GIÀU CÓ LÝ DO CỦA GIÀU, NGHÈO CHỈ LÀ VÌ “SỐ NGHÈO”?
Nếu muốn thoát khỏi nghèo khó, đầu tiên phải thay đổi quan niệm, đừng cho rằng tích góp tiền của có thể khiến bạn trở nên giàu có, cũng đừng cho rằng có chút tiền là có thể huênh hoang, tiêu xài quá độ. Người thông minh biết dùng tiền đúng chỗ cần thiết, họ dùng tiền tạo mối quan hệ, dùng tiền để đẻ ra tiền, đây mới là quan niệm đúng đắn. Giàu có lý do của giàu, nếu như bạn bảo thủ, không thay đổi quan niệm kiếm tiền, thì chỉ có thể chịu số nghèo suốt đời.
1
TIỀN NÊN DO KIẾM ĐƯỢC MÀ CÓ, KHÔNG NÊN DO TIẾT KIỆM MÀ CÓ
Tiền nhiều là kiếm được mà có, chứ không phải tiết kiệm mà có. Thái độ đối với tiền bạc của những người có tiền và những người không có tiền không giống nhau. Người không có tiền cho rằng muốn trở nên giàu có, trước tiên không để tiền bạc trong tay bị một chút tổn thất nào. Do đó sau khi họ có được một phần tài sản nhất định, họ luôn nghĩ cách để cất giữ tài sản đó. Nhưng họ lại không biết, chính cách nghĩ và cách làm như vậy đã khiến bản thân họ mất đi rất nhiều cơ hội tốt để trở nên giàu có. Trong khi đó, người giàu suy nghĩ rất khác, bất kể họ có bao nhiêu tiền, kiếm được bao nhiêu tiền, họ đều không cho rằng đó là cái đích cuối cùng trên con đường chinh phục của cải của họ. Họ sẽ nỗ lực tìm kiếm tất cả các cơ hội có thể kiếm tiền, để tiền đã có trong tay tiếp tục đẻ ra tiền, để tài sản của họ giống như quả bóng tuyết vậy, càng lăn càng to ra.
Không có ai dựa vào việc tích góp tiền mà trở thành tỷ phú cả. Người ta thường nói “tiết kiệm không bằng kiếm tiền”, chính là đạo lý này. Do đó, chỉ có biết cách kiếm tiền, học được cách kiếm tiền, dám kiếm tiền, mới có thể có được thật nhiều của cải.
Mà người chỉ biết tiết kiệm, không biết kiếm tiền, thì cũng coi như không thể làm giàu.
Câu chuyện về một doanh nhân Mỹ dưới đây đã chứng minh rất rõ quan điểm “tiết kiệm không bằng kiếm tiền” này.
George Peabody sinh ra ở vùng Danvers bang Massachusetts, Peabody là con thứ hai trong gia đình, ông còn có một người anh trai và sáu đứa em cả trai lẫn gái. Thời còn nhỏ, để duy trì cuộc sống cơ bản nhất của gia đình mười miệng ăn, cha của Peabody phải làm việc quần quật ở nông trường từ sớm tới khuya, thỉnh thoảng còn phải đi sửa giày cho người khác để kiếm thêm chút thu nhập bên ngoài. Dù như vậy thu nhập cha Peabody kiếm được cũng khó lòng đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. May mắn thay mẹ của Peabody là một người phụ nữ tháo vát, rất biết thu vén việc nhà, nên gia đình Peabody cũng vẫn có thể trụ vững qua ngày.
Thế nhưng tám đứa con dần dần lớn lên, áp lực của cha Peabody càng ngày càng lớn, ông đã không thể một mình nuôi nổi mười người được nữa. Một hôm, cha của Peabody nói với con trai cả: “Con à, tình hình trong nhà chắc hẳn con cũng rất rõ, cuộc sống càng ngày càng khó khăn, nếu như vẫn dựa vào một mình cha, thì con và các em trai, em gái của con sẽ chẳng mấy chốc mà chết đói. Cha biết con vẫn chưa trưởng thành, nhưng thật sự không còn cách nào khác, cha không thể nào cho con điều kiện sống tốt hơn, con chỉ có thể ra ngoài mưu sinh, tự mình nuôi sống mình thôi. Đương nhiên, nếu như con có thể kiếm được tiền, thì đừng quên chăm sóc các em trai, em gái của con. Trước khi con đi, cha muốn nói với con mấy lời, có lẽ những lời này sẽ giúp đỡ rất lớn cho cuộc sống tương lai của con, thậm chí cha hi vọng tương lai con có thể giúp gia đình chúng ta thoát khỏi đói nghèo”.
Anh con cả nghiêm túc lắng nghe từng lời cha nói. Cha của Peabody yên lòng nhìn đứa con trai lớn hiếu thảo của mình, ngập ngừng chốc lát, rồi buồn bã nói tiếp: “Trước đây một mình cha kiếm tiền nuôi cả nhà, mặc dù thu nhập ít ỏi, cũng may mẹ các con rất biết tiết kiệm, nên chúng ta mới không đến nỗi chịu đói chịu rét. Nhưng cha muốn nói là, mẹ các con biết tiết kiệm mấy đi nữa, nếu như cha không thể kiếm được nhiều tiền hơn, cả nhà chúng ta sẽ không thoát khỏi hiện trạng nghèo khó. Chẳng phải chúng ta vẫn sống như vậy mấy năm nay rồi sao? Cho nên cha để con ra ngoài lăn lộn, không chỉ là để nuôi sống bản thân con, càng hi vọng con có thể rèn luyện và nâng cao khả năng của bản thân con. Dù sao cha và mẹ đều có tuổi cả rồi, mấy năm nữa có lẽ sẽ không làm nổi những công việc nặng nhọc nữa, không nuôi nổi gia đình nữa. Con thì khác, con còn trẻ, có tương lai, chỉ cần con can đảm cẩn trọng, dám xông xáo, dám gánh vác, tương lai có một ngày chắc chắn con sẽ thành công, hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp, không phải lo lắng vì cái ăn cái mặc nữa”.
Peabody đã nấp sau cánh cửa và nghe hết cuộc nói chuyện của cha và anh cả, mặc dù lúc đó tuổi còn nhỏ, Peabody không hiểu hết ý nghĩa những câu nói của người cha, nhưng Peabody đã ghi nhỡ kĩ càng một câu nói của cha - Cứ cho là mẹ con thu vén việc nhà, nhưng có tiết kiệm tiền thế nào đi chăng nữa, cũng không bằng nghĩ cách kiếm nhiều tiền hơn, như thế sẽ vững chắc hơn.
Năm Peabody chín tuổi, cha cậu qua đời, từ đó gánh nặng gia đình toàn bộ đè lên vai người anh trai Peabody, ít lâu sau mẹ của Peabody cũng già yếu đi rất nhiều. Năm Peabody mười một tuổi, cuộc sống trong nhà càng thêm túng quẫn, vì vậy Peabody quyết định bỏ học để cùng với anh trai làm việc kiếm tiền nuôi sáu đứa em còn lại.
Hoàn cảnh khó khăn như vậy đã tôi luyện cho Peabody tính cách kiên cường, cái chết của người cha khiến cậu từ một cậu bé non nớt trở nên cứng rắn và bản lĩnh như một chàng trai sẵn sàng đội trời đạp đất vậy, dù bản thân rơi vào nghịch cảnh, vẫn có thể sống ung dung.
