Sáng thứ Sáu
T
rên chuyến bay tới Miami, Malcolm không nhìn ra ngoài cửa sổ mà chỉ nhìn chằm chằm vào lớp cửa kính. Qua hình ảnh phản chiếu ấy, anh thấy mẹ, Laurel, đang khiêu vũ một mình trong căn phòng khách rộng lớn vào cái ngày bố mẹ anh gần như đã có được Domus Jefferson. Căn nhà với lớp sơn mới trắng tinh, phủ lên từng ngóc ngách, điều mà Jack đã thỏa thuận thêm trong hợp đồng mua bán. Lúc đó là mùa hè 1968, Malcolm được mười ba tuổi.
Trong nhà, Matthew, anh trai của Malcolm cứ lẵng nhẵng theo chất vấn cha mình về lợi nhuận có được từ việc mở quán trọ so với thu nhập ổn định ông có được từ vị trí trưởng phòng bảo trì của trường Đại học Virginia. Matthew thừa nhận đó chẳng phải là một vị trí có tiếng tăm gì, nhưng bù lại ông cũng là một người trong giới “cổ cồn xanh” thoải mái, thu nhập ổn định chưa kể những phúc lợi dành cho hai mươi năm phục vụ trong trường đại học. Đồng nghiệp của Jack thường gọi ông là Jack Barry, bởi ông vừa trông giống người dẫn chương trình truyền hình “Thế kỷ 21” vừa bởi ông khoái mấy cái tầm phào.
- Anh chắc phải là người trưởng phòng bảo trì giỏi nhất trong hệ thống trường đại học công lập. - Các bạn của Jack bảo thế. - Anh phải điều hành được cả bộ máy Đại học Yale ấy chứ. Anh là nhà nghiên cứu toilet cừ khôi nhất Hoa Kỳ. - Họ trêu, ông cười, họ càng chọc tợn, mà ông vẫn cười, biết rằng mình sẽ chẳng cười như thế được bao lâu. Mà thật vậy.
Jack và Laurel đã âm thầm nuôi dưỡng ước mơ sở hữu một quán trọ suốt mười năm, nhưng họ chỉ dám mong giấc mơ đó sẽ thành hiện thực khi các con trưởng thành và tự lập. Nhưng bỗng nhiên một món quà với sáu con số từ trên trời rơi xuống, khoản tiền thừa kế từ người bác đã qua đời của Jack ở Pittsburgh đã rút ngắn kế hoạch của họ.
Jack và Laurel đã thu xếp chỗ ở cho người em sinh đôi của Jack, là Joe, trả trước sáu tháng tiền nhà và thêm vài ngàn đô-la để ông này trang trải cuộc sống trong thời gian chưa kiếm được việc làm, mặc dù đó chẳng phải nghĩa vụ của vợ chồng họ. Trước khi nhà Cooper mua được cái quán trọ vài tuần, Joe bị sa thải khỏi vị trí chăm sóc cây cảnh của Hạt Albemarle. Có vẻ như họ không đồng ý việc ông ta lái chiếc xe cắt cỏ đi bốn dặm đường xuống trung tâm thành phố để uống rượu trong giờ nghỉ trưa.
***
- Anh uống gì không? - Giọng nói nhẹ nhàng của cô tiếp viên hàng không khiến anh giật mình. Malcolm lắc đầu và kéo tấm che nắng cửa sổ máy bay xuống. Anh vốn không phải là người dễ ngủ. Anh với tay tắt đèn trên đầu mình, tựa đầu vào cửa sổ và nhắm mắt lại.
Anh nhớ tới Samantha, cô em gái luôn âu sầu. Cô bé đang đọc truyện Shakespeare trước hiên nhà và tự hỏi không biết chừng nào bố mẹ mới cho phép mình gọi cuộc điện thoại đường dài tiếp theo. Cô bé mười tuổi vẫn còn rất buồn vì phải xa bạn bè ở Charlottesville để dời về tận phía bắc, thung lũng Shenandoah vùng Virginia. - Ít ra thì Charlottesville chỉ hơi yên tĩnh một chút. - Cô phàn nàn với bố mẹ mình. - Còn ở đây thì đi mỏi hết cả đầu gối.
