"Cảm ơn.” Alice Bean mỉm cười khi Charlie cầm lấy lá thư từ cô ta. “Sam Kombothekra trông có vẻ hoảng khi tôi cố đưa nó cho anh ta.”
“Đàn ông là đồ thỏ đế.” Charlie mở túi ra, đảm bảo rằng Alice nhìn thấy cô đặt lá thư một cách an toàn vào bên trong. “Cô có thể nhờ Sam chuyển một lời nhắn cho người giao sữa và anh ta sẽ sợ bị vướng vào một vụ lùm xùm.”
“Mục đích của tôi không phải là gây rắc rối. Ngược lại. Tôi quan tâm đến Simon.”
“Vậy hãy nắm lấy cơ hội này để giúp đỡ anh ấy.” Charlie tự nhắc mình rằng cô ở đây để thu thập thông tin. Sẽ thật dễ dàng để mà nói, “Phải rồi, thì, anh ấy chẳng muốn liên quan chút gì đến cô - cô nghĩ tại sao tôi lại ở đây?”
Cô đã gợi ý với Alice là họ nên gặp nhau ở quán cà phê Spillages, nhưng thay vào đó Alice lại đề nghị công viên. Lúc đó, điều này đã làm Charlie khó chịu - cô ghét những người nói về chuyện “bị nhốt” và cư xử như thể việc đi ra ngoài hay đứng trực tiếp dưới nắng mỗi khi ra ngoài là nghĩa vụ bắt buộc - nhưng bây giờ cô thấy mừng vì được đứng ở không gian thoáng đãng, đi theo con đường mòn nhỏ hẹp có cây cối hai bên chạy vòng quanh hồ, lắng nghe những chú chim trên đầu sôi nổi tranh luận bằng một thứ ngôn ngữ cô không hiểu được. Đi dạo bên cạnh một ai đó, bạn không cần phải nhìn thẳng vào mặt họ, hay để họ thấy mặt mình. Ngồi ở bàn đối diện với Alice sẽ khó khăn hơn nhiều.
Còn khó hơn nữa là việc cưỡng lại cám dỗ được nói, “Ồ, tiện thể thì - đoán xem ai mới kết hôn thứ Sáu tuần trước?” Trước khi gọi cho Alice, Charlie đã quyết định rằng mình sẽ không nhắc đến chuyện đó. Cô biết rằng việc kể ra sẽ dẫn đến một sự thù địch công khai giữa họ, dù cô không biết chính xác điều đó sẽ xảy ra như thế nào. Có lẽ đó sẽ thành ra lỗi của cô. Trong quyền hạn chính thức là vợ của Simon, cô cảm thấy như mình có nghĩa vụ phải nói, “Nhét cái thư của cô vào mông ấy.”
Cô hy vọng rằng về sau mình sẽ thấy vui - thậm chí là tự hào - vì đã lựa chọn con đường chín chắn, không đối đầu. Giờ cô chẳng thấy thích thú gì cả, với mọi chuyện đang diễn ra; sự thù địch, dù sau này sẽ khiến bạn hối hận, thì vẫn thú vị hơn nhiều vào lúc này.
“Tôi sẽ giúp nếu có thể,” Alice nói, “nhưng... liệu tôi có thể hỏi trước một câu được không?”
“Cứ thoải mái đi.”
“Cô có nghĩ liệu Simon có bao giờ tha thứ cho tôi không?”
Đó là câu mà Charlie có thể trả lời thật lòng. “Không biết được,” cô nói. “Có thể anh ấy đã tha thứ cho cô rồi. Hoặc cũng có thể anh ấy sẽ giữ sự hằn học đến hết đời. Điều duy nhất tôi có thể chắc chắn là anh ấy sẽ không bao giờ bàn về nó với bất kỳ ai.” Nhất là không phải với tôi.
Alice dừng lại trước một băng ghế gỗ ở ven hồ, dưới một cây liễu rủ. Cô ta phủi đi những chiếc lá trên ghế và cúi xuống để đọc dòng chữ trên tấm biển vàng1. “Tôi không bao giờ đi qua những cái này mà không đọc chúng,” cô ta bảo với Charlie. “Tôi sẽ cảm thấy như thể mình đang bỏ mặc ai đó chết trong cô độc. Nhìn cái này xem - hai anh em, cũng mất vào ngày 29 tháng Tư năm 2005, một người hai mươi hai và một người hai mươi tư. Thật buồn làm sao.”
1 Ở nước ngoài, người ta hay gắn một tấm biển ghi thông tin người đã khuất vào các băng ghế gỗ ngoài trời nhằm tưởng nhớ họ.
“Tai nạn xe hơi, có lẽ thế,” Charlie nói một cách lạnh lùng. Cô không muốn bàn những chuyện buồn với Alice. Với bất kỳ ai. Cô tưởng tượng ra chính mình và Liv cùng chết vào một ngày khi cô cho tay vào túi để tìm những điếu thuốc lá. Đột nhiên cô cảm thấy việc lấy ra một điếu và châm thuốc là một nhu cầu khẩn thiết. Cô rít một hơi dài. “Khi tôi chết, tôi muốn tấm biển trong công viên của mình viết, ‘Cô ấy luôn có ý định từ bỏ thứ đó.’”
Alice cười. “Hay đấy.”
“Simon rất lo lắng về Connie Bowskill.” Đã đến lúc ngừng giả vờ chúng ta là hai người bạn đang dạo chơi và tận hưởng một ngày đẹp trời. Với một người như Alice Bean, chẳng tồn tại thứ gì là nói chuyện phiếm cả, trong bất kỳ trường hợp nào. Cho đến lúc này, cô ta đã bàn tới sự tha thứ, cái chết cô đơn, bi kịch gia đình - tiếp theo sẽ là chủ đề gì, sự tra tấn động vật nhỏ?
“Tôi cũng rất lo.”
“Cô có biết Connie ở đâu không?” Charlie hỏi.
“Không. Chị ấy không trả lời cả máy bàn lẫn điện thoại di động.”
“Lần cuối cùng cô gặp chị ta là khi nào?”
“Mặc dù rất muốn cho cô biết, tôi không được phép làm thế,” Alice nói. “Bảo đảm bí mật cho người bệnh.”
Charlie gật đầu. “Tôi hiểu rằng cô phải tôn trọng sự riêng tư của Connie. Tôi cũng biết rằng cô không phản đối việc phác thảo một bộ chỉ dẫn đạo lý mới khi ai đó có thể đang gặp nguy hiểm. Bảy năm trước, cô đã làm thế vì lợi ích của chính mình. Không lẽ việc bảo đảm an toàn cho Connie không xứng đáng để cô nới lỏng sự chính trực rất chuyên nghiệp của mình sao?”
“Bảy năm trước, tôi đã làm thế vì lợi ích của con gái mình,” Alice sửa lời cô, có vẻ không lấy thế làm giận dữ. “Và tôi không biết chắc Connie có đang gặp nguy hiểm không, và liệu Simon có thể bảo đảm an toàn cho chị ấy, trong trường hợp chị ấy đang gặp nguy hiểm thật.”
“Nhưng cô nghĩ có thể chị ấy đang gặp nguy hiểm.” Cô đã cố gắng thuyết phục bản thân tin vào điều ngược lại, và cô đã thất bại.
“Tôi khá sốc vào lần cuối chị ấy tới gặp tôi,” Alice thừa nhận. “Tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh như vậy, bằng bản năng, tôi nhận ra được một sinh vật bị đe dọa khi gặp chị ấy. Có một nguồn năng lượng nguy hại xung quanh Connie, cố gắng nghiền nát cuộc đời chị ấy. Không thể nhầm lẫn được - ở chung một căn phòng với chị ấy chưa bao giờ dễ dàng, nhưng gần đây nó thực sự là một thử thách - khi tôi ngồi ở đó, tiếp tục nhắc nhở bản thân rằng chị ấy là một người đang cần sự giúp đỡ của tôi. Điều tôi không thể biết là mối đe dọa có nguồn gốc từ bên ngoài, mà chị ấy đã hấp thụ vào mình, hay thứ năng lượng xấu xa ấy đến từ chính Connie. Không dễ để phân biệt trong ngoài - khi người khác tìm cách hủy hoại chúng ta, chúng ta thường phản ứng bằng cách tự biến mình thành kẻ đồng lõa, thay mặt họ tự trừng phạt mình.”
