(Bài giới thiệu của Vera Giovanna Bani)
Ở Nga, nhịn trị liệu xuất hiện từ năm 1769, khi Giáo sư Y khoa Petr Vilyaminov thuộc Đại học Matxcơva viết hiệp ước “Slovo or postakh kak sredstve predochraneniya ot bolezney” (Về phương pháp nhịn để phòng chống bệnh tật), sau khi tổ chức loạt bài giảng về tác dụng của nhịn.
Năm mươi năm sau, năm 1822, các phát hiện của ông Vilyaminov được giáo sư L. A. Struve kế thừa, thông qua những bài viết về việc sử dụng phương pháp nhịn để chữa trị rất hiệu quả nhiều loại bệnh.
Năm 1834, giáo sư I. G. Spassky thuộc Đại học Matxcơva đã đưa nhịn vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Trong bài viết cùng năm với tiêu đề “Uspeshnoe deystvie goloda na prostudnye zabolevaniya” (Áp dụng thành công phương pháp nhịn để chữa các bệnh thể hàn), ông ghi nhận:
Bằng cách hạn chế và thay đổi dinh dưỡng, nhịn có tác dụng cân bằng nhiều lệch lạc trong quá trình sinh dưỡng của cơ thể. Với cách nhìn này, nhịn là liệu pháp tuyệt vời trong điều trị nhiều bệnh mạn tính.
Tiếp theo đó, trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, bác sĩ Nikolay Lvovich Zeland (1833-1902) bắt đầu quan tâm đến nhịn thử nghiệm. Sinh ra ở Saarema, nay là Estonia, ông hoàn thành việc học tại Petersburg và được bổ nhiệm về các vùng xa xôi của Đế chế Nga: Vladivostok, Alma-Ata và Tashkent. Zeland đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về nhịn theo liều trên chính ông và nhiều động vật. Ông đi đến kết luận rằng, nhờ tác động của nhịn:
Có thể nhận thấy những thay đổi cơ bản trong cấu trúc của hệ thần kinh cũng như thể trạng. Ngoài ra, ở mức tổng quát, các quá trình tiêu hóa và tạo máu cũng cải thiện… Ngừng tạm thời các quá trình sinh tồn đưa đến sự tái tạo và cung cấp năng lượng dồi dào cho chính các quá trình này. Dừng nạp thực phẩm theo thói quen tạo ra sự kích thích, khiến các thành phần mô khỏe hơn và dồi dào protein. Từ các thí nghiệm của mình, tôi đi đến kết luận rằng nhịn không chỉ là phương pháp trị liệu hiệu quả mà còn là một thực hành đáng được quan tâm như một phương pháp giáo dục.
Bác sĩ Zeland giải thích các quan sát của ông trong bài viết “O posledovatelnom vliyanii lishenija na pitanie” (Về tác động tăng dần của nhịn ăn đối với dinh dưỡng), đăng trên tạp chí Russkaya medicina (Y Dược Nga), 1888, số 5-10, 12.
Năm 1902, đến lượt giáo sư Vladimir Pashutin nghiên cứu các đặc tính sinh lý và bệnh lý của nhịn ướt, nhịn khô và nhịn bán phần trên động vật, trong điều kiện lâm sàng tại Học viện Quân y của Sa Hoàng Nga. Ông tiến hành thí nghiệm dài hạn trên nhiều loài động vật, từ đó đúc kết nên cốt lõi của các cơ chế sinh lý liên quan và nhờ vậy được coi là người tiên phong và nhà sáng lập thuyết nhịn hay còn gọi là thuyết dinh dưỡng nội sinh. Cho tới nay, các thí nghiệm của ông vẫn là những đóng góp quan trọng.
Aleksey Suvorin cũng là người cần được nhắc đến. Sinh ra trong một gia đình quyền lực thuộc giới in ấn tại St. Petersburg, ông quan tâm tới các phương pháp chữa bệnh thay thế và các thực hành tự chữa lành từ lúc còn trẻ; nghiên cứu các hiệp ước về y học Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, và sách của các chuyên gia vệ sinh phương Tây. Năm 1914, dưới bút danh Aleksey Poroshin, ông đã mô tả những thí nghiệm về nhịn đầu tiên của mình trong cuốn nhật ký có tên Novyj chelovek (Con người mới), được nhà xuất bản cùng tên do chính ông thành lập phát hành.
