằng…” Rồi bỗng nhiên, một thứ gì đó lóe lên trong trí óc tôi - một khoảnh khắc trong một buổi nói chuyện ở phía Nam Trung Quốc.
“Nghe này, Anthony, năm ngoái tôi đã ở Quảng Châu đấy.”
“Ừ,” ông ấy nói, rõ ràng là đang băn khoăn không biết liệu Quảng Châu có phải là tên một nhà hàng mới ở phía Tây Chicago hay không.
“Đó là một thành phố, ở Trung Quốc… ngay phía bên kia của Hồng Công. Những người có tiền ở Hồng Công thành lập các công ty sản xuất phần lớn hàng hóa trên khắp thế giới và các nhà máy mà họ sản xuất các hàng hóa này, bạn biết đấy, chúng ở khắp Quảng Châu vì mọi thứ ở đó đều rẻ. Bạn có thể nhảy lên tàu điện ngầm ở trung tâm Hồng Công và đi thẳng đến Quảng Châu để kiểm tra nhà máy của mình trong vòng một giờ đồng hồ.”
“Ừ,” ông lặp lại, có vẻ đã bớt mù mờ hơn.
“Chúng ta đã tổ chức một buổi hội thảo kinh doanh lớn ở Quảng Châu với rất đông người tham dự. Họ đều là những người chủ của các doanh nghiệp lớn và tôi đã giải thích tại sao - nếu họ muốn kiếm thêm tiền - thì họ phải giúp người khác kiếm tiền. Việc này diễn ra trong khoảng hai ngày, và khi mọi người bắt đầu hiểu nó, bắt đầu phấn khích, thì một người phụ nữ giơ tay lên để hỏi một câu hỏi.”
Anthony: “Ừ.”
“’Geshe Michael,’ cô nói, ‘tôi không đến đây để học cách cho tiền. Tôi đến đây để học cách kiếm tiền.’” Anthony và tôi cùng cười thầm.
Những bản năng cũ của bạn là sai
“Và đó chính là phản trực giác,” tôi nói tiếp. “Nếu bạn muốn thứ gì đó đến với bạn, thì trước tiên, bạn phải cho người khác thứ đó trước - kể cả khi bạn không có nhiều thứ đó để bắt đầu… đặc biệt là khi bạn không có nhiều thứ đó để bắt đầu.
Vậy thì trong trường hợp của bạn, bạn cần trao quyền cho người khác: cho họ một cơ hội để chứng minh bản thân, cho họ một cơ hội để là chính mình. Đến lúc đó, vợ bạn sẽ để bạn là chính mình.
Nghe này, cuộc sống ở công sở của bạn rất căng thẳng - tôi biết, vì lúc nào bạn cũng nói về nó. Có quá nhiều việc phải làm, ngày nào bạn cũng phải giải quyết khoảng 300 cái thư, cùng một chồng sổ sách tài chính cần kiểm tra. Tôi cũng biết rằng bạn có những người rất tuyệt vời làm việc cho mình, và một vài người trong số họ thực sự đang khá buồn chán khi ngày nào cũng phải làm đi làm lại những công việc lặt vặt giống nhau.
Vậy thì hãy đảo ngược lại: cho họ một thử thách và gỡ bỏ một phần gánh nặng công việc ra khỏi vai mình. Hãy tạo ra những khu vực trách nhiệm nhỏ mà nhân viên của bạn có thể trở thành người chủ của khu vực đó: một người trả lời tất cả những bức thư hỏi về sản phẩm được gửi đến bạn; hai người kiểm tra sổ sách tài chính cho bạn và họ làm việc độc lập với nhau để bạn xem liệu những lỗi sai ở các con số mà họ tìm ra có giống nhau hay không.”
Anthony hắng giọng. “Có hai vấn đề. Thứ nhất, lý do mà những bức thư cùng các báo cáo tài chính đó được gửi đến chỗ tôi là bởi tôi là người duy nhất có thể thực sự xử lý được chúng một cách ổn thỏa.”
Tôi cười. “Này Anthony, ông bạn già của tôi ơi, đây là trường hợp mà tôi gọi là Hội chứng Nhà quản lý Trẻ con: trong công việc mà tôi làm thì chẳng có ai giỏi như tôi cả; họ sẽ chỉ làm loạn lên mà thôi và sau đó tôi sẽ phải sửa lại.
