– Tôi không chắc đôi tai già nua của mình đã nghe rõ những điều ngài vừa kể, thưa chủ nhân. – Erasmus ngả bật ra sau như thể vừa bị tấn công.
Giọng Hafid không giấu nổi sự mỏi mệt:
– Ta nói rằng, đêm hôm qua, trong hầm ngục khủng khiếp đó cực kỳ lạnh, và Paul chẳng có gì trên người ngoài chiếc khố, nên ta đã đưa cho ông ấy tấm áo choàng.
– Nhưng ngài đã giảng ít nhất tám trăm bài diễn thuyết trong suốt những năm qua với chiếc áo choàng cũ sờn rách đó của Jesus bên mình. Biết bao lần tôi nghe ngài nói rằng việc cảm nhận tấm áo đó trên vai vực dậy tinh thần ngài và khiến ngài tràn ngập sự tự tin. Ngài sẽ làm việc ra sao nếu không có nó? Chẳng phải chiếc áo nên quay về với ngài trước buổi diễn thuyết tiếp theo sao?
Hafid nhắm mắt lại và trả lời:
– Với ta, hy vọng được thấy lại chiếc áo ấy rất mong manh, bởi ta e rằng Paul không còn sống được bao lâu nữa. Ngay cả ông ấy, người đã dành cả đời đương đầu với những khó khăn thử thách, cũng phải thừa nhận rằng mình sắp đi đến hồi kết. Hãy để tấm áo ấy vỗ về người bạn nhỏ bé can trường của chúng ta vào những ngày cuối đời.
– Nhưng liệu ngài có thể diễn thuyết mà không cần đến nó không? – Galenus lo lắng hỏi.
– Sẽ không còn cần thiết nữa. Ta biết ông và Erasmus đã vạch kế hoạch tiếp tục đi lên phía Bắc, đến Pisa và Genoa, và có thể là cả Gaul, và ta xin cả hai người thứ lỗi vì quyết định đột ngột này, nhưng sự nghiệp diễn thuyết của ta đã kết thúc rồi. Buổi tối hôm qua đã là lần cuối cùng ta đứng trên bục thuyết trình.
Erasmus bước đến gần hơn và nhìn thẳng vào mắt Hafid.
– Thưa chủ nhân, ngài ốm ư? Tôi tìm thầy thuốc cho ngài nhé?
– Anh quên rằng tối qua ta đã ở cùng với Luke, một thầy thuốc thông thái và giàu kinh nghiệm sao? Không, Erasmus à, ta hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng tối qua sau khi trở về từ nhà ngục ấy, ta không tài nào ngủ được. Những lời nói lúc từ biệt của Paul đè nặng tâm trí và trái tim ta, ta đã quyết định sẽ làm theo lời khuyên sáng suốt của ông ấy khi sức khỏe ta vẫn còn tốt.
– Tôi không hiểu, thưa ngài.
– Tối nay chúng ta sẽ dùng bữa cùng với ngài Sergius Paulus và vợ tại trang viên của ngài ấy, đúng chứ?
– Đúng vậy. Lời mời được chuyển đến cho chúng ta vào tối hôm qua, sau khi ngài và Luke đã đi khỏi.
– Vậy thì ta xin anh hãy nhẫn nại thêm một vài giờ nữa, và ta sẽ nói cho tất cả biết về kế hoạch tương lai của mình trong bữa ăn đó.
***
Trang viên của ngài tổng trấn đã thoái ẩn nép mình trong những ngọn đồi thấp dưới chân núi nằm ở phía Tây con sông Tiber, tuy không lớn bằng cung điện trên đảo Cyprus nhưng có một phòng ăn vô cùng rộng rãi rất được giới quý tộc La Mã ưa thích. Bốn bức tường được mosaic, trần nhà phủ hàng lớp tơ lụa để lộ ra những khe hở mà mỗi ngày người ta đều gài vào đó những bông hoa mới hái. Những bức tượng cẩm thạch mang hình dáng từng vị hoàng đế La Mã đứng sừng sững quanh phòng như để hộ vệ, và ở vị trí trung tâm là chiếc bàn tròn bằng đồng khổng lồ được khảm vàng và ngà voi.
