Một đôi lần mình đọc đâu đó những ý kiến đại loại như: Đừng có mà mơ ước nhiều thế. Để cho con chơi đi. Muốn con làm thần đồng chắc. Rồi thậm chí kêu gọi: Các mẹ ơi, hãy ngừng mơ ước con trở thành thiên tài đi.
Thực ra mình rất hiểu dụng ý của người viết những dòng chữ đó. Nhưng mình tin không có bà mẹ nào khi nuôi con mà lại không có ước mơ.
Ước mơ có từ thuở bạn biết có một mầm sống trong cơ thể rồi đến khi bạn sinh con. Đứa bé nào khi ấy cũng mỏng manh, yếu ớt. Yếu ớt đến nỗi một con kiến cũng có thể bắt nạt được. Bạn rồi sẽ phải trải qua bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu lần con ốm con đau, bao nhiêu lần bạn rơi nước mắt... Tất cả những khó khăn đó, người mẹ có thể bước qua, mình tin là vì có tình thương yêu, có niềm hy vọng và mơ ước.
Vậy những ước mơ dù lớn hay nhỏ, thì những kì vọng về con cũng đẹp lắm chứ. Nó sẽ chỉ “có vấn đề” nếu:
• Vì những ước mơ đó mà bạn ép uổng con, biến con thành “máy học”.
• Bạn tước đi tuổi thơ của con, để lỡ của con những cơ hội khám phá cuộc sống vì con còn phải thực hiện những ước mơ của chính bạn.
• Bạn áp đặt ước mơ của bạn lên mơ ước của con khiến con không còn có cơ hội thử thách đam mê, không được đi đúng con đường mình chọn, không được sống là con...
Còn nếu như ước mơ chỉ như một niềm vui, một động lực thì chúng cần thiết biết bao cho những tháng ngày mẹ mang nặng rồi đẻ đau, nuôi con từ “một bàn tay đầy hai bàn tay vơi”. Phải không nào?
Vì đặc thù nghề nghiệp, mình có dịp làm quen với nhiều bà mẹ có những đứa con chẳng may bị khuyết tật, hay gặp vấn đề gì đó.
Tin mình đi, nếu làm mẹ của những đứa trẻ bình thường cực nhọc một thì khi làm mẹ của những bé như thế sẽ cực nhọc gấp trăm ngàn lần.
Không những cực nhọc, họ còn mang gánh nặng tâm lý.
Không phải người chồng nào, nhà chồng nào cũng hiểu và chia sẻ.
Và mình nghĩ, với những bà mẹ ấy, chính ước mơ là điểm tựa cho họ vịn vào và đi tới.
Họ mơ ước, y học sẽ tiến bộ hơn.
Họ mơ ước, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, con của họ sẽ thay đổi dù chỉ một chút thôi, một chút thôi.
Và mình trân trọng những ước mơ ấy.
Cả mình nữa, mình cũng có nhiều mơ ước về con trai. Nhớ hồi nào con học toán cũng lẹt đẹt lắm. Thế mà một hôm cô giáo gọi điện bảo: Chị ơi, dạo này Nam học toán tốt lắm, toàn nghĩ ra những cách giải bất ngờ. Mình đặt điện thoại xuống mừng húm, nghĩ thầm, khéo mà sau này trở thành... Ngô Bảo Châu.
Vài hôm sau, bạn ấy lại trở lại với tình trạng học toán như cũ. Mơ ước “Ngô Bảo Châu” cũng lặng lẽ tan theo.
Đợt vừa rồi bạn ấy được trường chọn đi biểu diễn trong dàn nhạc tại nhà hát Carnegie Hall ở New York. Thế là mẹ lại mơ: Khéo mà thành nghệ sỹ. Hi hi!
Những mơ ước kiểu như thế chỉ để động viên mình, để thấy có nhiều con đường, nhiều cơ hội có thể đến với con. Và người mẹ hoàn toàn có quyền hy vọng.
Vì thế, nếu có bà mẹ nào thấy con vẽ giỏi mà mơ con thành họa sỹ tài danh, thấy con hát hay mơ thành ca sỹ, thấy con học toán giỏi mơ thành nhà toán học... thì cũng đẹp mà. Và bạn hoàn toàn có quyền chia sẻ những ước mơ như một hạt mầm niềm vui ấy cho con bạn, cho bạn bè mà không sợ bị coi là “tham lam” đâu. Thật mà.
Hôm nọ mình “phỏng vấn” bố Nam: Cún đã sắp sang tuổi 15 rồi, bố mơ ước điều gì về con sau này?
Bố Nam ngẫm nghĩ một hồi rồi trịnh trọng: Anh già lại yếu, nên anh chỉ mơ nhanh có... cháu nội.
Ôi trời!
Nhưng mà nghĩ cũng thấy thú vị phết.
Sống một cuộc đời tử tế, bình dị, hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình, làm những gì mình yêu thích. Thế chẳng phải là cuộc sống đáng mơ ước hay sao.
Nam nhỉ!