Mấy năm học ở trường học, Peabody đã luyện viết chữ rất đẹp, hơn nữa vô cùng thông minh, làm việc gì cũng nghiêm túc cẩn thận, phản ứng nhanh nhạy, có chút tiếng tăm trong vùng. Một thương nhân người Anh tên là Silvester mở một cửa hàng tạp hóa đã vui vẻ nhận Peabody tới học việc, Silvester rất quý Peabody, nên đã dạy cậu cách quản lý cửa hàng tạp hóa.
Năm 1811, anh trai của Peabody mở một cửa hàng bán vải ở Newburypor, phía đông bắc Massachusetts, Peabody từ biệt Silvester tới giúp đỡ anh trai, kết thúc thời gian học việc bốn năm. Điều không may là, tiệm vải mới kinh doanh được mấy tháng thì gặp phải một trận hoả hoạn lớn, bị cháy sạch. Không lâu sau, Peabody hưởng ứng lệnh nhập ngũ, tham gia chiến tranh Anh - Mỹ năm 1812, được bố trí vào đội tuần tra bờ sông ở Potomac, cậu đã luôn kiên cường ở vị trí của mình trong suốt ba năm. Năm 1815, sau khi chiến tranh kết thúc, Peabody mười chín tuổi đã góp vốn với người bạn Riggs thành lập một công ty ở Philadelphia, chuyên kinh doanh hàng hoa quả khô, từ đó về sau, Peabody đã chuyển hướng làm ăn tới nước Anh. Peabody vốn có tư chất thông minh, lại rất chịu khó, mấy năm sau, công việc làm ăn của Peabody càng ngày càng lớn, và tiền cũng kiếm được ngày càng nhiều.
Năm 1837, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế, Peabody đã nhìn ra cơ hội, thu mua lượng lớn chứng khoán Mỹ với giá thấp, sau khi khủng hoảng kinh tế qua đi, Peabody lại bán trái phiếu trong tay với giá cao, kiếm được một khoản tiền lớn, đồng thời chuyển công ty tới London, và còn thành lập một công ty tài chính. Từ đó về sau, Peabody phát triển không thể kìm nổi, không những tạo được danh tiếng trong giới tài chính, mà còn lọt vào danh sách những người giàu có của thế giới.
Cuộc đời George Peabody đầy huyền thoại, nếu nói một câu để tổng kết con đường làm giàu của ông, thì đó chính là: “Nếu như bạn không nghĩ cách để tiền của bạn sinh sôi, làm cho nó không ngừng mang lại lợi nhuận, thì bạn sẽ bị của cải đẩy ra ngoài cửa”.
Nói về khả năng kiếm tiền, không ai có thể phủ nhận khả năng kiếm tiền thiên tài của người Do Thái, để nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người giàu, họ thường lựa chọn ngành nghề thu hồi vốn khá nhanh, sau đó dồn sự tập trung vào việc “giành hợp đồng”. Người Do Thái lưu truyền một câu chuyện như sau:
Trước cửa một cửa hàng bách hóa tổng hợp vừa mới mở, một người đang chăm chú ngắm nhìn những sản phẩm bày bán la liệt trong cửa hàng sang trọng. Lúc đó, từ nơi không xa, anh ta nhìn thấy một người đàn ông đang hút xì gà. Thế là, người này bèn đi tới phía trước người đàn ông, tò mò hỏi: “Ông này, xì gà của ông rất thơm, có lẽ rất đắt phải không?”, người đàn ông kia cười và nói: “hai đô la một điếu”. Người kia trong lòng thấy ngạc nhiên, lại hỏi tiếp: “Vậy một ngày ông hút mấy điếu vậy?”. Người đàn ông hút xì gà lại chậm rãi trả lời: “10 điếu đó”. “Trời đất! Ông hút bao lâu rồi?”,” Đã hút từ 30 năm trước rồi”, “Trời ạ! Ông tính kỹ thử coi, nếu như ông không hút thuốc, thì số tiền đó đã đủ để mua cửa hàng bách hóa tổng hợp này rồi!”, người đàn ông hút xì gà cười và hỏi ngược lại: “Nói như vậy, ông cũng thích hút thuốc phải không?”, người này nói: “Tôi không hút thuốc”. Người đàn ông hút xì gà lại hỏi: “Vậy thì, ông đã mua cửa hàng bách hóa tổng hợp này rồi phải không?”, người đó trả lời: “Không”. Người đàn ông đó cười và nói: “Nói cho ông biết nhé, cửa hàng bách hóa tổng hợp ông nói là của tôi đó”.
Muốn thu được nhiều của cải hơn, hãy nghĩ cách làm sao để kiếm nhiều tiền hơn chứ không phải là nghĩ cách làm sao để tiết kiệm nhiều tiền hơn. Từ xưa tới nay, những người giàu có không một người nào không vắt óc nghĩ cách kiếm tiền, bởi vì họ hiểu rõ, chỉ dựa vào tiết kiệm tiền thì vĩnh viễn không thể làm giàu.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Cách thức để có được của cải chính là nỗ lực không ngừng kiếm tiền, chứ không phải là tiết kiệm. Tiết kiệm và dành dụm đúng là một thói quen đáng khen, nhưng nếu chỉ biết tiết kiệm tiền sẽ khiến con người trở nên bảo thủ, hài lòng với hiện tại, một khi như vậy, cuộc sống của bạn sẽ bị đóng dấu nghèo khó. Lúc đó cho dù có cơ hội ngay trước mặt bạn, bạn cũng sẽ mất đi sự can đảm để theo đuổi giàu có, từ đó để lãng phí thời cơ tốt. Chỉ có làm cho đồng tiền ở trong tay luân chuyển sinh sôi, đồng thời có ham muốn làm giàu mãnh liệt, bạn mới có thể thoát khỏi nghèo khó, trở thành một người giàu chân chính.
2
KIẾM TIỀN PHẢI ƯU TIÊN, TIÊU TIỀN PHẢI SUY NGHĨ
Người không có đầu óc kiếm tiền thường nói: “Một chút tiền như vậy thì làm được gì? Có cũng như không, tiêu đi cho xong”. Người có đầu óc kiếm tiền thì sẽ nói: “Mình phải làm cho một đồng này của mình biến thành một trăm đồng”.
Ai cũng đều có sẵn một chút tiền dư. Một số người lựa chọn gửi nó vào ngân hàng, hoặc mua sắm thêm các đồ vật dụng cụ trong nhà, dù có đầu tư thì cũng đầu tư vào lĩnh vực có lãi thấp để đảm bảo an toàn. Nhưng chưa bao giờ có người nào đem gửi tiền vào ngân hàng để làm giàu.
Người giỏi về đầu tư có thể làm cho tiền đẻ ra tiền, tích lũy qua ngày tháng, tất sẽ trở thành người giàu thực sự.
Có một tỷ phú phải đi vắng mấy năm, trước khi đi ông đem một phần tài sản của mình chia đều thành ba phần, giao cho ba người làm công tin cậy trong nhà, để họ tự bảo quản và sử dụng.
Trước khi đi, tỷ phú nói với họ, hãy sử dụng số tiền được giao thật tốt, đợi hai năm sau trở về ta xem ba người sống như thế nào.
Người làm công thứ nhất cầm số tiền này đi theo một cao thủ đầu tư trong thị trấn tiến hành các kiểu đầu tư.
