Suy nghĩ nhảy việc hay không còn quan trọng hơn quyết định nhảy việc.
VĂN HÓA CÔNG TY
“Công ty là một doanh nghiệp nhà nước cũ, phát triển chậm rãi. Thị trường đang thay đổi nhanh chóng, hiệu suất của công ty chỉ ở mức trung bình. Những người có khả năng đã rời đi hết, còn lại một nhóm người đang làng nhàng qua ngày chờ nghỉ hưu. Thực sự nhàm chán!”
“Có một số phe phái trong công ty rủ tôi ăn cơm. Suốt ngày kéo bè kết phái, tôi thực không muốn ở lại nữa!”
“Tất cả nhân viên công ty là người Thượng Hải. Tôi là người ngoại tỉnh, bị những người khác kì thị.”
“Các đồng nghiệp trong công ty đều tự lo thân mình. Tập thể là một nắm cát rời. Bước vào công ty giống như bước vào một hầm băng!”
Mỗi ngày, chúng ta có thể nghe thấy tất cả các kiểu nhân viên tiết lộ văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Tôi có cảm nhận sâu sắc rằng khá nhiều công ty vẫn cần phải đi một chặng đường dài để tạo ra văn hóa doanh nghiệp tốt. Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình lớn nhất của một doanh nghiệp. Nó phải thể hiện được quyết tâm: Hãy để chúng tôi đồng tâm hiệp lực phục vụ công ty. Đồng sáng lập và CEO của Linkedin là Red Hoffman đã nhấn mạnh trong bài viết Thời đại việc làm mới - Quan hệ hợp tác: “Tầm quan trọng của hợp đồng lao động ở chỗ: Nó không chỉ là một giao kết thuần túy. Đó là sự hợp tác giữa các tổ chức và cá nhân. Cả hai bên đều phải cam kết giúp đỡ nhau thành công.”
Khi đang tìm kiếm tổng giám đốc cho một công ty mới niêm yết, tôi đã tìm thấy Kevin. Anh từng là một giám đốc điều hành hoạt động bán hàng của công ty trong tập đoàn trị giá 10 tỷ. Anh có hiệu suất làm việc tuyệt vời, tính tình đoan chính. Lần đầu tiên tôi gặp anh, tôi thấy trong đôi mắt của anh là sự kiên trì và quyết tâm. Sau nhiều lần tiếp xúc, tôi phát hiện anh liên tục nhấn mạnh rằng mình là một người tập trung vào công việc và không thích tham gia vào chính trị.
Vào một đêm mùa xuân, chúng tôi trò chuyện trong khi uống trà: “Sau khi rời W, vài năm nay anh start–up thuận lợi theo ý muốn chứ?” Tôi thoáng thấy anh ấy có chút lạc lõng và xấu hổ. “Amy, cô biết rằng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi công ty W. Tôi đã làm việc tại đó hơn mười năm từ cấp cơ sở đến cấp quản lý. Tôi còn rất nhiều tình cảm. Ngày rời đi, tôi thu dọn đồ đạc mang lên xe, trong lòng còn lưu luyến. Hạng mục khởi nghiệp sau khi rời W không liên quan gì đến ngành nghề ban đầu của tôi. Ban đầu tôi dự định đầu tư 10 triệu Nhân dân tệ nhưng thực tế số tiền đã lên tới 20 triệu Nhân dân tệ. Khởi nghiệp ở một lĩnh vực khác, có rất nhiều thứ phải học và lo lắng. Tôi đã bàn bạc, tính toán xong với cộng sự. Họ sẽ phụ trách vận hành, quản lý kinh doanh. Còn tôi vẫn muốn quay lại ngành công nghiệp chuyển động nhanh quen thuộc để phát triển.”
“Vậy tại sao anh lại rời đi?” Tôi thầm nghĩ trong lòng rằng quyết định nhảy việc của anh ấy ít nhiều có sự bốc đồng.
“Sau khi sáp nhập, công ty đã có nhiều thay đổi về nhân sự. Tôi thích những người tập trung làm việc, và tôi không thích tham gia vào chính trị văn phòng...”
Tôi hơi lo lắng rằng anh ấy làm việc quá nhiều mà không quan tâm đến việc phát triển các mối quan hệ. Đánh giá một cách toàn diện thì khả năng chuyên môn, nhân phẩm và giá trị quan của Kevin đều đủ tiêu chuẩn. Tôi giới thiệu anh ấy cho khách hàng. Khách hàng của tôi là một tập đoàn nổi tiếng trên thị trường. Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm cho dự án và Kevin đã có quen biết từ trước. Họ bắt đầu một cuộc trao đổi dễ chịu. Khi đi sâu hơn vào câu chuyện, Kevin đã chủ động nói ra những lo lắng của riêng mình.
“Tổng giám đốc Lưu, mấy chục năm nay tôi đều tận tình làm việc. Anh cho tôi một mục tiêu, tôi sẽ không phản đối và cố gắng hết sức để hoàn thành. Ngoài ra, tôi không muốn tham gia vào chính trị. Tôi thích làm việc độc lập.”
“Tổng giám đốc Vương, tôi chia sẻ với anh một vài ý kiến. Quản lý chuyên nghiệp ở tuổi 40 là một thách thức. Đây là giai đoạn từ cấp bậc trung bình bước lên cấp bậc cao. Nếu bước qua được thì sẽ rất tốt, nếu bước không qua, việc này thực sự đau đớn với họ - những người đặt ra yêu cầu cao cho bản thân. Giai đoạn này, việc học làm người rất quan trọng, còn quan trọng hơn làm việc. Anh đừng bài xích nó, phải coi việc học làm người là một phần của công việc. Như vậy mới bước lên một bậc cao hơn. Đây là con đường bắt buộc phải đi qua để trở thành tổng giám đốc điều hành, là trở ngại buộc phải vượt qua được!”
Kevin gật gật đầu tỏ vẻ suy nghĩ.
Cuối cùng anh không có duyên với cơ hội này. Nguyên nhân chủ yếu là do tính cách cá nhân đã hạn chế sự phát triển của anh ấy. Hiện tại anh đã quay trở lại lĩnh vực chuyển động nhanh để khởi nghiệp. Khởi nghiệp có lẽ thích hợp hơn với sự phát triển nghề nghiệp của anh ấy. Hi vọng anh ấy khởi nghiệp vui vẻ và thành công.
Là con người, ai cũng đều vì lợi ích của mình mà bôn ba tứ hải, ai cũng lo vun vén lợi ích của mình. Giữa người và người, giữa các phe phái nảy sinh những cuộc tranh chấp là do xuất hiện chiếm hữu và phân chia tài nguyên. Trừ khi sinh sống ngoài Trái Đất, nếu không ở đâu có con người thì ở đó có các mối quan hệ đan xen, chỉ là mức độ phức tạp khác nhau mà thôi.
Làm thế nào để sống tốt trong môi trường làm việc phức tạp, tôi tặng mọi người ba lời khuyên.
• Lời khuyên đầu tiên: Tạo ra nhiều giá trị hơn và tốt hơn cho công ty.
Tốt nhất là tạo ra những giá trị vượt qua dự tính. Nhà quản lý phải làm hết sức mình để đảm bảo rằng những giá trị gia tăng này là mối quan tâm đối với những người điều hành công ty.
• Lời khuyên thứ hai: Xây dựng mạng lưới các mối quan hệ của riêng bạn.
Phải hiểu và nắm rõ hệ thống không chính thức của công ty. Hiểu rõ được những người nào sẽ có vai trò quan trọng trong việc đi hay ở của bạn. Tìm cách để kết nối với những nhân vật này. Thêm nữa, cần phải liên tục duy trì giao tiếp với họ.
• Lời khuyên thứ ba: Không ngừng mở rộng phạm vi kết bạn của bản thân. Mở rộng đến các bộ phận ở trên, ở dưới, các bộ phận khác.