Nghe này, không ai là không thể thay thế. Mọi thứ bạn làm đều có thể chuyển cho người khác làm; nếu hôm nay bạn rời công ty thì chỉ trong một tuần thôi là sẽ có người khác ngồi vào ghế của bạn, đọc những bức thư đó và kiểm tra những báo cáo đó. Và nhiều khả năng là họ sẽ làm khá tốt đấy.”
Anthony nhăn nhó. “Ừ, nhưng thực ra… đó chính là vấn đề thứ hai.”
“Thế là sao?”
“À thì, nếu tôi để những người khác ở công ty được thực sự chịu trách nhiệm cho một phần việc mà tôi làm, thì chẳng mấy chốc mà ban giám đốc sẽ nhận ra rằng họ không thực sự cần tôi.”
Tôi cười. Lại một phiên bản khác của Hội chứng Người quản lý Trẻ con.
“Nghe đây, Anthony. Giả sử bạn là người sở hữu công ty và bạn có một người ở vị trí quản lý mà rõ ràng luôn làm những điều tốt nhất cho công ty, chẳng hạn như ông ta đào tạo người khác để họ có thể làm được việc, nhờ đó mà công ty có chiều sâu hơn và nhiều tài năng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Và rồi đột nhiên có một vị trí cấp cao bị bỏ trống. Bạn nghĩ bạn sẽ trao nó cho ai? Ai đã có sẵn ở xung quanh mình những người đủ mạnh mẽ để có thể bước một bước lên một tầm lớn hơn?”
Anthony nhìn ra ngoài, về phía đường chân trời vàng óng. “Tôi,” ông mỉm cười.
“Phải,” tôi nói. “Vậy hãy trao quyền cho mọi người xung quanh bạn - ở chỗ làm và cả ở trong gia đình nữa. Hãy cho họ một cơ hội để họ là chính mình. Và rồi…”
“Và rồi…” ông nói, đứng dậy khỏi bàn, “có thể tôi sẽ không còn mắc kẹt dưới cái bóng của vợ mình, trong hàng người đang xếp hàng trước quầy thanh toán ở cửa hàng thực phẩm nữa.”
Câu Hỏi 28
Vợ tôi yêu cầu tôi lúc nào cũng phải ở gần nhà và gần cô ấy. Tôi không được nói chuyện nhiều với người khác vì điều đó làm cô ấy cảm thấy không an tâm. Làm thế nào tôi có thể thay đổi cái nghiệp này? Tôi cảm thấy như mình đang bị nhốt trong một cái hộp trong chính ngôi nhà của mình.
Có rất nhiều vết thương là do chúng ta tự gây ra cho chúng ta. Tôi đang ở trong một cửa hàng pizza, cố gắng nói chuyện với bạn của tôi, Charles, về vấn đề cái hộp mà cậu ấy đang gặp phải. Tôi gần như không nhận được sự chú ý của cậu ấy. Cậu ấy lúc nào cũng chúi mũi vào cái điện thoại, liên tục tìm kiếm các trang mạng nhưng thật lạ là lại chẳng thể tìm được cái gì có thể thỏa mãn mình được quá vài phút. Tôi chộp lấy tay cậu.
“Charlie, nghe tôi nói này. Bạn có thể thoát ra khỏi tình trạng đó - bạn không nhất thiết phải chịu cảnh không hạnh phúc từ ngày này qua ngày khác.” Tay kia, tôi để điện thoại của cậu ấy xuống dưới bàn. “Bạn biết về hạt giống rồi, đúng không?” Cậu gật đầu. Cậu đã đến tham dự các buổi nói chuyện của tôi.
“Hiện tại, gần như 100% thời gian chúng ta đều cần gieo các hạt giống tinh thần với người khác,” tôi bắt đầu. Chúng ta đã biết điều này từ câu hỏi 16. Ở câu hỏi đó, chúng ta đã so sánh nghiệp với tiếng vang và với quả bóng rổ: bạn cần một bức tường, bạn cần một sàn nhà, để phản lại nó. “Hãy coi những người xung quanh bạn là đất, một mảnh đất màu mỡ để bạn gieo các hạt giống của mình. Những người Tây Tạng nói rằng bạn không thể gieo một hạt giống vào trong không khí được; nó phải được gieo vào đất.”