Người làm công thứ hai dùng số tiền này mua nguyên liệu, thuê một nhà xưởng, sản xuất mấy mặt hàng để bán.
Người làm công thứ ba lại không đầu tư, cũng không sản xuất, mà dùng tiền để mua một căn nhà lớn và một chiếc xe sang.
Hai năm sau, tỷ phú kia quay trở lại, ông gọi ba người làm công tới trước mặt, số tiền trong tay người làm công thứ nhất và người làm công thứ hai nhiều hơn mấy lần so với trước, phú ông rất hài lòng, tặng toàn bộ số tiền dôi ra cho hai người họ.
Khi hỏi tới người làm công thứ ba, anh ta ngập ngừng, không dám trả lời, bởi vì chỉ có mỗi anh ta là của cải không tăng thêm chút nào. Anh ta giải thích với ông chủ: “Tôi cũng không biết phải làm gì, lo sợ một khi mang tiền đi đầu tư rồi sẽ gặp tổn thất, cho nên, đã mua nhà và mua xe rồi ạ!”.
Tỷ phú nghe xong vừa thất vọng vừa tức giận, lớn tiếng mắng: “Cậu không biết tận dụng cơ hội cho tốt. Ta rất thất vọng”. Sau đó sa thải anh ta.
Người làm công thứ ba trong câu chuyện không biết cách tận dụng của cải trong tay, đã hoàn toàn lãng phí nguồn tài nguyên, cuối cùng rơi vào kết cục bị sa thải.
Thói quen chi tiêu của người nghèo là có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, tầng lớp trung lưu thì tiêu dùng trước, đầu tư sau, còn người giàu thì làm cho tiền đẻ ra tiền, đầu tư trước rồi tiêu dùng sau. Thật ra có tiền hay không, có bao nhiêu tiền không hề quan trọng, quan trọng là bạn có quan niệm quản lý tài sản đúng đắn hay không. Chỉ cần có chút kiến thức về quản lý tài sản, quan niệm đầu tư đúng đắn và sự kiên nhẫn bền bỉ, thì không cần có bằng cấp cao, chỉ số thông minh cao, cũng có thể tận dụng việc quản lý tài sản để làm giàu.
Warren Buffett là tỷ phú tầm cỡ thế giới, bí quyết làm giàu của ông chính là đem tiền đầu tư vào cổ phiếu. Giống như nhiều đứa trẻ Mỹ bình thường khác, Warren Buffett cũng bắt đầu kiếm sống bằng nghề đưa báo. Tuy nhiên có điểm khác là, Warren Buffett hiểu giá trị của tiền bạc hơn những người bình thường khác.
Warren Buffett trân trọng mỗi đồng tiền không dễ kiếm được của mình. Khi nhìn chiếc ti vi giá 400 đô la được bán trong cửa hàng, thứ Warren Buffett nhìn thấy không phải là cái giá 400 đô trước mắt, mà là giá trị thu về của 400 đô đầu tư sau 20 năm nữa. Warren Buffett thà đầu tư 400 đô, chứ không mua ti vi. Cách nghĩ như vậy khiến Warren Buffett không tiêu tiền một cách tuỳ tiện phí phạm vào những vật phẩm không cần thiết.
Bất động sản, cổ phiếu,... thường là cách thức mà những người có tiền gửi tài sản, còn đem tiền bỏ trong két sắt hoặc gửi ngân hàng thường là cách gửi tài sản của những người không có tiền. Do đó có thể thấy, cách nhìn về tiền bạc của mỗi người là không giống nhau; Sự khác biệt về phương thức quản lý tài sản, càng khiến cho khoảng cách giàu nghèo của chúng ta giãn rộng hơn.
Cuộc sống không hề thiếu nguồn của cải, mà là thiếu con mắt tinh tường phát hiện ra của cải. Có người thường không để tâm mà lãng phí mất nguồn của cải bên mình, đợi tới khi phát hiện ra thì đã muộn. Ở một mức độ nào đó, phần lớn con người dễ mất phương hướng khi đối mặt với sự giàu có, sa vào hưởng lạc khi sự nghiệp khởi phát, thích so đo chạy theo thời thượng, cố giữ tài sản sau khi sự nghiệp có thành tựu. Dù không mắc các căn “bệnh khó chữa” ở trên, nhưng ít nhiều chúng ta cũng có những khi tiêu tiền như nước, tiêu tiền không có kế hoạch. Không chỉ là của cải vật chất, mà sự lãng phí thời gian, tuổi thanh xuân, càng khiến người ta nối tiếc khôn nguôi.
Niềm vui mừng của những sinh viên vừa mới tốt nghiệp đi làm sau khi được lĩnh tháng lương đầu tiên là có thể tưởng tượng được, và tâm lý tiêu xài vội vã sau đó cũng có thể hiểu được. Họ mua những thứ mà khi còn đi học không mua nổi, thuê một phòng trọ tốt hơn, sau đó sống cuộc sống thoải mái tự do tự tại của người tự kiếm được tiền. Dần dà, sẽ tạo thành thói quen tiêu xài không kiểm soát, thậm chí quên mất tích lũy, đầu tư. Còn khát vọng hoàn thiện bản thân mà ban đầu có thể nghĩ tới, cũng bị ném lên chín tầng mây, đến khi tỉnh ngộ ra có lẽ đã qua tuổi tứ tuần.
Sau khi tích lũy một số vốn nhất định, bản thân mình cũng trở nên có vị thế trong các bạn bè và đồng nghiệp, lúc này phải tránh sự ganh đua một cách mù quáng. Một khi tạo nên thói quen ganh đua, thì đồng thời với việc hoang phí của cải vật chất, cũng khiến cho con người trở nên nôn nóng, túng quẫn, thậm chí ảnh hưởng tới mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, hại người hại mình.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Dù là vừa mới đi làm, hay sự nghiệp đã có thành tựu, nếu muốn đạt được nhiều của cải hơn, chúng ta đều phải học cách phân phối tài sản một cách hợp lý, tuyệt đối tránh hoang phí. Phải tạo thành thói quen quản lý tài sản, có thể làm như sau:
1. Làm tốt công tác dự toán, tính toán các khoản nợ. Căn cứ vào nhu cầu, hàng tháng đưa ra dự toán cho bản thân mình, khi quyết toán cuối tháng, tổng kết đối chiếu so sánh, điều này giúp bạn nắm được trọng điểm chi tiêu của bản thân nằm ở đâu.
2. Nâng cao khả năng vượt qua cám dỗ. Đứng trước tủ kính hàng bày la liệt, kệ áo muôn màu rực rỡ, đèn điện sáng trưng, cần tuân theo nguyên tắc chi tiêu hợp lý. Chiến thắng cám dỗ, có thể giảm đi không ít khoản chi, tránh phải hối hận sau đó.
3. Cất kỹ thẻ tín dụng. Cần phải coi thẻ tín dụng là công cụ ứng phó nhu cầu bức thiết, chứ không phải ví tiền chi tiêu hằng ngày, nếu không bạn sẽ dung túng cho căn bệnh vung tay quá trán, mỗi năm sẽ hoang phí một số tiền không nhỏ.
4. Kết giao với một số người bạn biết cách tiết kiệm. Tiết kiệm khác với keo kiệt bủn xỉn, bạn bè tụ tập thoải mái là được, không cần thiết phải ra tay hào phóng, có thể chia đều là tốt nhất, tránh phải mời tới mời lui, rồi bắt đầu so bì, ganh đua.