Đối với sự hợp tác liên bộ phận, liên công trình thậm chí xuyên quốc gia, chúng ta cần nỗ lực học tập và tìm niềm vui ở đó. Tôi thường xuyên nghe những ứng viên ở bên than thở: “Cấp trên o ép tôi. Họ đổi hết những nhân viên cốt cán, quan trọng của tôi. Những nguồn lực tôi cần cũng không cung cấp. Tôi không có cách nào tiếp tục làm việc nữa.” “Những nhóm kinh doanh kỳ cựu cùng gây khó khăn cho tôi. Họ khống chế quyền lực của tôi. Hàng ngày tôi đều chẳng có việc gì làm, không có cách nào phát huy được sở trường của mình…” Chúng ta có thể khởi nghiệp hoặc đổi công ty giống như Kevin. Nhưng bạn có đảm bảo công ty tới hoặc khởi nghiệp sẽ là một môi trường hoàn hảo? Bạn có đảm bảo mỗi người đồng nghiệp sẽ đánh giá cao bạn, giúp đỡ bạn? Just a dream! (Nằm mơ giữa ban ngày!) Hãy mời người bạn trong một công ty trong mơ của bạn hoặc cộng sự kinh doanh của bạn uống cốc trà. Nói dăm ba câu chuyện, tìm hiểu tình hình của công ty họ, có thể bạn sẽ á khẩu không nói nên lời. Các yếu tố như cơ cấu cổ phần, đồng nghiệp và nền tảng văn hóa cùng nhiều điều khác sẽ ảnh hưởng đến môi trường công ty. Xây dựng quan hệ là một môn học bạn phải học, là học phần bắt buộc của người quản lý. Chúng ta học càng nhiều, càng có thể thành thạo tại nơi làm việc!
LÃNH ĐẠO TRỰC TIẾP
Trước tiên xin đưa ra câu hỏi: Nếu bây giờ lãnh đạo trực tiếp của bạn nhảy việc sang công ty mới, ông ấy mời bạn cùng nhảy việc một cách riêng tư. Bạn liệu có đi theo ông ấy mà không lo lắng hay do dự?
“Sếp của tôi thay đổi ba lần một năm. Mỗi người một phong cách. Thật không thể chịu đựng được!”
“Sếp ban đầu khá ổn. Giờ được thay thế bởi sếp nữ. Cô ấy hoàn toàn không hiểu về tài chính, gây khó dễ vô căn cứ.”
“Khi sếp mời tôi về công ty thì nói rất hay, sẽ để tôi phát huy tối đa tài năng của mình, tôi sẽ có cơ hội thể hiện hết tài năng. Bây giờ thì tôi như một con rối, ông ấy không lắng nghe bất cứ ý kiến nào của tôi. Quyết định của ông ấy chính là chân lý.”
“Ông chủ của tôi là một người nghiện công việc. Ông ấy làm việc không ngừng nghỉ. Chúng tôi cũng không thể nghỉ ngơi. Làm việc bảy ngày một tuần, nếu cứ tiếp tục thế này, chúng tôi thậm chí không có thời gian tận hưởng mùa hè cùng con cái!”
“Sếp của tôi theo đuổi sự hoàn hảo. Mỗi lần tôi nộp báo cáo, gửi PowerPoint cho anh ấy, ít nhất phải sửa trên 10 lần.”
“Sếp cứ tức giận là mắng chửi người khác. Đều là những lời bẩn thỉu khó nghe!”
• Câu chuyện 1:
Cô Cindy theo ông chủ Wely được 7 năm. Gần đây ông mời cô gia nhập team mới của mình. Lĩnh vực mới, vị trí mới có thách thức và có rất nhiều không gian phát triển. Hiện tại, cô có một vị trí tốt, quen thuộc với các đồng nghiệp và lãnh đạo. Công ty đang rất phát triển. “Nên rời đi hay ở lại?”, Cindy đang cân nhắc.
• Câu chuyện 2:
Leo mới lên chức, thay thế vị trí của lãnh đạo tiền nhiệm – Kevin. Kevin đã mạo hiểm tiến hành khởi nghiệp. Hôm qua Leo nhận một cuộc điện thoại từ Kevin. Kevin có một vị trí công việc rất phù hợp với chuyên ngành của Leo, vì vậy mời anh gia nhập. Leo thấy khó nghĩ.
• Câu chuyện 3:
Marry làm việc tại một công ty đa quốc gia thuộc top 500 trên thế giới. Tại đây cơ hội được bồi dưỡng nhiều, môi trường làm việc khá thoải mái, cách thức quản lý đầy tính nhân văn. Nhưng chức vụ của cô hơi thấp, cơ hội thăng tiến không nhiều. Megan – sếp trực tiếp của Marry nhảy việc sang một công ty hạng trung, chức vị và lương thưởng được tăng thêm rất nhiều. Megan trong một lần gặp gỡ đã mang tới cho cô một cơ hội. Vị trí việc làm và đãi ngộ mà Megan đưa ra đều ổn, hơn nữa lại có thể nâng cao năng lực quản lý của Marry. Vậy Marry có nên nhảy việc?
Những câu chuyện nhỏ như trên thường xuyên xảy ra bên cạnh chúng ta, nên lựa chọn thế nào đây? Tại thời điểm này, chúng ta cần xác định rõ vị trí của bản thân và lập kế hoạch hợp lý. Theo tôi, nơi làm việc là chiến trường, và cần phải nắm bắt một vài điểm cốt lõi để giành được chiến thắng.
Điểm cốt lõi 1: Biết mình biết ta, trăm trận thắng trăm. Đầu tiên hãy tiến hành phân tích SWOT (Strength – ưu thế, Weakness – điểm yếu, Opportunity – cơ hội, Threat – thách thức) trong môi trường làm việc của bạn.
Điểm cốt lõi 2: Lựa chọn chiến địa, chiến hữu, thời cơ chiến đấu. Chúng ta sẽ thảo luận kỹ càng về chiến địa và thời cơ chiến đấu ở phần sau. Trong phần này chúng ta đặt trọng tâm thảo luận về việc lựa chọn chiến hữu. Nơi làm việc ngày nay là sân chơi của đội ngũ ngôi sao. Ông chủ là một trong những đồng đội cốt lõi của bạn, chọn ông chủ và chọn cộng sự quan trọng như nhau.
Quản lý nhìn từ góc độ văn hóa truyền thống, tôi đánh giá cao “Binh pháp Tôn Tử”. Tôn Tử nói: Tướng giả, trí, tín, nhân, dũng, nghiêm dã (nghĩa là người lãnh đạo túc trí đa mưu, thưởng phạt có uy tín, thật lòng quan tâm cấp dưới, dũng cảm quyết đoán, kỷ luật nghiêm ngặt). Nếu gặp được ông chủ có đầy đủ năm phẩm chất trên, bạn nhất định phải đi theo! Đáng tiếc là những cơ hội này chỉ có khả năng gặp được chứ không yêu cầu được.
Bạn cần lựa chọn những điều lớn lao và bỏ qua những thứ nhỏ bé. Hãy chú ý ba điểm then chốt sau về người lãnh đạo của bạn: Một, ông ta có thật lòng quan tâm đến bạn? Mối quan hệ giữa hai người không đơn giản bị trói buộc bởi tờ hợp đồng, mà là sự tín nhiệm và sự cộng hưởng của hai thế giới quan. Hai, liệu hai bên có một mối liên hệ trong tiềm thức? Ba, liệu ông ấy có thể trở thành cố vấn trong sự nghiệp của bạn? Hãy hỏi chính mình và tìm câu trả lời.
Những quyển sách viết về quản lý hiện đại vô cùng phong phú. Các ứng viên và khách hàng cũng cho tôi rất nhiều thông tin và nguồn cảm hứng. Từ đó tôi rút ra được những tinh hoa và tổng hợp các đặc điểm chủ chốt của người quản lý đáng giá.
