Câu Hỏi 33
Tôi nghĩ đã đến lúc hai vợ chồng tôi thử mua một ngôi nhà nhưng anh ấy ngại, không muốn đưa ra một cam kết lớn đến như vậy. Tôi phải tạo nghiệp gì để anh ấy hứng thú hơn với việc cùng nhau xây dựng một tổ ấm?
Tôi nhận được rất nhiều phiên bản khác nhau của câu hỏi này từ mọi người ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là khi có quá nhiều người trong số họ hứng thú với một con đường tinh thần. Đây không chỉ là câu hỏi về việc mua một ngôi nhà hay là không, nó còn là câu hỏi về vai trò của những thứ mà chúng ta sở hữu trong cuộc sống, cũng như ý nghĩa của lòng ham muốn.
Kaye hỏi tôi câu hỏi này khi chúng tôi đang tận hưởng một khoảnh khắc im lặng hiếm hoi trong một lần tôi đến Việt Nam giảng dạy; khi đó, cô và chồng cô, Alex, đang ở trong đoàn và tất cả chúng tôi đang ngồi trong một quán cà phê nhỏ nằm bên cạnh một cái hồ rất đẹp ở giữa một khu rừng có rất nhiều cây cối. Chúng tôi ngắm những người dân địa phương đang dồn những đứa con của họ đi về phía những chiếc thuyền buồm nhỏ mà các gia đình đã thuê cho ngày hôm đó.
Tôi quay sang Alex để hỏi ý kiến của anh về câu hỏi này.
“Không phải là tôi không chịu cam kết,” anh bắt đầu. “Chỉ là tôi có những câu hỏi lớn về việc sở hữu một thứ to tát như vậy.
Ý tôi là, Geshe Michael, ông chính là người dạy cho chúng tôi những giáo lý của đức Phật về nơi để ngủ, cũng như tất cả những thứ khác…”
Tôi gật đầu. Trong những ngày đầu tiên của Phật giáo ở Ấn Độ, các vị sư phụ khá cương quyết về việc mọi người - đặc biệt là các nhà sư - phải coi nhẹ những thứ mà họ sở hữu. Lý do bạn thấy những nhà sư Tây Tạng mặc chiếc áo choàng đỏ nâu đó là bởi nó có thể trở thành chiếc túi ngủ vào ban đêm; kinh có quy định rằng một nhà sư phải “coi bất kỳ gốc cây nào mà người đó đi qua là nhà của mình khi đến thời điểm đi ngủ.”
Alex nói tiếp: “Và còn bài học về ổ cứng nữa chứ, bỏ đi bất kỳ thứ gì mà bạn đã không sử dụng trong vòng 6 tháng.”
Đây là một bài học về sự giản dị mà tôi cố gắng khiến mọi người hứng thú với nó. Nếu tôi hỏi bạn có bao nhiêu đôi giày, tâm trí bạn sẽ quay về nhà, đi đến tủ quần áo của bạn, đặc biệt là đến phía sau của tủ quần áo. Bạn nhìn thấy từng đôi giày - màu sắc, kiểu dáng, và cả mức độ đi - trong đôi mắt của tâm trí bạn dù cho đã từ rất lâu rồi bạn không đi chúng. Và bạn có thể nhìn thấy điều này là bởi bạn có một kho chứa tất cả các đôi giày và những thứ khác mà bạn sở hữu ở ngay đây, bên trong tâm trí bạn, cứ như thể tất cả chúng đều được lưu ở một ổ cứng bên trong máy tính.
Ổ cứng của bạn không phải là vô hạn
Và ổ cứng của tâm trí bạn, cũng giống như ổ cứng của máy tính, nó có giới hạn. Chỉ có một khoảng trống lưu trữ nhất định thôi. Đó là lý do tại sao tôi thích chia sẻ với bạn bè mình ý tưởng rằng hãy bỏ đi bất kỳ thứ gì họ sở hữu mà đã không sử dụng trong 6 tháng. Nếu không như vậy thì sẽ chẳng còn khoảng trống nào trong tâm trí để đạt được sự giác ngộ về tinh thần mà nhiều người trong chúng ta đang tìm kiếm nữa.
Ít nhất đó là Mức Một.
