Tôi sinh ra tại Altai trong một gia đình có nhiều bác sĩ; mẹ và chị tôi đều là bác sĩ nhi khoa. Từ nhỏ, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện y học. Với một “tiền sử” gia đình như thế, có thể thấy trước được rằng tôi cũng sẽ thẳng tiến đến nghiên cứu y học, và thực tế đã diễn ra đúng như vậy, dù rằng đến tuổi mới lớn tôi vẫn đam mê những thứ khác hẳn: như bao cậu trai khác hồi đó, tôi cũng muốn làm phi công.
Một ngày nọ, tôi cùng bố đi trượt tuyết. Sau chuyến đi chơi, bố con tôi ghé thăm vài người bạn, uống trà ở nhà họ, và đó là lần đầu tiên tôi gặp một bệnh nhân ung thư. Ông ta gầy nhom và rất đau đớn. Điều này đã gây ấn tượng mạnh với tôi. Về đến nhà, tôi hỏi mẹ rằng liệu bệnh này có thực sự vô phương cứu chữa không, và bà đáp: “Rất tiếc con trai ạ, ở giai đoạn bệnh này, thuốc của chúng ta khôn còn mấy tác dụng nữa.”
Năm lớp 8, tình cờ tôi đọc được một cuốn sách. Tôi không nhớ tên sách, nhưng nhớ rõ nó nói về một thầy lang tài ba đã chữa khỏi ung thư cho một người đàn ông bằng thảo dược và nhịn ăn. Như vậy, cơ thể có đủ các nguồn dự trữ và lực lượng để đánh bại căn bệnh nghiêm trọng và âm ỉ như ung thư – tôi thầm nghĩ.
Với mỗi chất độc, thiên nhiên nhất định đều có thuốc giải. Với mỗi căn bệnh, cơ thể nhất định có lực lượng để chữa lành. Suy cho cùng, thú vật trong tự nhiên đâu có bệnh viện, phòng khám hay bác sĩ, chúng được bản năng dẫn dắt. Vào lúc cần, hơn bất cứ nhà thảo dược học nào, chúng biết rõ nên dùng loại cỏ gì, hoặc sẽ tự chữa lành bằng cách nhịn ăn. Từ thời điểm đó, tôi bắt đầu quan tâm hơn đến các phương pháp chữa lành tự nhiên và bắt đầu mày mò tìm đọc sách về nhịn ăn, thôi miên, thảo dược, châm cứu. Tôi bắt đầu ngộ ra: cơ thể người là nhà thuốc tự nhiên, sinh vật có tất cả công cụ để chữa bách bệnh, chỉ cần khai phá những vị thuốc tự nhiên này và kích thích chúng theo hướng có lợi cho sinh vật bằng nỗ lực, lòng kiên trì và ý chí. Tôi chủ định theo học nghề y, nhưng hiểu rõ mình sẽ không thích việc đơn thuần ngồi ở phòng khám mà kê đơn thuốc. Tôi phải tìm được một chuyên môn và thu nạp kiến thức để có thể hỗ trợ các bệnh nhân trong tương lai và phát huy tiềm năng chữa bệnh khổng lồ của chính họ.
Khi học năm thứ 4 đại học y, tôi được chỉ định giám sát một bệnh nhân hen phế quản. Vào đến phòng bệnh, tôi không thể tin nổi: trước mắt tôi là một phụ nữ nở nang với đôi má ửng hồng, cùng đôi mắt long lanh. Trông cô không hề giống bệnh nhân hen suyễn, nên tôi định xin lỗi vì vào nhầm phòng. Nhưng khi hỏi tên cô thì hóa ra tôi đã đến đúng chỗ!
“Đừng ngạc nhiên nếu tôi không giống bệnh nhân hen suyễn. Tôi đã thực hiện một đợt nhịn ăn 20 ngày và sắp đến lúc hoàn thành. Sau 10 ngày nhịn, tôi đã không còn lên cơn hen nữa và dừng sử dụng bình xịt.”
Diện mạo và nhịp thở của cô làm tôi ấn tượng – đọc sách về nhịn ăn là một chuyện, nhưng nhìn thấy kết quả thực tế của nó là một chuyện khác. Sau buổi gặp gỡ ấy, tôi xác quyết rằng mình phải tìm hiểu thật tường tận phương pháp tuyệt vời này và phải phân tích kĩ nó.