(1) Năng lực lãnh đạo (Leadership). Người quản lý phải có khả năng hướng dẫn, cổ vũ, tìm kiếm phát triển và hỗ trợ cá nhân tốt. Phải giỏi trong việc xác định mục tiêu rõ ràng và phương pháp khả thi. Biết phát huy tối đa khả năng của thành viên cùng các bộ phận đội nhóm. Giúp cá nhân đạt được mục tiêu trưởng thành và mục tiêu cuộc sống của riêng mình.
(2) Trọng tâm chiến lược (Strategic Focus). Người quản lý cần có khả năng tư duy chiến lược mạnh mẽ. Có thể xây dựng và hiệu chỉnh chiến lược tổ chức một cách vững chắc để đạt được mục tiêu và có khả năng phá vỡ mục tiêu.
(3) Cung cấp kết quả (Delivering Results). Người quản lý phải là người lãnh đạo tổ chức kiểu “Có thể làm”. Phải giỏi tổ chức và điều phối các phòng ban khác nhau và các đội nhóm chuyên nghiệp. Phải biết thông qua việc xây dựng các quy tắc hợp tác hiệu quả, quy trình vận hành chi tiết và kế hoạch toàn diện để phân tích các điều kiện cần thiết nhằm đạt được mục tiêu. Có khả năng tổ chức, điều phối nguồn lực và đào tạo kỹ năng tương ứng để đạt được các mục tiêu và đạt được kết quả mong muốn.
(4) Sự nhạy bén trong kinh doanh (Business Acumen). Người quản lý phải có kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn kinh doanh. Hiểu được cách để thể hiện giá trị tiềm tàng trong sự phát triển và thành công của công ty.
(5) Quản lý những thay đổi và rủi ro (Managing Change and Risks). Đó phải là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và kiểm soát rủi ro.
(6) Cải tiến và đổi mới liên tục (Continuous Improvement and Innovation). Người quản lý phải có kinh nghiệm sâu rộng và chuyên nghiệp trong việc cải tiến liên tục. Đặc biệt giỏi trong việc lãnh đạo hiệu quả dịch vụ cải tiến để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Công sở là chiến trường. Bạn không chịu trách nhiệm cho bất cứ điều gì khác ngoài sự nghiệp của chính bản thân mình.
Gợi ý:
Bryan L. Bonner, Giáo sư tại Đại học Utah và Alexander R. Bolinger, Phó giáo sư tại Đại học bang Idaho đã chia sẻ trong một bài báo có tựa đề Bí mật của đội nhóm giỏi nhất: Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng các tiêu chuẩn gây ảnh hưởng của các đội thống trị đang chuyển từ ảnh hưởng tới xã hội sang ảnh hưởng tới thông tin. Những yếu tố không liên quan khác sẽ bị loại bỏ - không chỉ bao gồm sự tự tin và tính cách hướng ngoại, mà còn cả địa vị, kinh nghiệm, trình độ, lòng can đảm, giới tính và chủng tộc.
Các phiên bản của sếp trực tiếp tại nơi làm việc là vô cùng tận. Nói một cách khách quan, hầu hết các ông chủ đều rất đáng tin cậy trong việc làm người và làm việc. Thỉnh thoảng, sếp có lời lẽ quá đáng và hành động quá mức cũng là điều dễ hiểu. Người cấp dưới phải có một trái tim bao dung. Sếp có nhiều điều phải lo lắng hơn chúng ta, và áp lực cũng lớn hơn nhiều. Nếu ông chủ thường xuyên có những lời nói và hành động thô lỗ, việc nhân viên rời đi là không thể tránh khỏi. Như con báo bị nhốt trong chuồng, bộ phận này có người lãnh đạo như vậy, có thể phát triển lâu dài hay không là điều làm người ta lo ngại. Lựa chọn một công ty rất quan trọng, lựa chọn một ông chủ còn quan trọng hơn! Một ông chủ tốt là một quý nhân ở nơi làm việc của chúng ta!
Gợi ý:
Dữ liệu: Một công ty nước ngoài đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với nhân viên vào năm 2014. Tỷ lệ khảo sát hiệu quả là 87,8%. Trong đó 28,4% cho rằng họ không thích cấp trên của họ, 66,1% cho biết điều họ không thể chấp nhận nhất ở cấp trên là bị đối xử không công bằng. Cấp trên kiểu dân chủ được nhân viên yêu mến nhất, chiếm 41,4%. Quan trọng hơn, 31% người lựa chọn thôi việc vì họ không hợp với cấp trên.
KHI ÔNG CHỦ BÀY “BÁNH VẼ”
“Khi ông chủ mời tôi làm tổng giám đốc, tôi rất phấn khích. Tôi coi trọng môi trường làm việc này, không quan tâm đến những điều khác! Ai ngờ ông ta đã không hỗ trợ tôi bất cứ điều gì trong nửa năm qua. Tiền lương mỗi tháng không được trả toàn bộ. Tất cả các chi phí quan hệ công chúng tôi đều phải tự chi trả. Tôi từng là phó chủ tịch của công ty với mức lương hàng tháng là 80.000 Nhân dân tệ đấy!”
“Ông chủ nói rằng khi hoàn thành hạn mức công việc sẽ thưởng cho tôi. Hạn mức đã hoàn thành nhưng tôi vẫn không nhận được một xu tiền thưởng!”
Trên đây đều là những bài học xót xa! Hầu hết các ông chủ ở nơi làm việc đều rất giữ lời hứa, nhưng luôn có những ông chủ cá biệt ở giai đoạn nào đó vô tình hoặc cố ý hồ đồ. Ông chủ không đáng tin cậy, nơi làm việc có tốt hơn nữa cũng không có tác dụng. Hãy nhảy việc ngay lập tức! Tìm hiểu thêm về Luật Lao động trong thời gian rảnh rỗi, học cách sử dụng pháp luật để bảo vệ chính mình. Nếu cần, hãy duy trì các quyền và lợi ích nghề nghiệp hợp pháp của mình thông qua luật sư chuyên nghiệp và các tổ chức pháp lý.
CÔNG TY KINH DOANH KÉM
“Tôi biết khá rõ tình hình tài chính của công ty. Kỳ vọng của ông chủ vượt quá khả năng của tôi. Tôi không muốn mạo hiểm lớn như vậy với đồng lương ít ỏi.”
“Công ty không chậm trễ tiền lương của tôi, nhưng còn nợ tiền lương của nhóm tôi. Trao đổi với sếp nhiều lần cũng vô ích. Cậu bảo tôi làm tổng giám đốc thế nào?”
“Ông chủ của công ty đã bị bắt. Hiện tại, người thân của ông ta quản lý công ty một cách lộn xộn.”
“Mỗi ngày đều thấy có người rời công ty. Những nhân viên kỳ cựu đánh Đông dẹp Bắc với ông chủ đều đã đi hết!”
Gặp phải những nguyên nhân kể trên, bạn đều không nên ở lại công ty đó lâu dài. Tôi xin tóm tắt đặc điểm của các công ty không nên gắn bó trong thời gian dài. Chúng ta tập trung vào ba khía cạnh: quản lý, tài chính và kinh doanh.
(1) Người đứng đầu và quản lý không có năng lực.
(2) Sự cạnh tranh giữa các lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp rất khốc liệt và đội ngũ nòng cốt bị rút cạn nghiêm trọng.
(3) Hệ thống quản lý doanh nghiệp hỗn loạn, nhân viên lợi dụng việc công trục lợi tư, tình trạng tham nhũng diễn ra nghiêm trọng.
(4) Quá nhiều các cuộc họp, hoặc chỉ họp mà không đưa ra quyết định.
(5) Tổng giám đốc độc đoán, chuyên quyền, thích nghe tâng bốc.
(6) Thành viên Hội đồng quản trị không có năng lực.
(1) Các quy định tài chính của doanh nghiệp không hiệu quả.
(2) Tổng giám đốc độc đoán, kiểm soát Hội đồng quản trị.
(3) Công ty không có ngân sách tài chính hoặc không kiểm soát nó theo quy định.
(4) Công ty không có hệ thống kiểm soát chi phí.
(5) Có quá nhiều khoản nợ.