“Cô có định nghĩa dành cho dân không chuyên không, để tôi có thể hiểu một phần hay toàn bộ chuyện này?” Charlie hỏi.
Alice đứng lại. “Bản năng của tôi nói rằng Connie có thể sẽ không vượt qua nổi. Dù là ai đó ngoài kia đang cố gắng hủy diệt con người chị ấy, hay chị ấy đang tự làm thế với bản thân.”
“Cô nghĩ là ai?”
Charlie không mong đợi một câu trả lời, và rất ngạc nhiên khi Alice đáp, “Người chồng.”
“Kit?”
“Hôm qua là sinh nhật Connie. Món quà của anh ta là một chiếc váy: cùng loại với chiếc váy mà chị ấy thấy người phụ nữ đã chết mặc trên tấm ảnh tour ảo - khác màu, nhưng cùng thiết kế. Đáng ra tôi không nên nói cho cô biết bất kỳ điều gì.”
“Vậy là hôm qua cô nói chuyện với chị ta,” Charlie nói. Tại sao tất cả mọi thứ Connie nói - với Simon, Sam, Alice - đều cần đến một sự ngờ vực hay hoài nghi khổng lồ như vậy? Bởi vì người phụ nữ đó là một kẻ dối trá bệnh hoạn. “Ngoài chiếc váy ra, hai người nói về chuyện gì?”
“Những nỗi sợ hãi, bất hạnh, nghi ngờ của Connie - như mọi khi. Những buổi trị liệu của chúng tôi luôn diễn ra khó khăn, nhưng... trước đây tôi chưa từng thấy sợ hãi cho chị ấy, nhưng lần này chị ấy nói ra hai điều mà... tôi không biết nữa, chuyện chiếc váy thực sự làm tôi bị sốc. Đêm qua, tôi đã gặp ác mộng - tôi biết nó là ác mộng, dù mọi thứ trong đó thực sự đã xảy ra. Tôi mơ thấy buổi trị liệu với Connie, chính xác như đã xảy ra: chị ấy ngồi trong phòng tư vấn kể với tôi rằng chiếc váy có màu xanh dương và hồng, cái còn lại màu xanh lá và tím nhạt.” Alice rùng mình. “Đôi khi, tất cả những sự quỷ quyệt dường như được đóng gói trong các chi tiết nhỏ nhất.”
Charlie hiểu ý cô ta là gì, và ước rằng mình không hiểu.
“Tôi không thể ngừng nghĩ về Kit - một người đàn ông tôi chưa từng gặp - bỏ tiền mua hai chiếc váy, cho mỗi người phụ nữ một cái. Một trong số họ kết thúc cuộc đời trên một tấm thảm ở đâu đó tại Cambridge - chuyện gì sẽ xảy ra với người còn lại?” Alice quay lại phía Charlie, đặt một bàn tay lên tay cô. Gương mặt cô ta trắng bệch, tương phản với màu son đỏ tươi. “Chị ấy đang ở đâu? Tại sao chị ấy không trả lời điện thoại?”
“Cô nói có hai điều.” Charlie nhận ra mình đang có lợi thế, với tư cách là người ít quan tâm nhất. Cô cũng cảm thấy bị ra rìa. Simon lo lắng về Connie Bowskill, Alice cũng vậy, thậm chí còn lo lắng hơn nữa là đằng khác. Họ có thể gặp nhau và mở một buổi tiệc hoảng loạn. Charlie cực kỳ tin tưởng rằng Connie Điên rồ đang nói lảm nhảm, chị ta sẽ không được mời. “Còn điều gì khác mà Connie nói làm cô sợ?” cô hỏi Alice.
“Nếu ra ngoài ngữ cảnh thì nghe sẽ chẳng có nghĩa lý gì: ‘Trung tâm Nút Tử thần’.“
Charlie cười. “Cái gì cơ?”
“Tôi không phải là người duy nhất sợ hãi. Có chuyện gì đó đã xảy ra với Connie khi chị ấy nói ra nó - một điều gì đó chị ấy chưa từng nghĩ đến trước đây. Tôi có thể thấy nó đột ngột vụt ra với chị ấy, dù đó có là gì. Như thể chị ấy vừa nhìn thấy một bóng ma trong đầu mình vậy. Chị ấy chạy - theo đúng nghĩa đen, chạy trốn.”
“Trung tâm Nút Tử thần?”
“Connie và Kit suýt nữa chuyển đến Cambridge năm 2003. Ngôi nhà họ định mua nằm cạnh một ngôi trường tên là Trung tâm Beth Dutton. Connie lúc đó bị căng thẳng vì suy nghĩ phải bỏ lại gia đình sau lưng. Chị ấy nảy ra ý nghĩ rằng mình không thể sống trong một ngôi nhà không có tên.”
“Một cái tên?”
“Cô biết đấy: Cây Sồi, Cây Dương, Cánh đồng mùa hè...”
“Phải, tôi hiểu mà,” Charlie nói. Cô có hiểu không? Không, không thực sự hiểu. Không hiểu chút nào, thực tế là thế. “Tại sao chị ta không thể sống trong một ngôi nhà không có tên?” Trong khi rất nhiều người sống được, hầu hết mọi người.
“Đó là một cái cớ. Connie đã sống ở Little Holling suốt cả cuộc đời, và tất cả những ngôi nhà ở đó đều có tên - đó là điều chị ấy đã quen. Chị ấy sợ phải bỏ đi quá xa khỏi chốn duy nhất mình biết, và xấu hổ không muốn thừa nhận điều đó. Chị ấy và Kit đã tìm ra ngôi nhà này - ngôi nhà hoàn hảo, hay đó là điều chị ấy nói - và chị ấy nói với anh ta là sẽ không chịu mua nó trừ khi họ có thể đặt cho nó một cái tên. Nó nằm liền kề với Trung tâm Beth Dutton, nên Kit - nói đùa - đã gợi ý gọi nó là Trung tâm Death Button. Anh ta hỏi chị ấy liệu chị ấy có nghĩ cái tên đó sẽ làm những người ở Trung tâm Beth Dutton khó chịu, cả người đưa thư nữa.”
Charlie quay đi để giấu nụ cười. Alice và Connie có thể cảm thấy đáng sợ nếu họ muốn, cô có quyền cảm thấy chuyện này rất khôi hài. “Vậy cô nghĩ là Connie nhận ra điều gì đấy trong khi kể với cô chuyện này? Điều gì đó làm chị ta hoảng sợ đến mức phải bỏ chạy?”
“Tôi chắc chắn. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại về cuộc nói chuyện đó trong đầu - chẳng có điều gì khác lại có thể làm chị ấy hoảng sợ nữa. Đó là điều cuối cùng chị ấy nói trước khi bỏ đi.”
“Chính xác thì chị ta nói gì, cô có nhớ được không?”
“Chỉ những điều tôi đã kể cho cô: rằng Kit muốn gọi ngôi nhà là Trung tâm Nút Tử thần, hay giả vờ muốn thế - không rõ là cái nào. Tôi cho rằng anh ta đang nói đùa. Không ai thực sự muốn đặt cho ngôi nhà cái tên đó, phải không?”