“Tất cả những điều đó đều đến từ Vinaya,” tôi trả lời Alex. “Những quy tắc mà đức Phật đặt ra cho các tăng và các ni.” Tôi ngừng lại. “Rất nhiều người thử cái phương pháp 6 tháng này đều quay lại gặp tôi với cùng một câu hỏi.”
“Đó là?”
“Ý tôi là họ đều có những thứ mà họ không sử dụng trong 6 tháng nhưng họ nghĩ rằng sau này có thể chúng sẽ có ích nên họ lại giữ lại trong nhà.”
“Ví dụ?”
“Ví dụ như, tôi cũng không biết nữa, một chiếc khăn len mà bạn chỉ quàng vào ba ngày lạnh nhất trong năm chẳng hạn. Nhưng khi ngày đó đến, bạn thật sự vui mừng vì đã không vứt nó đi.
Nghe đây, chúng ta hãy quay trở lại với Vinaya. Các nhà sư chỉ được phép có hai cái áo choàng, không hơn. Nhưng có thứ gọi là Một Biến Cố. Các nhà sư có hơn 250 giới và với từng giới trong số đó đều có Một Biến Cố. Tức là ban đầu, không có quy tắc nào cấm làm một việc gì đó nhưng rồi có chuyện xảy ra và họ phải đặt ra quy tắc.
Nói cách khác, bạn làm gì nếu bạn chỉ được cho phép có hai bộ áo choàng nhưng một bộ bắt đầu bị rách hết ra và có người cho bạn đủ vải để làm một cái mới? Bạn có nghĩa vụ phải tận dụng công dụng của một bộ áo choàng hết mức có thể, tức là mặc nó cho đến khi nó thực sự rách hết ra. Ý tôi là - nếu biết rằng những chiếc áo choàng có thể sẽ rách hết ra trong một hai tháng nữa - thì bạn có được phép giữ vải cho đến khi bạn cần làm những cái áo choàng mới không?”
“Thế đức Phật quyết định như thế nào?”
“Đức Phật quyết định là có thể sẽ rất nguy hiểm nếu cho phép các tăng và ni bắt đầu lưu giữ đồ mà họ có thể cần đến sau này. Vì vậy, bình thường, chắc chắn bạn phải cần một bộ áo choàng mới và bạn phải may tấm vải thành áo choàng trong vòng 10 ngày, nếu không bạn phải tặng tấm vải cho người khác cần nó. Nếu không làm như vậy, bạn sẽ bắt đầu có thói quen lưu giữ đồ đạc, trữ những thứ mà bạn nghĩ bạn muốn hoặc bạn nghĩ bạn có thể cần, rồi đồ đạc sẽ choán hết tâm trí bạn và ngôi nhà của bạn.”
“Phải,” Alex nói, nhướn lông mày nhìn Kay. “Chỉ riêng việc sở hữu ngôi nhà thôi đã hút cạn tâm trí bạn hơn tất thảy rồi.”
Trong các buổi học ở tu viện, chúng tôi dành đến bốn giờ một ngày ở ngoài trời, trong một công viên có tên là Sân Tranh Luận. Ở đây chúng tôi học cách đặt câu hỏi cho nhau bằng những tiếng la hét trong khi thực hiện những động tác như trong võ thuật; có một câu chuyện có thực là, một hôm, khi tôi đang ở Sân Tranh Luận thì một bác nông dân đi ngang qua đó đã gọi cảnh sát để báo cáo việc các nhà sư đang tổ chức bạo loạn. Tuy nhiên, dù thế nào thì chúng tôi cũng thích những câu hỏi mang tính thách thức.
“À,” tôi nói nhỏ, “còn có Mức Hai nữa.” Tôi liếc nhìn Kay một cách tinh quái để cô an tâm.
“Mức Hai là con đường của Bồ Tát: một người nguyện phụng sự cho hạnh phúc của cả thế giới. Việc này thông thường sẽ xảy ra ở ngoài thế giới chứ không phải khi ngồi thiền trong động - mặc dù việc thiền trong động là rất quan trọng vì nó trợ giúp và hỗ trợ công việc ở ngoài thế giới.
