Bố thí là sự biếu, tặng, dâng cúng mà không nhận lại gì. Bố thí là một việc làm cao quý, một hạnh lành, một hành động chia sẻ với tâm rộng rãi không phải ai cũng làm được, và không phải lúc nào cũng làm được.
Phần đông chúng sinh có tâm chấp giữ tư hữu, không vui thích sẻ chia. Thật là đáng tiếc.
Để thành tựu pháp bố thí, người bố thí cần khởi tâm bố thí. Hơn thế nữa, duy trì tâm bố thí là rất quan trọng. Đây chính là yếu tố tác thành thiện nghiệp bố thí. Duy trì tâm bố thí càng lâu dài thì càng tích luỹ được nhiều thiện nghiệp và phước báu.
Có hai hình thức bố thí mà chúng ta nên ghi nhớ. Đó là bố thí tế độ - bố thí với lòng trắc ẩn, thương xót chúng sinh gặp hoạn nạn, tàn tật, khó khăn, bất hạnh. Chúng ta bố thí thực phẩm, quần áo, thuốc men, đồ dùng. Chúng ta mang đồ dùng và thức ăn đến với những người tật bệnh, hoạn nan, cô đơn, tàn tật. Chúng ta đến những vùng núi, hải đảo, đi cứu trợ thiên tai, động đất, sóng thần, bão lụt…
Cách bố thí thứ hai là cúng dường. Đó là sự bố thí với thái độ tín tâm, cung kính, mong được người thọ thí hân hạnh nhận cúng dường. Đó là khi chúng ta cúng dường đến các bậc tu sĩ giới hạnh, quý thầy, quý sư cô, những bậc thầy, bậc thiện tri thức.
Cũng xin chia sẻ thêm về bảy tâm lý bố thí. Giá trị cao thấp của sự bố thí tuỳ thuộc vào tâm và cung cách của người bố thí.
Thứ nhất là do yêu thương hoặc muốn lấy lòng mà bố thí.
Thứ hai là do ghét mà bố thí. Ví dụ như bực bội vì bị xin xỏ quấy rầy nên bố thí cho yên, hoặc vì muốn sỉ nhục người khác. Có khi vì ghét người này mà đem cho người khác.
Thứ ba là do dốt nát mà bố thí. Chuyện này xảy ra khi người bố thí không nhận thức được tính thiện pháp của bố thí, không nghĩ đến mục đích gì. Đơn giản, chỉ là xin thì cho.
Thứ tư là do sợ mà bố thí. Do bị đe dọa, áp bức, hoặc yếu thế nên phải cho để yên thân.
Thứ năm là do truyền thống mà bố thí. Vì sinh ra trong gia đình có truyền thống bố thí nên rộng rãi vì nghĩ rằng không nên làm mất truyền thống gia đình.
Thứ sáu là do muốn tâm an vui mà bố thí. Vì bố thí đem niềm vui cho kẻ khác thì ta được an vui.
Thứ bảy là do mục đích tu dưỡng phát triển tâm thức mà bố thí.
Bạn thấy đấy, trong bảy tâm lý bố thí nêu trên thì mục đích thứ bảy là sự bố thí cao quý. Ngoài ra mục đích thứ sáu là sự bố thí tốt đẹp, còn mục đích thứ năm được chấp nhận nhưng không xem là thù thắng.
Khi nhìn vào cung cách bố thí, ta có thể biết được đức độ của người bố thí.
Này nhé, bố thí có tôn trọng là khi cho ai thì cho bằng thái độ ân cần. Bố thí có suy nghĩ tức là muốn chủ tâm làm điều tốt nên bố thí. Bố thí vật tốt đẹp mà mình dùng được chứ không phải đồ dư thừa, hư hỏng.
Cũng nên học cung cách bố thí của hạng phi hiền trí để tránh cái xấu và làm điều thiện. Tránh không bố thí một cách không tôn trọng, không cho với thái độ khinh rẻ. Khi bố thí không suy nghĩ, nên vô tư, không quan tâm việc mình làm. Không nên bố thí mà sai bảo người khác như thể việc đó không đáng để mình làm. Tránh không bố thí đồ cũ, đồ mình đã bỏ đi, thứ mà ta đã chán chê, những thứ không dùng được.
Nên nhớ rằng nếu bố thí thực phẩm thì sẽ thành tựu năm phước báu như tăng tuổi thọ vì thí thực giúp người khác kéo dài sự sống, nhan sắc xinh đẹp vì thí thực giúp người khác nuôi thân tươi tốt, hưởng an lạc vui vẻ vì thí thực giúp người khác không bị cảm thọ đói khổ, không tật bệnh vì thí thực giúp người khác có sức khỏe, hưởng biện tài nhân thiên.
Khi bố thí tài sản thì sẽ được thành tựu theo tâm bố thí như người bố thí vì yêu, ghét, dốt nát, sợ, thì quả rất kém. Người bố thí vì giữ truyền thống thì đạt được tài sản khá. Người bố thí vì mong tâm an vui thì có thể đạt đến tài sản nhân loại. Người bố thí để phát triển tâm thức thì sẽ được tài sản chư thiên hay thành tựu niết bàn.
Cũng nên nhớ rằng quả phúc thành tựu theo cung cách bố thí. Rằng bố thí bằng niềm tin vào tương lai hướng đến mục đích tốt đẹp thì được quả báo giàu có và xinh đẹp. Bố thí bằng sự tôn trọng được quả báo giàu có và nhiều người quy phục. Bố thí hợp thời hợp cảnh được quả báo giàu có và các nhu cầu được đáp ứng đúng lúc. Bố thí với tâm hoan hỉ được quả báo giàu có và tâm mãn nguyện thụ hưởng tài sản của mình. Bố thí không làm tổn hại đến người nhận được quả báo giàu có và giữ vững tài sản không bị nạn trộm cướp, lửa, nước, tịch thu, thừa kế tranh đoạt.
Cuối cùng, xin được nói về bốn phước báu tức thời của sự bố thí. Đó là được nhiều người thương yêu, quý trọng, được các bậc thiện trí thức giao hảo, có tâm tự tại khi đến giữa các hội chúng, khi mạng chung được sanh vào nhàn cảnh cõi trời.
Bố thí tạo cho ta nhiều niềm vui ngay lúc này và cả mai sau. Tôi mong mỗi chúng ta cùng thực hành hạnh bố thí và khuyến khích người khác cùng bố thí để có được niềm vui và hạnh phúc.
Vì bạn nhận được nhiều niềm vui hơn khi đem niềm vui cho người khác, bạn nên suy nghĩ nhiều về niềm hạnh phúc bạn có thể cho.
Since you get more joy out of giving joy to others, you should put a good deal of thought into the happiness that you are able to give.
Eleanor Roosevelt