3
THÀNH CÔNG LỚN NHẤT LÀ SỐNG MẠNH KHỎE
Trong xã hội hiện đại có nhịp độ phát triển nhanh như vũ bão hiện nay, rất nhiều người phải bận bịu bôn ba vì cuộc sống, vì ước mơ. Có một số người khi phấn đấu vì ước mơ, thường bất chấp lao lực, hao phí rất nhiều sức lực để “chiến đấu”, đến khi không còn chịu nổi mới quan tâm tới sức khỏe của bản thân, nhưng khi sức khỏe vừa mới hồi phục lại bắt đầu liều mạng bôn ba giống như trước, tình trạng này chính là đang “làm việc bán mạng”. Nhưng đối với một số người khác, họ hiểu tiền phải được dùng cho sức khoẻ, cho dù bận mấy đi nữa họ cũng phải dành thời gian luyện tập, duy trì thói quen vận động tốt, họ hiểu “Sức khỏe là vốn để thay đổi số phận”.
Lý Gia Thành lúc mười mấy tuổi đã mồ côi cha, gia cảnh nhà Lý Gia Thành cũng không được tốt, ông đã sớm phải gánh vác trọng trách nuôi gia đình. Lý Gia Thành khi còn nhỏ tuổi đã phải ra ngoài xã hội mưu sinh, đi làm công ở khắp mọi nơi, sau đó Lý Gia Thành bằng sự cần cù hiếu học, trải qua mấy chục năm cố gắng nỗ lực, cuối cùng đã thành tỷ phú châu Á, có được thành tích khiến người người kính phục.
Khi tổng kết kinh nghiệm thành công của Lý Gia Thành, người ta đã phát hiện, trong mấy chục năm bôn ba kiếm tiền, Lý Gia Thành luôn duy trì sức lực dồi dào, dù đã ngoài tám mươi, cơ thể vẫn khỏe mạnh, hơn nữa thể lực và tinh thần cũng vẫn dồi dào.
Trả lời câu hỏi này, Lý Gia Thành nói: “Cơ thể chính là nguồn vốn để thay đổi số phận, chỉ có cơ thể khỏe mạnh, sự nghiệp mới phát triển, cho nên, từ trước tới nay tôi luôn rất coi trọng tình hình sức khỏe của bản thân. Cho dù trước đây khi gia cảnh khốn khó, tôi cũng chưa từng đùa với sức khỏe của mình, bởi vì tôi biết, một khi sức khỏe suy sụp rồi, tôi sẽ thất bại thật sự”.
Thật khâm phục câu nói này của Lý Gia Thành: “Tôi cũng chưa từng đùa với sức khỏe của mình, bởi vì tôi biết, một khi sức khỏe suy sụp rồi, tôi sẽ thất bại thật sự”. Từ câu nói này có thể nhìn thấy trí tuệ sáng suốt của ông. Thật ra ai cũng biết tầm quan trọng của sức khỏe, nhưng thật sự có thể thực hành những việc tốt cho sức khỏe lại chẳng được bao nhiêu người. Mà tỷ phú Lý Gia Thành lại có thể nhìn được một cách thấu đáo sâu sắc như vậy, có một sự kiên trì bảo vệ sức khỏe lý tính như vậy. Thực sự hi vọng những người đang liều mạng bôn ba còn mơ hồ về sức khỏe của mình cũng có thể nhìn được thấu đáo giống như Lý Gia Thành.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, sự nghiệp và tiền bạc là mục tiêu theo đuổi của đại đa số người mà quên mất rằng tiền đề của mọi thứ là sức khỏe, “có sức khỏe là có tất cả”. Tiền bạc có thể mua được nhà cửa, nhưng không chắc có thể mua được sự an toàn; Tiền bạc có thể mua được chiếc giường cao cấp, nhưng không chắc có thể mua được giấc ngủ; Tiền bạc có thể mua được quần áo đẹp, nhưng không chắc có thể mua được cái đẹp; Tiền bạc có thể mua được rất nhiều thứ trên thế giới, nhưng chưa chắc mua được sức khỏe. Tầm quan trọng của sức khỏe vượt qua cả tiền bạc mà vạn người sùng bái.
Trên thực tế chúng ta hãy thử nghĩ kĩ mà xem, công việc làm không thể xong, tiền bạc kiếm không thể hết. Vô số người đang bán mạng bôn ba vì danh và lợi, phần lớn trong số đó dùng sức khỏe của bản thân để đánh đổi. Có một cách nói dễ hiểu lại trực quan là, nhà cao cửa rộng nhiều thế nào đi nữa, cũng chỉ cần một chiếc giường để ngủ, ruộng đồng có phì nhiêu thế nào đi nữa, cũng chỉ cần ăn ngày ba bữa cơm. Tiền của càng nhiều thì càng phải lo toan nhiều hơn, theo đuổi quá nhiều thứ sẽ khiến con người ta lực bất tòng tâm. Cho nên, muốn cân bằng cán cân, phải học được cách vứt bỏ những thứ không cần thiết. Nhớ kĩ rằng còn người còn của.
Muội Muội là người luôn luôn bận rộn với công việc, đầu óc cô ấy lúc nào cũng căng như dây đàn, cuộc sống cơ bản không có quy luật gì, dường như chỉ là sống để kiếm tiền. Thế nên, hằng ngày cô ấy không ăn cơm đúng giờ, không nghỉ ngơi đúng giờ, làm việc như một cỗ máy chưa xong chưa thôi. Bữa đói, bữa no, thời gian lâu dần cô bị rối loạn tiêu hóa, cứ ăn lạnh hoặc bị cảm lạnh là bụng quặn đau, đi khám bác sĩ, bác sĩ nói là áp lực quá lớn, không ăn uống tử tế mới dẫn đến tình trạng như vậy. Muội Muội nghe xong thì vô cùng hối hận.
Lấy cái cối xay làm ví dụ, nếu như cối xay cứ chạy mà không được cho nguyên liệu, đương nhiên cối sẽ hỏng. Dạ dày của con người cũng như vậy, nó luôn ở trạng thái nhu động, nếu như bên trong không có thức ăn, thì dạ dày sẽ tổn thương. Cho nên, những người không ăn đúng giờ, sẽ dẫn tới rối loạn tiêu hóa trước, từ đó không thể đáp ứng được những nhu cầu dinh dưỡng cơ bản cho con người, gây ra các loại bệnh tật sau này. Những người còn trẻ đừng bán mạng để kiếm tiền, sức khỏe là tiền vốn để thay đổi số phận.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Căn cứ vào thái độ đối với sức khỏe, người ta phân biệt con người thành bốn loại người, lần lượt là: người thông minh, người hiểu biết, người bình thường và người mơ hồ, hãy xem bạn thuộc kiểu người nào?
Kiểu người thứ nhất đương nhiên là người thông minh, họ thường xuyên quan tâm tới sức khỏe của mình, họ sẽ lắng nghe cơ thể, thuận theo quy luật sức khỏe, khi cần nghỉ ngơi thì ngừng ngay công việc trong tay, thư giãn thân thể, kết hợp hài hoà làm việc và nghỉ ngơi. Người thông minh sẽ có hai mùa xuân, từ 0-60 tuổi là mùa xuân thứ nhất, từ 60-120 tuổi là ánh chiều dương mà người bình thường không hiểu về sức khỏe không hưởng thụ được, là mùa xuân tuyệt vời hơn.
