Tự hát tặng bản thân!
Cơ Apollo mới thực ngầu
Ngầu, ngầu hơn nhiều lắm
GHÉT LÀM SAO KHI MÌNH ĐOÁN TRÚNG.
Bước đến cuối đường hầm, cái từ TỬ THẦN sáng rực lên sau lưng bọn ta. Cả bọn bước vào một căn phòng rộng hình tròn, đường hầm tỏa thành năm hướng trước mặt như năm ngón tay của một người máy khổng lồ.
Ta chờ gợi ý tiếp theo hiện ra trên tường. Chẳng cần biết câu đố là gì, ta chỉ tha thiết mong đáp án sẽ là KHÔNG HẲN. Hoặc VÀ NGÀI CHIẾN THẮNG DỄ DÀNG!
“Sao chưa có gì xảy ra hết vậy?” Grover hỏi.
Meg nghiêng đầu. “Nghe kìa.”
Máu chạy rần rần điếc tai, nhưng rồi ta cũng nghe ra cái điều Meg bảo: một tiếng rú thất thanh, dội lên từ đáy sâu thăm thẳm, nghe giống tiếng thú hơn là tiếng người, hòa với tiếng lửa tanh tách, như thể…ôi thần linh ơi. Như thể ai đó hay cái gì đó vừa trúng phải lửa Titan và đang thoi thóp hơi tàn.
“Nghe như quái vật,” Grover xác định. “Có nên cứu nó không?”
“Kiểu gì?” Meg hỏi.
Cô bé nói đúng. Thanh âm vọng đến quá mơ hồ, ta chẳng biết được là từ hướng đường hầm nào, ấy là chưa kể bọn ta đâu phải muốn đi đường nào là đi.
“Đi tiếp thôi,” ta quyết định. “Medea hẳn đã cho quái vật canh gác dưới này. Vừa rồi chắc là một con đã dính chưởng. Ta không nghĩ ả bận tâm đến đám thuộc hạ lâu lâu bị biến thành thịt quay đâu.”
Grover nhăn mặt. “Nghe không phải đạo cho lắm, bỏ mặc nó bị giày vò như vậy.”
“Vả lại,” Meg đế thêm, “nhỡ mấy con quái vật đó kích hoạt đám lửa nào rồi đẩy thẳng tới chỗ chúng ta thì sao?”
Ta trừng mắt nhìn cô chủ nhỏ. “Hôm nay em ăn trúng cái gì mà hỏi toàn mấy câu ám quẻ vậy? Phải có niềm tin đi chứ.”
“Vào Nữ Tiên Tri á?” Cô hỏi lại. “Vào đôi giày quỷ quái này?”
Ta không biết trả lời sao. May thay cái lời gợi ý dù muộn còn hơn không cũng đã hiện ra, đỡ cho ta phải đau não. Lần này là ba dòng chữ vàng bằng tiếng La Tinh.
“Ồ, tiếng La Tinh kìa!” Grover kêu lên. “Chờ đã. Tôi đọc được.” Cậu nheo mắt nhìn dòng chữ, thế rồi thở dài. “Thua. Không đọc được.”
“Thật đấy hả? Tiếng Hy Lạp không biết, La Tinh cũng không?” Ta hỏi. “Người ta dạy cậu cái gì ở trường thần rừng vậy?”
“Chủ yếu là những thứ quan trọng. Như thực vật các loại ấy.”
“Cám ơn,” Meg lầm bầm.
Ta dịch lại manh mối cho hai người bạn thất học.
“Giờ ta sẽ kể huyền thoại đức vua.
Người sau cuối trị vì dân La Mã
Người vô luân song rất đỗi bá cường.”
Ta gật gù. “Đây hẳn là thơ của Ovid.”
Hai kẻ kia vẫn bày ra bộ mặt đơ như cây cơ.
“Vậy đáp án là gì?” Meg hỏi. “Vị hoàng đế La Mã cuối cùng à?”
“Không, không phải hoàng đế,” ta nói. “Trong buổi đầu La Mã, thành Rome được cai trị dưới quyền các vị vua. Vị vua cuối cùng, vị vua thứ bảy, đã bị lật đổ, rồi La Mã trở thành nền cộng hòa.”
Ta cố hồi tưởng lại những ngày tháng của Vương quốc La Mã. Quãng thời gian đó có hơi mờ mịt với ta. Hồi đó thần linh bọn ta vẫn còn đóng đô ở Hy Lạp. La Mã thì chẳng khác mấy một chốn khỉ ho cò gáy. Cơ mà vị vua cuối cùng…hắn gợi lên vài kí ức không hay cho lắm thì phải.
Meg cắt ngang dòng hồi tưởng. “Bá cường là gì?”
“Hùng mạnh,” ta bảo.
“Nghe không giống. Ai đó mà nói tôi bá cường là tôi đập cho chết.”
“Nhưng em rõ ràng vừa bá đạo vừa cường bạo mà.”
Cô thụi ta một cú.
“Oái.”
“Hai người à,” Grover nói. “Vị vua cuối cùng của La Mã tên là gì vậy?”
