Câu Hỏi 34
Tôi rất thích yoga, và tôi cảm thấy rằng nó thực sự sẽ giúp cả hai vợ chồng tôi sống một cuộc sống năng động hơn, trường thọ hơn - nhưng chồng tôi không thích và ông ấy sẽ không chịu thử đi học với tôi. Tôi cần gieo hạt giống gì để khiến ông ấy thích yoga?
Elizabeth hỏi tôi câu hỏi này trong phòng khách nhà bà khi tôi đến thăm bà cùng người chồng của bà, Jeremy. Cả hai đều đã hơn 60 tuổi. Thực ra đến thăm Elizabeth và Jeremy chủ yếu chỉ là đến thăm Elizabeth, vì sau khi vẫy tay chào khi bạn mới bước vào, Jeremy sẽ quay lại căn phòng có để ti-vi. Thật buồn vì đây chính là nơi mà trong những năm gần đây, ông dành phần lớn cuộc đời mình ở trong đó. Thuyết phục Jeremy tập yoga dù chỉ trong 10 phút thôi cũng là một thử thách thực sự.
Khi suy nghĩ xem mình sẽ tiếp cận thử thách này như thế nào, tôi nhớ lại tất cả những sai lầm lớn mà mình đã mắc phải trong quá khứ, trong đó có việc phán xét bên nào có lỗi khi những người tôi quen gặp vấn đề trong chuyện tình cảm. Tôi nhớ đến Nick và Tammy - Nick thực sự rất nóng tính, tất cả chúng tôi đều biết điều đó, và đôi lúc anh ấy hoàn toàn mất kiểm soát. Tammy bỏ anh ấy, và trong khoảng suốt một năm, anh ấy luôn ở vào tình trạng tức giận, liên tục đưa ra những nhận xét cay nghiệt về việc cô đã lừa dối anh như thế nào. Chúng tôi không thấy có bất kỳ người đàn ông nào khác đột nhiên xuất hiện, vì vậy chúng tôi cho là anh ấy chỉ đang chửi bới lung tung thôi. Nhưng khoảng hai năm sau, Tammy thú nhận với tôi rằng cô đã lừa dối người bạn đời của mình - và tôi học được một bài học về việc phán xét mối quan hệ của người khác.
Bài học của câu chuyện: Ông Jeremy đang ngồi trước màn hình ti-vi kia chưa chắc đã là người có lỗi trong mối quan hệ đang bị mắc kẹt này. Có thể đó sẽ không bao giờ là người mà chúng ta tưởng là như thế.
Tôi bắt đầu dẫn Elizabeth ra quán Starbucks. “Hãy nói trong một câu thôi,” tôi bảo bà. “Trong một câu thôi, nói cho tôi biết bạn muốn gì.”
“Tôi muốn ông ấy cởi mở hơn với việc thử các thứ mới, đặc biệt là những thứ mà chúng tôi có thể làm cùng nhau. Làm sao tôi có thể khiến ông ấy nghe tôi? Tôi có nên nghiêm khắc với ông ấy không? Kiểu như bắt ông ấy đứng lên cân trong phòng tắm và mắng ông ấy vì đã ăn uống thiếu điều độ chẳng hạn? Hay tôi nên hối lộ ông ấy, thưởng cho ông ấy đi ăn kem nếu ông ấy đi học yoga với tôi?”
Tôi tự cười với chính mình. Đây đúng là một Giao dịch Kim cương điển hình. Tôi sẽ cần giải thích một chút ở đây - về những “kẻ ăn ở đáy” trong ngành kim cương.
Trung tâm ngành kim cương của cả nước Mỹ là phố 47 ở thành phố New York, chủ yếu là đoạn nằm giữa đại lộ 5 và đại lộ 6. Dọc hai đại lộ này còn có những biểu tượng thời trang như Saks Fifth Avenue, Tiffany’s, và Bergdorf Goodman. Phần lớn các viên kim cương khi vào trong đất nước này thì đều đi qua những tầng trên của căn nhà số 580 đại lộ 5, nằm ở góc Tây Bắc của đại lộ 5. Ở bên dưới, các cửa hàng ở tầng một chính là những “kẻ ăn ở đáy.”
Những “kẻ ăn ở đáy” kiếm chác dựa trên thực tế rằng con phố này nổi tiếng vì những giao dịch kim cương lớn diễn ra ở các tầng trên. Chúng đứng nổi bật ngoài vỉa hè và dụ dỗ các du khách ngây thơ tham vào một giao dịch giúp họ tiết kiệm được rất nhiều tiền tại trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới.
Giao dịch kim cương diễn ra khi một cặp đôi trẻ bước vào một cửa hàng để tìm mua một chiếc nhẫn cưới. Người bán hàng cho họ xem một viên đá màu vàng nổi bật. Chú rể đang phải chịu đựng Hội chứng Đàn ông đi mua sắm, đôi mắt hiện rõ vẻ uể oải sau khi vừa đi hết cả phố và xem xét 200 chiếc nhẫn cưới. Chẳng thèm nhìn, anh ngay lập tức tuyên bố rằng viên đá này là một giao dịch tốt.