(1) Hầu hết lợi nhuận của công ty đến từ mối quan hệ cá nhân của sếp.
(2) Phụ thuộc quá nhiều vào các dự án lớn.
(3) Doanh nghiệp phát triển quá nhanh nhưng năng lực cạnh tranh cốt lõi còn yếu kém.
(4) Chiến lược của công ty đã lỗi thời, khả năng thích ứng kém. Các sản phẩm của công ty không đổi mới.
(5) Thường xuyên nợ lương (lần đầu tiên nợ lương phải cảnh giác).
(6) Tỷ lệ “chảy máu nhân viên” quá cao.
(7) Mức lương so với thị trường quá thấp.
(8) Môi trường văn phòng của doanh nghiệp có điều kiện quá kém.
(9) Các nhân viên tuyến đầu thường xuyên phàn nàn về công ty.
(10) Nhân sự phụ trách nhân lực của công ty kém chuyên nghiệp.
Gợi ý:
Rita Gunther McGrath - nữ học giả về quản lý chiến lược người Mĩ đã đưa ra cách phân tích các công ty trong bài viết Ưu thế cạnh tranh tức thì. Cụ thể, hãy tự hỏi chính bạn, liệu doanh nghiệp của bạn có nhiều hơn bốn tình hình sau đây không:
LƯƠNG THƯỞNG
Ba năm trước, trong quá trình tìm kiếm giám đốc đầu tư cho một tập đoàn tài chính, một ứng cử viên đặc biệt tên là Lưu Soái, đã khiến tôi chú ý. Trong câu lạc bộ Lan rất lãng mạn ở Bắc Kinh, chúng tôi bắt đầu một cuộc trò chuyện.
“Nơi làm việc rất ổn, tại sao cậu lại xem xét đến việc rời đi?”, tôi tò mò hỏi tài năng trẻ ấy.
“Nơi làm việc đúng là ổn, tôi có cơ hội tham gia rất nhiều hạng mục lớn. Tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ để tích lũy chuyên môn cá nhân. Nhưng cô biết không, thù lao và tiền thưởng của tôi thực sự khác xa với mức trung bình của thị trường! Tiền thưởng cuối năm vừa rồi của tôi chỉ có 10.000 Nhân dân tệ!”
“Thật không công bằng. Mức lương của cậu thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thị trường. Chi phí sinh hoạt ở Bắc Kinh quá cao, những năm gần đây đúng là không dễ dàng. Nhưng cậu còn quá trẻ, mới hơn 20 tuổi, trước hết đừng lấy tiền lương là vấn đề trọng tâm để xem xét việc đi hay ở. Công ty này mang đến cho cậu cơ hội và tài nguyên mà những nơi khác khó có được. Tôi khuyên cậu tốt nhất hãy làm việc khoảng ba hay năm năm ở đây, rồi suy nghĩ bước phát triển tiếp theo. Làm việc gì cũng có lợi ích và tổn thất!”
“Tôi đã đi làm ba năm rồi, luôn luôn tận tâm với công việc. Mỗi năm tôi đều vượt chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ. Cấp trên lần nào cũng nói tăng lương cho tôi. Năm nay cũng coi là tăng rồi, nhưng tôi nhìn lại thẻ lương, chỉ tăng có 3%!”
“Lúc đó tôi đặc biệt muốn làm việc ở công ty này, vậy nên không có bất cứ yêu cầu gì về mức lương. Nay đã làm việc ba năm, so sánh với các đồng nghiệp của tôi, lương cơ bản thấp hơn không phải chỉ một chút ít, mà cách nhau quá xa!”
“Lương cơ bản của công ty chúng tôi thấp nhưng tiền thưởng lại khá cao. Vài năm trước, thu nhập của tôi rất ổn. Nhưng bắt đầu từ năm ngoái ngành này đã xuống dốc, chỉ lấy được một khoản tiền thưởng rất nhỏ. Vì thế bây giờ tôi nên xem xét, tìm kiếm cơ hội từ các thị trường bên ngoài!”
Sau khi xem xét kỹ lưỡng và tự cân bằng, Lưu Soái đã từ bỏ ý tưởng ngay lập tức nhảy việc. Cậu đã lựa chọn kiên định, không ngừng nâng cao năng lực và rèn luyện bản thân. Sau mấy năm tích lũy và nỗ lực, cậu đã thăng tiến rất nhanh. Mức lương cũng đã được cải thiện.
Thu nhập cao chưa hẳn là yếu tố quyết định trong công việc, quan trọng hơn là một công việc có giá trị gia tăng cao. Giá trị gia tăng cao này thể hiện ở chỗ: có thể cải thiện tình hình của bạn, mở rộng tầm nhìn của bạn hoặc có một người cố vấn dẫn đường để bạn nhanh chóng và thuận lợi phát triển. Nhất định đừng bị bịt mắt bởi những lợi ích trước mắt, chốn công sở cần những người chạy đường dài!
Lương cơ bản quá thấp sẽ gây bất lợi cho việc phát triển cấp quản lý. Nếu giá trị gia tăng của một công ty không đủ cao, bạn nên lên kế hoạch trước. Mức lương chính là một tiêu chí quan trọng để đo lường giá trị công ty. Mức lương như vậy sẽ khó được đem ra thảo luận trong phỏng vấn khi bạn nhảy việc. Rất có khả năng bạn sẽ bị các nhà tuyển dụng gây áp lực. Đây là thực tế trần trụi mà tôi đã chứng kiến trong những năm qua. Từ bỏ môi trường làm việc với mức lương cơ bản thấp càng sớm càng tốt. Từ quan điểm của các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, các ưu đãi hợp lý có thể giữ được những tài năng xuất chúng. Đây là vấn đề mà từ những người sáng lập đến cấp trung và cấp cao đều cần chú ý.
THAY ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC
“Công ty sáp nhập, vị trí của tôi được điều chỉnh. Vị trí mới có một khoảng trống rất lớn so với kỳ vọng của tôi”.
“Tôi đã làm việc ở vị trí quản lý hoạt động hơn mười năm rồi. Năm nay, tôi chuyển từ Tổng giám đốc quản lý hoạt động sang Tổng giám đốc quản lý nguồn nhân lực. Tôi đã gần 40 tuổi rồi!”
“Lãnh đạo mới gần đây đã nhậm chức. Chức vụ của tôi không thay đổi, nhưng công việc đã thay đổi rất nhiều. Tôi không có gì để làm, ngày cứ trôi qua làng nhàng như vậy. Tôi muốn xem xét cơ hội bên ngoài.”
Phần lớn lý do công ty thuyên chuyển vị trí công tác của nhân viên là vì cần phải có một sự thay đổi về mặt tổ chức. Nếu bạn tình cờ ở trong hoàn cảnh này, đừng vội vã nhảy việc. Hãy bình tĩnh và phân tích khách quan sức cạnh tranh, năng lực thích ứng, hoàn cảnh của mình trong vị trí mới. Hãy đánh giá toàn bộ môi trường. Nếu kết quả đánh giá toàn diện là tốt, bạn có thể thách thức bản thân, nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Ở lại có thể tốt hơn, dù sao thì làm việc trong một môi trường quen thuộc cũng rất dễ dàng. Chi phí thử nghiệm và mắc lỗi cũng tương đối thấp. Từ quan điểm của mình, công ty sẽ thận trọng trong việc đối đãi với các nhân viên cũ. Ngay cả khi bạn được giao chịu trách nhiệm về những lĩnh vực xa lạ, có thể là vì lãnh đạo tin tưởng bạn, muốn đào tạo, bồi dưỡng bạn và hy vọng rằng bạn có thể gánh vác việc lớn cho anh ta. Sự tin tưởng của lãnh đạo cũng là một nguồn lực quý báu, khan hiếm, có giá trị đối với tầng lớp quản lý.
CÔNG TY CHUYỂN ĐỊA ĐIỂM
“Trụ sở công ty sẽ chuyển đến Thượng Hải. Tôi đã mua nhà ở Bắc Kinh, vợ con tôi đều sống ở đó. Tôi vẫn muốn ở lại Bắc Kinh phát triển sự nghiệp.”