Chỉ có bốn vị khách được mời đến dùng bữa, và cả bốn người đều tập trung tại một góc của chiếc bàn lớn. Sergius Paulus cùng người vợ đầu ấp tay gối bốn mươi năm ngồi ở đầu bàn, mỗi bên là hai người khách. Vợ ông, bà Cornelia, vốn rất hay cười nhưng suốt bữa ăn lại không nói gì nhiều. Ngồi cùng với Hafid, Erasmus và Galenus là nhà thơ, nhà viết tiểu luận, luật sư và nhà hùng biện lừng danh, Seneca, người từng là gia sư của Nero, là quan chấp chính tối cao, và là người điều hành triều đình thực sự suốt nhiều năm trước khi lui về điền trang của mình bốn năm về trước. Rất nhiều món ăn được phục vụ nhưng ông ấy chỉ ăn rất ít, và khi Hafid bày tỏ thái độ cảm thông với chứng khó thở của ông, Seneca đáp rằng ông ấy đã bị hen suyễn nhiều năm và giờ đây tất cả những gì ông làm hằng ngày là luyện tập cách từ giã cõi đời bằng cách nuốt lấy những ngụm cuối cùng mỗi khi hít vào.
Hafid nói:
– Thưa ngài, tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm của ngài, và tôi rất vinh hạnh được ở trong cùng một căn phòng với ngài.
Đôi má nhợt nhạt của Seneca ửng đỏ.
– Ngài thật tử tế khi nói những điều ấy, người bán hàng vĩ đại à, nhưng chính tôi đây mới là người nên biết ơn ngài tổng trấn vì đã cho tôi cơ hội được gặp ngài. Suốt nhiều thập kỷ nay, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ những thành tựu của ngài, trước là trong lĩnh vực buôn bán và bây giờ là trong nghệ thuật hùng biện, và tôi chưa bao giờ dám mơ mộng rằng chúng ta sẽ gặp nhau. Để lên đến đỉnh cao của sự thành công trong hai ngành nghề không hề liên quan, như ngài đã đạt được là một kỳ tích hiếm hoi, và tôi rất nể phục ngài. Tối qua tôi có đến tham dự bài diễn thuyết đầy cảm hứng ấy và vô cùng thích thú lắng nghe thông điệp của ngài. Tôi đồng tình với triết lý của ngài về cách tốt nhất để đối phó với cuộc sống này.
– Xin cảm ơn.
Seneca đưa tay lên và gật đầu.
– Trên hết, tôi khen ngợi sự thành thật của ngài khi mở đầu bài phát biểu bằng cách thừa nhận mình còn phải học hỏi thêm rất nhiều về thế giới vì ngài biết mình chỉ là một mảnh nhỏ trong vũ trụ vô hạn này. Rất nhiều người được xem là thông thái, tâm trí họ căng đầy ý thức sai lầm về giá trị bản thân và họ sẽ không bao giờ thừa nhận rằng tất cả chúng ta chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua giữa cõi vĩnh hằng. Đó quả là một lời thú nhận hiếm hoi khi đến từ một người có thanh thế như ngài.
– Tôi chỉ nói sự thật mà thôi. – Hafid đáp lời. – Và hãy nói tôi nghe, có đúng là ngài không còn dính dáng gì đến những việc ở Rôma nữa không?
Seneca cười khoái trá:
– Tôi đã vất vả suốt nhiều năm vì nỗ lực thuần hóa một con quái vật thành người, và rõ ràng là tôi đã thất bại. Vài năm trước, tôi đã nhượng lại phần lớn tài sản của mình cho Nero để đổi lấy sự chấp thuận của hắn cho tôi rời khỏi chính quyền. Giờ thì tôi sống những ngày trầm lặng suy tư, viết lên giấy da thật nhiều suy ngẫm và kết luận của mình trước khi gã hoàng đế điên cuồng ấy quyết định rằng ngay cả tôi, dù trong những năm tháng sức tàn lực kiệt này, cũng là một mối đe dọa đối với hắn nên tôi phải chết.