Charlie không nghĩ có bất kỳ điều gì mà mình có thể chắc chắn nói “Chẳng có ai làm thế cả.” Luôn luôn có những kẻ điên rồ sẵn sàng bước lên để chứng minh là bạn sai. Sau những gì Alice đã trải qua - sau những gì tự cô ta đã làm - Charlie tự hỏi sao cô ta lại có thể ngây thơ đến thế.
“Anh ta nói mình dần thích cái tên ấy hơn khi nghĩ về nó, gợi ý rằng họ nên đặt làm một tấm biển cho cửa chính.” Alice nheo mắt lại khi tập trung vào ký ức. “Tôi nghĩ đó là điều cuối cùng Connie nói trước khi chị ấy... ồ, không, xin lỗi. Kit gợi ý một cái tên khác cho ngôi nhà, thậm chí còn ngớ ngẩn hơn - số 17 Pardoner Lane - nhưng đó không phải là thứ làm trỗi dậy phản ứng sợ hãi của Connie.”
“Sao cô biết?”
“Khó giải thích lắm. Cô có lẽ sẽ không tin vào những xung động năng lượng...”
“Có lẽ là không,” Charlie đồng ý.
Alice đổi chủ đề. “Hãy nhớ lấy lời tôi: chính là Trung tâm Nút Tử thần đã làm Connie hoảng sợ - cái tên khủng khiếp đó. Ai mà lại tưởng tượng ra một cái tên đáng sợ như vậy cho một ngôi nhà họ yêu quý và muốn sống ở đó? Kể cả là đùa cợt, cũng chẳng như thế.”
Một cách nào đó, Charlie cảm nhận cơn rùng mình như thể nó truyền từ cơ thể Alice. Làm sao có thể thế được?
Trung tâm Nút Tử thần. Nhấn vào chiếc nút và ai đó sẽ chết.
“Số 17 Pardoner Lane là địa chỉ của ngôi nhà hoàn hảo họ đã không mua,” Alice nói.
“Vậy là Kit muốn để tên mỗi cái địa chỉ thôi?”
“Không phải, anh ta...” Alice nhìn lên trời. “Ồ,” cô ta nói, giọng nghe có vẻ ngạc nhiên vì đã tự ngắt lời chính mình. “Có lẽ cô nói đúng. Có thể ý anh ta là, ‘Đừng gọi ngôi nhà bằng những cái tên ngớ ngẩn nữa - hãy thật khôn ngoan và gọi nó bằng chính cái địa chỉ luôn: số 17 Pardoner Lane.’ Dù phải nói rằng, đó không phải là ấn tượng tôi cảm thấy, từ những gì Connie nói.”
“Cô làm tôi khó hiểu,” Charlie nói.
“Tôi nghĩ ý chị ấy là Kit đã nhảy từ sự ngu ngốc này sang sự ngu ngốc còn tệ hơn và gợi ý số 17 Pardoner Lane làm cái tên cho ngôi nhà - thứ mà cũng đồng thời là địa chỉ nhà. Tôi nghĩ sự lặp lại chính là trò đùa.” Nhìn thấy biểu cảm trên khuôn mặt Charlie, Alice trông có vẻ xấu hổ. “Tôi biết - thật là điên rồ. Nhưng Trung tâm Nút Tử thần cũng thế. Connie vẫn thường miêu tả Kit là vui tính, nghịch ngợm - có lẽ anh ta có một khiếu hài hước kỳ quặc.”
“Vậy là các bức thư sẽ được chuyển cho địa chỉ số 17 Pardoner Lane, số 17 Pardoner Lane, Cambridge?” Charlie nhận ra mình lại mỉm cười lần nữa. “Tôi thấy có vẻ như anh ta đang trêu vợ.” Charlie càng nghĩ về nó thì lại càng thích ý tưởng ấy: lấy chính địa chỉ của ngôi nhà làm tên cho nó chẳng khác gì xổ toẹt vào mặt tất cả những ai coi chuyện đặt tên cho một ngôi nhà là vấn đề quá to tát. Cô quyết định sẽ gợi ý cho Simon: số 21 Đường Chamberlain, số 21 Đường Chamberlain, Spilling. Họ có thể đặt in biển cho ngôi nhà. Mẹ của Simon, người không có tí khiếu hài hước nào, sẽ phát hoảng lên, và không cần nói dài dòng, Simon và Charlie sẽ hiểu rằng Chúa cũng chia sẻ với nỗi hãi hùng của bà. Chẳng có gì là kỳ diệu hết, cái cách Chúa và Kathleen Waterhouse luôn đồng điệu trong mọi vấn đề.
Liv sẽ thấy buồn cười lắm.
“Tôi sắp phải đi rồi,” Alice nhìn vào đồng hồ của mình. “Tôi phải đưa con gái đi dự tiệc sinh nhật.”
“Nếu nhớ ra bất kỳ điều gì, cô có thể gọi cho tôi được không?” Charlie nói. Simon sẽ không vui đâu. Một câu đùa về việc đặt tên cho ngôi nhà là Trung tâm Nút Tử thần không có vẻ là câu trả lời cho bất kỳ điều gì. Nếu Connie Bowskill đang trong trạng thái cảm xúc dễ bị kích động, trong tình trạng tự hủy hoại bản thân, liệu một từ “tử thần” có đủ để làm chị ta chịu sự tấn công của chứng hoang tưởng đoán nhận không? Chị ta có thể kết nối hai thứ vốn không hề có liên hệ gì với nhau hết - một câu đùa nhạt nhẽo chồng mình nói từ nhiều năm trước, với một người phụ nữ bị sát hại mà chị ta đã thấy trên màn hình máy tính, hay đúng ra là khẳng định đã nhìn thấy.
Khi cô nhìn theo Alice đi xa dần, Charlie cảm thấy có gì đó rung lên trong người. Những xung động năng lượng. Nhảm nhí làm sao. Cô lấy điện thoại ra khỏi túi. Là Sam Kombothekra. “Cô đang làm gì vậy?” Anh ta tuôn ra còn chẳng buồn chào hỏi.
“Không làm gì lắm,” Charlie nói. “Anh thì sao?” Trong những trường hợp bình thường, cô có thể sẽ nói với anh ta, nhưng cô không muốn nhắc đến cái tên “Alice” phòng khi Sam cảm nhận được cảm giác tội lỗi qua điện thoại. Không phải là cô cảm thấy tội lỗi, cô chỉ đơn giản nhận ra là mình có tội. Hoặc sẽ sớm có tội thôi. Trong dịp này, lỗi lầm của cô không làm cô bận lòng. Kẹp điện thoại vào dưới cằm, cô dùng cả hai tay để lục lại lá thư của Alice trong túi xách.
“Cô đang ở đâu?” Sam hỏi.
Charlie bật cười. “Có phải câu hỏi tiếp theo của anh sẽ là, ‘Cô đang mặc quần trong màu gì?’
“Câu hỏi tiếp theo của tôi là ‘Simon đâu?’ Tôi đã cố gọi cho anh ta.”
“Anh ấy đang ở Bracknell nói chuyện với bố mẹ của Kit Bowskill,” Charlie bảo anh ta. Thật lố bịch làm sao là cô lại cảm thấy tự hào: cô biết Simon ở đâu còn Sam thì không.
“Cô có thể gặp tôi ở quán Brown Cow trong mười lăm phút nữa không?”
“Chắc là được thôi. Có vấn đề gì vậy?”
“Tôi sẽ kể khi gặp cô.”
“Tôi sẽ đến đó nhanh hơn nếu có gợi ý để làm động lực tăng tốc,” Charlie nói. Những ngón tay của cô lần theo đường viền nếp dán phong bì. Mở nó ra chẳng đem lại điều gì tốt đẹp, Simon không biết đến sự tồn tại của nó, và Charlie không muốn nội dung của nó tiếp thu vào đầu óc mình cũng như vào tâm trí Simon. Cô xé lá thư thành nhiều mảnh nhỏ, và nhiều mảnh nhỏ hơn nữa, để chúng rơi xuống chân mình.
