Thực sự mình rất ít khi tranh luận trên Facebook về việc gì đó. Có thể do tính mình như vậy.
Và có thể bởi mình thấy Facebook cũng như cuộc đời, người thế này, người thế kia, mỗi người một quan điểm.
Nhưng hôm qua đọc một bài báo bàn về vấn đề liên quan đến giáo dục sớm thì mình hơi giật mình.
Trong bài báo đó, tác giả cho rằng, trẻ con không cần giáo dục sớm. Nhiều bà mẹ hơi quá khi cứ áp dụng dạy con thông minh kiểu Nhật. Cần cho trẻ chơi, tận hưởng tuổi thơ, dạy yêu lao động, dạy tự lập và lên 6 tuổi mới cần dạy học chữ.
Có điều mình hoàn toàn nhất trí là khi trẻ 6 tuổi hãy dạy chữ cho con. Vì bản thân mình cũng đợi con 6 tuổi mới làm việc này.
Tuy nhiên đọc xong, mình vẫn thấy có chút bần thần.
Hình như nói như thế có thể gây hiểu lầm.
Giáo dục sớm có gì sai? Theo mình, nó chỉ sai khi bị “tiểu học hóa”. Nghĩa là bạn đem những thứ đáng ra sẽ học ở tiểu học để dạy con khi con chưa đến tuổi. Còn nếu bạn kiên nhẫn dành thời gian chuyện trò, dạy con các trò chơi tư duy, dạy con khả năng quan sát, dạy con ghi nhớ từ những việc bé nhỏ hàng ngày, dạy con “kết bạn” với sách, yêu con chữ... thì mình nghĩ sẽ rất tốt. Và suy cho cùng, việc dạy trẻ yêu lao động, tự lập cũng là một trong những nội dung của giáo dục sớm. Mình thích cách dạy con, cách “giáo dục sớm” của người Nhật bởi sự điềm đạm, giản dị, chừng mực. Bản thân mình cũng đã cố gắng học theo. Nên nếu có ai đó áp dụng các phương pháp dạy con thông minh của các bà mẹ Nhật thì có gì sai không? Mình nghĩ là không. Nó cũng chỉ sai khi bạn quá cứng nhắc áp dụng mà không cân nhắc tới bản thân trẻ, tới hoàn cảnh và môi trường sống ở Việt Nam.
Còn nữa, bạn để ý quan sát những cuộc trò chuyện của đứa trẻ dưới 6 tuổi sẽ thấy: Nếu được khuyến khích và khơi gợi, hầu hết chúng sẽ biết tìm nguyên nhân và giải thích những vấn đề đơn giản. Trẻ biết bảo vệ quan điểm, thậm chí biết dự đoán được hậu quả từ những việc chúng đã trải nghiệm... Đó chẳng phải khởi nguồn của tư duy logic sao? Sao cứ phải đợi trẻ đến tuổi tiểu học mới dạy.
Nên mình thực sự e ngại với kiểu nhận định rất chắc chắn của một cá nhân nào đó về những điều chưa qua kiểm chứng, liên quan đến giáo dục.
Thực tế, mình cũng đã nhìn nhận lại bản thân. Nhiều khi những câu chuyện dạy con của mình cũng còn phiến diện lắm. Những chia sẻ đó phần nhiều chỉ được kiểm chứng qua một “case study” duy nhất là con trai mình. Cho nên mình cũng chưa thực sự thấy được một cách toàn diện tính đúng sai của chúng.
Mình tâm đắc với nhận định: Một chiếc áo không vừa cho tất cả mọi người.
Vậy nên các mẹ ơi, cứ an lòng nhé, đừng hoang mang dao động khi thấy người này nhận định thế này, người kia nhận định thế kia. Hãy lắng nghe con mình. Bởi mục đích cuối cùng của việc học là làm cho đứa trẻ tốt hơn chính nó của ngày hôm qua. Ngoài các phương pháp của khoa học, có một phương pháp ưu việt, đó là phương pháp của “Trái tim mẹ”.
Tất cả chỉ là gợi ý thôi các bạn ạ. Kể cả những gì mình viết!