Cô dâu lúc nào cũng là vị khách hàng khó tính hơn. Cô ngay lập tức chú ý đến màu vàng.
“Ồ,” người bán hàng mỉm cười. “Bạn muốn một viên kim cương trắng phải không?”
“Phải,” cô trả lời thành thực.
Người bán hàng đưa cho cô một viên đá màu trắng nhưng bên trong lại lỗ chỗ những chấm đen lớn. Cô nhìn thấy những chấm đó nhưng cô chưa kịp mở miệng thì người bán hàng đã hét lên, “Thế bạn thích cái nào, cái trắng hơn hay cái trong hơn?”
Đừng rơi vào cái bẫy Giao dịch Kim cương
Lần này, cô mở được miệng nhưng người bán hàng đã “phủ đầu” cô hoàn toàn bằng một lựa chọn khác: “Bạn sẽ trả bằng tiền mặt hay bằng thẻ tín dụng?” Sau đó, ông ta nối tiếp ngay bằng câu, “Bạn muốn để trong hộp đỏ hay hộp xanh?”
Khi phải đối mặt với một đống các quyết định, phần lớn mọi người sẽ chỉ dựa vào cảm tính và cô gắng đưa ra các quyết định mà không tự hỏi xem mình có thực sự cần phải ra một quyết định không. Hãy ghi nhớ điều này: Trong hệ thống Năng đoạn Kim cương, gần như mọi quyết định chúng ta đưa ra đều có liên quan đến hai lựa chọn tồi tệ.
Thế nên, “Elizabeth này,” tôi hỏi bà, “khi bạn mắng Jeremy thì có phải lúc nào cũng có tác dụng không? Bạn có luôn luôn nhận được điều mình muốn không?”
“À, không, nhưng thỉnh thoảng thì nó cũng có tác dụng.”
“Còn nếu bạn hối lộ ông ấy một que kem để ông ấy làm những điều bạn muốn thì có phải lúc nào cũng có tác dụng không?”
“Không, nhưng lại thế - thỉnh thoảng thì nó cũng có tác dụng,” Tôi để lại cuộc tranh luận này cho đoạn sau.
“Thế thì nghe đây; cả hai lựa chọn đó tôi đều thấy không tốt lắm. Tại sao chúng ta không đơn giản là đi thẳng vào cội rễ của vấn đề?”
“Chứng nghiện xem ti-vi của Jeremy ư?”
“Ở một khía cạnh nào đó thôi,” tôi nói. “Bạn nghĩ nó đến từ đâu? Tại sao bạn phải dành cả cuộc đời mình ở bên một người mà thà xem thời sự còn hơn là hỏi thăm bạn, ngày hôm nay của bạn thế nào?”
“Tôi không biết,” bà thành thật trả lời. “Khi tôi mới gặp ông ấy, chúng tôi đã ở bên nhau rất vui vẻ: chúng tôi đi du lịch rất nhiều, ông ấy cười suốt ngày.”
“Thế bạn nghĩ trong tâm trí mình có thể có loại hạt giống nào mà khiến bạn thấy một người ở gần mình không có một chút hứng thú nào với những người khác ở trong phòng? Ý tôi là, bạn đang làm những việc gì mà có thể khiến bạn phải nhìn thấy ông ấy như thế này?”
Elizabeth suy nghĩ một lát. “Có một điều chắc chắn là cả đời mình tôi chưa bao giờ ngồi xem ti-vi cả ngày.”
Tôi mỉm cười, “Một quả dưa hấu lớn hơn một hạt dưa hấu rất nhiều. Có bất kỳ một việc bé cỏn con nào trong cuộc đời bạn mà bạn đang làm có thể liên quan đến việc lờ đi những người khác xung quanh bạn không?”
Elizabeth lại ngẫm nghĩ, lần này lâu hơn một chút.
“Nói thật với ông,” bà nói, “cả ngày tôi thường xuyên lờ mọi người đi trong những việc nhỏ nhặt.
Chẳng hạn như, có người ở công ty kể cho tôi nghe một câu chuyện dài về chồng của cô ấy và được một lúc thì tôi bắt đầu lơ đễnh. Ý tôi là, tôi rất cẩn thận về việc lịch sự - tôi không quay đi ngay khi họ bắt đầu kể lần thứ 100 câu chuyện chồng họ không bao giờ chịu rửa bát. Tôi ngồi xuống, nhìn họ, và cố tập trung vào những gì họ đang nói.”
“Nhưng?”
“Nhưng ý tôi là, chỉ sau vài phút, tôi không còn muốn nghe về các vấn đề của người khác nữa - bản thân tôi vốn đã có thừa các vấn đề của riêng mình rồi. Vì vậy, tôi có ở lại và tôi có lắng nghe nhưng thỉnh thoảng tôi lại lơ đễnh… hoặc có thể, tôi sẽ bắt đầu nghĩ về những thực phẩm mà tôi cần mua trên đường về nhà sau khi tan sở.”