“Jackie Napier,” Sam nói. “Vấn đề chính là Jackie Napier.”
***
“Cậu sẽ phải nhìn nhận như thể mình mất đi một người thân,” Barbara Bowskill nói với Simon. “Cậu từng có một đứa con, nhưng giờ không còn nữa. Cậu ở cùng trong cùng hoàn cảnh với một bà mẹ có con trai đi chiến trận ở Iraq và chết vì bom đạn, hay một người có con chết vì ung thư, hay bị sát hại bởi một kẻ ấu dâm. Cậu tự nói với mình rằng chẳng thể làm gì được nữa - chúng đã mất rồi - và cậu ngừng hy vọng.” Simon thấy bà không khác gì hình mẫu nhà tư vấn tâm lý cho những người chịu nỗi đau mất người thân, dù ngoài đời thật, họ hiếm khi giống vậy: tóc uốn xoăn nhuộm nâu vàng, chân tóc màu xám; áo dài thắt ngang lưng với họa tiết thêu phủ ngoài quần bò ống loe, vòng cổ bằng gỗ to bản, dép xăng đan với quai vải và gót gỗ bần. Và không có nhà tư vấn tâm lý nào lại khuyên bạn hãy vờ như con mình đã bị sát hại bởi một kẻ ấu dâm trong khi đứa con đó vẫn còn sống sờ sờ ở Silsford.
Kể từ khi tới thăm, đây không phải là lần đầu tiên Simon có những nghi ngờ về mẹ của Kit Bowskill. Không chỉ là tình tiết về kẻ ấu dâm. Anh cảm thấy nụ cười của bà ta không dễ chịu, và thấy mừng là mình chỉ nhìn thấy nó hai lần - một lần khi bà mở cửa cho anh vào, một lần nữa khi bà đưa cho anh một tách trà và anh nói lời cảm ơn. Một nụ cười bừa bãi, một sự lạm dụng nụ cười - thứ cho thấy sự đồng cảm cực độ, nỗi đau được chia sẻ, lòng thương hại và khao khát mạnh mẽ được ăn tươi nuốt sống linh hồn của kẻ được nhận nụ cười ấy. Có quá nhiều nếp nhăn nơi vùng da xung quanh mắt bà, quá nhiều lần bặm môi, gần như thể bà ta chuẩn bị hôn gió và rồi bắt đầu khóc cùng một lúc.
Nigel Bowskill trông như thể ông thuộc về một thế giới khác hẳn với vợ mình, trong chiếc quần âu màu xám, áo phông xanh lá và giày thể thao trắng. “Dù sao cũng quá đau đớn,” ông giải thích. “Chúng tôi không thể dành hết phần đời còn lại để chờ đợi Kit đổi ý. Nó đã không đổi ý suốt bảy năm qua. Có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi.”
“Tại sao thằng bé lại có thứ quyền lực đó với chúng tôi cơ chứ?” Giọng Barbara nghe có vẻ thủ thế, dù chưa ai chỉ trích bà cả. Có điều gì đó lạ lùng trong cách đôi vợ chồng này nói năng, Simon nghĩ - cứ như thể mỗi người đều phản đối dữ dội điều người kia vừa nói, dù nếu bạn chỉ lắng nghe từ ngữ mà bỏ qua giọng điệu, họ có vẻ đồng điệu suốt mạch hội thoại.
Cho tới giờ, Simon vẫn không hề thấy thoải mái khi ở trong nhà của họ: một căn biệt thự hiện đại xây gạch màu be, cùng với ga-ra đôi xây rời, tạo thành hình chữ L. Anh tự nhắc nhở rằng điều đó không quan trọng, đây là công việc không được trả công, không phải trò vui. Ngày thứ tám trong tuần trăng mật của anh. Simon ước mình đã mang Charlie đi theo, nhưng biết rằng nếu có phép màu nào đó để quay ngược thời gian về hôm qua, anh vẫn sẽ lựa chọn đi một mình. “Hẳn là khó khăn lắm,” anh nói. “Cô chú có phiền không nếu cháu hỏi điều gì đã gây ra rạn nứt?”
“Kit không nói với cậu sao?” Barbara đảo mắt vì sự ngờ nghệch của mình. “Không, tất nhiên là không nói, bởi vì nó không thể nói, nếu không nó sẽ lộ ra điều gì đó về bản thân mà nó không muốn cho cậu biết - rằng một khi nó cố gắng làm điều gì đó rồi không thành công, thì nó sẽ bị sốc, hoảng loạn. Cậu cần phải hiểu rằng con trai tôi là người dè dặt, kín đáo nhất cậu từng gặp, cũng là người có lòng kiêu hãnh lớn nhất. Bởi vì nó từ chối thỏa hiệp với những sai lầm của chính mình, lòng tự tôn của nó rất dễ bị tổn thương - đó là khi sự kín đáo của nó xuất hiện, tất cả vì mục đích giữ thể diện. Đầu óc Kit không có chút nghi ngờ gì rằng cả thế giới đang quan sát nó, thèm thuồng chờ đợi lúc nó sa chân. Nó có thể tỏ ra thoải mái và dễ nói chuyện bề ngoài, nhưng đừng bị lừa - nó chỉ duy trì thể diện mà thôi.”
“Suốt cả tuổi thơ nó né tránh chúng tôi,” Nigel nói.
Simon tự động nhìn quanh phòng tìm những chỗ trốn khả dĩ, và chẳng thấy gì cả, chẳng có gì để trốn đằng sau, chỉ có hai chiếc sô- pha lông vũ đặt vuông góc với nhau, mỗi chiếc dựa vào một tường. Hành lang mà Simon được dẫn qua cũng vậy, y như căn bếp anh đã đứng trong chốc lát, khi Barbara pha cho anh một tách trà. Anh chưa từng thấy ngôi nhà nào ít đồ đạc hơn thế. Không có giá sách, không có đồ trang trí, không có áo khoác treo trên móc ở cửa trước, không có cây cối, không có giỏ trải cây hay đồng hồ, không có những chiếc bàn đặt ngẫu nhiên. Ngôi nhà như một trường quay chưa được lắp đặt hoàn thiện. Bố mẹ của Kit cất đồ đạc của họ ở đâu vậy? Simon đã hỏi liệu có phải họ mới chuyển đến không, và được trả lời họ đã ở ngôi nhà này trong suốt hai mươi sáu năm.
“Ý tôi không phải là né tránh về mặt hữu hình,” Barbara nói. “Chúng tôi luôn biết thằng bé ở đâu. Nó chẳng bao giờ đi ra ngoài và làm chúng tôi lo lắng, như vài đứa bạn khác của nó làm với bố mẹ chúng.”
“Chúng tôi nghĩ mình cũng biết thằng bé là ai nữa,” Nigel nói, gương mặt ông trông giống con trai cộng thêm hai mươi lăm tuổi. “Một đứa bé làm chúng tôi rất hài lòng, lễ phép, nghe lời - học hành tấn tới, rất nhiều bạn bè.”
“Nó trưng cho chúng tôi những điều nó biết chúng tôi muốn được thấy,” Barbara hấp tấp nói, như thể bà sợ chồng mình sẽ nói câu quan trọng nhất trước nếu bà không nhanh hơn. “Suốt thời thơ ấu, con trai chúng tôi là người quản lý hình ảnh cho chính nó.”
“Vậy anh ta đã cố gắng che giấu điều gì ạ?” Simon hỏi. Cho tới giờ, những câu hỏi đều chưa được trả lời. Nếu một ai trong hai phụ huynh của Kit Bowskill có thắc mắc tại sao một thám tử lại tự tìm đến nhà họ để hỏi về con trai, họ cũng im lặng về điều đó. Giá mà tất cả những người Simon phỏng vấn đều thể hiện sự thiếu tò mò của họ, anh ghét phải mình tự giải thích, kể cả khi lời giải thích đó là thỏa đáng.