Charlie gật đầu, tuy nhiên, tôi dám cá rằng trong suốt cuộc đời mình, cậu ấy chưa từng một lần gieo hạt giống vào đất.
“Nhưng cũng có các ngoại lệ,” tôi nói tiếp. “Ngoại lệ gì?”
“Những quyển sách cổ khẳng định rằng cơ thể và tâm trí bạn giống như một ngôi đền - một ngôi đền thiêng liêng, một phương tiện cho phép bạn du hành đến đỉnh cao nhất của tâm hồn con người. Nếu không có một cơ thể khỏe mạnh, nếu không có một tâm trí tuệ mẫn, chúng ta không thể đi khắp thế giới, chúng ta không thể làm những việc mà chúng ta cần phải làm để được giác ngộ, để trở thành một con người thực sự tốt.”
“Và?”
“Và nếu chúng ta làm tổn thương cơ thể và tâm trí đó - đặc biệt là nếu chúng ta cố tình làm tổn thương chúng - thì chính là chúng ta đang làm tổn thương những người khác: những người mà có thể đang được một người tốt giúp đỡ.
“Và?”
“Và bạn thấy đấy, bạn có thể gieo một hạt giống vào tâm trí mình bằng cách làm tổn thương tâm trí mình. Tôi nghĩ đó chính là mấu chốt của vấn đề mà bạn đang có với vợ bạn, cái cảm giác rằng bạn đang bị nhốt trong một cái hộp.”
“Làm sao mà tôi lại đang làm tổn thương tâm trí mình được?”
Tôi liếc nhìn chiếc điện thoại của cậu. Không hiểu bằng cách nào mà nó đã tìm được đường trở lại trên bàn, ngay bên cạnh mấy miếng vỏ bánh còn sót lại. Cứ như thể chiếc điện thoại cũng có tâm trí của riêng nó vậy. Nhưng giải quyết nhẹ nhàng thì lúc nào cũng tốt hơn.
“Nghe này,” tôi nói. “Bạn cũng đã từng ít nhiều được dạy thiền rồi đúng không?”
Charlie gật đầu. Trong các buổi hội thảo kinh doanh, chúng tôi có dành một phần để dạy các giám đốc cách phát triển những năng lực tập trung sâu hơn. Chúng tôi sử dụng một biểu đồ thiền có từ thời xưa trong đó có vẽ hình con khỉ và con voi.
“Thế con khỉ tượng trưng cho cái gì?”
“Con khỉ tượng trưng cho tâm trí của bạn khi nó bị xao lãng quá mức. Khi có quá nhiều thứ lôi kéo sự chú ý của bạn mà bạn thì lại đang cố gắng tập trung.”
“Ví dụ?”
Charlie nhìn xuống bàn, ở đó có chiếc điện thoại đang nằm cạnh một miếng pizza mềm và dính. Cậu cầm nó lên một cách thích thú và lau đi chỗ dính tương cà chua.
“Ví dụ như khi bạn đang cố gắng tập trung nhắn tin cho sếp thì bạn của bạn lại đưa một miếng pizza ra trước mũi bạn,” cậu mỉm cười với tôi. “Thế là bạn học được rằng phải bỏ qua tất cả mọi thứ khác và tìm mọi cách quay trở lại với tin nhắn mà mình đang viết dở.” Cậu chứng minh luôn, bằng cách bò ra bàn và đè lên để che chiếc điện thoại của mình.
Tôi gật đầu. “Đúng vậy. Giờ thì có một vùng tập trung tốt mà bạn có thể đạt tới, và một vùng không tốt lắm. Vùng tốt thì đem lại cảm giác tươi sáng và hạnh phúc - ví dụ như khi bạn đang xem một bộ phim rất hay hoặc đang nghe bài hát mà bạn ưa thích.
Nhưng nếu bạn cố gắng quá mức,” tôi dừng lại và dí ngón tay vào nếp nhăn nằm giữa hai lông mày của cậu, “thì bạn sẽ rơi vào một vùng tập trung không được tốt lắm. Không phải là bạn sẽ bị đẩy ra khỏi vùng tập trung của mình - bạn vẫn ở đó, đang nhìn vào chiếc điện thoại chứ không phải vào miếng bánh pizza - nhưng bạn phải căng sức ra để ở đó, đến mức mà tâm trí của bạn bị mệt mỏi.