Ở bên trong, điều này khiến tôi cười khoái chí. Chúng ta đã nói về nó một chút ở câu hỏi 14. Thật khó để thực sự tập trung vào những gì người khác đang nói, đơn giản là bởi họ lúc nào cũng nói về điều họ muốn, còn chúng ta chỉ đơn giản là hứng thú hơn với điều chúng ta muốn. Và Elizabeth vừa vô tình đề cập đến hai trở ngại lớn nhất của việc thiền. Trở ngại đầu tiên là phân tâm - nghĩ về những thứ khác (thực phẩm) trong khi chúng ta đang cố gắng tập trung vào một thứ (các vấn đề của bạn chúng ta). Trở ngại thứ hai là lơ đễnh: trở nên ù lì hay buồn ngủ, và đánh mất hoàn toàn sự tập trung của chúng ta. Có một cách rất hay để chống lại cả hai trở ngại này, đó là một bài tập của người Tây Tạng có tên là dakshen jewa; chúng ta hãy xem liệu chúng ta có thể thuyết phục Elizabeth thử làm theo hay không.
“Nghe này, Elizabeth,” tôi nói. “Mấu chốt của việc gieo hạt là cung cấp cho người khác chính cái thứ mà chúng ta muốn trước. Để làm điều đó, chúng ta cần tìm ra điều họ muốn là gì. Để làm điều đó, chúng ta cần lắng nghe họ, và lắng nghe một cách chăm chú.
Khi bạn mới thử phương pháp hạt giống này - khi bạn lần đầu tiên đưa một người khác ra một quán cà phê để lắng nghe các nhu cầu của họ - thì rất tự nhiên, bạn sẽ khám phá ra rằng mình có một sự chống cự rõ rệt đối với việc lắng nghe các vấn đề của người khác. Có một thủ thuật rất thông minh mà người Tây Tạng sử dụng để vượt qua sự chống cự này.”
“Thủ thuật đó là gì?” Bà hỏi.
“Biến nó thành một trò chơi. Người phụ nữ ở công ty thích nói về chồng mình tên là gì?”
“Mary.”
“Được, Mary thì Mary. Giờ thì nghe này, tất cả chúng ta đều quan tâm đến bản thân mình hơn bất kỳ ai khác. Đó gần như là một thói quen không thể phá vỡ. Vì vậy, bạn đừng có thử làm gì.
Hãy tiếp tục tập trung vào điều Elizabeth muốn, nhưng hãy đổi tên với Mary trước.”
“Đổi tên?”
“Phải, đổi tên. Giờ Elizabeth là Mary và Mary là Elizabeth. Sau đó, bạn chỉ cần tiếp tục tập trung vào điều Elizabeth muốn thôi. Khi làm như vậy thì việc ngồi lắng nghe chăm chú người bạn của mình ở công ty sẽ trở nên vô cùng dễ dàng.”
“Hừm,” Elizabeth nói, nhướng mày lên. “Nghe kỳ quặc nhỉ?” “Kỳ quặc nhưng có tác dụng đấy,” tôi nói. “Hãy thử đi.”
“Thế… nếu tôi cứ tiếp tục tập trung chú ý đến… đến Elizabeth, người đang ngồi cạnh tôi ở trong căng-tin công ty và nói với tôi về tất cả những vấn đề mà cô gặp phải với chồng mình thì việc này sẽ gieo các hạt giống để đến một ngày, Jeremy sẽ đột nhiên hỏi liệu ông ấy có thể đi tập yoga với tôi không, phải vậy không?”
“Chính xác. Tức là, cuối cùng, ông ấy sẽ lắng nghe bạn. Vì bạn đã gieo các hạt giống để điều đó xảy ra, bằng cách lắng nghe những người khác.”
Elizabeth gật đầu, như thể tất cả những chuyện này hoàn toàn hợp lý. Mà thực tế là nó như thế thật. Bỗng một đám mây nhỏ bay qua mặt của cô ấy.
“Nhưng nếu tôi có thể thay đổi cách Jeremy đáp lại tôi, bằng cách thay đổi một thứ gì đó trong hành vi của chính mình…” Cô ngập ngừng.
Cô nuốt nước bọt và nói nốt câu: “… thì cách hành xử của ông ấy từ trước đến nay, toàn bộ cái việc ngồi trước màn hình ti- vi, đều đến từ tôi.”
“Phải. Nói cách khác, tất cả mọi thứ và tất cả mọi người xung quanh chúng ta - trong tất cả mọi lúc - đều đến từ chúng ta: tất cả đều là lỗi của chúng ta. Nó còn có nghĩa là mọi thứ tốt đẹp cũng đều do chúng ta mà ra, và mỗi người chúng ta đều có sức mạnh để thay đổi toàn bộ thế giới.”