“Công ty muốn chuyển đến Vọng Kinh. Nhà tôi cách Vọng Kinh rất xa, phải mất hơn 4 giờ để đi lại mỗi ngày, thật dễ nản! Vì thế tôi cần xem xét, để ý công ty gần nhà hơn.”
“Công ty chuyển đến vùng ngoại ô xa xôi, có cung cấp chỗ ở cho nhân viên, nhưng tôi vẫn thích sống ở thành phố. Vì vậy tôi cần xem xét cơ hội việc làm mới!”
Thời gian của bạn nên dành cho những điều tốt đẹp, và thật đáng tiếc khi để lãng phí cho việc đi lại. Về lâu dài, nó không tốt cho cả cơ thể và tâm trí của bạn. Theo dữ liệu khảo sát từ các tổ chức có chuyên môn, thời gian đi lại trực tiếp quyết định chỉ số hạnh phúc. Chúng ta đều biết thời gian di chuyển ở các thành phố hạng nhất đều không ngắn. Trong trường hợp thay đổi địa điểm công ty và gia tăng thời gian đi lại, bạn có thể xem xét việc điều chỉnh cuộc sống. Chẳng hạn như thuê nhà gần công ty, thay đổi phương thức di chuyển.
Gợi ý:
Cục thống kê quốc gia Anh quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát chuyên sâu. Kết quả cho thấy việc đi lại ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân và thời gian đi lại càng lâu thì hạnh phúc càng thấp.
Trong cuộc khảo sát này, các nhà điều tra của Cục thống kê quốc gia Anh quốc đã thu thập thông tin về thời gian đi lại và một số chỉ số hạnh phúc của hơn 60.000 người. 91,5% số người được hỏi là người đi làm.
Kết quả cho thấy, so với người không đi làm, người đi làm có giá trị thấp hơn về mức độ hài lòng và cảm giác hạnh phúc, còn mức độ lo lắng lại cao hơn. Đối với thời gian đi lại, mỗi phút tăng thêm thì sự lo lắng tăng lên và các chỉ số hạnh phúc khác giảm. Các nhà nghiên cứu thấy rằng việc sử dụng các phương tiện di chuyển khác nhau có tác động khác nhau đến cảm giác hạnh phúc. Ảnh hưởng của việc di chuyển bằng tàu hỏa cao hơn so với tự lái ô tô. Đi bộ hoặc đi xe đạp cũng làm giảm cảm giác hạnh phúc. Điều này cho thấy mặc dù hai hình thức vận động này tốt cho sức khỏe, nhưng hiệu quả giảm căng thẳng không tốt như mong đợi. Những người đi làm bằng xe đạp trong 16 đến 30 phút có mức độ hạnh phúc thấp hơn so với những người đi lại trong ít hơn 16 phút bằng bất kỳ phương tiện giao thông nào khác.
Những người đi làm bằng xe buýt có sự hài lòng thấp nhất với cuộc sống và có nhiều khả năng nghĩ rằng các hoạt động họ thực hiện hàng ngày không có giá trị.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy việc di chuyển từ 61 đến 90 để đến nơi làm việc làm giảm mức độ hạnh phúc nhiều nhất.
Báo cáo cho biết: “Trong các chỉ số về tiêu chuẩn hạnh phúc, việc đi lại có tác động lớn nhất đến sự lo lắng và tâm trạng hạnh phúc. Điều đó có nghĩa là việc di chuyển trong khoảng thời gian dài mang đến cảm xúc tiêu cực nhiều hơn là sự hài lòng. Trong thang điểm từ 0 đến 10, xét tiêu chí mức độ hài lòng về cuộc sống, điểm đạt được của người không đi làm cao hơn 0,14 điểm so với người có đi làm. Xét tiêu chí tâm trạng vui vẻ, điểm của người không đi làm cao hơn 0,19 điểm so với người đi làm.
Tờ Daily Mail của Anh quốc dẫn lời các nhà điều tra nói rằng những người đi làm có điểm thấp hơn những người không đi làm ở các chỉ số hạnh phúc. Mặc dù sự khác biệt không đáng kể, nhưng nó có ý nghĩa thống kê.
Theo báo cáo, về tổng thể, di chuyển làm giảm cảm giác hạnh phúc. Các yếu tố khác như thu nhập cao hơn hoặc điều kiện sống tốt hơn, có thể không bù đắp hoàn toàn được tác động tiêu cực trên. Mọi người có thể đưa ra lựa chọn khác dưới mức tối ưu.
Tiến sĩ Daniel Newman thuộc Viện Không gian bền vững tại Đại học Cardiff, Vương quốc Anh cho biết: “Báo cáo này cho thấy một thực tế: Di chuyển là một công việc khó khăn. Hầu hết mọi người đều có trải nghiệm này. Sớm tối ngồi trong xe, chờ đợi để vượt qua tắc nghẽn hoặc chen chúc nhau trong những toa tàu chật cứng như cá mòi đóng hộp.”
Newman nói rằng các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng di chuyển ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. “Có cơ sở để tin rằng những vấn đề về thể chất này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.”
TĂNG CA MỖI NGÀY
“Công ty tôi yêu cầu nhân viên tăng ca quanh năm và phải làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày. Công ty quy định rằng các giám đốc điều hành được nghỉ 4 ngày một tháng. Trong 4 ngày này còn thường bị công ty gọi đến họp!”
“Các bộ phận khác của công ty hiếm khi làm thêm giờ. Duy có sếp của phòng ban chúng tôi yêu cầu chúng tôi làm thêm giờ mỗi ngày. Nhiều việc phải làm thêm, ít việc cũng phải đợi đến sau 7 giờ tối mới được tan sở!”
“Công ty thường làm thêm giờ. Cứ làm thêm giờ là thâu đêm. Một, hai lần thì không sao, nhưng quanh năm cứ như vậy thì sức nào chịu được!”
Cá nhân tôi vô cùng căm ghét làm thêm giờ một cách mù quáng. Mỗi lần tôi nhìn thấy ứng viên mắt thâm quầng, vóc dáng gầy gò hay mụn trứng cá mọc đầy mặt do thiếu ngủ trong thời gian dài, trái tim tôi đều có nỗi buồn không thể giải thích được. Một số người có thể nói rằng lương cao đồng nghĩa áp lực cao, cường độ cao, rủi ro cao... Chính xác, lương cao phải có cái giá của nó. Nhưng mức lương cao cũng đại diện cho IQ cao, EQ cao, kỹ năng cao, giá trị gia tăng cao... Họ cũng là con người, không phải là máy móc. Theo một số báo cáo, các ngành công nghiệp tài chính, tư vấn và truyền thông là những lĩnh vực có tỷ lệ làm thêm giờ cao nhất.
Chốn công sở là một cuộc đua marathon, ai là người trụ lại cuối cùng, đó là người chiến thắng. Do đó, những nhà quản lý thân mến, làm việc hùng hục trong thời gian dài không phải là hoạt động chính của nơi làm việc. Các bạn là niềm tự hào của cha mẹ, của gia đình, của xã hội. Từ bỏ một công ty bắt ép làm thêm giờ để chọn một công ty yêu mến, trân trọng tài năng của bạn, quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, tôi hoan nghênh sự thay đổi công việc này. Một cơ thể và tâm trí khỏe mạnh là sự giàu có của doanh nghiệp và của toàn xã hội!
VÌ GIA ĐÌNH
“Nửa năm nay, nếu tôi không ở sân bay, thì là trên đường đến sân bay. Tôi đã bay nhiều đến mức có một thẻ vàng trong nửa năm. Về đến nhà mà con tôi còn không nhận ra tôi.”
“Mỗi tháng tôi phải đi công tác ba tuần. Các việc liên quan đến con cái đều do trợ lý của tôi giúp đỡ.”