Ta ngẫm nghĩ. “Ta…hừmm. Vừa mới nhớ ra đây mà. Ta…gì gì đó.”
“Taco?” Grover nhiệt tình hỏi.
“Sao một vị vua La Mã lại có tên là Taco chứ?”
“Không biết.” Grover xoa xoa bụng. “Vì tôi đói chăng?”
Quỷ tha ma bắt đám thần rừng đi. Giờ trong đầu ta cũng chỉ toàn bánh taco. Nhưng rồi câu trả lời cũng quay lại. “Tarquin! Hoặc Tarquinius theo tiếng La Tinh!”
“Chậc, vậy là cái nào?” Meg hỏi.
Ta quan sát mấy lối đi. Cái đường hầm ngoài rìa bên trái như ngón cái có mười ô, đủ cho chữ Tarquinius. Đường hầm ở giữa có bảy ô, đủ cho chữ Tarquin.
“Cái đó,” ta chỉ đường hầm nằm giữa.
“Sao ngài dám chắc?” Grover hỏi. “Vì mũi tên nói đáp án là tiếng Anh à?”
“Một phần,” ta thừa nhận, “phần còn lại là vì mấy đường hầm này nhìn như năm ngón tay. Mê cung quẳng cho ta ngón giữa cũng hợp lí thôi.” Ta cao giọng. “Có đúng vậy không? Đáp án là Tarquin, ngón giữa? Ta cũng mê ngươi lắm cung ơi.”
Bọn ta cất bước, cái từ TARQUIN vàng rực sáng bừng lên phía sau.
Hành lang dẫn tới một căn phòng vuông lớn nhất từ nãy đến giờ. Vách phòng và sàn khảm đá La Mã ố màu, nhìn rất giống hàng thật, cơ ta khá chắc người La Mã chưa từng đánh chiếm bất kì khu đô thị nào ở Los Angeles làm thuộc địa.
Không khí ở đây thậm chí còn hanh khô hơn. Sàn nhà nóng tới mức truyền qua cả đế giày. Phòng này chỉ được một cái hay duy nhất: chỉ có ba đường hầm để chọn thay vì năm.
Grover khịt khịt mũi. “Tôi không thích căn phòng này. Có mùi gì đó như…quái vật.”
Meg siết chặt cặp kiếm cong. “Hướng nào?”
“Ừm…tất cả?”
“A, nhìn kìa,” ta cố làm giọng hào hứng, “manh mối tiếp theo.”
Cả ba bước đến bức tường khảm gần nhất, trên đó hiện lên hai dòng chữ bằng tiếng Anh:
Lá, xác lá, sống trên ta, trên cái chết,
Cội rễ đời đời, tán lá cao – Ôi Đông lạnh chẳng giết ngươi đâu, mỏng manh chiếc lá.
Có lẽ não ta vẫn còn kẹt lại ở tiếng La Tinh với Hy Lạp, bởi ta đọc xong mà chả hiểu gì dù mấy chữ này chỉ viết bằng tiếng Anh.
“Tôi thích câu đố này,” Meg nói. “Nó nói về lá.”
“Ừ, rất nhiều lá,” ta đồng tình. “Nhưng hoàn toàn vô nghĩa.”
Grover ho sặc. “Vô nghĩa? Ngài không nhận ra à?”
“Ờ…bộ ta phải nhận ra sao?”
“Ngài là thần thi ca mà!”
Mặt ta bắt đầu nóng lên. “Ta từng là thần thi ca không có nghĩa ta là một cái từ điển sống biết tất cả những dòng chữ tối nghĩa từng được viết ra…”
“Tối nghĩa?” Cái giọng the thé của Grover dội khắp mấy hành lang nghe đến rợn gáy. “Đây là thơ của Walt Whitman đó! Trong tập Lá của cỏ! Tôi không nhớ chính xác là bài nào, cơ mà…”
“Anh đọc thơ sao?” Meg hỏi.
Grover liếm môi. “Ừ thì…chủ yếu là thơ về thiên nhiên. Whitman tuy là con người nhưng viết ra những bài rất hay về cây cối.”
“Lá nữa,” Meg chỉ ra. “Rễ nữa.”
“Chính xác.”
Ta rất muốn giảng cho hai cái kẻ này một bài về việc Walt Whitman đã được tôn vinh quá đà thế nào. Cái tên đó suốt ngày chỉ biết ca hát với bản thân mà không lo ca ngợi người khác, như ta chẳng hạn. Nhưng thôi, muốn chỉ trích gì để sau hẵng tính.
“Vậy cậu có biết đáp án không?” Ta hỏi Grover. “Đây là câu hỏi điền vào chỗ trống à? Hay trắc nghiệm? Đúng sai?”
Grover nghiên cứu lại mấy dòng thơ. “Hình như… vâng. Đầu dòng thiếu mất một từ. Lẽ ra phải là Mộ lá, xác lá, rồi gì gì đó.”
“Mộ lá?” Meg hỏi. “Vậy đâu có nghĩa gì. Xác lá cũng vậy. Trừ khi ông ta nói về tiên cây.”