Kiểu người thứ hai là người hiểu biết, họ hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe, không làm những việc có hại tới sức khỏe của mình, để sinh mệnh duy trì được giá trị hơn, lâu dài hơn.
Kiểu người thứ ba là người bình thường, họ không coi sức khỏe là đặc biệt quan trọng, thậm chí coi thường sức khỏe, lãng phí sức khỏe trời cho, cho nên người bình thường hay mắc bệnh, già yếu trước tuổi.
Kiểu người thứ tư là người mơ hồ, làm những việc quá tải với sức mình, kiểu người này đa số là thành phần tinh anh cổ cồn, sự nghiệp đang như mặt trời giữa trưa, nhưng tình hình sức khỏe bản thân lại như nước sông hồ đang rút. Trong quan niệm về sức khỏe của họ, không có bệnh là khỏe mạnh, hút thuốc uống rượu, thâu đêm suốt sáng, cuộc sống vô độ không biết tiết chế.
Cuộc sống là con đường một chiều không thể quay đầu lại, nếu không trân trọng sức khỏe, cho dù có núi vàng núi bạc bao quanh, thì mạng sống vẫn chỉ như ngọn đèn leo lét.
4
CÓ CHI RỒI MỚI CÓ THU
Nếu như để người nghèo và người giàu cùng làm một việc, họ sẽ thể hiện ra những điểm khác biệt rất lớn.
Người nghèo sẽ coi mọi chuyện như một hố bẫy, hơn nữa hố bẫy này vừa hẹp vừa sâu, cuối cùng làm cho bản thân mình rơi vào trong đó. Ví dụ, vì tranh giành gia sản mà mâu thuẫn nghiêm trọng với bố mẹ, anh chị em, coi nhau như kẻ thù; vì tranh giành một vị trí công việc, một dự án hoặc một khoản vốn mà làm cho mối quan hệ với mọi người căng thẳng; vì không muốn chịu một chút thiệt thòi mà tùy tiện làm mất lòng bạn bè,.... và tới khi gặp hoạn nạn, họ mới hiểu không có sự giúp đỡ của bạn bè người thân, bản thân họ có thể mãi mãi không đứng lên được. Trong khi đó người giàu lại chủ trương dùng cái tâm của mình biến mỗi sự việc thành đòn bẩy quan trọng trong cuộc đời, mở ra con đường lớn dẫn tới thành công.
Hai người cùng mở cửa hàng kinh doanh các mặt hàng như nhau, người nghèo bán đi được một món hàng là cảm thấy may mắn, cho nên họ chẳng quan tâm gì tới trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng sản phẩm, cũng như không bận tâm chăm sóc mối quan hệ với nhà cung cấp. Họ chỉ biết chăm chăm kiếm tiền về mình, thậm chí sẵn sàng vì tiền mà lừa gạt khách hàng, vì tiền mà trở mặt với nhà cung cấp. Còn người giàu thì sẵn sàng để khách hàng có được lợi ích thực tế, thậm chí sẵn sàng chi tiền cho một số nhà cung cấp đặc biệt nào đó. Dần dần, vì những người giàu rất coi trọng mối quan hệ với mọi người, bất kể là nhà cung cấp hay là khách hàng đều rất hài lòng, rất nhiều khách hàng còn giới thiệu cho họ những khách hàng lớn khác, do vậy việc kinh doanh càng ngày càng thịnh vượng, cửa hàng ngày càng lớn, họ còn mở ra hệ thống chuỗi cửa hàng. Trong khi những người nghèo lại không thể mở tiếp, chỉ có thể đóng cửa.
Người nghèo ham cái lợi trước mắt, vứt bỏ quan hệ nên đã tự mình chặn đứng con đường phát triển về sau, người giàu sẵn sàng chi tiền “kinh doanh” mối quan hệ xã hội, bỏ tiền ra học cách làm thế nào để “kinh doanh” các mối quan hệ xã hội.
Tom Hopkins là một nhân viên bán hàng nổi tiếng trên toàn thế giới, được ca ngợi là “bậc thầy tiếp thị vĩ đại nhất trên thế giới”. Khi Tom Hopkins kinh doanh bất động sản, nghiệp vụ rất xuất sắc, bình quân mỗi ngày có thể bán được một căn nhà. Tom Hopkins bằng năng lực bán hàng xuất sắc của mình, chỉ chưa đầy ba năm đã kiếm được 30.000.000 đô la Mỹ. Khi Tom Hopkins hai mươi bảy tuổi anh đã trở thành tỷ phú khiến người ta ngưỡng mộ. Cho tới nay, không ai có thể phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới về kinh doanh bất động sản của Tom Hopkins .
Thành công của Tom Hopkins là ở chỗ Tom Hopkins hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ xã hội, trước khi gia nhập vào giới kinh doanh sáu tháng, Tom Hopkins liên tiếp gặp thất bại. Khi đó Tom Hopkins còn rất nghèo, để có đột phá trên phương diện bán hàng, Tom Hopkins quyết định dùng số tiền tiết kiệm còn lại cuối cùng để tham gia lớp đào tạo của bậc thầy số một thế giới về động viên khích lệ - King Carat. Khóa học năm ngày này đã khiến số phận của Tom Hopkins có sự chuyển hướng rất lớn! Trong lớp đào tạo này, Tom Hopkins đã học được bí quyết kiếm tiền: “Kĩ năng kiếm nhiều tiền chính là đi tiếp xúc với nhiều người hơn, không ngừng làm phong phú nguồn tài nguyên quan hệ xã hội của mình”. Trong khoảng thời gian ngắn sau đó, Tom Hopkins với quan niệm mối quan hệ là quan trọng hơn cả và kĩ năng xây dựng mối quan hệ xã hội hơn người của mình đã giành được thành công khiến người ta kinh ngạc.
Những người có tầm nhìn thiển cận khi đầu tư một dự án, sẽ chỉ suy nghĩ đến nguồn nhân lực và vật lực mà dự án này cần, còn người có tầm nhìn xa khi đầu tư thì suy nghĩ về nhân lực nhiều hơn, sẵn sàng chi tiền cho mối quan hệ. Nếu muốn dành lợi ích lớn với chi phí thấp, thì việc đáng làm nhất chính là “kinh doanh” mối quan hệ, tích lũy các mối quan hệ.
Có thể rất nhiều người cho rằng lý do Bill Gates trở thành tỷ phú số một thế giới, là vì ông đã theo kịp xu thế của thế giới, nhưng đây chỉ là một phần nguyên nhân, tài năng chuyên ngành về phương diện máy tính đúng là không thể coi nhẹ. Đương nhiên, những điều này là nền tảng tất nhiên trong thành công của Bill Gates, nhưng ngoài những nguyên nhân này ra, quan trọng nhất chính là Bill Gates rất giỏi tạo mối quan hệ. Khi Bill Gates vừa mới sáng lập công ty Microsoft, chỉ là một người vô danh tiểu tốt, tất cả các hoạt động lúc đầu đều rất khó khăn, nhưng Bill Gates không chỉ quan tâm tới vấn đề phương diện kĩ thuật, mà còn suy nghĩ về việc hợp tác với các công ty lớn khác. Khi Bill Gates hai mươi tuổi, ông đã ký bản hợp đồng đầu tiên với công ty máy tính IBM, một công ty máy tính lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Khi đó Bill Gates chỉ là một sinh viên đang đi học bình thường, vẫn chưa xây dựng được nhiều nguồn tài nguyên quan hệ xã hội. Sở dĩ Bill Gates có thể ký được bản hợp đồng đó là vì anh đã tận dụng mối quan hệ của mẹ mình. Thông qua sự giới thiệu của mẹ, Bill Gates đã quen biết với Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty IBM, đồng thời đã trình bày với ông ấy về những suy nghĩ của bản thân. Có thể nói bước đầu tiên của Bill Gates ông đã bước lớn hơn so với người khác. Nếu như không có đơn hàng lúc đầu với công ty IBM này, có thể sẽ không có thành công của Bill Gates bây giờ.