“Mỗi tháng có đến nửa tháng là tôi đi công tác ở nơi khác. Con cái quá nhỏ nhưng tôi không thể chăm sóc gia đình. Bà xã luôn cãi nhau với tôi vì điều này...”
“Một giám đốc nhân sự trong ngành chuyển động nhanh nổi tiếng đã rời công ty sau 7 năm gắn bó. Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học của con gái, cô xin nghỉ việc, ở nhà tập trung chăm sóc con suốt nửa năm. Sau khi con gái vượt qua kỳ thi với kết quả như mong muốn, cô trở lại nơi làm việc, và cô đã rất hạnh phúc.”
“Năm nay con tôi thi đại học nhưng tôi thường xuyên phải đi công tác, làm thế nào để chăm sóc con? Tôi muốn tìm một công việc không cần đi công tác thường xuyên, thu nhập thấp một chút cũng không sao!”
“Vợ tôi và tôi đều bận rộn với công việc, không quản lý tốt con trai mình. Bây giờ cháu phải ôn thi lên cấp Ba, nhưng kết quả học tập không tốt. Tôi muốn tìm một công việc không quá bận rộn, chỉ cần đi làm giờ hành chính và dành thời gian bên con thật nhiều!”
“Công ty muốn cử tôi đi công tác xa. Con trai tôi còn nhỏ, nhà không có ông bà, vợ tôi cũng bận. Tôi muốn tìm một công việc lâu dài ở Bắc Kinh để tiện chăm sóc con trai.”
“Con gái tôi đang học tiểu học. Cháu tan học sớm, không thể không có người đón cháu. Vì vậy tôi muốn tìm một công việc mà không phải thường xuyên làm thêm giờ.”
“Bạn trai ở Bắc Kinh, tôi ở Hàng Châu. Hy vọng có thể có cơ hội tới Bắc Kinh phát triển.”
“Vợ con tôi đều ở Bắc Kinh, tôi ở Thượng Hải lâu dài cũng không hay. Tôi mong tìm cơ hội trở về Bắc Kinh!”
“Vợ tôi đã nói hoặc là ly hôn, hoặc là trở về Bắc Kinh. Tôi ở nước ngoài, sự nghiệp phát triển rất tốt, nhưng cứ xa nhau lâu thế này cũng không ổn. Hơn nữa chúng tôi cũng muốn có con. Bởi vậy tôi đang xem xét cơ hội nghề nghiệp ở Bắc Kinh.”
Mỗi lần nghe những chia sẻ này của ứng viên, cảm giác đầu tiên của tôi là những người đi làm thật khó có thể cân bằng công việc và gia đình. Đó là lý do vì sao chương trình Bố ơi mình đi đâu thế? hot như vậy. Trong tình huống này, quan điểm của tôi là ủng hộ nhảy việc. Gia đình là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống. Thời gian dành cho gia đình là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời bạn. Hãy trân trọng nó.
Vợ chồng đoàn viên là lẽ đương nhiên. Tôn trọng bạn đời, trân trọng gia đình chắc chắn phải là ưu tiên hàng đầu cho một cuộc sống tốt đẹp. Theo ý kiến của tôi, thành công của đời người không chỉ giới hạn ở sự thăng tiến trong công việc. Hạnh phúc trong cuộc sống là điều quan trọng nhất.
Nếu là những người cha và người mẹ, chúng ta phải tìm cách tạo ra một tuổi thơ tuyệt vời cho con cái. Bác sĩ, nhà tâm lý học người Áo Freud Sigmund là người sáng lập ra lý thuyết phân tích tinh thần nổi tiếng. Lý thuyết về phát triển nhân cách của ông có hai đặc điểm quan trọng:
Một là nhấn mạnh vai trò của bản năng sinh học đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Hai là nhấn mạnh vai trò của những trải nghiệm của trẻ nhỏ trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Freud cho rằng con người sẽ trải qua năm giai đoạn phát triển. Sự phát triển của các giai đoạn khác nhau có trơn tru, thuận lợi hay không sẽ có tác động lớn đến tính cách trong tương lai, đặc biệt là sự thỏa mãn mong muốn và thất bại trong thời thơ ấu có liên quan mật thiết đến sự phát triển nhân cách. Các bé quá nhỏ, chúng ta cần dành thời gian và sức lực để chăm sóc, đồng hành, giáo dục và yêu thương bằng những cách thức và phương pháp tốt đẹp.
Sau nhiều năm làm công việc săn đầu người, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng nhảy việc rất hấp dẫn, nhưng tình hình thực tế là việc làm tốt đều là nguồn lực khan hiếm. Cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa mới có thể có được ông việc như ý. Vì con cái, rất nhiều cha mẹ đã nhảy việc. Nhưng ai nói rằng vì con cái mà từ bỏ một công việc không phải là một kiểu từ bỏ hợp lý đây?
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP MỚI
“Tôi đã làm việc trong một công ty tư nhân nhỏ được vài năm, tôi luôn muốn đến một doanh nghiệp nổi tiếng để học tập.”
“Khi đang tìm kiếm công việc đầu tiên của mình, tôi hy vọng được làm việc tại một trong 500 công ty hàng đầu. Bây giờ tôi đã tốt nghiệp được ba năm, và tôi vẫn muốn hiện thực giấc mơ đó.”
“Tôi đặc biệt muốn tìm hiểu cách thức hoạt động của doanh nghiệp chuẩn. Nếu công ty XX có cơ hội phù hợp nhất định phải chia sẻ ngay nhé!”
“Trong tập đoàn của chúng tôi, nhân viên không cần phải là chuyên gia. Sẽ có người giúp nhân viên mới thành thạo công việc của bộ phận. Về nghiệp vụ, nhiều nhất chỉ có thể làm đến chức trưởng bộ phận. Thế là tôi rời đi.”
“Lãnh đạo cấp trung trở lên của công ty đều là người nước ngoài. Người Trung Quốc muốn được thăng chức gần như là chuyện không thể.”
“Các lãnh đạo công ty đều là người Đài Loan, ở lại công ty chắc chắn không thể thăng tiến được!”
“Tôi không muốn làm công việc kỹ thuật cả đời, muốn tìm cơ hội chuyển sang bán hàng. Tính cách của tôi phù hợp với công việc này.”
“Tôi muốn vận hành một công ty, vì vậy tôi muốn đến các doanh nghiệp tư nhân để rèn luyện.”
Cá nhân tôi ủng hộ các bạn làm việc trong doanh nghiệp nổi tiếng. Thương hiệu doanh nghiệp có thể mang lại thành công cho các cá nhân ở một mức độ nhất định. Nhưng trong nhiều trường hợp, thương hiệu và khả năng lãnh đạo xuất sắc có mối liên kết chặt chẽ. Một số doanh nghiệp nổi tiếng quốc tế có thể bồi dưỡng chúng ta trở thành tài năng quản lý đa quốc gia. Đối với phần lớn lực lượng lao động, tại môi trường như vậy, họ sẽ nhận được lợi ích trong suốt cuộc đời.
Yêu cầu của doanh nghiệp nổi tiếng cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Làm thế nào để các ứng viên chuẩn bị bước đầu tiên? Trong vòng ít nhất nửa năm trước khi quyết định nhảy việc, hãy tận dụng thời gian rảnh rỗi của bạn để chuẩn bị các bước cần thiết (chúng tôi sẽ trình bày chi tiết trong các chương sau). Hãy thực hiện phân tích SWOT đối với công ty bạn nhắm đến, chi tiết đến bộ phận mà bạn muốn làm việc. Tốt nhất là tìm cơ hội trao đổi với các nhân viên của công ty mục tiêu. Thường xuyên gặp gỡ các công ty săn đầu người chuyên nghiệp, bạn bè làm nhân sự trong các ngành nghề. Tìm hiểu thêm thông tin thị trường và trau dồi những kỹ năng cần thiết như tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, trình độ quản lý… Thành thạo càng nhiều kỹ năng càng có lợi cho bản thân.
