Trước khi nhịn, nên dành vài ngày hoặc vài tuần để chuẩn bị tâm lý. Đọc, tìm hiểu, tự thuyết phục chính mình... cho tới khi thấy đã đến lúc thực hiện! Cân nhắc kỹ rồi chọn một ngày tiện lợi trong tuần. Từ đó trở đi, đừng nghe theo bất cứ ai hay bất cứ điều gì: người yếu đuối không thích ở cạnh người có quyết tâm cao, nên họ sẽ phản đối bạn. Đừng nghe bất cứ thứ gì: truyền thông với các dự báo chiêm tinh, chu kỳ trăng (mà tôi đã đích thân thử nghiệm) chỉ làm bạn mất nhịp thôi. Không rủ rê ai (đặc biệt là người thân) nhịn cùng, đây hoàn toàn là việc cá nhân. Bạn sẽ là người đầu tiên thương hại khi thấy họ bị “hành hạ”, và sẽ bực bội. Đừng để đồng nghiệp biết, và báo trước với người nhà để họ không tranh luận và mời bạn ăn. Cố cất tất cả đồ ăn thức uống đi và đừng nghĩ đến chúng. Tốt nhất nên tìm nơi xa vùng đô thị, gần thiên nhiên và yên tĩnh tách biệt để tiến hành nhịn.
• Khi nhịn, giống như khi cai thuốc, không nên thảo luận với người khác về những vấn đề nhạy cảm dù là “lợi” hay “hại”. Nếu bạn không chịu nổi mà ăn lại, đừng tự dằn vặt. Bạn vẫn đang làm rất tốt vì đã bắt đầu cải thiện bản thân! Sau lần nhịn không thành, bạn nên nghỉ 1 tuần rồi mới thử lại. Đến ngày nhịn, hãy bình tĩnh, từ tốn – bạn đang làm công việc quan trọng! Cơ thể sẽ tập hợp sức mạnh để vượt qua, và bạn cũng sẽ củng cố quyết tâm một lần nữa.
• Khi nhịn, chúng ta sẽ gặp những chuyện gì? Trước hết, bạn sẽ phải tự đấu tranh với chính mình. Bạn sẽ không bị giày vò cơ thể – nhịn một ngày chẳng thấm gì, nhưng sẽ tự thương hại mình mà tìm cớ ăn uống, “thôi lần sau cố cũng được mà, lần này khó quá”, “đời còn dài, mình sẽ tự quyết định sau”, “mình phải ăn cho hết chỗ xúp củ cải”, “đợi đến lúc ốm nhịn luôn cho tiện”... Tâm trí của bạn sẽ bị vô vàn những cái cớ như vậy hành hạ, nên bạn cần phải vững chí, “Không! Hôm nay nhất định tôi sẽ vượt qua chính mình!” Khi khoảnh khắc mềm yếu trôi qua, bạn hãy tự chúc mừng mình. Hãy duy trì cuộc sống như bình thường, đừng quá lười mà cũng đừng quá hăng vận động.
• Chỉ thở bằng mũi. Lạc đà vô địch về nhịn cũng chỉ thở qua mũi. Nhịn khô sẽ nguy hiểm với người thở bằng miệng do kiểu thở này làm cơ thể càng dễ mất nước, vì khoang miệng liên tục bị khô!
• Có nhiều lý do khác lý giải tại sao người thở bằng miệng không nên nhịn khô. Bạn nên học thở bằng mũi để đợt nhịn khô cho hiệu quả cao.
• Cố gắng đừng nói chuyện, tốt nhất nên tự cam kết tuyệt đối giữ im lặng, nghĩa là bạn phải hết sức tiết kiệm năng lượng. Bạn nên nhớ diễn giả mất đến 3 lít nước chỉ trong vòng 2 tiếng diễn thuyết, do vậy miệng luôn phải khép chặt. Tốt nhất nên tránh súc miệng và đánh răng.
• Bắt buộc phải đi bộ trong thiên nhiên. Theo quan sát, nếu bạn ở nhà cả ngày thì sẽ dần thấy ngày một khó chịu, mệt mỏi và ớn lạnh hơn. Ngược lại, mặc dù đi bộ hoặc làm việc ngoài trời có thể gây mệt nhưng bạn sẽ thấy khỏe mạnh, vui vẻ hơn, nhẹ nhõm, hoạt bát hơn. Nhưng như tôi vẫn nói với bệnh nhân, khi đi bộ hãy nhớ đến con mèo, hãy đi uyển chuyển, nhẹ nhàng và bình thản như chúng, không leo chỗ quá dốc, và nên tránh vận động quá mạnh.