Sau cuộc cách mạng và nội chiến tại Nga, Suvorin di cư đến Nam Tư. Tại đây, dù sống bên bờ vực nghèo đói, ông vẫn gom hết nhiệt huyết để cùng một đối tác người Nam Tư thành lập một nhà xuất bản. Tuy nhiên, đối tác này đã lừa đảo và tố cáo ông, khiến ông bị bỏ tù mà không cần xét xử. Trong tù, để phản đối bản án bất công, ông bắt đầu tuyệt thực. Hành động này không những không làm ông kiệt quệ mà còn tiếp thêm cho ông sinh lực. Chuyện kể lại rằng đến ngày nhịn tự nguyện thứ 35 thì ông được ban cơ hội tự biện trước tòa. Ông đã thắng trong phiên xét xử và tiếp tục nhịn đến 42 ngày, và kết quả đáng kinh ngạc đó, theo lời kể lại, đã khiến nhiều tù nhân và cả giám đốc lẫn nhân viên nhà tù phải chú ý.
Sau trải nghiệm này, Suvorin trở thành nhà hoạt động tích cực vì sự nghiệp nhịn trị liệu. Năm 1931, các công trình của ông được xuất bản ở Belgrade:Ozdorovliyenye golodom i pishchej (Chữa bệnh bằng nhịn ăn và thực phẩm),Metoda Suvorina (Phương pháp Suvorin), Lechenie golodaniyem (Chữa bệnh bằng nhịn ăn). Chỉ sau một thời gian ngắn, phương pháp của ông đã nổi tiếng khắp Nam Tư. Ông được hàng chục nghìn bệnh nhân yêu mến (hầu hết được ông hỗ trợ từ xa qua thư) và cũng có không ít kẻ hiềm khích. Được mời đến Paris năm 1937 để thảo luận về một dự án lập phòng khám chữa bệnh bằng phương pháp nhịn, ông đột ngột qua đời và cái chết của ông đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn.
Gần đây, nước Nga đã tưởng nhớ người di cư kiêm nhà quảng bá phương pháp nhịn lừng danh này: các công trình của ông chỉ được xuất bản tại Matxcơva năm 1998, được thu thập trong chuyên khảo Metod Suvorina. Lechenie golodaniyem(Phương pháp Suvorin. Chữa bệnh bằng nhịn ăn). Ngày nay, toàn dân Nga công nhận những đóng góp của Aleksey Suvorin đối với lịch sử nhịn trị liệu ở nước này. Ông vẫn là một trong những tác giả được đánh giá cao nhất trong số các chuyên gia và những người đam mê phương pháp này.
Nổi bật trong số những hậu bối của Suvorin là M.P. Zyazulya ở Belarus. Ông từng sử dụng phương pháp này để tự chữa bệnh lao theo hướng dẫn từ sách của Suvorin. Gần đây hơn, một trong những đồng hương của ông là bác sĩ G.A. Vojtovich đã giới thiệu phương pháp nhịn ngắt quãng theo cùng một đường lối.
Tuy nhiên, nhà kiến thiết vĩ đại của công cuộc quảng bá rộng rãi phương pháp nhịn trị liệu là bác sĩ tâm thần Yuri Nikolayev (1905-1998). Nhờ công của ông mà phương pháp nhịn với cái tên Razgruzochno-dieticheskaja terapiya, viết tắt là RDT – Liệu pháp Ăn kiêng-Nhịn (do ông đặt) mới được giới thiệu đến hệ thống y tế Liên Xô (cũ). Bộ phim tài liệu Le jeûne une nouvelle thérapie do đạo diễn người Pháp Thierry de Lestrade và nhà báo Sylvie Gilman thực hiện năm 2011, sau đó được dịch sang tiếng Nga với tên Nauka golodaniya (Khoa học nhịn)2, là tác phẩm nhằm tưởng nhớ công lao của vị bác sĩ dũng cảm này.