Hafid nâng ly rượu.
– Chúng tôi vẫn còn phải học hỏi thêm rất nhiều từ ngài. Cầu chúc ngài có thể sống thêm năm mươi năm nữa.
– Thế còn ngài thì sao, Hafid? – Seneca hỏi sau khi nhấp một ngụm rượu. – Có thật là phần lớn những thành công vĩ đại ngài đạt được đều là nhờ vào những tri thức mà ngài tiếp thu từ mười cuộn giấy da đặc biệt, vốn là một món quà ngài nhận được khi còn trẻ? Có phải ngài đang thu xếp để truyền lại di sản của mình cho đời sau bằng cách sao chép lại vào giấy các nguyên tắc sáng suốt để thành công và sống tốt hơn? Dù cho không bị Nero đe dọa tính mạng ngài như đối với tôi, nhưng ngài ắt cũng nhận ra rằng mình đang tiến gần đến cái ngày định mệnh ấy, cái ngày ngài trút hơi thở cuối cùng của đời mình.
Trước khi Hafid kịp trả lời, Luke xông vào căn phòng, theo sau là hai người đầy tớ vội vã xin lỗi chủ nhân vì sự đường đột xâm phạm. Vị thầy thuốc già thở hổn hển như thể ông đã chạy một quãng đường dài. Những giọt mồ hôi ướt đẫm trán ông.
– Xin thứ lỗi cho tôi vì đã phá hỏng buổi gặp gỡ vui vẻ và bình yên này. – Ông vừa nói vừa thở. – Nhưng tôi rất lấy làm tiếc phải là người báo tin buồn cho các ngài, một tin mà tôi biết các ngài đều muốn biết càng sớm càng tốt.
– Ôi Luke, nhìn ông không còn chút sức lực nào cả. – Sergius lo lắng nói. – Đây, ngồi xuống và bình tĩnh lại. Hay là uống chút rượu nhé?
– Không, thưa ngài. – Luke từ chối, cố gắng kìm nước mắt. – Xin hãy để tôi đứng đây! Tôi vừa trở về từ nhà giam. Ở đó, họ cho tôi biết sáng nay Paul đã bị xét xử và bị kết tội mưu phản chống lại La Mã.
Luke gục đầu xuống.
– Ông ấy bị kết án tử hình và ngay lập tức bị đưa đến một mảnh đất công nhỏ gần đường Ostian và đã bị chém đầu. Ở đó… – ông nức nở, – không hề có nhân chứng hay người thân, bạn bè nào. Tối hôm nay, khi tôi đến đó, họ cho tôi xem những gì còn lại của ông ấy, trong một cái bao bố, và dù mặt trời đã lặn, tôi đã chôn cất người bạn của chúng ta trong vườn của một môn đồ sống gần Praetorium.
– Thế còn chiếc áo choàng đỏ mà ông ấy đang mặc thì sao? – Erasmus lên tiếng hỏi, và ngay lập tức hối hận vì lời nói của mình khi thấy Hafid giận dữ nhìn ông.
Luke lau đi những giọt nước mắt.
– Chỉ… chỉ có những gì còn lại của ông ấy trong bao. Vì quá đau buồn nên tôi không hề hỏi về chiếc áo choàng. Tôi e là nó đã thất lạc mất rồi.
Hafid đứng dậy và nhẹ nhàng đặt tay lên vai Luke. Ông nói với tất cả những người có mặt ở đó:
– Dĩ nhiên, chúng ta hãy thường xuyên cầu nguyện cho Paul, nhưng đừng đánh rơi một giọt nước mắt nào vì buồn đau cho người bạn yêu quý ấy. Tối hôm nay, dù ở đâu, ông ấy cũng sẽ không đổi chỗ với bất kỳ ai trong chúng ta.