Vào thời điểm đó, giáo sư Yu. S. Nikolayev là tác giả viết hay nhất về nhịn trị liệu. Sách của ông3 được viết bằng tâm huyết và niềm tin nồng nhiệt vào phương pháp tự nhiên này, đến nỗi khiến tôi đọc xong cũng muốn thử. Vì vậy, tôi đã làm và lôi kéo luôn cả nhóm bạn đại học cùng tham gia. Chúng tôi bắt đầu với nhịn bằng nước ép hoa quả, rồi sau đó thử nhịn bằng nước. Tất nhiên, hầu hết nhóm bạn tôi bỏ dở, nhưng tôi vẫn tiếp tục. Tôi đặc biệt thích nhịn trước các kì thi, vì sau đó đầu óc tôi nhẹ nhõm, minh mẫn hẳn ra, trí nhớ tốt lên, và quan trọng nhất là khi vào thi, tôi không còn sợ hãi.
Sau khi tốt nghiệp học viện y khoa, tôi được phân công đến vùng “Goryachinsk” thuộc Cộng hòa Buryatia, ven hồ Baikal thiêng liêng. Thiên nhiên và vẻ đẹp nơi này đã thực sự mê hoặc tôi, đặc biệt là năng lượng và sự tráng lệ của hồ.
Tôi may mắn gặp được một người rất thú vị tên là Vladimir Romanovich Verbul trong thời gian làm việc tại viện điều dưỡng này. Ông bị hen phế quản và là người đầu tiên tại Buryatia thử nhịn 24 ngày trong môi trường tại nhà.
Các đồng nghiệp đã sốc trước kết quả đợt nhịn trị liệu của ông. Họ mời vị giáo sư nổi tiếng Yuri Sergeyevich Nikolayev đến Buryatia, rồi đưa ông đến viện điều dưỡng “Goryachinsk” của chúng tôi, nhờ đó tôi có cơ hội gặp người đàn ông phi thường này. Yuri Sergeyevich rất thích viện điều dưỡng cũng như môi trường tại đó. Ông nói: “Tại đây, cạnh hồ Baikal, là nơi có điều kiện lý tưởng cho nhịn trị liệu.”
Giáo sư Nikolayev mời tôi theo ông về Matxcơva để thực tập tại khu nhịn trị liệu của ông.
Sau thời gian học hỏi tại Matxcơva, chúng tôi mở khoa nhịn trị liệu trong viện điều dưỡng của mình. Để làm được điều này với tôi là cả một khó khăn, vì hầu hết đồng nghiệp hoài nghi khả năng chữa bệnh bằng phương pháp nhịn và công khai gọi tôi là “bác sĩ đói”. Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày bệnh nhân đầu tiên của mình vào căng tin khi kết thúc nhịn, y tá đưa cho anh ta một đĩa cháo kê nêm muối rồi bảo: “Thôi ăn đi nào!” May mắn là anh ta đã nhớ lời tôi dặn và quyết định đợi tôi, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ta ăn chỗ cháo đó?!
Tuy nhiên, dần dà các kết quả tốt từ nhịn trị liệu đã khiến đồng nghiệp của tôi bắt đầu thay đổi hẳn ý kiến. Một số người thậm chí còn muốn đích thân thử một đợt nhịn.
Sau khi làm việc độc lập được hai năm, tôi may mắn được đi sâu hơn vào lĩnh vực này tại khoa nhịn do giáo sư Alexsey Nikolayevich Kokosov phụ trách, tại St. Petersburg. Tại đây, lần đầu tiên tôi nghe nói về nhịn tuyệt đối (nhịn khô) cũng như những ứng dụng của phương pháp này trong trị bệnh.
Một số bệnh nhân của tôi hết hẳn triệu chứng bệnh trong đợt nhịn ướt, nhưng sau khi nhịn xong thì một số triệu chứng xuất hiện trở lại. Tôi đã rất buồn bực trong quãng thời gian này và đã trăn trở rất lâu để tìm cách cải thiện phương pháp, vì biết rằng nhịn càng lâu thì kết quả càng tốt. Nhưng thật không may, thời thế đang thay đổi, người dân bắt đầu phải chi trả cho các dịch vụ y tế và không phải ai cũng đủ tiền để thực hiện đợt nhịn dài ngày tại trung tâm. Vậy, làm cách nào để tăng cường tác dụng chữa bệnh của nhịn trong các điều kiện tại viện điều dưỡng của chúng tôi?
