Trên chuyến bay một mình từ Sài Gòn ra Hà Nội, mình lẩn mẩn quan sát hai mẹ con người khách ngồi cùng ghế. Bé gái khoảng chừng hơn 2 tuổi, xinh như một viên kẹo.
Bà mẹ còn rất trẻ, vừa lên máy bay, em bé chỉ vào cuốn tạp chí ở băng ghế phía trước và đòi nhưng mẹ gạt đi: Ngủ đi con!
Rồi áp mặt con vào ngực cho ti. Đứa bé ngọ nguậy khó chịu đạp, la hét ầm ĩ. Bà mẹ vẫn cương quyết cho con ngủ.
Rồi mình không quan sát nữa. Mà bắt đầu nghĩ ngợi vẩn vơ.
Quá khứ quay chậm về những chuyến bay của hai mẹ con mình. Những chuyến bay dài, từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi sang Nhật, lại quay về, liên tục trong mấy năm.
Nhưng mỗi chuyến bay là thời gian để hai mẹ con học cùng nhau.
Khi Nam còn bé xíu, trước mỗi lần bay, mẹ đều giải thích: Lên máy bay, ban đầu em sẽ thấy khó chịu một chút. Em phải nuốt nước bọt để khỏi đau tai. Em sẽ được nhìn ngắm mây bay và cũng có thể cùng mẹ chơi một số trò chơi thú vị nữa.
Vì Nam hiểu rõ những gì mẹ nói nên không có cảm giác sợ sệt khi lên máy bay. Cứ vừa lên là tự động thắt dây an toàn và ngồi yên.
Trên chuyến bay, bao giờ cũng có phần đọc sách.
Phải là cuốn sách gì con thích nhất.
Mẹ đọc cho con nghe, hỏi han lẩn mẩn và chỉ vào các hình vẽ. Trên máy bay không có điều kiện mang nhiều sách nên chỉ một cuốn thôi mà tận dụng tối đa. Vì ở trên máy bay có những điều mà có thể trong những tình huống bình thường mình chưa làm được.
Ví dụ, trong sách có hình con vẹt. Mình hỏi: Con gì đây con? À con vẹt. Con vẹt kêu thế nào nhỉ? Có giống con mèo không? Có giống con chó không? Con vẹt biết bắt chước tiếng người. Bây giờ con đóng giả làm con vẹt nhé, mẹ nói con bắt chước theo. Rồi, bây giờ đến lượt mẹ làm con vẹt. Cứ thế, chỉ một hình vẽ mà có rất nhiều chuyện để nói.
Còn nếu Nam không thích sách, có thể chỉ ra cửa sổ máy bay, nói chuyện về những đám mây, về sự kì diệu của trí tuệ con người khi nghĩ ra được những phương tiện có thể bay lên cùng với các đám mây. Chủ yếu là cho con thêm ước mơ và mơ mộng.
Kể cả khi không có sách cũng chẳng sao. Tận dụng luôn cuốn tạp chí trên máy bay. Mình nhớ là các tạp chí đều có giới thiệu các mặt hàng bán trên máy bay. Ví dụ là cái ba lô in hình logo của hãng bay chẳng hạn, mình sẽ hỏi: Em có ba lô đi học chưa nhỉ? Trong ba lô có gì? Ba lô có giống cặp sách không em? Em thích ba lô có hình gì?... Rất nhiều câu hỏi với một đồ vật.
Và rồi đến chơi trò chơi.
Mình tâm đắc nhất với trò chơi: Thêm cho câu dài ra.
Ví dụ nhé:
Mẹ nói: Tôi ăn.
Nam nói: Tôi ăn cơm.
Mẹ: Tôi ăn cơm với cá.
Nam: Tôi ăn cơm với cá với rau.
Mẹ: Tôi ăn cơm với cá với rau xanh.
Nam: Tôi ăn cơm với cá với rau xanh tươi.
Mẹ: Tôi ăn cơm với cá với rau xanh tươi ngon.
Nam: Tôi ăn cơm với cá với rau tươi xanh ngon tuyệt vời.
Mẹ: Tôi ăn cơm với cá với rau tươi xanh ngon tuyệt vời nhất trần đời.
Nam: Tôi ăn cơm với cá với rau tươi xanh ngon tuyệt vời nhất trần đời, ngon nhất quả đất.
Mẹ: Mẹ chịu thua rồi, câu dài quá, mẹ không biết thêm gì nữa đâu.
Thế là Nam cười toe toét. Và lại tiếp tục những câu khác. Việc thêm câu như thế ngoài khả năng tận dụng vốn từ còn kích thích khả năng ghi nhớ nữa. Rất nhiều ích lợi.
Và đến khi con mệt, thiu thiu ngủ, mình sẽ ôm con vào lòng vừa vỗ về con, vừa đọc những câu thơ nho nhỏ do mình “bịa đặt”: Cái chân xinh xinh/ Bàn tay bé xíu/ Cái bụng thơm tho/ Má tròn phúng phính/ Tóc mềm thơm mát/ Môi xinh hồng hào/ Ngủ đi mắt nào/ Mẹ yêu Nam lắm! Đọc đến đâu lại dùng tay khẽ xoa vào đó. Cứ thế cho đến khi máy bay hạ cánh. Chả mệt tẹo nào.
Mình kể chuyện này chỉ để nói: Bất cứ lúc nào mẹ cũng có thể sẵn sàng dạy con. Dạy con không có nghĩa là phải ngồi xuống bàn thành giờ, thành buổi. Chỉ cần hai mẹ con đi cạnh nhau, trò chuyện với nhau là có thể tạo nên một bài học tuyệt vời cho các con. Thảnh thơi, vui vẻ.
Tất nhiên, không phải bé nào cũng sẽ hợp tác. Có bé sợ hãi, la hét, nghịch ngợm. Khi đó lại cần đến suy nghĩ của mẹ xem trò nào thì con mình sẽ hợp tác tốt nhất.
Bí quyết nằm trong tay các bà mẹ.
Để những em bé được “bay” qua các tầng mây.