“Không có bí mật tội lỗi nào cả,” Nigel nói. “Chỉ có chính thằng bé thôi.”
“Sự thiếu coi trọng bản thân của nó,” Barbara chữa lời. “Những gì nó cho là khuyết điểm của mình. Tất nhiên, chúng tôi chỉ hiểu ra tất cả những điều này khi nhìn lại - chúng tôi khá giống thám tử, anh có thể nói thế. Mãi sau này chúng tôi mới nói chuyện với bạn cùng trường của nó, tìm ra những điều trước đây chúng tôi chưa từng biết vì Kit luôn đảm bảo chúng được che giấu khỏi chúng tôi - sự tra tấn giáng vào những thằng bé giành được những giải thưởng mà nó nghĩ đáng ra nó phải giành được, những khoản hối lộ nó cho chính những thằng bé đó một khi nó tỉnh táo lại, để chúng không nói gì với bố mẹ hay thầy cô về người đã làm chúng bị thương.”
“Nó khiến tất cả những ai trót làm chệch quỹ đạo của nó phải kinh hoàng,” Nigel nói.
Barbara mỉm cười. “Khi nó không có mặt, chúng tôi đã dựng lên một hồ sơ tâm lý về nó, theo cách các cậu làm với tội phạm. Lúc đó, nó hoàn toàn lừa được chúng tôi. Dù cố ý hay không, nó đã đùa giỡn với lòng tự tôn của chúng tôi. Nigel và tôi đã từng hạnh phúc, giàu có - chúng tôi có một sự nghiệp kinh doanh thành công. Tất nhiên chúng tôi tin rằng con trai mình là một cậu bé vàng được ban phước lành, một người chưa từng chịu thất bại, chưa từng buồn bực hay tức giận, chưa từng thừa nhận gặp vấn đề nào.”
“Thằng bé diễn rất khéo.” Sự hối hận trong giọng nói của Nigel pha lẫn sự ngưỡng mộ, Simon nghĩ. “Nó không thể chịu được việc ai đó thấy rằng nó chỉ là một con người bình thường đôi khi hành động ngốc nghếch - có những khi thăng trầm giống như tất cả mọi người. Kit phải tỏ vẻ đứng trên tất cả những thứ đó - luôn luôn nắm quyền kiểm soát, luôn luôn hạnh phúc...”
“Điều đó đồng nghĩa với việc không ai được phép biết điều gì là quan trọng với nó, hay việc đôi khi nó buồn bực, đôi khi nó thất bại hay không phải là người giỏi nhất trong việc gì đó.” Cách nói đầy vẻ giận dữ của Barbara khiến cho việc lắng nghe bà trở nên khó khăn. Khao khát được nói khiến giọng điệu bà không được bình tĩnh. Có vẻ bà cảm thấy không thể chịu nổi khi tới lượt của chồng và mình phải chờ đợi. “Suốt cả cuộc đời mình, Kit đã xây dựng hình ảnh của sự hoàn mỹ. Đó là lý do thực sự tại sao nó không thể tha thứ cho chúng tôi - trong một vài tiếng đồng hồ năm 2003, chiếc mặt nạ rơi xuống và chúng tôi thấy nó bối rối và đau khổ như thể chuyện này phá tan một điều vô cùng quan trọng với nó. Người mà nó không thể tha thứ chính là bản thân thằng bé, vì đã để mọi chuyện đến mức mà nó cần phải tìm đến sự giúp đỡ của chúng tôi - chẳng liên quan gì đến con số năm mươi ngàn bảng.”
“Năm mươi ngàn bảng?” Simon hỏi. Có phải đó là ý của Kit khi nói bố mẹ anh ta đã không “đoàn kết lại”?
Nigel gật đầu. “Nó cần số tiền đó để mua một ngôi nhà.”
“Tôi vẫn còn giữ tờ rơi ở đâu đó, tôi nghĩ thế,” Barbara nói. “Kit mang nó tới để cho chúng tôi xem. Khi chúng tôi không hợp tác, nó nói với chúng tôi là mình không muốn tờ rơi đó nữa, không thể mua được ngôi nhà. ‘Sao bố mẹ không xé nó đi, hay đốt ấy?’ nó nói. ‘Con đoán bố mẹ sẽ thích thế đấy.’ Tôi nghĩ nó tưởng rằng khi chúng tôi xem những bức ảnh và thấy ngôi nhà đẹp đẽ đến thế nào, chúng tôi sẽ đưa tiền. Nó rất đẹp, nhưng... nó không đáng với cái giá mà người bán yêu cầu Kit phải trả, và chúng tôi không nghĩ sẽ là công bằng với những người mua kia nếu Kit và Connie lại đột ngột giật mất nó khỏi họ như vậy. Kiểu cư xử lưu manh gì vậy?”
“Thằng bé không được đối xử với họ như vậy, nó cũng không được đối xử với chúng tôi như thế,” Nigel ném ra lời bình luận đó như một lời thách đố, xem có ai cả gan không đồng ý hay không. Ông đã chuẩn bị sẵn sàng để lao vào cuộc chiến một lần nữa, như thể Kit đang ngồi đối diện tại đây với ông chứ không phải Simon. “Connie và Kit có thể dễ dàng mua một ngôi nhà khác đáp ứng thừa nhu cầu của chúng ở Cambridge - có đủ loại nhà chúng có thể mua. Tại sao chúng lại đặc biệt muốn ngôi nhà này, ngôi nhà mà thực tế đã bán rồi?”
Bởi vì lòng tự tôn của Kit quá lớn để mà thỏa hiệp, anh ta kiên quyết phải giữ lấy thương vụ này?
“Kit thấy chẳng có lý do gì để nói cho chúng tôi tại sao,” Barbara nói. “Nó hành xử như thể Chúa ban cho nó quyền được sở hữu ngôi nhà đó, bằng bất cứ giá nào.”
“Nó gan cùng mình, dám nói với chúng tôi là nó muốn phung phí năm mươi ngàn bảng vào một việc vô đạo đức và mong chờ chúng tôi phải trả giá. Nó thậm chí còn không hỏi vay, đó là điều làm tôi khó chịu. Chẳng nói gì đến việc trả lại khoản tiền, chỉ đòi hỏi chúng tôi cho nó. Khi chúng tôi nói không, nó trở nên hằn học.”
Simon muốn hỏi Nigel ý của ông là gì khi nói ngôi nhà đã được bán rồi, nhưng anh không muốn chen ngang. Anh có thể đi vào chi tiết sau. Thay vào đó, anh hỏi. “Hằn học như thế nào ạ?”
“Ồ, mọi thứ cứ thế tuôn ra thôi. Barbara và tôi không có chuẩn mực gì cả - chúng tôi không biết phân biệt giữa tốt và xấu, không nhận ra được một ngôi nhà đẹp khi chúng tôi thấy nó, không hiểu được tầm quan trọng của vẻ đẹp, không nhận ra nó khi nó đang hiện hữu ngay trước mặt. Ồ, và chúng tôi không nhận ra được cả sự xấu xí, và không có những bước thích hợp để tránh nó - chúng tôi chỉ toàn mua những ngôi nhà xấu xí.” Nigel cố gắng giữ giọng mình có vẻ vô tư khi ông liệt kê danh sách những lời sỉ vả của con trai mình, nhưng Simon nghe thấy được sự tổn thương trong giọng nói của ông.