– Tôi vô cùng kinh ngạc, lúc nào cũng kinh ngạc, – Seneca nói, – trước thái độ không hề sợ hãi của những tín đồ theo Jesus khi đối diện với cái chết, những cái chết kinh khủng, trong đấu trường, trên đoạn đầu đài, hay thậm chí là bị treo cổ trên thập giá. Suốt nhiều năm trời, tôi đã nghe thấy nhiều tin đồn cáo buộc đến mức tôi chẳng còn muốn đếm nữa, những tin đồn rằng thi thể của Jesus đã được những môn đệ thân cận nhất đưa ra khỏi phần mộ và giấu đi, để rồi tuyên bố ông ấy là Thượng Đế vì đã trở về từ cõi chết. Nhưng rồi mới tuần trước, ngay tại Rôma này, họ đã bảo với Peter, người đàn ông được xem là thân tín nhất với Jesus rằng ông ta sẽ được tha mạng nếu chịu thừa nhận với chính quyền rằng Jesus không hề hồi sinh. Tôi nghe nói Peter đã bị đóng đinh trong tư thế chúi ngược xuống, theo lời thỉnh cầu của chính ông ta, để không chết trong cùng một tư thế với Jesus. Nếu Peter biết rằng thi thể của Jesus đã được lấy ra khỏi mộ – nếu việc đó từng diễn ra thật, thì ắt hẳn ông ta phải rõ. Vậy tại sao ông ta vẫn sẵn sàng chết vì một lời nói dối? Và bây giờ đến lượt Paul tài ba cũng đã phó mặc mạng sống của mình. Tôi không biết! Tôi không hiểu! Có quá nhiều vấn đề liên quan đến việc này mà tôi không hiểu được. Thế nhưng tôi biết rằng nếu mình còn trẻ và cuộc sống hãy còn dài, tôi sẽ tìm kiếm để biết rõ hơn về người đàn ông được gọi là Chúa Jesus này, cùng với những gì ông ta rao giảng.
– Không ai là quá già cả, Seneca à. – Sergius nói. – Chúng tôi luôn mở rộng vòng tay chào đón ngài.
– Chúng tôi? Chẳng lẽ ngài tổng trấn người La Mã xuất chúng của Cyprus sau bao năm tận tụy đã quay lưng lại với những vị thần La Mã rồi sao? Ngài là người của bọn họ ư?
– Đúng vậy.
Seneca lắc đầu, không tin vào tai mình, rồi ông quay sang nhìn Hafid.
– Còn ngài thì sao, người bán hàng vĩ đại nhất trong tất cả những người bán hàng? Ngài cúi mình trước ai?
– Tôi đây từng một thời không cúi đầu trước bất kỳ ai, kể cả Caesar. Nhưng rồi một ngày kia, lâu lắm rồi, tôi cùng ngài Sergius Paulus leo lên ngọn đồi cao nhất, nơi có thể nhìn thấy toàn bộ ngôi làng Nazareth nhỏ bé, sau khi chúng tôi đến thăm mẹ của Jesus. Ngồi ở nơi rất gần với thiên đường ấy, tôi chợt nhận ra công cuộc tìm kiếm một niềm tin có thể dẫn dắt và hỗ trợ tôi đã kết thúc. Tôi biết chắc, không chút mảy may nghi ngờ, rằng trong chiếc túi tôi nhận được từ Mẹ Mary chứa đựng nhiều hơn là chỉ một chiếc áo choàng đỏ của một người truyền giáo đáng thương. Tôi chắc rằng mình đã có trong tay tấm áo choàng lâu nay bảo vệ cơ thể người con của Thượng Đế.
Sergius Paulus rướn người ra phía trước và hôn lên má người bán hàng vĩ đại. Không ai nói một lời nào.
Sau đó, khi Hafid, Luke và Erasmus trên đường trở về đoàn xe, Erasmus ghé người sát vào chủ nhân của mình và hỏi:
– Thế còn tương lai chúng ta thì sao, thưa chủ nhân? Tiếp theo chúng ta sẽ đi đâu?
– Chúng ta sẽ quay về Damascus, – Hafid trả lời, – ngay khi ta có thể sắp xếp mọi việc chu toàn, và ở đó chúng ta sẽ giải tán đoàn lữ hành. Ta dự định sẽ lui về thư viện và dành thật nhiều thời gian mà Thượng Đế cho phép để sao chép lại mười nguyên tắc quan trọng nhất để có cuộc sống hạnh phúc dưới dạng những cuộn giấy da, tương tự như những cuộn bí kíp mà ta đã nhận được khi còn là một cậu bé chăn lạc đà.