Ông Yuri Nikolayev được sinh ra trong một gia đình ăn chay trường, yêu yoga và triết lý phương Đông. Theo lời kể của Yuri, bố mẹ ông có quan hệ thân mật với Lev Tolstoy, người ăn chay nổi tiếng nhất nước Nga. Bố ông cũng trao đổi thư từ với nhà văn Mỹ Upton Sinclair – tác giả cuốn sách The fasting cure (tạm dịch: Nhịn ăn chữa bệnh) và là người ủng hộ nhiệt thành phương pháp vệ sinh. Bên cạnh đó, ông còn dịch sách của Herbert Shelton sang tiếng Nga.
Mảnh đất tinh thần màu mỡ ấy đã nuôi dưỡng cho những ý tưởng và vị thế của chàng thanh niên Yuri. Anh bắt đầu sự nghiệp với vai trò bác sĩ quân y sau khi tốt nghiệp đại học y, đồng thời còn theo học với vị học giả nổi tiếng M. O. Gurevich tại phòng khám tâm thần, Học viện Y khoa Matxcơva từ năm 1939 đến năm 1941.
Sự quan tâm mà ông dành cho phương pháp nhịn dường như được khơi gợi nhờ môi trường gia đình, rồi được củng cố nhờ đóng góp của giáo sư Bakulev – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Y tế Liên Xô (cũ). Năm 1956, giáo sư Bakulev đăng một bài viết có tựa đề “Po povodu odnogo metoda lecheniya (Về phương pháp điều trị) trên tạp chí Meditsinskij rabotnik (Người làm công tác y tế), mô tả một thí nghiệm chữa bệnh mạn tính thành công bằng phương pháp nhịn, đặc biệt có vài trường hợp loét dạ dày và tá tràng đã giảm hẳn sau đợt nhịn ướt 12 ngày.
Phải nói rằng, việc thảo luận về đề tài “nhịn” ở Liên Xô (cũ) vào những năm 1950 và 1960 chắc chắn rất khó khăn, do bóng ma của nạn đói vẫn còn ám ảnh đất nước. Chín trăm ngày Đức Quốc xã vây hãm Leningrad, với hàng ngàn người chết đói và nhiều vụ ăn thịt đồng loại, rồi những năm hậu chiến nghèo đói, thiếu thốn thực phẩm đã để lại vết hằn sâu trong tâm trí của người Liên Xô (cũ) mà sau hơn một thập kỷ vẫn chưa phai. Tuy nhiên, giáo sư Bakulev đã hướng được sự chú ý của giới khoa học và y tế đến khả năng áp dụng nhịn trị liệu, và chắc chắn đã gây ấn tượng mạnh đối với Nikolayev, đến mức trong quá trình điều trị bệnh tâm thần cho bệnh nhân của mình, anh đã tìm ra nhiều hằng số đáng quan tâm. Nikolayev đã viết:
“Tôi để ý thấy một số bệnh nhân tâm thần phân liệt thường bỏ ăn và chống cự khi bị ép ăn. Tôi đoán việc từ bỏ thức ăn này có lẽ không phải là phản ứng bản năng để bảo vệ cơ thể ốm nên đã thử áp dụng một chuyện ngược đời với họ: cho họ nhịn ăn theo liều.”
Khoảng cuối những năm 1940 đến cuối những năm 1960, Nikolayev tăng cường quan sát các bệnh nhân tâm thần phân liệt mà về sau trở thành đối tượng cho luận án tiến sĩ được ông công bố năm 1960 mang tên Razgruzochno-dieticheskaja terapiya shizofrenii i ee fiziologicheskoe obosnovaniye (Liệu pháp nhịn-ăn kiêng RDT trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt và cơ sở sinh lý học). Trong những năm tháng khó khăn ấy, sự hi sinh quên mình của Nikolayev nhằm đẩy mạnh phương pháp nhịn trị liệu có lẽ không thể thành công nếu không có thêm một may mắn mang tính quyết định: vợ ông, cũng là bác sĩ tâm lý chuyên phục hồi chức năng cho người nghiện rượu. Tình cờ, bà đã điều trị thành công cho Lev Bulganin, con trai Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (cũ), N. A. Bulganin – một nhân vật quan trọng của đảng.
