Và thế là một đoàn xe được phòng bị nghiêm ngặt lăn bánh rời khỏi Damascus, mang vàng và chứng nhận sang tên đến cho những người quản lý tại mỗi cửa hàng thuộc sở hữu của Hafid. Obed ở Joppa, Reuel ở Petra và nhiều, nhiều nữa – mỗi người quản lý đều nhận được phần quà của mình, cùng thông báo nghỉ hưu của Hafid trong sự sửng sốt đến câm lặng. Sau cửa hàng cuối cùng ở Antipatris, nhiệm vụ của đoàn xe kết thúc.
Đế chế thương mại hùng mạnh nhất thời ấy đã không còn!
Với trái tim nặng trĩu nỗi buồn, Erasmus nhắn lời đến ông chủ rằng nhà kho đã được dọn sạch, và những cửa hàng cũng không còn thuộc sở hữu của ông nữa. Người đưa tin trở lại cùng yêu cầu của ông chủ bảo Erasmus ngay lập tức đến gặp ông bên đài phun nước trong dinh thự.
Hafid chăm chú quan sát gương mặt ông bạn già và hỏi:
– Xong cả rồi chứ?
– Tất cả đã xong, thưa ngài.
– Đừng đau khổ, anh bạn. Hãy đi theo ta.
Cả căn phòng khổng lồ chỉ vang lên tiếng bước chân của hai người khi Hafid dẫn Erasmus lên lối cầu thang bằng cẩm thạch ở phía sau. Khi đi ngang một bình hoa cô quạnh đặt trên một chân đế gỗ cam cao, ông bước chậm lại để ngắm những tia nắng biến màu thủy tinh từ trắng thành tím nhạt. Gương mặt già nua của ông khẽ nở một nụ cười.
Rồi hai ông bạn già tiếp tục trèo lên những nấc thang dẫn đến căn phòng mái vòm. Erasmus nhận ra người gác cổng vẫn thường hiện diện tại đây bao năm qua đã biến mất. Cuối cùng, họ cũng leo tới chiếu nghỉ đầu tiên. Cả hai tạm dừng chân một lúc vì quá mệt, rồi họ tiếp tục leo hết các bậc thang lên tới đỉnh, và Hafid rút từ thắt lưng ra một chiếc chìa khóa nhỏ. Ông mở khóa cánh cửa bằng gỗ sồi nặng trịch, rồi dùng cả người đẩy nó vào. Erasmus vẫn còn chần chừ ngoài cửa. Tới khi ông chủ ra hiệu cho vào, ông mới e dè bước vào căn phòng mà suốt hơn ba thập kỷ qua chưa từng một ai được phép bước vào.
Từng tia sáng mờ ảo, ám bụi len lỏi qua các khe hở mái vòm. Erasmus bám chặt lấy cánh tay của Hafid cho tới khi đôi mắt của ông quen với không gian tranh tối tranh sáng trong phòng. Erasmus chầm chậm nhìn quanh căn phòng trống rỗng. Trong phòng chẳng có gì khác ngoài một chiếc rương gỗ tuyết tùng nằm trong góc, được ánh nắng rọi thẳng xuống. Hafid nở nụ cười nhẹ, quan sát ông bạn già.
– Anh thất vọng sao, Erasmus?
– Tôi không biết nói gì, thưa ngài.
– Anh không thấy thất vọng vì nội thất trong căn phòng này sao? Thứ ta cất giấu bên trong căn phòng này ắt đã là chủ đề bàn tán của rất nhiều người. Bản thân anh chưa bao giờ thắc mắc rằng ta cất gì trong đây mà phải canh gác cẩn mật bao lâu nay thế sao?
Erasmus gật đầu:
– Đúng là đã có nhiều lời đồn đại về thứ ngài cất giữ trong tòa tháp này.
– Phải, anh bạn, chính ta cũng đã được nghe khá nhiều. Người ta kháo nhau rằng trong này có những thùng đầy kim cương, vàng thỏi, các loài thú hoang dã hay giống chim muông hiếm có trên đời. Có lần, một tay lái buôn người Ba Tư còn cho rằng ta giấu cả một hậu cung tại đây. Cái ý tưởng đó đã làm Lisha phải bật cười. Thế nhưng, như anh thấy đấy, chẳng có gì trong này ngoại trừ một chiếc rương nhỏ. Anh tiến lên đây đi.
Hai người đàn ông cúi xuống bên chiếc rương và Hafid cẩn thận gỡ những sợi dây da quấn quanh nó. Ông hít sâu mùi gỗ tuyết tùng, rồi bật nắp chiếc rương lên. Erasmus nghiêng người về phía trước, nhìn qua vai Hafid để nhìn vào bên trong chiếc rương. Rồi ông quay nhìn Hafid và lắc đầu bàng hoàng. Trong rương chẳng có gì ngoài vài cuộn giấy da cũ kỹ.
Hafid thò tay vào rương và nhẹ nhàng lấy ra một cuộn. Ông nhắm nghiền mắt lại và ôm cuộn giấy vào ngực trong giây lát. Sự bình an tỏa lan trên khuôn mặt ông, xóa nhòa những nếp nhăn tuổi tác. Rồi Hafid đứng thẳng dậy, chỉ tay vào chiếc rương.
– Dù căn phòng này có đầy ngập kim cương đi chăng nữa thì giá trị của chúng cũng không thể nào hơn được thứ bên trong cái rương giản dị này. Tất cả thành công, hạnh phúc, tình yêu, sự thanh thản trong tâm hồn và của cải mà ta có đều trực tiếp đến từ những cuộn giấy này đây. Ta mắc nợ những cuộn giấy này, cũng như con người thông thái đã tin tưởng giao chúng cho ta gìn giữ, một món nợ không thể đền đáp.