“Và tất nhiên chúng tôi đã khiến Kit khổ sở, bởi vì nó phải sống trong những ngôi nhà xấu xí đó với chúng tôi,” Barbara góp lời. “Nó nói chúng tôi như thú vật, không hiểu gì về việc đặt mục tiêu cao xa và chỉ chấp nhận những gì tốt nhất. Chúng tôi thì biết cái gì chứ? Chúng tôi đã chọn sống trong ba nơi mọi rợ, kinh khủng liên tiếp nhau: đầu tiên là Birmingham, rồi Manchester, rồi đến Bracknell - tất cả những nơi đáng bị xóa sổ khỏi mặt đất. Làm sao mà chúng tôi lại có thể bắt Kit sống trong đó? Làm sao mà chúng tôi có thể tự mình sống ở đó vậy?”
“Kể từ giây phút Kit đặt chân đến Cambridge, không còn nơi nào khác đủ tốt nữa,” Nigel nói. “Chúng tôi không còn đủ tốt nữa.”
“Kit rất điêu luyện trong việc che giấu, chúng tôi không hề hay biết rằng mình bị nó coi thường - không biết cho tới khi chúng tôi không chịu cho thằng bé số tiền nó nghĩ mình được quyền lấy, và nó tức giận đến mức nói với chúng tôi rằng mọi thứ chúng tôi từng làm đều là sai lầm.”
“Danh sách tội lỗi của chúng tôi dài vô tận.” Nigel bắt đầu đếm trên những đốt tay. “Chúng tôi đáng ra nên chuyển đến Cambridge khi Kit bắt đầu học đại học - chuyển nhà và công việc kinh doanh - để nó không phải rời thành phố vào những ngày nghỉ lễ và quay trở lại Bracknell...”
“... nơi mà nó mô tả là ‘cái chết của hy vọng’. Tưởng tượng ai đó nói như thế về nhà của cậu mà xem!”
“Chúng tôi đáng ra phải giúp đỡ nó khi nó tốt nghiệp và công việc duy nhất thằng bé xin được là ở Rawndesley - đáng ra phải đề nghị giúp đỡ nó về mặt tài chính, để nó không cần phải chuyển đi, không phải rời Cambridge.”
“Lúc trước nó nói với chúng tôi là mình rất hào hứng với công việc mới ở Rawndesley và thực sự mong chờ được thay đổi môi trường!”
“Thủ đoạn nó hay dùng,” Nigel nói. “Giả vờ như những điều xảy ra là thứ thằng bé đã luôn mong muốn, để nó có thể xuất hiện như một người chiến thắng.”
“Nó nói rất thuyết phục. Kit lúc nào cũng rất thuyết phục.” Barbara đứng dậy. “Cậu có muốn xem phòng nó không?” bà hỏi Simon. “Tôi đã giữ chỗ đó y nguyên như khi nó rời đi - như phòng của một đứa con đã mất, và tôi là bà mẹ khốn khổ, người quản lý bảo tàng.” Bà bật ra một tiếng cười.
“Sao cậu ta lại muốn đi xem phòng ngủ của Kit chứ?” Nigel quát lên. “Chúng ta thậm chí còn không biết tại sao cậu ta lại ở đây. Có phải là Kit mất tích và cậu ta đến điều tra đâu.”
Simon, giờ đã đứng dậy, chờ đợi được hỏi về lý do cho cuộc viếng thăm của anh.
“Có thể nó đang mất tích,” Barbara nói với chồng. “Chúng ta không biết, phải không? Có thể nó đã chết rồi. Nếu không, nó là một mối quan tâm của cảnh sát vì một lý do gì khác. Bất kỳ ai muốn hiểu Kit cũng cần phải xem phòng ngủ của nó.”
“Nếu nó đã chết thì chúng ta phải được thông báo rồi,” Nigel nói. “Người ta sẽ phải nói cho chúng tôi biết. Cậu cũng sẽ như vậy đúng không?”
Simon gật đầu. “Cháu muốn được xem căn phòng, nếu các bác không phiền dẫn cháu đi,” anh nói.
“Càng đông càng vui,” Barbara nói, giọng bà nghe có vẻ ve vãn. Bà giang tay ra, mời mọc một đám đông không tồn tại đến tham gia cùng họ. “Dù tôi cảnh báo trước với cậu, tôi lạc hậu lắm đấy. Tôi đã không làm hướng dẫn viên được một thời gian rồi.” Điệu cười ủy mị tham lam ấy lại xuất hiện, Simon cố không giật lùi lại.
Nigel thở dài. “Tôi sẽ không tham gia với bà đâu,” ông nói.
“Không ai mời ông,” Barbara bật thẳng câu trả lời lại như một quân át chủ bài.
Simon đi theo bà ra khỏi phòng. Đi lên nửa chừng cầu thang, bà quay lại đối diện với anh. “Cậu có thể đang thắc mắc tại sao chúng tôi không hỏi,” bà nói. “Để sống sót trong cuộc chiến cảm xúc này, chúng tôi không thể đầu hàng trước sự tò mò. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu không biết gì.”
“Hẳn cô chú phải cố gắng tự chủ lắm,” Simon nói.
“Không hẳn. Chẳng ai muốn phải chịu đựng một cách không cần thiết, hoặc ít nhất là tôi không muốn, và Nigel cũng không. Bất kỳ thông tin mới nào về con trai ngày xưa của chúng tôi sẽ phá hỏng ba ngày trong cuộc đời chúng tôi. Dù là chi tiết nhỏ nhặt nhất - rằng Kit tới cửa hàng và mua một tờ báo vào sáng nay, rằng thằng bé mặc một chiếc áo phông nào đó hôm qua. Dù cho cậu chỉ kể có thế, tôi vẫn sẽ nằm lì trên giường vào ngày mai, không thể làm bất kỳ điều gì. Tôi không muốn nghĩ về nó ở thì hiện tại - cậu có hiểu không?”
Simon hy vọng là không, hy vọng rằng điều đó không có nghĩa như anh nghĩ.
“Chúng tôi phải tin rằng thời gian đã dừng lại,” Barbara giảng giải với anh, tin tưởng vào vị trí đúng đắn của bà như một người lên chiến dịch chính trị. “Đó là lý do vì sao tôi vào phòng nó mỗi ngày. Nigel không thể chịu đựng được điều ấy. Tôi cũng thế, thực sự là vậy, nhưng nếu tôi không vào, tôi không thể biết chắc chắn rằng căn phòng không có gì thay đổi. Và phải có ai đó giữ nó sạch sẽ.”
Bà leo những bậc còn lại lên thềm nghỉ tầng hai. Simon đi theo bà. Có bốn cánh cửa, tất cả đều đóng. Một cửa có một tờ giấy lớn dán lên, trên đó có người đã vẽ một đường viền tam giác màu đen, các cạnh thẳng tắp, và viết tay gì đó vào bên trong bằng mực đen. Từ chỗ anh đứng, Simon không thể đọc được.
“Đó là phòng Kit, với lời nhắc trên cánh cửa,” Barbara nói. Simon cũng đã đoán như vậy. Khi lại gần, anh nhận thấy tấm biển được làm bằng thứ gì đó dày dặn hơn giấy - kiểu như vải dầu. Và những chữ được vẽ lên đó, chứ không phải viết. Nét chữ rất cẩn thận, trông nó gần như tác phẩm nghệ thuật. Kit Bowskill đã nâng tầm tấm biển trên cánh cửa của mình lên cao hơn một phương tiện truyền đạt thông tin đơn thuần.
Barbara, đứng sau lưng Simon, đọc to từng chữ trong khi anh đọc chúng. Cảm giác thật không thoải mái, như thể bà chính là tiếng nói trong suy nghĩ của anh. “Văn minh là sự tiến triển hướng đến một xã hội của quyền riêng tư. Sự tồn tại của loài người hoang dại bấy lâu nay đều xảy ra trong sự công khai, bị kiểm soát bởi luật lệ của bộ lạc. Văn minh là quá trình giải phóng con người khỏi con người.”