Mặc dầu Samantha nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở Woodstock và có một mớ bạn mới, cô vẫn luôn nhớ về cuộc sống thị thành cô bỏ lại sau lưng, nơi thành phố do Thomas Jefferson gầy dựng. Cô tìm được sự cân bằng nơi căn nhà kiểu thôn quê hai phòng ngủ cách tòa nhà chính hơn bốn mươi mét, nơi cô và anh trai Malcolm sống đến khi cả hai học hết phổ thông trung học.
Thay vì tận hưởng sự riêng tư của căn nhà mà cô được thừa hưởng, điều khiến không ít người thầm đố kỵ, Samantha cứ nhớ về Charlottesville. Cụ thể là cô nhớ những sân khấu kịch nói và cả những cơ hội được thử vai trong các vở diễn. Từ khi lên sáu tuổi, Samantha đã có nhiều cơ hội lên sân khấu, tuy chỉ là các vai phụ nhưng với kinh nghiệm diễn xuất như thế cũng đủ để cô bé có thể đánh giá cái nhà hát kịch của thung lũng Shenandoah là thiếu tính chuyên nghiệp, chẳng có tương lai và cũng chả hấp dẫn bởi toàn những tài năng không được mài giũa. Cô bé nhiều lần dọa sẽ bỏ hết tất cả lại Virginia để xin quá giang đi hàng trăm dặm về Washington, D.C, bắt chuyến xe lửa Amtrak(*) đến thành phố New York, và chụp một tấm ảnh lưu niệm tại nhà hát Broadway(**). Vào sinh nhật lần thứ mười bảy, cô đã thực hiện điều đó.
(*) Amtrak: Chuyến xe lửa phục vụ Thành phố New York tại Ga Pennsylvania, nối đến các thành phố Boston, Philadelphia và Washington, D.C. dọc theo tuyến hành lang Đông Bắc cũng như phục vụ tuyến đường dài đến các thành phố như Chicago, New Orleans, Miami, Toronto và Montreal.
(**) Broadway: Hệ thống bao gồm 39 nhà hát chuyên nghiệp (500 ghế trở lên) ở Manhattan, New York. Broadway là địa điểm du lịch hấp dẫn của thành phố New York.
Vào năm gia đình Cooper chuyển đến Woodstock, Matthew, cậu con trai lớn nhất nhà lúc bấy giờ được mười bảy tuổi, và nhờ hai mùa hè học tại trường dạy hè ở Charlottesville, anh đã sắp xếp thời khóa biểu để tốt nghiệp phổ thông sớm hơn bình thường cả năm. Bỏ mặc lời khuyên của cha là hãy đăng ký học năm cuối cấp ở trường để vừa hưởng thụ tuổi trẻ vừa tham gia đội bóng Falcons của câu lạc bộ Woodstock Central High, Matthew gần như không màng gì đến thể thao. Anh nóng lòng thi vào Đại học Virginia Tech tại Blacksburg và bắt đầu học ngành kinh doanh. Sợ làm cha anh thất vọng, đội thể thao ba môn phối hợp với toàn các ngôi sao đã viện lý do Matthew bị đau đầu gối và đề nghị anh nên ngừng chơi thể thao. Matthew tin rằng cha anh hy vọng con trai mình sẽ kiếm được bạc triệu. Mà đúng vậy, Matthew cũng ước mơ về một cuộc sống giàu có, nhưng anh muốn tạo dựng ra nó ở sàn chứng khoán Phố Wall chứ không phải trên sân cỏ.