• Trong các đợt nhịn ngắn ngày, nếu quá khó chịu bạn có thể tắm nước mát dưới vòi sen (ngậm miệng khi tắm), hoặc kiêng hẳn tắm nếu vẫn thấy thoải mái để đạt tác dụng trị liệu mạnh hơn.
• Tốt nhất là bạn không cạo râu khi nhịn, kể cả bằng máy cạo. Khi nhịn, cơ thể tái phân bổ tài nguyên, và những gì thừa thãi, không cần ngay thì cơ thể sẽ cắt giảm tối đa, do vậy móng và râu sẽ mọc chậm hơn.
• Chắc chắn bạn sẽ phải tự “vẽ việc” để khỏi nghĩ đến nước, như clip tấu hài chẳng hạn. Tôi hay xem phóng sự về thiên nhiên, phụ nữ có thể đan lát, có người thì tìm sách hay để đọc... Tôi còn tìm được một bài tập đơn giản và hiệu quả vừa giúp quên cơn thèm nước vừa hỗ trợ điều trị cột sống. Bạn nằm trên sàn, chống đầu gối lên và gập lại, lòng bàn chân bám vào sàn, nhấc lưng lên rồi đặt một chai nhựa 1,5 lít đựng nước ấm dưới lưng, sau đó tựa lưng lên chai nước và lăn chai dọc cột sống. Khi thực hiện, bạn có thể bị đau, nếu không đau quá nặng thì nên cố chịu. Bạn lăn chai từ bả vai xuống đến xương cụt, lăn qua mỗi vùng 10 lần (về sau tăng lên 30 lần). Khi xong bài tập, bạn sẽ cảm thấy nhẹ người và cột sống sẽ mềm dẻo hơn.
• Khi đang nhịn khô, bạn nên mặc đồ mỏng, đơn giản, “thoáng khí”, vải lanh là tốt nhất, đặc biệt không nên mặc đồ từ sợi tổng hợp.
• Bạn rất nên đi bộ chân đất vào buổi sáng để giúp cơ thể săn chắc và lợi tiểu. Buổi tối bạn nên ngủ ngoài trời nếu có thể, và không nên ngủ ngày.
• Luôn giữ phòng thông thoáng, mở các cửa trong phòng vào ban đêm.
• Bài tập thở hụt oxy rất giá trị khi nhịn khô, bạn làm như sau: hít vào chậm rãi, thở ra, nín thở lâu nhất có thể, rồi lặp lại. Tăng dần thời gian nín thở. Bài tập này rất tốt cho cơ thể khi đang nhịn khô.
• Khi các tế bào sống trong môi trường thuận lợi, chúng quen được nạp một lượng oxy không đổi và mất đi khả năng liên kết hiệu quả cũng như dùng oxy để sản sinh năng lượng cần thiết. Tại sao phải tằn tiện khi chẳng bao giờ thiếu thốn? Tế bào sẽ “lười” tổng hợp các cấu trúc chưa cần thiết ở một thời điểm nhất định. Do vậy, khi tuần hoàn mạch vành yếu đi, chúng không thể nhanh chóng tự tái cơ cấu và chuyển sang dạng trao đổi chất nội bào khác, lượng năng lượng mà chúng sản xuất sụt giảm khiến rốt cục chúng sẽ chết. Nếu bạn áp đặt tình trạng hụt oxy định kỳ và có kiểm soát cho các tế bào (gồm cả cơ tim), chúng sẽ được trải qua trạng thái đói oxy. Song trạng thái này không đến đột ngột vì mức độ thiếu oxy được kiểm soát chặt chẽ nên tất cả các tế bào vẫn bảo toàn nguyên vẹn chức năng. Cuộc “diễn tập” nhân tạo ấy sẽ kích thích cơ chế thích nghi. Các tế bào cơ tim bắt đầu ghi nhận tình trạng này, cơ chế chuyển hóa thay đổi, các cấu trúc chống hụt oxy hình thành. Đến khi bất ngờ bị hụt oxy, các cấu trúc tim mạch sẽ không bị tổn hại do đã thích nghi, đã có cơ chế liên kết và sử dụng oxy hiệu quả để tự cung cấp đủ năng lượng kể cả trong tình trạng máu thường xuyên lưu thông kém.
• Khó khăn nhất của nhịn khô là tình trạng khô miệng và cảm giác khát nước. Cơ thể bạn sẽ liên tục tìm nước, đồng thời kích hoạt các cơ chế để giữ nước như:
o giảm đổ mồ hôi
o niêm mạc mũi khô đi
o miệng khô hơn, chỉ đủ độ ẩm để nói chuyện vài phút
o xuất hiện chất nhầy dính hai môi lại.
Có một bài tập yoga giúp giảm nhẹ các tình trạng này.
Bài tập Yoga giúp giảm đói và khát
Đây là bài tập được giới thiệu trong các hướng dẫn Prana Yoga tên là “thở bằng lưỡi”.