Chính chú chó của tôi đã cho tôi một gợi ý. Sau khi bị xe máy tông, nó bỏ cả ăn lẫn uống. Trong vòng bảy ngày, nó nằm im ở góc tối trong nhà kho và sang ngày thứ tám mới bắt đầu uống, rồi ăn lại. Tôi đoán có lẽ nó bị chấn thương nội tạng và phù nề. Bản năng mách bảo nó dừng uống nước, và chính điều đó đã cứu mạng nó.
Sau một thời gian, cứ như có sự sắp đặt: tôi cũng bị tai nạn xe máy. Sau một ngày câu cá, tôi trượt chân rồi chìm xuống hồ nước băng giá. Để đi về nhà, tôi đã phải chạy xe máy hơn 20 dặm và bị ngấm lạnh thấu xương. Tai nạn này làm bùng lên cơn viêm xoang cấp tính, khiến tôi bị đau khủng khiếp mỗi khi cúi đầu.
Ngẫm về căn bệnh, tôi suy luận rằng những cơn đau chủ yếu là do phù nề. Nếu tôi không uống nước thì sẽ không bị phù nề, vì vậy tôi bắt đầu nhịn uống nước cho đến khi hết hẳn các triệu chứng.
Vào ngày nhịn khô thứ 5, tất cả các triệu chứng của bệnh đã hết, và không xuất hiện nữa cho đến tận bây giờ. Đó là thử nghiệm nhịn khô đầu tiên của tôi. Khi đó tôi ở hồ Baikal và vì đã có kinh nghiệm nhịn ướt nên nhịn khô không hề khó khăn. Dù sao tôi cũng rất ấn tượng về tác dụng trị liệu và những kết quả đạt được chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Trước đó, tôi từng hỗ trợ bệnh nhân viêm xoang, nhưng kết quả chỉ đến sau ngày nhịn ướt thứ 10.
Ngày nọ, tôi gặp lại một bệnh nhân viêm tuyến tiền liệt mạn tính mà tôi đã hỗ trợ nhịn ướt một đợt 14 ngày. Sau đợt nhịn, tình trạng bệnh có cải thiện, nhưng rồi vẫn tái phát định kỳ. Tôi trả lời cậu ta rằng bệnh viêm tuyến tiền liệt là một quá trình viêm nhiễm. Mọi bệnh nhiễm trùng đều ưa tái phát trong nước, và phù nề có trong bất kỳ quá trình viêm nhiễm nào. Chàng trai kiên quyết muốn chữa khỏi bệnh, và những lập luận của tôi về nhịn khô đã thuyết phục được cậu. Cậu nhịn khô 5 ngày, sau đó nhịn ướt thêm 5 ngày nữa. Đúng một năm sau, cậu quay lại và thông báo kết quả: suốt năm đó bệnh không hề tái phát, và từ đó cậu không muốn nhịn ướt nữa vì bị thuyết phục bởi những tác dụng của nhịn khô. Dưới sự giám sát trực tiếp của tôi, cậu đã nhịn khô thêm một đợt 7 ngày. Sau đó, thi thoảng cậu lại gọi điện cho tôi và lần nào cũng nói rằng cậu rất hài lòng với những kết quả đạt được.
Tôi vẫn e ngại chưa dám nhịn khô dài hơn 7 ngày, nhưng trong đời mình, tôi luôn may mắn được gặp những con người thú vị và độc đáo. Vì lý do gia đình, tôi buộc phải chuyển đến vùng Altai, nơi tôi được mời làm việc tại một trung tâm y tế chuyên về nhịn trị liệu.
Tại thời điểm đó, từ thành phố Ulan-Ude, tôi nhận được lời mời tham dự hội thảo chuyên đề nhịn. Hội nghị thu hút các bác sĩ nổi tiếng nhất về nhịn trị liệu từ khắp nước Nga, nên tôi quyết định đi. Dịp này tôi may mắn được gặp một trong những người sáng lập phương pháp nhịn khô, giáo sư L. A. Shchennikov. Ông từng hỗ trợ bệnh nhân nhịn khô 11 ngày. Sau hội nghị, tôi được ông mời đến thăm cơ sở nhịn trị liệu của ông tại Kislovodsk. Chính nơi đây, tôi có dịp làm quen với nhiều bệnh nhân và được học trực tiếp phương pháp điều trị của ông. Đây là một cách tiếp cận dù rất hiệu quả nhưng cũng rất khó đối với người chưa qua đào tạo.