Phát triển nghề nghiệp là lý do cốt lõi tại sao hầu hết các chuyên gia xem xét thay đổi công việc. Các nhà quản lý trong ngành nghề khác nhau, vị trí khác nhau, độ tuổi khác nhau và các khu vực khác nhau được quy hoạch khác nhau. Trong Binh pháp Tôn Tử, Tôn Tử có nói: “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng.” Xin hãy tập trung phân tích kĩ càng bản thân bạn. Đồng thời tập trung phân tích những người ưu tú trong lĩnh vực của bạn, những đồng nghiệp giỏi nhất ở nơi làm việc. Thực hiện phân tích SWOT một cách nghiêm túc, cốt lõi, bạn sẽ khám phá được bản thân có những điều gì khác biệt với người khác, có những “điểm bán” (Selling point) nào.
Tần suất nhảy việc
• Câu chuyện 1:
“Tôi đã làm việc ở công ty hiện tại hơn năm năm.”
Xin chúc mừng bạn! Bạn đã có mức độ ổn định nghề nghiệp khá cao. Bạn có thể phân tích nơi làm việc hiện tại từ ba khía cạnh sau:
(1) Nhìn từ khía cạnh chiến lược, năm năm thường là một chu kỳ hoạch định chiến lược của công ty. Chiến lược ấy được thực hiện như thế nào? Chiến lược phát triển của công ty trong năm năm tới là gì? Đồng thời, bạn hãy đánh giá môi trường mà công ty của bạn đang hoạt động. Đó là doanh nghiệp đang tăng trưởng nhanh hay doanh nghiệp đã lớn mạnh và đang duy trì hoạt động? Một ngành công nghiệp mới khởi phát hay một ngành công nghiệp đã thoái trào? Công ty hướng tới tương lai như thế nào? Có sự tăng hoặc giảm đáng kể về vị trí của các doanh nghiệp trong ngành không, nếu có thì lý do là gì? Các đối thủ của công ty đang phát triển như thế nào?
Có lẽ người đọc sẽ đưa ra câu hỏi: Tôi chẳng qua chỉ là người quản lý bộ phận hoặc người giám sát cấp thấp, tôi có cần quan tâm đến những vấn đề trên không? Trừ khi bạn không quan tâm đến sự phát triển trong tương lai của công ty, nếu không thì dù ở bất cứ vị trí nào bạn cũng cần phải làm bài tập này. Bạn phải quen thuộc với môi trường làm việc. Bạn phải trau dồi tư duy chiến lược và mô hình của bản thân, đặc biệt là bồi dưỡng tư duy kinh doanh của chính mình.
(2) Phân tích bộ phận của bạn. Đó là bộ phận cốt lõi hay cận biên của công ty? Nếu là bộ phận cận biên, thì lý do là gì? Nếu nó là một bộ phận cốt lõi thì lý do là gì? Tình hình chung của đội nhóm bạn là gì? Những đồng nghiệp nào được thăng chức nhanh hơn và tại sao lại như vậy? Những đồng nghiệp đã rời đi thì sao, họ đã đến những công ty nào và đang phát triển ra sao? So với những đồng nghiệp này, thế mạnh và nhược điểm của bạn là gì? Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để làm điều này là phân tích dữ liệu về luân chuyển dòng nhân tài của ngành. Hãy tìm hiểu một số quy tắc ngành phù hợp với sự phát triển nghề nghiệp của bạn. Có rất nhiều báo cáo về vấn đề này, nhưng bạn chỉ nên tham khảo. Việc tự thu thập và sắp xếp có tính cá nhân hơn. Còn có một cách khác, đó là kết bạn với những người đi trước trong ngành. Hoặc kết bạn với các chuyên gia tư vấn săn đầu người cao cấp và nhân sự phụ trách nhân lực trong ngành. Hãy lắng nghe kinh nghiệm và chia sẻ của họ.
(3) Lên kế hoạch chu toàn cho bản thân trong năm năm sau. Phân tích sâu sắc tất cả những điều được và mất trong thời gian bạn làm việc tại công ty hiện tại. Hãy sử dụng các công cụ khác nhau - phân tích SWOT, phân tích định tính và định lượng… từ đó tổng kết khả năng cạnh tranh cốt lõi của bạn. Bạn phải nhìn bản thân theo góc độ của một người ngoài cuộc. Bạn của năm năm sau cần những khả năng cạnh tranh cốt lõi nào và nơi làm việc hiện tại có thể cung cấp cho bạn một năng lực cốt lõi bền vững hay không.
• Câu chuyện 2:
“Tôi nhảy việc mỗi năm một lần trong ba năm qua. Tôi thực sự không muốn làm điều này nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định ấy.”
Không có doanh nghiệp nào hoàn hảo. Vì vậy đừng đòi hỏi điều đó. Nơi làm việc nào cũng đều nảy sinh rất nhiều thay đổi bất ngờ. Ví dụ, chiến lược sáp nhập và mua lại, điều chỉnh cấu trúc tổ chức, sự ra đi của các nhà lãnh đạo đã công tác nhiều năm, văn hóa doanh nghiệp không được công nhận… Lựa chọn rời đi dường như là giải pháp dễ dàng nhất, thuận tiện nhất và nhanh nhất để giải quyết tình huống khó xử tạm thời. Trên thực tế, nó phản ánh sự thiếu hụt một số năng lực của bạn. Ví dụ, chí tiến thủ, cái nhìn sâu sắc về ngành, tinh thần mạo hiểm, sức sáng tạo, khả năng chịu áp lực, kiên trì… Cần phải phân tích kỹ càng, thấu đáo bản thân. Kiểm điểm những thiếu sót của chính bạn, xem xét các yếu tố bên trong thay vì các yếu tố bên ngoài. Kiên nhẫn và chờ đợi có thể khó hơn chuyện vội vàng nhảy việc. Nhưng nếu cân nhắc những ưu và khuyết điểm để có được sự phát triển tốt hơn và lâu dài hơn, thì ở lại chỗ làm cũ và tiếp tục cống hiến là một quyết định đáng cân nhắc.
Theo tôi, kết quả của việc nhảy việc thường xuyên là con đường ở chốn công sở càng đi càng hẹp. Đặc biệt là đối với các vị trí điều hành cấp cao của công ty. Một trong những nhu cầu cốt lõi của bất kỳ nơi làm việc nào đối với các giám đốc điều hành cấp trung và cấp cao là tính ổn định. Sự ổn định của cấp trung, cấp cao có liên quan đến an toàn hệ thống của doanh nghiệp, thương hiệu nhà tuyển dụng, mối quan hệ khách hàng cùng các phương diện khác. Có thể một số người sẽ nói rằng tôi năng lực, có thể tìm được việc ngay cả khi tần suất nhảy việc cao. Nhưng xin hãy nhớ rằng: Rất ít ông chủ trọng dụng người có tần suất nhảy việc cao. Ngay cả khi họ muốn trọng dụng bạn, bạn có thể cũng cần một thời gian thử thách lâu hơn so với một đồng nghiệp có sự nghiệp ổn định.
Làm tròn bổn phận
“Tôi thực sự hối tiếc khi thay đổi công việc. Văn hóa công ty của công ty này còn tồi tệ hơn nhiều so với công ty trước.”
“Sếp của tôi hy vọng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh mới. Nhưng ngân sách mãi chưa được phê duyệt. Không có nhân sự, không có tiền, việc này không thể được hoàn thành.”
Tôi thường xuyên nghe những lời phàn nàn từ một số chuyên gia. Nguyên nhân chủ yếu là vì họ không thực sự hiểu các doanh nghiệp mới. Chúng tôi phải liên tục nêu ra vấn đề của doanh nghiệp và không ngừng tiến hành phân tích kỹ càng các vấn đề này. Kaeren Hanson, Phó chủ tịch Đổi mới thiết kế tại Intuit - công ty phần mềm quản lý tài chính tự phục vụ lớn nhất của nước Mĩ, đã từng nói: “Điều quan trọng là ‘yêu những vấn đề bạn cần giải quyết’ chứ không phải phương án giải quyết. Thêm nữa, bạn cần phải làm quen với việc điều chỉnh và lặp lại các đáp án.” Hãy nhớ rằng: Nhảy việc cũng là một khoản đầu tư. Việc tận tâm với công việc ở công ty là cách quản lý rủi ro tốt nhất.