Giờ đây Malcolm có thể hình dung lại cái đêm mùa hè ấy rõ ràng hơn cả thời điểm anh trải qua nó. Mẹ mặc chiếc váy màu vàng nhạt và xoay vòng theo đĩa nhạc của Elvis phát ra từ chiếc máy hát cũ có sẵn của quán trọ. Anh ngồi ở cái bàn ăn to tướng và nhìn bà.
- Mẹ, đó không phải là khiêu vũ.
- Ô, không phải ư, Malcolm Cooper?
- Sammie nhảy còn khá hơn.
- Thôi đi, đồ ngốc. - Samantha quát vọng qua cửa sổ ngoài hiên.
- Samantha!
- Xin lỗi mẹ... Ngốc. Được chưa?
Laurel cố nén cười.
- Con có muốn mang giày khiêu vũ vào không. Ngài Cooper trẻ tuổi? - Mẹ anh khiêu khích.
- Được chứ, nhưng một bản thôi nhé. - Anh vừa nói vừa bước qua cửa tiến vào phòng khách. - Coi nè, Sammie. - Anh cao giọng. – Ít ra em cũng học được vài chiêu.
- Thí dụ như chuyện anh ọe vào giầy em hử?
- Lo mà đọc truyện đi, Samantha. Và dẹp kiểu xấc láo đó đi, ông nhỏ. - Laurel nheo mắt một cách khôi hài và chìa tay ra. - Chúng ta nhảy chứ?
Liên tiếp ba bài hát, Malcolm và mẹ anh nhảy từ phòng khách qua phòng ăn, lả lướt xoay tròn quanh chiếc bàn như thể nó là một cặp bạn nhảy khác trên sàn, và thậm chí hai mẹ con vào tới nhà bếp.
- Con nhảy khá đấy chứ! - Laurel kêu lên í ới khi bà cúi thấp người để chui qua cánh tay cậu con trai. - Hay hơn cả lời đồn nhiều!
Trừ khi lời nói được phát ra từ Chúa, nếu không bất cứ điều gì nghe được cũng không nên tin.
***
- Xin hành khách chú ý. - Giọng nói của một cô tiếp viên vang lên bằng một thứ tiếng Anh ít bị ảnh hưởng bởi chất giọng Brazil như đa số người Malcolm từng gặp suốt thời gian sống ở đây. – Chúng ta đang chuẩn bị hạ độ cao lần cuối cùng để đáp xuống Miami. Đề nghị quý khách tắt tất cả các thiết bị điện tử cầm tay, nâng lưng tựa ghế ngồi về vị trí thẳng đứng và ổn định chỗ ngồi. Giờ địa phương là 3 giờ 30 phút chiều.
Malcolm đưa cho cô tiếp viên ba vỏ bịch bánh quy và một lon nước Sprite, rồi lôi cái túi ói từ trong khoang ghế trước mặt ra cầm sẵn trên tay, phòng khi cần thiết.
Ngang qua dãy ghế bên kia là hai cậu bé Brazil, Malcolm đoán chúng là anh em song sinh, và một người đàn ông, chắc là ông bố, ngồi cái ghế giữa hai đứa nhỏ và xem tạp chí bóng đá. Hai cậu bé châu đầu vào nhìn và chỉ trỏ hình các cầu thủ. Chúng cãi nhau xem cầu thủ nào chơi giỏi hơn. - Suỵt. - Ông bố nói. - Fecham suas bocas. - Ông nhìn qua Malcolm và cười.
Mắt Malcolm lại muốn díp lại, rồi anh nhìn thấy một cái sân cỏ đá bóng nhếch nhác gần một nhà thờ nhỏ chẳng mấy khi được chăm chút tại Sete Lagoas. Anh đang cuốc bộ về nhà sau bữa trưa, ngang qua khu quảng trường của thị trấn, nơi có những nhà hàng, quán bar và tiệm bánh, bên cạnh một trong bảy cái hồ mà tên của nó được đặt cho thị trấn này. Bao tử anh ních đầy đậu đen, gạo và thịt bò thái sợi. Anh vẫn còn cảm nhận được mùi vị ngọt ngào của ly sô-đa vị dâu rừng sủi bọt hiệu Guaraná trên đầu lưỡi.