Giật mình trước cách nói của Hafid, Erasmus lùi lại và hỏi:
– Đây là bí mật mà ngài nói đến sao? Có phải cái rương này có liên quan đến lời hứa của ngài không?
– Phải, và phải.
Erasmus quẹt vội mồ hôi rịn ra trên trán và nhìn Hafid đầy ngờ vực:
– Điều gì nằm trong những cuộn giấy này mà giá trị còn hơn cả kim cương?
– Tất cả những cuộn giấy này, trừ một cuộn, đều chứa đựng một nguyên tắc, một điều luật hoặc một sự thật căn bản, được viết theo lối độc nhất vô nhị để giúp người đọc hiểu được ý nghĩa của chúng. Để trở thành bậc thầy trong nghệ thuật kinh doanh, phải học và luyện tập những điều bí mật trong từng cuộn giấy. Bất kỳ ai làm chủ được những nguyên tắc này đều có thể giàu đến bất cứ mức nào họ muốn.
Erasmus chăm chú nhìn vào những cuộn giấy cũ.
– Kể cả giàu có như ngài?
– Giàu hơn nhiều, nếu người đó muốn.
– Ngài nói rằng tất cả, ngoại trừ một cuộn giấy, đều ghi chép những nguyên tắc bán hàng. Vậy cuộn giấy cuối cùng đó chứa đựng điều gì?
– Anh gọi nó là cuộn cuối cùng, nhưng nó lại là cuộn phải đọc đầu tiên. Mỗi cuộn đều được đánh số để được đọc theo một thứ tự đặc biệt. Và từ trước đến giờ, bí mật trong cuộn giấy đầu tiên chỉ được truyền lại cho một số rất ít những người thông thái. Thật ra, nội dung của cuộn giấy đầu tiên chính là cách hiệu quả nhất để hiểu hết nội dung của những cuộn giấy còn lại.
– Có vẻ đây là một việc nhẹ nhàng mà ai cũng làm được.
– Phải, chỉ cần chịu đầu tư thời gian và sự tận tâm học hỏi đến khi từng nguyên tắc ăn sâu vào tính cách, vào thói quen trong cuộc sống là được.
Erasmus cẩn thận cầm một cuộn giấy từ trong chiếc rương ra và hỏi Hafid:
– Thứ lỗi cho tôi, thưa ông chủ, nhưng tại sao ngài lại không chia sẻ những nguyên tắc này với những người khác, nhất là những người đã phụng sự ngài rất lâu? Ngài luôn hào phóng trong mọi dịp khác, vậy tại sao ngài không cho những nhân viên của mình cơ hội học tập những nguyên tắc này để trở nên giàu có? Hoặc ít nhất thì họ cũng có thể nâng cao khả năng kinh doanh. Tại sao bao năm qua ngài chỉ giữ những bí quyết này cho riêng mình?
– Ta bắt buộc phải làm vậy, vì nhiều năm về trước, khi những cuộn giấy này được giao vào tay ta, ta đã phải lập lời thề rằng chỉ được chia sẻ những kiến thức này với một người duy nhất. Đến bây giờ ta vẫn chưa hiểu tại sao. Ta cũng được dặn chỉ một mình ta được áp dụng những nguyên tắc này, đến khi có người cần sự giúp đỡ và hướng dẫn từ những cuộn giấy này nhiều hơn ta khi xưa. Ta còn được dặn rằng dù có thể chính người đó cũng không biết rằng mình đang cần đến những cuộn giấy này, nhưng sẽ có một vài dấu hiệu giúp ta nhận ra họ.
Ta đã kiên nhẫn chờ đợi, và trong khi chờ đợi, ta đã áp dụng những nguyên tắc này đúng như cách ta được cho phép. Với những kiến thức này, ta đã trở thành người được mệnh danh là “Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới”, như người đã truyền lại những cuộn giấy này cho ta vào thời của họ. Erasmus, giờ thì có lẽ anh đã hiểu tại sao trong những năm qua, đôi khi ta có một vài hành động có vẻ kỳ quặc và vô ích, nhưng cuối cùng lại thành công. Những hành động và quyết định của ta luôn được dẫn dắt bởi những điều được ghi trong các cuộn giấy này. Vì thế, việc chúng ta thu được nhiều của cải như vậy không phải chỉ nhờ vào trí tuệ của mình ta. Ta cũng chỉ là một công cụ để hoàn thành một công việc mà thôi.
– Ngài có tin rằng rồi sẽ có một người xuất hiện để nhận lấy những cuộn giấy da này sau ngần ấy năm không?
– Ta tin.
Hafid nhẹ nhàng xếp lại những cuộn giấy vào rương và đóng nó lại. Quỳ trước chiếc rương, ông khẽ thì thầm:
– Anh có sẵn lòng ở bên ta cho đến ngày đó không, Erasmus?
Erasmus vươn tay qua màn ánh sáng mờ mờ, nắm lấy tay ông chủ, khẽ gật đầu và lặng lẽ rút lui khỏi căn phòng như thể nhận được một mệnh lệnh ngầm từ chủ. Hafid khóa các sợi đai da quanh chiếc rương lại như cũ, rồi đứng dậy bước đến phía một vọng gác nhỏ. Ông băng qua đó và đi về hàng hiên bao quanh mái vòm.
Một cơn gió từ phía Đông đưa mùi hương từ những hồ nước và sa mạc khô cằn ngoài xa kia đến với Hafid. Từ trên cao phóng tầm mắt xuống từng lớp mái nhà ở Damascus, Hafid nở nụ cười, tâm trí miên man trở về nhiều năm trước…