“Là hoán dụ,” ta nói. “Ông ta đang miêu tả một vùng đất chết bị cây cối bao trùm…”
“Ồ, giờ thì ngài lại thành nhà phê bình thơ Walt Whitman rồi đấy,” Grover nói.
“Đừng có nhờn với ta nhé thần rừng. Một khi ta trở lại làm thần…”
“Cả hai thôi ngay đi,” Meg ra lệnh. “Apollo, nói đáp án đi.”
“Được rồi.” Ta thở dài. “Mê cung ơi, đáp án là mộ.”
Cả bọn một lần nữa an toàn đi qua ngón giữa…ý ta là hành lang giữa. Chữ MỘ sáng bừng sau lưng.
Cuối đường hầm, bọn ta bước vào một căn phòng hình tròn rộng rãi, trang trí cầu kì hơn cả căn hồi nãy. Mái vòm khảm gạch hai màu xanh bạc, tạo hình các cung hoàng đạo. Đường hầm tỏa ra sáu hướng. Giữa phòng đặt một đài phun cũ, ngặt nỗi lại cạn khô. (Cho chút nước có phải hay không. Dịch thơ với giải câu đố tốn nước bọt lắm chứ.)
“Mấy căn phòng càng lúc càng rộng hơn,” Grover nhận xét. “Và lộng lẫy hơn.”
“Cũng tốt thôi,” ta bảo. “Vậy chắc là chúng ta sắp đến đích.”
Meg đưa mắt nhìn hình ảnh mấy chòm sao. “Anh chắc là mình không đi nhầm chứ? Lời tiên tri cho đến lúc này thấy tùm lum quá. Apollo đối mặt tử thần Tarquin mộ.”
“Em phải sắp xếp rồi thêm thắt vài từ nữa,” ta nói. “Ta tin rằng thông điệp ở đây là Apollo đối mặt tử thần trong lăng mộ Tarquin.” Ta nuốt khan. “Thật ra thì ta không thích cái thông điệp này chút nào. Không chừng chúng ta phải tự thêm vô mấy chữ như Apollo KHÔNG đối mặt tử thần; lăng mộ Tarquin…gì gì đó. Có lẽ mấy từ tiếp theo sẽ là tặng cho ngài một phần thưởng tuyệt vời.”
“Ừ hử.” Meg chỉ tay ra mép đài phun, trên đó vừa xuất hiện lời gợi ý tiếp theo. Ba dòng bằng tiếng Anh:
Mang tên người tình của Apollo, loài hoa này nên trồng vào mùa thu.
Đặt củ vào trong đất, đầu nhọn hướng lên. Lấp đất lại.
Tưới nước liên tục… bạn đang cấy ghép.
Ta dằn xuống tiếng nấc.
Cái mê cung đã bắt ta đọc thơ Walt Whitman. Giờ nó lại lôi quá khứ ta ra mà bêu rếu. Nhắc đến người tình bạc mệnh Hyacinthus của ta, đến cái chết bi kịch của chàng, biến chàng thành một câu đố vui cho Sấm Truyền… Không. Thế này là quá lắm rồi.
Ngồi phịch xuống mép đài phun, ta vùi mặt vào hai lòng bàn tay.
“Sao thế?” Grover căng thẳng hỏi.
Meg trả lời. “Mấy dòng này nói về bạn trai cũ của anh ta. Hyacinth.”
“Hyacinthus,” ta sửa lại.
Ta đứng bật dậy, đau buồn hóa thành giận dữ. Hai người kia nhích lùi lại. Nhìn ta chắc giống một thằng điên lắm, mà đó cũng chính là cảm giác của ta lúc này.
“Herophile!” Ta gào lên với bóng tối. “Ta tưởng cô là bạn ta chứ!”
“Ừm, Apollo này?” Meg nói. “Tôi không nghĩ cô ta cố tình trêu anh đâu. Vả lại đáp án ở đây là về hoa hyacinth, lan dạ hương. Tôi khá chắc mấy dòng này lấy trong cuốn Niên Giám Nhà Nông.”
“Ta cóc cần biết nó có lấy trong niên giám điện thoại hay không!” Ta gầm lên. “Đủ lắm rồi. LAN DẠ HƯƠNG!” Ta hét vào đường hầm. “Đáp án là LAN DẠ HƯƠNG! Cô vừa lòng chưa?”
Meg quát lên, “KHÔNG!”
Đúng lí ra cô phải quát đứng lại Apollo! Nếu thế thì ta đã buộc phải tuân theo rồi. Vậy nên những gì xảy ra tiếp theo là lỗi tại Meg hết đó.
Ta xăm xăm bước vào cái hành lang duy nhất có mười ô.
Grover và Meg vội chạy theo, nhưng đến khi họ đuổi kịp thì đã quá trễ.
Ta quay đầu nhìn lại chữ LAN DẠ HƯƠNG dưới sàn. Thế nhưng chỉ có sáu ô sáng bừng lên với sắc đỏ nhức nhối của bút sửa bài.
T
R
Ừ
K
H
I
Mặt sàn dưới chân biến mất, cả bọn rơi thẳng vào hố lửa.