– Rồi sau đó…? – Erasmus hỏi.
– Rồi sau đó ta sẽ chuẩn bị để hỗ trợ anh trong việc quản lý một tổ chức những sứ giả nhanh nhẹn, những người có thể phân phát bản sao các cuộn giấy của ta đến mọi ngõ ngách trên thế giới. Bằng cách đó, chúng ta có thể chạm đến hàng triệu người, thay vì chỉ hàng ngàn người đến nghe ta nói.
– Tôi vô cùng vinh dự được giúp đỡ ngài trong công việc vĩ đại này. – Luke nói. – Chữ viết tay của tôi rất rõ ràng, và tôi sẵn lòng chép lại những lời ngài nói vào giấy da.
– Thầy thuốc thân mến, ông có một nhiệm vụ quan trọng hơn nhiều. Hãy thực hiện việc mà Paul đã yêu cầu ông: Viết lại tất cả những gì ông biết về hành trình và những nỗ lực của ông ấy, đồng thời viết lại những gì ông đã học được từ cuộc đời của Chúa Jesus, gồm cả câu chuyện về sự ra đời của Ngài trong cái hang lừa ở Bethlehem mà tối qua ta đã kể ông nghe khi chúng ta trên đường đi về.
– Hafid. – Sergius bỗng kêu lên. – Tôi vừa được ban một ý tưởng tuyệt vời. Ngài có nhớ tôi từng kể với ngài, khi chúng ta ở cùng nhau tại Nazareth nhiều năm về trước, về ngôi nhà mà tôi đã xây trên núi Hermon, một nơi nghỉ dưỡng rất gần với nơi Thượng Đế đã trò chuyện với Chúa Jesus không?
– Tôi nhớ chứ, và không ít lần tôi tiếc vô cùng vì ngài chưa bao giờ chấp nhận lời mời hào phóng của tôi để đến viếng thăm nơi đó.
– Vẫn chưa muộn đâu. Hãy nghe tôi nói, giờ đây tôi đã quá già, không thể lên xuống núi Hermon được nữa, và tôi định sẽ sớm chuyển quyền sở hữu nơi đặc biệt đó cho người chăm sóc của tôi, Stephanas, người đã trung thành phục vụ tôi suốt nhiều năm ở đó. Ở gần với nơi Thượng Đế đã nói chuyện sẽ là môi trường hoàn hảo cho ngài khi cần tập trung để viết mười cuộn giấy.
– Đường đến Damascus từ cảng Sidon cũng gần ngọn núi lắm. – Galenus khích lệ.
– Thế còn Stephanas thì sao? – Hafid hỏi.
– Tôi sẽ gửi chỉ thị viết tay của tôi cho Stephanas và sẽ nhờ ngài đưa đến. Ông ấy sẽ quay về với gia đình ở gần Caesarea Philippi, và ngài sẽ có sự riêng tư tuyệt đối cho đến khi hoàn thành công trình của mình. Đúng là một địa điểm lý tưởng cho công việc vĩ đại nhất của ngài! Ở đó chỉ có những ngọn gió mới khiến ngài phân tâm mà thôi, trừ khi Thượng Đế quyết định trò chuyện với ngài. Sau đó, khi đã hoàn tất, ngài có thể trở về dinh thự của mình ở Damascus cách đó chỉ nửa ngày đường, và Erasmus có thể quản lý quá trình lưu hành những câu chữ đầy cảm hứng của ngài.
Hafid nhìn sang Erasmus, người vẫn giữ im lặng. Đây là một quyết định mà ông sẽ phải tự mình đưa ra.
Sergius Paulus tiếp lời.
– Giờ là cơ hội cuối cùng của ngài đấy, Hafid. Nếu để đến sang năm, Stephanas cùng cả gia đình hẳn đã dọn vào sống trong ngôi nhà đó mất rồi. Hãy đi đi, tôi cầu xin ngài!