Bill Gates nói: “Trong sự nghiệp của tôi, không thể không nói rằng quyết sách kinh doanh tốt nhất của tôi là phải lựa chọn nhân tài, có được những người hoàn toàn tin tưởng, những người có thể giao phó trọng trách, những người có thể gánh vác một phần lo lắng cho bạn”.
Muốn làm nên nghiệp lớn thì phải giỏi tích lũy nguồn tài nguyên mối quan hệ xã hội. Nếu có thể làm được điều này, thì ở trên có thể có được sự che chở của các quan chức công quyền, ở dưới có thể có được sự ủng hộ của người dân, ở giữa có thể có được sự giúp đỡ của những nhà đầu tư khác, cái cây quan hệ xã hội lớn lên sinh sôi tươi tốt, thì thành đại sự chắc chắn không chỉ còn là lời nói nữa.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Hành vi vì theo đuổi lợi ích trước mắt mà cắt đứt mối quan hệ với người khác có khác nào con thiêu thân lao vào lửa (lao vào chỗ chết), vì có được sự giàu có là một quá trình lâu dài, nếu chỉ vì trước mắt mà không quan tâm tới tương lai, thì chắc chắn hậu vận của kiểu người này là thất bại, đói nghèo. Cho nên, trên cơ sở duy trì nguồn tài nguyên mối quan hệ hiện có, khai thác những mối quan hệ mới, đồng thời tìm chính xác quý nhân trong cuộc sống của mình, dành nhiều thời gian và tâm sức giao lưu với họ, cố gắng hết sức hình thành liên minh lợi ích tốt nhất với họ, đồng thời thường xuyên coi trọng mối quan hệ với những người đó.
5
KHÔNG CÓ NGƯỜI GIÀU NÀO LÀ “THẦN GIỮ CỦA” CẢ
Có người giữ tiền của của mình như sinh mạng, luôn cho rằng tiền là tất cả sự giàu có. Có người mặc dù rất yêu tiền của, nhưng với tiền bạc, không phải là để trong ống tiết kiệm, hay sổ tiết kiệm ngân hàng, mà họ chủ động tính toán, vận dụng linh hoạt, phát huy vai trò mà mỗi đồng tiền cần có. Nhà kinh tế học người Tây Ban Nha - Sarah Martin - đã lấy một ví dụ thú vị như thế này: “Sự giống nhau giữa quy luật tích lũy của cải và bóng đá là ở chỗ giữ thế thủ thì có thể giữ được vốn, còn tấn công thì có thể giành thắng lợi”, cũng có nghĩa là, ở phương diện tích lũy của cải, càng là người chủ động, càng có cơ hội giành được tài nguyên nhiều hơn trong “vòng tròn vận động”, từ đó nâng cao giá trị của bản thân.
Một ông lão tên Moses sống cùng ba người con trai bên bờ sông Tigris, khi ông lão cảm thấy mình đang dần già đi, ông bắt đầu suy nghĩ về kế hoạch phân chia gia nghiệp cho ba người con trai. Để kiểm tra năng lực của các con trai, ông Moses đã đưa cho họ mỗi người một túi lúa mạch giống, và nói: “Bây giờ cha phải đi xa một chuyến, một năm sau chúng ta mới có thể gặp lại. Bây giờ cha đem tất cả lương thực trong nhà giao cho các con, các con nhất định phải cố gắng trông coi tốt chỗ lương thực này, đừng để thú hoang ăn mất, cũng đừng để bọn trộm cướp mất”.
Nói xong, ông lão Moses liền rời quê hương, lên thuyền đi về hướng đông. Sau khi ông lão đi, ba người con trai bắt đầu suy nghĩ xem làm thế nào để bảo vệ được ba túi lương thực mà cha để lại. Người con trai cả đã mượn một cái cuốc chim của nhà hàng xóm, đào một cái hố to và sâu ở trong phòng của mình, bỏ lương thực vào trong đó. Để đề phòng bất trắc, người con trai cả còn chuyển tới đó một cái chum to, đè chặt lên chỗ chôn lương thực.
Trái ngược với cách làm quá cẩn thận của người anh cả, người con thứ hai linh hoạt hơn nhiều. Trong lòng anh nghĩ, có thời gian một năm, chi bằng dùng chỗ lúa mạch này làm giống đem đi gieo trồng, qua một hồi suy tính, người con trai thứ hai chọn một mảnh đất tốt, đem tất cả số hạt giống gieo cả xuống.
Trong ba anh em, người thông minh nhất là cậu con trai út, cách suy nghĩ của cậu em út không giống với cách nghĩ của hai người anh, cậu em út cũng đem hạt giống gieo trồng trên ruộng, nhưng trước khi làm, cậu đã đi hỏi ý kiến các vị trưởng lão trong thôn. Khi tới mùa thu, cậu con trai út vận chuyển số lương thực dư thừa ra chợ bán, và đã bán được với giá cao.
Trong khoảng thời gian này, cậu con trai út đã bị người anh cả trách mắng, nhưng cậu không dao động, kiên trì với cách làm của mình.
Khi tuyết mùa đông vừa tan, ông lão Moses trở về nhà, ông kiểm tra thành quả của các con: Số hạt giống người con cả chôn dưới đất chỉ còn lại một nửa – một ổ chuột nhà đã sung sướng phát hiện ra nguồn thức ăn từ trên trời rơi xuống này, chúng đục vài lỗ và ăn trộm hạt giống; Người con thứ hai trao lại cho cha một túi lương thực, cậu không có kinh nghiệm gieo trồng, chọn mảnh đất quá gần bờ sông, khi mùa mưa tới, nước sông tàn phá hai phần ba khoảnh ruộng, làm lụng vất vả suốt một năm, cố gắng lắm cậu cũng chỉ giữ lại được vốn.
Cuối cùng tới người con thứ ba, không những cậu trả lại cho cha một túi đầy lúa mạch, cậu còn kiếm được mười đồng. Ông lão Moses vừa nhìn, trong lòng vui sướng, cuối cũng đã đem tất cả tài sản của mình chia đều thành mười phần, người con trai cả có được hai phần trong đó, người con thứ hai được ba phần, năm phần còn lại giao toàn bộ cho người con út.
Người con trai cả không hiểu cách làm của cha mình, cho rằng anh ta là con trưởng trong nhà, lẽ ra phải được nhiều tài sản hơn, còn người con thứ hai cũng cảm thấy không hài lòng đối với cách phân chia tài sản này. Ông lão Moses liền giải thích cho các con: “Căn cứ để cha phân chia tài sản chính là, ai có thể làm cho của cải trong tay mình trở nên nhiều hơn, thì cha sẽ giao cho người đó phần tài sản nhiều hơn. Trong ba anh em các con, chỉ có em út là làm tốt nhất, cho nên tài sản cha chia cho em út cũng là nhiều nhất”.