Trở về từ Kislovodsk, tôi bắt đầu giai đoạn nhịn khô 9 ngày, chủ yếu nghỉ ngơi tại nhà và thỉnh thoảng đến núi Altai gần hồ Teletskoe. Sau đó, tôi nhận ra rằng một đợt nhịn khô nghiêm túc chỉ nên được thực hiện trong môi trường thiên nhiên trong lành, tốt nhất là tại những nơi gần sông suối trên núi. Sau trải nghiệm này, tôi nhịn khô thêm một đợt 10 ngày, nhưng lần này chỉ nghỉ tại núi Altai: chúng tôi đã dành toàn bộ thời gian này để du ngoạn trên lưng ngựa. Sau khi đánh giá ưu-nhược điểm của các cách nhịn khô khác nhau, kết hợp trải nghiệm của chính mình, giờ đây tôi tin rằng phương pháp tối ưu nhất là “nhịn khô ngắt quãng” và đề xuất nó cho mọi bệnh nhân.
Đến nay, tôi đã làm việc trong lĩnh vực nhịn trị liệu được hơn 30 năm và đã đích thân hỗ trợ hàng trăm bệnh nhân. Nhiều trường hợp thành công ngoạn mục, nhưng cũng có trường hợp mà phương pháp nhịn không thể giúp gì. Bệnh nhân thường gọi điện, viết thư cho tôi hoặc đơn giản là hỏi tôi cách bắt đầu và thực hành để đạt kết quả tối ưu. Giờ đây, nhờ Internet, thông tin về nhịn khô đang lan truyền nhanh chóng, nhưng nói thật, chúng đầy mâu thuẫn: người thì nói chỉ cần nhịn khô 2 ngày là khỏi ung thư, người lại nói muốn khỏi bệnh phải nhịn khô 15 ngày. Cả hai đều sai. Theo kinh nghiệm của tôi, nhịn khô là một trong những phương pháp nhịn hiệu quả nhất, nhưng nếu bạn không chuẩn bị và thực hiện đúng thì sẽ dễ gặp nhiều vấn đề, giống như mọi phương pháp chữa bệnh khác.
Tiếc thay, thường bệnh nhân tìm đến phương pháp này khi đã quá muộn. Họ coi nó là cứu cánh cuối cùng sau khi đã thử đủ cách và lãng phí rất nhiều thời gian. Tôi luôn khuyên bệnh nhân của mình rằng cái gì cũng phải thực hiện đúng lúc. Phương pháp này, giống như các phương pháp khác, cũng có chỉ định và chống chỉ định, tuy nhiên, nếu áp dụng sớm, từ giai đoạn đầu thì hiệu quả của nó với hầu hết các loại bệnh thật không gì bì kịp.
Đúng là có nhiều câu chuyện về những thiệt hại khả dĩ do nhịn khô. Tôi không định hạ thấp các phương pháp nhịn hoặc chữa trị khác, nhưng tin rằng quan trọng nhất là phải cung cấp cho bệnh nhân thông tin trung thực và trọn vẹn nhất, cùng những lựa chọn khả dĩ đối với họ.
Nếu bệnh nhân tự quyết định áp dụng chữa bệnh bằng nhịn khô, thì để đạt kết quả tốt nhất và khai thác tối đa tiềm năng của phương pháp, họ phải thực hiện đúng cách. Cuốn sách này của tôi là dành cho những bệnh nhân như vậy. Tôi đã cố gắng minh họa phương pháp rõ ràng và đầy đủ nhất có thể, cung cấp những thông tin đáng tin cậy dựa trên nhiều thập kỷ thực hành và được khẳng định nhờ phản hồi của người bệnh. Các bạn hãy ghi nhớ rằng: con người có thể chịu đựng bất cứ điều gì nếu họ hiểu lý do và mục đích của việc mình đang làm.
Bác sĩ Sergey Ivanovich Filonov4