Có một tập hợp những lời nguyện dành cho những người đi theo con đường của Bồ Tát - những lời nguyện được xây dựng dựa trên những lời nguyện của những người đã được phong. Một trong những lời nguyện đó nói rằng một vị Bồ Tát không được phép từ chối tặng phẩm vật chất nếu có thể tận dụng nó để phục vụ người khác. Một vị tăng hay ni không được giữ một mảnh vải nhỏ quá 10 ngày mà không sử dụng để làm áo choàng cho mình; nhưng một vị tăng hay ni, hay bất kỳ ai khác, mà cam kết đi theo con đường Bồ Tát bắt buộc phải nhận cả một nhà kho chứa đầy vải, và nếu cần thiết thì trữ vải trong nhiều năm, cho đến khi họ có thể sử dụng nó để may quần áo cho người nghèo.”
“Tức là chúng tôi nên mua một ngôi nhà à?” Alex la lên.
“Đúng và không đúng,” tôi trả lời. “Alex hoàn toàn đúng khi nói rằng một ngôi nhà có thể hút cạn rất nhiều năng lượng tâm linh và tinh thần của bạn nếu nó không được dùng cho một mục đích cao hơn. Nhưng nếu khi mua nhà, cả hai bạn đều cam kết sử dụng ngôi nhà để giúp người khác thì mọi chuyện sẽ đảo ngược. Khi mà vị Bồ Tát sở hữu một nhà kho chứa đầy vải với dự định sử dụng nó cho người khác, thì cứ mỗi ngày trôi qua, lại có một lượng khổng lồ những hạt giống tốt được gieo vào trong tâm trí của vị Bồ Tát đó, dù cho vị đó vẫn chưa làm gì với số vải.”
“Cam kết giúp đỡ những người khác ư?” Kaye trông có vẻ hơi mông lung - tôi đoán cô đang nghĩ rằng tôi muốn họ mở một bếp ăn hoặc một nơi trú chân cho người vô gia cư trong căn nhà mới của họ.
“Mức Ba,” tôi nói ngắn gọn. “Nó có liên quan đến tầm nhìn.”
“Tầm nhìn?”
“Nó được gọi là Đạo Kim cương - con đường cao nhất trong tất cả. Bạn bắt đầu với Vinaya để học cách sống một cuộc sống đơn giản, và điều này cung cấp cho bạn nền tảng để đi theo con đường của Bồ Tát, rèn luyện để phục vụ tất cả chúng sinh. Những người đã làm tốt việc rèn luyện này rồi sẽ tiến vào Đạo Kim cương.”
“Thế nó có liên quan gì đến ngôi nhà?” Alex hỏi.
“Trong Đạo Kim cương, ngôi nhà trở thành một trụ sở.” “Trụ sở của cái gì?” Kaye hỏi.
“Các siêu anh hùng,” tôi trả lời. “Superman/Wonder Woman/ Iron Man/Spiderman… và cả nữ thần nữa.
Đó sẽ là bạn,” tôi cười và gật đầu với Kaye. “Nữ thần?” Họ đồng thanh đáp lại.
“Một người phụ nữ thực hành Đạo Kim cương có thể lấy chính mảnh vải đó, may nó thành một cái áo choàng thật đẹp, và đi xung quanh nhà cả ngày, giả vờ mình là một thiên thần.”
“Việc này sẽ giúp những người khác… như thế nào?” Alex hỏi.
“Một dạng kiểu như lấy mục tiêu làm con đường; lần đầu tiên cô ấy bước vào ngôi nhà mới…”
(Kaye mỉm cười. )
“… cô bước đi xung quanh thật chậm rãi, với một tầm nhìn rằng cô và chồng đã đang sử dụng ngôi nhà như một tổ ấm hạnh phúc và ấm áp mà họ có thể dựa vào để phục vụ người khác rồi.”
“Tôi cho rằng thế có nghĩa là,” Kaye nói nhẹ nhàng, trông cô đã lộng lẫy hẳn lên rồi, “một bữa tối, chẳng hạn một tuần một lần, dành cho những người vô gia cư ở khu vực xung quanh. Đó là điều mà một thiên thần sẽ làm với ngôi nhà của mình.”
Alex gật đầu và có vẻ như giao dịch đã xong.