Bạn lè lưỡi ra, cuộn lưỡi lại thành hình ống, và hít không khí vào qua cái ống này. Nín thở lâu nhất có thể, nhưng đừng cố quá, rồi từ từ thở ra qua cả hai mũi. Lặp lại 12 lần. Các Yogi tuyên bố bài tập này giúp dập tắt cơn đói và khát, đồng thời còn hạ nhiệt cơ thể, nạp thêm oxy vào máu, v.v. Dù sao đi nữa, khi tập trung vào hơi thở và đếm, bạn sẽ nhất thời quên đi nỗi ám ảnh về ăn uống. Đây là bài tập rất đơn giản.
Nếu vẫn chật vật với cảm giác đói và khát, bạn có thể ngậm viên sỏi hoặc một quả nho khô trong miệng để kích thích tiết nước bọt, vốn là chất lỏng có cấu trúc tự nhiên, và cơn khát sẽ giảm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thở bằng mũi và giữ im lặng.
Khoảng 80% người nhịn bị khó ngủ. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm xử lý của mình. Bạn khó vào giấc do lo lắng, dẫn đến các cơ bị căng gần như vô thức và vì thế cần được thả lỏng. Nếu bạn muốn xen kẽ thả lỏng với các hoạt động nhưng chưa biết cách, hãy dành thời gian cho bài tập sau đây, là phương pháp thư giãn dựa vào chu kỳ “tập trung – căng cơ – trì hoãn căng thẳng – giảm căng thẳng – thả lỏng” cho từng nhóm cơ.
Bài tập thả lỏng
Bài tập này cần 20 phút và một căn phòng yên tĩnh, nơi bạn không bị phân tâm. Sẽ dễ thực hiện hơn khi bạn mặc quần áo rộng. Ghi âm hướng dẫn hoặc nhờ người đọc chậm rãi cho đến khi bạn nhớ thứ tự các bước làm. Nằm thật thư thái trên một mặt phẳng cứng trong vài phút, tập trung vào hơi thở.
Chuyển sang tập trung vào tay phải và cẳng tay phải. Nắm bàn tay thành nắm đấm và căng cơ cẳng tay, giữ vài giây rồi thả lỏng nhanh hết mức, cứ thả lỏng như vậy cho đến khi cơ thư giãn hoàn toàn. Nghỉ 1 phút rồi tập trung lên bắp tay phải, gập cẳng tay lại rồi căng bắp tay, giữ vài giây rồi thả lỏng và nghỉ 1 phút. Tiếp theo đổi bên, làm tương tự với tay trái và cẳng tay trái. Sau đó tập trung lên trán, nhướn lông mày lên cao hết cỡ, giữ, thả lỏng, rồi nghỉ. Tập trung vào mắt, mũi và quai hàm. Nhắm chặt mắt, nhăn chặt mũi, giữ, thả lỏng, rồi nghỉ. Tiếp theo là cổ và họng. Cúi cằm đè xuống cho gần chạm ngực, giữ, thả lỏng, rồi nghỉ. Kế tiếp là ngực và vai. Đẩy hai bả vai về đằng sau hết cỡ, hít thật sâu, giữ, thả lỏng, rồi nghỉ. Tiếp theo là bụng. Siết cơ bụng như để đỡ đòn, giữ, thả lỏng, rồi nghỉ.
Đến đùi phải. Căng cơ đùi phải, giữ, thả lỏng, nghỉ. Bắp chân phải. Giơ chân lên và gập bàn chân lại, duỗi gót chân ra xa nhất có thể, giữ, thả lỏng, nghỉ. Bàn chân phải. Quắp ngón chân lại và xoay bàn chân vào trong, giữ, thả lỏng, nghỉ. Đổi bên, làm tương tự với đùi trái, bắp chân trái và bàn chân trái.
Bạn nên tập các bước này cho đến khi nhập tâm, tập mà không cần suy nghĩ nữa. Khi đã đạt đến mức này, có thể học thêm một vài kỹ thuật thư giãn ngắn giúp bạn thư giãn bất cứ lúc nào và luôn cảm thấy dễ chịu. Các kỹ thuật này nhằm giúp bạn thư giãn sâu mà không tốn quá nhiều thời gian và công sức.
Một cách khác là thư giãn toàn thân, bằng cách căng đồng thời tất cả các cơ lên, giữ vài giây rồi thả lỏng, các cơ sẽ thư giãn. Sau đó, bạn nên tưởng tượng các hình ảnh thiên nhiên tích cực: rừng cây, đồi núi, v.v. Dù có thể vẫn không ngủ được nhưng bạn sẽ được nghỉ sâu và chóng quên đi thời gian, mà điều này cực kỳ quan trọng khi nhịn khô.