Mấy năm sau, ông lão Moses qua đời, quả nhiên mấy đứa con trai đúng như ông dự liệu, người con cả chỉ suốt ngày ở trong nhà, sau khi kiếm được tiền là tìm một cái bình giấu hết cả vào trong đó; người con thứ hai mặc dù liên tục đầu tư, nhưng lại thường bị tổn thất, có thu được hay không đều phải dựa vào ông trời; Chỉ có người con út là làm việc rất quy củ, bất kể thời tiết thế nào đi nữa cũng đảm bảo được thu hoạch. Vì có di huấn của cha trước khi lâm chung, cho nên người con trai út gánh vác trách nhiệm chăm sóc hai người anh trai, nhờ vậy mà hai người con trai lớn của ông lão Moses mới không tới mức phải lưu lạc đầu đường.
Ba người con trai của ông lão Moses trong câu chuyện nói trên đại diện cho ba xu hướng làm giàu khác nhau, trong đó người con cả thuộc trường phái bảo thủ tiêu cực, người này vì sợ mất đi, mà từ chối tất cả các hoạt động có thể dẫn tới sự thất thoát của cải; Người con thứ hai thuộc trường phái manh động, người này thích thay đổi, nhưng lại không tìm được một biện pháp hợp lý, kết quả cuối cùng cũng như phái bảo thủ; Cách làm của người con út phù hợp với quy luật thông thường của chuyển động thị trường, người con út tiến hành điều tra nghiên cứu thị trường trước, sau đó căn cứ vào nhu cầu thị trường mà tùy bệnh bốc thuốc, cuối cùng đã có được của cải một cách thuận lợi.
Bản thân của cải không có khả năng nhận biết chủ quan, bất luận trong tay ai nó cũng chỉ phụ thuộc vào năng lực cá nhân của người sở hữu nó, cũng có nghĩa là, nếu như chúng ta không duy trì tính chủ động của mình, thì rất khó kiếm được của cải. Người con trai út của ông lão Moses chính là đại diện cho phái chủ động ra tay khi đứng trước của cải, nhìn từ góc độ của cậu, nếu không chủ động tấn công về phía sự giàu có, thì của cải sẽ không bao giờ ở lại bên mình. Do đó, khi đã nắm đủ nguồn tài nguyên, mỗi người đều nên tích cực chủ động xông pha vào thị trường để tối đa hóa của cải của mình. Có thể tưởng tượng ra, nếu như người con trai út cũng giống như người anh của mình, đem tất cả lương thực chôn xuống đất, thì đương nhiên cậu ta sẽ mất đi thời cơ tuyệt vời để tích lũy của cải.
Do đó, đứng trước của cải, mỗi con người đều phải duy trì tính chủ động, chỉ khi bản thân chủ động hành động, tấn công nguồn của cải một cách lâu dài bền bỉ, thì mới có thể nắm bắt quyền chủ động. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - “cha đẻ của đồng Euro” - Robert Mundell đã từng nói một câu khiến người ta ấn tượng sâu sắc như thế này: “Sáng tạo sinh ra của cải”. Cũng có nghĩa là, chỉ khi không ngừng mở rộng các nguồn thu của cải, mới có thể có được sự tích lũy đúng đắn.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Đứng trước của cải, mỗi người đều cần giữ được tính chủ động của mình, bất cứ cách suy nghĩ bảo thủ, không chịu đổi mới nào đều có hại đối với việc tích lũy vốn, chỉ có hành động liên tục, duy trì sự tấn công đối với nguồn của cải, mở rộng con đường làm giàu, mới có thể khiến tiền chồng lên tiền, đạt được mục đích làm giàu.
6
VUNG TAY QUÁ TRÁN SẼ NGHÈO KIẾT XÁC
Tỷ phú Lý Gia Thành đã từng nói: “Giả dụ một người từ bây giờ bắt đầu tích lũy tiền, nếu mỗi năm có thể tích lũy được 14.000 đô la, sau đó dùng số tiền tích được trong mỗi năm để đầu tư cổ phiếu hoặc bất động sản, có thể thu được 20% lợi tức đầu tư, tính ra, sau bốn mươi năm, người này sẽ có số tài sản là 102.810.000 đô la”. Đây chính là quan niệm của người giàu. Trong khi đó, quan niệm của người nghèo là có tiền thì tiêu, tiêu hết thì mượn tiền để tiêu, cuối cùng nợ một đống nợ.
Webster là một chính trị gia nước Mỹ, ngày ngày phải đau đầu vì tiền, bởi vì ông không biết quản lý tài sản, chi tiêu không biết tiết chế. Do đó, ông đã nợ một khoản nợ lớn, không cách nào để trả. Webster là một thượng nghị sĩ, nhưng ông ấy vẫn phải sống dựa vào trợ giúp của các doanh nghiệp, cho nên trong các diễn thuyết của ông cũng có mùi nhận hối lộ.
Gold Smith cũng là một con nợ kinh niên, thường xuyên ở trong tình trạng vừa mới trả nợ được một khoản, lại bị cuốn vào khoản tiếp theo, nợ nần liên tục, hơn nữa càng lún càng sâu. Gold Smith là gia sư, tiền thù lao - là toàn bộ tài sản của anh ta lúc đó - nhưng cứ hễ được trả thù lao là Gold Smith không hề do dự mang số tiền này đi tiêu sạch ngay lập tức. Gia đình đã cho Gold Smith một khoản tiền, để Gold Smith đi học ở trường luật, nhưng vì bản tính thích cá độ nên Gold Smith chưa tới Berlin đã thua hết tất cả số tiền anh ta có, bất đắc dĩ trên chuyến hành trình tới châu Âu, Gold Smith phải ăn xin dọc đường, về tới nước Anh, Gold Smith vẫn là kẻ nghèo hèn không có một xu dính túi. Thậm chí sau khi bắt đầu phải tự mình kiếm tiền, anh ta vẫn không biết kiềm chế, tiền vào tay này ra tay kia, từng năm lần bảy lượt bị người khác truy đuổi đòi nợ. Gold Smith nghèo khốn và đã bị bắt vì không trả tiền thuê nhà, mặc dù như vậy, Gold Smith chưa bao giờ học được cách phải kiềm chế bản thân.
Nếu bạn là một người trẻ tuổi vừa mới bước chân vào xã hội, cần tránh rơi vào tình huống có thể khiến bạn mắc nợ xấu. Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta thấy không ít người mắc nợ đầy mình khi chưa tới ba mươi tuổi. Khi gặp bạn bè lâu không gặp, họ vẫn còn tự hào mà nói rằng: “Nhìn xem, nhìn bộ quần áo mới mua chịu của tôi thế nào!”, giọng điệu đó cứ như là quần áo được cho không. Nếu để chuyện mua nợ trở thành một thói quen, thì thói quen xấu này sẽ khiến bạn nghèo khó suốt đời. Nợ nần sẽ khiến con người mất đi tự trọng, trong lòng luôn lo lắng, vì cơm ăn áo mặc mà cực khổ bôn ba, khi người khác tới cửa đòi nợ, không móc ra một đồng, thì thật đáng thương, đúng kiểu gọi là “có làm mà không có ăn”.