Gợi ý:
Điều tra sự tận tâm với công việc (Due Diligence Investigation/due diligence) được biết đến là hoạt động điều tra tính cẩn thận. Cuộc điều tra này do tổ chức trung gian hợp tác với doanh nghiệp tiến hành. Họ đánh giá toàn diện và chuyên sâu các dữ liệu và tài liệu lịch sử của công ty. Từ đó rút ra kết luận về nền tảng nhân sự quản lý, rủi ro thị trường, rủi ro trong quản lý, rủi ro về kỹ thuật và rủi ro về nguồn vốn. Phần nhiều những rủi ro trên xuất hiện trong các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu công khai và đã lên sàn.
Mỗi người đều có những tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá những doanh nghiệp khởi đầu sớm hoặc chưa rõ ràng con đường đi trước mắt của mình. Tôi chỉ liệt kê ở đây những điều mà tôi nghĩ rằng các bạn nên quan tâm.
(1) Về cơ bản, công ty khởi nghiệp này đang cung cấp điều gì? Thị trường có thực sự có nhu cầu về nó không? (what)
(2) Sản phẩm công ty tạo ra giá trị gì? Giá trị có đủ lớn không? (value)
(3) Người sáng lập có tìm thấy một thị trường mà tất cả các nhân viên chưa nhìn ra không? Hoặc anh ấy có một sự hiểu biết độc đáo về thị trường hiện tại? Làm thế nào mà anh ấy nhìn thấy nó? Sự hiểu biết của anh ấy về tình trạng hiện tại của ngành có chính xác hay không? (market)
(4) Chiến lược của anh ấy có phù hợp với tầm nhìn tương lai của công ty không? Nếu có độ lệch thì nó xuất hiện trong trường hợp nào? (strategy/vision)
(5) Anh ấy nghĩ điều gì là trở ngại lớn nhất để đạt được mục tiêu của mình? Điều này có chính xác hay không? (strategy/execution)
(6) Anh ấy nhìn nhận như thế nào về cạnh tranh? (competition)
(7) Anh ấy nhận thấy rào cản của sản phẩm là gì? Làm thế nào để phá bỏ nó? (barrier)
(8) Anh ấy sẽ làm thế nào để quảng bá sản phẩm của mình cho đến khi anh ấy có 10 triệu khách hàng? (customer acquisition)
(9) Anh ấy có quyết đoán hay không? Anh ấy đã đưa ra những quyết định quan trọng nào trước đây? Kết quả của chúng ra sao? (decision making)
(10) Làm thế nào để anh ấy quản lý và thúc đẩy công ty tiến về phía trước? Đối tác và nhân viên có đồng thuận với anh ấy không? (leadership)
(11) Từ khi nào anh ấy bắt đầu nghĩ về khởi nghiệp và đi sâu nghiên cứu lĩnh vực của mình? Anh ấy có phải người khởi nghiệp giỏi nhất trong ngành? Giá trị quan của anh ấy là gì? Những điểm thiếu sót rõ ràng là gì? Anh ấy tiếp thu kiến nghị như thế nào? (people)
(12) Chất lượng, tinh thần chiến đấu, sức mạnh thực thi và phương thức hợp tác của đội ngũ nòng cốt của anh ấy là gì? Có thiếu sót gì nổi cộm? (team)
(13) Làm thế nào để công ty thực hiện việc nâng cấp lặp đi lặp lại? Việc thực hiện các lần lặp nâng cấp trong khắp công ty diễn ra như thế nào? (iteration)
Thời gian nhảy việc
“Dự án trong tay tôi chưa thể hoàn thành ngay bây giờ. Tôi muốn sau khi kết thúc dự án sẽ xem xét chuyện nhảy việc. Không biết liệu có cơ hội việc làm phù hợp vào tháng 10 không?”
“Năm tài chính của công ty chúng tôi kết thúc vào tháng 7. Tôi muốn xem sau năm tài chính công ty quyết định thế nào về vị trí của tôi. Sau đó tôi sẽ xem xét liệu có nên thay đổi công việc hay không. Không biết có nhiều cơ hội việc làm trên thị trường vào tháng 8 và tháng 9 không?”
Về mùa bán hàng, ngành bất động sản có câu nói: “Tháng 9 là vàng, tháng 10 là bạc”. Với ngành tuyển dụng thì “tháng 3 là vàng, tháng 4 là bạc”. Mùa tuyển dụng hàng năm là vào tháng 3 và tháng 4 sau thời điểm đón năm mới. Sẽ có rất nhiều vị trí việc làm trong giai đoạn này.
Tuy nhiên vị trí điều hành cấp cao không bị ảnh hưởng bởi thời điểm tuyển dụng truyền thống. Nó có tính đột suất và tính tình cờ. Khó khăn của việc tuyển dụng cũng tăng lên theo các yêu cầu của vị trí này. Nếu bạn là giám đốc điều hành, xin hãy chuẩn bị cho một chu kỳ nhảy việc ít nhất sáu tháng đến một năm. Đừng bồn chồn lo lắng!
Có ba lý do như sau:
(1) Chu kỳ phỏng vấn dài hơn. Cụ thể, thời gian phỏng vấn giám đốc điều hành CEO rất khó sắp xếp. Thời gian rảnh rỗi của bạn với tư cách là một giám đốc điều hành cũng vô cùng khan hiếm.
(2) Quá trình ra quyết định kéo dài. Một số vị trí có thể yêu cầu một nghị quyết tập thể của hội đồng quản trị.
(3) Chu kỳ đàm phán dài. Quyền hạn, trách nhiệm của giám đốc điều hành và các ưu đãi về lương, thời gian bổ nhiệm không thể bị bỏ qua. Hai bên cần phải trao đổi với nhau một cách kiên nhẫn, tỉ mỉ.
Vốn liếng nhảy việc
“Tôi muốn đợi đến khi lấy được tiền thưởng cuối năm rồi mới nhảy việc. Bạn có thể giúp tôi nói chuyện với công ty mới không?”
“Tôi muốn cho mình một kỳ nghỉ và đi du lịch trong một tháng. Tôi có thể hoãn đi làm sau thời gian ấy được không?”
Về mặt lợi ích cá nhân, lấy được tiền thưởng cuối năm và các đãi ngộ khác rồi thay đổi công việc là điều tốt nhất. Nhưng thường mỗi công ty có một thời gian biểu nghiêm ngặt khi dẫn dắt người tài. Nó là tuân theo thời gian phát triển chiến lược của công ty. Ngoài ra, các công ty có thể cần các ứng viên đi làm ngay để giúp công ty giải quyết một số vấn đề khẩn cấp, quan trọng. Đối với những người tìm việc, vì chiến lược của công ty mới mà từ bỏ lợi ích trước mắt, về lâu dài lại xứng đáng. Một số ứng viên sau khi nhận được lời đề nghị luôn hy vọng rằng mọi thứ đều hoàn hảo như mình mong muốn. Nếu tổn thất điều này hay điều kia thì thật đáng tiếc. Tôi không thể không chia sẻ một chi tiết nhỏ trong bộ phim Tây du ký. Tôn Ngộ Không đang cùng với Đường Tăng trở về sau khi lấy kinh từ Tây Thiên. Sau khi bất cẩn để kinh thư rơi xuống sông, Đường Tăng vô cùng cẩn thận phơi khô chúng. Đường Tăng thấy một số cuốn sách không thể trở lại dáng vẻ ban đầu, trong lòng ngập tràn đau xót. Tôn Ngộ Không thấy vậy đã nói với Sư phụ: “Sư phụ, trời đất vốn không hoàn chỉnh. Thiếu sót của kinh văn cũng là lẽ thường tình.”