Bên dưới dòng trích dẫn là một cái tên: “Ayn Rand”. Tác giả của cuốn Suối Nguồn. Nó là một trong rất nhiều cuốn tiểu thuyết Simon ước mình đã đọc qua, nhưng anh chưa bao giờ thực sự hứng thú. “Đây có phải là một cách trí tuệ để nói, ‘Phòng của Kit - Cấm vào’?” anh hỏi Barbara.
Bà gật đầu. “Chúng tôi đã làm theo. Rất vâng lời. Cho tới khi Kit nói với chúng tôi rằng đây là lần cuối cùng chúng tôi được gặp và nói chuyện với nó. Và rồi tôi nghĩ, ‘Quỷ tha ma bắt - nếu mình mất con trai, ít nhất mình có thể lấy lại một căn phòng trong nhà.’ Tôi đã quá tức giận, đến mức xé toạc cả tường được.” Giọng nói run bần bật như điện giật của bà cho thấy trong từng ấy thời gian bà chưa hề nguôi giận đi chút nào. “Tôi đã định vào trong đó để xé hết giấy dán tường đi, nhưng tôi không thể, khi tôi thấy nó đã làm gì. Làm sao tôi có thể phá hoại tác phẩm nghệ thuật bí mật của con trai mình khi đó là tất cả những gì còn lại tôi có về nó? Nigel nói đó không phải là nghệ thuật, Kit không phải nghệ sĩ, nhưng tôi chẳng thấy có cách nào khác để miêu tả nó cả.”
Simon đã gần cửa lắm rồi - cách hai bước chân. Anh đã có thể tự bước vào và xem xét, dù nó có là gì đi nữa, thay vì đứng ngoài lắng nghe bà Barbara miêu tả vòng vo, nhưng làm thế có vẻ không đúng, anh nên chờ đợi sự cho phép của bà.
“Cậu đã bao giờ có cảm giác tim mình bị cán bởi một chiếc xe tải lớn chưa?” Bà ấn cả hai tay vào ngực. “Đó là điều đã xảy ra với tôi khi tôi mở cánh cửa đó lần đầu tiên trong mười một năm. Tôi không hiểu được gì hết - tôi đang nhìn vào cái gì đây cơ chứ? Giờ thì mọi thứ đã có nghĩa, giờ đây khi tôi biết rõ Kit hơn một chút, khi nó không có mặt ở đây.”
Mười một năm. Lại số mười một. Thay vì cảm giác nóng bức, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng Simon. Barbara hẳn là đã thấy câu hỏi trong mắt anh, bởi bà nói, “Nigel và tôi chính thức bị cấm khi Kit mười tám tuổi. Nó trở về nhà sau học kỳ đầu tiên ở trường đại học và đó là điều đầu tiên nó nói. Không chỉ chúng tôi, bởi chúng tôi là bố mẹ nó - tất cả mọi người đều bị cấm. Không ai đặt chân vào phòng nó sau đó nữa - nó đảm bảo chắc chắn điều đó. Nó không thường mang bạn bè tới, nhưng khi bạn bè tới, chúng phải ở phòng khách. Kể cả Connie, khi hai đứa nó thường xuyên tới thăm nhau, nó chưa bao giờ đưa con bé lên lầu. Chúng sẽ ngồi ở phòng khách, hay phòng đọc sách. Kit đã có căn hộ riêng khi hai đứa gặp nhau - tôi không nghĩ Connie biết rằng nó vẫn có phòng ở đây, căn phòng quan trọng với nó hơn bất cứ nơi nào nó từng thực sự ở. Cậu không nghĩ đến điều đó, đúng không? Hầu hết mọi người, khi chuyển ra ngoài, thì chuyển đi hoàn toàn.”
Trừ phi họ có điều gì muốn hay cần phải giấu, Simon nghĩ. Hầu hết mọi người không thể tránh làm phật lòng cô bạn gái sống chung khi nói, “Căn phòng này là của anh - em không được phép lại gần nó.” Cũng tương tự với các vị phụ huynh, nghĩ đến chuyện đó mà xem. “Trong mười một năm, hai người chưa bao giờ bị cám dỗ bước chân vào và xem sao ư?”
“Có lẽ tôi cũng từng như vậy, nhưng Kit đã lắp một chiếc khóa.” Barbara hất đầu về phía cánh cửa. “Đây là cánh cửa mới, không có khóa, là biểu tượng của chính sách cấp phép mới: phòng của con trai ngày xưa của tôi mở cửa với công chúng, 24/7. Tôi sẽ trưng cho bất kỳ ai muốn xem,” bà nói với vẻ thách thức, rồi cười khúc khích. “Nếu Kit không thích thể, cứ để nó quay lại đây mà phàn nàn.”
“Cô đã bỏ cánh cửa cũ đi, cái mà có khóa ấy?” Simon hỏi.
“Nigel phá nó đi,” Barbara bảo anh, một cách tự hào. “Sau ‘cuộc đổ vỡ lớn’.” Bà đưa tay lên làm điệu hai dấu nháy. “Đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể vào trong. Nigel nói, ‘Ít nhất nó cũng sạch sẽ’, câu đó có chút đánh giá thấp - đến tôi còn không thể lau dọn căn phòng nào sạch như thế, chắc chắn là vậy. Kit tự mua máy hút bụi, chổi lau, đồ đánh bóng, các thứ dụng cụ. Nó thường về hai tuần một lần và dành vài giờ trong đó - bảo trì nó - cậu có thể nghe tiếng máy hút bụi chạy. Tôi không nghĩ Connie biết nó đang làm gì - con bé dành quá nhiều thời gian rảnh ở chỗ bố mẹ, Kit có thể tới đây vào những ngày cuối tuần mà nó chẳng biết gì cả. Nigel và tôi thường cảm thấy tiếc cho con bé vì nó chẳng hay biết gì, bị khóa chặt khỏi một thứ rất quan trọng với thằng bé - như thể chúng tôi là những người may mắn, chia sẻ những bí mật của thằng bé, bởi chúng tôi biết về căn phòng của nó dù cho chúng tôi không biết trong đó có gì.”
Barbara lắc đầu khi sự tự hào nhường chỗ cho cảm giác đổ vỡ. “Chúng tôi là những kẻ ngu ngốc, để cho đứa con mười tám tuổi của mình khóa chúng tôi ra khỏi một căn phòng trong chính nhà mình. Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ không cho phép Kit đóng một cánh cửa nào trước mặt tôi, chứ đừng nói là khóa mất. Tôi sẽ quan sát nó như một con chim ưng, từng giây phút mỗi ngày.” Bà chỉ tay vào Simon như thể muốn anh đứng yên một chỗ. “Tôi sẽ ngồi bên cạnh giường nó suốt đêm và ngắm nhìn khi nó ngủ. Tôi sẽ đứng bên cạnh phòng tắm khi nó tắm rửa, thậm chí đứng canh chừng nó khi nó ở trong nhà vệ sinh. Tôi sẽ không cho phép nó có bất cứ sự riêng tư nào hết. Nó sẽ kinh hoàng lắm nếu nghe tôi nói những lời này, nhưng tôi không quan tâm. Sự riêng tư là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng mầm mống của cái xấu xa, nếu cậu hỏi tôi.”
“Chúng ta có thể vào xem phòng được chưa?” Simon hỏi, cảm thấy bà thật đáng sợ. Nếu anh được gặp bà trước khi có cái gọi là “cuộc đổ vỡ lớn”, có lẽ anh đã có cảm giác khác về bà. Lúc đó, bà hẳn là một con người khác. Simon sẽ không bao giờ chịu thừa nhận với ai, nhưng anh thường cảm thấy kinh tởm với những người từng phải trải qua những chuyện đặc biệt tồi tệ; đó là lỗi của anh, không phải họ. Anh nhận ra nó có liên quan đến niềm khao khát được lánh xa khỏi bi kịch, dù nó có là gì đi nữa. Mặt khác, nó cũng khiến anh cố gắng giúp đỡ họ nhiều hơn, để bù đắp lại.