Và khi tâm trí của bạn bị mệt mỏi, nó rơi vào một thứ kiểu như một cái hộp nhỏ, và ở yên trong đó, sống dở chết dở. Bạn có thể nhìn chằm chằm vào màn hình một lúc lâu, bạn có thể lướt qua hai mươi trang mạng khác nhau nhưng vẫn không thực sự thu nhặt được bất kỳ điều gì cả.
Và trạng thái tập trung nông cạn và mơ hồ này làm hại tâm trí bạn vì nó khiến bạn quen với việc không tập trung sâu, và không thật sự tận hưởng hiện tại mà bạn đang ở trong đó, dù cho bạn vẫn nhìn vào màn hình.”
“Thế thì nó có liên quan gì đến vợ tôi?” Charlie nói.
“Được rồi,” tôi nói. “Vậy là bạn đang nhồi nhét tâm trí mình vào trong chiếc hộp nhỏ này, tập trung quá mức và khiến tâm trí trở nên mệt mỏi cũng như không được truyền cảm hứng trong suốt quá trình. Không phải là bạn đang gieo các hạt giống bằng cách làm hại người khác; thay vào đó, bạn đang làm hại chính mình, và mấu chốt là bạn gieo các hạt giống xấu, tất cả theo cùng một cách.
Và rồi vợ bạn…” Tôi dừng lại để cậu ấy nói tiếp.
“Và rồi vợ tôi đặt tôi vào trong một cái hộp và nhốt tôi ở trong đó,” Charlie nói. Cậu gật đầu và tôi có thể thấy rằng cậu đang nhìn chiếc điện thoại theo một cách hơi khác, như thể nó không còn là người bạn giống như cậu từng nghĩ nữa.
“Thế giờ phải làm gì?” Cậu nhìn lên và nói.
“Bạn cần phải gieo các hạt giống đối nghịch,” tôi trả lời. “Bạn cần phải cho tâm trí mình có chút không gian; hãy làm cho nó rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn.
Có một thời gian tôi từng làm phiên dịch cho bác sĩ của Đạt-lai Lạt-ma,” tôi nói tiếp. “Một hôm, ông ấy đã cho một người đơn thuốc tuyệt diệu nhất. Người đó cũng có vấn đề giống như bạn, dành quá nhiều thời gian ở một nơi quá chật hẹp. Người đó đang chờ đợi vị bác sĩ cho họ một loại thuốc, nhưng ông chỉ lật giở quyển y thư cổ, được khắc vào gỗ và in lên giấy Tây Tạng, cho đến một trang nhất định nào đó.
Rồi ông nói, ‘Loại thuốc mà tôi muốn bạn uống là mỗi tối, hãy đi ra ngoài và nhìn lên bầu trời. Hãy xem bầu trời rộng lớn đến mức nào, hãy xem có bao nhiêu ngôi sao đang ở trên đó. Hãy đứng yên trong 5 phút và chỉ nghĩ xem có bao nhiêu ngôi sao, có bao nhiêu thế giới khác đang ở ngoài kia, trong vũ trụ bao la, đừng nghĩ về bất cứ điều gì khác.’ Charlie, tôi nghĩ bạn có thể thử làm theo xem.”
Cuối cùng, mọi việc thành ra là Charlie cần thêm một chút động lực, thay vì chỉ đơn giản là nhìn lên bầu trời. Chúng tôi tìm được cho cậu một chiếc kính viễn vọng nhỏ, khá đẹp, không quá đắt, cùng một tấm bản đồ các chòm sao có thể phát sáng trong bóng tối. Cậu rèn được thói quen tối nào cũng ra ngoài và không làm gì khác ngoài việc đắm chìm vào sự bao la của bầu trời đêm. Còn vợ cậu thì đã thay đổi hoàn toàn; giữa hai người giờ là một sự cân bằng tuyệt hảo, họ vô cùng hạnh phúc khi có người kia ở bên, nhưng đồng thời vẫn có thể tự đi ra ngoài, tận hưởng những khoảng thời gian thân mật cùng gia đình và bạn bè riêng của mình.