Vợ chồng Nikolayev đã cùng nhau giúp bệnh nhân nổi tiếng này cai nghiện thành công bằng phương pháp nhịn trị liệu. Để tỏ lòng biết ơn, chủ tịch hội đồng bộ trưởng đầy quyền lực cam kết bảo vệ hết mức bác sĩ Nikolayev, nhờ đó ông được toàn quyền nghiên cứu, thí nghiệm tại phòng khám tâm thần và ghi lại những quan sát của mình.
Sau khi dùng phương pháp nhịn để điều trị hàng ngàn ca tâm thần phân liệt và các bệnh tâm thần khác, ông nhận thấy nhờ tiêu diệt căn bệnh tâm thần tận gốc mà phương pháp này đồng thời có thể chữa khỏi một số bệnh khác. Với lượng kết quả lâm sàng phong phú trong tay cùng sự bảo vệ của ông Bulganin, Nikolayev nhanh chóng áp dụng nhịn trị liệu thành công trong thực hành lâm sàng, nhờ đó góp phần đưa đến quyết định phê duyệt phương pháp này của Bộ Y tế Liên Xô (cũ).
Năm 1961, Nikolayev được bổ nhiệm làm giám đốc chương trình tâm thần học tại Viện Y Rostov-on-Don. Trong hai năm đảm nhiệm vị trí này, ông đã gây dựng được một ngôi trường quy tụ nhiều chuyên gia nhịn trị liệu, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp.
Trong các thập kỷ tiếp theo, Nikolayev làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tâm thần Liên Xô (cũ) ở Matxcơva, đồng thời điều phối công việc tại nhiều khu nhịn trị liệu trên toàn Liên Xô (cũ).
Phương pháp này phát triển được một phần là nhờ tuyển tập Problemy lechebnogo golodaniya (Các vấn đề về nhịn trị liệu), phát hành tại Matxcơva vào năm 1969, với đóng góp của Nikolayev cùng các nhà khoa học như P. K. Anokhin, A. A. Pokrovskiy, P. A. Fedorov. Tuyển tập bao gồm khoảng sáu mươi bài viết về các chủ đề nhịn trị liệu trong điều trị tâm thần, sinh lý học thần kinh về cảm giác đói và no, và sinh lý bệnh học của nhịn. Trong lời giới thiệu cuốnGolodaniye radi zdoroviya (Nhịn vì sức khỏe) tái bản năm 1988 (xuất bản lần đầu năm 1973 với 200.000 bản in), Nikolayev có nói rằng các nghiên cứu này thể hiện sự quan tâm và nhiệt huyết ngày một lớn dành cho nhịn trị liệu.
Cuối những năm 1990, Cộng hòa Buryatia đã tổ chức một trải nghiệm thí điểm nhằm đưa phương pháp ăn kiêng-nhịn trị liệu (RDT) vào công tác điều trị của các cơ sở y tế và bệnh viện cấp tiểu bang. Dưới chỉ đạo khoa học của giáo sư A. N. Kokosov, người ta đã thiết lập một chương trình đào tạo dành cho các chuyên gia RDT, với đầy đủ bài giảng, hội thảo, hội nghị, hướng tới các bác sĩ, nhân viên y tế cũng như công chúng quan tâm.
Từ đó về sau, số bài báo khoa học đã xuất bản và tác giả đóng góp vào ngành nhịn trị liệu (bao gồm cả nhịn khô) ở Nga nhiều không đếm xuể, mà minh chứng là các tài liệu trong thư mục của cuốn sách này, gồm các tài liệu tham khảo hoàn chỉnh nhất có thể về số lượng khổng lồ của các nghiên cứu khoa học và y tế được thực hiện ở Liên Xô (cũ)-Nga trong sáu mươi năm qua.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng, kể từ lễ chúc mừng phương pháp trị liệu ăn kiêng-nhịn kiểu Nga (RDT) được chính thức công nhận diễn ra vào ngày 10 tháng 8 năm 2019 tại Goryachinsk, Cộng hòa Buryatia, tính đến nay đã được 25 năm. Ngày hôm ấy tôi đã rất vui khi được tham dự và làm quen với những người vẫn đang thực hiện dự án tuyệt vời này.