“Vào đi,” Barbara nói. “Tôi sẽ theo cậu sau một phút. Tôi không muốn cản trở ấn tượng đầu tiên của cậu.”
Simon xoay nắm cửa. Khi cánh cửa rộng mở, mùi dầu đánh bóng nội thất xộc lên không thể nhầm lẫn. Kit Bowskill có thể không còn đặt chân vào thánh địa riêng tư này kể từ năm 2003, nhưng ai đó vẫn duy trì được tiêu chuẩn rất cao của anh ta kể từ hồi ấy. Barbara. Đó là kiểu công việc mà chỉ có một bà mẹ mới bỏ công làm.
“Đừng để vấp vào máy hút bụi,” bà cảnh báo. “Không giống những căn phòng khác trong ngôi nhà này, Kit thực sự có đồ đạc trong phòng.” Bà bật cười. “Khoảng sáu tháng sau khi Kit cấm vận chúng tôi, tôi vứt đi một đống thứ mà tôi và Nigel từng có. Chúng tôi chẳng còn con trai, sở hữu trong tay bất cứ thứ gì cũng chẳng có nghĩa lý gì nữa.”
Cánh cửa vẫn để ngỏ. Simon đẩy hết cỡ và đi vào trong. Căn phòng chứa đầy đồ mà không lộn xộn: chiếc giường, hai cái ghế đẩu, bàn làm việc, tủ quần áo, tủ kéo, một giá sách dựa vào tường với chiếc máy hút bụi hiệu Dyson ở bên cạnh. Giữa giá sách và chiếc cửa sổ bé tí xíu là một hàng các sản phẩm tẩy rửa - cho kính, cho gỗ, cho thảm - bên cạnh một chiếc xô nhựa màu xám thò ra sáu chiếc chổi lông, giống như hình ảnh nhại lại một bình hoa.
Lúc đầu Simon cứ nghĩ các bức tường được phủ giấy dán tường, bởi từng phân một trên tường đều được bao bọc, cả trần nhà nữa. Anh nhanh chóng nhận ra đó không thể là giấy được, không có họa tiết lặp lại. Không có nhà thiết kế nào, dù là cấp tiến nhất, lại tạo ra một thứ rối mắt và kỳ dị thế này. Những tấm ảnh. Simon nhận ra mình đang nhìn vào hàng trăm bức ảnh, được gắn với nhau theo cái cách mà bạn không thể nhìn thấy bất kỳ điểm kết nối nào. Có thể chẳng hề có kết nối, Simon không thể tìm được một mạch mà theo đó một tấm ảnh được bắt đầu và một tấm khác kết thúc. Làm sao mà Kit có thể làm được việc này? Có phải anh ta đã chụp tất cả những tấm ảnh này, và biến chúng thành giấy dán tường, bằng một cách nào đó?
Tất cả đều là ảnh những con đường và tòa nhà, ngoại trừ những tấm ở trên trần. Chúng là ảnh về bầu trời: đơn thuần màu xanh nhợt, màu xanh dương với những sọc mây trắng, màu xám lốm đốm ráng chiều hồng và đỏ, một màu xanh thẳm với vầng trăng khuyết ở một góc, một đường cong màu trắng sáng không đều.
Simon tiến lại gần bức tường hơn, anh đã phát hiện ra một con đường mình biết. Phải, đó là quán rượu Sáu Chiếc Chuông, nằm ở gần quán Sống Và Để sống, nơi anh đã gặp Ian Grint. “Đây có phải là...?” Quay lại để tìm Barbara, anh nhận ra thay vào đó mình đang nhìn vào sách trên giá. Chúng được xếp dọc gọn ghẽ, gáy sách sóng thẳng hàng y hệt nhau. Từ những tiêu đề, Simon thấy rằng chúng có chung một chủ đề.
“Chào mừng tới Cambridge ở Bracknell,” Barbara nói.
Lịch sử của Cambridge, những cuốn sách về nguồn gốc của trường đại học, cuộc đua thuyền, sự cạnh tranh của Cambridge với Oxford, về những người nổi tiếng gắn liền với thành phố, Cambridge và những nghệ sĩ của nó, Cambridge và những nhà văn nó đã truyền cảm hứng, những quán rượu của Cambridge, những khu vườn của Cambridge, những công trình kiến trúc của nó, những cây cầu của nó, những máng nước trong các tòa nhà trường đại học, Một Tuổi Thơ Cambridge, những nhà nguyện nằm trong khuôn viên đại học của Cambridge, Cambridge và khoa học, những gián điệp có liên hệ với Cambridge.
Simon thấy dòng chữ “Pink Floyd” - có phải anh vừa tìm thấy một cuốn sách phá vỡ xu hướng chung không? Không, đó là cuốn Hướng Dẫn Tới Cambridge Có Minh Họa Dành Cho Người Hâm Mộ Pink Floyd.
Ở góc xa của giá sách là một phiên bản sơ khai Từ A Đến Z về thành phố - một cuốn sách cũ, nếu Kit không ở trong căn phòng này từ năm 2003, nhưng trông nó lại mới tinh. Ở chiếc giá bên trên đó, Simon thấy một hàng các cuốn danh bạ điện thoại và sách chỉ dẫn trang vàng về Cambridge.
Đột nhiên, anh nhận ra Barbara đứng sau lưng mình. “Chúng tôi biết thằng bé yêu thích nó,” bà nói. “Chúng tôi chỉ không biết đó lại là một sự ám ảnh bao trùm.”
Simon đang đọc những tấm biển chỉ đường trên những tấm ảnh: Đại lộ De Freville, Đường Hills, Đường Newton, Ngõ Gough, Đường Glisson, Bãi cỏ Grantchester, Đường Alpha, Lối St. Edward’s. Không có Pardoner Lane, hay ít nhất không có gì mà Simon đã thấy. Anh nhìn lên những tấm ảnh chụp bầu trời Cambridge. Nghĩ về Kit Bowskill mười tám tuổi, không hề mong muốn phải ngủ dưới bầu trời Bracknell.
Connie đã nhầm rồi. Cô ta đã nói với Simon rằng anh ta đã yêu một ai đó khi học đại học, một người anh ta không chịu nhắc tới, một người mà sự tồn tại bị phủ nhận thẳng thừng. Vì những lý do rất dễ hiểu, cô ta đã nghi ngờ rằng đó là Selina Gane.
Không phải vậy. Chẳng là ai hết. Tình yêu Kit Bowskill đã cố ý che giấu vợ mình - mạnh mẽ đến mức anh ta không thể cất thành lời được, hay không muốn nói - không dành cho một cư dân riêng lẻ nào của Cambridge. Mà chính là thành phố đó.
Barbara làm công việc hướng dẫn của mình, như đã hứa. “Đây là Fen Causeway - Nigel và tôi thường hay lái xe dọc theo đường này khi chúng tôi tới thăm con. Nhà nguyện King’s College thì có thể cậu đã nhìn ra rồi. Thư viện Wren ở Trinity. Bến xe buýt Đường Drummer...”
Simon chỉ nhận thức được hơi thở của mình và không gì nhiều lắm. Giống như Kit Bowskill bảy năm trước, anh chỉ có thể nghĩ về một điều.
“Cậu có ổn không?” Barbara hỏi. “Cậu trông có vẻ lo lắng.”
Số 18 Pardoner Lane.
Kit Bowskill, người ghét phải thất bại, đã tìm được ngôi nhà hoàn hảo cho mình trong thành phố hoàn mỹ của anh ta. Bố mẹ anh ta không chịu cho số tiền mà anh ta cần, vậy là anh ta không thể mua được nó, nhưng một người khác đã mua nó. Một ai đó đã thành công trong khi Kit thất bại.
Một người mà, lúc ấy, chắc là cảm thấy may mắn lắm.