- Oi, amigo! - Một thằng nhóc kêu lên. - Americano! Ameriacano!
Malcolm quay lại.
- Quer jogar?
Malcolm cười toe toét và chỉ vào đôi dép xỏ ngón của anh. - Não tenho sapatos. - Anh nói. - Não tenho sapatos.
Thằng nhỏ cười và nửa tá những cầu thủ nhí khác vây quanh, nhìn chàng trai Mỹ cao to, da trắng.
- Olha! - Một trong số đó hét lên và tất cả những đứa còn lại đều chỉ vào chân mình.
Malcolm đã không để ý: một nửa đám con nít mang dép, nửa kia đi chân đất. Malcolm lại cười, bước vào sân cỏ và hất đôi dép xỏ sang một bên. Một đứa trong số chúng ra hiệu cho anh cởi áo sơ mi để gia nhập phe không mặc áo. Anh làm theo, chỉ ít lâu sau, trời trút một cơn mưa tầm tã.
Trận đấu bắt đầu.
Malcolm chạy khắp sân cỏ đến nỗi hai chân phồng rộp để đuổi theo quả bóng và mấy chú nhóc như thể anh mới mười hai tuổi. Cả bọn tung hứng và chuyền bóng qua lại trước mặt anh như đang di chuyển theo điệu nhạc. Cuối cùng, Malcolm cũng có một cơ hội để thoát xuống làm bàn, thằng nhóc thủ môn nhào ra cản bóng nhưng bị trượt nước mưa và Malcolm ghi bàn. Anh đoan chắc thằng nhóc thủ môn té có chủ ý.
Malcolm nháy mắt với nó.
Nó nháy lại với anh.
Mặc kệ người ngợm sũng sĩnh nước mưa và lấm lem bùn đất, Malcolm thộp lấy cái áo sơ mi và buông người nằm ngửa ra giữa sân. Cả bọn lao tới nằm đè lên anh và hỏi dồn dập về nước Mỹ.
Anh có giàu không? Bầu trời nước Mỹ màu gì? Anh có từng chơi một trận 7-11? Anh có vợ chưa? Chó Mỹ có sủa tiếng Anh không? Anh có thể dẫn cả bọn về nhà cùng không? Hay chỉ một đứa thôi?
Malcolm vui vẻ trả lời từng đứa một và trước khi rời sân cỏ anh móc ra từ túi quần một mớ giấy bạc ướt mèm. Anh đưa cho một đứa trong số chúng và chỉ tay về tiệm bánh bên kia đường. Cả bọn reo lên vui sướng. Một số bắt tay anh, những đứa còn lại nói “Chạm tay cái nào! Chạm tay cái nào!”.
Một đứa khác chỉ nói Obrigado - và trao anh một cái ôm thật lâu.
Khi anh đang mường tượng về gương mặt lấm lem và đầy biết ơn của cậu bé nọ thì hai chú nhóc ngồi gần anh trong chuyến bay đến Miami cười toáng lên và bố chúng lại phải răn đe. Malcolm quay đầu ra phía cửa sổ và nhìn xuống đại dương.
Bố mẹ mất rồi, anh nhủ thầm.
Chỉ còn vài tiếng và một chuyến bay nữa là anh sẽ được gặp Matthew và Samantha với cảm giác khó xử, một đám tang cho hai người, và những ký ức về sự xung đột với bố. Đầu óc anh quay cuồng.
Một cảm giác run sợ xuất hiện trong tâm trí anh, hơn cả việc nghĩ đến cuộc hội ngộ khó khăn với các anh em, đó là cái quyền lực anh đã cố trốn chạy và người đàn ông đã cướp đi tình yêu thời trai trẻ của anh.
Bố và mẹ đã mất.
Và mặc dù đã cố gắng xua đi, nhưng anh như cảm nhận được mùi nước hoa của Rain phảng phất đâu đây.