Tiểu Phong là con một trong gia đình nghèo kiểu dùng tiền để mua nợ nần. Lúc học đại học, vừa mới từ quê lên thành phố, cậu còn đầy tò mò với tất cả mọi thứ, Tiểu Phong thường cùng với bạn bè trong kí túc xá đi dạo khắp phố, thấy cái gì thích là mua, lúc nhập học gia đình đã cho phí sinh hoạt trong nửa năm, Tiểu Phong tiêu sạch trong vòng hai tháng. Khoảng thời gian còn lại, cô tìm đủ lý do nói dối để xin tiền gia đình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tiểu Phong tìm được một công việc liên quan đến ngoại thương, mặc dù thu nhập không ổn định lắm, nhưng bình quân mỗi tháng cũng có 4000 đến 5000 tệ, nếu như tiết kiệm, thì cũng có thể dành dụm không ít tiền, nhưng Tiểu Phong tháng nào vẫn tiêu sạch tháng đó. Không những không có tiền trợ giúp gia đình, thậm chí tới cuối tháng còn phải vay mượn.
Chúng ta hãy xem Tiểu Phong tiêu tiền như thế nào: Tiền thuê phòng mỗi tháng là 1000 tệ, chí phí sinh hoạt khoảng 1000 tệ. Ngoài ra, cô thích mua hàng trên mạng, niềm vui lớn nhất trong thời gian rảnh rỗi chính là lướt web, lang thang trên mấy trang thương mại điện tử lớn. Nhưng con mắt của Tiểu Phong chưa bao giờ nhìn vào những thứ đồ có giá trị vài chục tệ, cô ấy cho rằng những thứ đó quá rẻ, không thể hiện được đẳng cấp. Cho nên động một tí là mất vài trăm tệ với mỗi thứ quần áo, giày dép, túi sách, mỹ phẩm, chẳng mấy chốc đã tiêu hết gần 2000 tệ. Về mặt giải trí, Tiểu Phong thích đi bar, uống cà phê cùng với đồng nghiệp, cô cho rằng chỉ có như vậy mới có thể bồi dưỡng khí chất của bản thân, bước chân vào “xã hội thượng lưu”, biết đâu lại có cơ hội câu được một “con rùa vàng”, khoản này mỗi tháng cũng tốn mất hơn 1000 tệ, nhưng Tiểu Phong không hề tiếc của, cô cho rằng đây là khoản đầu tư cần thiết.
Cứ như vậy, tốt nghiệp đã bốn năm, nhưng Tiểu Phong vẫn là “Công chúa ánh trăng” (người làm được đồng nào tiêu hết đồng đó). Mặc dù sống cuộc sống rất đẹp, nhưng nhiều lúc nhìn vào tài khoản trống rỗng của bản thân, trong lòng cô cũng cảm thấy lo lắng.
Hiện nay, những người trẻ giống như Tiểu Phong ở thành phố rất nhiều: Thu nhập của họ không tệ nhưng họ chạy theo cuộc sống với chi phí cao của “xã hội thượng lưu”, họ không thấy rõ trách nhiệm của mình, không biết rút cục mình muốn gì. Rất nhiều người làm được đồng nào tiêu xài hết đồng đó cũng cảm thấy không hiểu: Tại sao mình luôn thiếu tiền? Rõ ràng con số trong thẻ khi phát lương thật đáng phấn khởi, nhưng chẳng được bao lâu thì đã trở thành số 0.
Thật ra, phần lớn những người thuộc dạng “công chúa ánh trăng” không phải là thu nhập không cao, không ít người trong số họ có mức thu nhập khá, kể cả tính tới yếu tố vật giá leo thang, thì cũng không đến mức thu không đủ chi. Nhưng nhóm “công chúa ánh trăng” luôn có cùng một đặc điểm: Họ chỉ quan tâm theo đuổi mốt thời thượng của xã hội, ví dụ như mua túi da, quần áo, sản phẩm điện tử loại mới hợp thời, hoặc là tới các quán bar, karaoke cao cấp, rạp chiếu phim, và tất cả những nơi tiêu tiền khác. Miễn là có thể đáp ứng được niềm vui của họ, thì không cần biết tiền cho một tháng hết bao nhiêu, họ đều tiêu hết, họ luôn cho rằng tiền không đủ tiêu, chứng tỏ mức lương hiện tại không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của bản thân, mà chưa từng suy nghĩ xem nguyên nhân là do bản thân tiêu tiền vô tội vạ.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Nếu bạn tự thấy mình là một người nghèo, hãy tuân theo mấy điểm dưới đây để từng bước rèn luyện:
1. Bắt đầu ghi sổ. Mỗi ngày, mỗi tháng hoặc định kì tiến hành ghi sổ; Hoặc sử dụng phần mềm quản lí tài chính cá nhân để ghi sổ, rất nhiều trang mạng cung cấp miễn phí phần mềm kiểu này. Tóm lại, lựa chọn một phương pháp ghi sổ thuận tiện là được.
2. Ép buộc tiết kiệm. Bỏ ra 30% thu nhập mỗi tháng hoặc là nhiều hơn gửi vào ngân hàng. Bình thường số tiền lẻ còn lại khi mua đồ có thể bỏ ống tiết kiệm hoặc phong bì, ví dụ, bạn định mua một bộ quần áo 100 đô, nhưng vừa đúng lúc gặp đợt giảm giá, bạn có thể đem số tiền chênh lệch do được giảm giá để tiết kiệm lại. Tích ít thành nhiều như vậy, con số lâu dần cũng khá đáng kể. Quan trọng nhất là, nó có thể giúp bạn hình thành thói quen tiết kiệm.
3. Học cách nấu cơm, nấu ăn ở nhà. Theo điều tra, hiện nay có tới 80% bạn trẻ chi một phần rất lớn thu nhập cho ngày ba bữa cơm, chi phí ăn cơm ở bên ngoài rất khó kiểm soát, ăn thêm một chút, là tiêu mất thêm một món, cho nên tiền thường đi đâu mất như vậy. Nếu rèn được thói quen tự mình nấu cơm, đồng thời mang hộp cơm tới công ty, có thể tiết kiệm một phần lớn chi phí ăn uống, như vậy số tiền tiết kiệm được cũng là một khoản không nhỏ.
4. Hưởng thụ cuộc sống thân thiện với môi trường. Hiện nay, cuộc sống thân thiện với môi trường là một trào lưu, rất nhiều người khởi xướng lối sống tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Bạn cũng hãy thử các chiêu tiết kiệm thịnh hành này xem, căn cứ vào thói quen sinh hoạt và thời gian nghỉ ngơi của bản thân, bố trí hợp lí cuộc sống thân thiện với môi trường, dần dần từng bước tiết kiệm tiền, tiết kiệm năng lượng, để bản thân mình sống khỏe mạnh vui vẻ.
5. Cố gắng dùng tiền mặt trả tiền. Trả tiền bằng tiền mặt sẽ khiến người ta có cảm giác “xót”, quẹt thẻ thường không có cảm giác tiêu tiền, cảm thấy tiêu rồi thì thôi, mặc dù thuận tiện nhưng không khiến người ta có ý kiềm chế.
6. Dần dần học biết cách đầu tư. Có thể tuân theo trình tự mạo hiểm từ ít tới nhiều, từ lợi nhuận thấp chắc chắn tới lợi nhuận cao có rủi ro, hoặc là ủy thác cho công ty tư vấn chuyên nghiệp giúp bạn quản lý tài sản.